Trong Gia Đình

Đoạn Kết

 - Phabry về đó! Ông Vunphran nói bằng một giọng khác thường, trong đó có sự lo ngại chen lẫn với sung sướng nữa.

Đúng thế! Phabry đi nhanh vào trong buồng giấy. Ông ấy cũng thế, hình như đang ở trong một trạng thái lạ lùng! Ông ta đưa mắt nhìn Perin trước làm em bối rối, mà chẳng hiểu vì sao.

- Xe hỏng máy nên tôi về chậm. – Ông nói.

- Anh về, đó mới là cái chính!

- Tôi đã đánh điện báo cho ông.

- Bức điện của anh ngắn và lờ mờ quá. Khó đem hy vọng lại cho tôi. Cái tôi cần là những khẳng định chắc nịch kia!

- Tôi có được phép báo cáo trước mặt cô?

- Được chứ, nếu những tin ấy vẫn như anh đã nói.

Đây là lần đầu, Phabry báo cáo một nhiệm vụ đặc biệt, mà lại hỏi ông chủ, có thể làm việc ấy khi có mặt Perin không? Em đang bối rối, thì câu chuyện giữa ông Vunphran và Phabry, qua giọng nói cảm động, dáng điệu khác thường của họ chỉ làm tăng thêm nỗi lo lắng cho em.

- Như lời dự đoán của vị thám tử của ông, - Phabry nói, và không nhìn Perin. – Cái con người nhiều lần không để lại dấu vết, đã đến Paris. Tại đây, trong lúc đọc cái bản khai tử, người ta đã tìm thấy vào tháng sáu năm ngoái, một bản mang tên Mari Đôrétsany, quả phụ của Étmông Vunphran Panhđavoan. Đây là một bản sao.

Phabry đặt tờ giấy trong hai bàn tay run rẩy của ông Vunphran.

- Ông có muốn đọc không?

- Anh đã kiểm tra tên họ chưa?

- Hẳn là có!

- Thế thì, đừng đọc, chúng ta sẽ xem sau, anh nói tiếp.

- Tôi không phải chỉ cầm chắc cái bản khai tử. – Phabry tiếp tục. – Tôi đã hỏi ông Hạt Muối, chủ ngôi nhà trọ mà chị Mari đã chết ở đấy. Tôi cũng đã tìm gặp những người đã chứng kiến cái chết ấy! Bà “Hầu tước” một người hát rong ở đường phố. Bố Cá Chép, cụ già sửa giày dép. Do kiệt sức vì đói khổ, mệt nhọc, nên chị đã chết! Tôi cũng đã gặp bác sĩ Xăngđri, người đã săn sóc chị ở đường Riblét. Bác sĩ muốn gửi chị đi bệnh viện nhưng vì không muốn xa con gái nên chị không chịu đi! Để cuộc điều tra được đầy đủ, họ đưa tôi đến con đường lâu đài Răngchiê để gặp La Rucơri, bà buôn bán phế liệu, phế phẩm. Mãi đến hôm qua, tôi mới được bà gặp, vào lúc bà ở thôn quê về.

Phabry dừng lại. Lần đầu tiên ông quay về phía Perin, kính cẩn chào cô bé.

- Tôi có trông thấy Palica. Thưa cô, nó vẫn khỏe mạnh!

Perin đã đứng lên. Em đang nhìn, đang lắng nghe, nghẹn ngào xúc động, nước mắt tuôn như suối, Phabry tiếp tục.

- Lần theo tông tích của người mẹ, tôi chỉ còn việc tìm hiểu con gái của chị ấy bây giờ ra sao? La Rucơri đã kể cho tôi nghe câu chuyện gặp gỡ trong khu rừng Xăngtydi. Nhờ con lừa, nên bà đã cứu được một cô bé sắp chết đói!

Quay về phía Perin đang run rẩy, ông Vunphran kêu lên:

- Rồi cháu sẽ nói cho ông hay tại sao con bé ấy không chịu tự giới thiệu! Cháu sẽ phải giải thích.

Perin bước về phía ông. Ông vẫn nói:

- Tại sao nó không nhào vào đôi tay mở rộng của ông…?

- Trời ơi!

- Cánh tay của ông nội nó mà!

Phabry rút lui để ông Vunphran và Perin hai ông cháu nói chuyện tâm tình.

Họ không nói nên lời vì quá cảm động. Họ cầm tay nhau, chỉ gọi nhau bằng những từ ây yếm:

- Con gái của ông đây. Con cháu nội thân thương của ông!

- Ông nội ơi!

Cơn xúc động qua rồi, ông Vunphran hỏi:

- Tại sao trước đây, cháu không tự xưng lai lịch ra?

- Không phải cháu đã nhiều lần thử rồi sao? Ông không nhớ cái hôm ấy, lần cuối mà cháu ám chỉ đến mẹ con cháu, ông dặn: “Đừng bao giờ. Cháu nghe chứ! Đừng bao giờ nói về những con khốn nạn ấy với bác!”

- Nào ông có thể ngờ cháu là cháu nội của ông!

- Nếu đứa cháu ấy đến gặp ông và thành thật tự giới thiệu, biết đâu ông lại không xua đuổi nó, chẳng thèm nghe nó nói?

- Ai biết được ông sẽ làm gì?

- Thế thì cháu quyết định chỉ để người ta biết cháu cái ngày mà, như lời mẹ cháu dặn, cháu đã chiếm được tình thương.

- Cháu đã phải đợi chờ lâu thế sao? Cháu không thấy ông thương yêu cháu ư?

- Phải chăng đó là tình thương của người ông? Cháu chưa dám tin như thế!

- Và phải trải qua đấu tranh gian khổ, những do dự, hy vọng và hoài nghi để mối nghi ngờ của ông được sáng tỏ! Cháu có thể tránh cho ông, nếu cháu tự giới thiệu sớm hơn! Ông phải nhờ Phabry để bắt cháu nhào vào lòng ông!

- Niềm vui ngày hôm nay không đủ chứng minh sự việc tiến triển như thế là tốt sao?

- Cuối cùng tốt đẹp cả! Nhưng phải xét lại việc đó. Đáng ra cháu nói cho ông hay cái điều mà cháu giấu ông, bắt ông phải tiếp tục tìm kiếm. Với một lời nói, cháu có thể làm sáng tỏ ngay!

- Bằng cách tự xưng tông tích?

- Cháu nói cho ông biết về cha cháu. Gia đình cháu đến Saradơ bằng cách nào? Tại sao cha cháu làm thợ ảnh?

- Về cuộc sống của gia đình cháu ở Ấn Độ, ông có thể…

Ông Vunphran ngắt lời Perin:

- Gọi ông nội! Con đang nói với ông nội con chứ không phải đang nói với ông Vunphran!

- Chắc ông nội đã hình dung cuộc sống của chúng con ở Ấn Độ qua mấy lá thư đã nhận được. Sau này con sẽ kể những cuộc đi lùng cây thảo mộc, đi săn thú. Ông nội sẽ thấy bố con dũng cảm như thế nào, mẹ con kiên tâm ra sao? Con không thể nói về cha con mà không nhắc đến mẹ con.

- Khi Phabry cho ông biết mẹ con không chịu vào bệnh viện để được cứu chữa vì không muốn xa con, ông rất cảm động!

- Ông nội sẽ thương mẹ con, sẽ yêu quý mẹ con, nhất định là thế!

- Con sẽ kể với ông nội về người phụ nữ ấy!

- Con sẽ nói với ông nội về người con dâu của ông nội. Con sẽ làm cho ông nội thương yêu mẹ con. Con lướt qua phần này. Chúng con từ giã Ấn Độ để về Pháp. Đến Xuê, cha con mất hết tiền bạc mang theo. Bọn chạy việc đã lấy hết sạch! Con chẳng hiểu bằng cách nào.

Ông Vunphran có một cử chỉ. Hình như ông muốn nói phần ông, ông hiểu “tại sao?”

- Không còn tiền bạc, đáng lẽ đi trực tiếp về Pháp, chúng con phải đi qua Hy Lạp để đỡ tốn kém. Đến Aten, vì cha con có sẵn những dụng cụ để làm ảnh, nên ông chụp chân dung để kiếm tiền độ nhật. Ông mua một cỗ xe, một con lừa, con Palica, con lừa sau này đã cứu con khỏi bị chết đói. Cha con muốn theo đường bộ trở về Pháp, vừa đi vừa chụp ảnh trên đường đi. Nhưng chao ôi! Người chụp ảnh ít quá! Con đường xuyên qua núi lại rất gian khổ. Nó nhỏ hẹp và rất khó đi. Có ngày Palica suýt chết đến vài mươi lần! Con đã nói với ông nội là cha con lâm bệnh ở Busôvátcho. Hôm nay, xin ông đừng bắt con kể cha con chết như thế nào? Khi cha con không còn nữa, mẹ con chúng con cũng vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình. Chúng con thu nhập ít quá! Con phải tìm mối để cho cha con chụp ảnh. Bây giờ, không còn cha con, nên thu nhập càng ít hơn! Rồi con sẽ kể cho ông nội nghe những chặng đường đói khổ ấy, nó kéo dài từ tháng mười một đến tháng năm, từ giữa mùa đông cho cả lúc đến Paris nữa, ông Phabry vừa cho ông nội hay mẹ con chết ở nhà trọ bác Hạt Muối. Sau này, con sẽ nói về cái chết của mẹ con, những lời trối trăn của bà dặn con đến đây…

Có những tiếng ồn ào mơ hồ từ những khu vườn hoa trong không khí, trong lúc Perin kể.

- Cái gì thế? Ông Vunphran hỏi.

Perin đi về phía cửa sổ. Trên các bãi cỏ và con đường, thợ thuyền: Đàn ông, đàn bà, trẻ em, diện áo quần đẹp, đứng đen nghịt. Trên đầu họ, phất phới những lá cờ. Có đến sáu, bảy nghìn người đứng chen chúc. Đám quần chúng ấy kéo dài ra phía ngoài hoa viên trong khu vườn có Câu lạc bộ. Tiếng ồn ào từ các nẻo đường, đồng ruộng phát ra, làm ông Vunphran ngạc nhiên không chú ý đến cây chuyện rất hứng thú của Perin.

- Cái gì thế? Ông nhắc lại.

- Hôm nay là ngày sinh nhật của ông nội, thợ thuyền ở tất cả các nhà máy đã quyết định tổ chức buổi lễ để cám ơn ông nội đã săn sóc họ.

- Ồ, thật vậy ư? Thật vậy ư!

Ông Vunphran đến bên cửa sổ như là ông có thể nhìn thấy họ. Người ta đã nhận ra ông. Ngay tức khắc, từ nhóm này sang nhóm khác, có tiếng ồn ào kéo dài và trở nên dữ dội.

- “Trời ôi! Họ sẽ đáng sợ biết mấy khi họ muốn chống lại chúng ta”. Ông thì thầm Đây là lần đầu tiên ông cảm thấy sức mạnh của những đám người mà ông chỉ huy.

- Vâng, nhưng họ cùng đi với chúng ta vì chúng ta ở cùng một phía với họ!

- Nhờ con mà có chuyện ấy, cháu nội của ông ạ! Hôm nay thật là khác xa cái hôm làm lễ cầu hồn cho cha con trong ngôi nhà thờ trống rỗng.

- Đây là chương trình buổi lễ đã được ban điều hành duyệt: đúng hai giờ, con đưa ông nội đến bậc tam cấp. Ông nội đứng trên cao và mọi người sẽ nhìn rõ ông. Mỗi nhà máy đều có một đại diện lên đứng trên bậc tam cấp. Thay mặt mọi người, cụ Gatôdơ sẽ đọc một bài diễn văn ngắn chúc mừng ông nội.

Vừa lúc ấy, chuông đồng hồ điểm hai giờ. Họ đến bậc tam cấp. Tiếng hoan hô vang dậy! Như đã sắp xếp, lúc ấy các đại biểu bước lên tam cấp. Cụ Gatôdơ, người thợ chải sợi gai lớn tuổi, tiến lên trước các bạn vài bước để bắt đầu những lời chúc tụng ngắn mà sáng nay, người ta bắt cụ lặp lại đến chục lần.

- Kính thưa ông Vunphran, để chúc mứng ông… để chúc mừng ông…

Cụ dừng lại, vung cánh tay lên. Quần chúng khi thấy những cử chỉ hùng hồn ấy, ngỡ là cụ đang đọc bài diễn văn. Sau vài giây cố gắng quá độ cụ đã bứt hết mấy nhúm tóc muối tiêu y như cụ đang chải sợi gai của cụ, cụ nói:

- Và thế này: tôi có một bài diễn văn để chúc mừng ông chủ. Nhưng tôi rất bực mình vì bây giờ tôi không nhớ! Để chúc mừng ông, để cám ơn ông, thay mặt tất cả mọi người, với tấm lòng thành thực:

Cụ trịnh trọng đưa bàn tay lên:

- Tôi xin thề, lời thề của Gatôdơ.

Tuy rời rạc, bài diễn văn ấy cũng đã làm cho ông Vunphran xúc động. Ông đang ở trong trạng thái mà người ta không dừng lại ở lời nói. Bàn tay ông vẫn vịn vào vai Perin, ông tiến đến bao lơn của tam cấp như đang đứng trên bục và quần chúng nhìn rõ ràng.

- Các bạn, ông nói với một giọng chắc nịch, những lời chúc mừng thân ái của các bạn cho tôi một niềm vui càng to lớn hơn vì các bạn đã gửi đến trong cái ngày hạnh phúc nhất của đời tôi, cái ngày mà tôi vừa tìm được chá nội, con của người con trai mà tôi đã mất! Các bạn biết cháu, đã thấy cháu làm việc. Hãy yên lòng, cháu sẽ tiếp tục và phát triển những gì mà ông cháu chúng tôi đã cùng làm. Các bạn có thể nói tương lai của các bạn, của con các bạn, nằm trong những bàn tay tin cậy!

Vừa nói, ông nghiêng mình về phía Perin, khiến em không kịp lẫn tránh và ông ôm em trong hai cánh tay còn khỏe, nhấc bổng em lên. Thế là tiếng hoan hô vang dậy và lặp lại trong nhiều phút từ mấy nghìn cái miệng đàn ông, đàn bà, trẻ em. Theo chương trình buổi lễ, cuộc diễu hành bắt đầu. Mỗi người, khi di qua trước mặt ông chủ và cô cháu, đều cất mũ hay nghiêng mình chào cung kính.

- Nếu ông nội thấy được những gương mặt tươi tỉnh ấy, - Perin nói.

Thế nhưng cũng có những gương mặt không được rạng rỡ! Đó gương mặt của hai người cháu. Sau buổi lễ, họ đến chúc mừng “cô em họ”. Vì không muốn để lỡ dịp nịnh hót cô thừa kế của các nhà máy ấy, Taluen đã cùng đi với hai người cháu và nói:

- Riêng tôi, thì tôi vẫn “đoán” như thế!...

Những xúc động loại ấy không có lợi cho sức khỏe ông Vunphran. Trước hôm sinh nhật, ông cảm thấy hơn mọi ngày. Ông không ho, không nghẹt thở, ăn được, ngủ ngon. Trái lại hôm sau ngày lễ, bệnh ho và cơn nghẹt thở lại tái phát! Những gì thuộc về sức khỏe khó khăn mới giành được, hình như lại mất hết! Bác sĩ Rusông được mời đến.

- Chắc ông hiểu! – Ông Vunphran nói.

- Tôi ao ước được nhìn thấy cháu nội của tôi! Ông phải chuẩn bị cho tôi nhanh chóng để chịu đựng ca phẫu thuật.

- Xin ông tĩnh dưỡng trong nhà, đừng đi ra ngoài. Trong một thời gian, ông phải theo chế độ ăn sữa. Hãy bình tĩnh và nói ít. Nhờ tốt trời như thế này, tôi bảo đảm với ông: bệnh ho, những cơn hồi hộp sẽ biến mất! Ca phẫu thuật sẽ được tiến hành thuận lợi để bảo đảm sự thành công.

Những dự đoán của ông Rusông được thực hiện. Sau ngày sinh nhật một tháng, hai ông thầy thuôc từ Paris được mời về, đều chứng nhận sức khỏe của ông Vunphran khá tốt, để mổ mắt. Người ta muốn cho thuốc mê, ông phản đối không chọi và nói:

- Không cần, nhưng tôi yêu cầu cháu nội tôi có đủ can đảm để cầm tay tôi! Bác sĩ sẽ thấy cái đó làm cho tôi thêm vững chắc. Có đau lắm không?

- Cocain sẽ làm giảm bớt đau đớn!

Ca phẫu thuật tiến hành xong. Năm, sáu hôm sau mắt ông vẫn dán băng. Đối với hai ông cháu, những ngày chờ đợi sao mà dài thế! Tuy một ông thầy thuốc khoa mắt, ở lại trong tòa lâu đài để tự tay tháo băng cho ông, đã khẳng định là thuận lợi, nhưng ông ấy đâu phải là tất cả! Nếu ông Vunphran bị viêm phổi lại thì sao? Một cơn ho, một cái hỷ mũi có thể làm hỏng tất cả. Một lần nữa, Perin lại cảm thấy những lo lắng đã đè nặng trên người em trong những lần cha, mẹ em lâm bệnh. Có phải em được gặp ông nội để rồi mất ông? Rồi một lần nữa, em lại bơ vơ, trơ trọi trên đời này hay sao? Thời gian trôi qua. Trong một gian phòng đóng kín cửa chớp, kéo mèn che, ông Vunphran được phép sử dụng đôi mắt đã mổ.

- A, nếu ông có đôi mắt sáng! – Ông Vunphran reo lên, - sau khi nhìn thấy Perin, chắc là ngay khi mời gặp ông đã nhận ra con rồi! Con giống bố con quá! Thế mà ở đây, chúng nó ngu ngốc, không nhận ra được!

Người ta không để cho ông kéo dài những lời thổ lộ chân tình đó. Phải tránh xúc động không để ông hồi hộp rồi lo.

- Hượm đã!

Ngày thứ mười lăm, người ta thay cái băng bịt chặt mắt có nhiều lớp bằng một dải buông thõng. Ngày thứ hai mươi, không phải thay băng nữa. Đến ngày thứ ba lăm ông thầy thuốc khoa mắt về Paris, nay trở lại đã quyết định cho ông Vunphran đeo số kính viễn thị nào để đọc sách và nhìn thấy từ xa. Có lẽ công việc sẽ tiến hành nhanh đối với một người bệnh bình thường. Với ông Vunphran giàu có, người ta dại gì mà không săn sóc ông thận trọng và đi lui, đi tới nhiều lần!

Cái mà ông Vunphran ao ước, bây giờ đã được nhìn thấy cô cháu nội của ông, được đi thăm những công trình của ông. Nhưng cái đó đòi hỏi những dự phòng mới và bắt buộc ông lại phải chờ đợi. Ông Vunphran không muốn ngồi trong chiếc xe hòm sang trọng, đóng kín các cửa kính. Ông muốn dùng cỗ xe ngựa trần bốn bánh cũ kĩ của ông để Perin cầm dây cương điều khiển. Ông sẽ xuất hiện trước mọi người với cô cháu nội của ông. Vì thế, phải chọn một ngày không nắng, không rét và không có gió.

Thế rồi cái ngày như ý muốn ấy đã đến. Một ngày dịu dàng với một bầu trời xanh nhạt như người ta thường gặp ở xứ này. Sau bữa ăn sáng, Perin bảo Bátxchiêng cho thắng Côcô vào cỗ xe trần.

- Có ngay! Thưa cô!

Cái giọng nói của câu trả lời và nụ cười Bátxchiêng làm em ngạc nhiên nhưng em chẳng chú ý. Em đang bận mặc áo quần cho ông nội, để tránh cho ông khỏi rét, khỏi nóng. Lát sau, Bátxchiêng trở lại báo có xe. Hai ông cháu đi đến tam cấp, Perin không rời mắt khỏi ông nội, em bây giờ đang đi một mình và đã đến bậc cuối. Tiếng kêu dữ dội của một con lừa làm Perin quay đầu lại:

- Có thể như thế được chăng?

Một con lừa được thắng vào cỗ xe trần. Con lừa ấy giống Palica nhưng là Palica có bộ lông được chải bóng, các móng sáng ngời. Nó khoác một bộ yên cương đẹp, màu vàng với những mao ngựa màu xanh da trời. Con lừa vẫn tiếp tục kêu, vươn cổ về phía trước. Nó muốn đến với Perin, nhưng chú tiểu đồng giữ nó lại.

- Palica!

Rồi em nhảy lên trên đầu nó và ôm hôn nó.

- Ôi! Ông nội ơi! Thật là một bất ngờ thú vị!

- Không phải nhờ ông mà cháu có được! Niềm vui này là nhờ Phabry đấy! Anh ta hỏi La Rucơri để mua lại nó. Nhân viên các văn phòng muốn tặng món quà này cho cô bạn cũ của họ!

- Ông Phabry thật là tốt bụng!

- Đúng vậy! Đúng vậy! Anh ta có một ý kiến mà hai ông anh chú bác của con không thể có được! Ông cũng đã có ý kiến của ông. Ông đã đặt mua ở Paris một chiếc xe xinh đẹp cho Palica. Vài hôm nữa, xe sẽ đến, Palica kéo chiếc xe ấy vì cỗ xe mui trần không phải để cho nó kéo.

Họ lên xe, Perin cầm cương.

- Chúng ta bắt đầu từ đâu đây, hở ông nội?

- Từ đâu ư? Từ lều cỏ vậy! Con không nghĩ là ông muốn nhìn thấy cái tổ con đã sống và từ nơi đó, con đi ra sao?

Với cái đống lộn xộn cây cỏ của rừng hoang, lều cỏ vẫn y như năm ngoái khi Perin đi khỏi. Không ai sờ mó vào đấy. Thời gian cũng tôn trọng nó. Chỉ làm tăng thêm tính chất hoang dã của nó.

- Thật là kỳ lạ! Ông Vunphran nói.

- Chỉ cách hai bước một trung tâm thợ thuyền, giữa nền văn minh, con lại có thể sống ở đó một cuộc đời hoang dã!

- Ở Ấn Độ, giữa cuộc sống hoang dã, chúng con có tất cả. Ở đây trong cuộc sống văn minh, con không có quyền được hưởng gì hết. Con đã nhiều lần nghĩ như thế.

Sau lều cỏ, ông Vunphran muốn cuộc thăm viếng đầu tiên của ông dành cho nhà trẻ ở Marôcua.

Ông tưởng là đã biết đường đến đó vì đã nhiều lần tranh luận và duyệt những kế hoạch với ông Phabry. Nhưng khi ông đứng trước cổng và liếc mắt nhìn các phòng, trong phòng ngủ, bọn trẻ mặc may ô đang nằm trong những chiếc nôi hồng hay xanh da trời đã phân biệt bé trai và bé gái! Phòng chơi dành cho các cháu lớn, biết đi, rồi nhà bếp, nhà tắm. Ông Vunphran ngạc nhiên và thích thú khi nhận ra những cách bố trí khéo léo vì dùng những cánh cửa rộng, kiến trúc sư đã thực hiện cái ý tưởng khó khăn nghĩa là, làm cái nhà trẻ thật sự là một cái nhà kính. Người mẹ đứng ngoài đều thấy rõ những gì đang xảy ra ở các phòng mà chị không cần vào.

Qua phòng ngủ, họ đến phòng chơi. Các cháu bé vôi chạy đến bên Perin, đưa ra khoe những đồ chơi đang cầm trong tay: một cái kèn, cái mõ, con ngựa gỗ, con gà, con búp bê…

- Ông thấy ở đây người ta biết con. – Ông Vunphran nói.

- Biết thôi ư? – Cô Benlom cãi lại, trong khi cùng đi với hai ông cháu – hãy nói: được yêu, quý mến! Perin là người mẹ nhỏ tuổi của các cháu. Không ai biết hướng dẫn các cháu chơi hơn em!

- Cô giáo nhớ chứ, ông Vunphran đáp. – Cô đã nói tôi: “Việc sáng tạo ra những cái cần thiết cho những nhu cầu của chúng ta là một đức tính căn bản!”. Nhưng hình như còn một đức tính nữa cho những người khác! Và chính cái đó, cháu tôi đã làm! Nhưng chúng ta chỉ bắt đầu thôi! Xây dựng những nhà trẻ, những nhà ở có đủ tiện nghi, những Câu lạc bộ cho công nhân mới là a, b, c của vấn đề xã hội. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có thể đi xa hơn, sâu hơn. Không phải với những cái đó mà chúng ta giải quyết vấn đề. Chúng ta mới ở điểm xuất phát: rồi cô sẽ thấy, sẽ thấy…

Khi họ trở về phòng ngoài, một phụ nữ vừa cho con bú xong, vội vàng bế đứa bé đứng lên, đưa cho ông Vunphran và nói:

- Thưa ông Vunphran! Hãy nhìn cháu xem! Cháu xinh đấy chứ?

- Đúng! Thằng bé xinh lắm!

- Ấy, nó đúng là của ông đấy!

- Ra thế ư?

- Trước kia, tôi đã sinh ba đứa, chúng nó chết cả! Nhờ ai mà cháu này sống? Ông thấy chưa, nó đúng là của ông thôi! Cầu chúa phù hộ cho ông và cô cháu nội của ông!

Sau khi đi thăm nhà trẻ, họ đi một vòng thăm một ngôi nhà của công nhân, rồi khách sạn, nhà ăn. Câu lạc bộ. Rời Marôcua, họ đến Xanh Pipô, Phơxen, Bacua, Hécchơ, Palica vui vẻ, tự hào được cô chủ nhỏ cầm cương, đi nước kiệu trên đường cái. Bàn tay của Perin dịu dàng hơn bàn tay La Rucơri. Cô chủ nhỏ của nó khi nào sắp lên xe cũng hôn nó. Nó đáp lại cái cử chỉ âu yếm ấy bằng những cái vẫy tai rất có nghĩa với những ai hiểu được!

Trong các thôn kể trên nhiều ngôi nhà được xây dựng nhưng hẳn là không hoàn thành trước ngôi nhà ở Marôcua. Tuy nhiên, người ta cũng có thể xác định được thời gian hoàn thành.

Ngày hôm sau, ông cháu họ đã sử dụng đầy đủ. Gần tối, họ cho xe thủng thẳng trở về. Khi đi từ ngọn đồi này qua ngoạn đồi khác, họ ở trên cao của vùng. Khắp mọi nơi, những nóc nhà mới mọc lên chung quanh những ống khói cao đang khạc những cơn lốc khói. Ông Vunphran đưa cánh tay ra và nói:

- Đây là công trình của con! Đó là những sáng tạo! Ông không có thì giờ để suy nghĩ tới vì bị cơn sốt các công việc lôi cuốn. Nhưng để cho nó tồn tại và phát triển con phải có một người chồng xứng đáng với con. Chú ấy sẽ làm việc cho chúng ta và mọi người. Chúng ta không đòi hỏi ở chú ấy điều gì khác. Và ông nghĩ chúng ta có thể gặp con người tốt bụng mà chúng ta cần! Rồi chúng ta sẽ sống hạnh phúc… trong gia đình.

 

HẾT