Mô hình khoa học cận đại nhìn nhận một thế giới thống nhất nhưng vẫn giữ vững yêu sách của mô hình cổ đại về tính chân lý của khoa học ( Chân tướng của… chị Hằng). Muốn thế, phải có một cơ sở nhận thức thật vững vàng cho thấy mọi phát biểu đúng đắn của khoa học đều thuộc về cơ sở ấy hoặc đều được suy ra từ nó.
Vấn đề gay go là: cơ sở ấy là gì? Có ba con đường biện minh thì rút cục đều dẫn đến ngõ cụt, làm sụp đổ cả một mô hình đầy hứa hẹn!
Con đường duy lý: từ “người độc thân” đến “tôi tư duy...”
Các nhà duy lý tin rằng lý tính con người có cấu trúc giống với cấu trúc của thực tại. Do đó, cơ sở của mọi nhận thức là ở trong các phán đoán của lý tính chứ không ở đâu khác cả. Tất nhiên ta vẫn có vô số những phán đoán đến từ tri giác và kinh nghiệm, nhưng chúng chỉ có giá trị tạm thời, mang tính giả thiết chứ không thuộc về phần khoa học đích thực. Cơ sở của khoa học đích thực phải phổ quát, tất yếu, và vì thế phải có trước và độc lập với kinh nghiệm, nên gọi là “tiên nghiệm”. Một khoa học phổ quát, tiên nghiệm như thế ắt phải đi liền với một phương pháp phù hợp. Trong tình hình bấy giờ, phương pháp ấy chỉ có thể là toán học với hình thái tiêu biểu của nó là hình học. Không ngạc nhiên khi hầu hết những công trình triết học vĩ đại của thời cận đại từ Spinoza đến Kant đều được biên soạn bằng cách mô phỏng theo phương pháp hình học (more geometrico) với các bước quen thuộc, chẳng hạn: tiên đề, định nghĩa, định lý, chứng minh, hệ luận v.v.
Vấn đề khó khăn nhất của mô hình duy lý là trình bày cơ sở tiên nghiệm ấy một cách cụ thể và thuần tuý, nghĩa là đảm bảo rằng nó quả thật không bị pha trộn với kinh nghiệm nhất thời. Cách cực đoan nhất là cho rằng chỉ những phát biểu nào tuyệt nhiên không cần tham khảo kinh nghiệm mà chỉ cần dùng đầu óc để suy xét thì mới là chân lý đích thực. “Tam giác có ba góc”, “người độc thân là người không lập gia đình”... là thuộc loại ấy! Tôi không cần biết anh A hay chị B cụ thể nào hết, mà chỉ cần phân tích logic những gì chứa đựng sẵn trong chữ “độc thân” là đủ. Tất nhiên, không ai cấm anh A hay chị B lập gia đình cả. Chỉ có điều, nếu vậy sẽ không còn là người độc thân nữa! Sự đúng đắn của phán đoán phân tích, tiên nghiệm như thế tuy không thể nghi ngờ, nhưng nghèo nàn quá, vì nó chỉ giải thích chứ không mở rộng kiến thức và không cho phép suy ra những phát biểu có tính tổng hợp nào về thế giới cả.
Thế là các nhà duy lý (với ông tổ là Descartes, 1596 – 1650) phải viện thêm đến các tiêu chuẩn của sự hiển nhiên: những phát biểu nào – sau khi triệt để áp dụng phương pháp hoài nghi – vẫn tỏ ra “rõ ràng” và “phân minh” thì đều được xem là những phán đoán tiên nghiệm của lý tính. “Rõ ràng” và “phân minh” là hai tiêu chuẩn khá mơ hồ, dù ta được nghe đích thân Descartes giải thích rằng: một tư tưởng “rõ ràng” là khi nội dung của nó hiện diện trực tiếp và hiển nhiên đối với đầu óc ta, còn “phân minh” là khi mọi bộ phận của định nghĩa về nó đều là những tư tưởng… rõ ràng! Câu nói nổi tiếng nhất thuộc loại ấy là: “tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”. Câu ấy quả có mở rộng kiến thức: nó bổ sung thêm điều kiện tất yếu để mọi kinh nghiệm có thể có được, đó là, mọi biểu tượng đều phải gắn liền với một chủ thể đang tồn tại. Nhưng, nếu xét kỹ, hoá ra câu nói cũng chỉ là một sự lặp thừa, tức, lại hiện nguyên hình là một phán đoán phân tích: không có nhận thức nào mà không có người nhận thức, không có tư duy nào mà không có người đang tư duy, chẳng khác với định nghĩa về “người độc thân” là mấy. Nó khác xa với phán đoán tổng hợp thường nghiệm: “có chớp và có sấm”!
Con đường duy nghiệm
Khi triết học buộc phải từ bỏ tham vọng là khoa học về thực tại (theo con đường duy lý) thì bản thân khoa học về thực tại (con đường duy nghiệm) cũng không biện minh được cho giá trị phổ quát và tất yếu của khoa học. Mô hình khoa học cận đại sụp đổ, mở đường cho mô hình khoa học hiện đại.
Đối lập triệt để với con đường duy lý, các nhà duy nghiệm (bắt đầu từ John Locke, 1632 – 1704 và David Hume, 1711 – 1776) bác bỏ việc trùng hợp về cấu trúc giữa tư duy và thực tại. Luận điểm cơ bản: không thể chỉ dùng đầu óc đơn thuần mà có thể nhận thức được đặc tính và những định luật tự nhiên của thế giới hiện thực. Phải cần có sự quan sát, tri giác và thí nghiệm, nói ngắn: cần có sự kiểm tra của kinh nghiệm.
Luận điểm ấy dẫn đến hệ quả nghiêm trọng: cần phải giới hạn phạm vi hoạt động của triết học! Đối tượng của triết học không còn là bản thân thực tại nữa mà là những phát biểu của các khoa học riêng lẻ về thực tại. Nói cách khác, trái với tham vọng của phái duy lý, triết học sẽ không còn là “nữ hoàng” của các ngành khoa học và mang lại cơ sở vững chắc nhất cho chúng nữa, trái lại, chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra các vấn đề thuộc về logic học, nhận thức luận, khoa học luận và đạo đức học. Theo quan điểm duy nghiệm, cần phân biệt giữa các khoa học hình thức (logic học, toán học) khảo sát những phán đoán phân tích, tức những quan hệ ngữ nghĩa giữa các khái niệm và mệnh đề, với các khoa học thường nghiệm chuyên khảo sát những phán đoán tổng hợp dựa trên cơ sở nhận thức bằng kinh nghiệm.
Bên cạnh các ý kiến tỉnh táo và gây nhiều ảnh hưởng ấy, con đường duy nghiệm lại vấp phải một nhược điểm không thể vượt qua được. Giống như mô hình cổ đại không thể biện minh cho giá trị phổ quát của các tiên đề, mô hình duy nghiệm – xuất phát từ những mệnh đề tổng hợp cá biệt – khó trả lời được câu hỏi: làm sao đi từ một số lượng hữu hạn những mệnh đề cá biệt đến được dù chỉ một mệnh đề phổ quát duy nhất? Nhiều nỗ lực vô vọng để trả lời câu hỏi này đã dẫn đến sự sụp đổ của mô hình khoa học cận đại và khai mào một hình ảnh hoàn toàn mới cho khoa học thế kỷ 20.
Con đường siêu nghiệm
Thuật ngữ “siêu nghiệm” khá bí hiểm thực ra chỉ muốn nói: dù sao vẫn có một số nguyên tắc tiên nghiệm trong đầu óc đảm bảo cho sự hình thành và sự đúng đắn của kinh nghiệm thường nghiệm. Cách đặt vấn đề này của Kant (1724 – 1804) thật hấp dẫn, vì nó muốn khắc phục chỗ yếu của hai con đường duy lý lẫn duy nghiệm. Thế nhưng, một khi yêu sách truyền thống về tính chân lý tuyệt đối của khoa học đã lung lay thì chiến lược dung hoà này cũng trở nên thừa thãi, bởi nó không thể mang lại lời giải cho một vấn đề không còn tồn tại. Ta sẽ tiếp tục theo dõi cuộc khủng hoảng của mô hình khoa học cận đại và các cách khắc phục nó. (còn tiếp)
Bùi Văn Nam Sơn