Trong Gia Đình

Phần VII

Sáng hôm sau, hai người cháu vẫn đi trễ như thường lệ. Khi vào phòng ông Vunphran để mở thư tín, họ rất ngạc nhiên khi thấy Perin ngồi chễm chệ vào bàn của em, như là em đã thả neo ở đó từ bao giờ. Taluen biết Perin được bố trí ngồi ở đó, nhưng y vẫn giữ kín, không tin cho họ hay. Ông sắp xếp có mặt để xem họ kinh ngạc như thế nào. Thật vậy, dáng điệu hai người cháu thật là buồn cười khi thấy cô bé ngồi ở đấy. Chính Taluen cũng đã điên đầu vì cái con bé ăn mày ấy! Cái con chỉ một hôm, đã vọt lên ngồi chễm chệ ở đấy, không cần ô dù. Nó đã dành được cái vị trí bắt người ta phải kính nể vì ông chủ già yếu hèn và lẩn thẩn.

Taluen sẽ được hả lòng khi thấy hai người cháu căm tức. Thấy họ nhìn con bé bằng đôi mắt giận dữ và kinh ngạc. Taluen vui biết mấy! Họ không thể hiểu nổi sự có mặt của con bé trong cái phòng thiêng liêng này. Nơi đây, chính bản thân họ cũng chỉ được lưu lại vừa đủ thời gian để nghe những lời huấn thị của ông chủ thời gian để nghe những lời huấn thị của ông chú, hay báo cáo những công việc mà họ phụ trách.

Thường ngày, Taluen chỉ tỏ ra thù địch với họ bằng nụ cười mỉa hay sự im lặng khinh nhờn dưới dạng kính cẩn. Hôm ấy, ông ta cao hứng muốn diễn một vở hài kịch, theo cách của mình, để tự giải trí trong chốc lát. Ái chà! Họ nghĩ là họ hơn ông vì họ có những quyền lợi dựa vào tình ruột thịt của họ với ông chủ: Ông chủ đã xếp trên quản đốc một người là con ông anh ruột, một người là con bà chị ruột. Còn ông? Ông chỉ là sản phẩm của những công lao tự mình bỏ ra để góp phần không nhỏ cho thắng lợi của nhà máy. Này nhé, rồi các ngài sẽ thấy! Khi họ đi ra. Taluen cùng đi với họ, tuy họ có vẻ nôn nóng trở về phòng họ để trao đổi cảm tưởng, để thấy họ cần phải làm gì với con bé ấy, nên khi Taluen ra hiệu là họ vâng theo ngay. Đó không phải là thắng lợi sao? Ông ta kéo họ ra ngoài hàng hiên để tiếng nói của bọn họ không thể đến phòng ông Vunphran.

- Hẳn các ông ngạc nhiên lắm khi thấy con bé ở trong phòng ông chủ? Taluen nói.

Hai chàng kia nghĩ là không cần trả lời. Họ không thể chối cãi cũng không muốn thừa nhận.

- Tôi đã thấy rõ. Taluen nhấn mạnh khi nói. Sáng nay, nếu hai ông không đến muộn thì tôi hẳn đã báo trước cho hai ông hay, để có những cử chỉ đúng đắn hơn.

Taluen tiếp tục:

- Hôm qua, ông Vunphran có cho tôi biết ông ấy đã xếp con bé ở lại trong lâu đài. Trong tương lai, nó sẽ làm việc trong phòng ông chủ.

- Nhưng con bé này là ai vậy?

- Tôi cũng định hỏi hai ông điều ấy. Phần tôi, tôi không biết. Ông Vunphran cũng thế, tôi tin vậy.

- Thế thì?

- Lúc đó ông chủ có giải thích cho tôi! Đã từ lâu, ông muốn có bên cạnh một người thông minh, kín đáo, trung thành mà ông có thể tin cậy hoàn toàn.

- Ông ấy đã không có chúng tôi sao? Casimia ngắt lời.

- Đúng là tôi cũng đã nói với ông ấy. “Vậy thì ông không có ông Casimia là sinh viên Bách khoa đã được học tất cả các môn về mặt lý thuyết. Với ông Casimia, nghiệm số x, không còn phải sợ ai cả! Ông ta gắn bó với ông chủ. Còn ông Têôdo thì đã hiểu cuộc đời lẫn ngành thương mại. Những năm đầu, ông sống bên cạnh bố mẹ, lúc gia đình gặp khó khăn nên ông đã trưởng thành. Mặt khác ông Têôdo thương yêu ông chủ. Chẳng lẽ hai ông ấy ít thông minh, không kín đáo, kém trung thành và ông không thể đặt hết niềm tin ở họ chăng? Họ còn nghĩ đến chuyện gì khác nếu không phải là để đỡ đần ông, hiệp sức cùng ông, cùng thu xếp công việc. Họ là những người cháu tốt, rất thân ái, rất biết ơn. Họ cũng gắn bó với nhau như anh em ruột. Họ chỉ có một quả tim bởi vì họ cũng cùng chung một mục đích.

Tuy Taluen muốn, ông ta cũng không nhấn mạnh ở mỗi từ đặc biệt, nhưng ít nhất ông đã nhấn mạnh sự mỉa mai bằng nụ cười. Ông nhìn Têôdo khi nói về sự hiểu biết của Casimia trong lĩnh vực khoa học của nghiệm số x. Taluen nhìn Casimia khi nói đến những khó khăn trong việc kinh doanh của gia đình Têôdo. Taluen nhìn cả hai người khi nhắc về sự đồng tâm cùng chung một mục đích.

- Các ông có biết ông chủ đã trả lời tôi thế nào không? Taluen tiếp tục. Tuy ông dừng lại một lát, nhưng lại sợ họ quay lưng trước khi ông nói hết, nên ông vội vã nói tiếp.

- Ông Vunphran trả lời tôi: “Ôi, mấy thằng cháu tôi. Cái đó nói lên gì kia chứ? Anh biết là tôi không tự cho phép mình tìm hiểu: Tôi chỉ nhắc đơn giản với anh thế thôi!”. Ngay tức khắc, ông lại nói thêm với tôi để giải thích cái quyết định đưa con bé về tòa lâu đài và đặt nó trong buồng giấy của ông. Ông làm thế vì có thể tai họa. Không phải là ông lo cho nó, vì ông tin chắc nó không vấp ngã. Ông lo cho những người khác, để ông khỏi phải xa họ, dù thế nào đi nữa! Tôi xin đảm bảo là tôi đã nhắc lại nguyên văn lời nói của ông chủ, không sai một chữ. Bây giờ, tôi muốn hỏi hai ông: Những người khác ấy là ai?

Thấy họ không trả lời. Taluen nhấn mạnh:

- Ông Vunphran muốn ám chỉ ai? Ông ấy nhìn thấy ở đâu và những người khác có thể gây tai họa cho con bé? Tai họa gì vậy? Tất cả những câu hỏi đều khó hiểu! Chính vì thế mà tôi nghĩ phải đưa cho hai ông xem xét. Trong lúc ông Étmông vắng mặt, hai ông với dòng dõi gia đình coi như là đứng đầu nhà máy này.

Taluen đã chơi với họ như mèo vờn chuột, thế nhưng ông ta còn muốn đá họ lên không trung một lần nữa bằng một cú đã khá mạnh.

- Thật ra ông Étmông có thể trở về nay mai. Nếu người ta tin vào những sự tìm kiếm của ông Vunphran. Hình như ông ấy đang nôn nóng như đã lần ra đầu mối.

- Thế thì ông phải biết chút ít rồi chứ? Têôdo hỏi vì không giấu được nỗi tò mò.

- Không có gì hơn là những thứ tôi thấy, nghĩa là ông Vunphran dùng con bé để dịch những lá thư và những bức điện mà ông nhận được từ Ấn Độ.

Rồi với vẻ phúc hậu giả tạo:

- Thật là khốn khổ cho ông, ông Casimia ạ! – Ông học đủ mọi thứ mà không biết tiếng Anh! Giá ông biết tiếng Anh, ông đã nắm hết mọi chuyện xảy ra. Đấy là chưa kể ông có thể tống cổ con bé ấy! Hiện nay, nó đang chiếm trong lâu đài một chỗ mà nó không có quyền. Thật ra, ông có thể tìm được một cách khác tốt hơn để đến đó! Và nếu tôi có thể giúp ông, ông có thể tin ở tôi… nhưng xin ông giữ kín cho.

Trong khi nói, thỉnh thoảng ông ta liếc nhanh và nhìn về phía mấy cái sân vì thói quen hơn là cần thiết. Vừa lúc ấy, ông thấy người đưa thư mang điện đến. Anh không vội vàng mà đi lang thang hết bên trái sang bên phải.

- Đúng rồi! Taluen nói, đó là bức điện trả lời cho bức điện gửi đi Đaka! Thật là bực mình cho ông vì không thể biết nội dung bức điện – Vì thế, ông không thể là người đầu tiên đến báo cho ông chủ hay tin con trai ông trở về. Vui biết mấy phải không? Phần tôi, mấy cái đèn xếp của tôi đang chờ được thắp sáng. Nhưng, ông không biết tiếng Anh và con bé ấy lại biết tiếng Anh.

Dù đi ngập ngừng từng bước như đang tiếc rẻ, cuối cùng, người đưa thư cũng đến dưới tam cấp. Nhanh nhẹn, Taluen đến trước mặt ông ta:

- Này! Anh biết đấy! Anh đủng đỉnh quá! – Ông ta nói.

- Vội vàng để mà chết ư?

Không trả lời, Taluen cầm bức điện, đem vào cho ông Vunphran với một sự vồn vã ồn ào quá mức.

- Ông có muốn tôi mở bức điện? Taluen hỏi.

- Có chứ!

Nhưng Taluen chưa xé tờ giấy trong cái đường răng cưa đã hét lên:

- Bằng tiếng Anh.

- Đấy là công việc của Ôrêli, ông Vunphran nói, với một cử chỉ mà viên quản đốc chỉ còn biết vâng lời.

Khi cánh cửa vừa khép, Perin đã dịch bức điện “Người bạn Lơxerơ, thương gia Pháp. Tin tức cuối cùng: cách năm năm. Ông cần thì viết thư cho Cha Máckétnétx ở Đơra”.

- Năm năm! Ông Vunphran hét lên. Lúc đầu, ông chưa nhạy bén với cái hướng dẫn này. Chuyện gì đã xảy ra từ dạo ấy, làm sao mà lần theo cái dấu chân sau thời gian năm năm?

Nhưng ông Vunphran không phải là người để mất thời giờ than vãn vô ích! Ông tự giải thích:

- Những nỗi ân hận, luyến tiếc không bao giờ thay đổi những việc đã rồi! Chúng ta hãy biết lợi dụng cái gì mà chúng ta có. Cháu đánh ngay một bức điện pháp cho ông Lơxerơ vì ông là người Pháp. Cháu đánh một bức điện tiếng Anh cho cha Mátkêtnétx.

Perin viết thông thạo bức điện em phải dịch ra tiếng Anh. Nhưng khi viết bức điện tiếng Pháp em dừng lại ngay hàng đầu và xin phép đi tìm một quyển từ điển trong phòng ông Benđi.

- Cháu không tin ở chính ta của cháu?

- Ôi, cháu chưa thật yên tâm, thưa ông cháu muốn ở bàn giấy, người ta không thể đùa cợt với những bức điện ông gửi đi.

- Thế thì cháu không thể viết một bức điện không có lỗi sao?

- Chắc là cháu viết rất nhiều lỗi! Phần đầu các từ có thể tạm được. Phần cuối khi có những quan hệ hòa hợp và những âm đôi và còn nhiều chuyện khácnữa thì không đạt được! Cháu viết tiếng Anh dễ hơn tiếng Pháp. Cháu muốn thú thật với ông như thế!

- Cháu chưa bao giờ đến trường ư?

- Chưa bao giờ! Cháu chỉ biết những gì mà bố mẹ cháu dạy cháu trên đường đi trong lúc nghỉ chân, hay nghỉ ngơi trong một xứ nào đó. Lúc ấy, mẹ cháu bắt cháu học. Nhưng nói thật, cháu chẳng bao giờ học được nhiều lắm đâu!

- Cháu nói thực với bác là cháu ngoan đấy! Rồi chúng ta phải sửa chữa những cái đó. Bây giờ, chúng ta hãy nghĩ đến những việc cần làm ngay.

Trong buổi chiều, khi đi xe thăm các nhà máy ông Vunphran mới trở lại câu chuyện chính tả.

- Cháu viết thư cho bà con cháu chưa?

- Chưa, không viết, thưa ông.

- Tại sao?

- Vì cháu chỉ muốn ở lại đây mãi mãi! Cháu được gần ông. Ông đối xử với cháu rất tốt và đã cho cháu một cuộc sống hạnh phúc.

- Thế thì cháu không muốn xa bác?

- Cháu muốn tỏ cho ông hay hàng ngày, ở mọi việc, mọi nơi, lòng biết ơn của cháu… và những tình cảm kính trọng khác mà cháu không dám diễn tả.

- Nếu đúng như thế, thì có lẽ tốt nhất, cháu đừng viết thư, ít nhất là trong lúc này! Sau này, chúng ta sẽ xem lại. Nhưng cháu muốn giúp bác thì cháu phải làm việc! Cháu phải phấn đấu để làm thư ký cho bảc trong nhiều công việc. Cháu phải viết sao cho người ta đừng cười, vì cháu viết dưới tên bác. Mặt khác, điều phù hợp nhất cũng là điều tốt cho cháu là cháu phải học. Cháu muốn thế không?

- Cháu sẵn sàng cho mọi việc mà ông muốn! Cháu xin thưa là cháu không ngại phải làm việc!

- Nếu như vậy, mọi việc sẽ được sắp xếp để cháu vẫn giúp được bác. Ở đây, có một cô giáo rất giỏi. Khi trở về, bác sẽ nhờ cô ấy phụ đạo cho cháu sau giờ học, từ sáu đến tám giờ. Lúc đó bác không cần cháu. Cô giáo là một người tốt. Cô chỉ có hai nhược điểm. Thân hình cô cao, to hơn bác, vai rộng hơn bác, lại đồ sộ nữa, tuy cô chỉ bốn mươi tuổi! Và cái tên cô lại là Benlom(1). Cái tên ấy đã giới thiệu cô chẳng hay ho gì! Cô là người đẹp trai không có râu thì đúng hơn. Và hơn nữa, nếu nhìn gần, biết đâu cô ta cũng có râu! Cô đã tốt nghiệp đại học và đã dạy những lớp riêng. Nhưng dáng điệu như là ông kẹ của cô làm cho các cháu gái sợ. Tên cô làm cho các bà mẹ, bà chị bật cười! Thế là rất dũng cảm, cô về trường cấp một và cô đã thàng công. Những lớp cô dạy thường đứng đầu trong quận. Các vị thủ trưởng coi cô là giáo viên gương mẫu. Bác không thể mời từ Amiêng về đây một cô giáo giỏi hơn cô ấy cho cháu đâu!

------------

(1)Benlom: nghĩa là người đẹp.

-------------