- Ông ơi, sao không ăn cháo? - Emelian hỏi.
- Lão không ăn được tôm... không thích, - ông cụ nói đoạn quay mặt đi, ra vẻ ghê tởm.
Trong khi ăn, mọi người đều chuyện trò rôm rả. Qua những câu chuyện này Iegoruska hiểu ra rằng tất cả những con người nó mới quen đó, tuy có khác nhau về tuổi tác và tính tình, song vẫn có một điểm giống nhau: bọn họ đều là những người có một dĩ vãng rất tốt đẹp và một hiện tại rất đáng buồn; về dĩ vãng bấy nhiêu người không trừ một ai, đều nói một cách hân hoan, còn đối với hiện tại thì họ đều có một thái độ gần như khinh bỉ. Người Nga vốn thích hồi tưởng, chứ không thích sống; Iegoruska chưa biết được điều đó, cho nên cháo chưa ăn hết nó đã vững tin rằng ngồi xung quanh nồi cháo toàn là những con người bị số phận hắt hủi và lăng nhục. Lão Pantelây kể lại rằng hồi xưa, khi chưa có đường xe lửa, lão áp tải những đoàn xe chở hàng đi Maxkơva và đi Nigiơni Nốpgôrốt(15) kiếm được lắm tiền đến nỗi chẳng biết cất vào đâu cho hết nữa. Mà hồi ấy dân lái buôn mới hào phóng làm sao, cá mới ngon làm sao, cái gì cũng rẻ quá mức! Bây giờ thì đường sá ngắn đi, phường lái buôn đâm ra keo kiệt hơn, dân cư nghèo hơn, bánh mì đắt hơn, cái gì cũng bấp bênh và eo hẹp quá thể. Emelian nói rằng trước kia anh ta làm người trông ban nhạc ở tỉnh Luganxkơ, có một giọng hát rất hay và đọc bản nhạc rất thạo, còn bây giờ thì anh đã biến thành nhà quê và chỉ sống nhờ vào ông anh; ông ta giao ngựa cho Emelian đi chở hàng và lấy một nửa tiền thuê. Vaxia xưa kia làm ở nhà máy diêm; Kiriukha thì làm xà ích cho một nhà khá giả, và nổi tiếng khắp vùng là người đánh xe tam mã giỏi nhất. Đưmốp, con nhà phú hộ, xưa kia sống rất phong lưu, chỉ lo chơi bời và không hề biết buồn khổ là gì, nhưng vừa mới được hai mươi tuổi thì ông bố khắc nghiệt, muốn cho hắn biết việc làm ăn và sợ hắn ở nhà được nuông chiều quá đâm hư, bèn bắt hắn đi đánh xe thuê cho nhà người ta như một anh độc thân làm thuê. Chỉ riêng Xtépka làm thinh, nhưng trên gương mặt chưa bén tí râu của anh ta cũng có thể thấy rõ rằng trước kia anh ta sướng hơn bây giờ nhiều.
Nhớ đến ông bố, Đưmốp ngừng ăn và cau mặt lại. Hắn gườm gườm nhìn qua các bạn một lượt. Cái nhìn của hắn dừng lại ở Iegoruska.
- Thằng vô đạo kia, bỏ mũ ra! - hắn gắt. - Sao lại có thể để mũ trên đầu mà ăn hả? Thế mà là con nhà tử tế đấy.
Iegoruska bỏ mũ ra, không nói một lời, nhưng nó không còn thấy cháo có mùi vị gì nữa và không nghe thấy tiếng lão Pantelây và Vaxia bênh nó. Nó nghẹn ngào vì căm giận tên Đưmốp quái ác kia, và quyết định sẽ tìm cách gì làm hại hắn cho thật bõ.
Sau bữa ăn mọi người tản ra xe và lăn vào chỗ rợp.
- Ông ơi, đã sắp đi chưa? - Iegoruska hỏi lão Pantelây.
- Khi nào trời cho thì ta đi... Bây giờ chưa đi được, nóng lắm... Ôi, xin vâng ý Chúa... Nằm ngủ đi một chút, cậu bé ạ!
Chẳng bao lâu từ dưới mấy cái xe đã có tiếng ngáy vang lên. Iegoruska toan quay vào làng, nhưng nghĩ sao lại thôi, nó ngáp dài rồi nằm xuống cạnh ông lão.
VI.
ĐOÀN XE đỗ suốt ngày hôm ấy bên bờ sông, mãi đến khi mặt trời lặn mới lại lên đường.
Iegoruska lại lăn trên kiện lông cừu, chiếc xe khẽ kêu cót két và lắc lư, lão Pantelây đi ở phía dưới, chốc chốc lại giẫm mạnh chân, vỗ vào đùi và nói lẩm bẩm; điệu nhạc của thảo nguyên lại rả rích như hôm qua.
Iegoruska nằm ngửa lưng trên xe, gối đầu lên hai bàn tay nhìn lên trời. Nó trông thấy ráng chiều cháy bùng lên, rồi lụi dần; các thiên thần hộ mệnh dang rộng đôi cánh vàng che khuất cả chân trời và thu xếp chỗ nghỉ đêm; một ngày đã trôi êm thấm; một đêm yên tĩnh, vô ưu đã đến và các thiên thần có thể yên tâm nghỉ ở nhà, trên thiên đường... Iegoruska thấy bầu trời dần dần tối sẫm lại và bóng đêm buông dần xuống mặt đất, từng ngôi sao lần lượt thắp lên trên nền trời.
Những khi ta nhìn đăm đăm lên nền trời cao lồng lộng, không hiểu sao những ý nghĩ và tâm tư của ta cứ hòa lẫn vào một cảm giác cô đơn. Ta bắt đầu cảm thấy mình bơ vơ một cách tuyệt vọng, và tất cả những gì mà trước kia ta cho là gần gụi và thân thuộc thì bây giờ đều trở nên xa xôi vô cùng và không có giá trị gì nữa. Những vì sao đã lấp lánh từ hàng ngàn hàng vạn năm nay, cả bầu trời bí ẩn và bóng đêm nữa, đều thờ ơ đối với kiếp sống ngắn ngủi của con người, khi ta một mình diện đối diện với nó, và cố thấu hiểu nghĩa của nó, nó cứ làm thinh, và sự im lặng của nó đè nặng lên tâm hồn ta, ta bất giác nghĩ đến cái cảnh cô đơn đang chờ đợi mỗi chúng ta dưới huyệt, và thực chất của cuộc đời hiện ra như một cái gì tuyệt vọng, khủng khiếp...
Iegoruska nghĩ đến bà nó bây giờ đang ngủ yên trong nghĩa địa dưới rặng anh đào; nó nhớ lại cái cảnh bà nó nằm trong quan tài, có hai đồng tiền đậy lên hai mắt, rồi sau đó cả tiếng những nắm đất rơi bình bịch lên nắp quan tài đã hạ huyệt. Nó hình dung thấy bà nó nằm trong cỗ quan tài chật chội và tối tăm, bơ vơ một mình, bị mọi người bỏ mặc. Trí tưởng tượng của nó phác ra cái cảnh bà nó đột nhiên bừng tỉnh dậy, không hiểu mình đang ở đâu, đấm thình thịch lên tấm ván thiên, kêu cứu, rồi rốt cục kiệt sức và kinh hãi, lại chết đi. Nó tưởng tượng thấy mẹ nó, cha Khrixtophor, bá tước phu nhân Đranítxkaia, gã Xolomon, đều đã chết cả. Nó cố gắng tưởng tượng bản thân nó nằm dưới mộ, xa nhà, bơ vơ, bị mọi người bỏ mặc và chỉ còn là một cái xác. Nhưng dù nó có cố gắng bao nhiêu cũng không sao tưởng tượng nổi; riêng đối với bản thân, nó không thể chấp nhận là mình có thể chết và cảm thấy mình sẽ không bao giờ chết...
Còn lão Pantelây người đã đến tuổi có thể chết, về cõi thọ thì vẫn bước đi ở phía dưới và thả lỏng cho những ý nghĩ của mình đối đáp nhau.
- Khá đấy... cũng là những ông chủ tốt... - ông lão lẩm bẩm. - Họ cho cậu bé đi học, nhưng rồi lên trên ấy sẽ ra sao thì chưa biết... Ở Xlavianoxerbxkơ không có trường để học cho cao... Không có đâu, đúng thế... Mà cậu bé thì khá lắm, rất tốt... Lớn lên rồi sẽ giúp đỡ bố. Iegoruska ạ, cậu bây giờ còn bé lắm, nhưng sau rồi lớn lên phải phụng dưỡng bố mẹ nhé. Lẽ trời đất là như vậy... Hãy kính thờ cha mẹ: đó là luật của Chúa... Như lão đây cũng có con cái như ai, nhưng rồi chết cháy hết... Vợ lão cũng chết cháy, con lão cũng chết cháy... Đúng thế đấy, dạo ấy gần đến lễ Ba Vua thì đang đêm nhà lão bỗng bốc cháy... Lúc ấy lão không nhà, lão đi Ôriôn. Đi Ôriôn... Bà Marya chạy được ra đường, nhưng lại sực nhớ là các con đang ngủ trong nhà, thế là bà lại chạy vào và chết thiêu với các con... Phải... Hôm sau bới ra chỉ còn thấy mấy mẩu xương...
Khoảng nửa đêm mấy người đi áp tải và Iegoruska lại ngồi quanh một đống lửa nhỏ. Trong khi họ đốt những nắm củi dẻ khô, Kiriukha và Vaxia đi lấy nước đâu ở dưới một cái khe, họ mất hút trong đêm tối, nhưng vẫn nghe tiếng mấy cái xô nước của họ kêu xủng xoảng và tiếng họ nói chuyện với nhau; như thế tức là cái khe kia cũng không xa mấy. Ánh lửa chiếu ra khoảng đất ở xung quanh thành một cái vệt lớn chập chờn, tuy sáng trăng, nhưng ở ngoài cái vệt này mọi vật đều có vẻ như tối om. Ánh sáng hắt vào mặt mấy người áp tải, nên họ chỉ trông thấy một quãng ngắn trên con đường cái lớn; trong đêm tối, mấy chiếc xe chở lông cừu cùng với ngựa thắng vào xe trông loang loáng như những cái gò hình dáng mơ hồ. Cách đống lửa vài chục bước, ở chỗ con đường cái tiếp giáp với cánh đồng có một cây thánh giá bằng gỗ cắm trên một ngôi mộ, đã đổ xiêu về một bên. Lúc nãy khi lửa chưa đốt lên hãy còn có thể nhìn ra xa, Iegoruska đã để ý thấy có một cây thánh giá nữa, cũng cũ kỹ xiêu vẹo như thế, ở bên kia đường cái.
Xách nước về, Kiriukha và Vaxia rót đầy một nồi và bắc nồi lên bếp lửa. Xtépka tay cầm cái muôi mẻ ngồi bên đám khói bên cạnh nồi, đăm chiêu nhìn nồi nước đợi khi có bọt sủi lên. Lão Pantelây và Emelian ngồi cạnh nhau, im lặng suy nghĩ điều gì. Đưmốp nằm sấp, tay chống cằm, nhìn ngọn lửa; bóng của Xtépka chờn vờn trên người hắn, thành thử khuôn mặt đẹp trai của hắn khi thì tối đen lại, khi thì sáng bừng lên... Kiriukha và Vaxia lững thững cách đấy một quãng xa xa, kiếm thêm cành khô và cỏ héo để đun bếp. Iegoruska hai tay thọc vào túi đứng cạnh lão Pantelây xem lửa ngốn cỏ.
Mọi người đều nghỉ ngơi, suy nghĩ điều gì, thỉnh thoảng liếc nhìn cây thánh giá phản chiếu những ánh lửa đo đỏ chập chờn. Cảnh ngôi mộ lẻ loi có một cái gì buồn bã, mơ mộng và hết sức nên thơ... Có thể nghe rõ cái im lặng của nó, và trong cái im lặng này người ta cảm thấy có sự hiện diện của linh hồn con người vô danh đang nằm yên dưới cây thánh giá. Yên nghỉ giữa thảo nguyên, hồn người ấy có thanh thản không? Trong đêm trăng thanh vắng hồn có buồn không? Còn cảnh thảo nguyên quanh mộ thì có vẻ rầu rĩ, hiu quạnh và trầm ngâm, cỏ xem ra có buồn hơn mọi nơi và hình như tiếng dế ri rỉ cũng dè dặt hơn... Và không có một người qua đường nào lại có thể không tưởng niệm tới cái linh hồn cô đơn kia và không ngoái lại nhìn ngôi mộ cho đến khi nó lùi xa về phía sau và chìm hẳn trong sương mù...
- Ông ơi, cây thánh giá cắm ở đây để làm gì thế hả ông? - Iegoruska hỏi.
Lão Pantelây nhìn cây thánh giá, rồi nhìn Đưmốp và hỏi:
- Mikôla này, đây có phải là chỗ mấy tay thợ gặt giết chết hai cha con người lái buôn không nhỉ?
Đưmốp uể oải chống tay nhổm người lên, nhìn ra đường và đáp:
- Đúng đấy...
Im lặng một lúc. Kiriukha vò một mớ cỏ khô kêu soàn soạt, nắm nó lại cho gọn rồi đút xuống dưới cái nồi. Lửa bùng lên sáng rực. Một đám khói đen trùm lên khắp người Xtépka, và bóng cây thánh giá trườn nhanh trên quãng đường cái cạnh đoàn xe.
- Đúng, chính chỗ này họ đã giết hai cha con ông lái... - Đưmốp nói miễn cưỡng. - Hai cha con đi bán tượng thánh, ghé lại nghỉ ở cái quán trọ gần đây, bây giờ là quán ông Igơnát Phomin ấy. Ông bố uống quá chén, ba hoa khoe mình có nhiều tiền trong người. Xưa nay mấy ông lái buôn vốn có thói quen khoe khoang, lạy Chúa che chở... Họ chỉ nóng lòng mong có dịp lòe anh em. Hôm ấy có đám thợ gặt nghỉ đêm ở quán trọ. Ấy, họ mới nghe ông ta nói khoe tiền, nên rắp tâm tìm cách cướp đoạt.
- Lạy Chúa tôi... lạy Đức mẹ! - lão Pantelây thở dài.
- Ngày hôm sau, còn chưa sáng hẳn, - Đưmốp tiếp tục, hai cha con ông lái buôn sửa soạn lên đường, đám thợ gặt lân la đến làm quen! “Mời ông, ta cùng đi một thể, cho nó vui, với lại cũng đỡ sợ, vì vùng này hẻo lánh lắm...” Hai cha con ông lái buôn cho ngựa đi bước một để khỏi vỡ các tượng thánh, thế là đám thợ gặt tha hồ ngon ăn...
Đưmốp quỳ lên và vươn vai.
- Phải, - hắn vừa ngáp vừa nói tiếp. - Lúc đầu thì vui vẻ cả, nhưng vừa đi đến chỗ này thì đám thợ gặt bắt đầu dùng hái làm thịt hai cha con. Anh con trai chẳng phải tay vừa, anh ta giật được một cái hái, cũng vung lên, làm thịt mấy đứa... Dĩ nhiên rốt cục đám kia thắng thế, vì chúng có đến tám đứa cả thảy. Chúng nó chém hai cha con không còn lấy một chỗ nào nguyên lành trên người nữa; xong đâu đấy, chúng kéo xác hai cha con sang hai bên đường, cha bên này, con bên kia. Đối diện với cây thánh giá này, bên kia đường có một cây nữa đấy... Không biết bây giờ có còn nữa không... Ngồi đây chẳng trông thấy gì...
- Còn đấy, - Kiriukha nói.
- Nghe nói sau khi lục người trong hai bố con đám thợ gặt chẳng thấy được nhiều tiền.
- Ít lắm, - lão Pantelây xác nhận, - chỉ có khoảng một trăm rúp.
- Đúng, mấy lại có ba đứa về sau cũng chết, vì anh lái buôn kia khua hái cũng hăng lắm... Một cuộc huyết chiến thực sự. Một tên bị anh lái buôn chém đứt cánh tay, nghe nói hắn ta chạy bốn vécxta với cái tay cụt, về sau người ta tìm thấy hắn ở mãi gần Kurikovo, trên một cái gò. Hắn ngồi xổm, đầu gục xuống hai đầu gối như đang suy nghĩ, nhưng nhìn kỹ thì chỉ còn là cái xác không hồn, nó chết từ lúc nào ấy...
- Người ta lần theo vết máu mới tìm thấy đấy... - lão Pantelây nói.
Ai nấy đều nhìn ra cây thánh giá và lại im lặng. Đâu đây, hình như từ bên kia cái khe, văng vẳng tiếng chim kêu buồn bã. “Ngủ đây! Ngủ đây! Ngủ đây!...”
- Trên đời kể cũng lắm người ác thật, - Emelian nói.
- Nhiều lắm, nhiều lắm! - lão Pantelây tán đồng rồi ngồi xích lại gần đống lửa, như thể cảm thấy rờn rợn. - Nhiều lắm, - lão nói tiếp rất khẽ. - Trong đời tôi, tôi đã gặp khối những người như thế... Người ác đấy... Những bậc thánh và những người trung hậu tôi gặp cũng đã nhiều, nhưng những người tội lỗi thì đếm không xuể nữa... Lạy Đức bà cứu giúp và tha tội... Tôi nhớ có một lần cách đây dễ đến ba mươi năm rồi, có lẽ lâu hơn nữa là khác, tôi chở cho một ông lái buôn ở Morsanxkơ. Ông lái buôn này tốt lắm, người có thanh thế, lại lắm tiền của... cái ông lái ấy... Một người rất khá... Thế rồi chúng tôi đánh xe đi và ghé nghỉ đêm ở một quán trọ. Mà ở Nga thì quán trọ không phải như ở vùng này đâu. Sân quán có lợp như cái lán che lúa mới cắt hay như cái nhà chứa rơm trong các cơ ngơi khá giả. Có điều là cái nhà chứa rơm to cao hơn. Ấy, thế là chúng tôi ghé vào nghỉ trọ, và lúc đầu mọi việc đều êm thấm. Ông lái buôn nghỉ trong phòng trọ, còn tôi ngủ ngoài sân để trông ngựa, mọi việc đều ổn thỏa cả. Tôi mới đọc kinh cầu nguyện để ngủ cho ngon rồi dạo quanh sân một lát. Đêm hôm ấy tối đen như mực, xung quanh chẳng nhìn thấy cái gì. Tôi đi được mấy bước, khoảng bằng từ đây ra chỗ mấy chiếc xe kia thì chợt trông thấy một ánh đèn. Chuyện gì thế này nhỉ? Tưởng nhà chủ đã đi ngủ từ lâu, và ngoài tôi với ông lái buôn ra, không còn có khách nào trọ nữa kia mà!... Thế thì ánh đèn ở đâu ra? Tôi sinh nghi... Tôi mới rón rén lại gần... tức là gần chỗ có ánh đèn ấy... Lạy Chúa xót thương, lạy Đức bà cứu vớt! Tôi nhìn kỹ thì thấy ở sát mặt đất có một cái cửa sổ nhỏ có chấn song... ở trong nhà ấy... Tôi nằm rạp xuống đất ghé mắt nhìn vào; tôi chết khiếp.
Kiriukha cố thật lặng lẽ, đút vào bếp lửa một bó cỏ khô. Đợi cho cỏ hết nổ lách tách và phun hơi phì phò, ông già kể tiếp:
- Tôi nhìn vào thì thấy một căn hầm to bằng ngần này này, tối tăm ảm đạm lắm... Trên một cái thùng tròn có ngọn đèn đang cháy leo lét. Ở giữa căn hầm có khoảng chục người mặc áo đỏ xắn tay đứng mài mấy con dao dài... Ái chà! Thế tức là chúng tôi đã lọt vào một ổ cướp mất rồi... Biết làm thế nào bây giờ? Tôi mới chạy vào chỗ ông lái buôn, khẽ đánh thức ông ta dậy, và nói: “Này ông lái, đừng phát hoảng lên nhé, nhưng chúng mình nguy đến nơi rồi... Ông với tôi đã lọt vào một ổ cướp rồi đây”. Tôi nói thế. Ông ta chết khiếp đi rồi hỏi: “Thế bây giờ biết làm thế nào, hở Pantelây? Tôi có giữ nhiều tiền của trẻ mồ côi... Tâm hồn tôi thuộc Chúa, tôi không sợ chết, nhưng sợ mất tiền của trẻ mồ côi”. Trong tình thế này phải làm thế nào? Cổng thì đóng kín, không có lối nào ra, dù đi xe hay đi bộ cũng chịu... Giá là sân có hàng rào, thì còn tính chuyện chui qua, đằng này sân lại xây kín, có lợp mái hẳn hoi!... - “Thôi, tôi nói thế, ông đừng sợ, cầu nguyện Chúa. Có lẽ Người sẽ không để thiệt lũ mồ côi. Ông cứ nằm yên đấy, vờ như không hay biết gì, trong khi đó may ra tôi sẽ nghĩ được một kế nào chăng...” Thôi được... thế là tôi cầu nguyện Chúa và Chúa đã rọi sáng trí tôi... Tôi liền leo lên cái xe của tôi khẽ... khẽ để không thể ai nghe, bắt đầu kéo lớp rạ lợp trên sân, làm thành một lỗ hổng và trèo ra ngoài. Ra hẳn ngoài ấy... Xong tôi nhảy từ trên mái sân và cứ theo đường cái chạy cật lực. Tôi cứ thế cắm cổ chạy, chết thôi... Tôi chạy một mạch đến năm vécxta, có lẽ còn hơn nữa... Đội ơn Chúa. Tôi thấy phía trước có làng mạc. Tôi chạy đến một nhà, gõ vào cửa sổ. “Bà con chính giáo ơi, - tôi nói thế, - xin bà con đừng để chúng nó giết một mạng người vô tội...” Tôi đánh thức cả làng dậy... Nông dân tập hợp lại và đi theo tôi... Người thì cầm thừng, người thì cầm gậy, cầm nạng chĩa... Chúng tôi phá cổng quán trọ và lập tức xông vào hầm... Lúc bấy giờ quân kẻ cướp đã mài xong dao và đang sắp sửa hạ thủ ông lái buôn. Có bao nhiêu đứa đều bị dân làng họ trói gô cả lại, giải lên quan. Ông lái buôn mừng quá thưởng họ ba trăm rúp, còn tôi thì ông ấy cho năm rúp. Nghe nói sau đó người ta tìm thấy trong hầm có vô khối xương người. Xương ấy mà... Thế là chúng nó cướp cả người ta, rồi đem chôn xác đi phi tang... Ấy, về sau cả lũ bị xử tử ở Morsanxkơ.
Lão Pantelây kể xong đưa mắt nhìn qua đám thính giả một lượt. Họ im lặng nhìn ông già. Nước đã sôi, và Xtépka đang vớt lớp bọt.
- Đã có mỡ chưa? - Kiriukha hỏi thì thầm.
- Đợi tí... Có ngay.
Xtépka mắt không rời lão Pantelây, và như thể sợ cụ già lại bắt đầu kể chuyện trong khi mình bỏ đi, chạy nhanh về phía đoàn xe và chỉ một thoáng đã quay trở lại, tay cầm cái bát gỗ nhỏ. Hắn bắt đầu vét mỡ lợn trong bát.
- Có một lần khác tôi cũng đi với một ông lái buôn... - lão Pantelây nói tiếp, giọng vẫn khe khẽ như trước, mắt không chớp. - Tôi còn nhớ tên ông ta là Pêtơrơ Grigôríts. Ông ta tốt lắm... ông lái buôn ấy... Chúng tôi cũng nghỉ lại một cái quán trọ như thế... Ông ta nằm trong buồng còn tôi ở ngoài trông ngựa... Chủ nhà có hai vợ chồng, xem ra là người tốt cả, ăn nói rất hiền lành niềm nở, bọn người ở cũng có vẻ hiền lành, ấy thế nhưng tôi không sao ngủ được anh em ạ, trong lòng cứ thấy nôn nao thế nào ấy. Thôi cũng mặc. Cổng thì mở toang, quanh đấy người ở khá đông, ấy thế nhưng tôi vẫn thấy rờn rợn thế nào ấy. Mọi người đã nghỉ yên từ lâu, đêm đã khuya lắm rồi, chẳng bao lâu nữa đã phải dậy, thế nhưng tôi nằm một mình trong chiếc xe không sao chợp đi được, mắt cứ thao láo như mắt cú vọ ấy. Được một lát, tôi nghe có tiếng chân bước rón rén: có ai đến cạnh chiếc xe của tôi. Tôi thò đầu ra thì thấy một người đàn bà, mình chỉ mặc chiếc áo ngủ, đi chân không... “Chị kia có việc gì đấy?”, - tôi hỏi thế. Còn chị ta thì người run cầm cập, đúng thế, chết khiếp... “Dậy đi, ông ơi! - chị ta nói thế. - Khốn to rồi... Ông bà chủ nghĩ ra chuyện chẳng lành... Họ định giết chết ông lái buôn nhà ông đấy. Chính tôi, - chị ta nói thế, - chính tôi nghe lỏm được hai ông bà chủ đang thì thầm với nhau...” Ấy đấy, tôi thấy trong lòng nôn nao chẳng phải là vô cớ! Tôi mới hỏi chị ta: “Thế chị là ai?” - “Tôi là con ở nhà họ...” Biết vậy... Tôi ra khỏi xe vào đánh thức ông lái buôn dậy nói rõ đầu đuôi: “Thế đấy ông Pêtơrơ Grigôríts ạ, không xong rồi... Ông muốn ngủ thì sau hẵng ngủ cho đẫy, còn bây giờ thì hãy mặc quần áo mà đi ngay khỏi cái nơi tội lỗi này...” Ông ta vừa bắt đầu mặc áo quần thì cửa buồng mở toang, và... tôi trông thấy... Trời ơi! Ông chủ, bà chủ và ba người làm công xô vào... Thế ra họ cũng xúi được cả người làm công cùng nhập bọn... Ông lái buôn rất nhiều tiền, họ sẽ chia nhau mà... Cả năm người đều cầm dao dài... Mỗi người cầm một con... Ông chủ khóa cửa lại rồi nói: “Hai ông khách trọ hãy cầu nguyện Chúa đi... Còn nếu kêu la, - ông ta nói khẽ, - thì đến cầu Chúa trước khi chết chúng tôi cũng không để cho cầu nữa...” Còn kêu la cái nỗi gì? Chúng tôi sợ quá họng cứ tắc lại, còn nói gì kêu la... Ông lái buôn khóc òa lên nói: “Bà con chính giáo! Bà con đã quyết giết tôi, ông ta nói thế, vì thích cái món tiền của tôi, thì tôi cũng xin chịu. Tôi chẳng phải là người đầu tiên, cũng chẳng phải là kẻ cuối cùng chịu cái số phận này. Anh em lái buôn chúng tôi bị cắt cổ ở các quán trọ cũng nhiều lắm. Nhưng còn cái anh xà ích của tôi, bà con chính giáo ơi, ông ta nói thế, anh xà ích của tôi thì có tội tình gì mà bà con cũng giết? Tại sao anh ta lại phải vì tiền của tôi mà thiệt mạng?” Ông ta nói nghe thảm quá. Ông chủ mới nói: “Nếu chúng tôi để cho hắn sống thì hắn sẽ là người đầu tiên đi báo chúng tôi. Giết một hay giết hai cũng thế thôi, - ông ta nói thế. - Bảy tội cũng chỉ một đền... Các ông hãy cầu nguyện đi, thế là xong không phải nói gì lôi thôi nữa!” Tôi với ông lái buôn quỳ xuống cạnh nhau mà khóc và bắt đầu cầu nguyện Chúa. Ông ấy nhớ mấy đứa con, còn tôi hồi ấy còn trẻ, còn muốn sống lắm... Chúng tôi nhìn lên tượng thánh cầu nguyện, thảm thiết đến nỗi bây giờ nhớ lại tôi còn ứa nước mắt... Còn bà chủ thì nhìn chúng tôi rồi nói: “Các ông là người lành, sang thế giới bên kia đừng oán giận gì chúng tôi và đừng cầu Chúa trừng phạt chúng tôi, vì chúng tôi túng thiếu mới phải làm thế này”. Chúng tôi cầu nguyện, và khóc lóc một hồi thì Chúa nghe thấy tiếng chúng tôi. Thế là Chúa rủ lòng thương xót... Ngay khi ông chủ túm lấy râu ông lái buôn để kề dao vào cứa cổ ông ta, thì bỗng ngoài sân có ai gõ gõ mạnh vào cửa sổ! Chúng tôi giật thót người lên một lượt, còn ông chủ thì rụng rời tay chân... Có ai đang gõ cửa sổ và quát: “Pêtơrơ Grigôríts, anh đang ở đây phỏng? Sửa soạn đi, ta lên đường!” Hai ông bà chủ thấy có người đến tìm ông lái buôn, sợ quá ba chân bốn cẳng chuồn thật nhanh... Còn chúng tôi hối hả ra sân thắng ngựa đi một mạch...
- Thế ai gõ cửa? - Đưmốp hỏi.
- Gõ cửa ấy à? Chắc là ông phước lộc hay là một vị thiên thần nào đấy. Vì ra ngoài chẳng thấy ai... Khi chúng tôi ra khỏi sân quán, ngoài đường không có lấy một bóng người... Đấy là bàn tay của Chúa!
Lão Pantelây còn kể thêm một vài câu chuyện gì nữa, và trong tất cả những câu chuyện lão kể, mấy “con dao dài” đều có vai trò quan trọng như nhau, và người ta đều cảm thấy rõ sự bịa đặt. Không biết ông lão nghe một người khác kể lại những chuyện này hay ông lão tự bịa ra từ thuở nào xa xưa lắm, rồi về sau sự nhớ suy yếu đi, ông lão lẫn lộn những việc mình đã trải qua với những chuyện bịa đặt, không còn phân biệt được nữa? Hai khả năng đều có cả, nhưng có một điều lạ là bây giờ trong suốt cuộc hành trình, mỗi lần có dịp kể chuyện ông lão lúc nào cũng dành địa vị độc tôn cho loại chuyện bịa chứ không bao giờ thèm kể chuyện thật nữa. Nhưng lúc này Iegoruska đinh ninh rằng đó đều là chuyện có thật và tin ông lão từng lời từng chữ. Về sau nó mới lấy làm lạ, không hiểu sao một con người bình sinh đã đi khắp nước Nga, đã trông thấy và biết được rất nhiều, một con người mà vợ con đều đã chết thiêu, lại không thấy cuộc đời phong phú của mình có chút gì là đáng giá, và cứ mỗi lần ngồi bên đống lửa lại chỉ làm thinh hoặc toàn nói những chuyện không hề có thật.
Trong khi ăn cháo mọi người đều lặng thinh suy nghĩ đến những chuyện vừa nghe, cuộc sống thật là đáng sợ và lắm chuyện kỳ dị, cho nên trên đất Nga dù người ta có kể chuyện gì, dù người ta có tô điểm câu chuyện bằng những ổ trộm cướp, những con dao dài và những phép thần thông ra sao, người nghe bao giờ cũng cảm thụ như trước một việc có thật, và họa chăng cũng chỉ có người nào đã chịu ảnh hưởng sâu xa của chữ nghĩa mới có thái độ hoài nghi, vả chăng, người ấy cũng sẽ ngồi im không nói gì. Cây thánh giá bên đường, mấy đống lông cừu chất lù lù trên xe, khoảng không gian rộng mênh mông và số phận của những con người quây quần quanh đống lửa - ngay tất cả những cái đó cũng đã có một cái gì kỳ dị và dễ sợ, đến nỗi cái chất hoang đường của câu chuyện bịa đặt cũng phải mất đi và hòa lẫn với cuộc sống.
Mọi người đều múc cháo trong nồi ra ăn, chỉ có lão Pantelây ngồi riêng ra một chỗ ăn cháo trong cái bát gỗ. Thìa của cụ không giống như của mọi người: nó làm bằng gỗ trắc bá, có khắc hình chữ thập. Iegoruska nhìn lão lại nhớ đến cái chén đựng dầu đốt đèn thờ. Nó hỏi khẽ Xtépka:
- Sao ông cụ lại ngồi riêng ra thế?
- Ông ấy theo cựu giáo, - Xtépka và Vaxia thì thầm đáp, vẻ lấm lét như thể đang nói về một nhược điểm hay một thói xấu cần phải giấu kín.
Ai nấy đều im lặng suy nghĩ. Sau những câu chuyện khủng khiếp ấy chẳng còn ai muốn nói đến những việc bình thường nữa. Bỗng trong không khí trầm ngâm ấy Vaxia đứng thẳng dậy, hai con mắt đục nhìn trừng trừng vào một điểm, tai vểnh lên nghe ngóng.
- Cái gì thế? - Đưmốp hỏi anh ta.
- Có ai đang đi kia, - Vaxia đáp.
- Cậu trông thấy hắn ở đâu?
- Đằng kia kìa! Chỉ loáng thoáng thấy một bóng trắng...
Ở phía Vaxia đang nhìn chẳng ai trông thấy gì cả ngoài bóng đêm tối mịt; ai nấy đều lắng tai, nhưng không hề nghe thấy tiếng chân bước.
- Đi trên đường cái à? - Đưmốp hỏi.
- Không, đi giữa đồng... Đang đi về phía ta đây.
Một phút im lặng trôi qua.
- Có thể là ông lái buôn chôn ở đây đang đi lang thang trên đồng đấy, - Đưmốp nói.
Ai nấy đều liếc mắt về phía cây thánh giá, đưa mắt nhìn nhau rồi bỗng cười phá lên, hơi ngượng vì nỗi lo sợ hão huyền của mình.
- Sao ông ta lại phải đi lang thang? - lão Pantelây nói. - Chỉ có những vong hồn nào đất không dung thì đêm đêm mới phải đi lang thang như thế. Còn như hai ông lái buôn này thì có làm sao đâu... Họ đã chết như những người tuẫn đạo...
Nhưng rồi có tiếng chân bước lại gần, rất gấp.
- Người ấy mang vật gì ấy, - Vaxia nói.
Đã bắt đầu nghe thấy tiếng cỏ sột soạt và tiếng cành khô gãy răng rắc dưới bước chân người nọ, nhưng ngoài cái vùng sáng quanh đống lửa chẳng trông thấy gì hết. Cuối cùng tiếng chân bước gần hẳn lại, có ai đằng hắng một tiếng; ánh lửa chập chờn như thể rẽ ra, cái màn che mắt mọi người biến đi và toán người áp tải chợt trông thấy một người hiện ra trước mặt.
Không biết vì ánh lửa chập chờn hay vì ai nấy đều muốn nhìn cho rõ trước tiên là vẻ mặt người lạ, nhưng có một điều kỳ dị là cái mà mọi người đều trông thấy trước tiên không phải là gương mặt, không phải cách trang phục, mà là nụ cười của người ấy. Đó là một nụ cười hiền hậu lạ lùng, rộng rãi và dịu dàng như nụ cười của đứa bé mới thức giấc, một trong những nụ cười có sức truyền cảm phi thường mà người ta khó lòng có thể không mỉm cười đáp lại. Nhìn kỹ ra, người lạ mặt là một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi, xấu trai và không có gì đặc sắc cả. Đó là một người Ucraina cao lêu nghêu, mũi dài, tay dài, chân cũng dài; nói chung ở hắn ta cái gì nom cũng có vẻ dài lêu nghêu, riêng cái cổ thì lại ngắn, thành thử hắn ta trông như hơi gù. Hắn ta mặc một chiếc sơ mi trắng sạch sẽ, ve cổ có thêu, một cái quần trắng ống rộng, đi một đôi ủng mới, và so với mấy người đi áp tải thì có vẻ khá bảnh bao. Hắn ta cầm một cái gì to to, trắng trắng và mới thoạt trông rất kì dị, sau vai hắn nhô lên một cái nòng súng trường, cũng dài ngoẵng.
Từ bóng tối bước đột ngột vào chỗ sáng, hắn ta dừng phắt lại như bị đinh đóng tại chỗ và trong khoảng nửa phút cứ nhìn mấy người chở hàng như muốn nói: “Các anh xem tôi có cái nụ cười đã hay chưa!” Đoạn hắn ta bước tới bếp lửa, mỉm cười còn rạng rỡ hơn nữa và nói:
- Các anh em, chúc ăn ngon miệng!
- Xin mời anh, - lão Pantelây đáp thay cho cả bọn.
Người lạ mặt để vật đang cầm trong tay xuống cạnh đống lửa. - Đó là một con vạc bị bắn chết, - và chào lại một lần nữa.
Mọi người đều xúm quanh con vạc mà ngắm nghía.
- Con chim khá lắm! Anh bắn bằng gì thế? - Đưmốp hỏi.
- Bằng đạn ria đấy... Đạn viên thì không trúng được, nó có để cho mà tới gần đâu... Anh em mua đi! Hai mươi kôpếch thì tôi để.
- Chúng tôi mua làm gì? Chim này quay thì ăn được chứ luộc thì dai lắm, nhằn không ra đâu...
- Chà bực thật! Giá mang đến trại cho các ông lớn, các ông ấy trả đến nửa rúp đấy, phải cái xa quá: mười lăm vécxta!
Người lạ mặt ngồi xuống, bỏ súng ra đặt bên cạnh. Hắn ta có vẻ buồn ngủ, mệt mỏi. Hắn mỉm cười, nheo nheo mắt vì chói ánh lửa, và hình như đang nghĩ đến một cái gì thú vị lắm. Họ đưa cho hắn ta cái thìa. Hắn bắt đầu ăn.
- Anh là ai thế? - Đưmốp hỏi hắn.
Người lạ mặt không nghe thấy câu hỏi; hắn không đáp và thậm chí cũng không nhìn sang Đưmốp. Có lẽ con người tươi cười này cũng không hề cảm thấy mùi vị của cháo ra sao, vì hắn nhai thẫn thờ như cái máy, đưa thìa lên môi mà cũng chẳng để ý trong thìa có gì, thành thử khi thì thìa đầy tràn, khi thì lại húp thìa không. Say thì hắn không say, nhưng trong đầu hắn đang có một ý gì ngộ nghĩnh lắm.
- Tôi hỏi anh, anh là ai thế? - Đưmốp nhắc lại.
- Tôi ấy à? - người lạ mặt giật mình. - Tôi là Konxtantin Dvoních ở Rốpnưi. Cách đây bốn vécxta.
Và muốn cho người ta thấy ngay từ đầu rằng mình không phải là loại nông phu tầm thường như ai, mà là một thứ gì khá hơn, Konxtantin vội vàng nói thêm:
- Nhà tôi nuôi ong và nuôi lợn.
- Anh ở nhà bố hay có nhà riêng?
- Không, bây giờ tôi ở riêng rồi. Vừa rồi, sau ngày lễ 29 tháng Sáu theo lịch cũ tôi đã cưới vợ. Bây giờ tôi là người có gia thất rồi!... Cưới đến hôm nay đã được mười tám ngày rồi.
- Khá đấy - lão Pantelây nói. - Lấy vợ là tốt... Phước lành Chúa ban đấy...
- Vợ trẻ ngủ ở nhà, thế mà anh ta thì đi lang thang trên thảo nguyên, - Kiriukha cười. - Gàn thật!
Như thể vừa bị véo vào chỗ đau nhất, Konxtantin cuống quít lên, cười theo, mặt đỏ bừng...
- Nhưng cô ta có ở nhà đâu! - hắn rút nhanh cái thìa ra khói mồm nói, đôi mắt vui mừng và ngạc nhiên nhìn khắp cả bọn. - Không có! Cô ta về nhà mẹ hai hôm! Thật đấy mà, cô ta về nhà mẹ, thế là tôi đâm ra như người chưa vợ...
Konxtantin khoát tay và lắc đầu; hắn muốn suy nghĩ tiếp, nhưng niềm vui sướng đang làm cho gương mặt hắn rạng rỡ lên không để cho hắn nghĩ. Như thể chưa tìm được thế ngồi cho thoải mái, hắn trở mình đổi tư thế, cười phá lên rồi lại khoát tay. Hắn ngượng, không dám bày tỏ ra cho người khác biết những ý nghĩ thú vị của mình, nhưng đồng thời lại nóng lòng muốn chia sẻ niềm vui của mình với mọi người.
- Cô ấy về Đêmiđôvô với mẹ! - hắn vừa nói vừa để cái súng sang chỗ khác, mặt đỏ bừng. - Mai cô ta sẽ về với tôi... Cô ta có nói là sẽ về ăn bữa trưa.
- Thế anh có buồn không? - Đưmốp hỏi.
- Trời ơi, sao lại không? Mới cưới được mấy hôm đã đi mất... Hả? Cô ta rất táo bạo, thật thế! Cô nàng vừa xinh đẹp vừa ngoan hết chỗ nói, cười, hát suốt ngày, như con sáo ấy. Có cô ta là đầu cứ quay cuồng lên, không có cô ta thì như thể đánh mất cái gì, cứ đi lang thang khắp đồng nội như thằng ngây. Tôi đi suốt từ bữa ăn trưa đến giờ đây, hết sức buồn rầu.
Konxtantin dụi mắt nhìn ngọn lửa rồi cười.
- Thế là anh yêu vợ đấy... - lão Pantelây nói.
- Cô ấy vừa xinh đẹp vừa dễ mến, - Konxtantin nói tiếp, không thèm nghe nói gì, - thật là một cô chủ nhà thông minh và khôn khéo, trong đám dân thường khắp tỉnh này không tìm được một cô nào như thế. Cô ấy đi vắng rồi... Ấy, cô ta cũng nhớ lắm, tôi biết! Tôi biết rõ con sáo của tôi chứ! Cô ấy bảo là mai đến bữa ăn trưa sẽ về... Mà đây cũng là một chuyện rắc rối chứ không phải vừa! - Konxtantin gần như reo lên, đột nhiên chuyển sang một giọng cao hơn hẳn và đổi tư thế ngồi. - Bây giờ cô ta yêu và nhớ tôi, chứ hồi trước mãi không chịu lấy đấy!
- Nhưng anh ăn đi chứ! - Kiriukha nói.
- Mãi không chịu lấy tôi đấy! - Konxtantin nói tiếp, không thèm nghe. - Suốt ba năm tôi phải vất vả với cô nàng. Tôi gặp cô ta ở phiên chợ Kalatsik, yêu cô ta chết mê chết mệt đi, dù có phải lên giá treo cổ cũng theo cho kỳ được... Tôi ở Rốpnưi, cô ta ở Đêmiđôvô, cách nhau đến hai mươi lăm vécxta, tôi chẳng biết xoay xở thế nào. Tôi nhờ người đến làm mối, cô ta cứ một mực: “Tôi chả thích”. Tôi mới gửi biếu quà này cáp nọ, nào là đôi hoa tai, nào là bánh ngọt, nào là mật ong - vẫn “chả thích!” như thường. Thế cơ chứ! Mà nghĩ cho kỹ ra, như cái thứ tôi đây thì sao có thể sánh đôi được với cô ấy; cô ấy trẻ, đẹp, linh hoạt, còn tôi thì già nua - gần ba mươi còn gì, với lại cái mã mới đẹp chứ, râu thì oai ra phết, nhọn hoắt như cái đinh, mặt thì sạch ra trò: toàn những nốt trứng cá sần sùi. Tôi sánh sao nổi? May ra chỉ được cái gia đình tôi cũng khá phong lưu, nhưng gia đình cô ta, nhà Vakhramenkô ấy, cũng có máu mặt lắm. Có ba cặp bò thiến và thuê hai người làm công cơ đấy. Tôi phải lòng cô ta rồi đâm ra như điên như dại... Ngủ chẳng ngủ, ăn chẳng ăn, đầu óc cứ nghĩ liên miên rồi mụ mằn đi không còn ra hồn người nữa. Muốn được gặp cô nàng, nhưng cô nàng ở mãi Đêmiđôvô kia... Các anh nghĩ sao nào? Tôi mà nói dối có Chúa phạt, cứ mỗi tuần tôi đã đi bộ đến đấy ba lần để nhìn nàng một tí. Công việc bỏ bê hết! Tôi mê đến nỗi đã toan lên Đêmiđôvô xin làm công cho người ta, ấy, để được gần nàng hơn. Khổ quá chừng! Mẹ tôi mời bà lang đến, bố tôi nọc tôi ra đánh đến chục lần. Ấy, tôi mê mệt đi ba năm ròng như vậy và đã quyết là dù có bị nguyền rủa ba lần bảy lượt tôi cũng sẽ ra thành phố làm xà ích... Tôi nghĩ bụng: thế là mình không có số rồi! Thế rồi nhân Tuần lễ Thánh tôi đi Đêmiđôvô để được nhìn thấy nàng lần cuối...
Konxtantin ngả đầu ra sau, cười khúc khích như thể vừa bày được một trò rất tinh quái lừa ai.
- Tôi nhìn thấy nàng đứng bên bờ sông với mấy anh chàng. - Hắn nói tiếp. - Thế là tôi cáu tiết lên... Tôi gọi nàng ra một nơi và có lẽ suốt một tiếng đồng hồ tôi nói với nàng đủ thứ... Thế là nàng yêu tôi! Ba năm ròng không thèm yêu, nhưng tôi nói một thôi một hồi, thế là yêu ngay!
- Anh nói những gì thế? - Đưmốp hỏi.
- Nói những gì à? Cũng chẳng nhớ nữa... Nhớ sao nổi? Lúc bấy giờ cứ nói như nước trong máng đổ ra, cứ liên hồi không kịp thở! Giá là bây giờ thì tôi chẳng nói được một câu nào... Ấy, thế là cô ả bằng lòng lấy tôi... Bây giờ con sáo về thăm mẹ, và vắng nó tôi cứ lang thang trên thảo nguyên thế này đấy. Tôi không thể ngồi nhà được. Không chịu nổi!
Konxtantin vụng về duỗi chân ra, nằm xuống đất, gối đầu lên hai nắm tay, rồi lại ngồi dậy. Bây giờ thì mọi người đều đã hiểu rất rõ rằng đây là một con người đang yêu và đang sung sướng, sung sướng đến thờ thẫn ra, nụ cười khóe mắt và đôi môi cử động của hắn đều biểu hiện niềm vui sướng ngây ngất. Hắn đứng ngồi không yên, không biết chọn tư thế nào cho ổn, không biết mình nên làm gì để khỏi phát ốm lên vì quá tràn trề những ý nghĩ thú vị. Sau khi đã trút bầu tâm sự ra trước mặt toàn người không quen biết, hắn mới ngồi yên lại được, và nhìn ánh lửa mà trầm ngâm suy nghĩ.
Trông thấy một con người hạnh phúc, ai nấy đều thấy buồn buồn, và thèm hạnh phúc. Cả bọn đều trầm ngâm. Đưmốp đứng dậy, rón rén đi qua cạnh đống lửa, và cứ trông những cử động của đôi bả vai cũng có thể thấy rõ là hắn đang buồn chán. Hắn đứng nhìn Konxtantin một lát rồi ngồi xuống.
Bếp lửa đã tàn lụi. Ánh lửa không còn chập chờn nữa, cái vệt đỏ ở xung quanh đã thu hẹp lại, mờ đi... Và lửa càng tàn lụi, ánh trăng lại càng sáng rỡ. Bấy giờ đã nhìn thấy suốt chiều rộng con đường cái, nhìn thấy những kiện lông cừu, những cặp càng xe, những con ngựa; ở bên kia đường, cây thánh giá thứ hai hiện ra mờ mờ...
Đưmốp chống tay lên má và khe khẽ hát một bài gì rất ai oán. Konxtantin nở một nụ cười ngái ngủ và cất giọng thanh thanh hát theo. Họ hát khoảng nửa phút rồi im bặt... Emelian nhích nhích hai khuỷu tay và ngọ ngoậy mười đầu ngón tay.
- Anh em à, - anh ta nói, giọng van lơn. - Ta hát một bài gì cho nó thiêng liêng một chút đi!
Mắt anh ta ứa lệ.
- Anh em ạ! - anh ta nhắc lại, bàn tay ép lên tim. - Ta hát một bài gì cho thật thiêng liêng đi!
- Tôi không hát được đâu, - Konxtantin nói.
Mọi người đều từ chối, Emelian đành hát một mình. Anh ta khua cả hai tay, gật gật cái đầu, mở to miệng ra, nhưng từ thanh quản của anh ta chỉ phát ra một hơi thở phều phào không thành tiếng. Anh ta hát bằng tay, bằng đầu và bằng mắt, bằng cả cái mụn cóc nữa, anh ta hát say sưa, thống thiết, và lồng ngực của anh càng căng ra để cố phát thành tiếng thì hơi thở của anh ta lại càng phều phào.
Iegoruska cũng thấy buồn chán như mọi người. Nó trở về xe, leo lên kiện lông cừu và nằm xuống. Nó nhìn lên trời và nghĩ đến anh chàng Konxtantin diễm phúc và cô vợ của anh ta. Người ta lấy vợ để làm gì nhỉ? Trên đời này đàn bà sinh ra để làm gì? Iegoruska tự đặt ra cho mình những câu hỏi mơ hồ, và nghĩ rằng người đàn ông chắc phải sung sướng lắm nếu bên cạnh họ luôn luôn có một người đàn bà dịu dàng, vui vẻ và xinh đẹp. Không hiểu sao nó nhớ đến bá tước phu nhân Đranítxkaia và tự nhủ rằng sống với một người đàn bà như thế chắc thích lắm; giá có thể, có lẽ nó sẽ vui lòng lấy bá tước phu nhân, chỉ hiềm một nỗi là nó sẽ ngượng chết mất thôi. Nó nhớ đến đôi lông mày của phu nhân, đôi mắt của nàng, chiếc xe song mã, cái đồng hồ có tượng kỵ sĩ... Trời đêm tĩnh mịch, ấm áp cúi xuống với nó và ghé tai nó thì thầm điều gì, và nó có cảm giác là chính người đàn bà xinh đẹp ấy cúi xuống với nó, mỉm cười nhìn nó và muốn hôn nó...
Đống lửa chỉ còn là hai con mắt đỏ lòm bé tí, và mỗi lúc một nhỏ hơn. Mấy người chở hàng và Konxtantin đang ngồi cạnh hai con mắt ấy, tối tăm, im lìm, và bây giờ họ có vẻ đông hơn lúc nãy nhiều. Cả hai cây thánh giá đều trông rõ như nhau và ở xa tắp đâu trên con đường cái lớn, lập lòe một đốm lửa đỏ - chắc ở đấy cũng có ai đang nấu cháo ăn.
- “Nước Nga, mẹ hiền của chúng ta, đứng đầu cả thiên hạ!” - Kiriukha bỗng cất cái giọng ông ổng hát tướng lên, nhưng rồi bị vỡ giọng và câm bặt. Tiếng vang vẫn truyền đi rất xa, và người ta có cảm giác như đích thân sự ngu xuẩn đang lăn bánh nặng nề trên thảo nguyên.
- Đến giờ lên đường rồi đấy! - lão Pantelây nói. - Đứng dậy, các cậu!
Trong khi họ thắng ngựa, Konxtantin đi đi lại lại bên đoàn xe và hân hoan ca ngợi vợ mình.
- Thôi anh em đi nhé! - hắn nói to khi đoàn xe chuyển bánh. - Cám ơn anh em đã tiếp tôi niềm nở như vậy! Tôi lại tìm đến nơi nào có đốt lửa đây! Chịu không nổi mà!
Chẳng bao lâu hắn đã khuất trong bóng tối và một hồi lâu vẫn còn nghe tiếng bước chân của hắn đi về phía có ánh lửa, để lại cho người khác nghe biết niềm hạnh phúc của mình.
Khi Iegoruska thức dậy thì trời vừa hửng sáng. Mặt trời chưa mọc. Đoàn xe đã dừng lại. Một người lạ mặt đội mũ lưỡi trai trắng, mặc một bộ áo quần bằng thứ vải màu xám rẻ tiền, cưỡi một con ngựa Côdắc, đang đứng cạnh cái xe đi đầu nói chuyện gì với Đưmốp và Kiriukha. Phía trước, cách đoàn xe khoảng hai vécxta, thấp thoáng những cái vựa thóc thâm thấp và những mái ngói; quanh mấy ngôi nhà ấy chẳng thấy có chuồng mà cũng chẳng thấy cây cối gì cả.
- Ông ơi, làng nào đấy hở ông? - Iegoruska hỏi.
- Đấy là mấy cái ấp của người Ácmêni đấy cậu ạ, - lão Pantelây đáp. - Người Ácmêni ấy sống ở đấy. Dân khá lắm...
Người mặc bộ đồ xám đã nói chuyện với Đưmốp và Kiriukha xong, cho ngựa quay lại và nhìn về phía mấy cái ấp.
- Công việc nó như thế đấy, rõ thật! - lão Pantelây thở dài, mắt cũng nhìn về phía ấp, người co ro lại vì khí lạnh ban mai. - Ông ấy cho người đến ấp lấy cái giấy gì ấy, mà mãi chưa thấy trở về... Giá phái Xtépka đi!
- Thế ai đấy hở ông? - Iegoruska hỏi.
- Varlamốp đấy.
Trời ơi! Iegoruska ngồi phắt dậy, quỳ lên cái mũ lưỡi trai trắng. Trông con người thấp bé mặc áo xám, chân đi đôi ủng to, cưỡi con ngựa bé xấu xí, đang nói chuyện với hai người nông phu trong khi những người tử tế đều đang ngủ yên, thật khó lòng có thể thấy có gì tương ứng với cái tên Varlamốp bí ẩn, với con người khó gặp ấy, con người mà mọi người đều phải tìm kiếm luôn luôn “quanh quẩn” đâu đây và có nhiều tiền hơn bá tước phu nhân Đranítxkaia nhiều.
- Ông ta cũng khá lắm, một người rất tốt... - lão Pantelây vừa nói vừa nhìn về phía ấp. - Cầu Chúa ban sức khỏe cho ông ấy... Ông chủ ấy tốt lắm, ông Varlamốp ấy, Xêmiôn Alếchxanđrơvíts ấy... Nhờ những người như thế mà đất đai được vững chãi đấy cậu ạ. Đúng thế... Gà chưa gáy sáng ông ta đã dậy rồi... Giá là người khác thì đang ngủ khì hay ở nhà nói chuyện phiếm với khách, đằng này ông ta suốt ngày trên thảo nguyên, chạy hết chỗ này đến chỗ khác... Ông này thì không bỏ bê công việc đâu... Không đời nào! Thật là một con người cừ khôi!...
Varlamốp vẫn nhìn chăm chăm về phía ấp và đang nói gì, con ngựa sốt ruột cứ đổi chân đứng luôn luôn.
- Ông Xêmiôn Alếchxanđrơvíts, - lão Pantelây cất mũ gọi to, - xin ông phái Xtépka đi. Emelian à, cậu nói hộ là bảo Xtépka đi nhé!
Nhưng rồi cuối cùng từ trong ấp cũng thấy ló ra một người cưỡi ngựa. Người nghiêng hẳn sang một bên và tay vung ngọn roi quá đầu, như thể đang thao diễn tài phi ngựa giỏi và muốn làm cho mọi người phải kinh ngạc vì nước phi táo bạo của mình, hắn phóng như bay về phía đoàn xe.
- Chắc là người liên lạc của ông ấy, - lão Pantelây nói. - Dễ ông có đến hàng trăm người liên lạc như thế, có khi còn nhiều hơn cũng nên.
Đến ngang chiếc xe đi đầu, người liên lạc ghì cương, bỏ mũ và đưa cho Varlamốp một quyển sổ. Varlamốp rút từ trong quyển sổ ra mấy tờ giấy, đọc chúng rồi quát:
- Thế tờ giấy của Ivantsúc đâu hả?
Người cưỡi ngựa lấy lại quyển sổ, nhìn qua mấy tờ giấy và so vai; hắn bắt đầu nói những gì không rõ, chắc là để tự thanh minh, và xin phép phóng ngựa đến ấp Ácmêni một lần nữa. Con ngựa của Varlamốp cưỡi bỗng chao người đi như thể người cưỡi đột nhiên nặng hẳn lên. Varlamốp cũng chao người đi.
- Cút ngay! - ông ta quát, vẻ giận dữ và giơ cao ngọn roi lên, toan đánh người liên lạc.
Đoạn ông ta cho ngựa quay lại, rồi vừa xem mấy tờ giấy trong sổ, vừa cho ngựa đi bước một dọc theo đoàn xe. Khi ông ta tới gần chiếc xe sau cùng, Iegoruska trương hết nhãn lực ra để nhìn ông ta cho thật kỹ. Varlamốp đã già. Khuôn mặt ông ta, với chòm râu hoa râm mỏng, một khuôn mặt Nga bình dị, rám nắng, lúc bấy giờ đỏ bừng lên, ướt đẫm sương mai và chằng chịt những đường gân xanh; nó cũng có cái vẻ khô khan của người làm ăn tần tảo như vẻ mặt của ông Ivan Ivanứts, cũng có cái vẻ ham mê kinh doanh như thế. Nhưng người ta vẫn cảm thấy Varlamốp khác Ivan Ivanứts vô cùng. Ở ông cậu Kudmitsốp, bên cạnh cái vẻ khô khan sự vụ kia bao giờ trên gương mặt cũng thấy nỗi lo sợ là sẽ không tìm ra được Varlamốp, sẽ đến muộn và không bán hàng cho được giá; còn trên gương mặt cũng như trong dáng dấp của Varlamốp thì không hề có một chút gì như vậy, không hề thấy cái vẻ lo sợ của những con người nhỏ bé và lệ thuộc. Con người này thì tự mình đặt ra giá cả, không thèm đi tìm ai và không lệ thuộc vào ai hết; vẻ bên ngoài của ông ta không có gì đặc sắc thật, nhưng trong tất cả cái dáng dấp của ông ta, kể cả cách cầm roi ngựa, đều có thể thấy rõ ông ta có ý thức về sức mạnh của mình và đã quen ngự trị ở chốn thảo nguyên này.
Khi ngựa đi ngang chỗ Iegoruska, ông ta không nhìn nó; chỉ có con ngựa hạ cố nhìn nó bằng đôi mắt to ngây dại, nhưng cũng chỉ nhìn một cách dửng dưng. Lão Pantelây cúi chào Varlamốp; thấy thế, ông ta vẫn không rời mắt nhìn vào cuốn sổ, cất cái giọng nói:
- Chào ông già!
Câu chuyện trao đổi giữa Varlamốp với người liên lạc và cái cử chỉ giơ cao roi ngựa của ông ta hình như đã gây ra một ấn tượng nặng nề đối với cả đoàn xe. Vẻ mặt mọi người đều nghiêm lại. Người liên lạc, hoang mang trước cơn giận của con người đầy quyền lực kia, đầu vẫn để trần, buông thõng dây cương đứng yên cạnh chiếc xe đi đầu; lặng thinh và dường như không tin rằng mới sáng ra mình đã gặp một chuyện rủi ro như vậy.
- Ông già này bẳn tính quá... - lão Pantelây lẩm bẩm. - Thật khổ, ai đời lại bẳn thế. Nhưng nói chung thì ông ta khá lắm, cũng là người rất tốt... Không bao giờ vô cớ xúc phạm đến ai... Khá lắm...
Xem xét xong các giấy tờ, Varlamốp đút quyển sổ vào túi, con ngựa như hiểu được ý chủ, không đợi cho ông ta giục đã tung bờm cất vó phi nhanh trên con đường cái lớn.
VII.
ĐÊM HÔM ẤY mấy người chở hàng cũng dừng lại nghỉ và nấu cháo ăn. Lần này, ngay từ đầu, trong vạn vật đều cảm thấy có một nỗi nhớ mong mơ hồ. Khí trời ngột ngạt oi ả; ai nấy đều uống nước rất nhiều mà vẫn không sao đã khát. Trăng lên một màu huyết dụ đỏ ối, ủ dột như đang ốm; các vì sao cũng bơ phờ, bóng tối dày đặc hơn, phía xa mờ mịt hơn. Thiên nhiên như thể đang linh cảm thấy điều gì sắp tới và đang ủ ê bải hoải.
Bên đống lửa không còn có cái không khí sôi nổi và những câu chuyện rôm rả như hôm qua nữa. Mọi người đều chán ngán và nói chuyện một cách uể oải và miễn cưỡng. Lão Pantelây chỉ thở dài sườn sượt, kêu nhức chân và chốc chốc lại nhắc đến những cái chết bất đắc kỳ tử.
Đưmốp nằm sấp, lặng lẽ nhai cái cọng rơm, gương mặt mệt mỏi và hằn học, lại có vẻ ghê tởm cái gì như thể cọng rơm ấy có mùi thối... Vaxia kêu là nhức quai hàm, và tiên đoán là thời tiết xấu, Emelian thì không vung tay đánh nhịp, mà ngồi im phăng phắc và cau có nhìn ngọn lửa. Iegoruska cũng ủ dột. Chặng đường vừa qua ngựa kéo xe đi bước một, làm cho nó phát chán phát mệt ra, và do khí trời nồng nực lúc ban ngày, nó thấy nhức đầu quá.
Khi cháo đã chín, Đưmốp xoay ra kiếm chuyện với các bạn.
- Cái thằng mụn cóc kia nãy giờ cứ ngồi ì ra, bây giờ lại cầm thìa sán vào trước hết, - hắn nói và hằn học nhìn Emelian. - Đồ tham ăn! Cháo vừa chín đã men ngồi kè kè bên cạnh nồi trước tiên. Hồi trước có đi hát, thế mà đã tưởng mình là ông lớn rồi! Cái thứ phường hát như thế kia thì khối đứa đi ăn xin trên đường cái ấy!
- Việc gì mày cứ phải gây chuyện? - Emelian cũng hằn học hỏi lại.
- Việc là mày đừng có vội sán vào nồi. Đừng có tưởng mình đây ghê gớm lắm!
- Đồ ngu, chỉ có thế thôi, - Emelian phều phào.
Đã biết rõ qua kinh nghiệm là những câu nói qua nói lại như vậy thường kết thúc như thế nào, lão Pantelây và Vaxia liền can thiệp và lựa lời khuyên bảo Đưmốp đừng chửi bới người ta một cách vô cớ.
- Phường hát... - Đưmốp vẫn không chịu thôi, hắn cười khẩy, tỏ vẻ khinh bỉ. - Hát như mày thì ai mà chả hát được. Cứ ngồi trước bậc thềm nhà thờ mà hát: “Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại, vì nghĩa Chúa, xin bố thí cho một vài kôpếch”. Cái đồ...
Emelian lặng thinh. Sự im lặng này có tác dụng làm cho Đưmốp cáu tiết lên. Hắn càng hằn học nhìn Emelian nói:
- Tao không muốn lôi thôi, chứ không thì tao sẽ cho mày biết thân biết phận.
- Nhưng làm sao mày cứ sán vào tao mà gây sự thế, đồ kẻ cướp? - Emelian nổi khùng lên. - Tao có động đến mày đâu?
- Mày gọi tao là cái gì hả? - Đưmốp thẳng người dậy hỏi và mắt hắn máu ứ đỏ ngầu. - Cái gì? Tao là đồ kẻ cướp phỏng? Thế thì đây! Đi mà nhặt!
Đưmốp giật phắt cái thìa trong tay Emelian và ném ra thật xa. Kiriukha, Vaxia và Xtépka vội vàng bật dậy chạy đi nhặt, còn Emelian thì cứ nhìn sang lão Pantelây chằm chằm, vẻ van lơn và dò hỏi. Mặt anh ta bỗng quắt lại, nhăn nheo, mếu máo, và anh phường hát cũ khóc òa lên như một thằng bé con.
Iegoruska đã ghét Đưmốp từ lâu. Nó cảm thấy như không khí bỗng trở nên ngột ngạt không sao chịu nổi; hơi lửa ở bếp như hắt vào mặt nó nóng ran lên, nó muốn chạy thật nhanh về chỗ để xe, nơi có bóng tối, nhưng đôi mắt hằn học, chán chường của gã Đưmốp tai quái cứ thu hút nó. Nó thấy háo hức muốn nói với Đưmốp một cái gì thật nhục nhã. Nó bước về phía Đưmốp và thở hổn hển nói liền một thôi:
- Mày tệ hơn ai hết! Tao ghét cay ghét đắng mày.
Sau khi nói như vậy lẽ ra phải bỏ chạy về đoàn xe, thế nhưng nó không sao nhấc chân khỏi chỗ được, và nói tiếp:
- Sau khi chết mày sẽ mãi mãi bị thiêu dưới hỏa ngục! Tao sẽ mách cậu Ivan Ivanứts cho mà xem! Đừng có mà bắt nạt Emelian!
- Xem kìa, cũng đòi! - Đưmốp cười mát. - Như con lợn con, miệng chưa ráo sữa mà cũng ra cái điều. Không sợ ăn bạt tai hả?
Iegoruska cảm thấy như không còn không khí để mà thở nữa: nó bỗng run lẩy bẩy cả người, giẫm chân đành đạch (chưa bao giờ nó lại như thế) và hét lên the thé.
- Đánh chết nó đi! Đánh chết nó đi!
Nước mắt nó trào lên giàn giụa, nó thấy xấu hổ quá, lảo đảo chạy về xe. Tiếng hét của nó đã gây nên một ấn tượng như thế nào thì nó không biết. Nằm trên đống lông cừu, nó khóc rưng rức, chân tay giãy đành đạch, và gọi thầm thì:
- Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Những con người ấy, những cái bóng chập chờn quanh đống lửa, những kiện hàng tối sẫm, những ánh chớp phút phút lại lóe lên ở phía xa: bây giờ tất cả những cái đó sao đều có vẻ man dại và ghê sợ quá. Nó sợ hãi và tuyệt vọng tự hỏi tại sao và làm thế nào mình lại lạc vào cái xứ sở này, giữa những người đàn ông đáng sợ này? Cậu nó, cha Khrixtophor và Đenixka bây giờ ở đâu? Sao mãi không thấy họ trở lại? Họ quên nó rồi sao? Nghĩ rằng mình đã bị bỏ quên đi, bị phó mặc cho số phận xoay vần, nó lạnh toát người đi, và cảm thấy lo sợ đến nỗi đã mấy lần nhổm dậy toan nhảy xuống đất chạy bạt mạng theo đường cái trở về hướng cũ, không ngoái lại, nhưng nhớ đến hai cây thánh giá tối tăm, ảm đạm mà thế nào nó cũng phải đi ngang, và nhìn những ánh chớp giật ở phía xa, nó đành thôi... Và chỉ khi nào nó thì thầm gọi: “Mẹ ơi! mẹ ơi!” - nó mới thấy trong lòng như thư thái hơn...
Hình như mấy người chở hàng cũng đâm lo. Sau khi Iegoruska bỏ đống lửa chạy về xe, lúc đầu họ ngồi im lặng hồi lâu, rồi bắt đầu nói khe khẽ với nhau về một cái gì đã sắp đến nơi và cần phải tránh đi cho nhanh... Họ hối hả ăn cháo cho xong, dập lửa và lặng lẽ thắng ngựa. Cứ trông cái dáng hối hả cuống quýt của họ và nghe những câu nói đứt quãng của họ cũng có thể thấy rõ họ đang linh cảm một tai nạn nào sắp tới.
Trước khi đoàn xe chuyển bánh, Đưmốp đến cạnh lão Pantelây hỏi khẽ:
- Thằng bé tên là gì?
- Iegoruska... - lão Pantelây đáp.
Đưmốp đạp một chân lên bánh xe, bíu lấy sợi chão buộc kiện hàng và đu người lên. Iegoruska trông thấy khuôn mặt và mái đầu quăn tít của hắn. Khuôn mặt hắn tái nhợt, mệt mỏi và nghiêm trang, nhưng không còn vẻ hằn học nữa.
- Iegoruska! - hắn nói khẽ. - Đây, cho mày đánh đi!
Iegoruska ngạc nhiên nhìn hắn; vừa lúc ấy một ánh chớp lóe lên.
- Không sao đâu, đánh đi! - Đưmốp nhắc lại.
Đợi mãi không thấy Iegoruska đánh hay nói gì với hắn cả, hắn nhảy xuống đất, nói:
- Sao tôi chán chường thế này!
Rồi hắn uể oải thất thểu đi dọc theo đoàn xe, người lắc lư, miệng lẩm bẩm nhắc lại, giọng không ra ai oán cũng không ra hằn học:
- Trời ơi! Tôi chán chường lắm! Còn cậu đừng giận, Emelian ạ, - hắn nói khi đi ngang qua Emelian. - đời bọn mình chẳng ra gì, nó tàn tệ quá!
Ở bên phải lóe lên một ánh chớp, rồi như thể được phản chiếu trong một tấm gương, nó lập tức lại lóe lên ở phía xa.
- Iegoruska, cầm lấy! - lão Pantelây vừa gọi to vừa đưa lên cho Iegoruska một vật gì to lù lù và đen xì.
- Cái gì thế ạ? - Iegoruska hỏi.
- Tấm bạt đấy! Trời sắp mưa rồi, cầm lấy mà che.
Iegoruska nhổm dậy và nhìn ra xung quanh. Chân trời đã tối hẳn lại và cứ chưa đầy một phút lại bừng lên một ánh sáng mờ mờ, như người chớp mắt. Màu đen của chân trời, như thể vì quá nặng, nghiêng về bên phải.
- Ông ơi, sắp có cơn dông à? - Iegoruska hỏi.
- Ôi, chân lão đau quá, buốt quá! - lão Pantelây nói, giọng rầu rĩ, chân giậm giậm trên mặt đất, lão không nghe thấy câu hỏi của Iegoruska.
Ở bên trái, như có ai quẹt một que diêm lên nền trời, một vệt tai tái như lân tinh ánh lên rồi tắt ngấm. Nghe như ở đâu rất xa có ai bước trên một cái mái tôn. Hình như người ấy đi chân không trên mái, vì tiếng tôn nghe lục bục, không đanh.
- Mưa này rồi vừa to vừa dai lắm đây! - Kiriukha nói to.
Giữa chân trời bên phải và phía xa trước mắt lóe lên một tia chớp sáng đến nỗi soi rõ cả một vùng thảo nguyên và cả nơi khoảng trời còn quang tiếp giáp với vùng mây đen kịt. Khối mây kinh khủng ấy lừng lững ùn tới thành một đám dày đặc, ở quanh rìa lòng thòng những mớ giẻ rách lớn đen ngòm; cũng những mớ giẻ rách tơi tả, như thể chen lấn nhau, chất đống dần lên ở chân trời bên phải và bên trái. Cái dáng rách tả tơi này làm cho đám mây có một cái gì quái ác như người say rượu. Tiếng sấm gầm gừ bây giờ đã rõ và đanh. Iegoruska làm dấu thánh mấy lần và vội vã mặc áo khoác vào.
- Chán quá! - tiếng than thở của Đưmốp từ mấy chiếc xe đi trước vọng lại, và nghe giọng hắn có thể biết rằng hắn đã lại bắt đầu tức tối hằn học. - Chán quá đi mất!
Đột nhiên, gió nổi lên, mạnh đến nỗi suýt thổi bay cả cái gói đồ và tấm vải bạt của Iegoruska; tấm bạt đập phần phật vào kiện hàng và vào mặt Iegoruska. Gió rít trên thảo nguyên, quay cuồng loạn xạ và làm nổi lên trong đám cỏ dại tiếng gầm rú khủng khiếp đến nỗi át cả tiếng sấm và tiếng bánh xe lăn cót két. Gió thổi từ mây đen, cuộn theo từng đám bụi lớn lẫn mùi nước mưa và mùi đất ướt. Ánh trăng mờ hẳn, dường như bẩn đi, các vì sao càng cau có, và có thể thấy rõ bên vệ đường những đám bụi cùng với bóng của chúng đang hối hả, chạy đi đâu về phía sau. Bây giờ thì hình như những luồng gió lốc xoáy tít hút bụi, cỏ khô và lông chim từ mặt đất lên, đã dâng cao lên đến bầu trời; có lẽ những cây cỏ lông chông đã bay đến sát đám mây đen kia, và chắc chúng nó đang sợ khiếp vía rồi. Nhưng qua lớp bụi làm tối tăm mặt mũi không thể trông thấy gì ngoài ánh chớp sáng lòa.
Iegoruska nghĩ rằng mưa sẽ đổ xuống ngay tức khắc, nó quỳ gối lên và lấy tấm bạt trùm lên đầu.
- Lão Pantelây ơi! - phía trước có ai gọi to, - Xe-e... hỏo-o-o-o!
- Chả nghe gì hết-ê-ết! - lão Pantelây lớn tiếng trả lời, giọng ngân nga.
- Hỏ-o-o ỏng rồ-ô-i!
Tiếng sấm rền vang, giận dữ, lăn ầm ầm khắp trời từ phải sang trái, rồi lan ra phía sau và ngưng lại ở khoảng gần mấy chiếc xe phía trước.
- Lạy Chúa Xavaof(16) linh thiêng, linh thiêng! - Iegoruska, vừa thầm thì khấn khứa vừa làm dấu thánh. Vinh quang của Chúa hãy tràn ngập khắp đất trời này...
Cái khối đen kịt trên trời ngoác mồm thở ra một ngọn lửa trắng; lập tức sấm lại vang lên: tiếng sấm vừa dứt thì một làn chớp lóe lên tỏa rộng đến nỗi qua cái khe hở trên tấm vải bạt Iegoruska trông thấy rõ suốt con đường cái mãi cho đến tận xa tít, trông thấy tất cả mấy người đánh xe và cả chiếc áo gilê của Kiriukha nữa. Những dải mây rách tả tơi ở phía trái đã cao lên, và một dải mây thô lỗ, vụng về giống như chân con gì có đủ cả ngón, vươn dài về phía mặt trăng. Iegoruska quyết định nhắm nghiền mắt lại, không để ý đến những cảnh tượng đang diễn ra xung quanh và đợi cho mọi sự kết thúc.
Không hiểu sao mãi mưa vẫn chưa đổ xuống, Iegoruska hi vọng rằng đám mây đen có thể đi qua, hé tấm bạt nhìn ra ngoài. Trời tối một cách ghê sợ. Iegoruska không trông thấy lão Pantelây, chẳng trông thấy kiện lông cừu và cũng chẳng trông thấy mình đâu cả; nó liếc mắt về hướng ban nãy có mặt trăng, nhưng phía ấy cũng tối mịt như trên xe. Và ánh chớp trong cái bóng tối dày đặc này còn có vẻ chói lòa hơn nữa, đến nỗi nhức cả mắt.
- Ông Pantelây ơi! - Iegoruska gọi.
Không thấy ai trả lời. Nhưng rồi gió giật tấm bạt một lần cuối nữa và bỏ chạy đi đâu mất. Bắt đầu nghe một tiếng rào rào đều đặn điềm tĩnh. Một giọt nước to lạnh ngắt rơi vào đầu gối Iegoruska, một giọt nữa lăn dọc cánh tay nó. Nó nhận thấy hai đầu gối nó hở ra ngoài, toan kéo lại tấm vải bạt cho kín, nhưng vừa lúc ấy có những vật gì đổ xuống rất dày, đập rầm rầm xuống mặt đường, rồi xuống càng xe, rồi xuống kiện lông cừu. Đó là mưa. Mưa và tấm vải bạt như hiểu ý nhau, cùng cất tiếng nói gì rất vui, và nghe rất chối tai, y như hai con ác là vậy.
Iegoruska quỳ gối lên, hay nói cho đúng hơn, nó ngồi xổm đặt mông lên đôi ủng. Khi mưa bắt đầu đổ xuống tấm bạt, nó chồm ra phía trước để che cho hai đầu gối lúc bấy giờ tự dưng ướt sũng ra: che đầu gối thì che được, nhưng chỉ không đầy một phút sau nó đã thấy ướt át khó chịu ở phía sau mông và ở hai bắp chân. Nó lại ngồi trở lại như cũ, duỗi chân ra dưới mưa và bắt đầu nghĩ xem phải làm thế nào để sửa lại tấm bạt đã trở nên vô hình trong bóng tối, nhưng hai tay nó đã ướt đầm, trong ống tay áo và sau cổ áo nước chảy ròng ròng, hai bả vai lạnh buốt. Nó đành để mặc, cứ ngồi im và chờ cho xong xuôi mọi sự.
- Lạy Chúa linh thiêng, linh thiêng... - nó thì thầm.
Bỗng ngay trên đầu nó bầu trời vỡ toác ra với một tiếng nổ khủng khiếp váng cả tai; nó cúi gập người xuống và nín thở, chờ những mảnh vỡ rơi lả tả xuống gáy và lưng. Mắt nó tình cờ mở ra, và nó trông thấy trên mười ngón tay của nó, trên đôi ống tay áo ướt sũng và trên những tia nước từ tấm bạt chảy ròng ròng xuống, trên kiện lông cừu và trên mặt đất, một ánh sáng chói lòa, cay xè, lóe lên và chớp chớp năm sáu lần. Lại một tiếng nổ nữa vang lên, cũng mạnh và khủng khiếp như tiếng trước. Bầu trời không còn vang rền nữa, không chuyển ầm ầm nữa, mà lại phát ra những tiếng nổ đanh, sắc và khô như tiếng gỗ bị bẻ gẫy.
“Đoành! Đoành! Đoành! Đoành!” - sấm dần rõ từng tiếng, lăn đi trên bầu trời, chốc chốc lại vấp phải cái gì, và đến một nơi nào gần cái xe đi trước hay xa tít ở phía sau thì đổ ập xuống đánh “đoành” hằn học và đứt quãng.
Trước đây ánh chớp chỉ khủng khiếp mà thôi, còn bây giờ kèm theo những tiếng sấm như vậy, ánh chớp trỏ thành một việc bất thường ghê gớm. Cái ánh sáng ma quái của nó thấm qua đôi mi mắt nhắm nghiền và luồn đi khắp người lạnh buốt. Làm thế nào để khỏi trông thấy chớp bây giờ? Iegoruska quyết định quay mặt về phía sau. Thận trọng như thể sợ có ai theo dõi mình, nó bò lồm cồm và hai bàn tay trượt trên kiện hàng ướt sũng, nó quay người lại.
“Đoành! Đoành! Đoành!” - tiếng sấm chuyển vang trên đầu nó, rơi xuống dưới gầm xe và vỡ tan ra - “Đoành!”
Hai con mắt lại bất giác mở ra, và Iegoruska trông thấy một nguy cơ mới: ở phía sau, có ba ông khổng lồ cầm những ngọn giáo dài đang bước theo chiếc xe. Ánh chớp lóe sáng trên mũi giáo của họ và dọi vào bóng dáng của họ rõ lồ lộ. Đó là những con người kích thước rất lớn, mặt che kín, đầu cúi gầm và dáng đi nặng nề. Họ có vẻ rầu rĩ và chán chường, đang chìm sâu trong suy tưởng. Có lẽ họ đi theo sau đoàn xe chẳng phải để làm hại gì ai, nhưng dù sao gần họ cũng sợ lắm.
Iegoruska hối hả quay về phía trước kêu to, toàn thân run lẩy bẩy:
- Lão Pantelây ơi! Ông ơi!
“Đoành! Đoành! Đoành!” - bầu trời đáp lại.
Nó mở to mắt để nhìn xem mấy người đánh xe có ở đây không. Chớp lóe lên ở hai nơi và soi sáng suốt con đường cái cho đến tận đàng xa, suốt cả đoàn xe và mấy người đánh xe. Trên đường, nước chảy thành dòng và những cái bọt mưa cứ nhảy tanh tách lên. Lão Pantelây bước lên cạnh đoàn xe, một tấm bạt nhỏ trùm lên cái mũ cao và đôi vai lão; dáng dấp lão không tỏ vẻ sợ hãi hay lo lắng gì cả, như thể lão đã điếc đặc vì sấm và mù tịt vì chớp.
- Ông ơi, có mấy ông khổng lồ kia kìa! - Iegoruska mếu máo kêu lên.
Nhưng ông lão không nghe thấy. Cách đấy một quãng là Emelian. Anh ta cũng một tấm bạt che suốt từ đầu đến chân và bây giờ nom anh ta thành một hình tam giác. Vaxia thì không che bạt; anh ta vẫn bước với cái dáng đi cứng đờ như trước, vung cao chân lên, không cong đầu gối. Trong ánh chớp vừa lóe lên đã vụt tắt, người ta có cảm giác như đoàn xe và mấy người đánh xe không hề nhúc nhích, và cái chân của Vaxia thẳng lên đã đông cứng lại ở tư thế ấy...
Iegoruska gọi ông lão lần nữa. Không thấy trả lời, nó ngồi im, và lúc bấy giờ không còn mong đợi cho mọi sự kết thúc nữa. Nó tin chắc rằng chỉ phút nữa sét sẽ đánh chết nó, nó sẽ bất giác mở mắt ra và trông thấy ba ông khổng lồ đáng sợ. Và nó cũng không còn làm dấu thánh, không gọi ông lão, không nghĩ đến mẹ nó nữa, mà chỉ tê dại cả người đi vì lạnh và vì tin chắc rằng trận dông sẽ không bao giờ chấm dứt.
Nhưng chợt nghe có tiếng ai nói.
- Iegoruska, cháu ngủ hay sao thế? - lão Pantelây quát gọi ở phía dưới. - Tụt xuống đây. Điếc đặc rồi hay sao ấy, thằng bé ngốc quá!
- Cơn dông đã ghê! - có ai nói một giọng trầm trầm lạ tai, rồi khà một tiếng như vừa uống một cốc rượu vốtka khá lớn.
Iegoruska mở mắt ra. Ở phía dưới, bên cạnh chiếc xe thấy có lão Pantelây, anh Emelian hình tam giác và ba ông khổng lồ đang đứng với nhau. Ba ông này bây giờ trông người thấp hơn lúc nãy nhiều, và khi Iegoruska nhìn kỹ thì thấy họ là những người đàn ông bình thường, và những vật họ vác trên vai không phải là những ngọn giáo, mà là những cái nạng chĩa bằng sắt. Trong cái khoảng cách giữa lão Pantelây và hình tam giác thấy sáng mờ cái khung cửa sổ của một ngôi nhà gỗ thấp. Như thế tức là đoàn xe đã đỗ lại trong một làng. Iegoruska bỏ tấm bạt ra, cầm lấy gói đồ đạc và vội vàng tụt xuống. Bây giờ, khi bên cạnh đã có tiếng người nói và có ánh đèn từ trong một cửa sổ hắt ra, nó không còn thấy sợ nữa, tuy tiếng sấm vẫn nổ ròn và ánh chớp vẫn lằng nhằng từng vệt sọc khắp bầu trời.
- Cơn dông khá lắm... - lão Pantelây lẩm bẩm. - Đội ơn Chúa... Đôi chân tôi hơi bị ướt nước mưa, nhưng cũng không sao... Cháu xuống rồi đấy à, Iegoruska? Thôi vào trong nhà đi... không sao...
- Lạy Chúa, lạy Chúa, lạy Chúa... - Emelian phều phào. - Thế nào cũng có nơi bị sét đánh... Các bác là người ở đây à? - anh ta hỏi ba ông khổng lồ.
- Không, ở Glinôvô kia, chúng tôi là người Glinôvô. Chúng tôi làm cho nhà ông Plater.
- Đập lúa à?
- Cũng làm đủ việc này việc nọ. Hiện nay thì đang gặt lúa mì. Trận dông ghê quá! Đã lâu không có trận dông nào như thế này...
Iegoruska đi vào nhà. Một bà già gầy nhẳng, lưng gù, có cái cằm nhọn hoắt, ra đón nó. Bà cụ cầm một cây nến mỡ lợn, nheo nheo đôi mắt và thở dài thườn thượt.
- Chúa cho trận dông ghê quá! - bà nói. - Thế mà người nhà chúng tôi lại ở lại đêm ngoài thảo nguyên, sợ quá, thật tội nghiệp! Cởi áo ra cậu, cởi áo ra...
Rét run lên cầm cập, người co rúm lại, Iegoruska cởi chiếc áo khoác ướt sũng, rồi dang rộng hai chân hai tay ra và cứ thế đứng yên một hồi lâu, không nhúc nhích. Mỗi cử động dù nhỏ nhặt đến đâu cũng đều làm cho Iegoruska có một cảm giác ướt át và lạnh lẽo khó chịu. Hai ống tay và lưng áo sơ mi đều ướt sũng, hai ống quần thì dính bết vào chân, nước từ trên mái tóc cứ nhỏ xuống ròng ròng...
- Kìa cậu bé, sao cứ đứng dạng chân dạng tay ra như thế? - bà già nói. - Vào kia mà ngồi đi!
Hai chân dạng ra, Iegoruska đến cạnh bàn và ngồi xuống một chiếc ghế dài, kề bên đầu một người nào đang nằm ở đây. Cái đầu nhúc nhích, phì ra đằng mũi một luồng hơi, nhai nhai mấy cái rồi lại lặng yên. Từ cái đầu, dọc theo chiếc ghế, một dãy đồi chạy dài ra, bên trên phủ một chiếc áo lông bằng da cừu. Ấy là một người đàn bà nông dân đang ngủ.
Bà già vừa ra ngoài, vừa thở dài, rồi một lát sau đã trở lại, tay bưng một quả dưa hấu và một quả dưa bở.
- Cậu ăn đi! Chẳng có món gì khác mà mời cậu... - bà ta vừa nói vừa ngáp, đoạn lục trong ngăn bàn lấy ra một con dao mũi nhọn, rất giống cái loại dao mà ở các quán trọ người ta thường dùng để cắt cổ mấy ông lái buôn. - Cậu ăn đi!
Iegoruska người run cầm cập như đang cơn sốt, ăn một khoanh dưa bở với bánh mì đen, rồi một khoanh dưa hấu. Ăn xong lại thấy lạnh hơn nữa.
- Người nhà chúng tôi phải ở lại đêm ngoài thảo nguyên... - bà già thở dài nói trong khi Iegoruska ăn. - Lạy Chúa... Lẽ ra cũng phải thắp cây nến trước tượng thánh, nhưng không biết cái con Xtêpaniđa nó đút vào đâu. Ăn đi cậu ạ, ăn đi...
Bà già ngáp một cái rồi quay tay phải ra sau gãi gãi vai bên trái.
- Bây giờ dễ đến hai giờ rồi! - bà nói. - Sắp sáng rồi còn gì. Người nhà chúng tôi phải ở lại ngoài thảo nguyên... Chắc ướt hết mất thôi...
- Bà ơi, - Iegoruska nói, - cháu muốn ngủ.
- Nằm xuống đây mà ngủ, cậu ạ, nằm xuống đấy... - bà già vừa thở dài vừa ngáp. - Lạy Chúa Kytô! Đang ngủ thì nghe như có tiếng ai gõ cửa. Thức dậy thì hóa ra trời đổ cơn dông... Cũng muốn thắp cây nến, nhưng chẳng tìm thấy đâu.
Vừa nói chuyện một mình, bà già vừa dọn dẹp mấy tấm giẻ gì la liệt trên chiếc ghế dài - chắc mấy tấm giẻ ấy là đệm lót giường của bà - lấy hai chiếc áo lông móc trên cái đinh ở bên cạnh lò sưởi và bắt đầu giải ra cho Iegoruska nằm.
- Cơn dông vẫn chưa ngớt... - bà nói lẩm bẩm. - Mong sao sét đừng đánh phải ai, chỉ sợ nhỡ ra một cái... Người nhà chúng tôi phải ở lại ngoài thảo nguyên... Nằm xuống đấy mà ngủ cậu ạ... Cầu Chúa phù hộ cho cháu ngủ yên giấc... Bà cứ để quả dưa bở đây nhé. Khi nào thức dậy có muốn ăn thì ăn.
Những tiếng thở dài và những cái ngáp vặt của bà già; tiếng thở đều đều của người đàn bà đang ngủ say, bóng tối mờ mờ trong căn nhà và tiếng mưa đổ rào rào ngoài cửa sổ như ru ngủ Iegoruska. Iegoruska ngượng không dám cởi quần áo trước mặt bà già. Nó chỉ cởi ủng, nằm xuống ghế và lấy chiếc áo lông cừu đắp lên người.
- Cậu bé ngủ rồi à? - một phút sau có tiếng lão Pantelây hỏi thầm thì.
- Ngủ rồi! - bà già cũng thì thầm đáp lại. - Khiếp quá, trời làm khiếp thật! Ầm ầm lên mãi mà vẫn chưa thôi...
- Sắp tạnh bây giờ đấy... - lão Pantelây vừa phều phào vừa ngồi xuống. - Đã hơi ngơn ngớt... Bọn chúng đi ngủ ở nhà khác và hai đứa trông coi đoàn xe... Bọn chúng nó... Không thể... Người ta dắt ngựa đi mất... Tôi ngồi một lát rồi phải ra thay chúng nó... Không, người ta có thể dắt trộm ngựa mất...
Pantelây và bà cụ già ngồi cạnh nhau bên chân Iegoruska, khẽ nói chuyện phều phào, chốc chốc lại thở dài, chốc chốc lại ngáp. Trong khi đó Iegoruska không sao ấm người lên được. Nó đắp chiếc áo lông cừu dày nặng trịch, nhưng cả người nó cứ run lên, tay chân giần giật, gan ruột tưởng như cũng run lên từng đợt... Nó cởi áo quần ra, trong khi vẫn đắp chiếc áo lông da cừu, nhưng cũng chẳng ăn thua. Cơn ớn rét mỗi lúc một mạnh thêm.
Lão Pantelây ra thay phiên đã quay trở về, mà Iegoruska vẫn chưa ngủ và vẫn run cầm cập. Có một cái gì đè lên đầu, lên ngực nó, làm cho nó thấy nặng nề vướng víu, nhưng nó không biết rõ đó là cái gì: có phải là tiếng nói chuyện thì thào của hai ông bà già, hay là cái mùi rất nặng của lông cừu? Quả dưa hấu và quả dưa bở ăn lúc nãy còn để lại một dư vị khó chịu, cứ như ngậm miếng thiếc. Hùa thêm vào đấy, mấy con bọ chét lại xông vào cắn nó nữa.
- Ông ơi! Cháu rét lắm! - nó nói mà không nhận ra được tiếng mình nữa.
- Ngủ đi cháu ạ, ngủ đi... - bà già thở dài.
Thằng Tít trên đôi chân lẻo khẻo đến cạnh giường hoa chân múa tay, rồi cao dần lên đến tận trần nhà và biến thành cái chòi xay gió. Cha Khrixtophor không phải như lúc ngồi trên xe, mà mặc đồ lễ đầy đủ, tay xách bình nước thánh đi quanh cái chòi xay, rảy nước thánh vào chòi, và mấy cánh quạt liền thôi vung vẫy. Iegoruska biết mình đang mê sảng, nó mở mắt ra.
- Ông ơi, - nó gọi. - Cho cháu tí nước!
Không ai trả lời. Iegoruska ngạt thở và cấn cái không sao chịu được. Nằm thế nào cũng không ổn. Nó đứng dậy, mặc quần áo và ra sân. Trời đã sáng. Bầu trời u ám, nhưng mưa đã tạnh. Người run rẩy, co ro trong chiếc áo khoác ướt sũng, Iegoruska đi trên khoảng sân lầy lội, lắng tai nghe ngóng cảnh tĩnh mịch ở xung quanh. Nó tình cờ nhìn thấy một cái chuồng bò nhỏ, cánh cửa làm bằng sậy hé mở. Nó dòm vào căn chuồng xép rồi vào ngồi trong xó chuồng, trên một đống phân khô dùng để đốt.
Đầu nó nặng trình trịch, ý nghĩ cứ rối tung lên, miệng khô không khốc và phát tởm lên vì cái vị thiếc. Nó ngắm chiếc mũ dạ, sửa lại chiếc lông công cắm trên mũ và nhớ lại hôm mẹ dắt đi mua chiếc mũ này. Nó thọc tay và túi và rút ra một vật gì màu nâu sẫm, nhão nhão, dính dính. Cái vật nhão nhoét này làm thế nào lọt vào túi nó nhỉ? Nó ngẫm nghĩ, đưa lên mũi ngửi: có mùi mật ong. Chà, đây là chiếc bánh nướng của bà Do Thái! Khổ thân, nó ướt sũng ra rồi còn gì!
Iegoruska ngắm chiếc áo khoác của nó. Chiếc áo khoác màu xám, có một bộ khuy to bằng xương, may theo kiểu áo đuôi tôm. Vì là một thứ mới mua và đắt tiền, hồi ở nhà nó được treo bên cạnh mấy chiếc áo dài của mẹ trong phòng ngủ, chứ không phải ở phòng ngoài; chỉ những ngày lễ Iegoruska mới được phép mặc nó. Nhìn chiếc áo, Iegoruska thấy thương hại quá, nó lại nhớ ra rằng nó với chiếc áo này, hai đứa đều bị phó mặc cho số phận xoay vần, hai đứa đều không bao giờ được về nhà nữa. Nghĩ đến đấy nó tủi quá khóc nấc lên, đến nỗi suýt ngã từ trên đống phân khô xuống.
Một con chó trắng rất to, bị mưa ướt mèm ra, trên mõm lòng thòng những chùm lông trông như những chùm giấy quấn tóc, lò dò đi vào chuồng bò và tò mò nhìn Iegoruska. Chắc nó đang phân vân tự hỏi: có nên cất tiếng sủa hay không? Sau khi quyết định là chẳng cần gì phải sủa, nó thận trọng tới gần Iegoruska ăn chiếc bánh nướng rồi bỏ đi.
- Xe của Varlamốp đấy! - có tiếng ai nói rất to ở ngoài đường.
Khóc chán rồi, Iegoruska ra khỏi chuồng bò, đi vòng qua vũng nước và ra đường. Đoàn xe chở hàng đang đỗ ngay trước cổng. Những người đánh xe, chân dính bùn be bét, uể oải và buồn ngủ như ruồi mùa đông, đang đi vật vờ bên xe hay ngồi trên càng xe. Iegoruska nhìn họ, nghĩ thầm: “Làm nông phu chán mà khó chịu thật!” Nó đến cạnh ông Pantelây và ngồi lên càng xe, bên cạnh ông lão.
- Ông ơi, cháu lạnh lắm! - nó vừa nói vừa run, tay này luồn vào trong ống áo tay kia.
- Không sao, sắp đến nơi rồi, - lão Pantelây ngáp dài. - Không sao đâu, nó ấm lên bây giờ đấy.
Đoàn xe lên đường sớm, vì trời không nóng. Iegoruska nằm trên đống hàng, rét run lên, tuy mặt trời chẳng bao lâu đã hiện ra, hong khô áo quần của nó, hong khô cả đống hàng và mặt đất. Nó vừa nhắm mắt lại thì thằng Tít và cái chòi xay gió đã hiện lên. Thấy buồn nôn và bải hoải khắp người, Iegoruska lấy hết sức bình sinh ra xua đuổi những hình ảnh ấy, nhưng hễ những hình ảnh này biến đi thì lại thấy gã phá bĩnh Đưmốp hầm hè xông vào nó, hai mắt đỏ ngầu, hai nắm đấm giơ cao lên, hoặc lại nghe tiếng hắn than thở: “Tôi chán quá!” Varlamốp cưỡi con ngựa giống Côdắc đi qua, rồi đến anh chàng Konxtantin hớn hở, miệng cười toe toét, tay xách con vạc. Và những con người này sao mà dễ ghét, khó chịu và phiền hà đến thế!
Có một lần, vào lúc xế chiều, nó nhấc đầu lên xin nước uống. Đoàn xe đỗ trên một chiếc cầu lớn bắc qua một con sông rộng. Ở phía dưới, trên mặt sông bốc lên một làn khói đen đen, và qua làn khói có thể trông thấy một chiếc tàu thủy kéo một chiếc xà lan. Trước mặt, bên kia sông, sừng sững một quả núi lớn nham nhở nhiều màu, rải rác những nếp nhà và những giáo đường, dưới chân núi, một cái đầu máy xe hỏa chạy giữa đám toa chở hàng...
Trước đây Iegoruska chưa bao giờ trông thấy tàu thủy hay đầu máy xe lửa, cũng chưa bao giờ trông thấy một con sông lớn. Nhưng bây giờ, nhìn các thứ đó, nó không thấy sợ, không lấy làm lạ. Trên gương mặt nó thậm chí cũng không có chút gì giống như một sự tò mò. Nó chỉ cảm thấy khó ở, và vội vàng nằm sấp lại, ngực ấp vào bờ vỉa kiện hàng, nôn thốc nôn tháo. Pantelây trông thấy thế, lắc đầu kêu lên:
- Cậu bé ốm mất rồi! Chắc là bị lạnh bụng... Cậu bé nhà ta ấy... Xa nhà thế này... gay quá!
VIII.
ĐOÀN XE DỪNG LẠI ở một khu nhà trọ lớn của phường buôn, cách bến tàu không xa. Từ trên xe tụt xuống, Iegoruska nghe có giọng ai nói rất quen. Có người nào vừa đỡ nó tụt xuống vừa nói:
- Xe tớ đến đây từ tối qua kia... Mấy ông đợi cậu suốt ngày hôm nay. Hôm qua đã định đuổi theo đoàn các cậu, nhưng xa quá, xe tớ đi đường khác. Ô kìa, sao cậu làm nát hết cái áo khoác thế kia! Ông cậu mắng chết!
Iegoruska nhìn kỹ cái mặt trơn như đá của người đang nói và nhớ ra rằng đó là Đenixka.
- Ông cậu và cha Khrixtophor bây giờ đang ở trong nhà trọ ấy, - Đenixka nói tiếp, - đang uống trà. Ta vào đi!
Đoạn Đenixka dắt Iegoruska vào một tòa nhà lớn hai tầng, tối tăm và u ám, giống như cái nhà tế bần ở thị trấn N. Đi qua phòng ngoài, dãy cầu thang tối om và một dãy hành lang dài và hẹp, Iegoruska và Đenixka vào một buồng nhỏ, trong đó quả nhiên có Ivan Ivanứts và cha Khrixtophor đang ngồi bên chiếc bàn trà. Trông thấy cậu bé, gương mặt cả hai ông già đều lộ vẻ ngạc nhiên và mừng rỡ.
- A, Iegoruska! - cha Khrixtophor reo lên, giọng ngân nga. - Ngài Lômônôxốp đây rồi!
- A, các vị quý tộc! - Kudmitsốp nói. - Xin quá bộ vào đây.
Iegoruska cởi áo khoác, hôn tay ông cậu và cha Khrixtophor, rồi ngồi xuống cạnh bàn.
- Thế nào, con đi đường ra sao, puer bone(17)? - cha Khrixtophor hỏi tíu tít trong khi rót trà cho Iegoruska, môi nở nụ cười rạng rỡ như thường lệ. - Chắc là chán lắm phải không con? Đi xe chở hàng hoặc xe bò thì thật đến khổ! Đi mãi, đi mãi, lạy Chúa tha tội, mà nhìn phía trước vẫn thấy thảo nguyên mênh mông như cũ, chẳng thấy bến bờ đâu! Chán không để đâu cho hết. Sao không uống trà đi con? Uống đi! Còn trong khi con nằm trên xe lê đi thì ở đây cậu của con và cha đây đã làm xong mọi việc gọn gàng. Đội ơn Chúa! Lông cừu đã bán cả cho Tserepakhin giá hời hết sức... Lợi lắm!
Thoạt trông thấy người nhà, Iegoruska đã thấy cần than phiền ngay, một nhu cầu không sao cưỡng nổi. Nó không nghe cha Khrixtophor nói gì, cứ băn khoăn nghĩ thử xem nên bắt đầu bằng chuyện gì, và có than phiền thì cụ thể là than phiền nỗi gì. Nhưng giọng nói của cha Khrixtophor mà nó có cảm giác là đanh đá khó chịu, làm cho nó không tập trung được, ý nghĩ cứ rối tung lên. Chưa ngồi năm phút, nó đã rời bàn trà đứng dậy ra đivăng nằm.
- Thế cơ đấy, - cha Khrixtophor ngạc nhiên. - Thế còn trà thì sao?
Đang cố nghĩ xem nên than phiền về nỗi gì, Iegoruska dúi đầu vào lưng đivăng và bỗng khóc òa lên.
- Lại thế nữa! - cha Khrixtophor càng ngạc nhiên. Cha đứng dậy và đến cạnh đivăng. - Iegoruska, con làm sao thế? Sao con lại khóc?
- Con... con bị ốm! - Iegoruska nói.
- Ốm à? - cha Khrixtophor luống cuống. - Ấy thế mới gay go đây anh bạn ạ... Ai lại ốm giữa đường bao giờ? Chao ôi, chao ôi, anh bạn yếu quá đấy!...
Cha đặt tay lên trán Iegoruska, sờ má nó rồi nói:
- Đúng, đầu nóng lắm... Chắc con bị cảm lạnh đấy, hay ăn lầm phải cái gì! Con cầu nguyện Chúa đi con ạ.
- Cho nó uống ký ninh chăng... - Ivan Ivanứts nói, vẻ luống cuống.
- Không, giá có cái gì thật nóng cho nó ăn... Iegoruska, con ăn tí súp nhé? Nhé?
- Không... con không ăn đâu... - Iegoruska đáp.
- Con bị rét hay sao?
- Lúc nãy thì bị rét, nhưng bây giờ... bây giờ thì nóng lắm. Con đau ê ẩm khắp người...
Ivan Ivanứts đến cạnh đivăng, sờ đầu Iegoruska, đằng hắng một tiếng và trở về ngồi ở bàn trà, vẻ bối rối rõ rệt.
- Bây giờ thế này nhé, - cha Khrixtophor nói, - con cởi quần áo ra rồi đi ngủ, con phải ngủ một chút cho lại sức đã.
Cha giúp Iegoruska cởi quần áo, đưa cho nó một cái gối và lấy chăn đắp cho nó, rồi lại lấy chiếc áo bành tô của Ivan Ivanứts đắp lên trên, xong đâu đấy cha rón rén bỏ ra bàn trà ngồi. Iegoruska nhắm mắt lại, và lập tức có cảm giác là mình không ở trong phòng trọ, mà đang ở bên đường cái, cạnh đống lửa; Emelian vung tay lên còn Đưmốp thì đang nằm sấp, đưa đôi mắt đỏ ngầu nhìn Iegoruska một cách ngạo nghễ.
- Đánh chết nó đi! Đánh chết nó đi! - Iegoruska kêu lên.
- Mê sảng rồi... - cha Khrixtophor nói khẽ.
- Rầy rà quá! - Ivan Ivanứts thở dài.
- Phải lấy dầu dấm đánh gió cho nó. Nhờ trời độ đến mai sẽ khỏi.
Để dứt ra khỏi những giấc mơ nặng nề, Iegoruska mở mắt ra và bắt đầu nhìn vào ngọn lửa đang bập bùng trong lò sưởi. Cha Khrixtophor và Ivan Ivanứts đã uống trà xong, đang thì thầm nói chuyện với nhau. Cha Khrixtophor mỉm cười hớn hở, rõ ràng là không thể nào quên được rằng mình đã bán được chỗ lông cừu với giá hời như vậy; cha vui mừng chủ yếu không phải vì bản thân món tiền lãi, mà vì nghĩ rằng khi về đến nhà cha sẽ tập hợp cả gia đình đông đúc của cha lại, sẽ nháy mắt một cách tinh quái và cất tiếng cười; lúc đầu cha sẽ nói dối với mọi người là cha đã bán lỗ vốn chỗ lông cừu ấy, rồi cha liền đưa cho Mikhailo ông con rể, chiếc ví dày cộp và nói: “Này, nhận lấy! Làm ăn là phải như thế chứ!” Còn ông Kudmitsốp thì lại không có vẻ hài lòng. Gương mặt ông vẫn chỉ có cái vẻ bận rộn thôi và lo âu như cũ. Ông nói khe khẽ:
- Chao, giá biết trước là Tserepakhin sẽ trả đến giá ấy thì hôm đang ở nhà tôi đã không bán cái chỗ ba trăm pút cho Makarốp rồi! Chán quá! Nhưng ai ngờ ở đây giá lại cao vọt lên như thế?
Một người mặc áo sơ mi trắng ra dọn ấm lò và thắp cây đèn thờ trước bức tượng thánh treo ở góc phòng. Cha Khrixtophor ghé tai hắn nói thì thầm mấy tiếng; hắn liền làm ra một vẻ mặt bí ẩn như đang tham gia một âm mưu gì - tôi hiểu hết rồi đấy - bỏ ra ngoài rồi một lát sau lại trở vào đem một cái đĩa đến cạnh chiếc đivăng. Ivan Ivanứts dọn chỗ nằm giữa sàn, ngáp dài mấy cái, uể oải đọc kinh rồi nằm xuống.
- Tôi định mai ra nhà thờ... - cha Khrixtophor nói. - Ở đấy có bác bõ già là chỗ quen biết với tôi. Lẽ ra phải đến thăm đức cha sau buổi lễ, nhưng nghe nói đức cha ốm.
Cha ngáp dài rồi tắt đèn. Bây giờ trong phòng chỉ còn leo lét chiếc đèn thờ.
- Nghe nói đức cha không tiếp khách, - cha Khrixtophor vừa nói tiếp vừa cởi quần áo. - Thành thử trước khi về tôi chẳng được gặp.
Cha cởi áo, và Iegoruska thấy Rôbinxơn Cruxô hiện ra trước mặt. Rôbinxơn khuấy khuấy cái gì trong chiếc đĩa, lại gần Iegoruska nói thì thầm:
- Lômônôxốp ơi, ngủ đấy à? Dậy một tí! Cha xoa bóp dầu dấm cho. Tốt lắm đấy, miễn là con cầu nguyện Chúa.
Iegoruska ngồi ngay dậy. Cha Khrixtophor cởi chiếc áo cánh cho nó, rồi bắt đầu lấy dầu dấm xát vào ngực nó, người co rúm lại, hơi thở đứt quãng, cứ như thế chính cha cũng thấy buồn.
- Nhân danh cha và con và thánh thần... - cha lâm râm khấn khứa. - Nằm sấp xuống con... Thế! Mai thì khỏi thôi, miễn là từ bây giờ đến mai đừng có vớ vẩn mà ốm to lên... Nóng như lửa thế này này! Chắc khi nổi cơn dông các con đang ở giữa đường phải không?
- Đang ở giữa đường ạ.
- Thế thì gì mà chả ốm! Nhân danh cha và con và thánh thần... Gì mà chả ốm cơ chứ!
Đánh gió cho Iegoruska xong, cha Khrixtophor mặc áo cánh vào cho nó, đắp chăn lại, làm dấu thánh rồi bỏ đi chỗ khác. Sau đó Iegoruska thấy cha cầu nguyện Chúa. Chắc hẳn cha thuộc rất nhiều kinh, vì cha cứ đứng trước tượng thánh thì thầm mãi hồi lâu. Cầu nguyện xong, cha làm dấu thánh lên các cửa sổ, lên cửa ra vào, lên Iegoruska, lên cả Ivan Ivanứts, rồi nằm xuống một chiếc đivăng nhỏ, không lót gối, lấy chiếc áo đắp lên người. Ngoài hành lang, đồng hồ điểm mười tiếng. Iegoruska nhớ ra rằng từ giờ đến sáng còn rất lâu, nó chán ngán dúi đầu vào lưng đivăng và chẳng buồn cố gắng dứt khỏi những giấc chiêm bao mờ mịt nặng nề nữa. Nhưng trời chóng sáng hơn nó tưởng nhiều.
Nó có cảm giác là nó nằm áp trán vào lưng đivăng như thế chẳng được bao lâu, nhưng khi nó mở mắt ra, qua hai khung cửa sổ của gian phòng trọ đã có hai vệt nắng chênh chếch chiếu xuống sàn nhà. Khrixtophor và Ivan Ivanứts đi đâu chẳng thấy. Gian phòng đã được dọn dẹp sạch sẽ ngăn nắp. Nó sáng sủa, ấm cúng và phảng phất cái mùi mà cha Khrixtophor bao giờ cũng sực nức, mùi trắc bá và mùi đinh hương khô (ở nhà cha thường lấy đinh hương chế nước thánh và trang hoàng khám thờ, cho nên mùi hoa đã ngấm hẳn vào người cha). Iegoruska nhìn chiếc gối, nhìn hai vệt nắng chênh chếch, nhìn đôi ủng của nó đã được lau chải sạch sẽ và đặt thẳng hàng bên đivăng, rồi nó cất tiếng cười. Nó lấy làm lạ sao mình không còn trên đống hàng nữa, sao xung quanh khô ráo thế, và trên trần chẳng có sấm chớp gì cả.
Nó rời đivăng nhảy xuống đất và bắt đầu mặc áo quần. Nó thấy trong người rất sảng khoái; cơn sốt hôm qua chỉ để lại một cảm giác hơi mỏi mỏi ở hai chân và ở cổ. Thế là món thuốc dầu dấm đã tỏ ra hiệu nghiệm. Iegoruska nhớ lại chiếc tàu thủy, cái đầu máy xe lửa và con sông rộng mà nó đã được trông thấy lờ mờ hôm qua, và bây giờ nó hối hả mặc áo quần cho thật nhanh để chạy ra bến xem lại cho thỏa. Khi nó đã rửa mặt xong và đang mặc chiếc áo sơ mi màu mào gà, chợt có tiếng ổ khóa mở lách cách, và cha Khrixtophor hiện ra trên ngưỡng cửa, đầu đội cái mũ lễ, tay cầm gậy thánh, mình mặc chiếc áo chùng bằng lụa nâu trùm lên chiếc áo bằng vải thô. Miệng mỉm cười, gương mặt như tỏa hào quang (các cụ già đi nhà thờ về bao giờ cũng tỏa hào quang như vậy), cha đặt lên bàn một chiếc bánh thánh và một cái gói gì không rõ, cầu nguyện rồi nói:
- Chúa đã rủ lòng thương! Sao, sức khỏe con thế nào rồi?
- Bây giờ con khỏe rồi ạ, - Iegoruska vừa hôn tay cha vừa đáp.
- Đội ơn Chúa... Còn cha thì vừa đi xem lễ về... Cha đi thăm người quen cha ở đây. Ông ấy mời cha về nhà uống nước, nhưng cha không về. Cha không thích đi thăm người này người nọ vào lúc sớm tinh mơ như thế. Thôi gửi Chúa phù hộ họ!
Cha cởi áo chùng, vuốt vuốt lên ngực và thong thả cởi cái gói ra. Iegoruska trông thấy một cái hộp đựng trứng cá muối, một miếng lưng cá muối khô và một chiếc bánh mì Pháp.
- Đây, lúc nãy đi qua cửa hàng cá cha đã mua được mấy thứ này, - cha Khrixtơphor nói. - Ngày thường, lẽ ra cũng chẳng ăn sang làm gì, nhưng cha nghĩ bụng ở nhà đang có người ốm, thành thử cha thấy rất nên mua. Món trứng cá muối này ngon lắm, trứng cá chiên đấy...
Người mặc áo sơ mi trắng bưng chiếc ấm lò và khay chén đĩa lên.
- Ăn đi con, - cha Khrixtơphor, phết trứng cá muối lên miếng bánh mì đưa cho Iegoruska nói. - Bây giờ con cứ ăn cứ chơi đi, rồi mai kia sẽ đi học. Con phải học cho chăm chỉ siêng năng, cho nó thành người. Cái gì cần học thuộc lòng thì con phải học thuộc lòng, còn khi nào phải tự mình kể lại cái ý bên trong, không nhắc lại y nguyên của người ta, thì con phải dùng lời lẽ của mình mà kể lại. Và phải cố học cho đủ các khoa học. Có người học toán rất giỏi, mà chẳng hay biết gì và Pêtơrơ Môgila(18), có kẻ lại biết Pêtơrơ Môgila nhưng hỏi đến mặt trăng thì mít đặc. Không được, con phải học sao cho hiểu rõ mọi điều. Con phải học tiếng La Tinh, tiếng Pháp, tiếng Đức... phải học địa dư, dĩ nhiên, cả lịch sử, cả thần học, triết học, toán học nữa... Phải học thong thả, cần cù, vừa học vừa cầu nguyện, mới học được hết. Khi nào học đã thành thạo mọi môn rồi, con sẽ đi làm việc. Biết đủ mọi môn thì làm việc gì cũng thế. Con cứ lo học và tu thân rồi Chúa sẽ chỉ rõ cho con biết nên chọn nghề gì. Bác sĩ ư, quan tòa ư, kỹ sư ư...
Cha Khrixtophor phết một ít trứng cá muối lên miếng bánh mì, cho vào mồm và nói:
- Thánh Paulô tông đồ có dạy: chớ học các tà thuyết và tạp khoa. Dĩ nhiên nếu học hắc thư, phù chú rồi đi gọi thần linh ở bên kia thế giới về như Xanh(19), hay học những môn chẳng có lợi gì cho mình cũng như cho người, thì thà đừng học còn hơn. Chỉ được tiếp thu những cái gì đã được Chúa ban lời lành. Con phải suy nghĩ cho kỹ... Các thánh sứ đồ xưa nói được đủ các thứ tiếng, vậy con cũng phải học ngôn ngữ. Vaxili Đại thánh nhân(20) đã học toán học và triết học - vậy con cũng phải học. Thánh Nêxtơrơ(21) viết sử - vậy con cũng phải học sử và viết sử. Con cứ theo gương các thánh mà cân nhắc suy xét...
Cha Khrixtophor nhấp tí nước trà rót trên đĩa tách, quệt ria mép rồi lắc lắc cái đầu.
- Tốt lắm! - cha nói. - Cha ngày xưa học hành theo lối cũ, bây giờ đã quên mất nhiều, ấy thế nhưng cha vẫn sống khác người ta. Thậm chí cũng chẳng so sánh được nữa. Chẳng hạn ở giới thượng lưu, trong bữa tiệc hay trong công sở gì đấy mà nói ra một câu tiếng La tinh hay kể một điển tích rút trong sử hay trong triết học, thế là mọi người đều thấy thú vị, mà mình cũng khoái... Hay là như khi có tòa án huyện xuống phải bắt ai thề, bao nhiêu giáo sĩ khác đều lúng túng, chỉ riêng cha có thể nói chuyện suồng sã với quan tòa, chưởng lý và luật sư một cách học thức, uống trà với họ, cười cợt với họ, không biết gì thì hỏi họ... Thế là họ rất thích. Thế đấy, anh bạn ạ! Có học thì sáng, không học thì tối. Con phải học đi! Dĩ nhiên cũng khổ: thời bây giờ muốn học phải tốn nhiều tiền... Mẹ con góa bụa, sống bằng tiền trợ cấp quả phụ, thế nhưng mà...
Cha Khrixtophor thảng thốt nhìn ra cửa và thì thầm nói tiếp:
- Ivan Ivanứts sẽ giúp cho. Ông ấy không bỏ rơi con đâu. Con cái thì ông ấy chẳng có, thế nào ông ấy cũng sẽ giúp con. Con đừng lo.
Cha nghiêm mặt lại và thì thào khẽ hơn nữa:
- Nhưng con phải coi đấy, Iegoruska ạ, lạy Chúa phù hộ cho con, đừng để con quên mất mẹ, và cậu Ivan Ivanứts. Kính thờ mẹ là bổn phận của mọi người, Kinh thánh đã phán rõ, còn Ivan Ivanứts là ân nhân của con, là người cha thứ hai của con. Sau này có lẽ con thành người học thức rồi mà lại đâm ra khệnh khạng và khinh miệt mọi người chỉ vì họ ngu dốt hơn con thì khốn to, khốn to đấy con ạ.
Cha Khrixtophor giơ cao cánh tay lên và nhắc lại, giọng eo éo:
- Khốn to! Khốn to!
Cha Khrixtophor nói đã bắt đầu hăng, đã hết sức say mê; giá cứ để yên chắc hẳn cha còn nói mãi đến chiều, nhưng lúc bấy giờ cánh cửa lại mở ra và Ivan Ivanứts bước vào phòng. Ông ta vội vã chào mọi người, ngồi vào bàn và bắt đầu uống trà rất nhanh.
- Thôi, thế là xong hết mọi việc, - ông nói. - Lẽ ra có thể lên đường về nhà ngay hôm nay, nhưng còn thằng Iegoruska này nữa, lại thêm một mối lo. Phải thu xếp nơi ăn chốn ở cho nó. Bà chị có nói là đâu gần đây bà có một bà bạn tên là Naxtaxia Pêtơrốpna, có lẽ bà này sẽ vui lòng cho cháu nó ở nhờ.
Ông ta lục lọi trong cái ví một lát, rút ra một bức thư nhàu nát rồi đọc:
- “Phố Malaia Nigiơnaia, gửi Naxtaxia Pêtơrốpna Toxkunova, tại nhà riêng”. Bây giờ phải đi tìm bà này. Thật phiền hà.
Một lát sau, Ivan Ivanứts và Iegoruska đã ra khỏi sân nhà trọ.
- Thật phiền hà! - ông cậu lẩm bẩm. - Thằng này cứ bám lấy người ta như cây bìm bìm, thôi Chúa rước nó đi đâu thì đi cho rảnh. Các người thì cứ lo học hành, lo làm sang, còn tôi thì chỉ chuốc lấy cái khổ vì các người...
Khi hai cậu cháu đi qua sân, đoàn xe chở hàng và mấy người đánh xe không còn ở đấy nữa, từ sáng sớm họ đã đi hết ra ngoài bến. Mãi tít ở góc sân có thể trông thấy cái bóng dáng quen thuộc của chiếc xe; bên cạnh xe là hai con ngựa hồng đang ăn kiều mạch.
“Từ biệt xe nhé!” - Iegoruska nghĩ thầm.
Thoạt tiên hai cậu cháu phải theo dọc đại lộ đi lên dốc, rồi đi qua một cái bãi chợ rất rộng; ở đây Ivan Ivanứts hỏi một người cảnh sát xem phố Malaia Nigiơnaia ở chỗ nào.
Người cảnh sát cười hề hề rồi đáp:
- Còn xa, đi về phía ấy, phía bãi chăn ấy!
Trên đường đi hai cậu cháu gặp nhiều chiếc xe thuê, nhưng đi xe thuê là một thói hoang toàng, ông cậu chỉ tự cho phép mình vào những trường hợp tối đặc biệt, và vào những ngày hội lớn. Ông cậu dẫn Iegoruska đi qua những dãy phố lát đá, rồi lại đi qua những dãy phố chỉ có vỉa hè chứ không có lòng đường, rồi cuối cùng lại đi vào những dãy phố chẳng có lòng đường mà cũng chẳng có vỉa hè. Khi hai chân và cái lưỡi của ông cậu đã đưa hai cậu cháu đến phố Malaia Nigiơnaia, mặt cả hai đều đỏ gay, phải bỏ mũ lau mồ hôi.
- Cụ làm ơn chỉ giúp, - Ivan Ivanứts hỏi một cụ già ngồi ghế dài ở bên cổng, - nhà bà Naxtaxia Pêtơrốpna Toxkunova ở đâu ạ?
- Ở đây chẳng có ai là Toxkunova cả! - cụ già nghĩ một lát rồi trả lời. - Hay là bà Timosenko?
- Không ạ. Toxkunova kia.
- Xin lỗi ông, không có bà Toxkunova nào ở đây cả...
Ivan lvanứts so vai rồi đi tiếp.
- Ông còn đi tìm làm gì! - ông cụ gọi với theo. - Đã bảo không có là không có mà.
Ivan Ivanứts lại hỏi một bà già đứng bán quả lê và hạt hướng dương bày trên cái quầy nhỏ đặt ở góc phố:
- Bà ơi, bà cho hỏi thăm nhà bà Naxtaxia Pêtơrốpna Toxkunova ở chỗ nào ạ?
Bà già ngạc nhiên nhìn Ivan Ivanứts rồi cười phá lên:
- Thế ra bà Naxtaxia Pêtơrốpna bây giờ vẫn ở nhà cũ đấy phỏng? - bà hỏi. - Trời ơi, bà ấy đã cho con gái đi lấy chồng từ tám năm nay, nhà thì nhường cho con rể ở rồi. Nhà ấy bây giờ là nhà ông con rể.
Mắt bà bán hàng bình luận thêm: “Sao các người ngốc thế? Một chuyện tầm thường như thế mà các người cũng không biết!”
- Thế còn bà ấy bây giờ ở đâu ạ? - Ivan Ivanứts hỏi.
- Trời ơi! - bà già ngạc nhiên vỗ tay đánh đét một cái. - Bà ấy ở nhà thuê đã lâu rồi! Đã tám năm nay bà ấy nhường nhà cho con rể ở mà. Ông này lạ thật!
Hẳn bà ta chắc mẩm là Ivan Ivanứts cũng sẽ ngạc nhiên thốt lên: “Ồ chẳng lẽ lại thế!”, nhưng ông ta chỉ hỏi một cách hết sức điềm nhiên:
- Thế nhà bà ấy thuê ở chỗ nào?
Bà bán hàng xắn tay áo lên, vừa giơ cánh tay để trần ra chỉ trỏ vừa nói the thé:
- Cứ đi thẳng, thẳng mãi, thẳng mãi... Đi qua một ngôi nhà nhỏ màu đo đỏ, nhìn sang tay trái sẽ thấy một cái ngõ. Ông cứ đi vào cái ngõ ấy, đếm đến cổng thứ ba ở bên phải...
Ivan Ivanứts và Iegoruska đi qua ngôi nhà đo đỏ, rẽ sang tay trái và đến cái cổng thứ ba ở bên phải. Hai bên cái cổng xam xám rất cũ kỹ này chạy dài một dãy rào màu xám có những kẽ hở rất rộng; phần bên phải của dãy rào nghiêng hẳn ra phía ngoài, chỉ chực đổ xuống, phần bên trái thì ngả vào trong sân, riêng cái cổng vẫn đứng thẳng, trông như thể đang phân vân tự hỏi không biết nên đổ về phía nào: chúi sấp ra ngoài ngõ hay ngã ngửa vào trong sân. Ivan Ivanứts đẩy cánh cổng và cùng Iegoruska trông thấy một khoảng sân lớn mọc đầy cỏ dại và cạnh cổng chừng một trăm bước có một ngôi nhà nhỏ, mái đỏ, cánh bịt cửa sổ xanh lá cây. Một người đàn bà béo tốt hai tay áo xắn cao, cái tạp dề vén lên, đang đứng giữa sân vừa rắc rắc cái gì xuống đất vừa cất cái giọng the thé giống như giọng bà bán hàng ban nãy, gọi liến thoắng:
- Bập bập!
Sau lưng bà ta có một con chó màu vàng, hai tai nhọn hoắt, đang ngồi xổm. Trông thấy hai người lạ, nó chạy ra cổng và cất tiếng sủa giọng nam cao (chó mà lông màu vàng thì bao giờ cũng sủa giọng nam cao).
- Ông cần hỏi ai? - người đàn bà vừa thét to lên vừa lấy bàn tay che trên mắt cho khỏi chói nắng.
- Chào bà! - Ivan Ivanứts cũng thét rõ to, tay cầm gậy xua con chó màu vàng. - Bà cho hỏi, đây có phải nhà bà Naxtaxia Pêtơrốpna Toxkunova không ạ?
- Phải rồi, ông cần hỏi việc gì?
Ivan Ivanứts và Iegoruska lại gần người đàn bà. Bà ta nhìn hai người từ đầu đến chân có vẻ nghi kỵ rồi hỏi lại:
- Ông cần hỏi việc gì?
- Nhưng có lẽ bà chính là Naxtaxia Pêtơrốpna?
- Ừ, tôi đây.
- Rất hân hạnh... Bà ạ, bà bạn cũ của bà là Onga Ivanốpna Kơniadeva có gửi lời chào bà. Đây là con trai bà ta. Còn tôi, có lẽ bà còn nhớ, là em ruột bà ta, tôi là Ivan Ivanứts... Bà là người quê ở thị trấn của chúng tôi... Bà ra đời ở quê chúng tôi, lấy chồng ở quê chúng tôi...
Im lặng một lúc. Người đàn bà béo tốt trố mắt ngơ ngác nhìn Ivan Ivanứts như thể không tin hay không hiểu, rồi đỏ bừng mặt lên và vung tay ngạc nhiên; kiều mạch đựng trong cái tạp dề vung vãi xuống đất, nước mắt đựng trong mắt cũng trào ra giàn giụa.
- Onga Ivanốpna à! - bà ta rít lên, thở hổn hển vì xúc động. - Ôi người bạn yêu quý của tôi! Ôi, cha mẹ ơi, sao tôi lại đứng đực ra như con dở hơi thế này? Ôi, chú bé xinh đẹp của tôi...
Bà ta ôm lấy Iegoruska, nước mắt chảy ướt đầm cả mặt nó. Bà ta khóc thực sự.
- Trời ơi! - bà vừa nói vừa vặn hai tay vào nhau, - con trai của Onga Ivanốpna đây này! Mừng sao mừng quá thế này này! Y hệt như mẹ! Không sai một chút! Ồ, sao lại đứng ngoài sân thế này? Mời vào nhà, mời vào nhà đi!
Vừa đi, bà vừa khóc vừa thở hổn hển, vội vã dẫn hai ông cháu đi theo bà.
- Nhà chưa dọn dẹp gì cả! - bà nói trong khi đưa hai người vào một gian phòng khách nhỏ ngột ngạt, đầy những tượng thánh và chậu hoa. - Ôi, lạy đức mẹ Chúa trời! Vaxilixa, đi mở cánh bịt cửa sổ ra cái nào! Chú thiên thần nhỏ của tôi! Giai nhân tuyệt thế của tôi! Ngờ đâu Onga lại có chú con trai thế này!
Khi bà ta đã bình tĩnh lại và đã quen khách, Ivan Ivanứts ngỏ ý muốn nói chuyện riêng với bà. Iegoruska được đưa sang phòng bên: ở đây có đặt chiếc máy khâu, trên cửa sổ treo một cái lồng bên trong có con sáo đá, và xung quanh cũng nhiều tượng thánh và nhiều chậu hoa như ở phòng khách. Bên chiếc máy khâu có đứa con gái đứng im lìm như con búp bê, nước da rám nắng, má phinh phính giống như má thằng Tít, mình mặc chiếc áo vải hoa sạch bong. Nó nhìn Iegoruska không chớp mắt và hình như ngượng nghịu lúng túng lắm. Iegoruska nhìn nó, im lặng một lúc rồi hỏi:
- Mày tên là gì?
Đứa con gái mấp máy đôi môi, làm ra một vẻ mặt như sắp khóc và đáp:
- Atka...
Như thế có nghĩa là: Katka.
Trong phòng khách, Ivan Ivanứts nói thì thầm:
- Bà cho nó ở đây. Nếu bà có lòng nhận cho, chúng tôi sẽ xin gửi bà mỗi tháng mười rúp. Cháu nó ngoan mà lành, chứ không phải như hạng con cưng nhà người ta...
- Tôi cũng chẳng còn biết nói với ông thế nào nữa, ông Ivan Ivanứts ạ! - bà Naxtaxia Pêtơrốpna thở dài nói như khóc. - Mười rúp cũng khá to tiền, nhưng nhận nuôi con người khác tôi cũng sợ lắm. Nhỡ nó ốm đau hay có chuyện gì...
Khi họ cho gọi Iegoruska trở ra phòng khách, Ivan Ivanứts đã cầm lấy mũ và đang cáo từ bà Naxtaxia Pêtơrốpna.
- Thôi thế là từ giờ cháu nó ở lại đây với bà, - ông nói. - Xin chào bà! Cháu ở lại nhé, Iegoruska! - ông quay sang thằng cháu nói. - Cháu ở đây cho ngoan, phải nghe lời bà Naxtaxia Pêtơrốpna... Thôi cháu ở lại nhé. Mai cậu còn ghé nữa!
Nói đoạn ông ta ra về. Naxtaxia Pêtơrốpna lại ôm hôn Iegoruska, gọi nó là chú thiên thần con một lần nữa, rồi bắt đầu dọn bàn ăn, nước mắt rơm rớm. Ba phút sau Iegoruska đã ngồi bên cạnh bà, trả lời những câu hỏi liên miên vô tận của bà và ăn món súp bắp cải bỏ mỡ nóng hổi.
Và đến tối nó lại ngồi bên chiếc bàn ấy, tay chống cằm nghe bà Naxtaxia Pêtơrốpna nói. Khi thì cười, khi thì lại khóc, bà ta kể cho nó nghe về thời niên thiếu của mẹ nó, về chuyện mình đi lấy chồng, về con cái của mình... Trong lò sưởi có một con dế kêu ri rỉ, và ngọn lửa trong chụp đèn kêu vo vo rất khẽ. Bà chủ nhà nói thủ thỉ, chốc chốc lại xúc động đánh rơi cái đê, và con bé Katka, cháu ngoại bà ta, lại bò xuống gầm bàn đi tìm. Cứ mỗi lần như thế lại ở lại dưới gầm bàn rất lâu, chắc là để khảo sát đôi chân của Iegoruska. Trong khi đó, Iegoruska lắng nghe, thiu thiu ngủ và ngắm nghía gương mặt bà già, cái mụn cóc to có mấy sợi lông mọc lòng thòng, những vệt nước mắt hằn trên má... Và nó thấy lòng buồn rười rượi, buồn lắm. Người ta dọn chỗ cho nó nằm trên chiếc rương và dặn nó là nếu đến đêm có muốn ăn thì cứ đi ra ngoài dãy hành lang nhỏ: trên cửa sổ có con gà rán đậy cái đĩa để sẵn đấy.
Sáng hôm sau ông Ivan Ivanứts và cha Khrixtophor đến từ biệt nó. Naxtaxia Pêtơrốpna mừng lắm, toan đặt ấm lò, nhưng Ivan Ivanứts đang vội đi, liền khoát tay nói:
- Thôi ạ, chúng tôi còn thì giờ đâu? Chúng tôi đi ngay đây!
Trước khi chia tay, mọi người ngồi xuống và im lặng một phút. Naxtaxia Pêtơrốpna thở ra một tiếng rõ dài rồi ngước đôi mắt mới khóc đỏ hoe lên ngắm các tượng thánh.
- Nào, - Ivan Ivanứts đứng dậy nói, - thôi thế cháu ở lại nhé...
Trên mặt ông, vẻ thành thạo của người làm ăn chí thú đã đi đâu mất. Ông hơi đỏ mặt, mỉm một nụ cười buồn buồn rồi nói:
- Cháu phải học hành cho tử tế nhé... Cháu đừng quên mẹ cháu và phải nghe lời bác Naxtaxia Pêtơrốpna... Iegoruska ạ, nếu cháu học hành chăm chỉ, cậu sẽ giúp cho cháu.
Ông lấy trong túi ra một cái ví tiền, quay lưng về phía Iegoruska, lục bới hồi lâu trong mớ tiền lẻ, rồi tìm được mười kôpếch, ông lấy ra đưa cho Iegoruska. Cha Khrixtophor thở dài, rồi cầu phúc cho Iegoruska.
- Nhân danh cha và con và thánh thần... Con hãy cố mà học, - cha nói. - Phải có công dùi mài, anh bạn ạ... Nếu cha chết đi, con thỉnh thoảng hãy nhớ đến cha... Đây cha cũng có cầu phúc, con cầm lấy...
Iegoruska hôn tay cha và khóc. Trong tâm hồn nó có một cái gì thầm thì mách cho nó biết rằng chẳng bao giờ nó còn gặp lại ông già này nữa.
- Bà Naxtaxia Pêtơrốpna ạ, - Ivan Ivanứts nói với cái giọng như thể trong phòng có người chết, - tôi đã nộp đơn ở trường rồi. Đến mồng bảy tháng Tám bà đưa giúp nó đến trường để thi sát hạch... Thôi, chào bà nhé! Bà ở lại mạnh giỏi, xin gửi Chúa. Cháu ở lại mạnh giỏi Iegoruska nhé!
- Các ông chẳng ngồi lại xơi lấy được chén trà, - bà Naxtaxia Pêtơrốpna rên rỉ.
Qua làn nước mắt rưng rưng, Iegoruska không nhìn thấy rõ cậu nó và cha Khrixtophor đi ra. Nó chạy ra cửa sổ, nhưng họ đã ra khỏi sân, không trông thấy đâu nữa, chỉ thấy con chó vàng vừa sủa vừa từ ngoài cổng chạy vào, với cái vẻ yên tâm của một kẻ đã làm tròn bổn phận. Iegoruska, tuy chính nó cũng chẳng biết để làm gì, vụt rời cửa sổ và đâm bổ ra ngoài. Khi nó ra khỏi cổng thì Ivan Ivanứts và cha Khrixtophor đang rẽ ngoặt ở góc phố, Ivan Ivanứts vẫy bằng chiếc ba-toong, cha Khrixtophor thì vẫy bằng gậy. Iegoruska có cảm giác là cùng với hai người ấy, tất cả những gì nó từng sống qua, đều đã vĩnh viễn tan biến đi như hơi khói; nó buông mình ngồi phịch xuống chiếc ghế dài và khóc nức nở để đón chào cuộc sống mới, chưa từng biết, vừa bắt đầu đối với nó...
Cuộc sống ấy rồi sẽ ra sao?
____________
1. Lômônôxốp Mikhain Vaxiliêvíts (1711-1765), nhà nghiên cứu tự nhiên, nhà bác học Nga đầu tiên được công nhận là có ý nghĩa thế giới, nhà thơ, người đặt cơ sở cho ngôn ngữ văn học Nga hiện đại, người họa sĩ, nhà hoạt động xã hội. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở làng Khônmơgorư, gần với thành phố Arkhanghenxcơ (cực Bắc của phần đất phía Tây của nước Nga). Những kiến thức học vấn đầu tiên có được là do tự học. Năm 1731, với mục đích học thêm, ông lên Maxcơva theo chiếc xe của những người đánh cá, chở cá ướp lạnh. Suốt đoạn đường tới Maxcơva ông đều phải đi bộ.
2. Alếchxanđrơ Páplovíts - hoàng đế Nga Alếchxanđrơ I, trị vì từ 1801 đến 1825. Trong giới chính trị và tôn giáo thường được gọi kèm theo tục danh Cả phước, do chỗ đã thành công trong hàng loạt biện pháp đối nội và đặc biệt là đối ngoại (thất bại của quân đội Napôlêông năm 1812, thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Ðiển v.v.).
3. Cậu bé đĩnh ngộ ơi, em tên là gì? (Tiếng La tinh).
4. Khrixtophor (tiếng La Tinh).
5. Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Anh - Ðaniel Ðiphô (Daniel Defoe) (1660-1731).
6. Xagien - một đơn vị độ dài dùng ở nước Nga, tương đương 2,13 mét.
7. Hết! (Tiếng La tinh).
8. Con chim đại bàng hai đầu, được in trên quốc huy đế chế Nga.
9. Vua Ai Cập cổ đại.
10. Ở đây nói về một nhân vật thần thoại trong cuốn Kinh Thánh.
11. Ở miền Bắc Ucraina.
12. Ðêxiachina - một đơn vị diện tích ở nước Nga, tương đương 1,09 hécta.
13. Ở đây nói tới các nhân vật trong các tráng ca và truyện cổ tích Nga là Ilya Murométx người sinh trưởng ở thành phố Murom. Nhân vật này là một hiệp sĩ, đã chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược nhân dân Nga. Xolovây Radbôiních - một quái vật hung dữ.
14. Danh từ chỉ chung các giống rắn không độc.
15. Hiện nay là thành phố Gorki.
16. Chúa Xavaof - một trong những tên của chúa Iakhơve - Chúa Do Thái; theo đạo Kytô thì Chúa Xavaof coi như Chúa cha.
17. Cậu bé tốt lành (tiếng La Tinh).
18. Môgila Pêtơrơ (1596-1647) - một nhà hoạt động văn hóa Ucraina, một nhà văn tôn giáo. Từ 1632, là tổng giám mục địa phận Kiép. Rất quan tâm tới giáo dục và sự phát triển văn hóa.
19. Ở đây nói tới truyền thuyết trong Kinh thánh, kể về vua Xanh, vị thần của cha ông ta là Xamuin đã báo trước ngày tận cùng của Vương triều.
20. Vaxili Ðại thánh nhân (khoảng 330-379), nhà hoạt động tôn giáo đạo Kytô.
21. Nêxtơrơ (không rõ năm sinh năm mất), nhà sử học và nhà chính luận Nga cổ, hình như là tu sĩ của tu viện Kievo-Pêtsécxki từ những năm 70 thế kỷ XI.