Tác dụng
Tác dụng của insulin lispro là gì?
Insulin lispro được sử dụng kèm với chế độ ăn uống và chương trình tập thể dục thích hợp để kiểm soát đường huyết cao ở những người bị bệnh tiểu đường. Kiểm soát đường huyết cao giúp ngăn ngừa tổn thương thận, mù lòa, các vấn đề thần kinh, mất chân tay, và các vấn đề chức năng tình dục. Kiểm soát thích hợp bệnh tiểu đường cũng có thể làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Insulin lispro là sản phẩm nhân tạo tương tự như insulin của người. Nó thay thế insulin mà bình thường cơ thể bạn tạo ra. Insulin lispro hoạt động nhanh hơn và kéo dài trong một thời gian ngắn hơn so với insulin thông thường. Nó hoạt động bằng cách giúp đường huyết (glucose) đi vào tế bào để cơ thể sử dụng để tạo năng lượng. Insulin lispro thường được sử dụng chung với một sản phẩm insulin tác dụng trung hoặc kéo dài. Insulin lispro cũng có thể được sử dụng với các thuốc trị tiểu đường đường uống khác (như sulfonylurea, glyburide hoặc glipizide).
Bạn nên dùng insulin lispro như thế nào?
Bạn nên tìm hiểu tất cả hướng dẫn chuẩn bị và sử dụng từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe và trên bao bì sản phẩm.
Trước khi sử dụng, kiểm tra sản phẩm bằng mắt thường có các hạt bụi hoặc sự đổi màu không. Nếu có, không được sử dụng insulin. Insulin lispro phải trong suốt và không màu.
Trước khi tiêm mỗi liều, làm sạch nơi tiêm bằng cồn. Thay đổi vị trí tiêm mỗi lần để giảm bớt tổn thương dưới da và để tránh các vấn đề phát triển dưới da (loạn dưỡng mô mỡ). Insulin lispro có thể được tiêm vào vùng bụng, đùi, hoặc mặt sau của cánh tay trên. Không tiêm vào da bị đỏ, sưng, hoặc ngứa. Không tiêm insulin lạnh vì có thể gây đau đớn. Các thùng chứa insulin bạn đang sử dụng có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng (xem thêm phần lưu trữ).
Tiêm insulin lispro dưới da theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là 15 phút trước khi ăn hoặc 20 phút sau khi bắt đầu bữa ăn. Không tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp vì có thể gây hạ đường huyết. Bởi vì đây là insulin tác dụng nhanh, không sử dụng insulin nếu bạn không thể ăn trong vòng 15 phút sau khi tiêm thuốc hoặc nếu bạn có mức đường huyết thấp. Không ăn ngay sau khi tiêm một liều insulin có thể dẫn đến hạ đường huyết. Đừng chà xát khu vực sau khi tiêm.
Tiêm tĩnh mạch insulin lispro chỉ nên thực hiện bởi một chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra.
Nếu bạn được hướng dẫn để tiêm insulin này bằng bơm truyền dịch, đọc kỹ hướng dẫn và chỉ dẫn kèm theo bơm truyền dịch. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy hỏi chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Tránh phơi bơm hoặc ống tiêm trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời hoặc các nguồn nhiệt khác. Không pha loãng insulin nếu bạn đang sử dụng ống tiêm insulin.
Sản phẩm này chỉ được trộn với một số sản phẩm khác như insulin NPH. Luôn đưa insulin lispro vào ống tiêm trước, sau đó mới đến insulin tác dụng kéo dài. Không bao giờ tiêm hỗn hợp các loại insulin khác nhau vào một tĩnh mạch. Tham khảo chuyên gia chăm sóc sức khỏe về những sản phẩm có thể trộn lẫn, các phương pháp thích hợp để pha trộn insulin, và cách thích hợp để tiêm hỗn hợp insulin. Không trộn insulin nếu bạn đang sử dụng ống tiêm insulin.
Nếu bạn được hướng dẫn pha thêm chất lỏng với insulin lispro trước khi sử dụng (pha loãng), hãy hỏi chuyên gia chăm sóc sức khỏe để biết cách chính xác pha loãng insulin.
Không thay đổi loại nhãn hiệu hoặc loại insulin mà không có hướng dẫn từ bác sĩ.
Liều lượng dựa trên tình trạng sức khoẻ và đáp ứng với điều trị. Đo mỗi liều cẩn thận bởi vì ngay cả những thay đổi nhỏ trong liều lượng insulin cũng có thể ảnh hưởng lớn đến mức đường huyết.
Kiểm tra lượng đường trong nước tiểu/ đường huyết theo chỉ dẫn của bác sĩ. Theo dõi kết quả và thảo luận với bác sĩ. Điều này rất quan trọng để xác định liều lượng insulin thích hợp.
Dùng insulin lispro thường xuyên để có được lợi ích tốt nhất từ thuốc. Để giúp bạn ghi nhớ, sử dụng thuốc ở cùng thời điểm mỗi ngày.
Bạn nên bảo quản insulin lispro như thế nào?
Bảo quản insulin lispro trong thùng chứa và để ngoài tầm với trẻ em. Bảo quản lọ insulin lispro trong tủ lạnh nhưng không được đông lạnh. Nếu cần thiết, bạn có thể bảo quản lọ thuốc đang sử dụng bên ngoài tủ lạnh ở nhiệt độ phòng đến 28 ngày, tránh xa nguồn nhiệt trực tiếp hoặc ánh sáng mặt trời. Nếu bác sĩ bảo bạn pha loãng lispro insulin, các lọ thuốc pha loãng có thể được bảo quản 28 ngày trong tủ lạnh hoặc 14 ngày ở nhiệt độ phòng. Bảo quản bút và hộp bút insulin lispro còn thừa không sử dụng trong tủ lạnh nhưng không được đông lạnh. Bảo quản bút và hộp bút bạn đang sử dụng bên ngoài tủ lạnh ở nhiệt độ phòng trong 28 ngày. Bảo quản bút đóng sẵn có chứa Humalog Mix75/25 hoặc Humalog Mix50/50 đang sử dụng bên ngoài tủ lạnh ở nhiệt độ phòng trong 10 ngày. Insulin lispro sử dụng trong ống tiêm insulin bên ngoài nên được vứt bỏ nếu được tiếp xúc với nhiệt độ trên 37°C. Nhiệt độ của insulin có thể cao hơn nhiệt độ không khí bên ngoài nếu các nhà máy bơm, nắp, ống, hoặc hộp đựng được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc nguồn nhiệt trực tiếp. Vứt bỏ bất kỳ thuốc nào đã quá hạn hoặc không còn cần thiết. Bạn nên hỏi dược sĩ về việc tiêu hủy thuốc đúng cách.
Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng insulin lispro cho người lớn là gì?
Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh tiểu đường tuýp 1:
Tổng số lượng yêu cầu insulin hàng ngày:
Liều khởi đầu là 0,5-0,8 đơn vị/kg/ngày, dùng tiêm dưới da.
Liều cho giai đoạn giữa là 0,2-0,5 đơn vị/kg/ngày, dùng tiêm dưới da.
Điều trị chia liều là 0,5-1,2 đơn vị/kg/ngày, dùng tiêm dưới da.
Đối với tình trạng kháng insulin, dùng 0,7-2,5 đơn vị/kg/ngày, dùng tiêm dưới da.
Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh tiểu đường tuýp 2:
Liều khởi đầu, đơn trị liệu là 0,5-1,5 đơn vị/kg/ngày, dùng tiêm dưới da.
Liều duy trì, đơn trị liệu với tổng nhu cầu insulin hàng ngày có thể lên đến 2,5 đơn vị/kg hoặc cao hơn ở những bệnh nhân béo phì và kháng insulin.
Liều dùng insulin lispro cho trẻ em là gì?
Liều dùng thông thường cho trẻ em mắc bệnh tiểu đường tuýp 1:
Liều khởi đầu là 0,5-0,8 đơn vị/kg/ngày, dùng tiêm dưới da.
Liều cho giai đoạn giữa là 0,2-0,5 đơn vị/kg/ngày, dùng tiêm dưới da.
Điều trị chia liều là 0,5-1,2 đơn vị/kg/ngày, tiêm dưới da.
Đối với tình trạng kháng insulin, dùng 0,7-2,5 đơn vị/kg/ngày, dùng tiêm dưới da.
Liều dùng thông thường cho trẻ em mắc bệnh tiểu đường tuýp 2:
Liều khởi đầu, đơn trị liệu là 0,5-1,5 đơn vị/kg/ngày, dùng tiêm dưới da.
Liều duy trì, đơn trị liệu với tổng nhu cầu insulin hàng ngày có thể lên đến 2,5 đơn vị/kg hoặc cao hơn ở những bệnh nhân béo phì và kháng insulin.
Insulin lispro có những dạng và hàm lượng nào?
Insulin lispro có những dạng và hàm lượng sau:
- Thuốc tiêm: 100 đơn vị/mL.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng insulin lispro?
Bạn cần cấp cứu ngay nếu bạn có bất cứ dấu hiệu dị ứng insulin nào như: ngứa phát ban da trên toàn bộ cơ thể, thở khò khè, khó thở, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, hoặc cảm thấy như bạn có thể ngất xỉu.
Hạ đường huyết, hoặc đường huyết thấp, là tác dụng phụ thường gặp nhất của insulin. Các triệu chứng bao gồm đau đầu, đói, suy nhược, đổ mồ hôi, run, khó chịu, khó tập trung, thở nhanh, nhịp tim nhanh, ngất xỉu, hoặc co giật (hạ đường huyết nặng có thể gây tử vong). Bạn nên mang theo viên kẹo cứng hoặc viên đường trong trường hợp bạn bị hạ đường huyết.
Insulin lispro và insulin lispro protamine cũng có thể gây hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp). Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn có những triệu chứng như lú lẫn, nhịp tim không đều, khát cực kỳ, đi tiểu nhiều, chân khó chịu, yếu cơ hoặc cảm giác khập khiễng.
Báo với bác sĩ nếu da bạn bị ngứa, sưng, đỏ, hoặc dày da nơi tiêm insulin lispro và insulin lispro protamine.
Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng/ Cảnh báo
Trước khi dùng insulin lispro bạn nên biết những gì?
Trước khi sử dụng insulin lispro, bạn nên:
- Báo với bác sĩ và dược sĩ nếu bạn bị dị ứng với insulin (Humulin, Novolin, những thuốc khác), bất kỳ thành phần nào của insulin lispro, hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác. Hỏi dược sĩ hoặc kiểm tra thông tin của nhà sản xuất để biết danh sách các thành phần.
- Báo với bác sĩ và dược sĩ thuốc kê toa và không kê toa, vitamin, thực phẩm chức năng, và các sản phẩm thảo dược bạn đang dùng hoặc dự định dùng. Hãy chắc chắn để đề cập đến các thuốc sau: thuốc ức chế men chuyển angiotensin như benazepril (Lotensin), captopril (Capoten), enalapril (Vasotec), fosinopril (Monopril), lisinopril (Prinivil, Zestril), moexipril (Univasc), perindopril, (Aceon), quinapril (Accupril), ramipril (Altace), và trandolapril (Mavik); thuốc ức chế thụ thể angiotensin như azilsartan (Edarbi), candesartan (Atacand, trong Atacand HCT), eprosartan (Teveten, trong Teveten HCT), irbesartan (Avapro, trong Avalide), losartan (Cozaar, trong Hyzaar), olmesartan (Benicar, trong Azor , Benicar HCT), telmisartan (Micardis, trong Micardis HCT), và valsartan (Diovan, trong Diovan HCT, EXFORGE); thuốc chẹn beta như atenolol (Tenormin), labetalol (Normodyne), metoprolol (Lopressor, Toprol XL), nadolol (Corgard), và propranolol (Inderal); thuốc hạ cholesterol như fenofibrate (Antara, Lofibra, Tricor, Triglide), gemfibrozil (Lopid), và niacin (Niacor, Niaspan, trong Advicor); một số thuốc điều trị virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) hoặc hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) bao gồm atazanavir (Reyataz), darunavir (Prezista), fosamprenavir (Lexiva), indinavir (Crixivan), lopinavir (Kaletra), nelfinavir (Viracept), ritonavir (Norvir ), saquinavir (Invirase), và tipranavir (Aptivus); clonidine (Catapres, trong Clorpres); danazol; digoxin (Digitek, Lanoxin); disopyramide (Norpace); thuốc lợi tiểu; fluoxetine (Prozac, Serafem, trong Symbyax); liệu pháp thay thế hormone; isoniazid (INH, Nydrazid); lithi (ESKALITH, Lithobid); thuốc điều trị hen suyễn và cảm lạnh; thuốc điều trị tâm thần và buồn nôn; Thuốc ức chế MAO bao gồm isocarboxazid (Marplan), phenelzine (Nardil), selegilin (ELDEPRYL) và tranylcypromin (PARNATE); octreotide (Sandostatin); thuốc uống tránh thai (viên thuốc tránh thai); thuốc điều trị tiểu đường dạng uống như pioglitazone (Actos, trong Actoplus Met và những thuốc khác) và rosiglitazone (Avandia, trong Avandamet và những thuốc khác); thuốc uống steroid như dexamethasone (Decadron, Dexone), methylprednisolone (Medrol), và prednisone (Deltasone); pentamidine (NebuPent, Pentam); pentoxifylline (Trental); Pramlintide (Symlin); reserpin; thuốc giảm đau salicylate như aspirin, choline magie trisalicylate (Trisalate), salicylate choline (Arthropan), diflunisal (Dolobid), magne salicylat (Doan, những thuốc khác), và salsalate (Argesic, Disalcid, Salgesic); somatropin (Nutropin, Serostim, những thuốc khác); thuốc kháng sinh nhóm sulfa; và các thuốc trị bệnh về tuyến giáp. Bác sĩ có thể thay đổi liều thuốc của bạn hoặc theo dõi bạn một cách cẩn thận để quan sát các tác dụng phụ.
- Báo bác sĩ nếu bạn có hoặc từng có tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường hoặc các bệnh khác, bao gồm bệnh thận hoặc gan.
- Báo bác sĩ nếu bạn đang mang thai, dự định có thai, hoặc đang cho con bú. Nếu bạn có thai trong thời gian sử dụng insulin lispro, gọi cho bác sĩ.
- Báo cho bác sĩ hoặc nha sĩ rằng bạn đang sử dụng lispro insulin nếu bạn có phẫu thuật, kể cả phẫu thuật nha khoa.
- Rượu có thể gây ra thay đổi đường huyết. Hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng an toàn các loại đồ uống có cồn trong khi bạn đang sử dụng lispro insulin.
- Hỏi bác sĩ phải làm gì nếu bạn bị bệnh, căng thẳng khác thường, thay đổi bài tập thể dục và mức độ hoạt động. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến đường huyết và lượng insulin bạn cần.
- Hỏi bác sĩ mức độ thường xuyên mà bạn nên kiểm tra đường huyết. Hãy nhận biết rằng hạ đường huyết có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các nhiệm vụ như lái xe, và hỏi bác sĩ nếu bạn cần phải kiểm tra đường huyết trước khi lái xe hay vận hành máy móc.
- Đường huyết cao có thể xảy ra nhanh chóng nếu máy bơm hoặc tiêm truyền insulin ngừng hoạt động, hoặc nếu ống bơm insulin dự trữ không hoạt động (bị thoái hóa). Vấn đề có thể bao gồm máy bơm trục trặc hoặc các vấn đề về ống bơm như tắc nghẽn, rò rỉ, ngắt kết nối, hoặc xoắn dây. Nếu vấn đề không được tìm thấy nhanh chóng và điều chỉnh, hãy gọi bác sĩ. Tạm thời sử dụng thuốc tiêm insulin dưới da (sử dụng ống tiêm hoặc bút insulin) nếu cần. Hãy chắc chắn rằng bạn có insulin và bất kỳ vật dụng cần thiết dự trữ trong tầm tay, và hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ cách bạn sử dụng chúng.
Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú
Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Thuốc này thuộc nhóm thuốc B đối với thai kỳ, theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Ghi chú: Phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai:
- A= Không có nguy cơ;
- B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
- C = Có thể có nguy cơ;
- D = Có bằng chứng về nguy cơ;
- X = Chống chỉ định;
- N = Vẫn chưa biết.
Chưa có nghiên cứu đầy đủ ở phụ nữ để xác định nguy cơ ở trẻ sơ sinh khi sử dụng insulin lispro trong thời gian cho con bú. Cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro trước khi dùng insulin lisprotrong khi đang cho con bú.
Tương tác thuốc
Insulin lispro có thể tương tác với thuốc nào?
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Thức ăn và rượu bia có tương tác tới insulin lispro không?
Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.
Tình trạng sức khoẻ nào ảnh hưởng tới insulin lispro?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:
- Tiêu chảy;
- Tuyến thượng thận hoạt động kém;
- Tuyến yên hoạt động kém;
- Nôn mửa – Tình trạng này làm giảm đường huyết và có thể làm giảm lượng insulin hoặc insulin lispro bạn cần;
- Rối loạn cảm xúc;
- Sốt;
- Bệnh;
- Nhiễm trùng;
- Căng thẳng – Tình trạng này làm tăng lượng đường huyết và có thể làm tăng lượng insulin cần thiết;
- Hạ đường huyết (đường huyết thấp) – Không sử dụng thuốc ở bệnh nhân mắc tình trạng này. Nếu bạn có mức đường huyết thấp và dùng insulin, mức đường huyết của bạn có thể hạ thấp đến mức độ nguy hiểm;
- Hạ kali máu (kali trong máuthấp) – Có thể làm bệnh nặng hơn và gia tăng nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng;
- Bệnh thận;
- Bệnh gan – Tác dụng của insulin lispro có thể tăng lên do thuốc chậm đào thải ra khỏi cơ thể.
Khẩn cấp/ Quá liều
Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Quá liều insulin lispro có thể xảy ra nếu bạn sử dụng quá liều insulin lispro hoặc nếu bạn sử dụng đúng liều lượng insulin lispro nhưng ăn ít hơn bình thường hoặc tập thể dục nhiều hơn bình thường. Insulin lispro quá liều có thể gây hạ đường huyết. Nếu bạn có những triệu chứng của hạ đường huyết, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Các triệu chứng quá liều khác có thể bao gồm:
- Hôn mê;
- Co giật.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Insulin lispro phải được tiêm ngay trước hoặc sau bữa ăn. Nếu bạn nhớ ra liều đã quên trước hoặc ngay sau bữa ăn, tiêm liều đó ngay. Nếu đã qua bữa ăn một khoảng thời gian, hãy thực hiện theo hướng dẫn được cung cấp bởi bác sĩ hoặc gọi cho bác sĩ để xác định bạn có nên tiêm liều đã quên hay không. Không tiêm một liều gấp đôi để bù cho liều bỏ lỡ.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.