Thời cận đại không chỉ là bệ phóng tự nhiên cho thời hiện đại (kể từ sau đại cách mạng Pháp) với tư cách một thời kỳ lịch sử đi trước. Về nhiều mặt, nhất là tư tưởng, văn học, nghệ thuật, thời cận đại đạt tới mức độ “kinh điển” mà thế kỷ 20, với nhiều nỗ lực cách tân, vẫn không dễ dàng vượt qua nổi.
Thật khó giải thích trọn vẹn lý do của một thành tựu văn hoá độc sáng như thế. Và đó cũng là mảnh đất màu mỡ để những nhận thức mới mẻ về con người được gieo mầm và nảy nở.
Công nghiệp hoá và văn hoá
Ít có thời đại nào giúp ta thấy rõ sự gắn bó mật thiết giữa kinh tế và văn hoá như thời cận đại. Chính thể quân chủ chuyên chế gắn liền với hình thức kinh tế trọng thương, bởi nhà nước chuyên chế tiến hành chính sách cường quốc và các quan hệ đối ngoại chủ yếu dựa vào công cụ thương mại và công nghiệp. Tiến trình công nghiệp hoá có sự thay đổi cơ bản với việc phát minh cỗ máy hơi nước đầu tiên của James Watt vào thế kỷ 18. Máy hơi nước không chỉ làm đảo lộn toàn bộ phương thức sản xuất, nhất là trong công nghiệp sắt thép, mà cả hạ tầng giao thông nhờ du nhập hệ thống tàu hoả và đường sắt, bắt đầu ở nước Anh vào năm 1825 với George Stephenson. Có thể nói, việc ra đời hệ thống đường sắt đã kết thúc giai đoạn sơ kỳ để đi vào thịnh kỳ của thời cận đại.
Barock và Rococo
Nghệ thuật cho ta thấy được sở thích của thời đại, hình ảnh con người lẫn những đặc điểm của xã hội và quan niệm về xã hội của một thời kỳ lịch sử nhất định. Sau thời Phục hưng, phong cách nghệ thuật chủ yếu của thời cận đại là Barock và Rococo, hai tên gọi được hình thành từ cuối thế kỷ 19 (1880) bởi Jacob Burkhardt, nhà lịch sử văn hoá. Phong cách Barock (1600 – 1770) gắn liền với sự lớn mạnh của nền quân chủ chuyên chế và phong trào phản – cải cách tôn giáo, nhằm biểu dương sức mạnh và uy thế của thế lực mới. Phong cách Barock xoá bỏ khoảng cách giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau như kiến trúc, điêu khắc và hội hoạ. Nó phá vỡ sự thống nhất, tĩnh tại của phong cách Phục hưng, đề cao sự phong phú và năng động của những nhịp điệu mới. Nhiều công trình kiến trúc vĩ đại đã ra đời từ phong cách ấy, mà tiêu biểu và nổi tiếng nhất là cung điện Versailles của vua Louis XIV ở kinh đô ánh sáng. Rococo (1720 – 1770) là tên gọi khác của Barock hậu kỳ, nói lên phong cách xây dựng và trang trí theo lý tưởng về cái đẹp của xã hội cung đình. Đặc trưng của nó là vượt khỏi tính đối xứng quen thuộc của phong cách Barock, ưa chuộng các loại hoa văn với những đường viền tinh vi, tươi tắn, nhưng có khi rườm rà, khoa trương. Rất nhiều những cung điện, giáo đường, đại hoa viên… theo phong cách này ở châu Âu vẫn còn được bảo tồn và thu hút khách du lịch khắp năm châu. Trước khi nhường chỗ cho phong cách cổ điển, Barock và Rococo quả đã thể hiện tư thế và tính cách mới mẻ của con người thời đại: hoành tráng và phức tạp. Bên cạnh phong cách nghệ thuật, thời đại này cũng làm bà đỡ cho sự hình thành nền nghệ thuật chuyên nghiệp và người nghệ sĩ chuyên nghiệp. Ngoài những “xưởng nghệ thuật” của cung đình và giáo hội là những cơ sở làm theo đơn đặt hàng của tư nhân.
Văn chương, âm nhạc và… truyền đơn
Nhiều trào lưu văn nghệ quan trọng nối tiếp nhau ra đời, được phân chia khái quát thành bốn thời kỳ lớn: Barock (1600 – 1720), Khai minh (1730 – 1800), Bão táp và Xung kích (1765 – 1785) và thời kỳ Cổ điển Weimar (1786 – 1805 tính theo ngày mất của F. Schiller hay đến 1830 khi J. W. Goethe qua đời).
“Vĩ đại đích thực là đi cùng với nhân dân chứ không phải đứng trên đầu họ”
Charles de Montesquieu (1689 – 1755)
Đặc biệt vào thời kỳ Khai minh, ta chứng kiến sự liên kết chặt chẽ giữa văn chương và triết học. Đại biểu quan trọng cho nền văn học Khai minh Pháp là Voltaire và Diderot. Ở Đức vào thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 là Lichtenberg, Lessing, Goethe, Schiller, Wieland, Kleist, Novalis và Herder. Thời kỳ đầu của Goethe, Schiller và Herder được gọi là thời Bão táp và Xung kích; các tác phẩm về sau của ba ông được sắp vào thời kỳ Cổ điển Weimar. Nói đến Lessing, Goethe và Schiller, ta không quên rằng cả ba còn là những kịch tác gia nổi tiếng và góp phần tích cực vào đời sống kịch nghệ và sân khấu đương thời.
Không thể không nói tới một thời kỳ văn học sôi nổi đầy tính luận chiến trước đó trong thời kỳ Cải cách và phản–cải cách tôn giáo. Nhu cầu luận chiến đã cho ra đời loại sách báo ngắn gọn, cập nhật, nổi danh với tên gọi: nền văn học truyền đơn. Hình thức văn nghệ này sẽ là vũ khí hiệu nghiệm trong các cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn của quần chúng trong đêm trước của các cuộc đại cách mạng.
Thời Barock, Rococo và Khai minh cũng là thời kỳ rực rỡ chưa từng có của nền âm nhạc cổ điển với những nhà soạn nhạc thiên tài: Heinrich Schüte, J. S. Bach, G. F. Händel, W. A. Mozart, J. Haydn và L.v. Beethoven. Kỹ thuật sáng tác, kỹ thuật biểu diễn, các hình thức đại khiêu vũ ở cung đình thúc đẩy sự ra đời của nhiều loại nhạc cụ mới mẻ và những bậc thầy trong nghề chế tạo nhạc cụ như Silbermann, Stradivari, Nicola Amati…
Triết học đỉnh cao
Các đại triết gia của thế kỷ 16 và 17 là Spinoza, Michel Montaigne, René Descartes, Leibniz, John Locke, Francis Bacon và Thomas Hobbes. Thời kỳ Khai minh sơ kỳ gắn liền với tên tuổi của Diderot, Voltaire, Montesquieu, d’Alembert và J. J. Rousseau, bắt đầu phê phán chế độ quân chủ chuyên chế. Nổi bật tiếp theo đó triết học phê phán của I. Kant. Những người đầu tiên mở đường cho triết học về lịch sử là các đại diện của chủ nghĩa duy tâm Đức sau Kant với Fichte, Schelling và Hegel. Nền triết học Anh sau J. Locke cũng có đóng góp lớn với David Hume, người có ảnh hưởng không nhỏ đến Kant. Adam Smith, sáng lập môn kinh tế chính trị học, cũng thuộc về nhóm “quần tinh” gồm những nhà đại tư tưởng sáng chói, mở đường vào thế kỷ 19 và thời hiện đại.
(còn tiếp)
Bùi Văn Nam Sơn