Truyện trong lòng bàn tay

TIẾNG TRE, HOA ĐÀO

Ông lão bắt đầu cảm thấy trong mình tiếng hát của tre và màu hoa của cây đào từ bao giờ vậy nhỉ?

Và bây giờ ông không chỉ nghe thấy tiếng tre kêu – ông trông rõ tiếng kêu ấy, ông không chỉ ngắm nhìn hoa đào – tai ông văng vẳng tiếng đào reo.

Nhiều khi lắng nghe tiếng tre, ta lại cảm thấy như có tiếng thông reo, mặc dù tre và thông chẳng phải là bà con cùng họ. Đôi khi ngắm nhìn hoa đào, ta lại trông ra hoa mận, tuy bấy giờ chưa đến mùa nở. Người đời chẳng mấy khi có cảm giác ấy, nhưng ông Hixao Miyacava biết đến nó, ấy là lúc đã ở độ cao niên.

Một ngày xuân năm kia, ông Miyacava trông thấy bên sườn đồi sau nhà một con đại bàng, thế rồi ông cảm thấy như con chim giờ đây vẫn còn trước mắt mình.

Dãy núi thấp phía sau nhà ông Miyacava bị ngắt lại, chỗ cuối cùng chỉ còn là một cái đồi trông như phần đuôi của một giọt sáp ong. Những tảng đá màu chì dưới chân gò phủ đầy các loại cỏ nhiệt đới. Trên sườn đồi không có cây cao, nhưng cũng bị loài thực vật này phủ kín, trông như một bức mành xanh. Và chỉ ở trên đỉnh đồi mới thấy có một cây thông to, khô héo.

Cây thông khô héo đã tự bao năm nay, lá nhọn đã rụng hết, những cành cây con đã gãy cả, chỉ còn lại những cành to, trơ ra. Cây thông đứng mãi thế, như chọc thẳng lên trời.

Khi Miyacava trông thấy con đại bàng đậu trên ngọn cây thông, ông suýt kêu to lên vì ngạc nhiên. Ông chưa hề bao giờ nghĩ giống chim đại bàng có thể bay đến nơi đây. Điều này thật là kỳ diệu. Nhưng con đại bàng to khoẻ, dũng mãnh đã đậu trên cây thông.

Cây thông cao lớn trông như thấp bé hẳn, kể từ lúc con đại bàng dừng chân trên ngọn nó. Đại bàng đứng im, không nhúc nhích, kiêu hãnh ưỡn ngực ra phía trước. Miyacava ngắm nhìn con chim, ông cảm thấy như sức sống đại bàng đã truyền vào mình.

Hôm ấy là một tối mùa xuân. Cây thông khô héo như cái kim nhọn đen chọc thẳng lên nền trời màu hồng dịu phủ lớp sương mù mỏng. Trên ngọn cây như diễn ra một sự kiện hoàn toàn không dính dáng gì đến xung quanh.

“Không, không phải đại bàng từ nơi khác bay trên trời chiều sương mù tới đây. Nó hiện lên ngay ở đây, và chỉ vì ta. Con chim sẽ không bay khỏi nơi đây...”, Miyacava nghĩ; ông ngạc nhiên vì những ý nghĩ ấy, và ngắm nhìn chim.

Ông có cảm giác như trong ngọn lửa cháy đỏ rực, tự nhiên có một bông hoa sen trắng khổng lồ hé nở. Trời xuân nhàn nhạt hoàn toàn không giống ngọn lửa, còn con chim đại bàng thì khác xa bông hoa sen trắng. Nhưng hình ảnh con chim khoẻ đẹp đậu trên ngọn cây khô héo toát ra một cái gì thật là êm ái, sự êm ái của bông sen trắng trong lửa đỏ rực. Hoa sen trắng…

Dần dần sự ngạc nhiên và niềm rung động thiêng liêng khiến ông khó thở, được thay bằng một lòng tin vững chắc, rằng chim đại bàng đến đậu là một dấu hiệu lành, là điềm báo trước cho nhiều may mắn. Miyacava tràn trề một niềm vui sướng vô hạn.

Xưa nay chưa bao giờ ông được tự mắt trông thấy và cũng chưa từng nghe ai kể rằng có chim đại bàng bay đến cái thị trấn nhỏ bên bờ biển gần Tokyo này. Vậy mà chim đại bàng lại đang trước mắt ông. Nó đến đây như thế nào nhỉ? Đây là một sự tình cờ chăng – nó lạc hướng và ghé qua ngọn cây thông để nghỉ lấy sức? Hay là nó còn có mục đích nào đấy? Và cuối cùng là cái gì đã khiến nó đậu lên đúng cái ngọn cây thông này?

Ông Miyacava không coi đây là chuyện ngẫu nhiên. Không. Dứt khoát đó là điều xảy ra. Miyacava có cảm tưởng rằng chim đại bàng bay đến đây để nhắn nhủ ông một điều gì đó.

“May mà mình lại chưa chặt cái cây thông mục này, – ông nghe văng vẳng bên tai. – Phải chăng con chim đại bàng dừng chân đúng tại đây, chính vì trên ngọn đồi có một cây thông khô héo cao lớn kia? Không có cây thông, có lẽ cả đời mình sẽ chẳng bao giờ, dù chỉ trong phút giây ngắn ngủi, được trông thấy chim đại bàng ngay bên cửa sổ nhà mình”.

“May mà mình chưa chặt cây thông, – Miyacava cứ nhắc lại mãi. – Vậy mà có lần mình đã định chặt nó rồi đấy”.

Đã có lúc Miyacava đau lòng ngắm cây thông héo đứng cao vút sau nhà ông, coi đó như một dấu hiệu, như thần giữ nhà cho ông.

Cây thông trông rõ ngay từ nhà ga, nơi có tuyến đường sắt chạy qua. Miyacava và người nhà của ông có thói quen nhìn cây thông mỗi khi lên tàu hoặc khi đi xa trở về thị trấn. Người ta nhìn cây thông quen mắt, và tưởng như không còn để ý đến nó nữa.

Nhưng cũng có khi cây thông làm người ta xúc động, nó gợi lên biết bao tình cảm làm lòng người ấm lại. Chỉ cần bước khỏi toa xuống ga và đưa mắt nhìn cây thông, trong lòng tự nhiên thấy yên tĩnh, tim lắng xuống nhẹ nhàng vì một nỗi buồn khó tả. Miyacava không thể nhìn đoán được cây thông bao nhiêu tuổi. Khi đã bốn mươi chín tuổi, ông đến ở nhà này, mà cách đây mấy năm ông vừa tròn bảy mươi. Nhưng suốt thời gian ấy, cây thông hình như không thay đổi. Quả thật, nó bao nhiêu tuổi nhỉ? Có lẽ ít ra cũng không dưới một trăm năm mươi tuổi.

Cả cây sồi, cả rặng duối mọc bên hàng rào che khuất mắt những kẻ tò mò, cả cây xiren Ấn Độ vươn cành rộng trong vườn là những thứ cây trồng đã lâu, chúng cũng không thể nào so được với cây thông trên đồi. Vì sao trên đỉnh đồi, ngoài cây thông, không còn có cây nào mọc nữa nhỉ? Hay những cây cùng tuổi với nó đã mục, đổ hết cả, và nay chỉ còn nó đứng đó thôi?

Chắc cây thông ít ra cũng phải già gấp đôi Miyacava, nếu không hơn. Và ngày mới đến ở đây, Miyacava tưởng rằng cây thông thế nào cũng sẽ sống lâu hơn ông. Từ hồi còn trẻ, đi lang thang chơi trong rừng, Miyacava đã xúc động dừng chân hơi lâu trước những cây cổ thụ, coi đó là tượng trưng cho sự trường sinh. Thế nhưng những cây già ấy không gây cho ông cảm giác là đời người ngắn ngủi, mà ngược lại, bắt ông quên đi điều ấy. Và ông có cảm tưởng con người ông hoà nhịp vào cuộc sống của những cây đại thụ đã cắm rễ rất sâu vào lòng đất.

Ông cảm thấy cây thông mọc trên đồi như ở ngay trong ông. Sườn đồi dốc đứng, không có đường lên ngọn. Vì vậy, Miyacava không thể đi tới chỗ cây thông, ông cũng không thể yêu cầu người trông vườn chăm sóc nó được. Có lẽ từ xưa cây thông này vốn vẫn là cây thông dại, cho nên chẳng ai chăm sóc nó như những cây khác trong vườn. Tuy nhiên, cành lá của nó cũng không mọc tua tủa, bừa bãi, trông nó không đến nỗi hoang dại, tuy rất già. Đến bão lớn cũng không thể nào làm gãy cành của nó được.

Chẳng phải nói cành, mà ngay những lá nhọn cũng chẳng bị làm sao. Nhiều lần Miyacava nhìn qua cửa sổ, trông gió mưa giật, rung cây cối. Những hôm xấu trời, các cửa sổ nhà đều che rèm, nhưng riêng cái cửa sổ cao nhìn ra sau nhà vẫn không bị che đi, Miyacava lo lắng nhìn cây thông. Mưa to quất mạnh vào cửa kính, nước chảy mạnh như suối. Lá xanh rơi phủ đầy sân sau. Chỉ có những lá thông nhọn không hề bị rụng. Có thể nó cũng rụng, nhưng nhìn ra cửa sổ không thấy rõ, nên Miyacava có cảm tưởng không một lá thông nhọn nào bị rụng; gió rung, gió giật cành lá cây cối trên đồi, nhưng cây thông dường như vẫn đứng yên trên đỉnh, khiến Miyacava tưởng như xung quanh nó không có giông bão. Đứng bên cửa sổ, ông chìa tay về phía cây thông như muốn ôm nó vào lòng…

Bỗng trước mặt ông hiện lên các hình ảnh cũ. Những cành hoa cúc trắng lặng lẽ rơi. Cô dâu trong bộ áo cưới trắng, tay ôm bó hoa đi dọc hành lang khách sạn. Chắc cô vội đến đám cưới hay lễ ăn hỏi. Vạt áo dài thướt tha lướt trên sàn. Những cánh hoa trắng nối tiếp nhau bay xuống. Người đàn bà đi bên cô dâu thỉnh thoảng dừng lại, cúi xuống sàn trải chiếc thảm màu xanh lá mạ, nhặt những cánh hoa.

Những cái đó Miyacava đã trông thấy một lần, khi ông đi trong hành lang một khách sạn. Người đàn bà cố nhặt những cánh hoa thật nhẹ nhàng, như chúng đã nhẹ nhàng rơi. Cô dâu có biết rằng những cánh hoa rơi từ bó hoa cô đang cầm trong tay hay không? Ít ra thì cô cũng làm ra vẻ như không trông thấy. Trong khi Miyacava ngẫm nghĩ về sự độc ác của người trồng hoa đã chọn cho cô dâu bó hoa cúc héo, ông nảy ra ý nghĩ có thể đem những điều quan sát ấy làm cốt truyện tuyệt vời cho một tác phẩm bi kịch: những cánh hoa nhẹ nhàng rơi như cánh hoa cuộc đời bị những cơn bão tố thường ngày của sự sống ngắt khỏi cô dâu…

Khi bước khỏi toa tàu xuống sân ga, đi vào thị trấn, thì cây thông và ngọn đồi lẩn sau những dãy nhà. Nhưng chỉ cần quay ngoắt vào góc, nơi có quầy hàng xanh xanh, thì cây thông lại hiện ra và không còn biến mất nữa, nó cứ hiện mãi trước mắt Miyacava cho đến tận nhà.

Từ phía biển nhìn cây thông cũng rất rõ. Con gái Miyacava là cô Caio kể cho ông nghe rằng khi cô với người yêu lần đầu tiên đi chơi thuyền buồm ra biển, cô đã trông thấy cây thông, tuy hai người đi đã rất xa, xa lắm, ngọn đồi trông chỉ còn lờ mờ trong màn khói của bờ biển. Trông thấy cây thông, cô đã khóc oà lên.

Miyacava sực nhớ lại chuyện này trong ngày ăn hỏi Caio. Chồng chưa cưới của cô là một thanh niên khác, không phải người đã đi chơi thuyền buồm với cô. Lúc bấy giờ Miyacava không tiện hỏi con gái rằng tại sao trông thấy cây thông, cô lại khóc. Sau này không có thì giờ để hỏi nữa.

Miyacava không thể ngờ rằng cây thông lại có thể héo được khi ông còn sống. Cũng như ông không hề nghĩ mình sẽ đến ở cái nhà này mà đằng sau lại có cây thông mọc, đã sống hàng trăm năm ở đây vẫn chờ ngày gặp ông, Miyacava. Như vậy có nghĩa là cây thông không thể chết trước mà lại không chờ đợi ông. Bởi vì nó mọc cho ông cơ mà.

Bây giờ ông chẳng còn nhớ những cành lá nào đã úa vàng trước: những cành trên ngọn, giữa thân hay ở dưới gốc. Ngay người nhà ông cũng mỗi người nói một phách.

Khi Miyacava thấy những lá nhọn úa vàng, ông không hề nghĩ đấy là dấu hiệu nó sắp chết. Ông không có thợ vườn riêng, nên đành nhờ bạn giúp đỡ. Người thợ vườn đến thản nhiên tuyên bố cây thông sẽ chết. Anh ta nói thêm rằng cây này có lẽ bị sâu ăn, và khi lá đã úa thì tức là không thể cứu vãn được nữa. Miyacava nhờ anh ta tìm cách giúp, nhưng anh ta khoát tay vẻ tuyệt vọng.

Từ nhà, từ sân, từ phố, từ ga – từ vị trí nào nhìn cái cây đang chết cũng đều làm ông đau khổ. Quá trình hấp hối của nó kéo dài. Trên cây không còn một lá xanh, nhưng dẫu vàng úa rồi, chúng vẫn không rụng xuống đất. Có những ngày Miyacava tưởng như cây thông khô héo mà sao khủng khiếp và kinh tởm, gớm ghiếc. “Thà mắt ta đừng nhìn thấy nó còn hơn”;  – ông thường nghĩ thế, nhưng rồi, ngược với ý nghĩ, ông vẫn đưa mắt nhìn lên. Ông nghĩ phải mau mau chặt cây thông đi, để không những ông thôi không còn cảm thấy nó trong mình, mà còn để chôn cất nó nữa.

Thêm mấy năm nữa trôi qua. Những chiếc lá úa vàng đã rụng, những cành nhỏ đã mục, nhiều cành lớn cũng đã gãy.

Miyacava đã ít nghĩ đến sự tồn tại của cây thông khô héo và ông đã định chặt nó. Tuyết trắng phủ đầy những cành cây ruỗng nát. Tuyết như làm nó sống lại. Những cành nằm dưới tuyết vô cùng giá lạnh, nhưng thỉnh thoảng lại có cảm giác như chúng đang toả ra hơi ấm.

Thế rồi ông trông thấy con chim đại bàng trên ngọn cây thông. Chim đậu vì Miyacava chưa chặt cây. Mà cây chưa bị chặt là bởi không dễ dàng gì leo được lên ngọn đồi. Có khi lại là do Miyacava ngại mệt, vì lý do này hay lý do nọ, cây thông vẫn đứng kia, như cũ, và chim đại bàng đã đến đậu trên nó.

Con chim đứng im không nhúc nhích. Miyacava nín thở nhìn lên. Ông có cảm giác như được truyền thêm sức sống của đại bàng, như con chim truyền sức sống cho cả cái cây nữa.

Miyacava định gọi vợ ra ngắm đại bàng. Phải gọi thật to, không thì bà ấy chẳng nghe thấy, cho nên Miyacava đã suy nghĩ lại, e tiếng gọi của mình có thể làm chim sợ.

Chim đứng im như tượng đá. Tưởng như móng sắc của nó đã cắm chặt vào cành cây.

Nhưng đại bàng là một loài chim, rồi sẽ đến lúc nó bay đi. Chỉ cái cây khô héo kia vẫn còn lại. Nhưng đó sẽ là cây thông chim đại bàng đã đậu. Miyacava chỉ trông thấy chim đậu trên đó một lần, nhưng giờ đây hình ảnh đại bàng sẽ còn mãi trong tâm trí của ông.

Chim đại bàng đã mang tin gì đến cho Miyacava? Nếu chim đến là dấu hiệu tốt lành, là điều may mắn, thì nghĩa là hạnh phúc, niềm vui sẽ đến với Miyacava. Phải chăng do chính điều đó mà ông đã trông thấy chim?

Chuyện ấy xảy ra một ngày xuân năm kia. Cây thông cổ thụ khô héo đứng trên ngọn đồi sau nhà từ đó hầu như không hề biến đổi. Chim đại bàng không bay trở lại nữa. Rất có thể, chim có bay đến mà Miyacava không trông thấy.

Giờ đây Miyacava nghĩ rằng đại bàng đã ở trong ông.

Chưa chắc có ai tin, nếu kể cho họ nghe rằng chim đại bàng đã bay đến thị trấn của họ, đậu trên đồi, ngay cạnh nhà ông! Ông quyết định sẽ không kể cho bất kỳ ai biết chuyện này.

NGUYỄN HÀO dịch

(Lấy từ Đồng đôla bất hạnh, Nhà xuất bản Lao động 1982)