Tranh Bá Thiên Hạ

Chương 727: Miệng lưỡi văn nhân

Sau cơn mưa, bầu trời như được tẩy rửa trở nên trong vắt. Khí trời như vậy, ngay cả hô hấp cũng là một sự hưởng thụ. Mây trời lơ lửng bay, giống như không có chuyện gì có thể quầy rấy tới chúng nó. Dân chúng trong thành đã tản đi, vẻ lo lắng bao phủ trên khuôn mặt bọn họ lúc trước đã không còn, sáng sủa giống như bầu trời. Bởi vì bọn họ đều biết, nếu Phương Giải đã nói, thì hắn sẽ giữ lời.

Có một số người ít khi hứa hẹn gì đó, nhưng chỉ cần mở miệng, thì sẽ không đổi ý.

Huyện lệnh huyện Thanh Sơn Ngụy Tây Đình quỳ ở cổng nha môn chờ Phương Giải. Y mặc một bộ áo vải màu trắng, dù có vẻ sạch sẽ nhưng vẫn ngửi thấy được mùi mốc meo. Hiển nhiên đã lâu không mặc qua. Tuy nhiên nhìn vết gấp trên bộ quần áo này, có thể nhìn ra được nó được cất rất cẩn thận.

Phương Giải nhìn y, chân không dừng bước:

- Theo ta tiến vào.

Ngụy Tây Đình ngẩng đầu nhìn Phương Giải, sau đó đứng dậy đi theo Phương Giải vào trong. Có lẽ do quỳ một thời gian khá dài, cho nên y đi đường hơi run.

Phương Giải tiến vào huyện nha nhưng không dừng lại ở đại sảnh, mà là tới thẳng thư phòng của Ngụy Tây Đình.

Thư phòng rất nhỏ, nhưng sạch sẽ ngăn nắp. Đặt cạnh bàn là một giá sách để đầy sách. Phương Giải phát hiện phần lớn trong đó là sách cũ. Giấy tờ và bút mực cũng đặt rất chỉnh tề trên bàn. Lúc Phương Giải ngồi xuống thì thấy giá bút được đặt ở chỗ thuận tay. Trên bàn có vệt nước mới lau qua, hiển nhiên có người mới thu thập căn phòng này.

- Đại tướng quân, thuộc hạ biết sai ở đâu rồi.

Ngụy Tây Đình hơi cúi người nói.

Phương Giải khoát tay:

- Tạm thời đặt chuyện đó sang một bên, ta có chuyện muốn hỏi ngươi.

Hắn nhìn ra ngoài cửa sổ, đám nha dịch đều đứng ở trong sân, Kiêu Kỵ Giáo vây quanh một vòng, mà đám nha dịch này đều ngóc cổ nhìn về hướng này.

- Sao không gặp tẩu phu nhân?

Phương Giải hỏi.

Ngụy Tây Đình hơi kinh ngạc, thực không ngờ Đại tướng quân lại hỏi vậy.

- Nàng ấy nói Đại tướng quân tới huyện Thanh Sơn để làm đại sự, hơn nữa thuộc hạ mang tội trong người, nàng ấy không thích hợp xuất hiện. Nếu xuất hiện, người khác sẽ cho rằng nàng ấy muốn cầu tình cho trượng phu. Nàng ấy nói nước mắt của đàn bà sẽ ảnh hưởng tới quyết đoán của Đại tướng quân, đây là hành động không khôn ngoan. Nếu bởi vì nàng ấy cầu tình mà Đại tướng quân tha cho thuộc hạ, như vậy ngày sau mọi người sẽ noi theo. Chỉ cần phạm sai lầm liền bảo nữ nhân của mình cầu tình, thì quy củ sẽ không ra quy củ.

Phương Giải không nhịn được thầm khen một tiếng. Thật hiếm thấy một người phụ nữ hiểu lý lẽ như vậy.

Rất nhiều phụ nữ không hiểu đạo lý đó, thấy nam nhân của mình phạm sai lầm liền chạy tới cầu xin. Cho dù thủ trưởng nhất thời không tiện từ chối, tha cho chồng của bọn họ, nhưng chẳng lẽ chồng của bọn họ sẽ có cơ hội về sau sao?

- Tẩu phu nhân thật cao thượng, không biết xuất thân từ đâu?

Phương Giải lại hỏi.

- Xuất thân nông hộ bình thường, không đọc qua sách, chân thô tay to, nhưng có vài phần hiền lương.

Ngụy Tây Đình thành thật trả lời.

- Tốt, tốt, tốt.

Phương Giải liên tục khen ba câu, rồi phân phó:

- Người đâu, mang mười tấm vải gấm, năm trăm lượng bạc tới nhà Ngụy Tây Đình. Nói rằng ta ban cho Tẩu phu nhân để Tẩu phu nhân mua sắm quần áo.

- Tuân lệnh!

Kiêu Kỵ Giáo canh giữ ở cửa lên tiếng, xoay người rời đi.

- Ngươi là Thất Phẩm Huyện lệnh, dựa theo lệ chế của Hắc Kỳ Quân, lương mỗi tháng mà mấy chục lượng bạc, nhưng bộ quần áo trên người này của ngươi chắc cũng phải sáu, bảy năm rồi phải không? Lần gần đây nhất ngươi mua quần áo là khi nào?

- Thuộc hạ không nhớ rõ.

Ngụy Tây Đình trả lời:

- Quần áo mà thuộc hạ hay mặc là quần áo ban cho, cho nên không cần phải mua thêm quần áo, tiền tiết kiệm được đều giao cho nội tử giữ, tương lại làm đồ cưới cho con gái. Đồ cười nhiều, tương lai con gái sống cũng thoải mái hơn.

Phương Giải ừ một tiếng:

- Ta hỏi ngươi, ta để các ngươi thi hành chính sách phân điền nhập hộ, ngươi cho rằng chính sách này như thế nào?

Bởi vì chủ đề thay đổi đột ngột, nên Ngụy Tây Đình trầm mặc một lúc lâu mới nghiêm nghị trả lời:

- Có lợi có hại…hại ở phú hộ, lợi ở dân chúng.

- Lợi lớn hay hại lớn?

Phương Giải lại hỏi.

Ngụy Tây Đình nói:

- Nhìn gần thì dân chúng vui thích, lòng người hớn hở, lợi lớn hơn hại. Nhìn xa thì thế gia phú hộ sẽ phản đối, muốn phát triển ra ngoài sẽ gặp lực cản rất lớn, hại nhiều hơn lợi.

- Nói rõ ràng hơn xem.

- Đại tướng quân, giờ nhìn lại, thi hành chính sách phân điền nhập hộ ở Bình Thương Đạo, dân chúng đều có ruộng của mình. Nếu muốn trồng nhiều hơn thì tới quan phủ thuê ruộng. Dân chúng có ruộng đất trong tay, lương thực thu được đều vào trong tay bọn họ, cho nên bọn họ tất nhiên đều vui mừng, dốc hết sức làm việc. Ở Bình Thương Đạo, nhìn kiểu gì cũng thấy đó là cái lợi lớn. Nhưng chính vì thế, lại khiến cho nhiều người ở bên ngoài Bình Thương Đạo sinh ra hận ý.

- Dân chúng ở bên ngoài Bình Thương Đạo nghe nói chính sách của Đại tướng quân, đều hâm mộ dân chúng Bình Thương Đạo. Nhưng tất cả thế gia đại hộ đều coi Đại tướng quân như giặc cướp, không tiếc mọi giá muốn ngăn cản. Điều này sẽ khiến cho các thế gia liên kết với nhau chống lại Đại tướng quân. Cho nên, kỳ thực đây là cái hại lớn.

- Nhưng tới về sau, dân chúng Bình Thương Đạo được nếm ngon ngọt, khiến dân chúng bên ngoài càng thêm hâm mộ, không khỏi ngóng trông Đại tướng quân tới cứu bọn họ. Lúc đó đám thế gia đại hộ đã liên kết với nhau tạo thành một khối vững như thép, Đại tướng quân muốn động binh khó càng thêm khó. Nhưng bởi vì có chính sách ở Bình Thương Đạo, nên dân chúng các địa phương khác đều ngóng trông, mặc kệ liên minh các thế gia bền vững cỡ nào, thì Đại tướng quân vừa hô hào, dân chúng đều nhiệt tình như lửa. Dùng lửa để nung chảy sắt thép, cũng không phải là việc khó. Đây là cái lợi lớn.

- Nhưng…

Ngụy Tây Đình trầm mặc một lúc rồi nói:

- Nếu biện pháp này của Đại tướng quân dùng tới mức tận cùng, tất nhiên lợi lớn hơn hại. Nhưng nếu không dùng tốt, lợi không thấy đâu, hại lại hiện ra hết.

- Ngươi nói xem, dùng tới mức tận cùng là thế nào?

Phương Giải hỏi.





Ngụy Tây Đình ngẩng đầu nhìn Phương Giải, nghiêm túc nói:

- Lúc thuộc hạ mới nghe nói Đại tướng quân muốn thực hiện chính sách này, trong lòng rất lo lắng. Nhưng tới huyện Thanh Sơn thi hành chính sách, mới thấy được tầm nhìn xa của Đại tướng quân. Sở dĩ chính sách này được thi hành một cách nhanh chóng ở Bình Thương Đạo, được dân chúng tán thành, là vì không có lực cản của đám thế gia đại hộ. Nói trắng ra là…bởi vì Đại tướng quân đã giết hết những người ngăn cản.

- Nhưng về sau Đại tướng quân cũng làm giống như ở Bình Thương Đạo sao? Đám thế gia đại hộ kia vì sợ thua hoặc vì sợ hãi cho nên sẽ thỏa hiệp. Nhưng chỉ cần thi hành chính sách ở chỗ bọn họ, thì sẽ gặp phải khó khăn lớn. Trừ khi…Đại tướng quân tới đâu thì tàn sát tới đó, giết tất cả những người cản trở mình, khiến cho dân chúng không còn e dè, thì mới có người yên tâm đi theo Đại tướng quân!

Y lớn tiếng nói:

- Đây là cực hạn!

Nói chung, ý của y là muốn thành công, thì chỉ có thể một hơi giết sạch. Nếu không giết, thì chỉ cần Phương Giải rời khỏi địa phương đó, thì đám thế gia đại hộ lại tác oai tác quái trở lại. Quan viên lưu lại nếu muốn thi hành chính sách phân điền nhập hộ, đâu phải là dễ dàng? Thế gia đại hộ vẫn còn, thì lực ảnh hưởng vẫn còn. Trong lòng dân chúng sợ hãi, không dám buông tay đấu tranh. Dân chúng phía dưới đều sợ đầu sợ đuôi, vậy quan viên còn dựa vào cái gì để thi hành?

Những lời này xuất phát từ một quan văn, khiến cho người ta có chút kinh ngạc.

- Thời gian qua thuộc hạ vẫn luôn suy nghĩ tới một việc…

Ngụy Tây Đình dừng lại một lát rồi nói:

- Từ trước tới nay, các triều đại đổi thay, không có một người xuất thân từ hàn môn nào ngồi trên long ỷ. Lúc mới đầu xây dựng sự nghiệp người có xuất thân từ hàn môn có thể thắng như chẻ tre, nhưng cuối cùng đều biến thành con rối của đám thế gia đại hộ, bị hút cạn máu rồi bị ném bỏ. Những người thành nên nghiệp lớn từ trước tới nay, đều có hai sự lựa chọn.

- Thứ nhất, cũng là con đường mà những người thành công hay đi lên nhất, chính là liên kiết với thế gia, tìm kiếm người giúp đỡ phía sau. Chỉ cần được thế gia ủng hộ, có thể nhanh chóng gây dựng thế lực. Trăm ngàn năm qua, những người thành công đều lựa chọn con đường này. Chỉ cần được thế gia ủng hộ, thì đã là thành công một nửa.

- Thứ hai, là con đường mà chưa ai đi tới được chặng cuối cùng, chính là dựa vào dân chúng. Bất kể là thời đại nào, đều có chuyện dân chúng tạo phản. Cho nên không ít người dựa vào dân chúng để giành chính quyền, nhưng cuối cùng không có người nào thành công. Gần đây nhất là loạn Tôn Lương thời Đại Chu. Tôn Lương khởi binh, dựa vào dân chạy nạn giết tới đô thành Đại Chu, tự xưng là Hoàng Đế, lấy quốc hiệu là Đại Khánh. Nhưng mới đăng cơ chưa tới hai háng, Tôn Lương bị thủ hạ giết chết, đại quân mấy chục vạn sụp đổ…

- Lúc chinh chiến, bọn họ đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi, trên dưới đồng lòng, cho nên mới có thể phá đô thành Đại Chu, xây dựng quốc gia. Nhưng sau khi Tôn Lương lên ngôi, bắt đầu lung lạc quý tộc Đại Chu, muốn thu những người đó dưới trướng. Không bao lâu, y bị mê hoặc bởi mỹ nhân và của cải mà đám thế gia hiến cho, bắt đầu thu hồi binh quyền trong tay các tướng lĩnh từng đi theo mình, chuyển giao cho người của thế gia. Cấp dưới cũ của y không chịu đựng được, liền khởi binh tạo phản. Cuối cùng Tôn Lương bị giết, quân đội phía dưới rối loạn, Đại Khánh chỉ tồn tại được hai tháng liền diệt vong…

- Đánh bại Tôn Lương không phải là một đội quân hùng mạnh, mà chỉ là một ít vàng bạc châu báu cùng mấy chục mỹ nhân mà thôi.

Ngụy Tây Đình nói:

- Tôn Lương thua ở chỗ y tưởng rằng đám thế gia đại hộ sẽ giúp y, sẽ trở thành thủ hạ đắc lực của y. Tôn Lương hy vọng như vậy bởi vì càng về sau y càng cảm thấy những thuộc hạ cũ của mình không có học vấn gì cả, mất hết thể diện, mà những người của thế gia đại hộ thì nho nhã lễ độ, học rộng biết nhiều. Nhưng y không biết rằng bọn họ chỉ coi y là con rối mà thôi. Kinh nghiệm và trí tuệ tích lũy hàng nghìn năm, khiến đám thế gia hiểu về quyền mưu hơn xa người xuất thân từ hàn môn. Lúc đầu Tôn Lương dựa vào dân chúng để dành chính quyền, về sau liền bỏ quên dân chúng… cho nên y thua.

Ngụy Tây Đình nhìn Phương Giải, nói:

- Con đường thứ nhất đã có nhiều người đi, trong đó có người thành công. Con đường thứ hai cũng có rất nhiều người đi, nhưng không ai thành công…vì sao? Bởi vì đi không hết, đi được nửa đường lại muốn chuyển sang con đường thứ nhất. Kết quả con đường thứ nhất không thích hợp với người đó, con đường thứ hai vốn thích hợp với người đó thì cũng đã ruồng bỏ người đó.

Phương Giải khẽ nhíu mày, hắn hiểu ý của Ngụy Tây Đình. Chỉ là hắn không ngờ tới những lời này lại xuất phát từ một văn nhân. Quan văn từ trước tới nay bài xích giết chóc, bất kể là loạn thế hay là thái bình, quan văn đều không có hảo cảm gì với võ phu. Phần lớn bọn họ cho rằng làm việc nên dựa vào thuyết phục và giáo hóa, chứ không phải là vung đao giết chóc.

Ngụy Tây Đình có thể nói ra những lời này ở một thời đại như thế này, có thể dùng bốn chữ ‘Kinh thế hãi tục’ để hình dung.

- Vậy ngươi nói xem, ta nên đi theo con đường thứ nhất hay là con đường thứ hai?