Đầu tháng Mười hai, chúng tôi lại lên đường, sự mệt nhọc của chuyến đi mùa hè đến vùng Địa Trung Hải dường như đã ở lại phía sau. Làn gió mạnh vùng Adriatic vuốt ve lên tóc, tôi thích cảm giác này, thích sự dữ dội vụng về của nó; nó tựa như một con thú, lùa những móng vuốt nặng nề lên mọi thứ trong bến cảng, làm cho những ngọn cờ phía trước cái khách sạn hiện đại bay phần phật, bẻ oằn cong những cành cao nhất của hàng cây tiêu huyền trên đường nó thổi qua. “Cha nói gì ạ?” tôi gào to. Cha lại nói lại câu gì đó không nghe rõ, trỏ lên tầng trên cùng của cung điện hoàng đế. Cả hai chúng tôi đều nghển cổ ra nhìn.
Tòa pháo đài thanh lịch của hoàng đế Diocletian(1) sừng sững hiện ra phía trên chúng tôi trong ánh nắng ban mai, và tôi suýt ngã ngửa khi rướn người ra sau để cố nhìn được phần rìa phía trên cùng của nó. Nhiều khoảng trống giữa những cây cột xinh đẹp đã bị lấp đầy - thường do người ta chia chúng thành những căn hộ, cha giải thích - vì vậy, đó là một công trình chắp vá bằng đá, phần lớn là loại đá tảng cẩm thạch La Mã chôm chỉa từ những công trình kiến trúc khác, lấp lánh sáng trên khắp cả mặt tiền kỳ dị. Đây đó, nước mưa và những trận động đất đã tạo nên những đường nứt dài. Từ các kẽ nứt, những loại dây leo nhỏ, thậm chí một số cây cối lòng thòng nhô ra. Gió thổi tung những chiếc cổ áo rộng của các thủy thủ đang tản bộ từng nhóm hai hay ba người dọc theo bến cảng, những khuôn mặt rám nắng nổi bật trên bộ đồng phục trắng và những mái đầu húi cua đen ánh lên như bàn chải sắt. Tôi theo cha đi quanh tòa nhà, ngang qua những cây óc chó đen đúa ngã đổ và mớ rác rưởi từ những cây sung dâu, đến khu quảng trường nồng nặc mùi nước tiểu bao quanh tượng đài kỷ niệm. Một ngọn tháp đồ sộ vươn lên trong gió, ngay trước mặt chúng tôi, được trang trí như một chiếc bánh cưới cao lêu nghêu. Ở khu vực phía sau này yên tĩnh hơn và chúng tôi có thể ngưng hét lên khi trò chuyện.
“Bao giờ cha cũng muốn nhìn ngắm ngọn tháp này,” cha nói, giọng bình thường. “Con muốn leo lên đỉnh chứ?”
Tôi đi trước, thích thú bước trên những bậc cầu thang sắt. Trong khu chợ ngoài trời gần bến cảng mà thỉnh thoảng tôi nhìn xuống qua một khung tò vò bằng đá cẩm thạch, cây cối đã chuyển sang màu nâu vàng, trên nền nâu vàng đó những cây bách dọc dòng nước trông như có màu đen hơn là màu xanh lá. Khi trèo lên, tôi có thể nhìn thấy mặt nước xanh thẫm ở bến cảng phía bên dưới, các thủy thủ đang nghỉ phép trông như những chấm trắng nhỏ xíu lang thang qua các quán cà phê ngoài trời. Doi đất cong cong ở xa phía bên kia khách sạn đồ sộ nơi chúng tôi ở như một mũi tên chỉ thẳng vào vùng nội địa thế giới nói tiếng Xlavơ, nơi chẳng bao lâu cha sẽ bị cuốn vào cơn lũ hòa giải đang lan rộng khắp vùng.
Chúng tôi đứng thở hổn hển dưới mái tháp. Chỉ có một sàn sắt dưới chân đỡ chúng tôi khỏi rớt xuống mặt đất, từ đó, chúng tôi có thể nhìn suốt được tới mặt đất bên dưới qua những bậc cầu thang sắt xoáy trôn ốc chằng chịt như mạng nhện mà chúng tôi vừa leo lên. Bên ngoài các khung cửa sổ đá, thế giới xung quanh như trải rộng ra, mỗi cửa sổ đều thấp đến nỗi du khách nào bất cẩn có thể té lộn nhào qua chín tầng tháp xuống mảnh sân nhỏ rải sỏi bên dưới. Chúng tôi chọn một ghế dài ở giữa, nhìn ra biển, ngồi lặng yên đến độ một con chim én đã liệng vào, đôi cánh gồng lên trong ngọn gió biển ào ào thổi, rồi biến mất dưới những mái hiên. Có một vật gì đó ánh lên trong mỏ con én, một cái gì đó lấp lánh dưới ánh mặt trời khi con én vọt bay từ dưới biển lên đây.
Buổi sáng hôm sau, cha kể, cha thức dậy sớm, khi đã đọc hết đống giấy tờ của thầy Rossi. Cha chưa bao giờ cảm thấy mừng rỡ khi nhìn thấy ánh mặt trời như sáng hôm đó. Việc tồi tệ trước tiên là chôn cất Rembrandt. Sau đó, cha đến thư viện mà không gặp trở ngại gì đúng lúc người ta vừa mở cửa. Cha muốn dành trọn ngày hôm đó để chuẩn bị cho đêm sắp đến, cho cuộc tấn công kế tiếp của bóng tối. Đã nhiều năm, đêm là thời gian yêu thích của cha, là vỏ kén tĩnh lặng nơi cha đắm mình vào để đọc và viết. Bây giờ, nó đã trở thành một mối đe dọa, một mối hiểm nguy không thể tránh được, sẽ xảy đến trong vài giờ tới. Cha cũng đang lên kế hoạch cho chuyến đi sắp tới, cùng những sự chuẩn bị cần thiết. Mọi việc hẳn sẽ dễ dàng hơn một chút, cha buồn rầu nghĩ, nếu cha biết được mình sẽ đi đâu.
Gian sảnh chính của thư viện rất yên lặng, chỉ có tiếng bước chân vang vang của những người thủ thư tới lui vì công việc; rất ít sinh viên đến đây sớm thế này, nên cha sẽ được yên ổn và tĩnh lặng trong ít nhất nửa giờ nữa. Cha tìm kiếm trong danh mục thẻ rối rắm của thư viện, mở sổ ghi chép và bắt đầu kéo ra những ngăn hộc mà cha cần. Có vài tài liệu liên quan đến vùng Carpates, một trong số đó là về văn hóa dân gian vùng Transylvania. Một cuốn sách về ma cà rồng - những huyền thoại về chúng trong truyền thống Ai Cập. Cha tự hỏi chuyện về ma cà rồng sẽ giống nhau đến mức nào trên khắp thế giới. Liệu những con ma cà rồng Ai Cập có gì giống ma cà rồng Đông Âu? Đó là lĩnh vực nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, không phải của cha, nhưng dù sao cha vẫn ghi lại số hiệu của cuốn sách về truyền thống Ai Cập ấy.
Sau đó, cha tìm kiếm về Dracula. Các chủ đề và nhan đề xếp lẫn lộn với nhau trong danh mục thẻ; giữa tấm thẻ “Drab-Ali Vĩ đại” và thẻ “Rồng, châu Á,” hẳn phải có ít nhất một thẻ nữa: thẻ của cuốn Dracula của Bram Stoker mà hôm qua cha thấy người phụ nữ trẻ đó đọc ở đây. Với một tác phẩm kinh điển như vậy, thư viện thậm chí có thể có hai bản. Cha cần cuốn sách đó ngay; thầy Rossi đã nói đó là bản tóm lược công trình nghiên cứu của Stoker về những kiến thức và truyền thuyết về ma cà rồng, nó có thể chứa đựng cả những biện pháp bảo vệ mà cha có thể áp dụng cho chính mình. Cha đã tìm đi tìm lại. Không có một thẻ “Dracula” nào - không, không có gì cả. Cha không cho rằng truyền thuyết là một yếu tố quan trọng trong công tác nghiên cứu học thuật, nhưng chắc chắn một cuốn sách như vậy hẳn phải được lên danh mục ở đâu đó.
Và rồi cha chợt thấy một thứ thực sự nằm giữa thẻ mục “Drab-Ali” và “Rồng”. Một mảnh giấy bị vặn xoắn lại nằm ở đáy hộc cho thấy rõ ràng ít nhất một tấm thẻ đã bị rứt ra. Cha vội vàng tìm đến ngăn hộc “St”. Không có mục từ “Stoker” ở đó - chỉ có thêm những dấu vết của một vụ đánh cắp chóng vánh. Cha nặng nề ngồi xuống chiếc ghế đẩu gỗ gần nhất. Sự việc quá kỳ lạ. Sao lại có kẻ phải thủ tiêu những tấm thẻ cụ thể này?
Cha biết cô gái tóc đen là người mượn cuốn sách sau cùng. Phải chăng cô ta muốn xóa bỏ dấu vết của cuốn sách cô ta mượn? Nhưng nếu muốn đánh cắp hoặc che giấu cuốn sách, tại sao cô ta lại công khai đọc nó, ngay giữa thư viện? Chắc hẳn một người nào khác đã rứt các tấm thẻ ra, có lẽ là ai đó - nhưng vì sao? - không muốn bất kỳ người nào khác tìm thấy cuốn sách ở nơi đó. Bất kỳ kẻ nào đã làm việc đó, họ đã hành động hấp tấp, quên không xóa các dấu vết việc làm của mình. Cha suy ngẫm sự việc này một lần nữa. Ở đây, danh mục thẻ là thứ bất khả xâm phạm; bất kỳ sinh viên nào thậm chí chỉ để quên một ngăn hộc danh mục trên bàn, hoặc bị bắt gặp vi phạm lỗi lầm này đều bị các thư ký hoặc thủ thư lên lớp ra trò. Chắc chắn là bất cứ hành động vi phạm nào đối với thẻ danh mục hẳn phải được thực hiện chớp nhoáng, vào khoảnh khắc nào đó không có ai ở chung quanh hoặc nhìn về hướng đó. Nếu người phụ nữ trẻ kia không tự mình phạm vào hành động xuẩn ngốc này, thì có lẽ cô ta cũng không biết có một người khác không muốn ai khác mượn cuốn sách này. Và có thể cô ta vẫn còn đang giữ nó. Cha đi gần như chạy đến quầy chính.
Thư viện này, được xây dựng theo phong cách Gothic thời Phục hưng đậm nét vào thời điểm thầy Rossi tốt nghiệp Oxford (hẳn nhiên, đó là nơi ông sống giữa những sự việc có thực), luôn hấp dẫn cha bởi nó vừa đẹp vừa kỳ cục. Để đến được quầy chính, cha phải băng qua một sảnh giống như gian giữa thánh đường, quầy cho mượn và nhận trả sách nằm ở vị trí, đáng lẽ là của bệ thờ nếu đây là một thánh đường thực sự, dưới bức bích họa Nữ thần - thần Tri Thức, chắc thế - trong bộ váy áo màu xanh da trời, hai tay ôm những tập sách thần tiên. Việc làm thủ tục mượn sách ở đó có đầy đủ tính thiêng liêng của một lễ chịu ban thánh thể. Hôm nay, đối với cha, điều này có vẻ như một trò đùa mỉa mai nhất, cha lờ đi gương mặt dịu dàng vô thưởng vô phạt của vị Nữ thần khi bắt chuyện với người thủ thư, cố làm ra vẻ bình tĩnh.
“Tôi đang tìm một cuốn sách mà hiện không thấy có trên kệ,” cha bắt đầu, “tôi không biết hiện giờ thực ra nó đã được cho mượn, hay sắp được trả lại chưa.”
Người thủ thư, một phụ nữ độ tuổi sáu mươi, lùn, mặt mày nghiêm nghị, từ bàn làm việc liếc nhìn lên. “Xin vui lòng cho biết tên sách,” bà ta nói.
“Cuốn Dracula, của Bram Stoker.”
“Xin vui lòng chờ một lát; tôi sẽ xem liệu nó có còn hay không.” Bà ta lật một hộp nhỏ, mặt không biểu lộ chút cảm xúc nào. “Rất tiếc. Hiện giờ, cuốn sách này vừa được cho mượn.”
“Ồ, thật đáng tiếc,” cha thốt lên, vẻ chân thành. “Khi nào nó mới được trả lại?”
“Khoảng ba tuần nữa. Nó mới được cho mượn hôm nay.”
“Tôi e là không thể chờ đợi lâu như vậy. Bà biết đó, tôi đang dạy một khóa…” Đây là câu nói thường rất có tác dụng.
“Nếu muốn, ông có thể đặt mượn trước ngay từ bây giờ,” bà quản thư nói giọng lạnh nhạt. Bà ngoảnh cái đầu tóc bạc đội mũ ni đi, dường như muốn trở lại với công việc đang bỏ dở.
“Có thể một trong những sinh viên của tôi đã mượn cuốn sách đó, để đọc chuẩn bị trước cho khóa học. Nếu bà có thể cho biết tên, tôi sẽ tự liên hệ với anh ta.”
Bà ta nheo mắt nhìn cha chằm chằm. “Thường chúng tôi không làm vậy.” bà ta nói.
“Đây là một trường hợp bất thường,” cha giãi bày. “Tôi xin nói thẳng với bà. Tôi thực sự phải sử dụng một đoạn trong cuốn sách đó để ra đề thi cho họ, và… tôi đã cho một sinh viên mượn cuốn sách của mình và giờ anh ta để lạc nó đâu rồi. Đó là lỗi của tôi nhưng bà cũng biết, với đám sinh viên, thì những vấn đề này xảy ra như thế nào. Lẽ ra tôi phải lường trước mọi chuyện.”
Mặt bà ta dịu lại và gần như có vẻ thông cảm. “Thật kinh khủng, đúng không?” bà ta nói, gật đầu. “Chúng tôi mất cả đống sách mỗi học kỳ, tôi khẳng định đấy. Thôi được để tôi xem liệu có tìm được cái tên đó cho ông hay không, nhưng xin đừng rêu rao là tôi làm việc đó, được chứ?”
Bà ta quay đi để xáo tung chiếc tủ có ngăn kéo ở phía sau, cha đứng đó, suy ngẫm về tính hai mặt mà cha chợt nhận ra trong bản chất của mình. Cha đã học nói dối một cách trơn tru như vậy từ bao giờ? Điều đó đã mang lại cho cha một cảm giác vừa thích thú vừa lo lắng. Khi đang đứng ở đấy, cha thấy một người quản thư khác, từ sau một cái bệ lớn tiến đến gần cha hơn, nhìn cha chăm chú. Ông ta là một người cha thường thấy ở đây, tuổi trung niên, gầy, chỉ cao hơn bà bạn đồng nghiệp một chút, trông có vẻ lôi thôi với cái áo khoác vải tuýt và chiếc cà vạt cũ mòn. Có lẽ vì đã chú ý đến ông ta từ trước nên cha bất ngờ kinh ngạc khi thấy sự thay đổi trên vẻ mặt ông ta. Gương mặt tái xám và trông như nghiện ma túy, thậm chí có vẻ như bệnh nặng. “Tôi có thể giúp gì cho ông không?” ông ta đột nhiên lên tiếng, tựa như nghi ngại cha có thể cuỗm ngay một thứ gì ở quầy nếu không có ai để ý.
“Ồ, không, cám ơn.” Cha vẫy tay trỏ vào lưng bà quản thư. “Tôi đã được giúp đỡ rồi.”
“Tôi hiểu.” Ông ta bước qua bên trong lúc bà quản thư quay lại với một mảnh giấy nhỏ và đặt nó trước mặt cha. Ngay khoảnh khắc đó, cha không biết nhìn về đâu - mẩu giấy nhỏ như đang quay tròn dưới mắt cha. Bởi khi quay qua bên cạnh, người thủ thư kia chồm lên để xem số sách được trả lại tại quầy và đang chờ để xử lý. Khi ông ta cúi sát mặt xuống chúng, trong khoảnh khắc, cần cổ ông ta nhô lên trên cổ áo mòn trơ chỉ, và cha thấy trên đó hai vết thương đã đóng vảy trông rất khủng khiếp, một vết máu khô nhỏ trên khoảng da ngay phía dưới hai vết thương, tạo thành một tác phẩm trang trí trên da trông rất tởm lợm. Sau đó, ông ta đứng thẳng lên, quay đi, mang theo các cuốn sách.
“Có phải đây là cái ông cần?” bà quản thư hỏi. Cha nhìn xuống tờ giấy bà đang đẩy về phía cha, “Ông thấy đấy, đó là giấy ghi thông tin mượn-trả của cuốn Dracula. Chúng tôi chỉ có một bản cuốn sách đó.”
Tay quản thư lôi thôi kia bỗng đánh rơi xuống sàn một cuốn sách, tiếng động vang dội cả đại sảnh cao ngất. Ông ta thẳng người lên, nhìn thẳng vào cha, và cha chưa bao giờ nhìn thấy - hoặc cho đến giây phút đó chưa bao giờ thấy - ánh mắt trừng trừng của con người nào đầy thù hận và cảnh giác như vậy.
“Đó là thứ ông cần, đúng không?” bà quản thư nhắc lại.
“Ồ, không,” cha trả lời, suy nghĩ thật nhanh, cố gắng trấn tĩnh. “Chắc hẳn bà đã hiểu nhầm. Tôi tìm cuốn Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã của Gibbon. Như đã nói với bà, tôi đang dạy một khóa về chủ đề đó và chúng tôi cần thêm một bản.”
Bà ta cau mày. “Nhưng tôi tưởng…”
Cha không muốn lợi dụng tình cảm của bà ta, ngay cả trong khoảnh khắc khó chịu đó, khi bà ta đã trở nên quá dễ tính đến thế với cha. “Thôi được,” cha nói. “Có thể tôi đã không tìm kỹ. Tôi sẽ trở lui và kiểm tra lại danh mục xem sao.”
Tuy nhiên, ngay khi thốt lên từ danh mục, cha biết mình đã lạm dụng cái tài ăn nói lưu loát mới có của mình. Đôi mắt tay quản thư cao gầy nhíu lại, đầu khẽ nghiêng, như một con thú đang rình rập từng động tác của con mồi. “Cám ơn bà rất nhiều,” cha lịch sự nói khẽ và bước đi, cảm nhận ánh mắt sắc bén đang xoáy trên lưng mình suốt con đường dẫn xuống lối đi rộng giữa các dãy ghế. Cha vờ trở lại bộ phận danh mục khoảng một phút, sau đó đóng cặp giấy tờ lại và cố tình đi ra bằng cửa trước, cánh cửa lúc này đã lũ lượt những tín đồ trung kiên của thư viện kéo vào. Bên ngoài, cha tìm được một chiếc ghế dài dưới ánh nắng mai rực rỡ, lưng dựa vào một bức tường phong cách tân Gothic, ở đó cha có thể an toàn nhìn mọi người xung quanh đến đến đi đi. Cha cần năm phút để ngồi suy nghĩ - việc suy tư, như thầy Rossi luôn dạy, nên diễn ra đúng lúc thay vì tiêu tốn nhiều thời gian.
Tuy nhiên, toàn bộ những chuyện đã xảy ra là quá nhiều để có thể nhanh chóng tiêu hóa hết. Trong khoảnh khắc bàng hoàng mê muội đó, cha không chỉ nhớ lại ánh mắt thoáng qua của mình với vết thương trên cổ của tay thủ thư mà còn cả tên của người khách thường xuyên lui tới thư viện đã đưa đẩy cha đến với cuốn Dracula. Tên cô ta là Helen Rossi.
Gió trở lạnh và không ngừng mạnh lên. Cha dừng lại ở đó và lôi từ trong túi đựng máy ảnh hai cái áo mưa, mỗi người chúng tôi một cái. Cha đã cuộn chặt chúng lại để có thể nhét vừa chung với các thứ khác trong chiếc túi đựng máy chụp hình, mũ vải bạt, và một ít dụng cụ sơ cứu. Không nói một lời, chúng tôi khoác áo mưa ra ngoài áo khoác, và cha tiếp tục.
Ngồi ở đấy trong ánh nắng cuối xuân, nhìn ngôi trường đại học cựa mình thức giấc với những hoạt động thường lệ, cha chợt cảm thấy ganh tị với đám sinh viên và các giảng viên dáng vẻ bình thường đang rảo bước đây đó. Hẳn họ đang nghĩ kỳ thi ngày mai là một thách thức quan trọng, hoặc những trò đấu đá trong khoa đúng là một vở kịch hấp dẫn, cha cay đắng nghĩ. Không một ai trong họ có thể hiểu được tình thế khó khăn của cha, hoặc có thể giúp cha thoát ra khỏi tình thế đó. Đột nhiên cha cảm thấy cô đơn, khi đứng ngoài ngôi trường của mình, vũ trụ của mình, như một chú ong thợ bị trục xuất khỏi tổ. Và cha ngạc nhiên nhận ra tình trạng này mới chỉ bắt đầu từ bốn mươi tám tiếng đồng hồ trước.
Bây giờ, cha phải gấp rút suy nghĩ cho ra mọi lẽ mọi điều. Trước tiên, cần xem xét những gì thầy Rossi đã kể lại: còn một người nào đó ở bên ngoài mối đe dọa trực tiếp đối với thầy Rossi - trong trường hợp này người đó là một tay thủ thư dơ dáy, dáng vẻ kỳ dị - bị cắn ở cổ. Cứ cho rằng, cha tự nhủ, gần như muốn cười chế giễu tính phi lý của những sự việc mà cha bắt đầu tin, cứ cho rằng tay thủ thư của chúng ta bị một con ma cà rồng cắn, mới gần đây thôi. Thầy Rossi đã bị cuốn ra khỏi văn phòng của ông - với vết máu trên bàn làm việc, cha nhớ lại - chỉ hai đêm trước. Dracula, nếu hắn còn tự do, hình như không chỉ ưa chuộng những học giả xuất sắc nhất (đến đây, cha nhớ đến anh bạn Hedges tội nghiệp của thầy Rossi) mà còn cả những người thủ thư, những chuyên viên lưu trữ văn thư. Không - cha ngồi thẳng lên, chợt nhận ra mấu chốt của vấn đề - hắn ưa chuộng những người làm việc với những văn thư lưu trữ có dính líu với truyền thuyết về hắn. Đầu tiên là tay quan chức nhà nước, kẻ đã tước đoạt tấm bản đồ của thầy Rossi ở Istanbul. Nhà nghiên cứu ở Viện Smithsonian cũng vậy, cha nghĩ, nhớ lại lá thư cuối cùng của thầy Rossi. Và, tất nhiên, bị đe dọa ngay từ đầu là chính bản thân thầy Rossi, người có một bản in của “một trong những cuốn sách thú vị này” và đã từng nghiên cứu những tài liệu có thể có liên quan. Tiếp đó là người thủ thư này, dù cha chưa có bằng chứng là gã đã từng liên quan đến bất kỳ tài liệu nào về Dracula. Và sau cùng - là cha?
Cha cầm cặp giấy tờ lên và vội vàng đến một trạm điện thoại công cộng gần khu căng tin sinh viên. “Vui lòng cho xin Phòng thông tin trường Đại học.” Không ai đi theo cha đến đây, theo như cha thấy, nhưng cha vẫn đóng cửa lại và qua đó vẫn để mắt quan sát những người qua lại. “Cô có trong danh sách một cô tên là Helen Rossi đấy chứ? Vâng, nghiên cứu sinh,” cha thử đánh bạo thăm dò.
Cô trực tổng đài trường đại học trả lời vắn tắt; cha có thể nghe tiếng cô ta chậm rãi lật từng tờ giấy. “Chúng tôi có một người tên H. Rossi đăng ký tại ký túc xá nữ nghiên cứu sinh,” cô ta trả lời.
“Đúng là cô ấy. Cám ơn cô rất nhiều.” Cha ghi vội số điện thoại và lại gọi. Một nữ quản lý trả lời, giọng sắc và cảnh giác. “Cô Rossi à? Vâng? Xin lỗi, ai gọi đấy?”
Ôi, lạy Chúa. Cha đã không nghĩ đến việc này. “Anh cô ấy,” cha trả lời ngay. “Cô ấy bảo tôi là cứ gọi số máy này.”
Cha có thể nghe tiếng bước chân xa dần máy điện thoại, rồi tiếng sải chân mạnh bạo hơn quay trở lại, âm thanh sột soạt của bàn tay cầm lấy ống nghe. “Cám ơn cô Lewis,” một giọng nói lạnh lùng, tựa như muốn xua đi. Rồi cô ta nói vào tai cha, vẫn cái giọng trầm mạnh mẽ trong thư viện ấy. “Tôi chẳng có anh trai nào cả,” cô ta nói. Câu nói nghe như một lời cảnh báo, chứ không đơn thuần là thông báo một sự thật. “Ai đấy?”
Cha tôi xoa hai tay trong cơn gió lạnh giá, làm cho hai ống tay áo khoác nhăn nheo như giấy lụa. Helen, tôi nghĩ, dù không dám lặp lại cái tên đó to lên. Đó là cái tên mà tôi hằng yêu thích; nó gợi cho tôi nhớ đến một cái gì đó can đảm và xinh đẹp, như nàng Helen thành Troy trong bức tranh theo trường phái nghệ thuật Tiền Raphael ở trang đầu cuốn Truyện Iliad dành cho Trẻ em mà tôi có ở nhà tại Mỹ. Trên hết, đó là tên của mẹ tôi, và bà là một chủ đề cha không bao giờ bàn đến.
Tôi nhìn cha chăm chú, nhưng cha tiếp tục nói. “Trà nóng trong một quán cà phê dưới kia,” cha nói. “Đó là món cha cần. Con thì sao?” Tôi chú ý nhận thấy đây là lần đầu tiên gương mặt của cha - một khuôn mặt đẹp, lịch thiệp của một nhà ngoại giao - trông thảm hại vì những quầng tối nặng nề bao quanh hai mắt và khiến mũi ông có một vẻ tiều tụy như thể chưa bao giờ được ngủ đủ giấc. Cha vươn vai đứng dậy, chúng tôi nhìn khung cảnh qua những ô cửa sổ một lần nữa. Cha kéo tôi lui lại một chút, dường như sợ tôi ngã xuống.
Chú thích:
1. Diocletian: hoàng đế La Mã (245-313) - được tấn phong hoàng đế năm 284; những cải cách hành chính của ông thành công, nhưng các cốgắng để khôi phục lại tôn giáo truyền thống của La Mã bằng cách khủng bố và ngược đãi tín đồCông giáo thì thất bại, ông thoái vị năm 305.