Trí Tuệ Đại Tống

Quyển 14 - Chương 37: Điểm yếu của quân Tống

Vương An Thạch đi vào soái trướng mà Vân Tranh từng ở, xoa xoa tay nhìn cái lều cao lớn dùng gỗ súc dựng thành, đến vỏ cây chưa tước, khe hở trét bùn, cho nên lều vô cùng vững trãi ấm áp.

Chợt thấy trên một cái cột có hàng chữ nhỏ, tới gần xem thì ra là bài thơ làm theo lối Đường thi:" Sao mai đêm trước, gió đêm qua, tây có hoạ lầu, đông quế hoa. Thân chẳng phượng xinh đôi cánh lượn, tâm còn tê đẹp một lòng hoà."

Ông ta chau mày, khi không sao lại viết thơ lên cột?

Lão phó đi tới cởi áo choàng trên người Vương An Thạch xuống, rót một chén trà nóng. Vương An Thạch cầm chén trà nhìn tuyết bay mù trời, trầm giọng hỏi: - An bài cơm nước chưa?

Thân binh đáp: - Sứ quân, đã sai người bắc bếp nấu cơm rồi.

- Cháo đặc hay cháo loãng?

- Quân lương không đủ, chỉ có thể nấu cháo loãng.

- Thêm gạo, nấu thành cháo đặc, ăn cháo loãng không đủ cầm cự với cái lạnh này, truyền lệnh nghỉ ngơi ba ngày tiếp tục lên đường.

- Sứ quân, nếu nấu cháo đặc, chúng ta chưa tới được Tây Kinh đã đoạn lương rồi.

- Không sao, Vân soái để lại lương thực cho chúng ta, sai người tới hai bên chân núi đào ra, thế nào cũng đủ.

Thân binh nghi hoặc: - Sứ quân, Vân soái có để lại lương thảo đâu.

Vương An Thạch bực mình: - Bảo ngươi đi đào thì đi đào, lắm lời làm gì?

Thân binh ra ngoài dẫn theo lưu dân cầm cuốc tới ngọn núi gần đó đào, địa hình nơi này rất lạ, hai ngọn núi không cao như giang cánh bao bọc mảnh đất ở giữa, phong thủy gọi đây là phượng sí liên sơn, nếu chôn xương cốt tổ tiên ở đây dứt khoát sẽ không lo cơm áo, đời đời phú quý.

Thêm vào hai câu thơ Vân Tranh để lại, người thông minh tuyệt đỉnh như Vương An Thạch không đoán ra y chôn lương thực ở chân núi thì chết cũng đáng đời.


Thân binh quả nhiên đào được rất nhiều lương thực ở chân núi, tuy chỉ là lúa mạch, lưu dân mừng phát cuồng, nhảy múa hò hét.

- Chuyện lớn thế này mà cũng khoe khoang sự thông minh vặt.

Vương An Thạch ăn hết bát cháo đặc, toàn thân ấm áp rồi bực bội đẩy bát cháo đi, chuẩn bị ngủ một giấc, ông ta không lo có kẻ địch, nơi Vân Tranh đi qua, đừng nói là địch, ngay cả cỏ dại cũng chẳng còn.

Sau khi bóng đêm buông xuống, tuyết rơi mỗi lúc một dày, trời nổi gió, tuyết ùn ủn luốn qua khe hở chui vào, ngọn đèn bị gió thổi lay lắt, Vương An Thạch đưa tay ra che ngọn lửa, đợi nó ổn định lại, sau đó buông tay tiếp tục viết.

“ …Vân thị hưng binh không gấp, không kiêu, không hoảng, quân chưa tới, Hồ Lỗ ngoài ba trăm dặm đã thất kinh, quá phá, ba mươi năm không nghe tiếng Hồ già, đúng là Đại tướng quân!”

Mặc dù không hề thích Vân Tranh, Vương An Thạch rất công tâm.

Lão phó mang chăn ấm đi vào, nói nhỏ: - Lão gia, nên đi ngủ rồi.

Vương An Thạch chà tay, cẩn thận thổi khô mực, đưa lão phó gấp lại cất kỹ rồi yên tâm ngủ.

Vân Tranh lại không dám ngủ, tay chống cằm đợi tin đám người Thôi Đạt bình an quay về, tuyết lớn thế này, cho dù là mục nhân đương địa cũng không dám tùy tiện rời lều của mình, ác lang cũng phải nấp sâu trong hang liếm lông chân chống đói.

Nhưng quân Tống đã triển khai hành động quân sự thì chỉ đành tiếp tục, nếu không để cho Tiêu Đả Hổ dẫn đàn bò dê kia về Tây Kinh thì hắn còn vốn liếng tiếp tục chiến đấu lâu dài.

Vân Tranh bất kể thế nào cũng phải hủy được số bò dê này.

Nói tới bản lĩnh chịu rét chịu khổ trên chiến trường thì phải nói tới người Tây Hạ, sáu bộ viễn trại sinh sống ở hoàn cảnh còn khắc nghiệt hơn cả thảo nguyên, nếu như phái kỵ binh quân Tống đi làm việc này, Vân Tranh tin, đến khi trời sáng mình chỉ tìm thấy những cột băng.

Phái kỵ binh sáu bộ viễn trại đi làm việc này, mặc dù có tổn thất nhất định, nhưng thu hoạch càng lớn.

Triệu Phu vén rèm đi vào, cũng mang theo tuyết đầy trời, Vân Tranh rùng mình một cái, không đợi hắn lên tiếng đã quát: - Xéo ra ngoài!


Mìm môi nén giận, Triệu Phu quỳ một gối xuống: - Đại soái, mạt tướng không phải tới đây cầu xin cho kỵ binh, chỉ thỉnh cầu đại soái cho mạt tướng tự dẫn binh.

Tô Tuân đi tới định kéo Triệu Phu lên, Triệu Phu cứ quỳ đó, dùng cánh tay còn lại chống mặt đất, cố chấp nhìn Vân Tranh chằm chằm.

Hắn cho rằng Vân Tranh đang cố ý tiêu hao kỵ binh của mình, cố ý làm suy yếu tầm ảnh hưởng của mình trong quân, cho nên mới phái tướng lĩnh người Hồ dẫn năm nghìn kỵ binh đi tập kích đội hậu cần của người Liêu, cho nên bất chấp quân lệnh của Vân Tranh, dứt khoát muốn cầm quân.

Vân Tranh đứng lên dùng vỏ khiếm khều ống tay áo trống không của Triệu Phu: - Khi đánh Đại Lý ngươi không chỉ mất một cánh tay mà còn hại tính mạng vô số huynh đệ, tất cả là do sự ngu xuẩn của ngươi, bệ hạ và thái tử coi cái mạng của ngươi là bảo bối, nhưng ở trong Kinh Tây quân, ngươi phải tự biết ngươi thuộc tầng cấp nào.

- Cho tới bây giờ ngươi chỉ học được một điều là lấy thân mình làm sĩ tốt, quy củ này chỉ thích hợp với chức trách của một quân hầu nắm nghìn quân tốt, nhưng bây giờ ngươi là tướng quân nắm trong tay ba vạn thiết kỵ, thống ngự một lực lượng cực kỳ quan trọng trong quân, đây đúng là trò cười.

- Kỵ binh dùng làm gì? Là thanh đao để tập kích vào chỗ yếu của kẻ địch, không dùng lúc này thì lúc nào? Chẳng lẽ ngươi muốn dùng ba vạn thiết kỵ đi quyết đấu với kỵ binh của người Liêu, để người ta dẫm nát?

- Còn về phần không để ngươi thống lĩnh người sáu bộ viễn trại, ngươi không thấy đây là câu hỏi càng ngu xuẩn hơn à? Người ta quanh năm suốt tháng sinh sống ở vùng băng tuyết, làm bạn với bò dê, thứ sinh ra trong hoàng tộc như ngươi sao so bì được với bọn họ?

- Để ngươi thống lĩnh bọn họ chỉ khiến dẫn họ vào chỗ chết! Bây giờ nghe rõ cho lão tử, xéo ra ngoài, đợi bọn họ trở về. Mẹ nó, tưởng được bệ hạ tin tưởng thì dám tới đây chất vấn quyết định của lão tử à, ngươi là thá gì chứ?

Triệu Phu mặt đỏ bừng bừng, cánh tay chống trên mặt đất cũng run rẩy, dù sao cũng một thời là người Kinh Tây quân, Tô Tuân không đành lòng, đi ra giàn hòa: - Đại soái bớt giận, Triệu tướng quân cũng là vì lo cho quốc sự.

Vân Tranh lắc đầu cười nhạt: - Hắn không lo cho quốc sự, hắn lo ta cố ý làm suy yếu kỵ binh của hắn, lo ta chuyên quyền trong quân.

- Triệu Phu đã không còn là quân nhân nữa, hắn nay mang sứ mệnh một tên chính khách, thật nực cười, lão tử vốn là người đứng đầu đại quân tây bắc, lời nói của ta ở đây là mệnh lệnh, trong quân chỉ riêng mình ta có tiếng nói là tất nhiên, chẳng lẽ ngươi muốn lệnh phải phát ra từ nhiều cửa.

- Ta ghét nhất bị đám chính khách làm bẩn Bạch Hồ đường của ta, xéo ra ngoài, hi vọng một tên chính khách vì nước mở mang bờ cõi không khác gì mong lợn nái leo cây.

Những lời lẽ hết sức cay nghiệt của Vân Tranh làm Triệu Phu mặt đỏ tía tai, mãi mới nói ra được một câu: - Mạt tướng không phải là chính khách.

Vân Tranh bật cười: - Triệu phu, ngươi tự đánh giá bản thân xem, ngươi có tư cách thống ngự một đội kỵ binh ba vạn người không? Ngươi có thấy mình đủ năng lực không?

- Thánh mệnh khó cãi, mạt tướng đã từ chối rồi.

Vân Tranh thở dài: - Nay ngươi thống lĩnh ngự lâm quân ta thấy là vừa vặn, ngự lâm quân tuy có năm vạn người, nhưng không phải dàn quân đánh trận, mà bảo vệ hoàng cung, ta thấy ngươi đủ khả năng. Cho nên khi bệ hạ hạ chỉ hỏi ta có thích hợp không, ta nói không ai thích hợp hơn ngươi.

- Nhưng thống lĩnh kỵ binh với Đại Tống ta là vấn đề, đừng nói ngươi, cho dù là ta và Địch soái cũng chưa bao giờ thống lĩnh kỵ binh quy mô lớn như vậy, ngươi nhìn xem, bất kể là Hàm Ngưu hay Lương Tập, lên trận ta chỉ có một nghìn kỵ binh, dù có phạm sai lầm cũng không tổn thất lớn, vì kinh nghiệm của người Tống ta ở chuyện này là khoảng trống.

- Thiếu niên quân được ta lập nên cũng gần mười năm rồi, khi đó ta hi vọng có một đội kỵ binh hợp cách, nhưng ngươi xem đi, Thiếu niên quân cũng chỉ thích hợp làm thám tử, kém kỵ binh chân chính một vạn tám nghìn dặm.