Nếu tôi không đánh thức Barley, hoặc nếu Barley chỉ đi một mình, thì có lẽ bây giờ anh ấy đã ngủ quên mà đi tuốt qua biên giới Tây Ban Nha và bị các viên chức hải quan Tây Ban Nha đánh thức một cách thô bạo rồi. Barley loạng choạng xuống sân ga Perpignan, vẫn còn ngái ngủ, nên tôi đành tự hỏi đường đến trạm xe buýt. Ông trưởng tàu mặc áo bành tô màu xanh cau mày, như cho rằng giờ này chúng tôi phải ở nhà, trong phòng trẻ con rồi mới phải, nhưng ông vẫn tử tế chỉ giùm chỗ hành lý lúc trước chúng tôi bỏ lại, hiện chúng ở sau quầy nhà ga. Ông hỏi chúng tôi định đi đâu? Chúng tôi đáp cần bắt xe buýt đến Les Bains. Ông lắc đầu. “Các cháu sẽ phải chờ đến sáng - cháu không biết giờ đã gần nửa đêm sao? Có một khách sạn sạch sẽ ở ngay trên đường này, ở đó cháu và...” “Anh cháu,” tôi tiếp lời ngay, “có thể tìm thuê một phòng.” Ông trưởng tàu lại nhìn chúng tôi vẻ xét nét, tôi nghĩ vậy, tôi tóc đen và còn quá trẻ còn Barley tóc vàng và gầy lêu nghêu, nhưng ông ta chỉ tặc lưỡi bỏ đi.
“Bình minh hôm nay sáng và đẹp hơn hôm qua, và đến khi cha gặp được Helen trong phòng ăn khách sạn để dùng bữa điểm tâm thì những dự cảm không lành đêm hôm trước đã trở thành một giấc mơ xa xăm. Ánh mặt trời xuyên qua những khung cửa sổ bụi bặm, chiếu vào mấy chiếc khăn bàn ăn trắng và những cốc cà phê thô nặng. Helen ngồi ở bàn, đang ghi chép vào một cuốn sổ tay nhỏ. ‘Chào anh,’ cô niềm nở lên tiếng lúc cha ngồi xuống và tự rót cà phê cho mình. ‘Anh đã sẵn sàng gặp mẹ tôi chưa?’
“ ‘Tôi chả quan tâm đến chuyện nào khác từ khi chúng ta đến Budapest,’ cha thú nhận. ‘Chúng ta sẽ đến đó như thế nào?’
“ ‘Làng mẹ tôi nằm trên một tuyến xe buýt, ở phía Bắc thành phố. Vào các buổi sáng Chủ nhật chỉ có một chuyến xe buýt về đó, vì vậy chúng ta phải chắc chắn không được lỡ chuyến xe đó. Chuyến đi kéo dài khoảng một giờ, xe chạy qua những khu ngoại ô rất buồn tẻ.’
“Cha không tin có điều gì trong chuyến đi này lại buồn tẻ, nhưng cũng không nói gì. Tuy nhiên, vẫn có một điều làm cha lo lắng. ‘Helen, chắc chắn cô muốn tôi đi cùng chứ? Cô có thể một mình về hỏi chuyện bà ấy kia mà. Có thể như vậy sẽ làm cho bà ít lúng túng hơn so với việc cô xuất hiện với một người đàn ông hoàn toàn xa lạ - đã thế còn là người Mỹ nữa. Và nhỡ sự hiện diện của tôi làm bà gặp rắc rối thì sao?’
“ ‘Nói đúng ra thì sự hiện diện của anh sẽ làm cho mẹ tôi dễ nói chuyện hơn,’ Helen quả quyết. ‘Anh biết đấy, trước mặt tôi mẹ tôi rất dè dặt. Còn anh sẽ quyến rũ bà.’
“ ‘Này, trước giờ tôi chưa từng bị gán cho cái tội biết quyến rũ đâu đấy.’ Cha lấy cho mình ba lát bánh mì và một đĩa bơ.
“ ‘Đừng lo - anh không bị buộc tội đó đâu.’ Helen tặng cho cha một nụ cười châm biếm chưa từng thấy, nhưng cha nghĩ mình đã thoáng nhìn thấy một ánh trìu mến trong đôi mắt cô. ‘Chỉ là mẹ tôi dễ bị người ta quyến rũ mà thôi.’
“Cô không nói tiếp, ông Rossi đã quyến rũ được bà ấy, vậy tại sao anh lại không? Nhưng cha nghĩ tốt hơn nên tạm gác đề tài này lại.
“ ‘Tôi hy vọng cô đã báo trước là chúng ta sắp đến thăm.’ Nhìn cô ngồi bên kia bàn, cha tự hỏi liệu cô có định kể với mẹ mình việc đã bị tên thủ thư tấn công hay không. Chiếc khăn quàng nhỏ vẫn quấn quanh cổ cô, cha cố gắng không nhìn vào nó.
“ ‘Tối qua bác Éva đã nhắn tin cho mẹ tôi rồi,’ Helen bình thản nói, rồi chuyển đĩa mứt cho cha.
“Chuyến xe buýt mà chúng ta đón ở vùng ven phía Bắc thành phố chầm chậm xuyên qua vùng ngoại ô, như Helen đã nói - trước tiên là những khu ngoại ô cũ kỹ xa xôi và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, sau đó là một loạt tòa nhà mới hơn, cao vút và trắng toát như bia mộ của những gã khổng lồ. Cha nghĩ, đây là tiến bộ của người cộng sản mà báo chí phương Tây thường đơm đặt với thái độ thù địch: lùa hàng triệu người dân khắp Đông Âu vào những căn hộ không chút tiện nghi trong các khu tập thể cao tầng. Xe buýt dừng lại vài lần ở các khu liên hợp này, cha nhận ra mình đang băn khoăn tự hỏi chúng thực sự thiếu tiện nghi đến mức nào: dưới chân mỗi tòa nhà là những mảnh vườn giản dị trồng đủ mọi loại rau cỏ, những cánh hoa rực rỡ và lũ bướm; trên một chiếc ghế dài bên ngoài một tòa nhà, gần điểm dừng xe buýt là hai ông lão mặc sơ mi trắng và áo khoác màu sậm đang chơi cờ - vì khoảng cách khá xa nên cha không phân biệt được loại cờ gì. Vài phụ nữ bước lên xe buýt, mặc những chiếc áo thêu màu sáng - bộ cánh diện ngày Chủ nhật chăng? - một bà xách theo cái lồng bên trong là con gà mái. Người tài xế khoát tay đưa cái lồng gà vào xe để cùng mọi người khác, còn bà chủ gà ngồi ở phía sau với mớ đồ đan len của mình.
“Khi đã bỏ những khu ngoại ô lại phía sau, chiếc xe buýt ì ạch chạy trên con đường miền quê, cha nhìn thấy những cánh đồng phì nhiêu và những đường lộ thênh thang, bụi bặm. Thỉnh thoảng chúng ta qua mặt một chiếc xe ngựa kéo - thùng xe được làm bằng những cành cây trông giống một cái thúng thô sơ - do một người nông dân mặc áo khoác và đội mũ phớt đen điều khiển. Đôi lúc, chúng ta bắt gặp một chiếc xe hơi mà nếu ở Mỹ chắc hẳn đã được đem vào viện bảo tàng. Đất đai một màu xanh tươi mát, hàng liễu rủ cành lá vàng xuống những dòng suối nhỏ uốn lượn quanh co. Thỉnh thoảng xe chạy vào một ngôi làng; đôi lúc cha nhìn thấy những mái vòm hình củ hành của một giáo đường Chính Thống giáo, chen lẫn giữa những tháp chuông nhà thờ khác. Helen cũng nghiêng người qua phía cha để nhìn cho rõ. ‘Nếu tiếp tục đi theo con đường này, chúng ta sẽ đến Esztergom, thủ phủ đầu tiên của các vị vua Hungary. Giá ta có đủ thời gian thì chắc chắn đó là nơi đáng tham quan lắm đấy.’
“ ‘Để sau vậy,’ cha ngả người ra. ‘Tại sao mẹ cô lại chọn sống ở mãi ngoài này?’
“ ‘Ồ, bà đã chuyển đến đây từ hồi tôi còn học trung học, để gần gũi hơn với núi rừng. Tôi không muốn đi với bà - tôi ở lại Budapest với bác Éva. Mẹ tôi không thích sống trong thành phố, bà nói vùng núi Bưrzsưny phía Bắc nhắc bà nhớ đến xứ Transylvania. Bà thường đến vùng núi đó cùng một câu lạc bộ đi bộ leo núi các ngày Chủ nhật, chỉ trừ những ngày tuyết quá dày.’
“Chi tiết này đã bổ sung thêm một mảnh nhỏ vào bức chân dung của người mẹ Helen mà cha đã hình dung trong đầu. ‘Sao bà không đến ở hẳn tại vùng núi non kia?’
“ ‘Ở đó không có việc làm - nơi đó gần như một công viên quốc gia vậy. Vả lại, giả dụ mẹ tôi có muốn thế thật thì bác tôi cũng sẽ ngăn cản, ngăn cản quyết liệt là đằng khác. Bác vẫn nghĩ mẹ tôi như bình thường cũng đã quá tự cô lập rồi.’
“ ‘Mẹ cô làm việc ở đâu?’ Cha nhô ra, chăm chú nhìn một biển dừng xe buýt trong làng; người duy nhất đứng chờ ở đó là một bà lão, mặc toàn quần áo màu đen, cả vuông khăn trùm đầu cũng màu đen, tay cầm một bó hoa vừa đỏ vừa hồng. Bà không bước lên lúc chiếc xe buýt dừng lại, cũng chẳng chào đón ai trong số hành khách xuống xe. Khi xe lăn bánh trở lại, cha thấy bà lão nhìn chằm chằm theo chúng ta, tay đưa cao bó hoa.
“ ‘Mẹ tôi làm việc tại trung tâm văn hóa làng, sắp xếp giấy tờ, đánh máy một số văn bản, và pha cà phê cho mấy ông thị trưởng của các thành phố lớn hơn mỗi khi họ ghé qua. Tôi từng nói với bà đây là một công việc không xứng đáng với một người thông minh như bà, nhưng bà luôn nhún vai rồi tiếp tục với công việc đó. Mẹ tôi thích một nghề đơn giản.’ Có chút gì đó cay đắng trong giọng nói của Helen, cha băn khoăn tự hỏi liệu cô có nghĩ sự giản dị này của bà đã làm hỏng không chỉ sự nghiệp của người mẹ mà còn làm mất cả cơ hội của con gái. Nhưng ngẫm ra những cơ hội đó đã được bác Éva bù đắp hậu hĩnh. Helen trễ khóe miệng xuống làm thành một nụ cười lộn ngược lạnh lùng. ‘Anh sẽ được nhìn tận mắt.’
“Chúng ta nhận ra ngôi làng nơi mẹ Helen ở qua một biển báo đặt tại bìa làng. Một lúc sau, chiếc xe buýt của chúng ta tiến vào một quảng trường có những cây ngô đồng bám đầy bụi bặm bao bọc xung quanh, một nhà thờ bịt ván kín mít ở cạnh bên. Một bà lão, giống hệt như bà lão mặc đồ đen mà cha vừa nhìn thấy ở làng kế bên, một mình đứng đợi dưới mái che trạm xe buýt. Helen lắc đầu khi cha liếc nhìn cô dò hỏi, nhưng cảnh bà lão ôm hôn một anh lính vừa bước ra khỏi xe trước mắt chúng ta đã thay cho câu trả lời.
“Có vẻ như Helen xem việc chúng ta đến mà không ai ra đón là chuyện bình thường, cô nhanh nhẹn dẫn cha bước xuống những con đường nhánh, băng qua những căn nhà im lìm có chậu hoa đặt trên bệ cửa sổ và buông kín mành che ánh mặt trời chói chang. Bên ngoài một căn nhà, một ông lão ngồi trên ghế gỗ đưa tay lên vành mũ và gật đầu chào. Gần cuối con đường là một chú ngựa lông xám cột vào cây trụ, đang ừng ực uống nước trong một cái xô. Hai phụ nữ quần áo tuềnh toàng, mang dép lê đang ngồi nói chuyện bên ngoài một quán cà phê dường như đã đóng cửa. Từ bên kia cánh đồng, cha nghe vọng lại xa xa tiếng chuông nhà thờ, và gần hơn là tiếng chim hót trên những cành đoan. Khắp nơi trong không gian âm vang tiếng vo ve mơ hồ; thiên nhiên chỉ còn cách ta một bước chân, nếu ta biết đâu là hướng để bước.
“Sau đó con đường đột ngột kết thúc tại một cánh đồng đầy cỏ dại. Helen gõ cửa căn nhà cuối cùng. Đó là một căn nhà rất nhỏ, xây theo kiểu nông thôn, trát vữa vàng, lợp ngói đỏ, phía ngoài có vẻ như mới vừa được sơn lại xong. Mái ngói nhô ra phía trước, tạo thành một hàng hiên tự nhiên, cánh cửa gỗ sậm màu với chiếc tay nắm to đã gỉ sét. Ngôi nhà nằm khá cách biệt với những căn nhà lân cận, không có vườn rau đủ màu sắc hoặc lối đi mới lát đá dẫn vào nhà như nhiều nhà khác dọc theo con đường dẫn vào đây. Do bóng râm hắt xuống từ mái hiên, phải mất một lúc cha mới nhận ra gương mặt của người phụ nữ ra mở cửa cho Helen. Nhưng rồi cha cũng thấy rõ, và một lát sau bà quay qua bắt tay cha sau khi ôm chầm và hôn lên má Helen, điềm tĩnh và gần như trang trọng.
“Cha không biết chính xác mình mong đợi điều gì; có lẽ câu chuyện thầy Rossi bỏ rơi bà và việc sinh hạ Helen đã khiến cha hình dung bà là một phụ nữ đẹp, có đôi mắt u sầu hoặc thậm chí yếu đuối, cần sự giúp đỡ. Nhưng người bằng xương bằng thịt đứng trước mặt cha này lại có khung xương thô giống Helen, nét mặt kiên nghị, gò má thấp và đôi mắt đen. Mái tóc đen nhánh giản dị búi lại phía sau. Bà mặc váy vải bông kẻ sọc, đeo tạp dề hoa. Khác với bác Éva, bà không trang điểm hoặc mang nữ trang, quần áo bà tương tự như quần áo các bà nội trợ mà cha vừa nhìn thấy trên con đường ngoài kia. Có lẽ bà đang dở việc nhà vì tay áo đang xắn lên đến tận cùi chỏ. Bà thân thiện siết chặt tay cha, không nói gì, chỉ nhìn thẳng vào mắt. Trong khoảnh khắc, cha bất chợt nhận ra trong sâu thẳm đôi mắt đen huyền đã hằn những vết chân chim kia hình ảnh cô gái e thẹn chắc hẳn từng là bà hơn hai mươi năm về trước.
“Bà dẫn chúng ta vào nhà và ra hiệu mời chúng ta ngồi vào bàn, ở đó đã bày sẵn ba chiếc cốc sứt mẻ và một đĩa bánh mì. Cha nghe thoang thoảng mùi cà phê đang pha. Bà cũng vừa mới hái rau, mùi thơm nồng của khoai tây và hành tươi tỏa khắp phòng.
“Giờ cha mới nhận ra đây là căn phòng duy nhất của bà, và cố gắng không nhìn quanh một cách quá lộ liễu - nó vừa là bếp, vừa là phòng ngủ và phòng khách. Căn phòng sạch như lau như li, một giường nhỏ đặt trong góc có trải chăn trắng, điểm xuyết những chiếc gối trắng thêu nhiều màu rực rỡ. Cạnh giường ngủ là một cái bàn, trên bàn bày một cuốn sách, một cây đèn có bóng chụp bằng thủy tinh, một cặp mắt kính, bên cạnh bàn đặt một chiếc ghế đẩu nhỏ. Ở chân giường kê một tủ gỗ sơn hoa. Khu vực bếp, nơi chúng ta ngồi chỉ có một bếp nấu đơn sơ và bàn ghế. Không có điện, không có phòng tắm (một lúc sau trong cuộc viếng thăm này cha mới biết nhà vệ sinh nằm ở phía sau vườn). Một tấm lịch có hình công nhân đang làm việc trong nhà máy treo trên tường, trên một bức tường khác là một bức tranh thêu hai màu đỏ và trắng. Rèm cửa sổ trắng, hoa cắm trong bình. Một bếp củi đặt gần bàn nhà bếp, củi xếp thành chồng bên cạnh.
“Mẹ Helen mỉm cười nhìn cha, vẫn còn thoáng chút ngượng ngập, lúc đó cha mới nhận ra sự giống nhau giữa bà và bác Éva, và có lẽ đó cũng là một nét đã lôi cuốn thầy Rossi. Nụ cười bà ấm áp lạ lùng, một nụ cười khởi đầu e ấp rồi dần bừng lên, tỏa đến người nhận được nó một sự cởi mở tuyệt đối, gần như rực rỡ. Nó không tắt ngay mà từ từ phai đi khi bà ngồi xuống để cắt thêm rau. Bà lại ngước mắt lên nhìn cha và nói với Helen một điều gì đó, bằng tiếng Hungary.
“ ‘Bà bảo tôi pha cà phê cho anh.’ Helen bận rộn bên bếp để pha cà phê, thêm vào đó ít đường đựng trong chiếc lon thiếc. Mẹ Helen bỏ dao xuống, đẩy đĩa bánh mì về phía cha. Cha lịch sự cầm một ổ và vụng về nói đôi lời cám ơn bằng tiếng Hungary. Nụ cười rạng rỡ ấy lại từ từ hé nở, bà nhìn từ cha sang Helen, một lần nữa nói với cô điều gì đó mà cha không hiểu. Helen đỏ mặt và quay trở lại với món cà phê.
“ ‘Chuyện gì vậy?’
“ ‘Chẳng có gì cả. Mấy ý tưởng quê mùa của mẹ tôi đấy thôi.’ Cô đến ngồi vào bàn, đặt cà phê trước mặt mẹ và rót cho mình một cốc. ‘Paul này, giờ xin phép anh để tôi thăm hỏi bà ấy và chuyện làng xóm một chút nhé.’
“ ‘Trong lúc họ nói chuyện với nhau, Helen bằng giọng trầm dứt khoát còn bà mẹ thì thầm trả lời, cha đưa mắt nhìn khắp phòng lần nữa. Người phụ nữ này không chỉ sống một nếp sống giản dị lạ thường - có lẽ láng giềng của bà ở đây ai cũng sống như vậy - mà còn cực kỳ cô độc. Cha chỉ thấy hai hoặc ba cuốn sách, không có thú nuôi trong nhà, thậm chí chẳng có một chậu hoa. Chẳng khác gì căn phòng nhỏ của một nữ tu.
“Liếc nhìn lại, cha nhận thấy bà còn khá trẻ, trẻ hơn bà nội con nhiều. Tóc bà đã chớm vài sợi bạc ở đường rẽ trên đỉnh đầu, gương mặt đã hằn in năm tháng, nhưng ở bà toát lên một vẻ gì đó tráng kiện và mạnh khỏe lạ thường, một nét lôi cuốn hoàn toàn không phụ thuộc vào cách ăn mặc hoặc tuổi tác. Cha thầm nghĩ, bà có thể lập gia đình dễ dàng, tuy vậy bà lại chọn sống một cuộc sống im lìm như một nữ tu. Cha cười đáp trả khi bà lại mỉm cười với cha; gương mặt bà toát lên vẻ nồng hậu đến nỗi cha phải cố kiềm chế mới không đưa tay ra để nắm lấy bàn tay đang chậm rãi gọt khoai của bà.
“ ‘Mẹ tôi muốn biết tất cả về anh,’ Helen nói với cha, và với sự giúp đỡ của cô cha đã cố gắng trả lời trọn vẹn mọi câu hỏi, câu nào cũng được nêu ra bằng một giọng Hungary ôn tồn, cùng với ánh mắt cảm thông của người đối thoại, tựa như bà có thể làm cho cha hiểu mình bằng sức mạnh của ánh mắt ấy. Ở Mỹ cha là người vùng nào? Tại sao cha lại đến đây? Cha mẹ của cha là ai? Họ có quan tâm đến chuyến đi xa xôi này không? Cha đã gặp Helen như thế nào? Đến đây bà xen vào nhiều câu hỏi khác mà có vẻ như Helen né tránh không chịu dịch, một trong số các câu hỏi đó kèm theo một cái vuốt lên đôi má Helen, âu yếm dịu dàng. Trông Helen có vẻ bực nên cha không ép cô dịch lại. Thay vì vậy, chúng ta tiếp tục với những đề tài liên quan đến việc học hành, những dự định, những món ăn ưa thích của cha.
“Khi cảm thấy đã hài lòng, mẹ Helen đứng dậy và bắt đầu cho rau và thịt vào một đĩa lớn, rắc một thứ gia vị màu đỏ đựng trong cái hũ phía trên bếp lên rồi nhẹ nhàng cho tất cả vào lò. Bà chùi tay lên tạp dề và lại ngồi xuống, nhìn từ cha qua Helen, không nói gì, tựa như cả ba chúng ta đang quá thừa thãi thời gian trên đời này. Rốt cuộc Helen cũng lên tiếng, qua cách cô đằng hắng lấy giọng cha đoán được rằng cô đang muốn đề cập đến mục đích của cuộc thăm viếng. Bà mẹ bình thản nhìn cô con gái, nét mặt không thay đổi cho đến khi Helen ra hiệu với cha đã tới lúc nhắc đến tiếng Rossi. Phải thu hết can đảm cha mới có thể ngồi yên bên chiếc bàn nhỏ ở một làng quê cách xa khỏi mọi thứ quen thuộc với mình mà nhìn thẳng vào khuôn mặt bình thản ấy. Mẹ Helen chớp mắt, chỉ một lần, tựa như ai đó vừa dọa đánh bà, và trong một thoáng bà đảo mắt nhìn vào mặt cha. Sau đó bà gật gù, vẻ đăm chiêu rồi hỏi Helen vài câu. ‘Mẹ tôi hỏi anh biết giáo sư Rossi được bao lâu.’
“ ‘Đã ba năm,’ cha trả lời.
“ ‘Bây giờ,’ Helen nói, ‘tôi sẽ giải thích cho bà biết việc ông ta mất tích.’ Dịu dàng và thận trọng, không phải như đang trò chuyện với một đứa trẻ mà tựa như thúc ép bản thân cưỡng lại ý muốn của chính mình, Helen nói chuyện với mẹ, đôi lúc chỉ vào cha, đôi lúc lại dùng tay vẽ một hình nào đó vào không khí. Cuối cùng cha nghe được tiếng Dracula, và cùng với âm thanh đó cha thấy mặt mẹ Helen trắng bệch ra, bà đưa tay vịn vào cạnh bàn. Helen và cha lập tức đứng lên, Helen nhanh nhẹn cầm lấy cái bình trên bếp rót một cốc nước. Mẹ cô nói cái gì đó, rất nhanh và khó nghe. Helen quay lại phía cha. ‘Bà nói bà luôn biết chuyện này sẽ xảy ra.’
“Cha đứng lặng, chẳng giúp được gì, nhưng khi đã nhấp vài ngụm nước, mẹ Helen có vẻ như phần nào bình tĩnh lại. Bà ngước nhìn lên, và rồi, cha ngạc nhiên khi bà cầm lấy tay cha - như một khoảnh khắc trước đó cha đã muốn nắm lấy tay bà - và kéo cha ngồi xuống ghế. Bà trìu mến giữ lấy tay cha, chẳng chút kiểu cách, vuốt ve tựa như đang vỗ về một đứa bé. Cha không thể hình dung người phụ nữ nào trong nền văn hóa của mình có thể hành xử như vậy trong lần đầu gặp gỡ một người đàn ông, tuy vậy, lúc đó đối với cha có vẻ như chẳng có gì có thể tự nhiên hơn. Cha chợt hiểu Helen hàm ý gì khi nói trong hai người phụ nữ lớn tuổi của gia đình cô, mẹ cô sẽ là người cha yêu quý nhất.
“ ‘Mẹ tôi muốn biết liệu anh có thực tình tin là giáo sư Rossi đã bị Dracula bắt mang đi không.’
“Cha hít một hơi thật sâu. ‘Tôi tin.’
“ ‘Và bà muốn biết liệu anh có yêu quý giáo sư Rossi không.’ Tuy giọng thoáng vẻ khinh khỉnh, nhưng nét mặt Helen lại lộ vẻ xót xa. Nếu có thể cầm lấy bàn tay cô bằng bàn tay còn lại của mình hẳn cha đã cầm lấy ngay rồi.
“ ‘Tôi có thể chết vì ông ấy,’ cha nói.
“Cô lặp lại câu nói trên với mẹ mình, bà đột nhiên siết chặt tay cha bằng một bàn tay rắn chắc mà sau này cha mới nhận ra đã được tôi luyện từ vô số việc nặng nhọc. Cha cảm nhận được sự thô ráp của những ngón tay, những vết chai sần trong lòng bàn tay, các đốt ngón tay gồ ghề. Khi nhìn xuống, cha nhận ra bàn tay nhỏ nhắn nhưng mạnh mẽ đó già hơn nữ chủ nhân của nó nhiều.
“Một lát sau, mẹ Helen buông tay cha ra rồi đến bên chiếc rương ở chân giường. Bà chậm rãi mở rương, dịch chuyển mấy món đồ bên trong rồi lấy ra một vật mà cha nhận ra ngay là một gói thư. Helen trừng mắt, cô buông ra một câu hỏi, giọng gay gắt; mẹ cô không đáp lại, chỉ im lặng quay về bàn và đặt cái gói vào tay cha.
“Những lá thư vẫn còn phong bì, không có tem, đã ngả vàng theo năm tháng và được bó lại bằng một sợi dây màu đỏ đã tua xơ. Khi trao những lá thư đó cho cha, bằng cả hai tay, mẹ Helen cầm những ngón tay cha áp lên sợi dây, tựa như thúc giục cha hãy nâng niu chúng. Chỉ cần liếc mắt thoáng nhìn nét chữ trên bì thư đầu tiên, cha nhận ra ngay đó là nét chữ của thầy Rossi, và đọc tên người nhận. Cái tên đó cha đã biết, nó nằm đâu đó xa xôi trong miền ký ức của cha, còn địa chỉ chính là Cao đẳng Trinity, Đại học Oxford, nước Anh.”