Trái với quan niệm thông thường về một sự phát triển của khoa học theo đường thẳng, có tính tích luỹ dần dần và sau cùng hội tụ thành một thể thống nhất, Thomas Kuhn nhìn lịch sử khoa học như là một chuỗi những cuộc cách mạng có tính nhảy vọt.
Mô hình hai pha
Cái mới, đến một lúc nào đó, sẽ lật đổ cái cũ, chiếm lĩnh vũ đài, trở thành chuẩn mực, rồi, đến lượt nó, cũng trở thành cũ và sẽ phải nhường chỗ cho cái mới khác thay thế. Mỗi cuộc đảo lộn cơ bản như thế được gọi là sự biến đổi hệ hình. Đồng thời, đó cũng là lịch sử của những hệ hình đối lập nhau và không thể so sánh với nhau được.
Theo Kuhn, có hai giai đoạn hay hai pha trong một quá trình phát triển khoa học. Pha thứ nhất là những gì các nhà khoa học đang làm. Ông gọi là “khoa học chuẩn mực”. Khoa học chuẩn mực vận hành bên trong một khuôn khổ lý thuyết và phương pháp luận được cộng đồng khoa học chia sẻ và tán đồng (tức trong một “hệ hình”) và xem những điều bất thường hay những dữ kiện phản chứng như là những vấn đề cần giải quyết bên trong hệ hình ấy hơn là những thách thức đe doạ sự ổn định của hệ hình. Hệ hình thường “làm mưa làm gió” trong một thời, như thể đó là chân lý duy nhất không thể bác bỏ. Chẳng hạn, trong thế kỷ 19, hệ hình thống trị trong vật lý học là cơ học của Newton.
Thế rồi, khi nền “khoa học chuẩn mực” ấy đạt tới sự “trưởng thành”, sẽ đến lượt pha thứ hai tung hoành: “khoa học cách mạng”. Khoa học cách mạng diễn ra khi cộng đồng khoa học mất niềm tin vào hệ hình, bởi nó thật sự tỏ ra bất lực trước những thách thức mới, và khi lý thuyết cạnh tranh lại tỏ ra ưu việt hơn, hay ít ra, không gặp quá nhiều vấn đề nan giải như trong hệ hình cũ. Một sự biến đổi hệ hình diễn ra, mà ví dụ điển hình là bước ngoặt từ cơ học Newton sang lý thuyết của Einstein vào nửa đầu thế kỷ 20.
Tóm lại, theo cách nhìn này, khoa học phát triển theo hai giai đoạn. Nó bắt đầu với sự kiên định và kết thúc với sự khủng hoảng hay sụp đổ để chuyển sang một nhãn quan hay một hệ hình mới (Kuhn còn gọi đó là “chuyển giao sự tín nhiệm” hay “trải nghiệm về chuyển đổi”).
Có sự “biến đổi hệ hình” trong triết học?
Mô hình giải thích của Thomas Kuhn, vị giáo sư triết học và lịch sử khoa học nổi tiếng của đại học Harvard, Berkeley và MIT, được thừa nhận rộng rãi trong các ngành khoa học tự nhiên. Thử vận dụng mô hình này vào lịch sử triết học Tây phương, người ta nhận thấy có sự phù hợp khá lý thú. Một “hệ hình” triết học có thể kéo dài nhiều thế kỷ, thậm chí hàng ngàn năm, được xác định từ bốn đặc điểm chính yếu: phạm vi nghiên cứu, đối tượng trung tâm được nghiên cứu trong phạm vi ấy, khởi điểm của sự quan tâm và, sau cùng, câu hỏi xuất phát để từ đó triển khai hệ hình. Căn cứ vào bốn đặc điểm ấy, lịch sử lâu dài của triết học Tây phương được Herbert Schnädelbach quy thành ba hệ hình chủ yếu như là ba cuộc đại cách mạng trong tư duy triết học, theo sơ đồ khái quát sau:
Không chỉ trong chính trị mà cả trong sự phát triển khoa học, cảm nhận về sự bất lực đang có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng chính là tiền đề cho một cuộc cách mạng Thomas Kuhn (1922 – 1996)
Bước sang thế kỷ 21, chưa ai có thể đoán biết được liệu trong các thập niên đầu tiên này có xảy ra một cuộc “biến đổi hệ hình” lần thứ tư trong tư duy triết học hay không. Sự thức tỉnh trước khủng hoảng toàn diện về chất lượng cuộc sống trên phạm vi toàn cầu (từ môi sinh đến kinh tế, từ chính trị, xã hội đến văn hoá…) đang kêu đòi triết học “mang trời xuống trồng dưới đất”. Lĩnh vực đời sống thực hành với đối tượng trung tâm là con người và văn hoá trước câu hỏi xuất phát: “Tôi sống như thế nào” phải chăng đang là những mầm mống cho một sự biến đổi tư duy? Ta nhớ đến nhận định nổi tiếng của Hegel 200 năm trước, rất gần gũi với cách nhìn của Thomas Kuhn ngày nay: “Sự rung chuyển dẫn đến sự sụp đổ chỉ được báo hiệu bằng những triệu chứng riêng lẻ đây đó. Sự thờ ơ và nhàm chán lan tràn trong trật tự hiện tồn, dự cảm mơ hồ về một cái gì chưa được biết đến đều là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy một cái gì khác đang đến gần. Sự đổ vỡ dần dần – lúc đầu chưa làm biến dạng tướng trạng chung của cái toàn bộ – bị cắt đứt đột ngột bởi ánh bình minh mà một tia sáng chớp loé lên kiến lập ngay lập tức hình thể và cấu trúc của thế giới mới” (lời tựa cho quyển Hiện tượng học tinh thần, 1807).
Thách thức của hệ hình tư duy
Các hệ hình khác nhau thể hiện các cách nhìn khác nhau, thường khó có thể so sánh hay hợp nhất với nhau được. Theo Kuhn, đó là vì một sự biến đổi hệ hình không chỉ là sự thay đổi trong lý thuyết khoa học, trong các giả định và yêu sách mà còn trong cách hiểu và định nghĩa khác nhau về các khái niệm trung tâm trong các lý thuyết ấy. Mặt khác, con người không thể đánh giá những sự kiện một cách hoàn toàn khách quan, trái lại, luôn gắn liền với một cách nhìn nhất định nào đó, tức với lý thuyết. Nói cách khác, nhận thức của ta về thế giới mang đậm dấu ấn cách nhìn của ta về thế giới. Chính cách nhìn ấy ảnh hưởng đến sự nhìn nhận sự vật. Do đó, việc nhìn nhận sự vật của ta lúc nào cũng tưởng như đang xác nhận khung lý thuyết truyền thống được ta tin tưởng.
Từ thực tại ấy, chỉ có những cuộc cách mạng tư duy mới có thể giải thoát con người khỏi hệ hình cũ, đưa đến những lý thuyết mới và cách nhìn mới về sự vật. Không phải quá lời khi bảo rằng mọi người đều đã từng là “những nhà cách mạng”, vì những gì con người nhận thức hôm nay là kết quả của những cuộc biến đổi hệ hình trước đây. Nhưng rồi chính thói quen và sự lười biếng tư duy khiến người ta ra sức bảo vệ hệ hình vốn đã thuộc về quá khứ. Một sự biến đổi hệ hình là một tiến trình đau đớn về tinh thần, do đó, không hiếm khi việc biến đổi ấy đi liền với sự thay đổi thế hệ, bởi thế hệ trẻ chưa có “duyên nợ” quá nhiều với một hệ hình nào đó. Thật mỉa mai khi chính những lý thuyết hay ho nhất và được thử thách tốt nhất trong quá khứ lại có thể biến thành chướng ngại vật lớn nhất cho việc tiếp cận sự việc một cách mới mẻ.
(còn tiếp)
Bùi Văn Nam Sơn
Hệ hình | Bản thể học | Tâm thức học | Ngôn ngữ học |
Phạm vi | Tồn tại | Ý thức | Ngôn ngữ |
Đối tượng | Cái tồn tại | Những biểu tượng | Mệnh đề/diễn ngôn |
Khởi điểm | Sự ngạc nhiên | Sự nghi ngờ | Sự lẫn lộn |
Câu hỏi xuất phát | Là gì? | Tôi có thể biết gì? | Tôi có thể hiểu gì? |
Đại diện tiêu biểu | Platon, Aristoteles… | Descartes, Kant, Hegel… | Wittgenstein, Habermas, Apel |