Đối với tôi, ga tàu hỏa Amsterdam là một quang cảnh quen thuộc - tôi đã đi ngang qua đây hàng chục lần, nhưng chưa bao giờ đến đó một mình. Tôi chưa bao giờ một mình đi đến bất kỳ nơi chốn nào, và lúc ngồi trên băng ghế chờ chuyến tàu sáng tốc hành đi Paris, tôi thấy tim mình đập dồn dập không hẳn vì hồi hộp lo âu cho cha, mà vì trong tôi cuồn cuộn dâng lên nguồn nhựa sống đến từ khoảnh khắc hoàn toàn tự do đầu tiên tôi biết tới trong đời. Ở nhà, bà Clay hẳn đang rửa chén bát sau bữa điểm tâm và nghĩ rằng tôi đang trên đường đến trường. Barley chắc chắn đã khăn gói ra bến cảng và cũng nghĩ tôi đang đi học. Tôi ân hận vì đã lừa dối bà Clay tử tế nhưng cứng nhắc kia, và cảm thấy khá nuối tiếc vì phải chia tay Barley, anh đã bất ngờ lịch thiệp hôn lên tay tôi nơi ngưỡng cửa nhà và tặng tôi một thanh sô cô la dù tôi đã bảo là có thể mua bánh kẹo xứ Hà Lan này bất kỳ lúc nào tôi thích. Tôi nghĩ có lẽ mình sẽ viết thư cho anh, khi tất cả những rắc rối này chấm dứt - nhưng đó là việc xa vời, tôi không thể đoán trước được.
Lúc này, bình minh Amsterdam đã lung linh lấp lánh biến hóa quanh tôi. Thậm chí sáng hôm nay tôi còn mơ hồ nhận ra chút cảm giác khuây khỏa trong khi đi bộ dọc theo con kênh đào từ nhà đến ga xe lửa, trong mùi thơm của bánh mì nướng và mùi ẩm ướt của những dòng kênh, vẻ tất bật nhưng tươm tất, dù không hoàn toàn thanh nhã, của mọi thứ. Ngồi trên một ghế dài trong nhà ga, tôi kiểm tra lại hành lý của mình: quần áo để thay, những lá thư của cha, bánh mì, pho mát, những hộp nước trái cây lấy ở nhà bếp. Tôi cũng chôm được khá nhiều tiền đi chợ - nếu bất nhẫn hơn, tôi đã lấy cả hai mươi đồng - để bổ sung cho số tiền trong ví. Việc này sẽ làm bà Clay nhanh chóng để ý cảnh giác, nhưng chẳng còn cách nào khác - tôi không thể nấn ná chờ đến giờ nhà băng mở cửa để rút tiền từ cái tài khoản tiết kiệm nhỏ nhoi trẻ con của mình. Tôi mang theo một chiếc áo len ấm dài tay và áo mưa, hộ chiếu, một cuốn sách để đọc trong những chuyến hành trình dài bằng xe lửa, và cuốn tự điển tiếng Pháp loại bỏ túi.
Tôi còn lấy trộm một thứ khác nữa. Trong phòng khách tại nhà, tôi lấy trộm một con dao găm bạc trong tủ chứa những vật kỷ niệm quý hiếm có từ những chuyến đi công cán ngoại giao đầu tiên của cha ở những xứ sở xa xôi, những chuyến đi mang theo những nỗ lực sơ khởi nhằm thiết lập quỹ tài trợ của cha. Thời đó tôi còn quá nhỏ, không theo cha được, nên ông phải để tôi ở lại Mỹ với những người bà con họ hàng khác. Con dao sắc bén kỳ lạ, cán dao có khắc chạm trang trí. Vỏ dao cũng có rất nhiều hình chạm khắc tinh vi. Đây là loại vũ khí duy nhất mà tôi thấy trong nhà - cha không thích súng, và sở thích sưu tầm của ông không bao gồm các loại đao kiếm hoặc rìu chiến. Dù không biết phải tự vệ như thế nào với con dao nhỏ này, nhưng tôi cảm thấy an tâm hơn khi biết nó đang hiện diện trong xắc tay của mình.
Khi chuyến tàu tốc hành tới, ga tàu đông nghẹt người. Lúc đó tôi thấy, và bây giờ vẫn vậy, rằng không có niềm vui nào giống như niềm vui lúc tàu đến, dù tâm trạng của bạn có đang rối ren như thế nào - đặc biệt là một con tàu châu Âu, và nhất là một chuyến tàu châu Âu đưa bạn về phương Nam. Quãng thời gian này trong cuộc đời tôi, vào những năm cuối thập niên 70, tôi đã được nghe tiếng còi của một số đầu máy hơi nước cuối cùng còn sót lại chạy qua rặng Alps theo một hành trình đều đặn. Rồi tôi lên tàu, tay nắm chặt cặp sách, gần như mỉm cười. Trước mắt tôi giờ là hàng giờ đồng hồ rảnh rỗi, và tôi sẽ cần đến chúng, không phải để đọc sách, mà để nghiền ngẫm một lần nữa những lá thư quý báu của cha. Tôi tin rằng mình đã chọn đúng hướng, nhưng cũng cần phải suy nghĩ tại sao lại đúng.
Tìm được một cabin yên tĩnh, tôi kéo tấm màn ngăn lối đi bên cạnh ghế ngồi của mình, hy vọng không có ai dõi theo mình đến nơi này. Một lát sau, một phụ nữ trung niên, mặc áo khoác xanh, đầu đội mũ bước vào, mỉm cười chào tôi và ngồi xuống ghế với một xấp tạp chí Hà Lan. Từ góc ngồi thoải mái của mình, ngắm nhìn thành phố cổ kính rồi đến những khu ngoại ô nhỏ bé một màu xanh ngát lùi dần về phía sau, tôi lại mở lá thư đầu tiên của cha. Lúc này tôi đã thuộc nằm lòng những câu mở đầu, nét chữ gây xúc động, ngày tháng và nơi chốn gây sửng sốt, những dòng chữ viết vội vàng mà cứng cáp của cha.
“Con gái thương yêu của cha:
“Nếu con đang đọc lá thư này, thì hãy tha thứ cho cha. Cha đang đi tìm mẹ con. Nhiều năm qua cha tin rằng mẹ con đã chết, nhưng hiện tại niềm tin đó không còn vững chắc nữa. Tình trạng mập mờ này thậm chí tồi tệ hơn nỗi đau thương, một ngày nào đó con sẽ hiểu điều này; nó đã dằn vặt tâm can cha cả ngày lẫn đêm. Cha chưa bao giờ nói cho con biết nhiều về mẹ con, cha biết đây là do sự yếu đuối của cha, nhưng câu chuyện của cha và mẹ con đau lòng đến độ cha không thể dễ dàng kể lại cho con nghe. Cha luôn có ý định sẽ kể với con nhiều hơn khi con khôn lớn hơn và có thể hiểu tường tận hơn mà không kinh sợ - mặc dù cho đến bây giờ, chuyện xảy ra đã khiến cha rất sợ hãi, nỗi sợ bất tận, đến mức trở thành lý do tội nghiệp nhất trong các lý do mà cha có thể biện minh cho bản thân mình trong chuyện này.
“Trong vài tháng gần đây, cha đã cố gắng bù đắp cho sự yếu đuối của mình bằng cách kể con nghe từng chút một những gì có thể về quá khứ của chính cha, cũng như đã có ý định dần dần đưa mẹ con vào câu chuyện, mặc dù mẹ đã bước vào cuộc đời cha một cách khá bất ngờ. Bây giờ cha e rằng không còn kịp thu xếp để kể với con hết những gì con phải biết về di sản của con, trước khi cha bị buộc phải im lặng - theo đúng nghĩa đen, không còn khả năng đích thân thông tin cho con biết được - hoặc một lần nữa trở thành con mồi cho chính sự im lặng của mình.
“Cha đã mô tả sơ qua với con về cuộc sống của cha khi còn là một nghiên cứu sinh, trước khi con ra đời, cũng như đã kể cho con biết chút ít về trường hợp mất tích bí ẩn của vị giáo sư hướng dẫn cha, sau khi ông ấy tiết lộ câu chuyện với cha. Cha cũng đã kể cho con nghe cuộc gặp gỡ của cha với một phụ nữ trẻ tên Helen, người cũng quan tâm không kém gì cha, có thể còn quan tâm nhiều hơn, đến việc tìm kiếm thầy Rossi. Cha đã cố gắng kể ra câu chuyện này với con khi có bất kỳ cơ hội nào thuận tiện, nhưng bây giờ cha bắt đầu cảm thấy phải viết ra phần còn lại, ghi lại chuyện này rạch ròi trên giấy trắng mực đen. Nếu lúc này con phải đọc thay vì nghe cha kể lại nó trên một đỉnh núi đá hoặc một quảng trường thanh vắng, ở một bến cảng kín đáo hay bên chiếc bàn ấm cúng trong một quán cà phê nào đó, thì đó là do lỗi của cha trước đây đã chưa kịp kể lại cho con nghe một cách trọn vẹn và sớm hơn.
“Khi viết lá thư này, cha đang nhìn ra ngoài trời, nhìn những ngọn đèn trong một bến cảng cổ xưa - còn con đang vô tư yên ngủ trong căn phòng kế bên. Cha mệt mỏi sau một ngày làm việc, và mệt mỏi khi nghĩ đến việc phải bắt đầu kể ra câu chuyện dài dòng này - một bổn phận đau buồn, một sự phòng ngừa bất hạnh. Cha cảm thấy mình chỉ có vài tuần, cùng lắm là vài tháng, để đích thân kể tiếp câu chuyện, vì vậy cha sẽ không nhắc lại tất cả những gì cha đã kể với con trong suốt những chuyến đi đến nhiều đất nước vừa qua. Sau khoảng thời gian này - vài tuần hay vài tháng ấy - cha không còn nói chắc được nữa. Những lá thư này là sự bảo đảm của cha để con khỏi đơn độc. Trong trường hợp tồi tệ nhất, con sẽ thừa hưởng ngôi nhà, tiền bạc, đồ đạc và sách vở của cha, nhưng cha có thể dễ dàng tin rằng con sẽ nâng niu gìn giữ những tài liệu này, những tài liệu mà cha sở hữu hơn bất kỳ những gì khác, bởi chúng sẽ bao gồm câu chuyện của riêng con, lịch sử cuộc đời con.
“Tại sao cha không kể cho con một lần cho hết tất cả sự thật của câu chuyện để dứt khoát với nó, để con được biết đầy đủ? Câu trả lời, một lần nữa, lại nằm ở sự yếu đuối của chính cha, và trên thực tế rằng tóm lược rồi kể hết một lần sẽ là, chính xác là - một điều gây tác động quá mạnh. Cha không đành lòng muốn con phải đau đớn như vậy, ngay cả khi nỗi đau đó chỉ bằng một phần nhỏ của nỗi đau trong cha. Vả lại, có thể con sẽ không hoàn toàn tin nếu cha kể hết ngay một lần, cũng như bản thân cha cũng đã hoài nghi phần nào câu chuyện của thầy Rossi khi chưa đọc hết tập thư từ và tài liệu của thầy để lại. Và, cuối cùng, trên thực tế có câu chuyện nào có thể được giản lược đến chỉ còn các yếu tố có thực của nó cơ chứ? Do đó, cha sẽ dần kể câu chuyện của mình từng bước một. Cha cũng phải thử phỏng chừng xem đến thời điểm khi những lá thư này tới tay con thì cha đã kể những gì để không lặp lại chúng.”
Phỏng đoán của cha tôi không chính xác hoàn toàn, cha đã đi trước một hai bước so với những gì tôi đã biết. Tôi u sầu nghĩ ngợi, có lẽ mình sẽ không bao giờ được nghe kể về phản ứng của cha đối với quyết định bất ngờ của Helen Rossi - cùng đi với cha trong cuộc tìm kiếm - hoặc các chi tiết thú vị trong cuộc hành trình của họ từ New England đến Istanbul. Tôi thắc mắc không biết họ đã xoay xở như thế nào để hoàn tất các thủ tục giấy tờ cần thiết, vượt qua các rào cản do bất đồng về chính trị, thị thực nhập cảnh, hải quan? Liệu cha có bịa ra chuyện này chuyện nọ với ông bà nội, hai cư dân Boston nhân hậu và thông thái, về kế hoạch chuyến đi bất ngờ của mình? Cha và Helen có đến New York ngay như đã hoạch định? Và họ có ngủ chung phòng ở khách sạn hay không? Đầu óc tuổi thiếu niên của tôi không thể lý giải được chuyện bí ẩn này nhưng cũng không thể thôi ưu tư thắc mắc về nó. Rốt cuộc, tôi đành bằng lòng với hình ảnh hai người giống như các nhân vật trong những bộ phim được sản xuất vào thời thanh xuân của họ: Helen kín đáo duỗi thẳng người dưới tấm chăn trên chiếc giường đôi, cha thì khốn khổ gật gù trên chiếc ghế bành, chỉ cởi mỗi đôi giày thôi - ngoài ra không còn gì khác, và ánh sáng của Quảng trường Thời Đại nhấp nháy bên ngoài cửa sổ như mời mọc chuyện gió trăng.
“Sáu ngày sau khi thầy Rossi mất tích, cha và Helen bay đến Istanbul từ phi trường Idlewild(1)_, vào một đêm đầy sương mù, đổi máy bay tại Frankfurt. Chiếc máy bay thứ hai hạ cánh sáng hôm sau, chúng ta cùng các du khách khác lũ lượt kéo nhau ra ngoài. Đến thời điểm đó cha đã đến Tây Âu được hai lần, nhưng lần này, chuyến đi đối với cha dường như là cuộc du ngoạn từ trái đất đến một hành tinh khác - Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 1954, là một thế giới tách biệt hơn hiện nay nhiều. Chỉ một phút trước, cha còn co mình trên chiếc ghế máy bay gò bó, lau mặt bằng khăn nóng, vậy mà giờ bọn ta đã đứng trên mặt đường nhựa cũng nóng như vậy, với những mùi kỳ lạ phảng phất quanh mình, cùng với gió bụi, và chiếc khăn quàng đang bay phần phật của một người Ả-rập đứng xếp hàng phía trước - chiếc khăn cứ bay chọc vào miệng cha. Đứng bên cạnh cha, Helen bật cười, quan sát vẻ ngạc nhiên của cha trước tất cả những thứ đó. Trên máy bay, cô đã chải tóc, thoa lại son môi, và trông rất tươi tắn sau chuyến bay đêm tù túng. Cô vấn quanh cổ một chiếc khăn quàng nhỏ; cha vẫn chưa thấy cái dấu vết bên dưới chiếc khăn, nhưng cũng không dám yêu cầu cô gỡ khăn ra. “Chào mừng đến thế giới vĩ đại, anh chàng người Mỹ,” cô nói, mỉm cười. Lần này là một nụ cười thật sự, không phải nụ cười nhăn nhó thường thấy ở cô.
“Cha càng ngạc nhiên hơn trong suốt chuyến taxi trở về thành phố. Cha không biết chính xác mình mong đợi gì ở Istanbul - có thể chẳng có gì cả, vì cha không có nhiều thời gian để chuẩn bị cho chuyến đi - nhưng vẻ đẹp của thành phố này đã chinh phục cha. Nó mang đậm chất huyền hoặc của Nghìn lẻ một đêm mà dù bao nhiêu tiếng còi xe inh ỏi và hình ảnh của các doanh nhân trong những bộ com lê Tây phương cũng không hề làm tan biến. Thành phố đầu tiên của nơi đây, Constantinople, thủ phủ của đế chế Byzantine và thủ đô đầu tiên của đế quốc La Mã Thiên Chúa giáo, thật sự nguy nga tráng lệ ngoài sức tưởng tượng, cha nghĩ - một cuộc hôn phối giữa La Mã giàu có và chủ nghĩa thần bí Thiên Chúa giáo thuở sơ khai. Cho đến lúc tìm thuê được phòng trong khu phố cổ Sultanahmet, dù chỉ được nhìn thoáng qua, cha đã thấy hoa mắt trước hàng chục ngôi thánh đường Hồi giáo cùng những ngọn tháp, những khu chợ treo đầy vải vóc hảo hạng, thậm chí cả hình ảnh lướt qua của mái vòm đồ sộ và bốn ngọn tháp của thánh đường Hagia Sophia sừng sững hiện ra bên trên bán đảo.
“Helen cũng chưa bao giờ đến đây, cô im lặng tập trung quan sát mọi thứ, chỉ quay về phía cha một lần trong suốt chuyến taxi để nhận xét rằng thật kỳ lạ làm sao khi được tận mắt thấy cội nguồn - cha chắc chắn cô đã dùng từ này - của đế quốc Ottoman, cái cội nguồn đã để lại rất nhiều vết tích trên xứ sở quê hương cô. Những nhận xét ngắn gọn, sắc sảo của Helen về đủ mọi thứ đã trở thành âm hưởng chung của những ngày chúng ta sống ở đó: tên các địa danh bằng tiếng Thổ, món xa lát dưa chuột ăn tại một nhà hàng ngoài trời, hình dáng cong nhọn của một khung cửa sổ. Điều này cũng gây ra một tác động đặc biệt với cha, một hình thức nhân đôi sự trải nghiệm của cha, vì vậy cùng một lúc dường như cha được nhìn thấy cả Istanbul cả Rumani, và dần dần, khi câu hỏi liệu chúng ta có nên đến chính Rumani hay không đặt ra giữa cha và Helen, cha có cảm giác như đang được dẫn dắt đến xứ sở đó qua những món đồ tái tạo từ quá khứ mà cha nhìn thấy trong đôi mắt của Helen. Nhưng cha đã lạc đề - đó là phần sau của câu chuyện.
“Đằng sau ánh nắng chói chang và bụi bặm của đường phố là gian tiền sảnh mát mẻ của nhà trọ. Cha khoan khoái thả người xuống một chiếc ghế ở lối vào, mặc Helen đến liên hệ thuê hai phòng bằng thứ tiếng Pháp chuẩn xác nhưng kỳ quặc của cô ấy. Bà chủ nhà trọ - một phụ nữ Armenia rất mến khách và rõ ràng biết nhiều thứ tiếng - cũng không biết tên của khách sạn mà thầy Rossi đã từng ở trước đây. Có lẽ nó đã biến mất từ nhiều năm trước.
“Helen thích điều hành mọi việc, cha thầm nghĩ, vậy tại sao không để cô ấy được hài lòng? Một điều không được nói ra nhưng chắc chắn có sự đồng ý dứt khoát giữa hai người là sau này cha sẽ thanh toán mọi khoản chi phí. Cha đã rút hết tiền tiết kiệm tại ngân hàng ở quê nhà; thầy Rossi xứng đáng để cha làm mọi điều có thể, thậm chí nếu có phải thất bại. Nếu trường hợp đó xảy ra, cùng lắm cha cũng chỉ bị sạch túi khi về nhà. Cha biết Helen, một sinh viên nước ngoài, chắc hẳn chẳng mấy dư dả. Cha nhận ra hình như cô chỉ có hai bộ vest, chúng trông như được thay đổi bằng một loạt áo sơ mi được cắt may rất khéo. ‘Vâng, chúng tôi muốn thuê hai phòng riêng nhưng ở sát bên nhau,’ cô nói với người phụ nữ Armenia, một phụ nữ đứng tuổi nhưng trông vẫn rất có nét. ‘Anh tôi - mon frère - ronfle kinh khủng.’
“ ‘Ronfle?’ cha hỏi với lên từ chỗ ngồi đợi.
“ ‘Ngáy,’ cô chanh chua đáp lại. ‘Anh biết đấy, đúng là anh có ngáy mà. Ở New York tôi chẳng nháy mắt được chút nào.’
“ ‘Chợp mắt chứ,’ cha chỉnh lại.
“ ‘OK,’ cô nói. ‘Chỉ cần anh đóng cửa phòng thôi, s’il te plaỵt - làm ơn.’
“Dù có ngáy hay không, cả Helen và cha đều ngủ vùi sau chuyến hành trình mệt nhọc trước khi có thể làm bất cứ việc gì khác. Helen muốn xuống trung tâm lưu trữ tư liệu ngay, nhưng cha khăng khăng muốn nghỉ ngơi thêm và ăn uống trước đã. Vì vậy sau buổi trưa chúng ta mới bắt đầu thơ thẩn qua những con đường chằng chịt đan xen nhau như những mê cung, thấp thoáng những khu vườn và những mảnh sân nhỏ nhiều màu sắc.
“Thầy Rossi không nêu tên trung tâm lưu trữ này trong các lá thư, và trong cuộc nói chuyện giữa cha và ông ấy, ông chỉ gọi nó là ‘kho tư liệu ít người biết đến, do Quốc vương Mehmed II lập ra’. Lá thư nói về cuộc nghiên cứu của ông tại Istanbul đã bổ sung thêm chi tiết là trung tâm đó nằm sát bên một nhà thờ Hồi giáo thế kỷ mười bảy. Ngoài chi tiết này, chúng ta còn biết ông ấy có thể nhìn thấy thánh đường Hagia Sophia từ một cửa sổ, và trung tâm lưu trữ này có hơn một tầng lầu, ở tầng trệt có một cánh cửa mở trực tiếp ra đường. Cha đã cẩn thận thử đi tìm thông tin về một trung tâm lưu trữ tư liệu như vậy tại thư viện trường đại học ở quê nhà, ngay trước khi khởi hành, nhưng không có kết quả. Cha thắc mắc không hiểu tại sao thầy Rossi không nêu tên trung tâm lưu trữ tư liệu trong các lá thư; bỏ quên một chi tiết thế này thật không giống ông chút nào, nhưng có lẽ vì ông không muốn nhớ đến nó. Cha có mang theo tất cả giấy tờ tài liệu của ông trong cặp, kể cả bảng danh mục tài liệu mà ông đã tìm được ở đó, cùng với một dòng ghi chú kỳ lạ chơi vơi ở cuối: ‘Thư mục, Giáo đoàn Rồng.’ Lùng sục khắp cả thành phố, một mê cung đầy những mái vòm và các ngọn tháp, để tìm nguồn gốc của dòng chữ viết tay khó hiểu của thầy Rossi quả là một triển vọng không mấy phấn khởi, nói vậy đã là giảm đi rất nhiều rồi.
“Việc duy nhất mà Helen và cha có thể thực hiện là quay về một điểm mốc, thánh đường Hagia Sophia, nguyên thủy là nhà thờ Saint Sophia(2)_ vĩ đại thuộc giáo hội Byzantine. Và khi đến gần địa điểm đó, chúng ta không thể không bước vào. Những cánh cổng đều rộng mở và điện thờ uy nghi đã lôi kéo chúng ta hòa vào giữa các du khách khác, tựa như đang trôi theo con sóng vào một hang động. Trong suốt một ngàn bốn trăm năm qua, cha thầm nghĩ, những người hành hương vẫn luôn bị cuốn hút vào trong đó, như chúng ta hiện giờ. Bên trong, cha đi chầm chậm đến khu vực chính giữa, ngửa đầu nhìn lên khoảng không gian thiêng liêng và bao la với những mái vòm và khung vòm nổi tiếng khiến người ta chóng mặt ấy, thứ ánh sáng từ thiên đàng tràn vào nó, những tấm khiên tròn đầy những con chữ Ả-rập treo bên trên các góc, những đặc điểm của thánh đường Hồi giáo phủ lên nhà thờ Thiên Chúa giáo, nhà thờ Thiên Chúa giáo phủ lên tàn tích của thế giới cổ đại. Khoảng không gian đó uốn cong lên cao, cao vút phía trên chúng ta, như muốn tái tạo vũ trụ của đế quốc Byzantine. Cha hầu như không tin là mình đã có mặt ở đó. Nó khiến cha quá sững sờ.
“Từ khoảnh khắc đó nhìn ngược về quá khứ, cha hiểu rằng mình đã sống quá lâu trong thế giới sách vở, trong khuôn viên chật hẹp của trường đại học, đến mức cha đã dần bị cách sống đó ức chế từ bên trong. Đột nhiên, trong ngôi nhà của đế chế Byzantine âm vang tiếng dội này - một trong các kỳ quan của lịch sử - tinh thần của cha như được tháo cũi sổ lồng. Ngay giây phút đó, cha đã biết dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, cha cũng sẽ không bao giờ trở lại với những điều kìm kẹp xưa cũ kia nữa. Cha muốn lên tầm cao cuộc sống, trải lòng ra với nó, như cái cách mà khoảng không gian rộng lớn bên trong này cuộn dâng lên cao và trải rộng ra bên ngoài. Lòng cha như cũng trào dâng cùng với nó, một cảm giác chưa từng có trong suốt thời gian lang thang giữa các thương nhân trong đề tài nền thương mại Hà Lan thế kỷ mười bảy.
“Cha liếc nhìn Helen và thấy cô cũng xúc động hệt như cha, ngửa đầu lên mải mê nhìn ngắm, những lọn tóc đen buông lơi trên cổ áo sơ mi, gương mặt cô bình thường vốn cảnh giác và châm chọc lúc này bừng lên trong sự thấu ngộ. Cha bất chợt đưa tay ra, nắm lấy bàn tay cô. Helen cũng siết chặt tay cha, cũng với bàn tay rắn chắc, xương xương mà cha vẫn biết qua những lần bắt tay chào hỏi. Ở một người phụ nữ khác, đây có thể là một cử chỉ phục tùng hoặc làm dáng, một sự ngầm bằng lòng có tính lãng mạn; ở Helen nó chỉ là một cử chỉ đơn giản và mãnh liệt như cái nhìn chằm chằm hay thái độ tách biệt đã trở thành đặc điểm của cô. Sau một lát, dường như chợt tỉnh, cô buông tay cha ra, nhưng không hề lộ vẻ bối rối, và chúng ta lại cùng nhau rảo bước trong nhà thờ, ngắm nhìn cái bục giảng xinh đẹp, làm bằng đá cẩm thạch byzantine sáng lấp lánh. Cha phải cố gắng lắm để tự nhắc nhở rằng chúng ta có thể quay lại Hagia Sophia bất cứ lúc nào trong thời gian còn ở lại Istanbul, và công việc trước hết của chúng ta ở thành phố này là tìm cho ra cái trung tâm lưu trữ tư liệu kia. Rõ ràng Helen cũng có cùng một suy nghĩ, vì khi cha rảo bước về hướng lối ra thì cô cũng vậy, và chúng ta lại len lỏi qua những đám đông, bước ra đường phố.
“ ‘Kho lưu trữ ấy có thể ở khá xa nơi này,’ cô nhận xét. ‘Thánh đường Saint Sophia quá lớn, tôi cho rằng hầu như người ta có thể nhìn thấy nó từ bất cứ tòa nhà nào trong khu vực này của thành phố, hoặc thậm chí ngay cả từ phía bên kia kênh Bosphorus(3)._’
“ ‘Tôi biết. Chúng ta phải tìm vài manh mối khác. Những lá thư cho biết là trung tâm lưu trữ này nằm gần sát một thánh đường Hồi giáo thế kỷ mười bảy.’
“ ‘Thành phố này đầy nhóc các thánh đường Hồi giáo.’
“ ‘Phải.’ Cha lấy tay dò cuốn sách hướng dẫn vừa mới mua một cách vội vàng. ‘Hãy bắt đầu với cái này - Đại Thánh đường của Quốc vương. Mehmed II và triều đình ông ta có lẽ từng đến đó tế lễ đôi lần - thánh đường này được xây dựng vào cuối thế kỷ mười lăm, và theo logic thì nơi đây rất có thể là nơi lân cận với thư viện mà thầy Rossi đã đến, cô có nghĩ như vậy không?’
“Helen nghĩ cũng đáng để thử xem một lần, và chúng ta lại tiếp tục rảo bước. Trên đường đi, cha lại xem lướt qua cuốn sách hướng dẫn một lần nữa. ‘Nghe này. Trong này người ta nói Istanbul là một từ Byzantine nghĩa là thành phố. Cô thấy đấy, ngay cả người Ottoman cũng không thể phá hủy Constantinople, họ chỉ đặt tên lại cho nó - bằng một cái tên Byzantine. Ở đây nói Đế quốc Byzantine tồn tại từ năm 333 đến năm 1453. Hình dung xem - thật là một đế chế trường tồn trước khi bị diệt vong.’
“Helen gật đầu. ‘Không thể nào nghĩ về khu vực này của thế giới mà không nghĩ đến thủ phủ của đế chế Byzantine,’ cô nói, vẻ nghiêm nghị. ‘Và, anh biết đấy, ở Rumani anh sẽ thấy hình bóng của đế chế này khắp mọi nơi - trong mọi nhà thờ, trong các bức bích họa, trong các tu viện và ngay cả trên mặt người dân, tôi nghĩ vậy. Theo cách nào đó, ở đó nó trông gần gũi hơn với mắt anh so với nơi này, khi không có toàn bộ những dấu tích - đúng hơn là trầm tích - của đế chế Ottoman ở phía trên.’ Nét mặt cô sa sầm. ‘Cuộc chinh phục thành phố Constantinople năm 1453 của Quốc vương Mehmed II là một trong những tấn thảm kịch lớn nhất của lịch sử. Sau khi phá vỡ các bức tường thành này bằng đạn đại bác, Mehmed II đã cho binh lính cướp bóc và tàn sát ba ngày liền. Đám lính tráng này đã hãm hiếp các thiếu nữ và cả thanh niên trên bệ thờ của các giáo đường, ngay cả tại thánh đường Saint Sophia. Chúng cướp phá tượng thánh và các báu vật thiêng liêng khác đem nấu chảy để lấy vàng, và ném hài cốt của các thánh ra ngoài đường cho chó gặm. Trước biến cố này, nơi đây vốn là thành phố đẹp nhất trong lịch sử loài người.’ Helen chống nạnh, hai bàn tay nắm chặt lại.
“Cha im lặng. Thành phố vẫn xinh đẹp với đủ các sắc màu thanh nhã phong phú, các mái vòm và những ngọn tháp tuyệt đẹp, bất chấp những hành vi hung bạo đã từng xảy ra ở nơi chốn này trước đây rất lâu. Cha bắt đầu hiểu vì sao một khoảnh khắc tệ hại của năm trăm năm trước lúc này lại quá hiện thực với Helen như vậy, nhưng liệu khoảnh khắc này thực sự liên quan gì đến cuộc sống hiện tại của chúng ta? Đột nhiên, cha giật mình nhận ra có lẽ mình đã thực hiện một cuộc hành trình xa xôi mà chẳng vì cái gì cả, đến một nơi chốn đầy mê hoặc này, cùng với một phụ nữ phức tạp, đi tìm một người Anh có thể lúc này đang ở trên một chuyến xe buýt đi New York. Cha kìm nén ý nghĩ đó lại, và thay vì thế cố trêu chọc cô một chút. ‘Sao cô rành lịch sử quá vậy? Tôi nghĩ cô là một nhà nhân học kia mà.’
“ ‘Vâng, tôi là nhà nhân học,’ cô nghiêm nghị trả lời. ‘Nhưng anh không thể nghiên cứu các nền văn hóa nếu không có kiến thức về lịch sử của chúng.’
“ ‘Vậy tại sao cô không chọn làm sử gia đơn thuần? Theo tôi thấy, như vậy cô vẫn có thể nghiên cứu về văn hóa kia mà.’
“ ‘Có lẽ là vậy.’ Lúc này cô không nhìn thẳng vào mắt cha và trông có vẻ khá dữ tợn. ‘Nhưng tôi muốn một lĩnh vực mà cha tôi chưa dính dáng vào.’
“Đại Thánh đường Hồi giáo vẫn còn mở cửa đón du khách cũng như người mộ đạo trong ánh chiều vàng rực. Cha thử nói thứ tiếng Đức vụng về của mình với nhân viên bảo vệ ở lối vào, một chàng trai tóc quăn, da màu ô liu - những người Byzantine kia thì trông như thế nào nhỉ? - nhưng anh ta cho biết không có thư viện nào trong đó, chẳng có trung tâm lưu trữ tư liệu nào, chẳng có những gì đại loại như thế, và anh ta cũng chưa bao giờ nghe nói gần quanh đó có một nơi như vậy. Chúng ta hỏi liệu anh ta có gợi ý gì không.
“Anh ta trầm ngâm khuyên chúng ta có thể thử tìm ở trường đại học, vì ở đó có hàng trăm nhà thờ Hồi giáo nhỏ.
“ ‘Giờ đã quá muộn rồi, không thể đến thăm trường đại học trong hôm nay được,’ Helen bảo cha. Cô xem cuốn sách hướng dẫn. ‘Ngày mai chúng ta có thể đến đó và thử hỏi thăm về các trung tâm lưu trữ có từ thời Mehmed. Tôi nghĩ đây sẽ là phương cách hữu hiệu nhất. Giờ chúng ta thử đến tham quan những bức tường thành cổ của Constantinople xem. Từ nơi này, chúng ta có thể đi bộ đến một khu vực của các phế tích đó.’
“Cha rảo bước đi theo qua các đường phố trong lúc cô dò tìm đường, tay mang găng cầm cuốn sách hướng dẫn, ví xắc nhỏ màu đen đeo trên cánh tay. Những chiếc xe đạp phóng vượt qua, những chiếc áo thụng Thổ Nhĩ Kỳ xen lẫn với đủ loại áo quần Tây phương, những chiếc xe hơi nước ngoài và xe ngựa cùng đan xen nhau. Nhìn đâu cha cũng thấy những người đàn ông mặc com lê tối màu và đội mũ vải nhỏ, cánh phụ nữ thì vận áo hoa màu sáng, quần phồng, khăn choàng quấn quanh đầu. Họ mang theo đủ thứ: túi mua hàng và giỏ đi chợ, những bọc vải, gà trong lồng, bánh mì, hoa. Đường phố tràn ngập sức sống - cha nghĩ, vẫn như xưa, từ một ngàn sáu trăm năm nay. Dọc theo những con đường này, các hoàng đế của La Mã Thiên Chúa giáo đã được đám hầu cận khiêng đi, các tu sĩ đi dọc hai bên, di chuyển từ cung điện đến giáo đường để làm lễ Ban Thánh thể. Họ là những nhà cai trị dũng mãnh, những người bảo trợ vĩ đại của các ngành nghệ thuật, của kỹ sư và các nhà thần học. Và trong số họ cũng có những kẻ xấu xa - theo đúng truyền thống La Mã - chuyên lừa dối triều thần và bịt mắt các thành viên trong hoàng tộc. Đây là nơi các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực phức tạp đầu tiên đã xảy ra. Xét cho cùng, có lẽ không phải quá kỳ lạ đối nếu nơi này có một hai con ma cà rồng.
“Helen dừng lại trước một khu vực có những bức tường đá phần nào đổ nát sừng sững bao bọc xung quanh. Các cửa hàng nằm chen chúc trên nền móng của nó còn những cây sung thì đâm rễ vào các cạnh tường; trên những bức tường đầy lỗ châu mai, bầu trời không một gợn mây đang dần chuyển sang màu đồng. ‘Nhìn những gì còn lại của những bức tường thành phố Constantinople này,’ cô ôn tồn nói. ‘Anh có thể nhận ra chúng đồ sộ như thế nào khi còn nguyên vẹn. Cuốn sách hướng dẫn này nói rằng ngày xưa nước biển dâng lên đến tận chân thành, vì vậy các vị hoàng đế có thể xuống thuyền ngay từ cung điện. Và ở đằng kia, bức tường kia là một phần của trường đua ngựa Hippodrome.’
“Chúng ta cứ đứng đó ngắm nhìn cho đến khi cha chợt nhận ra mình đã quên phắt thầy Rossi trong gần mười phút vừa qua. ‘Mình đi ăn tối đi,’ cha bất chợt lên tiếng. ‘Đã quá bảy giờ rồi mà tối nay chúng ta cần phải về sớm. Tôi quyết sẽ tìm trung tâm lưu trữ ấy vào ngày mai.’ Helen gật đầu và hai người chúng ta cùng sánh đôi bước về phía trung tâm phố cổ.
“Gần nhà trọ, chúng ta tìm được một nhà hàng, bên trong trang trí những chiếc bình đồng và lát đá mịn, một bàn ăn tại cửa sổ hình vòng cung ở mặt tiền, một khoảng trống không có kính che, ở đó Helen và cha có thể ngồi ngắm người qua lại trên con đường bên ngoài. Trong lúc chờ dọn bữa ăn tối, lần đầu tiên cha cảm thấy ngạc nhiên vì tính cách kỳ lạ mà cha chưa bao giờ nhận ra của thế giới phương Đông này: những người đang vội vã bước đi kia thực ra không vội vã, đơn giản, họ chỉ bước đi. Những gì trông có vẻ vội vã ở đây chỉ giống như một cuộc tản bộ ngẫu nhiên trên những lề đường của New York hay Washington. Cha nói với Helen nhận xét đó, cô bật cười chua chát. ‘Khi chẳng có việc gì có thể làm để ra tiền, chẳng ai vội vã làm gì,’ cô nói.
“Người hầu bàn mang đến cho bọn ta một khoanh bánh mì, một đĩa sữa chua có rải những lát dưa leo, và một bình thủy tinh trà thơm phức. Sau một ngày mệt nhọc, Helen và cha ăn rất ngon miệng và đang chuẩn bị chuyển sang món gà nướng bằng xiên gỗ thì một người đàn ông có một bờm tóc trắng xóa và bộ ria bạc, mặc bộ vest xám trang nhã, bước vào quán và đưa mắt nhìn quanh. Ông ta ngồi vào bàn gần chúng ta, đặt một cuốn sách xuống gần đĩa ăn. Bình thản gọi món ăn bằng tiếng Thổ, và có vẻ như cảm nhận được vẻ thích thú của chúng ta về bữa ăn, ông ta nghiêng người về phía chúng ta, nở một nụ cười thân thiện. ‘Tôi nhận ra các bạn có vẻ thích những món ăn của quê hương chúng tôi đấy,’ giọng tiếng Anh hơi nặng nhưng chuẩn xác.
“ ‘Vâng, chắc chắn rồi,’ cha đáp, ngạc nhiên. ‘Ngon tuyệt.’
“ ‘Xem nào,’ ông ta nói tiếp, quay gương mặt đẹp, ôn hậu về phía cha. ‘Các bạn không đến từ nước Anh. Người Mỹ phải không?
“ ‘Vâng,’ cha đáp. Helen im lặng, cắt thịt gà và cảnh giác liếc chừng người bạn mới này.
“ ‘À, vâng. Thật là dễ chịu. Các bạn đang tham quan thành phố xinh đẹp của chúng tôi đấy à?’
“ ‘Vâng, đúng vậy,’ cha đồng tình, và mong sao ít nhất Helen cũng tỏ ra thân thiện một chút; dù sao chăng nữa, thái độ thù địch có thể làm cho người ta nghi ngờ.
“ ‘Chào mừng các bạn đến với Istanbul,’ ông ta nói cùng với một nụ cười rất tươi, nâng chiếc cốc thủy tinh lên chúc mừng chúng ta. Cha nâng cốc đáp lại và gương mặt ông ta liền tươi cười rạng rỡ. ‘Xin thứ lỗi cho câu hỏi của một người xa lạ, nhưng các bạn thích gì nhất ở đây trong lần thăm viếng này?’
“ ‘À, quả thật là khó lựa chọn.’ Cha thích gương mặt của ông ta; không thể nào không trả lời thành thật được. ‘Tôi thấy ấn tượng nhất với sự pha trộn giữa phương Đông và phương Tây trong một thành phố.’
“ ‘Quả là một nhận xét thông minh, anh bạn trẻ à,’ ông ta nhã nhặn trả lời khi dùng một chiếc khăn ăn trắng lớn chùi nhẹ bộ ria. ‘Đối với chúng tôi, sự pha trộn này là một báu vật và cũng là một sự nguyền rủa. Tôi có những đồng nghiệp đã bỏ suốt cả cuộc đời để nghiên cứu về Istanbul, và họ cho biết không bao giờ có đủ thời gian để khám phá tất cả, mặc dầu họ luôn sống tại đây. Đây là một nơi chốn luôn làm cho người ta ngạc nhiên.’
“ ‘Xin lỗi, ông làm nghề gì?’ cha tò mò hỏi, mặc dù từ thái độ lặng im của Helen, cha có cảm giác cô sắp sửa đạp lên chân cha dưới bàn.
“ ‘Tôi là giáo sư ở đại học Istanbul,’ ông ta nói, vẫn bằng giọng đáng kính ấy.
“ ‘Ồ, thật là may mắn!’ cha buột miệng reo lên. ‘Chúng tôi…’ Ngay lúc đó Helen đạp lên chân cha. Cô mang giày cao gót, như mọi phụ nữ ở vào thời đó, gót giày khá nhọn. ‘Chúng tôi rất hân hạnh được gặp ông,’ cha nói nốt câu. ‘Ông dạy môn gì?’
“ ‘Chuyên môn của tôi là Shakespeare,’ ông bạn mới của bọn ta đáp rồi quay trở lại với món xa lát đặt trước mặt. ‘Tôi dạy văn học Anh cho những người giỏi nhất trong các nghiên cứu sinh. Họ là những sinh viên xuất sắc nhất. Tôi phải nói với các bạn như vậy.’
“ ‘Thật tuyệt vời,’ cha loay hoay đáp trả. ‘Tôi cũng là một nghiên cứu sinh, nhưng về lịch sử, tại Hoa Kỳ.’
“ ‘Một lĩnh vực rất hấp dẫn,’ ông ta nhận xét, vẻ trang trọng. ‘Ở Istanbul, anh sẽ thấy nhiều thứ khiến anh quan tâm. Tên trường anh theo học là gì?’
“Cha cho ông ta biết, trong lúc Helen vẫn lạnh lùng ăn nốt bữa ăn tối.
“ ‘Một trường đại học danh tiếng. Tôi có nghe tiếng,’ vị giáo sư nhận xét. Ông nhấp một ngụm trà và gõ gõ các ngón tay lên cuốn sách cạnh đĩa đồ ăn. ‘Mà này,’ cuối cùng ông lên tiếng. ‘Sao các vị không đến thăm trường đại học chúng tôi trong lúc đang ở Istanbul? Đây cũng là một trường đại học có uy tín, và tôi sẽ rất vui được hướng dẫn anh và cô vợ đáng mến của anh tham quan trường.’
“Cha nghe tiếng Helen khẽ khịt mũi, và vội vã đính chính hộ cô. ‘Em gái - em gái tôi.’
“ ‘Ồ, thành thật xin lỗi.’ Vị học giả chuyên về Shakespeare hướng về Helen, cúi đầu xuống như để xin lỗi. ‘Tôi là tiến sĩ Turgut Bora, hân hạnh được biết cô.’ Chúng ta tự giới thiệu - thực ra là cha giới thiệu, vì Helen kiên quyết không chịu mở miệng. Cha có thể nói là cô không thích cha sử dụng tên thật, vì vậy cha hấp tấp gọi cô là Smith, một màn ứng xử ngớ ngẩn càng khiến cô chau mày cau mặt thêm. Chúng ta lần lượt bắt tay nhau, và cha chẳng còn cách nào khác là mời ông ta sang ngồi cùng bàn.
“Ông ta từ chối chiếu lệ và chỉ một lát sau đã qua ngồi cùng bàn với chúng ta, mang theo đĩa xa lát và ly nước, ngay sau đó ông nâng ly lên. ‘Mừng các bạn đã đến với thành phố xinh đẹp của chúng tôi,’ ông ta lên giọng. ‘Cheerio! - Chúc mừng!’ Ngay cả Helen cũng phải khẽ mỉm cười, dù vẫn tiếp tục câm như hến. ‘Xin cô thứ lỗi cho sự thiếu thận trọng của tôi,’ Turgut ngỏ lời xin lỗi Helen, tựa như cảm nhận được thái độ đề phòng của cô. ‘Rất hiếm khi tôi có cơ hội tập nói tiếng Anh với người bản xứ.’ Ông ta vẫn chưa nhận ra Helen không phải là người bản xứ, cha nghĩ - mà có khi sẽ chẳng bao giờ nhận ra điều đó - vì cô có thể sẽ chẳng thốt ra với ông ta lời nào.
“ ‘Con đường nào đã dẫn ông theo con đường nghiên cứu về Shakespeare?’ cha hỏi khi chúng ta bắt đầu tiếp tục trở lại với bữa ăn.
“ ‘À!’ Turgut ôn tồn trả lời. ‘Đó là một câu chuyện kỳ lạ. Mẹ tôi là một phụ nữ rất khác thường - rất thông minh - một người rất say mê các ngôn ngữ, và cũng là một kỹ sư vóc dáng nhỏ bé lạ thường’ - có nổi tiếng không nhỉ? cha băn khoăn tự hỏi - ‘và trong khi theo học ở Đại học Rome, bà đã gặp cha tôi. Ông, một người thú vị, là một học giả về nước Ý thời Phục hưng, đặc biệt quan tâm tới…’
“Ngay ở đoạn hấp dẫn này, cuộc nói chuyện của bọn ta đột nhiên bị cắt ngang vì sự xuất hiện của một cô gái trẻ, từ ngoài đường nhòm vào qua khung cửa sổ hình vòng cung. Mặc dù chưa bao giờ nhìn thấy một người như vậy, ngoại trừ trong các bức hình, cha cho rằng cô là một người Gypsy; da cô màu sậm, nét mặt sắc cạnh, quần áo sáng màu lòe loẹt, mái tóc đen nhánh lòa xòa quanh cặp mắt huyền sắc lẹm. Có thể cô mười lăm hoặc cũng có thể là bốn mươi tuổi; không thể nào đoán được tuổi tác cô qua khuôn mặt gầy kia. Trong tay cô là những bó hoa vàng hoa đỏ, dường như cô muốn mời chúng ta mua chúng. Cô thảy vài cành hoa lên bàn chỗ cha ngồi, và cất tiếng hát một khúc chói tai mà cha không thể hiểu được. Helen trông có vẻ giận dữ còn Turgut thì khó chịu ra mặt, nhưng cô gái kia vẫn cứ trơ trơ. Cha rút ví ra định mua một bó hoa Thổ Nhĩ Kỳ tặng Helen - để mua vui thôi, dĩ nhiên - ả Gypsy đột nhiên quay phắt sang phía Helen, trỏ tay và rít lên. Turgut giật mình và Helen, bình thường chẳng biết sợ là gì, co rúm người lại.
“Việc này có vẻ làm cho Turgut nổi nóng; ông ta nhổm người lên và bắt đầu mắng ả Gypsy bằng một giọng phẫn nộ. Chẳng khó khăn gì để hiểu được ngữ điệu và cử chỉ của ông ta, rõ ràng ông ta muốn tống cổ ả đi bằng những lời đanh thép nhất. Ả nhìn chằm chằm vào bọn ta và đột ngột biến đi như khi xuất hiện, biến mất trong dòng khách bộ hành. Turgut ngồi xuống, giương mắt nhìn Helen, sau một lát ông lục tìm trong trong túi áo khoác, lấy ra một vật nhỏ, đặt xuống cạnh đĩa thức ăn của Helen. Đó là một hòn đá xanh dẹt, dài khoảng ba phân, hai màu trắng và xanh nhạt, trông giống một con mắt sống. Helen tái mặt khi nhìn thấy hòn đá và đưa ngón trỏ, tựa như bản năng, định chạm vào nó.
“ ‘Chuyện quái quỷ gì vậy?’ Cha không thể không cảm thấy bực mình khi trở thành kẻ ngoài cuộc về phương diện văn hóa như vậy.
“ ‘Cô ta nói gì vậy?’ Lần đầu tiên Helen lên tiếng với Turgut. ‘Cô ta nói tiếng Thổ hay tiếng Gypsy? Tôi chẳng hiểu gì cả.’
“Ông bạn mới của chúng ta tỏ ra ngần ngại, tựa như không muốn lặp lại lời nói của người phụ nữ kia. ‘Tiếng Thổ,’ ông ta thì thầm. ‘Tôi có thể nói với cô là chẳng hay ho gì. Những gì cô ta nói rất thô tục. Và kỳ lạ.’ Ông ta chăm chú nhìn Helen, với gì đó như một sự sợ hãi thoáng qua, cha nghĩ, trong đôi mắt nhân hậu của ông. ‘Cô ta sử dụng một từ mà tôi không muốn dịch ra,’ ông ta chậm rãi giải thích. ‘Còn sau đó, cô ta nói, “Cút khỏi đây, đồ con gái của lũ chó sói Rumani. Ngươi và lũ bạn bè ngươi mang theo lời nguyền rủa của ma cà rồng đến thành phố chúng ta.” ’
“Mặt Helen trắng bệch, và cha phải ngăn mình không nắm lấy tay cô. ‘Chỉ là một sự trùng hợp thôi,’ cha nhẹ nhàng an ủi, cô trừng mắt nhìn cha; cha đã nói quá nhiều trước mặt ông giáo sư.
“Turgut hết nhìn cha lại nhìn Helen. ‘Việc này quả thật rất kỳ lạ, những người bạn tử tế của tôi ạ,’ ông ta nói. ‘Tôi nghĩ chúng ta phải thảo luận thêm, không thể chần chừ được.’ ”
Tôi gần như ngủ gật trên ghế xe lửa, dù câu chuyện của cha vô cùng hấp dẫn với tôi; việc đọc hết tất cả các lá thư trong một lần đã khiến tôi thức suốt đêm, mệt lử. Một cảm giác hư ảo bao trùm lấy tôi, trong cabin tàu ngập tràn ánh nắng, tôi quay ra cửa sổ, nhìn những trang trại Hà Lan ngăn nắp vụt qua. Khi đến gần hoặc ra khỏi từng thị trấn, đoàn tàu lại cành cạch băng qua hàng loạt những vườn rau nhỏ bé, đang xanh mượt trở lại dưới bầu trời đầy mây, những khu vườn sân sau của hàng ngàn con người đang chăm nom công việc làm ăn của chính mình, nhà họ quay lưng về phía đường sắt. Những cánh đồng xanh mướt, một màu xanh bắt đầu, tại Hà Lan, vào đầu xuân và kéo dài cho đến tận khi tuyết rơi, được nuôi dưỡng bằng hơi ẩm của trời và đất, và bằng nước, lấp lánh ở mọi hướng nhìn. Chúng tôi đã bỏ lại phía sau một vùng mênh mông những dòng kênh cùng những cây cầu để lọt vào giữa đàn bò trên những cánh đồng cỏ được quy hoạch gọn gàng. Một cặp vợ chồng già đáng kính đang lững thững đạp xe theo con đường cạnh bên chúng tôi, chỉ lát sau đã biến mất tựa như đã bị những đồng cỏ đang hiện ra mỗi lúc một nhiều ấy nuốt chửng. Chẳng bao lâu, chúng tôi đã đến Bỉ, một đất nước tôi biết rõ, nhờ kinh nghiệm bản thân, rằng nếu chỉ ngủ quên một giấc ngắn thôi ta cũng có thể đi qua nó mà hoàn toàn không biết.
Tôi giữ chặt những lá thư trong lòng, nhưng hai mí mắt đã bắt đầu sụp xuống. Người phụ nữ có khuôn mặt dễ chịu trong ghế đối diện cũng đã ngủ gà ngủ gật, tạp chí vẫn cầm trong tay. Hai mắt tôi chỉ vừa mới khép lại thì cánh cửa cabin đột nhiên bật mở. Một giọng nói cáu kỉnh vang lên rồi một dáng người lêu nghêu chen vào giữa tôi và giấc mơ ban ngày của tôi. “Giỏi nhỉ! Biết ngay mà. Anh đã sục hết cả đoàn tàu để tìm em đấy.” Đó là Barley, anh đưa tay lên lau trán rồi quắc mắt nhìn tôi.
Chú thích:
1. Hiện là sân bay Quốc tế John F. Kennedy, New York (BT).
2. Tên đầy đủ ban đầu của nhà thờ này trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là Nhà thờ Thánh trí của Chúa (The Church of HolyWisom of God). Santa Sophia hay Saint Sophia là cách gọi theo âm Latin của chữ Thánh trí (Holy Wisdom) trong tiếng Hy Lạp chứ không phải để chỉ một vị thánh tên là Sophia nào cả (BT).
3. Bosphorus: con kênh dài 32 km nối thông Biển Đen và Biển Marmara, phân cách giữa phần châu Âu và châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ.
Phần Hai
Tôi đã đến nơi đâu và đang ở _giữa hạng người nào? Cuộc phiêu lưu khắc _nghiệt nào mà tôi đang dấn thân vào? Tôi dụi _mắt, tự véo bản thân để xem mình đang tỉnh hay mê. _Đối với tôi, tất cả chuyện này dường như chỉ là một cơn _ác mộng kinh hoàng, tôi ước gì sẽ chợt tỉnh và thấy mình vẫn đang ở nhà, với ánh nắng ban mai đang len qua cửa sổ, như đôi khi tôi vẫn thấy vào buổi bình minh sau một ngày làm việc vất vả. Nhưng thịt da tôi có phản ứng với cái _nhói đau của cú véo thử nghiệm ấy, và đôi mắt tôi _chẳng thể bị đánh lừa. Tôi thật sự vẫn đang còn _tỉnh và đang ở giữa vùng rừng núi Carpates. _Tất cả những gì tôi có thể làm lúc này _là kiên nhẫn chờ bình minh đến.
- Bram Stocker, Dracula, 1897