Trí Thông Minh Thực Dụng

Chương 21: Tăng Cường Ei Của Bạn

Bắt đầu từ đâu? “Cuộc sống, hoặc là một cuộc phiêu lưu táo bạo, hoặc không là gì cả.”

– HELLEN KELLER, TÁC GIẢ NGƯỜI MỸ BỊ MÙ, ĐIẾC VÀ CÂM –

Hãy xuất phát từ vị trí bạn đang đứng. Khi đọc cuốn sách này, có thể bạn đang có một cuộc trò chuyện với chính mình. Trong một số chương, có thể bạn đã tự nói với mình rằng, “Đây là điều mình giỏi thật sự.” Trong những chương khác, có thể bạn đã nói, “Đây là điều mình thật sự gặp rắc rối.” Những chương khác có thể đã đem lại một phản ứng trung tính hơn và bạn thấy mình nói rằng, “Mình không quá dở ở lĩnh vực này. Không xuất sắc, nhưng cũng không quá tồi.” Hãy tin vào trực giác và khả năng tự đánh giá của mình. Nếu bạn muốn có ý kiến thứ hai, hãy hỏi ai đó gần gũi với bạn, người bạn tin tưởng và sẽ nói sự thật. Bạn luôn có thể làm bài kiểm tra BarOn EQ-i. Tuy nhiên, đừng cảm thấy là bạn cần phải làm bài kiểm tra này. Trong hầu hết các trường hợp, những người tôi cho làm bài kiểm tra BarOn EQ-I đều dự đoán chính xác số điểm cao nhất và thấp nhất của họ. Tôi cá là nếu bạn đã đọc tới phần này của cuốn sách và quan tâm tới EI thì bạn đã có sự tự nhận thức tốt. Trong trường hợp đó, chắc chắn là bạn đã biết mình sẽ ghi được số điểm như thế nào trong tất cả các lĩnh vực, và bài kiểm tra BarOn EQ-I sẽ chỉ xác nhận điều bạn đã biết.

Câu hỏi khi đó sẽ là: Sẽ thế nào nếu tôi thấy mình cần được giúp đỡ trong một số lĩnh vực? Tôi phải bắt đầu từ đâu? Tôi nên làm lĩnh vực nào trước hay tôi sẽ làm ở tất cả các lĩnh vực cùng một lúc? Có phải một số lĩnh vực quan trọng hơn những lĩnh vực khác không? Có phải một số lĩnh vực là điều kiện tiên quyết để có thể thành công trong các lĩnh vực khác?

Tôi sẽ bắt đầu từ đâu?

Hãy bắt đầu từ trong rồi tiến ra ngoài. Thế giới bên trong là cơ sở phát triển của tất cả các lĩnh vực đời sống. Thành công của bạn trong tất cả các lĩnh vực khác và mức tiến bộ bạn đạt được sẽ phụ thuộc vào việc bạn hiểu rõ mình tới đâu và bạn nghĩ về bản thân mình tốt như thế nào. Khả năng tự nhận thức tốt và lòng tự trọng lành mạnh đóng vai trò tối quan trọng. Nếu bạn là một cái cây thì lòng tự trọng của bạn sẽ là rễ của cái cây đó. Đó chính là điều duy trì, nuôi dưỡng bạn và mọi thứ khác đều dựa vào đó. Có thể bạn đã từng nghe nói rằng, không ai có thể cảm thấy bạn tốt nếu bạn không thấy bản thân mình tốt. Câu nói này mới đúng làm sao. Đừng nhầm lẫn giữa lòng tự trọng lành mạnh với tính tự phụ và kiêu căng. Nhiều người trong chúng ta được nuôi dưỡng với ý tưởng rằng khiêm tốn là một phẩm chất tốt và đánh đồng cảm giác hài lòng về bản thân với tính kiêu ngạo. Nhưng kiêu ngạo là kết quả của việc cái tôi vượt ra khỏi tầm kiểm soát, và đó không phải là lòng tự trọng. Hoàn toàn ổn khi bạn cảm thấy hài lòng về bản thân – thực tế, đó là điều kiện tiên quyết để có thể có được mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống.

“Bạn là con của Chúa. Sống thu mình lại không giúp ích gì cho thế giới. Không có gì sáng sủa khi thu mình lại chỉ để những người khác không cảm thấy bất an về bạn. Chúng ta sinh ra là để vinh danh Đức Chúa.”

– NELSON ROCKERFELLER, CỰU PHÓ TỔNG THỐNG, DOANH NHÂN MỸ –

Nếu bạn đang phải cố gắng trong các lĩnh vực tự nhận thức và tự trọng, hãy tập trung vào hai lĩnh vực này và đừng lo lắng về những điều còn lại. Khi cảm thấy hài lòng về bản thân, bạn sẽ được trang bị tốt hơn để tiến hành đối với các lĩnh vực khác.

· Làm thế nào nếu thế giới bên trong của tôi ổn, nhưng tôi lại có những lĩnh vực khác cần được cải thiện? Kiểu thay đổi cá nhân chúng tôi đang nói tới xảy ra do sự tập trung và nỗ lực kiên định sau một thời gian. Với tôi, sẽ có hiệu quả hơn nếu tập trung vào một lĩnh vực và giải quyết nó liên tục. Sự nhất quán và thời gian là các nhân tố quan trọng cho sự thay đổi. Điều quan trọng là bạn phải gắn bó với điều bạn đã lựa chọn trong thời gian đủ lâu để bạn và những người khác có thể nhìn ra sự thay đổi. Thường thì mọi người, trong một khoảnh khắc nhiệt tình và tràn năng lượng, muốn thay đổi cuộc đời mình chỉ sau một đêm. Sau một thời gian ngắn, họ cảm thấy bị ngộp và không thấy bằng chứng cho thấy có sự thay đổi, vì thế họ từ bỏ toàn bộ chương trình. Đừng tự làm mình thất bại bằng cách mắc kẹt trong mong muốn thay đổi mình chỉ sau một đêm.

· Nếu thế giới bên trong của tôi có định hình tốt nhưng tôi cần phải giải quyết một số lĩnh vực khác, tôi xếp thứ tự ưu tiên chúng thế nào? Bất kỳ điều gì bạn thấy mình bị cuốn vào nhất chính là lĩnh vực tôi sẽ tập trung vào trước tiên. Có một ngoại lệ, đó là khả năng kiểm soát sự tùy hứng. Người có khả năng kiểm soát sự tùy hứng kém giống như thùng thuốc nổ di động đi tìm lửa. Nếu đó là lĩnh vực bạn cần giải quyết thì tôi sẽ tập trung vào nó trước tất cả các lĩnh vực khác. Lý do là kém kiểm soát sự tùy hứng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng bất kể bạn giỏi các lĩnh vực khác như thế nào. Nói ra những điều không đúng, vào thời điểm không thích hợp sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự nghiệp, hôn nhân và các mối quan hệ. Khi lời đã được nói ra, bạn sẽ không bao giờ có thể lấy lại được. Hãy nghĩ lại những lần lỡ lời dẫn đến việc chấm dứt sự nghiệp của những chính trị gia, diễn viên và nhân vật quyền lực nổi tiếng. Nếu đó là lĩnh vực có vấn đề, hãy hành động ngay để kiểm soát nó. Các lĩnh vực khác có thể chờ cho đến khi bạn cảm thấy lĩnh vực này đã được kiểm soát.

· Tôi nên tập trung nỗ lực của mình vào đâu, nơi làm việc hay gia đình? Bạn sẽ cảm nhận được lợi ích của việc làm tăng trí tuệ xúc cảm tại cả nơi làm việc và gia đình. Nếu bạn có thể giao tiếp tốt hơn với người bạn đời và thỏa mãn với mối quan hệ đó thì bạn sẽ thấy vui vẻ hơn tại nơi làm việc. Kỹ năng xây dựng mối quan hệ ở gia đình có thể được chuyển sang nơi làm việc. Hãy chọn lĩnh vực trong thế giới của bạn mà bạn cho là khẩn thiết nhất, biến hóa nhất. Tập trung vào lĩnh vực khiến bạn phiền muộn nhất vào thời điểm này.

· Thế còn các kết quả cao của tôi thì sao? Có phải tôi chỉ cần bỏ qua nó và tập trung vào những lĩnh vực tôi kém hơn? Đây là một câu hỏi tuyệt vời và là câu hỏi thường không được xét tới trong lĩnh vực EI. Thông thường, điều đầu tiên mọi người chú ý khi nhận kết quả của bất kỳ bài kiểm tra nào là các điểm số thấp của họ. Điều đó thật không may vì có một trường phái tâm lý đang ngày càng phát triển (đặc biệt trong lĩnh vực tâm lý tích cực) nói rằng, chúng ta sẽ trở nên tốt hơn nếu tập trung vào các thế mạnh. Cách tiếp cận thông thường là tập trung vào các lĩnh vực cần cải thiện và dành ít thời gian cho các thế mạnh.

Tác giả đi ngược trào lưu Marcus Buckingham trong cuốn sách Go Put Your Strengths to Work (Tạm dịch: Phát huy các thế mạnh) tin rằng, tại nơi làm việc chúng ta không nên dành quá nhiều thời gian và nỗ lực xem xét các điểm yếu, thay vào đó chúng ta nên tập trung và nâng cao các thế mạnh. Buckingham đưa ra lý thuyết, vì các thế mạnh là điều chúng ta thích làm, nên chúng ta sẽ gặt hái được nhiều hơn khi tập trung vào chúng và tìm kiếm tình huống sử dụng các thế mạnh đó. Mặt khác, ông nói rằng, chúng ta sẽ khó tiến bộ ở các lĩnh vực chúng ta yếu kém - vì thiếu động lực để thay đổi những yếu kém đó - và chúng ta sẽ luôn cảm thấy căng thẳng khi phải cố gắng như vậy.

Ví dụ, lĩnh vực EI mạnh nhất của tôi là tính độc lập. Điều này giải thích vì sao tôi đã rất cố gắng khi ở vị trí công chức, trong đó có hàng lớp lớp quan chức đưa quyết định và rất ít không gian cho sự đổi mới, sáng tạo. Để có cuộc sống hiệu quả, năng suất và hạnh phúc, tôi nên làm trong lĩnh vực có nhiều sự độc lập, khả năng đổi mới, thử các ý tưởng mới nảy ra trong đầu.

Nhận biết được các thể mạnh sẽ giúp chúng ta đưa ra những quyết định tốt hơn đối với hướng đi nghề nghiệp và các mối quan hệ cá nhân. Một cách tự nhiên, chúng ta sẽ hướng tới các lĩnh vực chúng ta có nhiều thế mạnh nhất. Với các bài tập trong cuốn sách này, chúng tôi có thể làm tăng điểm số của bạn và giúp bạn đạt tới cấp độ thậm chí còn cao hơn trong lĩnh vực bạn đã có thế mạnh sẵn. Nếu chúng ta may mắn có thế mạnh trong tất cả các lĩnh vực thì chúng ta có thể chọn lĩnh vực mong muốn để đi tới cấp độ tiếp theo. Cuộc sống sẽ trở thành niềm vui và một cuộc phiêu lưu bất tận mà chúng ta có thể dấn thân vào. Điều hào hứng là tất cả chúng ta đều có thể tăng EI của mình tới mức đó nếu chúng ta quyết tâm làm vậy.

Cách suy nghĩ có vai trò tối quan trọng đối với thành công của chúng ta

Một trong những điều tôi làm là in ra các điểm mạnh của mình và treo chúng trên bức tường, nơi tôi có thể trông thấy. Trên đó là những điều kiểu như thế này: TÔI ĐÃ RẤT ĐỘC LẬP VÀ LÀ MỘT NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TUYỆT VỜI. Trên một mảnh giấy khác tôi viết: TÔI SẼ NHANH CHÓNG CÓ ĐƯỢC KHẢ NĂNG KIỂM SOÁT TÍNH TÙY HỨNG TỐT HƠN VÀ TRỞ NÊN LINH HOẠT HƠN. Những tờ giấy này nhắc tôi nhớ tới các điểm mạnh của mình và những lĩnh vực mà tôi đang cố gắng khắc phục. Lưu ý rằng tôi không diễn đạt rằng mình yếu kém trong việc kiểm soát cơn tùy hứng và không linh hoạt. Đó sẽ là một tuyên bố tiêu cực. Tôi biến nó trở nên tích cực bằng cách nói rằng tôi đang trở nên giỏi hơn trong những lĩnh vực này. Cách chúng ta nghĩ về bản thân mình có vai trò tối quan trọng đối với thành công của chúng ta. Có thể tưởng tượng hoặc hình dung chúng ta sẽ như thế nào khi đạt được một kỹ năng hoặc trở thành một kiểu người nào đó có một sức mạnh không thể tin nổi.

“Cho dù bạn nghĩ là bạn có thể hay bạn nghĩ là bạn không thể, thì điều đó luôn đúng.”

– HENRY FORD,NHÀ CÔNG NGHIỆP TIÊN PHONG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP Ô TÔ MỸ –

Khi nhìn vào những lĩnh vực đời sống cần được cải thiện, điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải nhìn vào những lĩnh vực này với vai trò là những chỉ thị tạm thời cho thấy chúng ta đang ở đâu trong hiện tại. Bước tiếp theo là hình dung ra chúng ta đạt được những cải thiện vô cùng to lớn trong những lĩnh vực đó. Hãy hình dung ra những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân khi chúng ta trở nên hạnh phúc hơn, lạc quan hơn, và cải thiện trong bất kỳ lĩnh vực nào chúng ta cố gắng. Cuối cùng, chúng ta cần đưa ra các bài tập cải thiện cơ bản và kế hoạch biến những bài tâp này thành hành động và tiếp tục thực hiện trong một khoảng thời gian kéo dài. Qua thời gian, những bài tập này có thể trở nên cô đọng và thú vị đến mức chúng trở thành một phần trong chúng ta. Câu chuyện của Allen là một ví dụ hay.

Câu chuyện của Allen

Allen lớn lên là một cậu bé nhút nhát, hướng nội và không có nhiều bạn. Ở trường cấp ba, cậu không nằm trong số những đứa trẻ được yêu mến và chỉ chơi với một vài bạn cùng lớp cũng nhút nhát như cậu. Không ai trong nhóm của cậu hẹn hò. Chúng luôn ghen tỵ với những đứa có thể dễ dàng nói chuyện và pha trò với bọn con gái. Cậu trông không xấu trai, cũng có nhiều bạn gái quan tâm tới cậu nhưng bọn chúng nhanh chóng từ bỏ vì vẻ nhút nhát của Allen khiến cậu có vẻ không hào hứng.

Nếu ai biết Allen sẽ nhận ra là cậu có khiếu hài hước tuyệt vời, sáng sủa, có tài ăn nói và nhạy cảm. Vấn đề là rất khó để làm quen với cậu và hầu hết mọi người đều không cố gắng hết sức để làm điều đó. Mãi cho đến thời kỳ trưởng thành, Allen mới quyết định rằng mình cần làm điều gì đó để thay đổi cuộc đời. Tại nơi làm việc, mặc dù Allen làm rất tốt công việc của mình, nhưng anh thường xuyên không được mọi người chú ý tới vì anh không phát biểu trong các cuộc họp và bị những người chan hòa hơn làm cho lu mờ. Kết quả là, những người kém tài năng hơn và không chăm chỉ bằng anh lại được thăng tiến trước anh. Allen luôn ngưỡng mộ những người có thể bắt chuyện với những người hoàn toàn xa lạ. Anh quyết định rằng mình cũng sẽ bắt đầu làm thế. Lúc đầu anh cảm thấy rất lúng túng, thậm chí còn cảm thấy đau đớn, nhưng anh đã đặt ra mục tiêu phải bắt chuyện một vài lần với những người lạ. Năm năm sau, Allen đã thay đổi. Anh vẫn bắt chuyện với người lạ, nhưng giờ đây anh không làm nó vì sự thách thức hay để tự cải thiện bản thân nữa mà anh đã thật sự thích làm thế. Giờ đây, khi đã tự tin và thoải mái hơn, Allen thấy mình phát biểu nhiều hơn trong tất cả các lĩnh vực, kể cả tại nơi làm việc và các dịp sinh hoạt xã hội. Tại nơi làm việc, anh đã được thăng tiến vì giờ đây anh hiếm khi rời một cuộc họp mà không nói ra những điều anh muốn nói. Trước đây anh rất sợ các bữa tiệc và kết cục bao giờ sẽ là ngồi trong một góc và đứng quanh quẩn ở rìa các nhóm tụ tập nghe lỏm các câu chuyện của họ. Allen giờ đây mong chờ các bữa tiệc, anh đã gặp gỡ và hẹn hò với một số phụ nữ anh gặp ở các bữa tiệc đó. Lời khuyên của Allen dành cho những người nhút nhát là “Hãy bước ra ngoài và hành động! Lúc đầu thì khó nhưng sẽ dễ dần theo thời gian và bạn sẽ thật sự thấy thích cuộc sống của mình. Cuộc sống quá ngắn ngủi và quý báu để chúng ta chỉ ngồi quanh quẩn bên ngoài và nhìn vào trong.”

Allen có động lực để thay đổi cuộc sống và hình dung cuộc sống sẽ thế nào. Hai yếu tố quan trọng đó dẫn đến thành công mà giờ đây anh hoàn toàn yêu thích.


Sức mạnh của lòng biết ơn

Hầu như tất cả những cuốn sách về các thay đổi và phát triển cá nhân tôi từng đọc đều nói về tầm quan trọng của lòng biết ơn. Tôi tin rằng bồi đắp thói quen biết ơn là vô cùng cần thiết cho bất kỳ kiểu thành công nào trong đời. Bất kỳ khi nào tôi thấy mình chìm đắm trong các suy nghĩ tiêu cực, đối mặt với sự nghi ngờ, và không có những cảm giác tốt đẹp, tôi biết rằng cách nhanh nhất và dễ dàng nhất để phá bỏ những suy nghĩ này là nghĩ đến lòng biết ơn. Ngay khi tôi bắt đầu tìm kiếm và tập trung vào những điều tôi thấy biết ơn, toàn bộ cách nhìn của tôi về thế giới liền thay đổi. Tôi bắt đầu cảm thấy yên ổn ở bên trong và kết quả là các suy nghĩ của tôi trở nên tích cực hơn. Tôi tập trung vào những gì tôi muốn, thay vì những gì tôi không muốn.

Lòng biết ơn là cơ sở tốt để từ đó xây dựng tất cả những lĩnh vực EI khác. Hầu hết những người rất thành đạt, khi được phỏng vấn về thành công của mình, đều nói về lòng biết ơn là điều họ thực hành hàng ngày. Khi cảm thấy biết ơn, tự nhiên chúng ta sẽ hạnh phúc và lạc quan hơn. Khi cảm thấy căng thẳng, chúng ta hãy tự nhắc mình về tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống, điều đó sẽ gỡ bỏ chút áp lực. Người bạn Sheldon của tôi đã phải trải qua một giai đoạn vô cùng căng thẳng trong công việc mới một vài năm trước đây. Trong nhiều ngày, anh cảm thấy như mình đang làm việc trong một chiếc nồi áp suất. Người ta trông đợi anh phải học được rất nhiều điều trong một thời gian ngắn. Sheldon ly thân với người bạn đời và cùng có trách nhiệm nuôi dưỡng đứa con gái tám tuổi, Lisee. Bất kỳ khi nào áp lực công việc bắt đầu bủa vây Sheldon, anh lại tập trung vào việc mình cảm thấy biết ơn thế nào khi có được Lisee. Lúc đó, anh nhận ra rằng, ngay cả nếu viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra là anh bị mất việc thì điều thật sự có ý nghĩa với anh, Lisee, vẫn ở bên anh. Bất kỳ khi nào anh nghĩ tới Lisee, ngay lập tức anh cảm thấy được giải thoát khỏi rất nhiều căng thẳng. Điều này cho phép anh trải qua giai đoạn khó khăn ban đầu của công việc. Anh đã tiến lên để có được một sự nghiệp lâu dài và thành công với công ty của mình.

Mục đích

Mục đích của EI là giải quyết các vấn đề “làm thế nào” của cuộc sống. Nó giải quyết câu hỏi, làm thế nào để thành công hơn trong công việc và trong gia đình, để chúng ta có thể sống một cuộc đời viên mãn và đáng sống hơn. Nó không giải quyết câu hỏi vì sao, câu hỏi mang tính cơ bản hơn. Trước khi có thể nói về cách làm thế nào chúng ta có thể sống tốt hơn, chúng ta cần có một lý do thuyết phục để làm điều đó. Chúng ta cần phải có mục đích. Trả lời câu hỏi về mục đích chúng ta có mặt trên trái đất này vẫn là vấn đề cốt lõi của rất nhiều cuộc tranh luận giữa các triết gia, các nhóm tôn giáo và các nhà tư tưởng kể từ thời kỳ sơ khai trong lịch sử loài người.

Theo một số triết gia, có mục đích là cốt lõi của tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc đời con người. Hành trình tìm kiếm ý nghĩa của loài người, theo chuyên gia tâm thần học, tác giả và người sống sót thoát khỏi trại tập trung nổi tiếng Victor Frankl, chính là động lực chính trong đời. Helen Keller cảm thấy rằng hạnh phúc đến từ “sự trung thành theo đuổi một mục tiêu đáng giá.” Đạt Lai Lạt Ma kết nối mục đích và hạnh phúc với nhau, trong đó ông cảm thấy rằng mục đích của cuộc sống là theo đuổi hạnh phúc. Điều này đưa ra một cách tiếp cận khái niệm mục đích trực tiếp hơn so với các học thuyết khác, nó cho rằng, mục đích của chúng ta là giúp những người khác và biến hành tinh của chúng ta thành một nơi tốt đẹp hơn, và điều đó sẽ dẫn tới hạnh phúc. Điều gì đến trước có lẽ sẽ vẫn là câu hỏi mà các nhà văn và các nhà tư tưởng sẽ còn tranh cãi mãi mãi. Tuy nhiên, luôn có một mối liên hệ mạnh mẽ giữa lòng vị tha và hạnh phúc.

Có hai niềm tin cơ bản liên quan tới việc chúng ta tự chọn mục đích cho mình, hay mục đích đó là do một đấng siêu nhiên lựa chọn cho chúng ta. Một mặt, chúng ta tin là mục đích sống do Chúa Trời lựa chọn cho chúng ta. Mặt khác, có các quan điểm khoa học cho rằng không có sẵn mục đích và tùy thuộc vào từng cá nhân, mà người đó phải tự tìm mục đích
cho mình.

Giúp bạn tìm ra mục đích của mình, hoặc tham gia vào cuộc tranh luận về mục đích sống dưới bất kỳ hình thức nào, đều nằm ngoài khuôn khổ của cuốn sách này. Điều quan trọng là bạn phải tìm ra mục đích sống cho mình vì nó tạo ra nền tảng cho mọi thứ bạn nghĩ, bạn cảm thấy, và bạn làm. Tôi tin rằng công cụ và kỹ thuật trong cuốn sách này sẽ giúp bạn đạt đến khả năng và đạt được mục đích của bạn, cho dù mục đích đó là gì.