Truyện trong lòng bàn tay

NGƯỜI ĐÀN BÀ HÓA THÂN VÀO LỬA

Phía xa kia, nước hồ tỏa sáng. Màu sắc như khi ta nhìn vũng nước mưa lâu ngày trên sân chùa xưa vào một đêm trăng. Hàng cây phía bên kia hồ cháy lên trong thinh lặng. Lửa mỗi lúc một lan rộng ra. Như là có lửa trên núi.

Chiếc máy bơm hơi nước đang hoạt động như đồ chơi hắt bóng bờ hồ lên mặt nước sống động.

Đám người vô tích sự đứng đen trên con dốc. Khi phát hiện ra, không khí xung quanh sáng lên như bị khô đi trong im lặng.

Khu phố dưới chân dốc chìm vào biển lửa.

Một cô gái gạt đám đông, một mình thoăn thoắt chạy xuống dốc.

Cô gái là người duy nhất chạy vào biển lửa.

Một thế giới vô thanh âm không thể tưởng tượng và nói gì hơn.

Nhìn cô gái bay thẳng vào lửa, tôi chịu không nổi.

Lúc đó, rõ ràng tôi đã đối thoại với cô gái bằng thần giao cách cảm.

- Tại sao chỉ mình em đi xuống phía dưới? Em muốn chết trong lửa ư?

- Không phải vậy đâu. Nhưng vì hướng Tây có nhà của anh nên em đi về hướng Đông.

Tôi nhìn hình dáng bé nhỏ của cô gái là một chấm đen trong quầng lửa cháy quanh tôi và cảm thấy nỗi đớn đau đâm mù hai mắt. Và tôi tỉnh giấc. Nước mắt trào ra hai bên khóe mắt.

Điều cô gái nói không đi về phía nhà của tôi bây giờ tôi đã hiểu. Dù cô gái có nghĩ suy gì đi nữa, đó vẫn là điều tốt. Nhưng đối với tôi, mặc dù đã dặn lòng rằng tình cảm của cô gái đối với mình đã nguội lạnh và đã chấm dứt trên bề mặt, riêng tôi vẫn nghĩ rằng trong đâu đó tình cảm của cô gái, có rơi một giọt sương vì tôi. Thực tế, điều này không liên hệ gì với cô gái. Tôi chỉ tùy tiện muốn nghĩ như vậy thôi.

Tôi tự cười mình đã nói điều tệ hại như vậy. Tôi muốn nuôi sống điều ấy âm thầm. Nhưng tôi đã hoàn toàn tin tưởng đến mọi ngõ ngách trong tôi là diệu ý của cô gái không tác động đến tôi một mảy may giống như khi ta nhìn một giấc mơ như vậy.

Giấc mơ chính là tình cảm của tôi. Tình cảm của cô gái trong mơ chính là tình cảm mà tôi gán ghép vào cô gái. Đó là tình cảm của tôi và mặc dù trong mơ sức mạnh của tình cảm và vẻ bề ngoài không có thực.

Khi nghĩ như vậy tôi thấy mình cô đơn.

(1924)

HOÀNG LONG dịch