Trên sông tình thương

Trên sông tình thương

Lúc ấy vào khoảng 23 giờ. Linh vừa chợp mắt thiu thiu ngủ. Bỗng giật mình thức giấc. Anh ngạc nhiên thấy Bồn cầm tay mình lay mạnh và hổn hển nói:

- Thầy dậy gấp thầy!

Hoảng hồn, Linh hỏi:

- Việc gì đấy Bồn?

Bồn run rẩy:

- Họ, họ... định... bắt... thầy!

Linh không còn can đảm gặng hỏi Bồn tại sao "họ" bắt minh. Trống ngực anh đánh thình thịch. Như cái máy, Linh vùng dậy xỏ giầy, mặc vội quần áo rồi theo Bồn ra khỏi ngõ.

- Thầy đừng lo thầy ơi!

- Đi đâu bây giờ?

- Mẫn nó neo xuồng đợi thầy ở gần nhà thằng Phụ. Hãy ra sông đã thầy ạ!

Hai thầy trò lặng lẽ rảo bước. Tiếng chó sủa râm ran phá tan sự u tịch của thôn Tân-Huề khiến Linh bối rối vô cùng. Con đường mòn cơ hồ dài vô tận, Linh ngoảnh lại đằng sau. Vắng vẻ. Nhưng anh có cảm tưởng như người ta đang đuổi mình. Bồn níu chặt tay Linh, lôi anh đi thoăn thoắt.

Lát sau, hai thầy trò đã đến chỗ xuồng đậu. Bồn thổi sáo hiệu. Dưới những lùm cây rậm rạp, âm u cạnh con lạch nhỏ, chiếc xuồng gỗ chèo sát vào bờ, tiếng người vọng hỏi:

- Thầy đâu?

- Đây mày trải cỏ chưa?

- Chưa.

- Thôi để tao kiếm sau.

- Em đi với thầy nữa nhé!

- Không được. Mày phải về nhà. Ai hỏi thì nói thầy ngủ nhà thằng Hai, còn tao thì đi kéo bò nghe! Tao ráng chở thầy xuống chợ Vàm.

Mẫn nhảy tót lên bờ. Nỏ đứng ngây người nhìn Linh, muốn nói điều gì mà còn rụt rè chưa dám. Trong bóng đêm mờ nhạt ánh trăng, Linh thấy hai con mắt thằng học trò nhà quê long lanh, chớp liên hồi. Rồi nó đưa tay dụi lia lịa. Mẫn năn nỉ:

- Thầy cho em theo...

Tiếng chỏ sủa nghe gần hơn. Bồn đẩy em, trách móc:

- Về đi mày, bộ mày muốn thầy bị bắt hở thằng quỷ? Về ngay, nhớ lời tao dặn đa!

Mẫn ôm chầm thầy Linh, sụt sùi. Linh xoa đầu Mẫn an ủi:

- Thầy trò mình còn gặp nhau mà...

Bồn sợ em quyến luyến có hại cho thầy, nó bứt tay Mẫn, dắt Linh xuống xuồng. Mẫn vời trông cho đến khi chiếc xuồng gỗ bơi khuất vào rặng cây âm u nó mới căm co chạy.

Chẳng mấy lúc xuồng đã tách khỏi những bụi cây tràm. Con lạch nhỏ dẫn ra sông Tiền-Giang đặc khịt bèo Nhật-Bản. Bồn vừa rẽ bèo lấy lối bơi vừa đẩy mạnh bê chèo. Bỗng rưng, chó ở trong thôn thi nhau sủa. Mồ hôi toát ướt cả trán, Linh ngồi im lặng, hai tay nắm chặt lấy thành xuồng.

Bồn cũng im lặng. Nó vẫn kiên nhẫn rẽ lối. Tới gần sông, con lạch hết bèo. Gió thổi vi vút. Chiếc áo mỏng làm Linh rét run. Anh toan bảo Bồn chèo gấp thì văng vẳng có tiếng người đưa lại. Linh vụt đứng dậy. Chiếc xuồng mất thăng bằng, chòng chành. Bồn hỏi:

- Gì thế thầy?

- Có người trên sông.

- Thầy đừng lo thầy ơi! Ghe chài đấy mà.

- Tôi sợ lắm.

- Ghe chài thì sợ gì?

- Sao ghe chài về sớm thế?

- Họ thường về sớm mà thầy.

Tiếng cười nói mỗi lúc một gần. Linh cứ ngỡ họ đón đường mình. Cuống quít, Linh bắt Bồn cho xuồng lách qua lớp cỏ dài vào một cái vũng. Xuồng lướt cỏ, đậu sát bờ. Bây giờ kín gió, Linh bớt lạnh nhưng lo sợ tăng gấp hai. Bồn thương thầy co ro, nó cưởi phăng chiếc ào bà ba đen quàng vào người Linh. Anh không còn tâm trí nghĩ cách từ chối, mặc kệ Bồn nhường áo.

Ngồi đối diện thầy, Bồn mình trần, phong phanh độc chiếc xà lỏn ngắn. Những bắp thịt trên thân thể nó to, tròn hứa hẹn một sự chống trả để bảo vệ thầy giáo yếu đuối của nó. Nó không biết rét song nó biết thầy nó rét, rét lắm. Bồn lẩm bẩm rủa em. Phải chi thằng Mẫn chịu vơ khô trải kín khoang xuồng thì thầy nó có thể nằm nghỉ lưng cho đở mệt. Nó còn hy vọng thầy nó chợp mắt được vài ba phút.

Xuồng đã núp kín. Linh vẫn phấp phỏng. Tiếng mái chèo khua nước rõ ràng. Những người thợ chài đột nhiên thôi nói chuyện. Linh thở dồn dập. Anh đưa mắt cầu cứu Bồn. Nó nhìn anh. Đau khổ. Bồn đứng thẳng trên mũi xuồng. Bóng dáng nó hiên ngang từa tựa người đô vật trước giờ giao đấu. Nó ngồi thụp xuống, nói nhỏ:

- Thầy đừng lo thầy ơi!

Giọng nói của nó vỏn vẹn chỉ có thế. Linh không biết phải hỏi gì nữa. Anh đưa tay lên trán suy nghĩ. Bồn nói:

- Người ta không hay thầy trò mình trốn đâu thầy à! Mười hai giờ người ta mới bắt thầy. Còn một tiếng nữa, thầy trò mình thừa sức bơi khỏi miệt Tân-Quới.

- Sao Bồn rõ mười hai giờ người ta bắt tôi?

- Chúng nó báo tin.

- Ai?

- Thằng Phụ.

- "Người ta" là người nào hở Bồn?

Bồn không trả lời. Nó cắm bơi chèo xuống lạch, bước khỏi xuồng:

- Tôi đi kiếm cỏ khô nghe thầy.

Linh níu nó lại:

- Cỏ làm gì?

- Cỏ trải cho thầy nằm nghỉ...

- Thôi chả cần nằm, Bồn đi tôi lo lắm.

Bồn nhe răng cười:

- Thầy đừng lo thầy ơi! Tụi nó khỏi có bắt nổi thầy.

Nói dứt câu Bồn xăm xăm lên bờ. Chưa đầy mười phút, nó ôm một ôm cỏ khô tới xuồng, khuôn mặt nó bớt lo âu. Trải kín khoang, Bồn mời Linh nằm. Chợt nhớ điều gì. Bồn sung sướng:

- Có củ khoai lùi bếp tồi phần thầy từ hồi tối mà chưa kịp đưa thầy. Tôi bỏ trong túi áo, thầy ăn cho đở đói bụng.

Linh thủ tay vào tủi áo. Củ khoai nướng còn âm ấm. Bấy giờ Linh mới nhớ minh đang khoác áo của Bồn. Linh lại nhìn Bồn. Bồn cũng nhìn Linh. Ngượng nghịu quá nó ngẩng mặt lên trời:

- Thầy nằm đi chứ. Hết lo rồi. Thầy nằm ngủ một giấc, mở mặt là thấy mình ở chợ Vàm.

Tiếng nói của nhưng người thợ chài im bặt lúc này mới xôn xao. Họ đã bơi quá xa, không còn nghe tiếng mài chèo khua nước nữa. Linh hơi yên dạ. Anh nghe lời Bồn, nằm ngửa, quay đầu về phía trước, nhìn trời...

*

Khi mở mắt, xuồng trôi được khá xa, từ xóm làng bên sông, tiếng gà gáy sớm vọng tới te te nhọn. Bồn vẫn đều tay chèo. Không có một cử chỉ gì chứng tỏ nó mệt mỏi hay buồn ngủ. Linh đưa chân đạp khẽ đùi Bồn. Nó nhe răng cười. Linh lặng im không hỏi. Anh đặt tay lên trán ôn lại chuyện mình.

Linh xuống H.H. dạy học do sự giới thiệu của người bạn. Dạo ấy đang đói rách, nêu dù biết H.H. là xứ nổi tiếng nhiều giặc cỏ giựt người không gớm tay. Linh cũng liều. Anh dạy mỗi giờ bốn mươi đồng. Linh được ban giám đốc nhà trường cấp cho mình bằng "cử nhân". Thành thử đám học sinh nhà quê tưởng thật, kính phục anh lắm.

Qua hai tháng đầu, học trò dần dà quý mến Linh. Sự kính phục vẫn còn song nhường bớt cho sự thân mật. Bọn học trò dễ thông cảm với thầy giáo trẻ hơn. Linh đá cầu, bơi lội, đi chơi xa, ăn uống chung cùng học trò.Việc này bị ban giám đốc khiển trách. Họ quan niệm rằng thầy phải xa trò. Có thế chúng mới sợ mà học. Linh nhận thấy đám tuổi trẻ này bị lường gạt đủ thử. Ở đây người ta đem bùa yêu lạc hậu đóng khung đám học trò nhà quê trong những lũy tre già cằn cỗi, đầy sông nước cách trở. Linh thương học trò nhưng không biết làm gì. Vì ban giám đốc ra lệnh cho Linh chỉ được dậy Anh văn. Họ không bảo đảm tính mạng Linh nếu Linh đã động tới phong tục bùa yêu.

Một buổi chiều, Linh vừa bước vào lớp đệ thất thì có trò kêu mất cuốn sách Anh ngữ. Trò đó xin phép Linh ra khỏi lớp thưa ông giám đốc. Lát sau, ông giám thị già tới, đòi khám cả lớp. Linh phản đối, anh viện lẽ trong giờ dậy anh không cho khám. Vả lại trong lớp chỉ có một trò ăn cắp mà khám tất cả e làm mất danh dự của những trò thật thà. Ông giám thị bảo xưa nay vẫn khám, không đứa nào dám phàn nàn gì cả. Nhưng Linh nhất định không cho khám. Ông giám thị hằn học rút lui, khi đó anh mới gọi trò bị mất sách:

- Cam, em lấy sách của tôi mà dùng. Tôi đền em đấy.

Không đợi Cam từ chối Linh đem cuốn sách dạy của mình trao tay Cam. Rồi Linh khuyên nhủ học trò:

- Tôi mong từ nay đừng xẩy ra chuyện này nữa. Em nào trót lấy sách của trò Cam hoặc vi đùa rỡn thì bỏ tính đùa rỡn đi, hoặc vì có tính xấu thì cũng bỏ tinh xấu đi. Ăn cắp nhục lắm. Bị ông giám thị khám còn nhục hơn.

Linh nói dứt câu, anh bắt học trò học ngay để làm tiêu tan sự căng thẳng trong đầu óc chúng. Tan buổi học, ông giám thị không lên khám. Học trò lũ lượt theo Linh ra về, tới gần cổng trường, một chú nắm lấy tay Linh. Chú học trò ấy tên là Bồn. Bồn to con gấp hai Linh. Nó mặc bộ bà ba đen, nước da bánh mật, lông mày chổi xể trông đáng sợ. Khuôn mặt nó lúc đó ngây thơ đến dễ thương và dường như nó quên hẳn năm nay nó đã ngoài hai mươi. Bồn luống cuống, giọng nó lạc đi khác mọi bận.

- Thầy... thầy... sao thầy bênh chúng tôi vậy thầy?

Linh ngạc nhiên:

- Bênh gì đâu.

Bồn cúi xuống. Ngón chân cái bên phải của nó dí mạnh trên sân đất. Nó hỏi:

- Thầy không sợ trường đuổi thầy à?

Linh lắc đầu:

- Tôi làm điều chi quấy mà đuổi. Đuổi thì tôi về Sài gòn..

Bồn tròn xoe đôi mắt:

- Thật à thầy?

Rồi nó kể lể:

- Tôi không phải người làng này đâu thầy à. Tôi ở bên Tân-Huề. Đi đò máy hai phút qua con sông sau trường là tới nhà tôi. Nhờ thầy anh em chúng tôi đỡ bị khám. Ở bên này, thuở xưa họ áp bức bên tôi quá thầy à. Chủ nhật tới mời thầy sang bên tôi nghe thầy.

Linh nhận lời. Bắt đầu tự hôm đỏ, Linh gần gũi với đám học trò Tân-Huề. Chủ nhật nào anh cũng sang nhà Bồn. Gia đình Bồn nghèo mạt. Ba nó trước theo kháng chiến, giờ theo hẳn việt cộng, hoạt động tại các mật khu. Thỉnh thoảng mới lén về thăm nhà. Mẹ Bồn yếu đuối, nuôi con bằng mấy giàn trầu. Hai chị Bồn đi lấy chồng cả. Bồn có thằng em là thằng Mẫn. Mẫn học lớp đệ ngũ. Ba năm trước, nhà không đủ tiền nên Bồn ở nhà kéo bò, đạp xe lôi, cắt lúa giúp mẹ để Mẫn đi học. Năm nay mẹ nó trồng thuốc lá. Thuốc lá trúng mùa, đời sống đỡ cực. Bồn lại lo học hành. Nó hiếu học lắm, không biết xấu hổ, dù bạn đồng lớp toàn những đứa lau nhau kém nó mười mấy tuổi.

Tuy đi học, đêm đêm Bồn vẫn phải kéo bò kiếm thêm tôm cá. Bồn hay tâm sự với Linh rằng nó học được ngày nào hay ngày ấy chứ không chắc lâu la gì. Vì hai anh em cùng học, học phí khó lo đủ.

Linh cảm động trước tấm gương cần mẫn của Bồn, anh hứa cho nó tiền học trọn thời gian anh dạy ở trường bán công H.H.. Bồn sung sướng không nói nên lời. Từ đấy Bồn coi Linh như người anh lý tưởng. Bất cứ thứ gì nó kiếm được, hoặc mấy con tôm, hoặc con cá lóc, là nó đem sang biếu Linh, dặn dò dì Sáu làm cơm cho ngon.

Linh thường đem đời mình ra thí dụ đem khuyến khích anh em Bồn. Những lời Linh nói là những lời thông thường, song, đối với Bồn, nó coi là những tư tưởng cao xa. Nó còn dò hỏi xem Linh có làm cách mạng cho anh em nó theo gót.

Bồn hé mở nỗi khát vọng "cách mạng" của nó, khiến Linh băn khoăn nhiều đêm. Nỗi khát vọng của Bồn giản dị và chân thành quá. Nó tưởng làm cách mạng là có điều kiện cho nó tình thương, cho nó thấy nó không hèn, cho nó thấy nó có quyền ngẩng mặt nhìn lên không sợ hãi. Nó không hề biết nghĩ rằng, phần đông đã lấy tình thương, lấy quyền ngẩng mặt nhìn lên của nỏ để làm cách mạng. Rồi quên đi chuỗi ngày u ám, thất vọng và sầu thảm hơn xưa của nó.

Linh lại thương Bồn gấp bội. Thương Bồn bao nhiêu, anh xót xa cho niềm tin bị thui chột của mình bấy nhiêu. Niềm tin ấy, nó cũng giống niềm tin của thằng Bồn.

Năm hai mươi tuổi, chân ướt chân ráo bước vào cuộc đời. Linh thấy chung quanh anh toàn những cảnh bất công, đầy ải khiến Linh nghiến răng uất ức. Linh khát vọng cách mạng đến cháy cả tâm tư. Ngỏ ý mình với người đàn anh như Bồn từng ngỏ ỷ với Linh, người đàn anh đã dang tay rộng ôm Linh thật chặt, đón nhận lòng nhiệt thành của tuổi trẻ. Nhưng rồi Linh nhận ra chân tướng của bọn đàn anh. Toàn một lũ bịp bợm, ăn cắp, lợi dụng.

Lòng nhiệt thành cháy bỏng của Linh bị dập tắt ngầm. Niềm tin phẳng phiu của Linh bị đẽo gọt lồi lõm. Còn lại từng mảnh sần sùi cơ hội vỏ sầu riêng gai góc trong tâm hồn. Tuổi trẻ đầy rẫy tham vọng, vô tư, song dại dột không biết dề phòng, nên luôn luôn bị phỉnh phờ, lừa gạt. Linh muốn kể hết chuyện cách mạng cho Bồn nghe. Nghĩ sao, Linh nín lặng tự hứa sẽ làm Bồn quên ảo ảnh điên rồ đó.

Nhưng Bồn không quên. Nó níu chặt lấy Linh y hệt kẻ chết đuối giữa giòng vớ được khúc gỗ mục. Nỗi ước mơ của nó thật là giản dị. Như khỏi lo cơm ăn áo mặc, như học đỗ được mảnh bằng trung học phổ thông, như mỗi năm được lên Sài-gòn một lần... Thèm thì chỉ nuốt nước bọt. Hai mươi sáu năm trời, cậu thanh niên ấy chưa hề thấy ánh sáng đèn điện kinh thành ra sao. Chắc chắn, suốt đời nó, Bồn sẽ chịu đựng cảnh tối tăm, áp bức sau lũy tre già còm cõi, rồi chết đi với những giấc mơ gầy vụn không bao giờ thực hiện nổi. Sông nước cách ngăn, chẳng ai tìm đền cầy hy vọng trên mảnh vườn cằn cỗi của nó. Bồn héo hon, già nua, ngơ ngẩn đến thương hại.

Bồn ít nói về ba nó. Có lẽ nó muốn dấu diếm. Thỉnh thoảng nó mới suýt soa "qiá ba nó ở nhà" và bỏ lửng không nói tại sao ba nó bỏ đi biền biệt. Trước khi xuống đây dậy học, Linh tưởng chỉ vì cơm áo. Anh không thể ngờ rằng sự đói khát trí thức của lớp trẻ tuổi quê mùa còn thảm thiết hơn cả sự đói khát cơm áo của anh. Tự nhiên, tâm hồn Linh bình thản vô cùng. Linh yêu quê hương Bồn gấp bội. Anh muốn sống ở đây thật lâu muốn làm một ngọn nến nhỏ rói vào đầu óc anh em Bồn dăm ba tia hy vọng mới. Linh bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại, anh tự phong cho mình chút sứ mạng.

Học trò mỗi ngày một quý Linh. Chúng đòi hỏi Linh rất nhiều. Anh không từ chối điều gì, sẵn sàng đem trao chúng tất cà những thứ Linh đã học đã biết. Linh hy sinh cả những ngày chủ nhật để dậy chúng ca hái, dậy chúng đứng thẳng người trước một uy quyền giả tạo. Khi thấy học trò mình cúi rạp, mạt mày tái mét, run rảy, khúm núm chắp tay chào vị đại diện địa phương, Linh đã phải giảng đến khô họng về sự lễ phép. Những bài học của Linh đều có kết quả. Anh sung suớng lắm nhưng ban giám đốc nhà trường không hài lòng, họ yêu cầu Linh nên dạy theo đúng chương trình và đừng bao giờ nên reo rắc quan niệm sống mới. Họ nói thẳng vào mặt Linh là họ không cần học trò của họ lớn lên có tinh thần tranh đấu mà chỉ cần chúng ngoan ngoãn, dễ sai khiến như một bầy nô lệ. Linh nín thinh, suy nghĩ...

Cho đến một hôm, trong câu chuyện vui, có chú học trò, nhân kể truyện dọc ngang của tên tướng giặc cỏ nọ, đã đem hắn ra ví với sự nghiệp của vua Quang-Trung. Linh chịu không nổi, anh bộc lộ hết sự phẫn nộ của anh với bọn mị dân, đầu độc tuổi trẻ và khuyên học trò đừng tin tưởng những gì mà họ đã bị nhồi sọ bấy lâu nay.

Ngay chiều hôm đỏ, Linh được ban giám đốc dẫn tới trình diện một viên chức lớn nọ. Họ vây quanh Linh, kết tội anh xuyên tạc đường lối giáo dục thanh niên của xứ họ. Linh phân trần rằng anh không xuyên tạc, phá hoại gì cả, anh chỉ làm công việc của bất cứ người nào có tình thương đứng trước đám bạn trẻ nông thôn ngờ nghệch gần như mụ đi vì ngu dốt, vì bị tiêm nhiễm tà thuyết, bùa mê... Thoạt đầu họ át giọng Linh rồi họ phải công nhân Linh làm đúng. Nhưng họ thú thật họ không muốn con em của họ hiểu bình đẳng, dân chủ, tự do làm gì. Họ đề nghị hoặc Linh ở lại H.H. dạy học với điều kiện cấm dậy những tư tưởng mới hoặc Linh sẽ khăn gói ra đi.

Nghe họ ra lệnh, Linh thấy lòng tự ái rách nát. Màu trong cơ thể anh nóng ran, thứ máu trẻ, mạnh có khi nào sợ vi trùng bệnh tật? Linh nhận lời ra đi. Anh báo trước anh sẽ sang Tân-Huề mở lớp riêng, bất chấp mọi sự hăm dọa nào.

Linh sống chung với anh em Bồn, dạy học miễn phí. Đám học trò Tân-Huề chung nhau trả tiền cơm cho Linh. Học trò bên H.H. làm reo không chịu học thầy mới, ùn ùn bỏ trường kéo sang năn nỉ Linh xin theo học. Linh cảm động rớt nước mắt. Bên H.H. coi anh như cái gai cần phải nhổ, họ vận động đủ cách trục xuất Linh. Vô ích. Với đám học sinh thân mến, sẵn sàng đổ máu để bảo vệ thầy, Linh có quyền kiêu hãnh thách thức mọi trở ngại.

Vẫn như cũ, Linh lại dậy học trò của chàng tìm hiểu sự thật để phanh phủi những tà thuyết làm mù mắt tuổi trẻ và ngăn cản lối họ đi. Linh chỉ mong muốn học trò tìm hiểu sự thật, chỉ cần thế thôi là họ có thể lự tránh được cạm bẫy giết người giăng mắc đó đây. Nhưng Linh không được toại nguyện. Thỉnh thoảng, có đêm, vài người lạ mặt tìm tới chỗ Linh trọ bắt Linh rời khỏi Tân-Huề. Họ cũng lý luận như bên H.H. là họ không thích bọn trẻ ở đây biết sự thật.

Thái độ của bọn người này khó hiểu quá. Linh tuy ngạc nhiên, song mỗi ngày thức dậy, gặp đôi mắt của Bồn nhìn mình như cầu khẩn đừng bỏ anh em nó mà đi, anh lại vững tâm quên hẳn những lời dọa nạt.

Nếp sống đầy phấn khởi và hy vọng của thầy trò Linh cử thế trôi đi. Linh ước ao sẽ góp phần ngắn cuộc đời của mình bên cạnh cuộc đời hẩm hiu của anh em Bồn tại xóm làng hẻo lánh, xa xôi này tới ngày anh em nó không cần Linh nữa, Linh sẽ hoan hỉ giả từ. Sự ước ao chưa dài hơn hai tháng thì bỗng có đêm nay, Bồn hoảng hốt báo tin "họ" định bắt mình. Thế là Linh cắm cổ chạy theo Bồn, chẳng kịp hỏi đến nơi đến chốn xem "họ" là ai.

*

Trời sáng dần. Bồn bẻ lái. Chiếc xuồng quay ngang. Bồn chèo mạnh, lướt qua sông. Linh ngồi nhỏm dậy, vươn vai, thở một hơi dài trút cơn sợ hãi. Bồn toét miệng cười:

- Tôi đã biểu thầy đừng lo mà... Thầy có lạnh không?

- Bồn cởi trần cả đêm thì sao?

- Tôi quen rồi. Giờ này sắp có xe đò thầy à!

Khoảnh khắc, chiếc xuồng đã lướt quá giữa sông Linh hỏi:

- Bồn ơi! Ai định bắt tôi hở Bồn?

Bồn không đáp. Nỏ nhìn lên bầu trời đang cựa mình đổi ánh sáng. Thình lình, nỏ buồn rầu hỏi:

- Thầy này, thầy còn nhớ chuyện thằng Cam mất sách không?

- Còn.

- Thầy có biết đứa nào lấy không?

- Không.

Đôi mắt Bồn long lanh. Rồi đôi dòng lệ lăn tan trên đôi má bánh mật của nó. Bồn đưa tay vờ gãi trán, giọng nó chìm xuống, thống khổ:

- Tôi lấy sách của thằng Cam đấy thầy à!

- Chắc Bồn rỡn chơi rồi sợ bị la chứ gì?

- Không thầy à, tôi ăn cắp của nó. Tôi ham quyển sách ấy lắm hiềm vì không có tiền mua. Ba thằng Cam giầu, mua mấy quyển chẳng nổi. Tôi ăn cắp thầy còn thương tôi không?

Linh điềm nhiên như không có gì quan trọng:

- Chuyện ấy quên đi Bồn ạ! Ngày xưa tôi cũng thèm cái bút máy và cũng ăn cáp. Có điều không bên là bị khám, bị bắt quả tang dấu trong túi quầng rồi bị bêu nhụt và bị đuổi. Về nhà bị bố đánh, anh chị hất hủi. Chỉ có mẹ bênh thôi. Mấy tháng tôi không dám vác mặt ra phố. Tôi nhớ dạo ấy tôi mới mười ba tuổi. Mười ba thôi mà tôi đã thù hằn xã hội, chỉ vì xã hội cố chấp, hẹp hòi không chịu khoan hồng vời kẻ có tội.

Tiếng Linh. nhọn hoắt, đau nhói khiến Bồn khóc rưng rức.

- Không có thầy chắc tôi cũng như thế...

Linh lê sát gần Bồn, nắm chặt tay nó. Nước mắt Bồn rụng xuống cánh tay Linh. Nóng hổi. Vuốt nước mắt, Bồn nói vu vơ:

- Thầy à, mới mấy năm trước, giòng sông này đầy xác người. Đầu lâu Việt-Minh, đầu lâu Hòa-Hảo, đầu lâu dân lành treo toòng teng vô các khúc cây, lềnh bềnh trên sông. Nước đỏ lòm máu tanh ngắt không dám tắm rủa chứ đừng nói tới ăn uống. Thù nhau ghê quá thầy à! Tại sao lại thù nhau thầy nhỉ?

Nó nhìn Linh thương hại:

- Thầy tốt thế mà bên trường cũng thù thầy, bên tôi cũng thù thầy.

Linh vỗ vai Bồn:

- Cần gì, anh em Bồn thương tôi là đủ rồi.

- Nhưng họ lại muốn...

Bồn ngừng tỉếng, nghiến răng ken két.

-... họ muốn giết thầy!

Linh há hốc mồm kinh ngạc. Anh hỏi dồn:

- Ai, ai hở Bồn?

Bồn ngoảnh mặt về làng mình chìm đắm trong màn sương đục, rầu rầu nói:

- Thầy đừng bắt tôi nói nữa tội nghiệp tôi quá thầy ơi!

Vựa lúc uất nghẹn ấy, xuồng tiến sát vào bãi cát ven bờ. Bồn nhảy lên trước. Nó dơ tay cho Linh níu lên sau. Buộc xuồng cẩn thận, hai thầy trò dắt nhau leo qua cái dốc thoai thoải. Linh nắm chặt tay Bồn nói vài câu từ biệt. Nước mắt hai thầy trò ứa mải không ngừng. Bồn khăng khăng bắt Linh hứa sẽ về thăm anh em nó khi không còn ai tính chuyện giết Linh nữa. Linh đau đớn gật đầu.

Tiếng còi xe đò báo sắp đến. Bồn buông ôm Linh, lầm lũi bước nhanh xuống bẵi. Nó không dám ngoảnh lại. Trời chưa sáng hẳn. Chắc còn lâu. Linh hy vọng xuồng của Bồn rẽ nước về kịp bình minh.

Và ánh sáng sẽ đổ đầy quê hương nó.

Hết