EDITOR: HANNAH
Em muốn đưa anh về nhà bà ngoại em
Cùng ngắm nhìn mặt trời lặn, mãi cho đến khi chúng ta đều say ngủ
Em cứ muốn nắm tay anh như vậy không buông
Trăm ngàn vạn tình yêu của bao người, trăm ngàn vạn hôn nhân của bao người, có trăm ngàn vạn dáng hình.
*****
Nếu có người hỏi tôi ước nguyện ban đầu khi viết bộ truyện này là gì, có lẽ là do tôi muốn ghi chép lại những câu chuyện nhỏ mà tôi thấy tốt đẹp, thú vị. Vì có những lúc đầu óc không tốt lắm, hơn nữa hiện giờ bản thân cũng càng ngày càng dễ quên, nhưng mà nếu đem những câu chuyện này biến thành câu văn thì sẽ khác.
Biên tập viên của tôi nói, có những điều thú vị thì nên bộc lộ sẻ chia. Đây là tổng hợp những câu chuyện nhỏ mà tôi từng trải qua, tôi không cảm thấy nó quá tốt đẹp nhưng mà đối với tôi, nó lại có ý nghĩa sâu đậm. Mọi người đọc xong, nếu thể chất và tinh thần có thể vui vẻ thêm một chút là tôi đây liền thấy thỏa mãn rồi.
001.
Thầy S đưa học sinh đi tham gia thi đấu, buổi tối còn phải làm thêm giờ, nhờ tôi trợ giúp.
Tôi hỏi: “Giúp anh thì em được cái gì?”
Thầy S: “Anh mời em ăn cơm nhé?”
Tôi lắc đầu.
Thầy S : “Mua cho em quần áo nhé?”
Tôi tiếp tục lắc đầu.
Thầy S vẻ mặt bất đắc dĩ: “Anh đoán không ra, em cứ nói thẳng em muốn thế nào đi.”
Tôi nheo mắt, nói: “Thi đấu giành giải thưởng, có thưởng tiền không?”
Thầy S hiểu ra vấn đề: “Có, nếu giành giải, tiền thưởng sẽ chia cho em một nửa.”
Tôi tung ta tung tăng giúp anh xong việc. Thầy S không phụ sự kỳ vọng, làm thầy giáo hướng dẫn quả thật đã đạt giải, tiền thưởng cũng rất khá.
Thầy S cầm tiền về, đưa cho tôi, nói: “Đây là toàn bộ tiền thưởng, em đếm xem, chúng mình chia đều.”
Tôi vui sướng hớn hở đếm xong, sau đó nhét hết vào trong ví tiền của mình.
Thầy S tức giận trừng mắt nhìn tôi, hỏi: “Không phải đã thỏa thuận mỗi người một nửa à? Sao em nói mà không giữ lời thế?”
Tôi “ứ” một tiếng, hỏi vặn lại: “Anh mới quen em hả?”
Thầy S không hiểu, hỏi: “Cái gì cơ?”
Tôi cười : “Anh mới quen em hả? Em có khi nào giữ lời đâu.”
Thầy S: “……”
002.
Khu nhà của chúng tôi gần đây không được yên ổn, một tòa nhà gần đó bị trộm “ghé thăm”.
Buổi tối tôi cùng thầy S bàn chuyện phòng trộm, đang nói chuyện, thầy S không biết nghĩ gì mà một lúc lâu không trả lời.
Tôi: “Chồng à, anh đang nghĩ gì thế? Tính diện tích à?”
Chúng tôi đang tính tiền lắp khung cửa chống trộm, tôi cho rằng anh ấy đang tính toán xem cửa sổ nhà rộng bao nhiêu.
Thầy S: “Không.”
Tôi: “Thế anh làm gì mà mãi không lên tiếng thế?”
Thầy S khó xử nói: “Haizzz… Em xem di, hai ta hiện giờ không phải thường xuyên ở xa nhau à? Anh một mình ở nhà, nếu một buổi tối nào đó, đêm tối gió lên, trong nhà có một nữ tặc xinh đẹp ghé thăm, cô ta giở trò với anh, anh có nên từ chối cô ta hay không đây?”
Tôi: “……”
003.
Trời lạnh, cuối tuần tôi cùng thầy S đi dạo trung tâm mua sắm.
Đi ngang qua một cửa hàng bán áo lông vũ, thầy S nghi hoặc hỏi: “Vì sao lại có nhãn hiệu tên là ‘Vịt Vịt’*?”
* Chú thích: Nhãn hiệu tên là 鸭鸭 YAYA
Tôi suy nghĩ một lúc rồi đáp: “Có lẽ là vì dùng lông vịt đó, nghe nói áo lông vũ đều dùng lông cổ vịt hoặc lông cao cấp phía dưới cánh bỏ thêm vào.”
Thầy S gật đầu, khích lệ tôi: “Vợ anh thật là bác học đa tài.”
Tôi rất hưởng thụ lời khen đó, đắc ý nhướng mày, lại nghe anh hỏi: “Thế nếu dùng lông gà bỏ thêm vào thì nhãn hiệu này phải đổi tên thôi, thành ‘Kê Kê’** à?
** Chú thích: Kê là gà
Giả thiết này nghe cứ sai sai thế nào, nhưng mà tôi lại không tìm ra vấn đề ở đâu, rốt cuộc sai ở chỗ nào?
004.
Có một hôm tôi xem phim truyền hình, nữ chính hỏi nam phụ vẫn luôn không chịu từ bỏ mình: “Rốt cuộc anh coi trọng em ở điểm gì? Em sửa lại không được à?”
Tôi cười lăn lộn, cũng hỏi thầy S ngồi bên đang đọc sách: “Anh rốt cuộc coi trọng em ở điểm gì?”
Thầy S không thích xem tivi, nếu tôi lôi kéo anh ấy ngồi cùng tôi, anh ấy liền tìm một quyển sách, anh ấy đọc sách, tôi xem tivi.
Thầy S nghe thấy câu hỏi của tôi, hỏi lại tôi: “Thế em nói xem em có những ưu điểm gì, nói xong anh sẽ nói cho em biết rốt cuộc anh coi trọng em ở điểm nào?”
Tôi lập tức bỏ rơi cái tivi không quan tâm nữa, giơ ngón tay ra điểm lại: “Trẻ tuổi, xinh đẹp, thông minh lanh lợi, không chê nghèo ham giàu, độc lập tự mình cố gắng, còn đặc biệt có thể chịu khổ…”
Những từ ngữ ngợi ca trong đầu tôi mới chỉ nói ra được hơn một nửa, thầy S đã vung tay lên, ý bảo tôi dừng lại. Sau đó anh nhìn tôi chằm chằm trái phải vài vòng rồi mới gật đầu nói: “Những thứ em vừa nói, anh cảm thấy chỉ có câu cuối cùng có điểm đúng.”
Tôi cố nhớ lại lời mình vừa nói, câu cuối cùng là: “Còn đặc biệt có thể chịu khổ.”
Dù cho những điều trước đó không đúng với mình, tóm lại vẫn còn một câu, dù chỉ là một câu cũng khiến tính hiếu thắng được thỏa mãn. Trong lòng tôi mừng thầm, thầy S lại nói: “Nhưng mà, câu cuối cùng cũng chỉ có năm chữ đầu là đúng.”
Năm chữ đầu?
“Còn có thể đặc biệt ăn***……”
*** Chú thích: Nguyên văn trong tiếng Trung là “Còn có thể đặc biệt ăn khổ”, ý là “Còn có thể đặc biệt chịu khổ” nhưng ở đây thầy S chơi chữ, ý nói Tĩnh Du ăn nhiều.
Xong việc, tôi nghiêm túc suy ngẫm điều anh nói, hình như cũng không sai. Ví dụ như người khác ra ngoài chơi, trước tiên đều hỏi thăm phong cảnh chỗ nào đẹp, mà câu đầu tiên tôi hỏi lại là nơi nào có đồ ăn ngon, câu tiếp theo là nơi đó có nhiều trai đẹp không, mặc nhiều quần áo không?
Biết làm sao được, thực và sắc là thiên tính nha.
005.
Thầy S đưa tôi đi đem thức ăn cho chó hoang ven đường, tôi nhìn dáng vẻ kiên nhẫn của anh, khen ngợi anh: “Ai da, chồng à, anh nhân ái như thế, có đôi lúc em cảm thấy anh chính là một thiên sứ.”
Thầy S thong thả đáp: “Thiên sứ gì đó đều ở trên thiên đường, chồng em còn trẻ thế này, chưa muốn lên thiên đường đâu, thế nên anh không làm thiên sứ nổi.”
Đúng là quá gây mất hứng mà!
006.
Trong phim truyền hình, nữ chính khóc sướt mướt mãi không thôi, thầy S đang đọc sách cũng không nhịn nổi làu bàu: “Có khóc đổ tường thành thì nam chính cũng sẽ không hồi tâm chuyển ý đâu.”
Tôi cảm thấy anh ấy thật không biết “thương hoa tiếc ngọc”, bèn nói: “May mà em không thích khóc, bằng không đối với loại động vật máu lạnh như anh, đúng là lãng phí nước mắt.”
Thầy S đóng sách lại đứng dậy, phủi phủi ống quần cười nói: “Trước đây không lâu anh từng đọc được một câu, nói rằng phụ nữ khóc nhiều là phế vật, không khóc là quái vật.”
Được rồi, khóc hay không khóc đều là em sai.
007.
Tôi cùng thầy S đi gặp bạn, trên cột đèn bên đường dán tờ thông cáo, nội dung thông cáo là người vợ chính thức lên án chồng mình ngoại tình, vô tình với vợ.
Tôi đọc xong trong lòng thổn thức không thôi, nói với thầy S: “Thời nay hôn nhân thật không vững bền, nếu có một ngày đôi ta đi đến hoàn cảnh này, anh cũng không thể đối xử với em như vậy.”
Thầy S không quan tâm tới tôi, tôi tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình: “Đối với chuyện tình cảm, em có thói thích sạch sẽ, anh có tìm ‘tiểu tam’ cũng đừng mong em tha thứ cho anh. Nếu anh thực sự muốn tìm cũng được thôi, người đó chỉ có thể là em, ừ, đúng rồi, không chỉ ‘tiểu tam’ mà cả ‘tiểu tứ, tiểu ngũ, tiểu N’ của anh đều chỉ có thể là em…”
Tôi còn chưa nói dứt lời, thầy S dường như không thể nhịn được nữa, nhíu mày hỏi: “Em thích sắm vai nhân vật à?”
Phụ nữ thích được dỗ dành, lúc này phản ứng của đàn ông nên là giơ tay lên, thề thốt rằng mình tuyệt đối sẽ không có quan hệ ngoài luồng, không phải sao?
Bị thầy S mắng như vậy, tôi ngậm chặt miệng, tâm trạng cũng chùng xuống đến kỳ lạ.
Tới nơi, thầy S giới thiệu tôi với bạn của anh: “Đây là vợ tôi, tiểu Y, đồng thời cũng là ‘tiểu tam, tiểu tứ, tiểu ngũ, tiểu N’ tương lai của tôi…”
Tôi: “……”
Vì câu giới thiệu ngày đó của anh mà trước mặt các bạn của anh, tôi bị trêu chọc suốt một thời gian dài, là tiêu điểm để mọi người trêu chọc.
008.
Thầy S trước khi đi ngủ có thói quen tắt điện thoại, sau đó vì tôi thường xuyên đi công tác, anh liền đổi thành chế độ rung.
Đêm đó tôi đang mơ màng ngủ, nghe thấy điện thoại rung.
Thầy S trở mình, tôi cũng từ từ tỉnh táo lại, mở to mắt, cảm nhận được ánh sáng của màn hình điện thoại.
Tôi hỏi: “Hơn nửa đêm rồi, ai thế?”
Thầy S: “Không có ai cả.”
Anh nói không có ai nhưng cũng không để điện thoại xuống, vẫn tiếp tục ấn phím.
Chẳng lẽ đang trả lời tin nhắn? Tôi lại hỏi: “Rốt cuộc là ai thế?”
Thầy S: “Thực sự không có ai.”
Không có ai mà còn không đi ngủ? Không có ai mà còn cầm điện thoại xem này xem kia?
Tôi không giữ được bình tĩnh, xoay người ngồi dậy ngó vào điện thoại của anh, thầy S nhận ra, giả vờ giấu điện thoại đi.
Đây không phải “lạy ông tôi ở bụi này” à? Chúng tôi sau khi kết hôn cũng không tiết lộ mật khẩu tài khoản QQ và mật mã điện thoại cho nhau, về điểm này, chúng tôi thống nhất quan điểm. Vợ chồng cũng không phải hai sinh vật đồng nhất, giữ một khoảng riêng tư cho nhau cũng không có gì không tốt. Đương nhiên, mật mã thẻ ngân hàng và sổ tiết kiệm đều công khai.
Chúng tôi không kiểm tra điện thoại hay QQ của nhau, đó là vì giữa chúng tôi có sự tôn trọng và tin tưởng cơ bản, nhưng điều đó không có nghĩa là hoàn toàn không có sự hoài nghi. Ít nhất đối với tôi mà nói, bệnh đa nghi vẫn cần phải có. Tôi nhìn tư thế kia của thầy S, cũng bất chấp tất cả, đè tay anh xuống, cuối cùng cũng cướp được điện thoại về xem.
Tại đây phải nói một câu, xin đừng hoài nghi sức lực của phụ nữ, phụ nữ một khi đã nổi giận, sức lực có thể lớn đến mức dọa chết người.
Phân tích từ khoảng thời gian rung của điện thoại khi nãy, ắt hẳn là tin nhắn, không phải gọi điện. (Lời của editor: Mẹ cha ơi, phụ nữ!!!)
Phán đoán xong, tôi nhanh chóng mở phần tin nhắn ra, phần trên cùng quả nhiên hiện ra một tin nhắn gửi đến vài phút trước, tôi mở ra xem: “Khách sạn lớn XX đang tuyển nhân viên đón khách nam, công việc nhẹ nhàng, chế độ đãi ngộ tốt, lương tháng không dưới ba vạn tệ, ai có nhu cầu ứng tuyển…”
Tôi: “……”
Thầy S cười ha hả, vừa cười vừa nói: “Anh định đặt đồng hồ báo thức, em cuống quít lên thế làm gì?”
Tôi nhìn dáng vẻ hả hê của anh càng thêm tức giận, dứt khoát không cần biết xấu hổ là gì, cố ý quàng lấy cổ anh, vò vò quần áo anh, nói: “Nhìn anh có vẻ như muốn đi ứng tuyển nha, nhân viên đón khách à, trình độ kỹ thuật rất quan trọng. Thế này đi, em đây miễn cưỡng tới khách sạn kia, để xem trình độ của anh có qua nổi không nhé.”
Thầy S: “……”
009.
Vì tôi lấy chồng ở tỉnh khác, bố mẹ tôi vẫn luôn có cảm giác tôi lấy chồng xa.
Sau khi kết hôn, lần đầu tiên tôi đưa thầy S về thăm nhà, không làm tiệc rượu, chỉ có người một nhà vui vẻ ở bên nhau mấy ngày.
Khi chúng tôi rời đi, bố tôi mua rất nhiều đồ ăn mới lạ để chúng tôi mang theo.
Lòng tôi còn lưu luyến, vốn đã khó chịu, nhìn thấy bố mẹ chuẩn bị cho mình túi lớn túi nhỏ, hai mắt đã đỏ lên.
Đến lúc tạm biệt, tôi lên xe, rầu rĩ không muốn nói chuyện, thầy S đột nhiên nhớ ra mình để quên dao cạo râu.
Tôi nói: “Anh tìm trong túi xem, nói không chừng em đã thu dọn giúp anh rồi, lúc trước khi đi kiểm tra hành lý, hình như có dốc hết đồ ra rồi.”
Thầy S nghe thế, lấy ba lô của anh để trên kệ hành lý xuống, mở ra xem: “Vợ à, sao trong túi này có nhiều tiền thế? Em cất vào à?”
Tôi lắc đầu, nhìn vào trong ngăn túi của anh, không phải chứ, thực sự có cả xấp tiền. Tôi suy nghĩ một lúc rồi vội vàng gọi điện thoại về nhà.
Bố tôi cười nói: “Ai dà, trong nhà nghèo, ra đường giàu, khi ra ngoài thì phải mang theo nhiều tiền một chút, cho cũng đã cho rồi, các con cứ tiêu đi.”
Trước đây mỗi lần tôi rời nhà, bố mẹ đều sẽ để vào trong túi tôi một ít tiền, sợ tôi thiếu tiền sẽ bị đói bị lạnh.
Cha mẹ chính là như vậy, cả đời vì con cái mà không yên lòng.
Cúp điện thoại, những quyến luyến cùng khổ sở cuối cùng cũng không nén được, tôi bắt đầu rơi nước mắt.
Thầy S đã cất hành lý xong, khi ngồi xuống trở lại, thấy tôi đang khóc, anh thở dài, kéo tôi vào lòng, an ủi: “Vợ à, tuy rằng em đã lấy chồng, nhưng cũng chỉ là có thêm một người thương yêu em. Em vẫn là con gái bảo bối của bố mẹ, cũng là vợ bảo bối của anh, đời này đều sẽ không thay đổi.”
Ngốc chính là ngốc, ngay cả an ủi người ta cũng không xong, nếu không vì sao tôi càng khóc nức nở chứ?
010.
Thầy S đi công tác, tôi giúp anh ấy lấy tài liệu công việc về.
Khi anh ấy về, tôi đem tài liệu giao lại cho anh ấy, nói: “Anh bảo em giúp anh lấy tài liệu này.”
Thầy S ngờ ngợ hỏi: “Tài liệu gì?”
Đúng là quý nhân hay quên, tôi liếc nhìn nội dung trên tài liệu, đều là mấy từ chuyên ngành, tôi đọc không hiểu, vì thế đáp: “Anh tự xem là biết mà.”
Thầy S cầm tập tài liệu, lật ra xem: “Ừ, là tài liệu XXX của khóa sau.”
Xem ra anh đã nhớ ra, tôi liền nói: “Lại nói, hồi em còn đi học, môn này cũng là do anh dạy, sao em lại không có chút ấn tượng nào với nội dung môn này nhỉ?”
Thầy S lạnh lùng lườm tôi: “Em đương nhiên không có ấn tượng, lớp của anh chắc em trốn tiết hết rồi còn gì?”
Sự thực quả nhiên tàn nhẫn, nhưng mà cũng thật kỳ lạ, nếu tôi trốn hết các tiết của anh ấy, vậy thì tôi với anh làm thế nào mà quen nhau?