Trang Hiệp Khách

Chương 3: Trang hiệp khách - Hồi 03

Hai tuần trôi qua. Thời gian hai tuần thật ngắn ngủi nhưng đem lại cho
Sơn Bản Nhất Lang không biết bao nhiêu là niềm vui, làm chàng cảm thấy
tâm được bình an vô cùng. Và cũng trong thời gian này, chàng đã làm quen và chiếm được cảm tình của hầu hết mọi người tại Sơn Điền gia trang.
Mọi việc trong sơn trang, chàng đều cáng đáng, sẵn sàng giúp mọi người,
từ việc nặng tới việc nhẹ. Nào là tưới cây tưới hoa, cho tới bổ củi,
khuân vác đồ chứa vào kho chàng cũng chẳng từ nan.

Hải Đẩu, đứa con trai của Sơn Điền Anh Minh rất thích Sơn Bản Nhất Lang. Nó hay tới chàng đùa giỡn, hỏi chuyện, đôi khi còn đòi chàng kể chuyện
cuộc đời làm võ sĩ đạo của chàng cho nó nghe. Hải Đẩu hỏi tới đâu, Sơn
Bản Nhất Lang đáp tới đó, và bao giờ nó cũng hài lòng với những câu giải đáp của chàng. Không những thế, những bài học ở trường của Hải Đẩu nó
cũng đem ra hỏi Sơn Bản Nhất Lang. Chàng chỉ bảo tận tình, còn dạy Hải
Đẩu từ nghệ thuật viết bút lông cho đến cách làm những vần thơ Hài-Cú
[1] nữa. Những điều học được từ Sơn Bản Nhất Lang, Hải Đẩu đem ra trường chia sẻ với thầy giáo và bạn bè, và ai nấy đều thán phục Hải Đẩu, cho
nó là một thần đồng. Thấy vậy, Hải Đẩu lại càng quý, càng thương mến Sơn Bản Nhất Lang.

Thấy Hải Đẩu cũng yêu chuộng võ thuật muốn học hỏi, nuôi mộng một ngày
nào đó sẽ trở thành một võ sĩ đạo phục vụ dưới trướng một Minh chủ, Sơn
Bản Nhất Lang cũng chiều chuộng từ từ truyền thụ võ nghệ cho nó những
khi rảnh rỗi. Sơn Bản Nhất Lang tự tay đẽo hai thanh kiếm bằng gỗ, một
thanh cho Hải Đẩu vừa chơi vừa tập luyện, còn một thanh chàng dùng để sử dụng khi dạy Hải Đẩu kiếm pháp.

Hôm đó, Sơn Bản đang dạy cho Hải Đẩu vài chiêu thật khó khiến nó tập đi
tập lại hoài mà vẫn chưa được. Hải Đẩu nhiều lúc bực bội đến mặt mày bí
xị, quăng cả kiếm như nản chí không muốn tập nữa. Sơn Bản Nhất Lang điềm tĩnh nhặt thanh kiếm gỗ đưa cho nó, khuyên :

- Cháu đừng có nóng giận. Sự phẫn nộ và sự vội vã là thuộc về những điều tối kỵ của một người học võ nói riêng, và của một người sống trên đời
nói chung. Nếu việc gì cũng dễ dàng học được thì ai cũng thành công hết
rồi, và đâu còn ai được gọi là “người tài” nữa.

Câu dạy dỗ thật đơn giản và ngắn gọn nhưng quả nhiên rất hữu hiệu. Hải
Đẩu vốn là đứa trẻ thông minh, nghe nói liền giác ngộ ngay, đưa tay nhận kiếm, cúi đầu cám ơn và xin lỗi Sơn Bản Nhất Lang.

- Thôi, hai thầy trò hãy tạm dừng tay nghỉ giải lao, ăn bánh uống trà đã.

Sơn Bản Nhất Lang cùng Hải Đẩu quay lại thì thấy Thuận Tử, mẹ Hải Đẩu
đang mỉm cười, tay cầm mâm trà bánh đặt trên phản. Tiến lại gần phía hai người, Thuận Tử nhìn Hải Đẩu nói :

- Con ngoan, hãy nghe lời mẹ, mau bái Sơn Bản thúc thúc làm sư phụ đi.

Hải Đẩu nghe nói mừng rỡ vô cùng. Đây là điều nó vẫn hằng mong muốn, cầu mà chưa được, nay được mẹ nó toàn thành cho như vậy thì còn gì hơn,
thật quá đúng ý nó. Hải Đẩu cúi mình phục thân bắt đầu lạy Sơn Bản Nhất
Lang theo đúng nghĩa thầy trò.


Sơn Bản Nhất Lang thấy vậy cuống lên, nói :

- Đừng, Hải Đẩu! Chú chỉ là kẻ tùy tùng gia nhân, là bề dưới của thân phụ và thân mẫu cháu thôi. Cháu làm vậy thật không nên.

Thuận Tử bỗng nghiêm giọng, nói :

- Sơn Bản tráng sĩ hãy để cho cháu nó làm đúng bổn phận đệ tử xem nào.
Chẳng lẽ tráng sĩ thấy Hải Đẩu quá ngu dốt không đáng để tráng sĩ thu
nhận làm đồ đệ hay sao?

Sơn Bản Nhất Lang nghe nói im lặng không dám lên tiếng. Thuận Tử, tức
Đường chủ của Sơn Điền gia trang bảo con trai tiếp tục hành lễ ra mắt sư phụ Sơn Bản Nhất Lang. Hải Đẩu làm xong lễ ra mắt sư phụ, Thuận Tử dịu
dàng, nói :

- Con tập thử một mình đi, để mẹ nói chuyện với Sơn Bản sư phụ một lát.

Hải Đẩu vâng lời, ra tập võ một mình. Thuận Tử rót trà mời Sơn Bản Nhất Lang, nói :

- Chắc Sơn Bản sư phụ phải mệt với thằng đệ tử này lắm!

Sơn Bản Nhất Lang đáp :

- Không dám, thưa Đường chủ. Nhất Lang này rất lấy làm hân hạnh được
dành thì giờ cho thiếu chủ. Điều này mang đến cho Nhất Lang một niềm vui khôn tả. Thiếu chủ rất thông minh lanh lẹn, mai sau ắt giúp được Trang
chủ cùng Đường chủ nhiều việc, và còn giúp ích được cả cho đời.

Thuận Tử cau mày, nói :

- Nó là đệ tử của Sơn Bản tráng sĩ rồi thì cũng như con cháu vậy, sao Sơn Bản tráng sĩ cứ gọi là thiếu chủ mãi thế?

Sơn Bản Nhất Lang chưa biết trả lời thế nào. Thuận Tử cũng đổi đề tài,
nói sang chuyện khác, thỉnh thoảng hỏi thăm đến vài chuyện riêng tư cá
nhân của Sơn Bản Nhất Lang. Lối nói chuyện của nàng rất tế nhị và cởi mở làm Sơn Bản Nhất Lang thoải mái vô cùng chứ không phải e dè giữ kẻ.

Chuyện trò một lúc, Thuận Tử bỗng thở dài, nói :

- Nhà tôi mấy tuần nay bận nhiều việc, lo mất ăn mất ngủ, nếu không nhờ
Sơn Bản sư phụ bỏ công dạy dỗ Hải Đẩu thì thật nó buồn lắm. Tôi, phận
đàn bà nông cạn cũng chẳng biết phải làm thế nào.

Sơn Bản Nhất Lang im lặng. Thuận Tử lại nói tiếp :

- Thú thật với Sơn Bản sư phụ, nhiều lúc tôi không hiểu mục đích con
người học võ để mà làm gì? Chỉ là để tranh chấp hơn thua, chém giết lẫn
nhau, xâm chiếm đất đai, giành giựt quyền lợi? Hải Đẩu thích học võ thì
tôi chiều ý nó chứ thật ra tôi nhận thấy có khi không biết võ mà dễ sống hơn, vì mình tự biết người biết ta, tự động tránh né, khỏi bận tâm mà
dấn thân vào cái thế giới gươm đao đầy hận thù này.

Sơn Bản Nhất Lang húp một ngụm trà, từ tốn :

- Đường chủ nói cũng có phần chí lý. Tuy nhiên, thế gian vốn là như vậy
từ ngàn xưa rồi, và cho đến ngàn sau cũng vẫn vậy mà thôi. Cho dù “Ta
chẳng đụng người”, nhưng rồi “người cứ vẫn đụng ta”. Ít nhất cũng hơn
một nửa số người trên thế gian này chỉ muốn sống cầu an, nhưng làm sao
mà tránh nắng dưới mặt trời được đây [2]. Rốt cuộc lại phải giải quyết
bằng võ nghệ và kiếm thôi chứ chẳng còn đường nào mà lựa chọn! Bởi thế
cho nên thà biết chút võ nghệ vẫn có nhiều hy vọng sống sót hơn. Tóm
lại, võ nghệ vẫn là phương tiện để tự vệ cho sự sống còn.

Thuận Tử gật đầu :

- Tôi kiến thức nông cạn, không hiểu nhiều về cuộc sống cũng như chuyện
thế gian. Nhưng tôi nhận thấy Sơn Bản sư phụ là người có chí lớn, kiến
thức rất cao thâm uyên bác và lập trường sống thật rõ rệt. Có phải vậy
không?

Sơn Bản Nhất Lang khẽ cúi đầu :

- Đường chủ quá khen, Nhất Lang không dám.

Thuận Tử nói :

- Tôi có một việc yêu cầu Sơn Bản tráng sĩ.

Sơn Bản Nhất Lang cúi đầu :

- Điều gì, thưa Đường chủ?

Thuận Tử nói chậm rãi, nhưng rõ ràng từng tiếng một :

- Con tôi đã bái tráng sĩ làm sư phụ, tức là tráng sĩ ngang hàng với cha nó và tôi. Từ nay xin tráng sĩ cứ gọi tôi là “nghĩa tẩu” [3] chứ đừng
có Đường chủ này Đường chủ nọ nữa. Tôi sẽ đề nghị với nhà tôi chọn ngày
lành để hai vợ chồng tôi kết nghĩa cùng tráng sĩ. Hãy nhớ lấy, chúng tôi hai người từ nay là nghĩa huynh và nghĩ tẩu của tráng sĩ.

Thuận Tử rót thêm trà vào tách cho mình và Sơn Bản Nhất Lang [4], nói :

- Nghĩa đệ! Hãy kêu tôi một tiếng nghĩa tẩu xem!

Thu hết can đảm, Sơn Bản Nhất Lang nói :

- Thưa... thưa...

Thấy Sơn Bản Nhất Lang ấp úng, Thuận Tử cả cười :

- Thưa gì? Thưa ai?

- Thưa... nghĩa tẩu!...

Dứt lời, Sơn Bản Nhất Lang cúi đầu bái mấy lượt. Thuận Tử cũng cúi đầu
đáp lễ. Chờ cho Thuận Tử ngẩng đầu lên, Sơn Bản Nhất Lang mới dám bình
thân. Thuận Tử khẽ gật đầu, nói :

- Ta cám ơn nghĩa đệ.

Lúc đó, Hải Đẩu đột nhiên xách kiếm gỗ chạy tới, khoe :

- Thân mẫu ơi! Sư phụ ơi! Con đã luyện xong bài kiếm pháp của sư phụ dạy rồi! Ban đầu thấy khó nhưng cố gắng cũng làm được.

Đoạn Hải Đẩu múa biểu diễn trước mặt cho hai người xem. Thuận Tử mỉm
cười hài lòng. Sơn Bản Nhất Lang cũng lên tiếng khen thưởng, khích lệ
chẳng cùng. Chàng đứng ra chỉ điểm thêm, đích thân sửa từng chỗ sai và
bù vào những yếu điểm của đứa đệ tử mình. Hải Đẩu vốn là đứa trẻ thông
minh nên hấp thụ một cách thật mau lẹ.

Thuận Tử xoa đầu Hải Đẩu, dịu dàng :

- Học võ xong rồi. Bây giờ con theo sư phụ đi học văn đi. Mẹ muốn con sau này phải văn võ song toàn mới được.

Hải Đẩu cúi đầu, nhanh nhẩu :

- Dạ, con đi lấy sách bút ngay bây giờ.

Trong khi Hải Đẩu đi lấy sách, Thuận Tử hỏi Sơn Bản Nhất Lang :

- Nghĩa đệ thấy Hải Đẩu có khiếu văn hay võ?


Sơn Bản Nhất Lang chẳng cần suy nghĩ, đáp ngay :

- Cả hai.

Thuận Tử vui mừng ra mặt, nói :

- Cha của nó thì có khiếu võ, nhưng cũng chưa học được đến chốn. Có học
qua văn nhưng cũng chẳng giỏi gì cho lắm. Hy vọng Hải Đẩu sau này bù lại cho cha nó những khiếm khuyết đó.

Suy nghĩ vài giây, Thuận Tử nói tiếp :

- Tôi mong Hải Đẩu sau này có cái nhân, cái đức của cha nó, nhưng phải có cái trí và dũng của nghĩa đệ mới được!

Rồi Thuận Tử lại hỏi :

- Nghĩa đệ chắc cũng phải cần có người nâng khăn sửa túi cho.

Sơn Bản Nhất Lang nghe nói cười nhạt :

- Nghĩa tẩu quá thương nên nói vậy. Đệ sống vất vưởng nay đây mai đó, sự nghiệp chưa có gì thì nói chi đến vấn đề gia thất!

Thuận Tử lắc đầu :

- Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nghĩa đệ há chẳng nhớ câu này sao?
Nghĩa đệ an cư lập nghiệp ở đây với chúng tôi thì lo gì mà không có sự
nghiệp chứ? Chúng tôi sẽ để ý việc này, sẽ kiếm người nâng khăn sửa túi
cho nghĩa đệ. Chỉ sợ nghĩa đệ chê thôi.

- Đệ không dám.

Hải Đẩu chạy tới với sách vở, bút, cùng nghiên mực trên tay. Thuận Tử cười, nói :

- Thôi, đến lúc ta phải lui ra để khỏi làm phiền hai thầy trò.

------------

[1] Tiếng Nhật phiên âm là Haiku.

[2] Người Nhật nói: “làm sao tránh được nắng dưới mặt trời” cũng như
chúng ta nói “chạy trời không khỏi nắng”. Tuy cách nói hơi khác chút,
nhưng cùng một ý nghĩa.

[3] Nghĩa tẩu: chị dâu kết nghĩa.

[4] Phong tục “Trà mình rượu người”. Khi rót rượu thì rót cho người
trước, rót cho mình sau. Nhưng trà thì ngược lại, rót cho mình trước và
cho người sau.