Tác dụng
Tác dụng của dextromethorphan là gì?
Dextromethorphan là thuốc có tác dụng tạm thời giúp giảm ho không có đờm do viêm đường hô hấp (viêm xoang, cảm lạnh). Thuốc này không được dùng để điều trị những cơn ho dai dẳng do hút thuốc hoặc do những vấn đề hô hấp kéo dài (ví dụ như: viêm phế quản mãn tính, khí phế thũng) nếu không được chỉ định bởi bác sĩ. Dextromethorphan là thuốc làm giảm cảm giác muốn ho.
Nhũng thuốc này không dùng để chữa trị hay rút ngắn thời gian bị cảm và có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng. Để giảm nguy cơ của tác dụng phụ, hãy thực hiện theo đúng hướng dẫn về liều dùng. Đùng dùng thuốc này để làm trẻ buồn ngủ và ngủ dễ hơn. Đừng dùng những thuốc trị ho, cảm khác do có thành phần tương tự. Hãy hỏi bác sĩ và dược sĩ về những cách làm giảm triệu chứng ho, cảm (như uống đủ nước, xịt mũi bằng nước muối sinh lý, dùng máy điều hòa độ ẩm).
Bạn nên dùng dextromethorphan như thế nào?
Uống thuốc mỗi 4 đến 12 giờ theo nhu cầu hoặc chỉ dẫn từ bác sĩ. Nếu dạ dày khó chịu, hãy uống thuốc kèm với thức ăn hoặc uống sữa. Nếu bạn dùng thuốc dạng dung dịch, dùng thiết bị đo liều y khoa để đo đúng liều uống. Đừng dùng muỗng ở nhà vì có thể bạn không đo được đúng liều. Nếu bạn dùng dung dịch uống, nhớ lắc đều chai trước khi đo liều.
Liều dựa trên những loại thuốc bạn đang dùng, độ tuổi, tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng điều trị của bạn. Nếu bạn tự dùng thuốc để điều trị mà không được bác sĩ chỉ định, hãy đọc kỹ hướng dẫn liều dùng trên nhãn thuốc để tìm được liều dùng thích hợp và hiệu quả nhất.
Nếu bác sĩ chỉ định bạn dùng thuốc hằng ngày, thì hãy nhớ dùng thuốc thường xuyên như bác sĩ chỉ định để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất. Để dễ nhớ, hãy uống thuốc vào cùng thời điểm mỗi ngày.
Việc dùng thuốc không đúng (như lạm dụng thuốc) có thể gây nhiều tác hại nghiêm trọng (ví dụ như tổn thương não, co giật, tử vong). Đừng tăng liều, dùng nhiều hoặc kéo dài hơn thời gian dùng thuốc được hướng dẫn. Hãy ngưng thuốc đúng cách khi được chỉ định.
Hãy báo với bác sĩ nếu các triệu chứng dai dẳng hoặc diễn tiến nghiêm trọng hơn sau hơn 1 tuần hoặc nếu bạn bị sốt, cảm lạnh, đau đầu, phát ban. Đây có thể là những dấu hiệu của tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Bạn nên bảo quản dextromethorphan như thế nào?
Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm. Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng dextromethorphan cho người lớn là gì?
Liều dùng thông thường cho người lớn bị ho
- Viên nang, dung dịch, viên nén, siro: dextromethorphan 10mg đến 30mg uống mỗi 4 đến 8 giờ.
- Thuốc ngậm: 3 viên ngậm (dextromethorphan 10mg/viên) mỗi 6 đến 8 giờ.
- Viên phóng thích chậm: 60mg uống mỗi 12 giờ.
- Miếng ngậm: dextromethorphan 15mg đến 30 mg ngậm mỗi 6 đến 8 giờ.
- Liều tối đa: dextromethorphan 120mg/ngày.
Liều dùng dextromethorphan cho trẻ em là gì?
Liều dùng thông thường cho trẻ em bị ho
Trẻ em từ 2 đến 6 tuổi:
- Dung dịch, thuốc ngậm, viên nén, siro: 2,5 đến 7,5mg uống mỗi 6 đến 8 giờ.
- Dung dịch 5 mg/5 ml dạng uống: 5 ml uống mỗi 4 giờ. Không hơn 4 liều trong 24 giờ.
- Viên phóng thích chậm: dextromethorphan 15mg uống mỗi 12 giờ.
- Liều tối đa: 30 mg/ngày.
Trẻ em từ 7 đến 12 tuổi:
- Miếng ngậm: ngậm 2 miếng mỗi 6 đến 8 giờ.
- Dung dịch, viên ngậm, viên nén, siro: dextromethorphan 5mg đến 10mg uống mỗi 4 giờ hoặc dextromethorphan 15mg mỗi 6 đến 8 giờ.
- Dung dịch 5 mg/5 ml dạng uống: 10 ml uống mỗi 4 giờ. Không hơn 4 liều trong 24 giờ.
- Viên phóng thích chậm: 30mg uống mỗi 12 giờ.
- Liều tối đa: 60mg/ngày.
Trẻ em trên 12 tuổi:
- Viên nang, dịch lỏng, viên ngậm, viên nén, siro: dextromethorphan 10mg đến 30mg uống mỗi 4 đến 8 giờ.
- Miếng ngậm: dextromethorphan 15mg đến 30mg uống mỗi 6 đến 8 giờ.
- Liều tối đa: 120 mg/ngày.
Dextromethorphan có những dạng và hàm lượng nào?
Dextromethorphan có dạng dextromethorphan hydrobromide (dextromethorphan HBr) và hàm lượng sau:
- Dung dịch, thuốc uống: 12,5 mg/5 ml, 10 mg/15 ml, 30 mg/5 ml, 7,5 mg/5 ml, 7,5 mg/ml, 15 mg/5 ml, 30 mg/15 ml;
- Siro, thuốc uống: 20 mg/15 ml, 5 mg/5 ml, 10 mg/5 ml, 7,5 mg/5 ml, 15 mg/5 ml;
- Viên ngậm: dextromethorphan 5mg, 10mg, 7,5mg;
- Viên nang, thuốc uống: dextromethorphan 15mg;
- Miêng ngậm: dextromethorphan 7,5mg.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng dextromethorphan?
Hãy gọi cấp cứu ngay khi bạn mắc bất cứ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng như: phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, họng.
Ngưng dùng dextromethorphan và gọi bác sĩ ngay khi bạn mắc những tác dụng phụ nghiêm trọng như:
- Choáng váng, lo âu;
- Lú lẫn, ảo giác;
- Thở chậm, thở nông.
Tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể gặp phải như khó chịu dạ dày.
Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng/Cảnh báo
Trước khi dùng dextromethorphan bạn nên biết những gì?
Trước khi dùng dextromethorphan bạn nên:
- Báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn dị ứng với dextromethorphan hoặc bất kỳ thuốc nào khác hoặc bất kỳ thành phần nào trong các thuốc dự định dùng. Hãy xem danh sách các thành phần trên nhãn thuốc;
- Đừng dùng dextromethorphan nếu bạn đang dùng các thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI), các dẫn xuất như isocarboxazid (Marplan), phenelzine (Nardil), thuốc trị Parkinson (Eldepryl, Emsam, Zelapar), và tranylcypromine (Parnate), hoặc nếu bạn ngưng dùng thuốc MAOI trong vòng 2 tuần trước khi dùng dextromethorphan;
- Báo với bác sĩ hoặc dược sĩ những loại thuốc kê toa hoặc không kê toa, vitamin, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược mà bạn đang dùng hoặc dự định dùng;
- Báo với bác sĩ nếu bạn hút thuốc, nếu bạn ho có đàm hoặc gặp vần đề về hô hấp như: hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, khí phế thũng;
- Báo với bác sĩ nếu bạn có thai, dự định có thai hoặc cho con bú;
- Báo với bác sĩ nếu bạn mắc bệnh phenylceton niệu, bạn nên biết rằng một vài nhãn hiệu viên nén nhai có chứa dextromethorphan có thể được làm ngọt bằng aspartame, một dạng phenylalanine.
Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú
Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Tương tác thuốc
Dextromethorphan có thể tương tác với thuốc nào?
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
- Celecoxib (Celebrex);
- Cinacalcet (Sensipar);
- Darifenacin (Enablex);
- Imatinib (Gleevec);
- Quinidine (Quinaglute, Quinidex);
- Ranolazine (Ranexa);
- Ritonavir (Norvir);
- Sibutramine (Meridia);
- Terbinafine (Lamisil);
- Thuốc trị tăng huyết áp;
- Thuốc chống trầm cảm như amitriptyline (Elavil, Etrafon), bupropion (Wellbutrin, Zyban), fluoxetine (Prozac, Sarafem), fluvoxamine (Luvox), imipramine (Janimine, Tofranil), paroxetine (Paxil), sertraline (Zoloft)…
Thức ăn và rượu bia có tương tác tới dextromethorphan không?
Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến dextromethorphan?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:
- Hen suyễn – Vì dextromethorphan làm giảm ho, vì vậy sẽ khó khăn để loại bỏ chất nhầy trong phổi và đường hô hấp trong lúc bị hen suyễn;
- Tiểu đường – Một vài thuốc chứa đường có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết;
- Bệnh gan – Dextromethorphan có thể tích tụ trong cơ thể và gây nên những tác dụng không mong muốn;
- Viêm phế quản mãn tính;
- Bệnh khí phế thũng;
- Ho nhầy, ho đờm;
- Thở chậm – Dextromethorphan có thể giảm nhịp thở hoặc thậm chí làm tình trạng này nghiêm trọng hơn.
Khẩn cấp/Quá liều
Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Những triệu chứng quá liều như:
- Buồn nôn;
- Nôn mửa;
- Uể oải;
- Choáng váng;
- Thị lực thay đổi;
- Khó thở;
- Tim đập nhanh;
- Ảo giác;
- Co giật;
- Hôn mê.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Nguyên nhân gây viêm họng ở trẻ em và cách đối phó
- Những điều bố mẹ cần biết về viêm họng hạt ở bé
- Bạn có biết viêm họng có thể là triệu chứng dị ứng?