Truyện ngắn Khái Hưng

Đồng xu

Rời bãi đá bóng, Phiên lang thang trên đê, hai tay thọc túi chiếc áo dạ tím bạc màu và rách sờn cổ, mặc trùm ra ngoài một bộ quần áo vải xanh, dính đầy dầu máy.

Từ sông thổi vào mũi chàng, vào miệng chàng, vào cái dạ dày trống rỗng của chàng từng cơn gió lạnh phảng phất lẫn với mùi phở thơm tho, ấp áp. Phiên mắt nhắm lim dim đứng rướn thẳng lên hít một hơi mạnh và dài.

Một người to lớn vội vàng hấp tấp chạy vọt lên đê, xô vào Phiên, làm chàng ngã, văng đôi guốc ra xa. Người ấy làu nhàu mấy tiếng trong mồm, rồi nhún vai đi thẳng. Phiên cũng nhún vai đáp lại để tỏ khinh bỉ.

Tiếng hò reo, tiếng vỗ tay hoan hô rầm rộ ở phía sau lưng. Phiên nghĩ thầm: "Trời rét, đá bóng thế có đói chết không?" Nhưng chàng mỉm cười nghĩ tiếp luôn "Hừ! mình cứ tưởng ai cũng như mình, cũng nhịn đói như mình!" Phiên xuống đường, rẽ qua phố Hàng Đậu.

Một người đi xe đạp, để tránh Phiên phải lái vội xe đâm vào rìa hè.

- Mù à!

Phiên đáp lại câu mắng bằng cái nhún vai lặng lẽ thứ hai, rồi cắm đầu đi thẳng.

Lanh lảnh có tiếng rao: "Hàng xôi phán xa!" Bất giác Phiên thọc sâu tay xuống đáy túi, vân vê đồng xu, đồng xu cuối cùng của chàng:

- Phán xa! Phán xa!

Người bán lạc chừng không nghe rõ tiếng chàng gọi, tiếng gọi nhỏ nhẻ, yếu đuối. Lần thứ ba chàng nhún vai, tự nhủ thầm: "Chậc! thôi, chẳng ăn nữa. Thà đói hẳn. Chứ ăn một xu lạc rang mặn chẳng bõ chua mồm!"

Vẫn nắm đồng xu lạnh trong lay, chàng mỉm một nụ cười sung sướng:

"ừ, phải đấy! Ta tìm ăn cái gì chắc dạ. Ăn lạc rang chỉ tổ đói thêm!"

Mùi chả nướng tạt mạnh vào mũi. Phiên dừng lại quay nhìn vào trong hàng cơm: Những gói giò xanh, những chiếc chả tròn và vàng, những đoạn lòng lợn treo lủng lẳng ở cái lao màn ngắn. Trên ghế dài, hai người phu xe ngồi ăn cơm chan, và xì xụp, coi bộ ngon lành quá.

Phiên toan hỏi họ xem với một xu có thể ăn được mấy bát cơm, thì một người quay ra nhớn nhác nhìn chàng:

- Thưa thầy đi xe? Tôi ăn xong đây ạ!

Rồi đứng dậy, và lùa và lụa. Phiên vội đáp;

- Không.

Và hổ thẹn rảo bước. Đi một quãng xa chàng mới kịp nghĩ: "Hừ, thầy với bà! Chỉ tối nay không có gì ăn là thầy lả, bỏ xác thầy!. Bữa sáng hôm nay là bữa nhịn đói thứ ba của thầy rồi. ấy là chưa kể hai bữa điểm tâm buổi sáng và một bữa năm giờ của dân Hồng Mao". Phiên bật lên tiếng cười to.

Vì chàng nhớ lại những bữa trà đầy đủ của một cặp vợ chồng giáo sĩ Hoa Kỳ. Ngày ấy, Phiên còn theo học trường Bảo hộ. Chàng ở trọ nhà một ông ký ga, phố Nguyễn Trãi. Chiều thứ năm, chủ nhật đứng cửa sổ trên gác, chàng tò mò nhìn xuống cái vườn bên giáo đường. Nắng vàng thêu bóng lá cây trên tấm thảm cỏ xanh mới xén, trên cái khăn trắng muốt phủ kín chân chiếc bàn vuông con, trên bộ y phục màu hồng và cái mũ rơm vành rộng của người thiếu phụ. Thấy hơi nước ở chén bốc lên, chàng tưởng ngửi thấy hương trà thơm ngát, và ngày nay nhớ tới những đĩa bánh ngọt, chàng còn chảy nước miếng.

"Người ta giàu có, sung sướng thật!".

Tới vườn hoa Hàng Đậu, thấy cái ghế dài bỏ không, Phiên ngồi xuống, nghiêng thân thể mỏi mệt trên lưng tựa, dang hai cánh tay ra thở một hơi thực dài, rồi lim dim mắt như thiu thiu ngủ. Cái đời ký vãng lần lượt hiện ra, một quãng đời buồn lẫn vui.

Phiên lại trông thấy cảnh sa sút thiếu thốn của cha mẹ, cảnh bơ vơ của mình. Không trả được tiền học, Phiên phải bỏ trường, lang thang đi xin việc ở khắp các nơi. Một nhà ấn loát thuê chàng sửa chữa bài in, lương mười đồng một tháng. Phiên ăn cơm trọ hết bốn đồng, để ra hai đồng tiêu vặt vãnh, và góp tiền may quần áo, còn bốn đồng chàng gửi về giúp cha mẹ.

Phiên làm mới được hơn một năm thì cha chết. Phiên xin phép chủ về tống táng cha, nhưng bị ốm nặng, chàng nghỉ quá phép mất một tuần lễ. Hôm chàng ra Hà Nội thì ông chủ nhà in đã tìm người khác kế chân, và dặn chàng hãy đợi khi nào có việc sẽ lại mướn.

Trong túi còn hơn đồng bạc, Phiên ở lại chờ, nhưng nhà trọ bắt mỗi tuần phải trả trước một đồng, thành thử sau bảy ngày, hết tiền ăn, chàng bị bà chủ trọ mời ra ngoài đường một cách quả quyết và tàn nhẫn, vì bà ta biết rằng chàng đã mất việc.

Thế là từ sáng hôm qua, với một xu còn dính túi, Phiên đi lang thang trên dìa hè các phố.

"Một đồng xu! Hừ ta có một cái tài sản nhỏ nhất thế giới! Kỷ lục ấy khó lòng ai phá nổi. Đến những người ăn mày cũng còn giầu hơn ta!"

Vừa nghĩ Phiên vừa cầm đồng xu tung trên bàn tay. Bỗng đồng xu rơi lăn vào gầm ghế. Phiên cúi tìm mãi mới thấy:

"Trời ơi! tý nữa mất!" Chàng vừa lóp ngóp ngồi xuống thì một người què chống nạng nhảy đến chìa tay xin. Phiên mỉm cười chua chát, nói:

- Tôi không có đâu, bác ạ.

Rồi ngượng với người tàn tật, - vì biết người ấy đã nhìn thấy mình nhặt đồng xu, - Phiên đứng dậy đi thẳng, vừa rảo bước vừa quài cổ lại nhìn người hành khất đứng nói làu nhàu. Phiên phì cười nghĩ thầm:

"Chắc bác ta đương nguyền rủa mình, vì bác ta cho mình là một thằng keo bẩn!"

ý nghĩ ấy tự nhiên làm Phiên vui sướng, cất tiếng hát bài ca mà chàng thường nghe trẻ con và cả các anh kéo xe nhà huýt còi theo điệu:

La Chine est bien monotone, dit-on frequemment...

- Anh Phiên thích chí điều gì mà hát nghêu ngao thế?

Phiên quay lại. Một người đi xe đạp vụt qua, Phiên chỉ kịp nhận ra đó là người chạy giấy ở nhà in mình làm việc trước. Chàng toan gọi lại để dựt dăm xu ăn bữa chiều, nhưng chiếc xe đạp đã bon bon chạy một quãng xa. Chàng đành nhún vai tiến bước. Nhún vai hình như là cử chỉ cố định của Phiên để đáp lại hết mọi điều không thể trả lời được bằng tiếng nói, bằng ý nghĩ.

Nhưng người chạy giấy làm Phiên chợt nhớ đến ông chủ nhà in. Chàng đi thẳng tới xưởng, tuy biết chắc rằng thế nào ông chủ cũng trả lời như mọi lần trước, nghĩa là "Chưa có việc, hãy chờ, mà nếu không chờ được thì đi tìm việc ở nơi khác."

Câu trả lời ấy quả thực Phiên được nghe lần chẳng biết thứ mấy, khiến chàng không giữ được cái cười nửa miệng, vì vừa nhách môi ra, Phiên sợ hãi cố nghiêm ngay nét mặt lại.

Thấy Phiên vơ vẩn đứng ngó vào trong xưởng, người chủ chau mày gắt:

- Đi chứ còn đứng đấy làm gì?

Phiên toan liều xin vài hào, nhưng ngượng quá không nói ra câu. Người chủ quát luôn:

- Đi ngay! Hay anh định rủ thợ đình công thì anh bảo?

Phiên nuốt một tiếng thở dài, cúi chào quay ra.

Đến một tòa nhà nguy nga, Phiên dừng gót ngoài hàng rào sắt đứng tò mò nhìn vào trong vườn. Những chậu sứ, đôn sứ, thống sứ men xanh, men ngũ sắc bày la liệt kín cả một khoảng sân, dưới cái giàn gỗ có hoa hồng leo. Phiên tự nhủ thầm: "Một cái thống kia cũng đủ nuôi sống mình được một năm", tuy chàng chẳng rõ giá tiền một cái thống giang tây là bao nhiêu tiền.

Một cái lều vây lưới thép, chứa rất nhiều các giống chim bay lượn. Trên lối đi lát gạch khía, hai con công xòe đuôi múa.

Trong bếp, lửa cháy hồng tươi. Bên chái bếp, một cái chuồng chim bồ câu. Hai con chim non thò đầu ra cửa chiêm chiếp kêu đòi ăn. Con mẹ từ mái nhà bay vụt xuống. Hai con kia chui ra ngoài, đôi cánh yếu rung rung đập, tức thì con mẹ lần lượt mớm cho.

Ngắm hai con chim non béo mũm mĩm, ninh ních những thịt, Phiên tưởng ngay đến những nồi cháo thơm thường được ăn khi nhà còn sung túc.

Giữa lúc ấy, tiếng bà chủ thét đầy tớ từ trên gác ném xuống. Phiên nhận thấy giọng cay nghiệt, tàn ác: "Hừ! giàu thế này mà vị tất đã... đáng sống!" Vừa nghĩ đoạn Phiên cho câu tư tưởng của mình hoàn toàn vô nghĩa, và chàng bật lên tiếng cười to: "Chả biết mình có đáng sống không, nhưng sự thực thì hiện giờ mình chẳng sống một tị nào!"

Phiên cười mãi rồi bỗng cảm thấy mình sung sướng, chàng để luồng tư tưởng vẩn vơ của chàng cứ theo đà tuôn ra: "ừ! sao mình lại không sống? Mình sống lắm chứ! Không những mình sống, mà mình còn sống sung sướng bằng mấy cái bà có giọng the thé ở trên gác kia... Đây này, bằng cớ đây này!"

Phiên móc túi lấy đồng xu cầm ở tay nghĩ tiếp: "Đây này, cái bằng cớ rằng mình sung sướng hơn, giàu có hơn bà ta nữa, là mình có thể cho bà ta đồng xu cuối cùng của mình. Này cho!"

Qua đôi cánh cổng hé mở, Phiên thia lia đồng xu vào trong sân và lên tiếng:

- Cho đấy! Chốc nữa xuống thăm vườn cảnh tìm thấy lại không sướng mê tơi! Hừ! có biết đâu rằng đồng xu ấy là cả một tài sản của một... một thư sinh giàu tư tưởng, giàu lòng từ thiện.

Khoái trá về cái cử chỉ anh hùng và phi thường của mình, Phiên thọc tay vào túi đi nghênh ngang, miệng se sẽ huýt còi. Nhưng vừa đi được mươi bước, chàng nghĩ ngay đến cái cử chỉ điên rồ: "Ô hay! sao mình lại ngông cuồng thế nhỉ? Một đồng xu! sao mình lại phí của thế?" Rồi Phiên quay lại để nhặt.

Vịn cổng, Phiên rụt rè đứng nhìn. Không một ai qua lại, Phiên chặc lưỡi, liền bước vào, lom khom cúi tìm...

Phiên đương bê cái chậu sứ lên để xem đồng xu có văng vào gầm không, thì một người ở trong bếp đi ra rón rén đến gần, túm chặt lấy cổ áo:

- Mày vào ăn cắp phải không?

Phiên đứng thẳng người lên ấp úng:

- Không mà, tôi tìm đồng xu.

- Đồng xu nào lại rơi ở đây?

- Đồng xu của tôi.

- Đồng xu của mày?

- Phải, đồng xu tôi ném vào.

Người kia phì cười:

- Đồng xu mày ném vào?

Lúc ấy, cả bọn người nhà kéo ùa ra xúm xít quanh mình Phiên. Bà chủ đứng trên bao lơn thét hỏi:

- Cái gì thế, chúng mày?

- Bẩm bà, một thằng ăn trộm, con vừa bắt được một thằng toan bê cái chậu sứ.

- Thế à? Điệu cổ nó lên bóp cho tao! Đánh chết đi!...

Phiên có phân trần, nhưng mỗi lời chàng nói, người ta chỉ đáp lại bằng một cái tát, hay một quả đấm. Về sau chàng đành đứng im để mặc cho người ta trói và điệu lên sở cảnh sát.

*
* *

Tối hôm ấy, Phiên được ăn bữa cơm đầu tiên, sau hai ngày nhịn đói, bữa cơm tù. Chàng vui vẻ nghĩ thầm:

"Thế mới biết công dụng của đồng xu to thực!"

Rút từ tập truyện ngắn Đợi chờ.
Nxb Đời nay, Hà Nội, 1940.