Trăm năm cô đơn

Chương 9

Đại tá Hêrinênđô Mackêt là người đầu tiên nhận thấy cái hư vô của chiến tranh. Với tư cách người chỉ huy toàn quyền ở Macônđô chàng duy trì đều đặn một tuần hai buổi nói chuyện điện tín với đại tá Aurêlianô Buênđya. Lúc đầu những buổi trao đổi này đã khẳng định được dòng chảy của cuộc chiến đẫm máu mà ở bất kỳ thời điểm nào các đường viền của nó cũng cho phép xác lập điểm đích sẽ đi tới và dự kiến những đường hướng trong tương lai. Dù không bao giờ tự để mình bị sa lầy trong lĩnh vực tình cảm thân tín, ngay cả đối với những người bạn chiến đấu gần gũi nhất, lúc này đại tá Aurêlianô Buênđya đã giữ được cái cách nói quen thuộc cho phép người ở bên kia đầu dây nhận ra mình. Nhiều lần chàng kéo dài các buổi nói chuyện điện tín quá thời gian quy định và để chúng dây dưa sang các câu chuyện phiếm. Tuy nhiên, trong điều kiện cuộc chiến ngày càng mở rộng và căng thẳng hơn, hình ảnh của chàng dần dần lu mờ đi trong thế giới mông lung không có thực. Những nốt tạch và nốt tè theo cách ấn cần manip của chàng ngày một xa xưa và mơ hồ hơn, và chúng họp lại thành những từ ngữ dần dần cũng mất hết ý nghĩa. Lúc này, đại tá Hêrinênđô Mackêt chỉ nghe thôi và chàng cảm thấy khó chịu bởi cảm giác mình đang tiếp xúc qua điện tín với một người xa lạ thuộc thế giới khác.

- Mình đã hiểu, Aurêlianô ạ! - Chàng ấn cần manip để kết thúc - Đảng Tự do muôn năm!

Đại tá Hêrinênđô Mackêt đã hoàn toàn bị mất liên hệ với chiến tranh. Cái mà trước đây vốn là một hành động thực tế, một đam mê không thể kiềm chế được của tuổi trẻ, giờ đây đối với chàng đã trở thành một câu chuyện xưa, một nỗi trống trải hư vô. Nơi duy nhất để chàng chạy trốn nỗi cô đơn ấy là phòng máy may của Amaranta. Chiều nào chàng cũng đến thăm cô. Chàng thích ngắm đôi bàn tay cô trong lúc gấp nếp vải trên bàn máy do Rêmêđiôt - Người đẹp quay maniven. Hàng giờ, hàng giờ bọn họ ở bên nhau, không nói lấy một lời. Trong lúc Amaranta tự thoả mãn với việc duy trì ngọn lửa yêu đương mãnh liệt của chàng, thì chàng hoàn toàn không thể hiểu nổi mục đích ấy của trái tim kia. Khi được biết tin chàng sẽ trở về, Amaranta cảm thấy sung sướng đến ngạt thở. Nhưng khi thấy chàng lẫn trong đội bảo vệ ồn ĩ của đại tá Aurêlianô Buênđya bước vào nhà, thấy chàng tiều tuy vì phải lăn lộn nơi hải ngoại, thấy chàng già đi vì tuổi tác và sự lãng quên, thấy chàng nhớp nháp thứ mồ hôi quện bụi đường, hôi mùi hôi súc vật, thấy chàng xấu trai với cánh tay bị băng bất động ở trước nghe, lúc ấy cô thất vọng quá muốn chết luôn. "Trời ơi, - cô nói - người này không phải là người mình hằng mong đợi". Tuy nhiên, vào ngày hôm sau, chàng đến nhà trong tư thế bảnh bao hơn: đã cạo râu và tắm rửa, bộ ria mép thơm mùi oải hương, và cánh tay không đeo băng nữa. Chàng mang cho cô một cuốn kinh cầu nguyện bọc bìa cứng khảm xà cừ.

- Ôi, đàn ông mới lạ làm sao, - cô nói bởi không biết nói gì hơn. - Cả đời đấu tranh chống lại các thày tu, thế nhưng họ lại đi tặng sách kinh đấy.

Kể từ ngày đó, ngay dù trong những ngày chiến sự ác liệt nhất chiều nào chàng cũng đến thăm cô. Rất nhiều lần chàng quay bánh xe quay của chiếc máy khâu khi không có mặt Rêmêđiôt - Người đẹp. Amaranta cảm thấy lúng túng trước tấm lòng thuỷ chung son sắt, trước tinh thần tận tuy của người đàn ông được ông anh mình tin cậy uỷ thác cho nhiều quyền thế ấy mà khi bước vào phòng máy may vẫn cứ cởi vũ khí để ở ngoài phòng khách. Nhưng, trong bốn năm ròng chàng đã thổ lộ tình yêu của mình với cô và cô đã tìm được cách thoái thác mà không làm chàng đau khổ, bởi vì cô không yêu chàng, nhưng cũng thấy mình không thể sống thiếu chàng. Rêmêđiôt - Người đẹp, người dường như dửng dưng với mọi sự trên đời, bị coi là người kém phát triển trí tuệ, lại tỏ ra không thờ ơ lắm và đã ra vẻ mến đại tá Hêrinênđô Mackêt. Amaranta ngay lập tức phát hiện ra rằng cái cô bé do cô nuôi ấy tuy chưa ở tuổi dậy thì đã là cô gái đẹp nhất ở Macônđô rồi. Trong trái tim mình cô cảm thấy đang sống lại mối hận thù cô từng đối xử với Rêbêca trước đây, và cầu khẩn Thượng đế hãy đừng để mình phải mong cô bé chết, cô đã tống khứ nó khỏi phòng máy may của mình. Đó là thời kỳ đại tá Hêrinênđô Mackêt bắt đầu cảm thấy chán ghét chiến tranh. Chàng sử dụng đến sự thận trọng của mình, đến tính nết dịu dàng của mình, sẵn sàng từ bỏ vinh quang từng đổi bằng những năm tháng đẹp nhất của đời mình để chiếm lấy trái tim Amaranta. Nhưng chàng đã không thuyết phục nổi cô.

Vào một chiều tháng tám, đau khổ trước thái độ kiên trì của chàng, Amaranta ở lỳ trong phòng ngủ để khóc cho nỗi cô đơn của số phận mình, sau khi đã dứt khoát từ chối tấm lòng kiên trinh của chàng:

- Chúng ta hãy mãi mãi quên nhau đi, - cô nói với chàng, - bởi vì chúng ta đã nhỡ thì rồi.

Buổi chiều ấy đại tá Hêrinênđô Mackêt vội chạy đến đáp lời cú điện tín của đại tá Aurêlianô Buênđya. Đó là một buổi nói chuyện thường lệ không hề làm xoay chuyển cuộc chiến tranh trì trệ. Vào lúc kết thúc, đại tá Hêrinênđô Mackêt ngắm nhìn những con đường hiu quạnh, những giọt nước long lanh như pha lê trên tán những cây nạnh đào, rồi chàng lạc lối trong nỗi cô đơn.

- Aurêlianô này, - chàng buồn rầu nói qua cần manip - đang mưa ở Macônđô đấy!

Im lặng hồi lâu trên đường dây. Bỗng nhiên máy móc vang lên những tiếng tạch tè bực bội của đại tá Aurêlianô Buênđya.

- Đừng có mà lẩn thẩn thế, Hêrinênđô ạ, - những tín hiệu nói. - Dĩ nhiên tháng tám thì trời mưa.

Đã lâu lắm hai người không được nhìn mặt nhau, đến mức đại tá Hêrinênđô Mackêt phải ngạc nhiên trước thái độ phản ứng đầy vẻ khiêu khích ấy. Tuy nhiên, sau đó hai tháng, khi đại tá Aurêlianô Buênđya trở về Macônđô thì sự ngạc nhiên ấy trở thành một niềm vui đến bần thần cả người. Ngay đến cả Ucsula cũng phải ngạc nhiên khi thấy chàng thay đổi nhiều quá.

Lẩn mình trong chiếc áo khoác ngoài mặc dù đang lúc oi bức, chàng lặng lẽ trở về không hề có lính hộ vệ, mang theo ba ả nhân tinh. Chàng để họ cùng ở với mình trong một nhà, còn mình thì nằm dài trên võng gần như hết ngày. Hầu như chàng không đọc những bức điện thông báo tình hình chiến sự hàng ngày. Có lần, đại tá Hêrinênđô Mackêt xin chàng cho những lời chỉ dẫn để giải quyết một vấn đề đang có chiều hướng gây nhiều phiền phức trong quan hệ quốc tế ở một địa. điểm trên biên giới và được chàng trả lời:

- Đừng làm phiền ta vì những chuyện cỏn con này, - chàng ra lệnh cho đại tá. - Hãy đi hỏi đức Toàn năng ấy.

Có lẽ đó là giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc chiến. Các tay địa chủ thuộc phái Tự do, những người ngay từ lúc đầu ủng hộ cách mạng, đã ngầm liên minh với các tay địa chủ thuộc phái Bảo hoàng để chặn đứng cuộc cải cách ruộng đất. Các chính khách từng tài trợ cho cuộc chiến tranh, ngay từ ở hải ngoại họ đã công khai phản đối những quyết định táo bạo của chàng. Nhưng chàng phớt lờ hết, ngay cả đối với sự phế truất quyền lực này. Chàng không đọc lại những bài thơ của mình giờ đây đã dày tới năm tập và thường xuyên bị bỏ quên dưới đáy rương. Về ban đêm hoặc vào giờ ngủ trưa, như thường lệ, chàng gọi một nhân tình lên võng hú hí với ả rồi sau đó lăn ra ngủ say như trâu chết, chẳng còn biết đến trời đất là gì nữa. Lúc ấy, chỉ có chàng mới hiểu rằng trái tim sôi nổi của mình đã vĩnh viễn bị đày vào cõi hỗn mang. Lúc đầu, say sưa trước thắng lợi trở về trước những thắng lợi quá hiển nhiên, chàng đã bước lên tột đỉnh vinh quang. Chàng hài lòng bám chặt lấy công tước Macbôru, người thày vĩ đại trong nghệ thuật quân sự của mình, người mặc chiếc áo khoác làm bằng da hổ vẫn giữ nguyên vuốt sắc khiến người lớn phải kính nể và trẻ con phải sợ hãi. Đó là lúc chàng quyết định không một ai, kể cả Ucsula, được đến gần chàng ba mét. Với những mệnh lệnh ngắn gọn và kiên quyết, chàng quyết định vận mệnh thế giới ngay từ trung tâm cái vòng tròn do những kẻ tuỳ tùng lấy phấn trắng vẽ ở bất kỳ nơi nào chàng đến và chỉ một mình chàng bước vào. Lần đầu tiên có mặt ở Manaurê, sau khi hành hình tướng Môncađa, chàng vội vã thực hiện nguyện vọng cuối cùng của nạn nhân mình. Bà quả phụ nhận lấy kính, huân chương, đồng hồ, nhẫn cưới nhưng không cho phép chàng bước chân qua cửa.

- Đại tá không nên vào nhà, - bà nói. - Ngài điều hành ngoài mặt trận, còn tôi, tôi điều hành trong nhà mình.

Tuy đại tá Aurêlianô Buênđya không để lộ ra mặt nỗi căm tức nhưng tâm trí chàng chỉ hết day dứt khi biết đám tuỳ tùng đã cướp phá và thiêu thành tro ngôi nhà bà quả phụ. "Xin anh hãy lo giữ gìn trái tim mình, Aurêlianô ạ", lúc ấy đại tá Hêrinênđô Mackêt nói với chàng. "Anh đang mục ruỗng trong lúc còn đang sống". Lúc này, chàng tổ chức hội nghị lẩn thứ hai các tướng lĩnh khởi nghĩa chủ chết. Chàng gặp mặt tất cả: các nhà ảo tưởng có, những kẻ nhiều tham vọng có, những tay mạo hiểm có, những kẻ nặng hiềm thù cá nhân có, và ngay cả đến những tên đầu trộm đuôi cướp cũng có. Cũng còn có một quan chức Bảo hoàng đã chạy trốn toà án vì tội biển thủ công quỹ.

Rất nhiều người không biết gì, kể cả vì sao mình chiến đấu họ cũng không biết nốt. Trong khung cảnh lộn xộn của đám đông mà sự khác biệt nhau về chính kiến suýt nữa gây ra vụ bùng nổ trong nội bộ, nổi bật lên một thế lực đáng sợ: đó. là tướng Têôphilô Vacgat. Ngài là một người Anhđiêng thuần gốc, thô bạo, mù chữ, nhưng lại có đức ranh mãnh ngầm và có tài dùng ma thuật vùng Tiểu Á để trói buộc quân linh mình trong một thứ cuồng tín điên rồ. Đại tá Aurêlianô Buênđya triệu tập Hội nghị với mục đích thâu tóm quyền chỉ huy quân khởi nghĩa vào tay mình để chống lại các thủ đoạn của đám chính khách.

Tướng Têôphilô Vacgat đã đi trước những dự định của chàng: Trong ít giờ đồng hồ ngài phá vỡ được sự thống nhất của một số viên tư lệnh nổi tiếng nhất và nhẩy lên nắm quyền chỉ huy chung. "Đó là một con mãnh thú cản phải dè chừng", chàng nói với các sĩ quan thuộc quyền mình. "Đối với chúng ta, con người ấy còn nguy hiểm hơn cả viên Bộ trưởng Bộ quốc phòng đấy".

Giữa lúc ấy có một viên đại uý trẻ, vốn thường trội hơn người đời bởi tính uỷ mị của mình, đã thận trọng giơ tay:.

- Thưa đại tá, thật quá dễ dàng, - viên đại uý trẻ nói để thăm dò. - Giết quách hắn đi là xong thôi mà!

Đại tá Aurêlianô Buênđya không ngạc nhiên trước tính chất giá lạnh của lời đề nghị được đưa ra mà trái lại chàng ngạc nhiên trước cái cách thức trong dó một phần tử thứ yếu đã đi trước chính sự suy nghĩ của mình.

- Các ngài đừng đợi ta ra cái lệnh ấy nhé, - chàng nói.

Quả nhiên, chàng không ra lệnh. Nhưng mười lăm ngày sau đó tướng Têôphilô Vacgat đã bị dao băm vằm trong một vụ phức kích bất ngờ và đại tá Aurêlianô Buênđya bước lên nắm quyền chỉ huy chung. Chính trong cái đêm chức vụ mời của chàng được tất cả các viên tư lệnh quân khởi nghĩa thừa nhận, chàng bỗng hoảng hốt bật thức dậy, gào toáng đòi người ta mang đến cho mình một chiếc áo khoác ngoài. Một cơn lạnh bên trong biết thấu tận xương, làm chàng nhức nhối, ngay lúc mặt trời đứng bóng cũng không để cho chàng yên. Tình trạng ấy kéo dài vài tháng cho đến khi chàng bị mất ngủ kinh niên. Cơn mơ quyền lực bắt đầu đổ vỡ từng mảng. Để tìm cách giải cơn rét bên trong chàng ra lệnh bắn viên sĩ quan trẻ nêu đề nghị giết tướng Têôphilô Vacgat. Các mệnh lệnh của chàng được thi hành trước lúc được ban bố, nhiều khi ngay cả trước khi chàng dự định và thường thường vượt quá mức chàng dám mong muốn. Lạc lối trong nỗi cô đơn của quyền lực vô biên, chàng bắt đầu mất phương hướng. Chàng khó chịu trước đám dân chúng ở những làng bị chiếm đóng tung hô mình và chàng cảm thấy họ chính là đám dân chúng từng tung hô kẻ thù của mình. Trên khắp các nẻo đường, chàng đều gặp những trang thiếu. niên nhìn mình với chính đôi mất mình, nói chính giọng nói của mình, chào chàng bằng chính sự nghi ngờ mà chàng đã chào chúng và đều nhận chúng là con của chàng. Chàng cảm thấy mình bị phân tán, bị lặp lại, và cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Chàng nhận ra chính đám sĩ quan của mình đã lừa phỉnh mình. Chàng đánh lộn với công tước Macbôru. "Người bạn tốt nhất, - chàng vẫn thường nhủ mình, - là người vừa chết xong".

Chàng mệt mỏi trước hoàn cảnh mơ hồ, trước vòng luẩn quẩn của cuộc chiến dằng dai ấy mà chàng luôn luôn bắt gặp mình ngay tại một địa điểm, chỉ có điều là chàng ngày một già thêm, ngày một yếu hơn mà không hề biết vì sao, như thế nào và đến bao giờ. Lúc nào cũng có kẻ đứng ở ngoài vòng phấn trắng. Đó là kẻ đòi tiền chàng, là kẻ có đứa con đang bị ho gà, hoặc là kẻ muốn đi ngủ mãi mãi vì không thể ngậm mãi trong miệng mình cái mùi vị cứt đái của chiến tranh, và là kẻ tuy nhiên vẫn cố gắng gượng đứng nghiêm để báo cáo: "Thưa đại tá, tất cả đều bình thường ạ". Và chính sự bình thường ấy, vốn có nghĩa là không có gì xảy ra, lại là cái đáng sợ hơn cả của cuộc chiến tàn bạo. Vì bị điềm báo bỏ rơi và để chạy trốn cơn rét bên trong cơ thể sẽ theo riết chàng cho tới khi chết, chàng tìm đến nơi ẩn nấp duy nhất ở làng Macônđô, trong hơi ấm của những kỷ niệm xa xưa ấy. Sự lười biếng của chàng thật là quá đáng đến mức khi người ta báo tin có phái đoàn của đảng đến để thảo luận về việc đình chiến thì chàng chỉ cựa mình trên võng, không hề thức dậy.

- Dẫn bọn nó đến nhà thổ nhé, - chàng nói.

Đó là sáu luật sư mặc áo đuôi tôm đội mũ phớt đang cố chịu đựng cái nóng ngột ngạt của tháng mười một gay gắt nắng.

Ucsula để họ trú chân ngay trong nhà mình. Phần lớn buổi ban ngày bọn họ đóng kín cửa ở lỳ trong phòng ngủ để lén lút bàn luận. Khi tối đến họ đòi cho một đội linh bảo vệ và một nhóm nhạc công đàn phong cầm rồi tự ý đến tiệm bác Catarinô. "Đừng làm phiền họ nhé", đại tá Aurêlianô Buênđya căn dặn. "Ta đã biết tỏng bọn chúng muốn gì rồi". Vào đầu tháng chạp, cuộc thảo luận từng chờ đợi lâu nay, được mọi người dự đoán là một cuộc thảo luận không thể kết thúc đã diễn ra trong không đầy một giờ. Trong phòng khách nực nụa, bên cạnh cây đàn pianô tự động được một tấm vải trắng phủ kín, lần này đại tá Aurêlianô Buênđya không ngồi vào chính giữa vòng phấn trắng do đám tuỳ tùng của mình vạch ra. Chàng ngồi trên một chiếc ghế giữa những cố vấn chính trị của mình. Cuộn mình trong chiếc áo khoác nỉ, chàng lặng lẽ nghe những đề nghị ngắn gọn của các sứ giả đặc nhiệm. Đầu tiên họ đề nghị bỏ việc kiểm tra văn tự ruộng đất để lấy lại sự ủng hộ của cánh địa chủ Tự do. Sau đó họ đề nghị từ bỏ cuộc đấu tranh chống ảnh hưởng của giáo hội để tranh thủ sự đồng tình của giáo dân. Cuối cùng họ đề nghị từ bỏ lý tưởng bình đẳng về quyền lợi giữa con hoang và con đích để bảo vệ tôn ty trật tự trong gia đình.

- Nghĩa là, - đại tá Aurêlianô Buênđya mỉm cười khi các sứ giả ngừng đọc, - chúng ta đang chiến đấu chỉ để giành chính quyền thôi.

- Đó chỉ là những cải cách tạm thời, - một đại biểu cãi lại. - Lúc này hơn lúc nào hết, điều căn bản là mở rộng cơ sở quần chúng của cuộc chiến. Sau đó chúng ta sẽ xem lại.

Một cố vấn chính trị của đại tá Aurêlianô Buênđya vội vã tham gia tranh luận.

- Thật là nhảm nhí, - ông ta nói, - nếu những cải cách này là đúng đắn thì điều đó muốn nói rằng: chế độ Bảo hoàng là tốt đẹp. Nếu bằng những cải cách này chúng ta mở rộng được cơ sở quần chúng của cuộc chiến thì điều đó muốn nói rằng chế độ Bảo hoàng đang có cơ sở quần chúng rộng lớn. Và nhìn chung, điều đó muốn nói rằng trong gần hai mươi năm nay chúng tôi đã chiến đấu chống lại lương tri dân tộc mình.

Ông ta còn định tiếp tục nói nhưng đại tá Aurêlianô Buênđya ra hiệu cho ông dừng lại. "Xin tiến sĩ đừng làm mất thời giờ", chàng nói. "Điều có ý nghĩa quan trọng là kể từ bây giờ trở đi chúng ta chiến đấu với mục đích duy nhất là giành lấy chính quyền". Chàng vẫn mỉm cười, cầm lấy những tờ giấy do các sứ giả đưa cho và sẵn sàng định ký.

- Gặp thời thế thế thời phải thế, - chàng kết thúc, - chúng tôi hoàn toàn chấp nhận mà.

Những người thuộc phe chàng thảng thốt đưa mắt nhìn nhau.

- Xin đại tá thứ lỗi cho, - đại tá Hêrinênđô Mackêt nhỏ nhẹ nói - Đó là một sự phản bội ạ?

Đại tá Aurêlianô Buênđya dừng ngọn bút đã chấm mực ở trên không và trút lên đầu đại tá Hêrinênđô Mackêt tất cả sức nặng quyền uy của mình:

- Nộp vũ khí cho ta, - chàng ra lệnh.

Đại tá Hêrinênđô Mackêt đứng dậy, đặt vũ khí lên bàn.

- Hãy trình diện ở trại lính, - đại tá Aurêlianô Buênđya ra lệnh cho chàng. - Anh sẽ phải chịu sự định đoạt của toà án cách mạng.

Sau đó chàng ký bản tuyên bố, trao giấy má cho các sứ giả và nói với họ:

- Hỡi các ngài, các ngài đã có giấy tờ của mình ở đấy cả rồi. Mong các ngài hãy tận hưởng chúng nhé.

Hai ngày sau đó, đại tá Hêrinênđô Mackêt bị tố cáo là kẻ phản bội, đã bị kết án tử hình. Nằm trên võng mình, đại tá Aurêlianô Buênđya cứ trơ lỳ trước mọi lời van xin khoan hồng cho đại tá Hêrinênđô Mackêt. Đêm trước ngày hành hình, bất chấp lệnh không được làm phiền chàng, Ucsula đã vào thăm chàng ngay trong phòng ngủ. Mặc bộ đồ đen tuyền phủ từ đầu đến phân, vẻ trịnh trọng khác thường, cụ đứng suốt ba phút trong lúc nói với chàng. "Ta biết mày sẽ bắn thằng Hêrinênđô, - cụ dõng dạc nói, - và ta không thể làm gì để ngăn chặn vụ hành hình này. Nhưng ta nói cho mày biết ngay sau khi thấy tử thi nó ta sẽ thề trước hài cốt của cha mẹ ta, trước vong linh của Hôsê Accađiô Buênđya, ta sẽ thề trước Thượng đế rằng dù mày trốn đi bất kỳ đâu ta cũng lôi mày ra và ta sẽ tự tay giết mày". Trước khi ra khỏi phòng, không đợi nghe con mình cãi lại, cụ kết thúc:

- Cũng như ta sẽ giết mày nếu mày sinh ra với cái đuôi con lợn.

Trong cái đêm dài đằng đẵng ấy, khi đại tá Hêrinênđô Mackêt nhớ lại những buổi chiều êm đẹp trong phòng máy may của Amaranta thì đại tá Aurêlianô Buênđya bức bối dằn vặt, cố cấu xé cho vỡ nát cái đêm dài dằng dặc, cái vỏ dai bọc quanh nỗi cô đơn của chàng. Quãng đời hạnh phúc duy nhất của chàng, kể từ buổi chiều xa xưa ấy khi cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá, đã diễn ra trong xưởng kim hoàn, nơi thời gian cứ trôi đi trong lúc chàng miệt mài đúc những con cá vàng. Chàng đã phải khơi dậy ba mươi hai cuộc nội chiến, đã nhiều lần thoát chết, và đã phải tìm kiếm vinh quang như con lợn dũi đống rác tìm kiếm thức ăn, để gần bón mươi năm sau mới phát hiện ra ý nghĩa của câu phương ngôn "ngu si hưởng thái bình", một đức tính vốn có của sự nhẹ dạ cả tin.

Vào lúc trời rạng sáng, người phờ phạc mệt mỏi bởi đêm mất ngủ hành hạ, chàng xuất hiện trong xà lim tử tù trước lúc hành hình một giờ. "Trò hề đã hết rồi, anh bạn ạ", chàng nói với đại tá Hêrinênđô Mackêt. "Chúng mình sẽ ra khỏi nơi đây trước khi muỗi kịp hành hình anh". Đại tá Hêrinênđô Mackêt không thể kìm được sự khinh bỉ của mình trước thái độ ngạo mạn kia.

- Không đi đâu hết, Aurêlianô ạ, - chàng phản đối. - Tôi thà chết còn hơn phải nhìn thấy anh trở thành con dao đẫm máu.

- Anh sẽ không thấy tôi nữa mà, - đại tá Aurêlianô Buênđya nói. - Anh hãy đi giày vào và hãy giúp tôi kết thúc cuộc chiến bẩn thỉu này.

Ngay trong lúc nói chàng vẫn chưa hình dung nổi rằng khởi sự một cuộc chiến bao giờ cũng dễ dàng hơn nhiều so với việc kết thúc nó. Chàng cần tới một năm chiến đấu đẫm máu để buộc chính phủ phải đưa ra những để nghị hoà bình có lợi cho quân khởi nghĩa và một năm nữa để thuyết phục phe cánh mình nhất trí chấp nhận những điều kiện đó. Chàng đã bước tới những thái cực không muốn của tội ác để dìm tắt các cuộc khởi nghĩa của chính các sĩ quan dưới quyền mình, những người vẫn ngoan cường chiến đấu chống lại sự bán rẻ thắng Lợi của cuộc khởi nghĩa, để rồi kết thúc bằng việc chính chàng giúp đỡ cho các lực lượng thù địch hoàn toàn thống trị họ. Chưa bao giờ chàng là một chiến binh dũng mãnh như lúc ấy. Sự nhận thức sáng rõ rằng cuối cùng mình chiến đấu vì chính sự giải phóng mình chứ không phải vì những tư tưởng trừu tượng, vì những khẩu hiệu do các chính khách có thể phất phải hoặc phất trái tuỳ theo từng hoàn cảnh cụ thể, đã truyền cho chàng một nhiệt tình phấn khích mới. Đại tá Hêrinênđô Mackêt, người chiến đấu cho sự thất bại với tất cả lòng hăng say và trung thành như trước đây từng chiến đấu vì thắng lợi, đã phản đối sự sợ hãi vô tích sự của chàng. "Anh đừng lo", chàng nói. "Chết đâu có phải là quá dễ dàng như người ta tưởng". Trong trường hợp của chàng đó là sự thật. Niềm tin vững chắc rằng ngày chết của mình sẽ được báo trước đã phú cho chàng tính bất khả xâm phạm kỳ lạ, một sự bất tử, chắc chắn đến mức khiến chàng không thể bị thương trong những lúc xông trận nguy hiểm và cuối cùng đã cho phép chàng giành được một sự thất bại còn khó khăn hơn nhiều, còn đẫm máu và phải trả giá đắt hơn nhiều so với việc giành lấy một thắng lợi.

Trong gần hai mươi năm chiến tranh, đại tá Aurêlianô Buênđya đã nhiều lần có mặt ở nhà, nhưng trạng thái vội vã mỗi lần chàng trở về, cái bộ máy quân sự ồn ĩ theo chàng đi khấp các miền đất nước cũng như vầng hào quang huyền thoại ôm toả hình ảnh chàng và ngay đối với hình ảnh của chàng trong ánh hào quang huyền thoại ấy không ai cảm thấy gần gần kể cả chính Ucsula, tất cả những cái đó đã biến chàng thành một kẻ lạ lẫm. Lần cuối cùng chàng có mặt ở Macônđô và đã sử dụng một ngôi nhà cho ba ả nhân tình của mình ở, ngoài ra chỉ thấy chàng ở nhà mình hai hoặc ba lần, khi chàng có thời gian để trở về nhà ăn cơm theo lời mời của gia đình. Rêmêđiôt - Người đẹp và hai cậu bé sinh đôi, những kẻ sinh ra ở giữa thời buổi loạn lạc, hầu như không quen biết chàng. Amaranta không tìm ra mối tương đồng giữa hình ảnh ông anh đã để cả tuổi trẻ của mình trôi đi trong xưởng kim hoàn đúc những con cá vàng với hình ảnh một chiến binh huyền thoại từng cách ly mình với phần còn lại của. nhân loại bởi một khoảng cách dài ba mét.

Nhưng khi cô biết sắp có đình chiến và nghĩ rằng một lần nữa chàng trở về làm người bình thường, và cuối cùng chàng được tự do trở lại với trái tim của những người thân, thì tình cảm gia đình, bị ngủ quên đã khá lâu, nay sống lại mạnh mẽ hơn bao.

- Cuối cùng, - Ucsula nói, - một lần nữa chúng ta lại có người đàn ông trong nhà.

Amaranta là người đầu tiên hồ nghi rằng người ta đã làm cho chàng thất bại vĩnh viễn. Một tuần trước khi đình chiến, khi chàng bước vào nhà không có lính hộ vệ, theo sau là hai lính dõng đi chân đất, những người này đặt xuống hành lang tất cả các đồ thô do la chở, và một hòm đựng thơ, vật còn lại duy nhất trong số tư trang đẹp đẽ của chàng, thì cô thấy chàng đi qua trước phòng máy may và gọi chàng. Đại tá Aurêlianô Buênđya dường như khó nhận ra cô.

- Em là Amaranta đây! - cô nói đùa, vui vẻ vì anh mình trở về và chìa cho chàng xem tấm băng đen. - Hãy nhìn này, anh.

Đại tá Aurêlianô Buênđya nhoẻn một nụ cười y hệt nụ cười chàng nhìn thấy cô băng tay lần đầu tiên, cái lần chàng trở về Macônđô bị kết án tử hình.

- Ôi, thật khủng khiếp, - chàng nói, - thời gian trôi đi sao mà nhanh thế!

Quân đội thường trực có nhiệm vụ bảo vệ ngôi nhà. Chàng trở về trong tư thế bị áp giải, bị phỉ nhổ, bị buộc tội đã làm cho chiến tranh tái phát với mục đích bán nó đắt hơn. Chàng run lẩy bẩy vì sốt và vì rét và một lẩn nữa hai nách chàng lại sưng. tấy lên. Sáu tháng trước khi nghe tin sẽ có đình chiến, Ucsula đã mở cửa và quét dọn phòng của vợ chồng chàng rồi xông trầm hương khắp các xó xỉnh mà nghĩ rằng chàng sẽ trở về tĩnh dưỡng tuổi già bên cạnh những con búp bê lâu ngày không dùng đến của Rêmêđiôt. Nhưng thực ra, trong hai năm cuối cùng chàng đã trả cho cuộc đời những gì mình được hưởng kể cả phần mình hưởng trong tuổi già. Vào lúc đi qua xưởng kim hoàn từng được Ucsula chuẩn bị khéo léo, chàng không nhận ra ngay cả đến chùm chìa khoá đã cài sẵn ở ổ khoá. Chàng không cảm nhận gì hết ngay cả những hư hỏng dù lớn dù nhỏ do thời gian trôi đi đã để lại trong ngôi nhà và rằng sau một thời gian vắng nhà rất lâu ấy nếu một người vẫn giữ sống nguyên những kí niệm của mình hẳn phải thấy đó là một tai hoạ. Chàng không mảy may đau khổ trước những vết vôi lở trên tường, trước những mạng nhện giăng khắp các xó xỉnh, trước bụi bậm phủ trên các cây thu hải đường, trước những vết mọt lỗ chỗ mắt sàng trên xà nhà, trước rêu bám trên bậu cửa. Chàng ngồi ở ngoài hiên, vẫn đi ủng và cuộn mình trong chiếc áo khoác, như thể đang đợi trời tạnh mưa, và cứ ngồi nguyên như thế suốt buổi chiều ngắm mưa rơi trên những cây thu hải đường. Lúc ấy Ucsula hiểu rằng đã lâu lắm cụ không có chàng ở nhà này.

"Nếu không phải là chiến tranh; - cụ nghĩ, - thì chỉ có thể là thần chết". Đó là một dự đoán hết sức sáng rõ, có sức thuyết phức đến mức cụ đồng nhất nó với một điềm báo. Đêm ấy trong lúc ăn tối, cậu bé mạo danh Aurêlianô Sêgunđô cầm bánh bằng tay trái và múc súp bằng tay phải. Người anh em sinh đôi với cậu, mạo danh Hôsê Accađiô Sêgunđô, cầm bánh bằng tay phải và múc súp bằng tay trái. Bọn chúng cử động thật là nhịp nhàng đến mức không thể nghĩ là hai người ngồi đối diện nhau mà đó dường như là một người ngồi nhìn vào gương. Cảnh tượng hai đứa trẻ sinh đôi đồng cảm với nhau kể từ khi chúng có ý thức rằng chúng giống nhau như đúc được lắp lại để chào đón người mới trở về. Nhưng đại tá Aurêlianô Buênđya cũng không nhận ra nó. Dường như chàng xa lạ với tất cả, ngay đến việc Rêmêđiôt - Người đẹp khoả thân đi qua để vào phòng ngủ cũng không khiến chàng để ý. Ucsula là nhời duy nhất đã dám làm khuấy đảo cơn trầm tư mặc tưởng của chàng:

- Nếu con cần phải ra đi nữa, - cụ nói với chàng vào lúc giữa bữa ăn, - thì ít ra con cũng phải làm cái gì để chúng ta còn nhớ đêm nay chúng ta đã sống như thế nào nữa chứ!

Vậy là không một chút ngạc nhiên, đại tá Aurêlianô Buênđya nhận ra rằng Ucsula là người duy nhất đã đoán biết được nỗi đau của lòng mình, và lần đầu tiên trong rất nhiều năm chàng dám nhìn thẳng vào mắt cụ. Da cụ nhăn nheo, răng cụ khấp khiễng, tóc cụ khô héo và cái nhìn trên mắt cụ đầy vẻ thảng thốt. Chàng so sánh cụ với hình ảnh xa xưa của cụ mà chàng vẫn giữ được, hình ảnh cụ trong buổi chiều chàng đã nói ra điểm báo nói rằng cái nồi canh vừa sôi sẽ đổ khỏi bàn và quả nhiên nó đã đổ xuống đất vỡ tan từng mảnh. Ngay lập tức chàng nhận ra những vết nhăn nheo, những vết sần sùi, những vết chai, những vết sẹo đã để lại trên làn da cụ trong hơn một nửa thế kỷ làm lụng vất vả và chàng nhận thấy rằng những dấu vết ấy không mảy may làm lay động lòng mình. Ngay lập tức chàng cố vội tìm trong trái tim mình cái nơi có những tình cảm dã bị mục ruỗng và chàng đã không thể tìm ra. Chí ít ra, trong lúc khác, chàng cảm thấy xấu hổ khi bỗng nhiên chàng bắt gặp hơi hám của Ucsula trên làn da mình và nhiều lần chàng cảm thấy những suy tư của cụ đã giao thoa vào những suy tư của mình. Song tất cả những cái đó đều bị chiến tranh choán hết chỗ. Ngay trong thời điểm ấy, chính Rêmêđiôt, vợ chàng, cũng là hình ảnh mờ nhạt của một người nào đó có thể là con gái chàng. Những cô gái chàng quen biết trong nỗi hiu quạnh của tình yêu và là những người để chàng gieo rắc nòi giống mình trên khắp miền duyên hải, không một ai để lại dấu ấn trong tình cảm của chàng. Phần lớn các cô ấy đã bước vào phòng chàng ngủ lúc trời tối và đã ra đi trước khi trời sáng, và ngày hôm sau họ chỉ còn là một chút hoài nhớ bâng khuâng trong ký ức chàng. Tình cảm duy nhất vẫn trụ lại trước sức tàn phá của thời gian và chiến tranh là tình cảm chàng nhớ thương người anh trai Hôsê Accađiô khi cả hai người còn là trẻ thơ, chưa hề biết đến yêu đương mà chỉ cùng nghịch ngợm thôi.

- Xin mẹ thứ lỗi cho, - chàng nói để đáp lại yêu cầu của Ucsula. - Chỉ vì cuộc chiến tranh này đã huỷ hoại hết cả.

Những ngày sau đó, chàng loay hoay lo xoá sạch dấu ấn của mình từng hiện hữu trong cõi đời này. Chàng dọn quang quẻ xưởng kim hoàn, chỉ để lại những đồ dùng nào không gợi nhớ mình, phân phát quần áo của mình cho những người lính gác, rồi với chính ý nghĩ hối hận mà cha chàng đã có khi chôn ngọn giáo đâm chết Pruđênxiô Aghila, chàng chôn vũ khí của mình ở ngoài sân. Chàng chỉ giữ lại một khẩu súng lục với độc một viên đạn. Ucsula không dám can dự vào công việc của chàng. Chỉ có một lần duy nhất cụ khuyên giải chàng, ấy là lúc chàng sắp xé bức ảnh Rêmêđiôt được giữ gìn cẩn thận ở trong phòng và được một ngọn đèn lúc nào cũng thắp toả sáng chiếu vào. "Bức chân dung này đã từ lâu không thuộc về con nữa", cụ nói với chàng. "Đó là một bảo vật của gia đình". Đêm trước ngày ký hiệp định đình chiến, khi trong nhà không còn lấy một vật gợi người khác nhớ tới mình, chàng cắp chiếc hòm đựng năm tập thơ mang đến lò nướng bánh trong lúc Santa Sôphia đê la Piêđat đang chuẩn bị nhóm lò.

- Lấy cái này mà nhóm lò, - chàng nói rồi đưa cho cô cuộn giấy đã ố vàng. - Lò sẽ mau bốc lùa hơn bởi vì toàn là của đã lâu ngày rồi.

Santa Sôphia đê la Piêđat, người phụ nữ thầm lặng, người phụ nữ díu dàng, người không bao giờ cãi lại ai ngay cả với các con mình, nhận ngay ra đó là một hành động đã bị cấm.

- Đó là những giấy tờ quan trọng đấy, - cô nói.

- Chả có gì quan trọng đâu, - đại tá nói. - Đó là những trang giấy hoàn toàn riêng tư chỉ để cho ai viết người ấy đọc.

- Vậy thì, xin ông trẻ hãy đốt hộ, - cô nói.

Không những chàng đốt giấy mà còn lấy rìu chẻ thùng ra từng mảnh rồi đưa tất cả vào lò. Trước đó mấy giờ, Pila Tecnêra đã đến thăm chàng. Sau nhiều năm không nhìn thấy bà, đại tá Aurêlianô Buênđya vô cùng ngạc nhiên thấy bà đã già đì và béo đẫy ra quá nhiều, thấy bà đã đánh mất tiếng cười vang khanh khách, nhưng chàng cũng ngạc nhiên khôn xiết trước tài bói bài chính xác của bà. "Hãy giữ miệng", bà đã bảo chàng, và chàng tự hỏi, nếu như lần khác trong tột đỉnh vinh quang mà bà bảo chàng điều đó, thì liệu nó có phải là một cái nhìn đã bất ngờ ảnh hưởng tới số phận chàng không. Sau đó ít lâu, khi viên bác sĩ bảo vệ sức khoẻ đã lau xong mủ ở hai nách, không một chút hứng thú đặc biệt, chàng chỉ hỏi ông ta tim nằm chính xác ở dâu. Viên bác sĩ đã chỉ vào chỗ tim nằm rồi lấy bông bẩn thấm thuốc đỏ vẽ lên ngực chàng một vòng tròn.

Ngày thứ tư, cái ngày ký hiệp định đình chiến bừng sáng trong quang cảnh trời mưa và thời tiết ấm áp dễ chịu. Đại tá Aurêlianô Buênđya xuất hiện ở nhà bếp trước lúc năm giờ và như thường lệ uống cà phê không đường. "Con đã chào đời vào đúng cái ngày như thế này", Ucsula bảo chàng. "Tất cả mọi người ai cũng phải ngạc nhiên trước đôi mắt mở thao láo của con". Chàng không chú ý nghe cụ nói, bởi vì đang lắng nghe quân lính chuẩn bị, lắng nghe những hồi kèn đồng báo thức vang lên lanh lảnh và những tiếng hô ra lệnh đang làm xốn xang buổi bình minh. Dù sau nhiều năm chiến tranh, những tiếng động ấy dường như đã thân quen với chàng nhưng lằn này chúng lại khiến chàng có cảm giác rụng rời ở nơi đầu gối, có cảm giác rờn rợn nơi làn da từng cảm thấy trong tuổi thanh xuân khi đứng trước một người đàn bà khoả thân. Chàng nghĩ một cách hỗn độn, vào lúc đã bị nhất trong cạm bẫy của nỗi cô đơn, rằng nếu mình lấy cô gái ấy hẳn mình đã là một người đàn ông không lăn lộn trong chiến tranh và không mang quang vinh, đã là một thợ thủ công bình thường không tên tuổi, một con đực hạnh phúc. Chính cảm giác buồn muộn màng ấy, vốn không nổi bật lên trong các dự kiến của chàng, khiến chàng ăn sáng mà thấy đắng miệng. Vào lúc bảy giờ sáng, khi đại tá Hêrinênđô Mackêt đến tìm chàng để cùng đi trong nhóm sĩ quan cách mạng, đã bắt gặp chàng lầm lỳ, suy tư, cô đơn hơn bao giờ hết. Ucsula định khoác lên vai chàng chiếc áo khoác mới. "Chính phủ sẽ nghĩ như thế nào", cụ nói với chàng, "Họ sẽ nghĩ rằng con đầu hàng chẳng qua là vì con đã khánh kiệt tới mức không mua nổi một chiếc áo khoác". Nhưng chàng vẫn không chịu nhận chiếc áo khoác. Khi đã ra tới cửa, vì nhìn thấy trời vẫn mưa nên chàng đã để cụ đội cho mình chiếc mũ nỉ cũ của Hôsê Accađiô Buênđya.

- Aurêlianô con ạ, - lúc ấy cụ kịp nói với chàng, - hãy hứa với mẹ rằng nếu ở đấy con gặp điều rủi ro thì con hãy nghĩ tới mẹ mình. Hứa đi con!

Với cụ chàng mỉm một nụ cười lơ đễnh, giơ bàn tay xoè rộng năm ngón, rồi không nói lấy một lời chàng ra khỏi nhà mình để chường mặt trước những tiếng gào thét, những lời chửi bới và nguyền rủa theo chàng cho đến tận cổng làng. Ucsula cài thật chặt then cửa với ý định sẽ không mở trong suốt quãng đời còn lại của cụ. "Chúng ta sẽ chết mục trong. nhà", cụ nghĩ. "Chúng ta thà để tro phủ kín người ở trong ngôi nhà không có đàn ông này, chứ nhất định không để cho dân làng khốn nạn này thích thú nhìn chúng ta khóc"... Cả buổi sáng ấy cụ lực khắp các xó kín để tìm một kí niệm của con mình nhưng không sao tìm nổi.

Buổi lễ ký kết được tổ chức ở một địa điểm cách Macônđô chừng vài chục kilômét, ngay dưới bóng một cây gạo khổng lồ mà sau này thị trấn Neclanđia được thành lập. Đại biểu của chính phủ, của các đảng phái, của đội quân nộp súng đầu hàng được một nhóm ồn ĩ các cô nữ tu sĩ mặc áo trắng phục vụ, nom các cô giống như đàn bồ câu đang hoảng hốt trước trời mưa. Đại tá Aurêlianô Buênđya cưỡi trên lưng một con lừa lấm bê bết bùn đến địa điểm. Chàng không cạo râu, chàng đau đớn bởi cơn nhức nhối do nách sưng tấy hơn là do sự thất bại khủng khiếp của các mơ ước của chàng, bởi lẽ chàng đã đạt tới điểm tận cùng của mọi niềm tin, nó hơn cả vinh quang và hơn cả nỗi luyến tiếc vinh quang. Theo đúng như điều chàng đề nghị, buổi lễ không có âm nhạc, không có pháo nổ, không có chuông ngân reo vui, không có lời tung hô, không làm theo bất kỳ một kiểu phô trương hình thức nào để có thể làng đảo lộn tính chất tang tóc của lễ ký hiệp định đình chiến. Một bác phó nháy lưu động, vì chụp được ảnh chàng - tấm chân dung này có thể được lưu giữ - đã bị buộc phải huỷ ngay toàn bộ số phim mà không cần phải kiểm tra từng cái một.

Buổi lễ hầu như diễn ra trong thời gian vừa đủ để cho chữ ký ráo mực. Các sĩ quan, còn trung thành đến phút chót với đại tá Aurêlianô Buênđya ngồi xung quanh một chiếc bàn mộc thô đặt ở chính giữa rạp xiếc cũ, nơi có các đại biểu ngồi. Trước khi ký văn bản, vị đại diện cho Tổng thống nước cộng hoà định đọc to văn bản đầu hàng, nhưng đại tá Aurêlianô Buênđya đã kịp phản đối. "Không nên mất thời giờ trong các nghi thúc", chàng nói rồi định ký mà không cần đọc lại các văn bản. Một trong số các sĩ quan của chàng lúc đó phá vỡ cái không khí lặng lẽ đến mức nặng nề trong rạp xiếc.

- Thưa đại tá, - người ấy nói, - xin đại tá làm ơn đừng để chúng ta là những người ký trước ạ?

Đại tá Aurêlianô Buênđya dừng lại. Văn kiện đã đi một vòng quanh bàn trong không khí yên tĩnh tuyệt đối đến mức có thể đọc được các chú ký nhờ ngọn bút vẽ nguệch ngoạc trên giấy.

Chỗ ký đầu tiên vẫn còn để trống. Đại tá Aurêlianô Buênđya sẵn sàng đặt bút ký vào.

- Thưa đại tá, - lúc đó một viên sĩ quan khác của chàng nói, - ngài vẫn còn đủ thời gian để ký ạ.

Không hề mất bình tĩnh, đại tá Aurêlianô Buênđya ký bản sao thứ nhất. Chàng vẫn chưa ký bản sao cuối cùng thì ở ngoài cửa rạp xuất hiện một đại tá quân khởi nghĩa trẻ măng đang nắm cương một con lừa cái thồ hai chiếc hòm. Mặc dù đang lúc còn trẻ măng, người ấy để lộ vẻ điềm tĩnh đầy chua chát. Đó là người giữ công quỹ của lực lượng cách mạng ở quanh vùng Macônđô. Chàng trẻ tuổi đó phải trải qua sáu ngày đường cực nhọc, lôi chú lừa lả đi vì đói để đến kịp giờ ký kết hiệp định đình chiến. Với điệu bộ thư thả của người đang thất vọng, chàng trẻ tuổi dỡ hai chiếc hòm, mở tung chúng ra, rồi đặt lên bàn bảy mười hai viên gạch vàng từng viên từng viên một. Không một ai nhớ số của cải kếch sù ấy vẫn còn. Trong năm chiến tranh cuối cùng đầy biến động khi bộ chỉ huy trung ương bị vỡ từng mảng và cuộc cách mạng biến chất thành một cuộn đánh lộn đẫm máu giữa các viên tư lệnh, thật khó mà xấc định được bất kỳ một trách nhiệm nào thuộc về ai. Số vàng của quân khởi nghĩa, vốn bị nung chảy thành từng cục và sau đó được phủ một lớp bùn nung, trên thực tế không được một ai kiểm soát. Đại tá Aurêlianô Buênđya bảo liệt ghi bảy mươi hai viên gạch vàng ấy vào danh sách của cải do phía quân cách mạng đầu hàng giao cho chính phủ rồi kết thức lễ ký kết mà không cho phép ai đọc diễn văn. Anh thanh niên gầy còm xanh tái ấy vẫn đứng trước mặt chàng với đôi mắt màu hổ phách nhìn thẳng vào mắt chàng.

- Còn gì nữa chàng trẻ tuổi? - đại tá Aurêlianô Buênđya hỏi.

Đại tá trẻ tuổi nghiến hai hàm răng lại:

- Chứng từ! - chàng trẻ tuổi nói.

Đại tá Aurêlianô Buênđya chìa cho anh chứng từ do chính tay chàng viết. Sau đó, chàng uống một cốc nước chanh và một chiếc bánh biscô do các cô nữ tu sĩ phân phát; rồi chàng đi về một trong những gian lều người ta chuẩn bị sẵn nếu chàng muốn nghỉ ngơi. Tại đây, chàng cởi áo sơ mi, ngồi lên mép chiếc giường một. Vào lúc ba giờ mười lăm chiều, chàng chĩa mũi súng lục vào ngay vòng tròn do viên bác sĩ bảo vệ sức khoẻ lấy thuốc đỏ vẽ lên ngực mình rồi bóp cò. Ở Macônđô vào đúng cái giờ ấy Ucsula mở vung nồi sữa nấu trên bếp lửa, ngạc nhiên thấy rằng sao nó lâu sởi thế và cụ thấy giòi bọ đầy trong nồi sữa.

- Người ta đã giết Aurêlianô rồi, - cụ thảng thốt kêu lên.

Cụ nhìn ra sân, ngoan ngoãn vâng theo thói quen cô đơn của mình, rồi lập tức cụ nhìn thấy Hôsê Accađiô Buênđya, người đầm đìa nước mưa vẻ buồn bã vì trời mưa và già đi rất nhiều so với lúc cụ mất. "Người ta đã giết nó vì tội phản bội, - Ucsula bình giá, - và chẳng một ai làm ơn vuốt mắt cho nó". Đêm xuống, qua làn nước mắt cụ nhìn thấy những cái đĩa tròn vàng óng ánh màu da cam vù vù bay trên trời giống như những tia chớp và cụ nghĩ đó là dấu hiệu của thần chết. Cụ vẫn ngồi dưới bóng cây dẻ, gục đầu trên đầu gối chồng mình mà sụt sùi khóc, trong lúc người ta khiêng đến cho cụ đại tá Aurêlianô Buênđya, với đôi mắt mở trừng trừng đầy giận dữ cuộn mình trong chiếc áo khoác bê bết máu khô.

Chàng không bị nguy hại đến tính mạng. Viên đạn xuyên một đường thẳng tắp qua ngực chàng đến mức viên bác sĩ lấy một sợi dây đã dấm thuốc đỏ luồn từ ngực ra sau lưng. "Đây là tác phẩm tuyệt vời của tôi", ông ta nói với chàng vẻ sung sướng. Đó là điểm duy nhất mà một viên đạn xuyên qua không hề gây thương tổn cho bất kì bộ máy bên trong nào". Đại tá Aurêlianô Buênđya thấy xúm quanh mình là các cô nữ tu sĩ khốn khổ đang tụng những bài nhã ca buồn thương cầu cho vong linh chàng được thảnh thơi nơi yên nghỉ vĩnh hằng và lập tức chàng hối hận đã không bắn ngay vào hàm ếch miệng mình như chàng đã dự tính và chàng đã không bắn như vậy chỉ là để chế giễu lời phỏng đoán của Pila Tecnêra.

- Nếu ta vẫn còn quyền lực, - chàng nói với viên bác sĩ - ta sẽ bắn chết anh mà không cần phải xét hỏi. Không phải vì anh đã cứu sống ta mà vì anh đã biến ta thành trò cười cho thiên hạ.

Việc tự vẫn không thành đã trả lại cho chàng uy danh từng mai một. Chính những người mọc chuyện cho là chàng bán rẻ chiến tranh để lấy ngôi nhà với bốn bức tường xây toàn gạch bằng vàng đã khẳng định sự tự vẫn ấy là một hành động cao thượng và do đó đã tuyên bố chàng là một người tuẫn tiết. Sau đó, khi chàng từ chối Huân chương Công Huân do ngài Tổng thống nước Cộng hoà tặng thì ngay đến cả những kẻ tử thù cũng đã phải lần lượt đến diễu hành qua phòng ngủ của chàng để yêu cầu chàng không công nhận các điểm trong bản hiệp định đình chiến và khơi dậy một cuộc chiến tranh mới. Vì cảm động trước sự ủng hộ rộng lớn của các bạn chiến đấu cũ, đại tá Aurêlianô Buênđya không từ chối khả năng thoả mãn ý nguyện của họ. Trái lại, đã có lúc dường như chàng quá phấn chấn trước ý nghĩ về một cuộc chiến tranh mới mà đại tá Hêrinênđô Mackêt nghĩ rằng chỉ chờ một cái cớ nào đó nó sẽ được tuyên bố ngay. Quả nhiên, nguyên cớ đã xuất hiện khi ngài Tổng thống nước Cộng hoà từ chối việc trợ cấp khoản lương hưu chiến tranh cho các cựu chiến binh kể cả phe Tự do cũng như phe Bảo hoàng một khi mỗi hồ sơ cá nhân chưa được xem xét và luật trợ cấp lương hưu chiến tranh chưa được Quốc hội thông qua. "Đó là một sự lạm dụng", đại tá Aurêlianô Buênđya nổi cáu, "Rồi người ta sẽ chết già hết trong lúc chờ đợi thư từ phúc đáp". Lần đầu tiên chàng bỏ trống chiếc ghế xích đu do Ucsula mua để chàng tĩnh dưỡng, đi đi lại lại trong phòng đọc một bức điện dứt khoát gửi ngài Tổng thống nước Cộng hoà. Trong bức điện này chàng tố cáo những vi phạm đầu tiên của phía chính phủ đối với hiệp định đình chiến Neclanđia và đe doạ sẽ tuyên bố chiến tranh nếu như lương hưu không được giải quyết trong vòng mười lăm ngày. Thái độ của chàng rất đúng đắn đến mức nó cho phép chờ đợi sự ủng hộ của tất cả, ngay cả sự đồng tình của các cựu chiến binh thuộc phái Bảo hoàng. Nhưng lời phúc đáp duy nhất của chính phủ là sự tăng cường lính gác trước cửa nhà với lí do để bảo vệ ngôi nhà và cấm ngặt tất cả các cuộc lui tới thăm viếng. Những biện pháp tương tự cũng đã được áp dụng trong toàn quốc đối với các tướng lĩnh bị quản thức. Đó là một chiến dịch rất đúng lúc, rất thô bạo và cũng rất hiệu nghiệm đến mức hai tháng sau hiệp định đình chiến, khi đại tá Aurêlianô Buênđya bình phục hoàn toàn, những người bạn chiến đấu gần gũi nhất của chàng đều đã chết hoặc đã bị trục xuất hoặc đã hoàn toàn quy phục trước ách quản thúc công khai.

Vào tháng chạp, đại tá Aurêlianô Buênđya bước ra khỏi phòng ngủ và chỉ cần liếc mắt nhìn hành lang là đủ để chàng không còn nghĩ đến chiến tranh nữa. Với sức sống dường như không thể có ở tuổi mình, Ucsula đã làm tất cả để thanh xuân hóa ngôi nhà. "Giờ thì họ sẽ biết ta là ai", cụ nói khi biết chắc con mình sẽ sống. "Trong thị trấn này sẽ không có ngôi nhà nào sang trọng hơn, mở rộng cửa đón gió bốn phương hơn là ngôi nhà những người điên này". Cụ sai lau chùi nhà, quét vôi nhà, thay mới bàn ghế giương tủ, sửa lại vườn hoa và trồng thêm hoa mới rồi mở toang mọi cửa: cửa ra vào và cửa sổ, để ánh sáng mùa hè rực rỡ tràn vào tận phòng ngủ. Cụ quyết định thôi để tang những người thân chết kế tiếp nhau, và hình cụ cũng mặc lại những bộ váy áo đậm màu xuân trẻ thay cho những bộ váy áo cũ quá xuềnh xoàng. Âm nhạc lại vang lên từ cây đàn pianô tự động khiến cho không khỉ trong nhà thêm vui tươi hơn. Vào lúc nghe âm nhạc ấy, Amaranta lại da diết nhớ Piêtrô Crêspi, nhớ bông hoa dành dành ngà vàng cài trên ve áo, nhớ mùi oải hương lan tỏa từ người chàng. Và tự trong trái tim héo hắt của cô đã bừng nở một tình cảm trong sáng, được thanh sạch nhờ thời gian. Một buổi chiều dọn dẹp cho gọn gàng phòng khách, Ucsula đã nhờ các chú lính gác ngôi nhà giúp cho một tay. Người chỉ huy trẻ tuổi của đội gác cho phép cụ. Dần dà, Ucsula nhở họ làm hộ cả những việc khác. Cụ mời họ ăn cơm, cho họ quần áo và giày tất, dạy họ học đọc học viết. Khi chính phủ bỏ việc canh gác, một trong số những người linh ấy đã ở lại nhà hầu hạ cụ trong nhiều năm.

Ngày tết Năm mới bừng sáng với việc người chỉ huy trẻ tuổi của đội gác, cuồng điên trước những hành vi vô ý vô tứ của Rêmêđiôt - Người đẹp, đã chết vì tình ngay bên cạnh cửa sổ phòng cô gái.