Tôtem Sói

Chương 28

Thế Dân (Đường Thái  Tôn - người dẫn chú)  từ khi khởi binh đến nay, trải qua mười trận đánh luôn dẫn đầu quân sĩ thúc ngựa vào sâu trong lòng địch, bao hiểm nguy mà không một lần bị thương vì cung tên.

...

... Thế Dân tự tay giết mấy chục người, hai đao đều sứt mẻ, máu đầy tay áo, hong khô đánh tiếp.  Binh sĩ lại hăng hái tiến lên.

...

Hoàng thượng (Đường Thái Tôn - người dẫn chú) nói: "... đạo dùng binh, thấy lợi phải tiến nhanh, thấy bất lợi phải rút nhanh."

Tư Mã Quang "Tư trị thông giám, Quyển 190"

Như trên. Quyển 184"

Như trên. Quyển 196"

Sau mấy trận mưa lớn, sông suối vùng Ơlon đầy ắp nước, diện tích mặt hồ mở rộng, bãi cỏ bên hồ biến thành chỗ trũng cho hàng vạn vịt con tập bay và săn mồi.  Đồng thời nạn muỗi ập tới thảo nguyên vùng biên.

Với thanh niên trí thức Bắc Kinh, nạn muỗi còn đáng sợ hơn tuyết lớn, cỏ sạch, bão tuyết, hỏa hoạn.  Muỗi vùng Ơlon nhiều như không khí, bất cứ đâu mũi đều hít phải muỗi.  Nếu không đội  mũ chống muỗi, đứng bất cứ đâu mũi đều hít phải muỗi.  Đồng cỏ phía đông và quãng giữa giáp biên giới là nơi muỗi nhiều nhất, dày đặc nhất, điên cuồng nhất trên thế giới.  Vùng này nhiều sông hồ, cỏ mọc dày và rậm, đặc biệt có rất nhiều hang rái cá cạn để muỗi yên ổn qua mùa đông.  Muỗi tha hồ hút máu sói, máu người, máu bò máu cừu máu ngựa, và máu thỏ máu rắn máu cáo máu rái cá máu dê vàng.  Gần đây, đàn muỗi hút máu sói đã hành hạ một thanh niên trí thức mười sau tuổi đến mất trí, phải đưa về Bắc Kinh.  Những đàn muỗi hút nhiều máu sói, tính hoang dã còn điên cuồng hơn sói, bu vào tất cả những con vật bất kể máu nóng máu lạnh trên thảo nguyên.

Ở bãi chăn mới, trước đó muỗi đã yên ổn qua mùa đông, nên nạn muỗi ở đây càng nghiêm trọng.

Buổi chiều, Trần Trận nằm trong màn đọc sách một lúc bèn đội lên đầu chiếc mũ chống muỗi vốn là mũ của người nuôi ong bước ra ngoài căn lều bị bít kín, ra chỗ con sói bị đàn muỗi bao vây.  Đây là giờ phút đàn muỗi chuẩn bị tổng công kích trong ngày, vừa ra khỏi lều, Trần Trận đã rơi vào một không khí khủng bố đầy tiếng vo vo như thời chiến.

Muỗi vàng Ơlon to lớn, mang trí tuệ sói nhưng liều mạng hơn sói.  Ngửi thấy mùi động vật là chúng lao tới chích, không chần chừ, không thăm dò, không hề có chiến lược chiến thuật, bay tới như phi tiễn phi trâm, mặc  dù bị phất trần bằng lông đuôi ngựa, đuôi bò quật chết vô số, vẫn ào tới như đàn ong.  Những đàn tiếp theo say máu, càng điên cuồng hung hãn.

Khung màn che trước mắt Trần Trận khoảng một thước vuông, loáng cái đã bu đầy muỗi vàng.  Cậu chớp mắt điều chỉnh tiêu cự, thấy mỗi mắt vải là một con muỗi thò vòi vào bên trong như những kim tiêm, dùng phất trần lông đuôi ngựa quét mạnh một nhát, vài chục con muỗi rơi xuống, nhưng chỉ chớp mắt miếng vải che lại đã bâu kín, đành phe phẩy như quạt mới nhìn thấy mọi vật trước mặt.  Trần Trận ngẩng nhìn trời, đàn muỗi như đang chuẩn bị tác chiến, bay dày đặc trên đầu cậu chỉ cách không đến hai mét, thảo nguyên như bùng lên ngọn lửa chiến, bao trùm một lớp như khói vàng, Trần Trận nghĩ, thật sự đáng sợ trên thảo nguyên chưa phải "khói sói" mà phải là "khói vàng" do đàn muỗi tạo nên.  Mùa này, người và gia súc trên thảo nguyên thật sự bước vào cuộc chiến tranh với muỗi.

Trần Trận quan sát thật kỹ đàn muỗi để chuẩn bị cho phiên gác đêm.  Cậu nhận ra hôm nay không những nhiều muỗi, mà con muỗi cũng to lạ. Chúng bay, không nhìn thấy cánh mà chỉ thấy thân muỗi màu vàng.

Con ngựa bạch của Trần Trận không dám ăn cỏ từ lâu.  Lúc này nó đứng trên khoảng trống trong chuồng sói.  Chỗ này không có cỏ, mặt đất phủ đầy phân bò, muỗi tương đối ít, nhưng vẫn bu đầy như trấu trên mình ngựa.  Con ngựa thấy chủ dùng phất trần đuổi muỗi thì cà nhắc cà nhót đi tới.  Trần Trận vội bước lên giúp ngựa cởi dây da cột chân, dắt ngựa ra chỗ xe bò muỗi ít hơn, phủ lên lưng ngựa tấm vải lót yên.  Con ngựa luôn lắc đầu, dùng đuôi đuổi muỗi ở bụng, hai chân và trên lưng, còn như phía trước thì dùng mõm đối phó.  Hàng triệu con muỗi dùng hai chân trước vạch lông ngựa, thò vòi hút máu, chỉ lát sau bụng muỗi tròn căng, trên mình ngựa như mọc lên những hạt cẩu kỷ tử đỏ lựng.  Con ngựa bạch vẫn quật đuôi, mỗi nhát quật, đuôi ngựa bê bết máu.  Đuôi ngựa quả thực có tác dụng vô cùng to lớn trong phạm vi thế lực của nó.  Con ngựa bạch giờ đã thành con ngựa hồng mình đầy máu như vừa đánh nhau với đàn sói trở về.

Trần Trận dùng phất trần vụt mạnh lên lưng và hai chân trước đuổi muỗi cho ngựa. Con ngựa cảm động nhìn chủ gục gặc đầu.  Đàn muỗi hết lớp này đến lớp khác, trên mình ngựa lúc nào cũng bu như trấu, như rắc lên một lớp cẩu kỷ tử.

Trần Trận rất nhớ sói con, vội chạy về chuồng sói.  Cái hang nước đầy một nửa, sói con không thể chui xuống tránh muỗi.  Lông mỏng, nó không còn cách nào chống muỗi tiêm chích.  Nhưng chỗ lông thưa hoặc không có lông như mũi tai đầu bụng và cả bốn bàn chân lộ ra.  Sói con lúc này đã bị đàn muỗi hành cho phát điên.  Đàn muỗi thảo nguyên hình như phát hiện máu sói bổ nhất, nên bu tới như một đám khói vàng dày đặc.  Sói con lăn lộn trên mặt đất, đến lúc không chịu nổi thì điên cuông nhảy nhót, nhảy mệt không dám thè lưỡi, sợ muỗi chui vào họng.  Lát sau, sói con nằm sấp, hai chân sau ít lông gặp dưới bụng, hai chân trước che mũi.  Trần Trận không ngờ tiểu bá vương mà bị muỗi làm cho nhếch nhác đến thế, y như hành khất bị đòn.  Nhưng mắt sói thì vẫn rất có thần, ánh mắt biểu thị một sức mạnh quật cường không dễ khuất phục.

Trời ngày càng oi bức, đàn muỗi bay trên đầu bị khí áp thấp dồn nén không tản đi.  Trần Trận dùng phất trần đuổi muỗi cho sói con và dùng tay vuốt muỗi trên đầu trên người nó, mỗi cái vuốt là một nắm "trấu", mỗi cái vuốt là tay đầy máu.  Trần Trận thấy xót xa quá.  Máu này cậu phải đổi bằng thời gian và tâm huyết.  Sói con sung sướng liếm máu nó trên tay cậu, lại còn tì vào đầu gối cậu để gãi ngứa, đầu gối cậu dính đầy lông sói thấm máu.  Sói con thực sự coi Trần Trận là cứu tinh, bám chắc không buông, ánh mắt cảm kích.  Trần Trận lại nghĩ tới đàn sói bên ngoài.  Thử so sánh, cỏ ở khu lều trại thì đã gặm hết, còn trảng cỏ trong núi muỗi càng nhiều, đàn sói nhất định khổ hơn sói con: chui vào hang, đàn muỗi vào theo; chạy xuôi gió, nhưng trước mặt vẫn có đàn muỗi khác.  Rái cá cạn không bắt được, cứ cho là bắt được một ocn, không đủ bù cho tổn thất do muỗi hút máu gây ra.  Ông già Pilich nói: Sau nạn muỗi là nạn sói, đàn muỗi biến đàn sói thành sói đói, sói điên, người và gia súc sẽ lãnh đủ.  Thảo nguyên sợ nhất hai tai hoạ cùng lúc ập đến, nhất là nạn muỗi và nạn sói. Những ngày này mọi người bàng hoàng.

Sói con rõ ràng quá mỏi mệt nhưng không bị gầy đi.  Mỗi ngày đêm nó không biết bị muỗi hút mất bao nhiêu máu, lại còn phải tăng cường vận động một cách vô bổ.  Trước nạn muỗi hoành hành, sói con càng ương bướng những cuộc oanh tạc của đàn muỗi không mảy may ảnh hưởng tới sức ăn và khẩu vị của nó.  Nạn muỗi cuối hè khiến đàn gia súc bị bệnh tăng, Trần Trận luôn đem cừu chết về nuôi sói con.  Sói con ăn gấp đôi để chống trả sự bóc lột quá đáng của đàn muỗi và sự giày vò về tinh thần do muỗi gây ra.  Trong tai họa, sói con vẫn lớn vẫn béo.  Trần Trận như một gia trưởng dễ tính, không bắt buộc hoặc khuyên nhủ con cái học hành.  Sói con chỉ cần cậu làm tốt một việc: Bữa nào cũng no.  Chỉ cần có thịt ăn có nước uống, tai hoạ tày trời sói con cũng chịu đựng được, hơn nữa, ngày nào cũng có thành tích để báo cáo.  Trần Trận nghĩ, người nào đã từng nuôi sói, có lẽ không bao giờ yêu cầu quá cao đối với con mình, không nên nói "mong con thành rồng", mà ngay "mong con thành sói" cũng đã quá tầm với, quá viển vông.

Sói con nhảy dựng lên như mắc bệnh tâm thần, không hiểu có con muỗi vàng nào chui vào chỗ bụng dưới, chích một phát vào chim khiến nó đau điếng, phải thay đổi tư thế tránh muỗi: giơ cao chân sau, rúc đầu vào bụng dưới dùng răng gãi chim.  Nhưng nó vừa giơ cao chân sau, lập tức mấy trăm con muỗi đói hè nhau chui vào đậu kín bụng dưới khiến sói con thiếu nước cắn đứt cái ấy.

0O0

Trần Trận để sói con ở nhà, cậu cầm liềm, cõng sọt đan bằng cành liễu, rảo bước đến Khe Tây cắt ngải.  Năm xưa muỗi ít, Trần Trận có lần đi cùng Caxumai cắt ngải.  Sau khi chuyển đến bãi chăn mới, mưa nhiều, Trần Trận đã biết những nơi nào có ngải.  Mưa nhiều dẫn đến đại hoạ muỗi, và cũng đem lại cho thảo nguyên từng đám ngải xanh tốt.  Đàn muỗi bước sang giai đoạn hung hãn nhất cũng là lúc cây ngải toả mùi ngào ngạt.  Trần Trận ngẩng nhìn trời, cậu nghĩ, nếu như không có cây ngải thì dân tộc thảo nguyên làm sao trụ lại trên thảo nguyên?

Lũ chó sợ muỗi không đi theo, đều nằm dưới cỗ xe bò tránh muỗi, tránh nắng.  Trần Trận đi về phía Khe Tây, cậu trông thấy đàn cừu của tổ ăn cỏ trên mỏm núi thuận gió ít cỏ nhiều đá, chỉ ở đó, đàn cừu mới được đảm bảo.  Các dương quan đều đội mũ chống muỗi, tuy nóng đến tức thở, nhưng không ai dám bỏ mũ ra.

Dưới khe cỏ rậm gió không lọt, muỗi nhiều, Trần Trận mồ hôi đầm đìa, áo ngoài bằng vải thô ướt một mảng lớn.  Những con muỗi to chọc vòi qua làn vải cứng, chọc không vào, rút không ra.  Thế là trên quần áo Trần Trận có những con muỗi bay tại chỗ vì vòi bị kẹt ở đấy.  Cậu cũng không buồn lôi chúng ra, kệ cho chúng bay đến kiệt sức mà chết, nhưng chỉ lát sau bả vai đau nhói, đập một phát, bàn tay có bông hoa máu.

Bước gần bãi ngải, quả nhiên muỗi ít hẳn đi, những cây ngải cao hơn một mét, thân cành màu xanh xám, mặt lá có lớp lông tơ mịn. Cây ngải vị đắng, bò cừu ngựa không ăn, do vậy mọc tràn lan.  Trần Trận thấy những bụi ngải rậm mà cao thì cảnh giác đi chậm lại, nắm chắc chuôi liềm, hạ thấp người xuống chuẩn bị đối phó.  Những dương quan có tuổi thường nhắc nhở đám thanh niên trí thức, rằng sói trốn muỗi thường đánh lăn để hương ngải thấm vào người, tạo nên một thứ áo giáp chống muỗi.

Không đem theo chó nên Trần Trận không dám vào sâu.  Cậu quát lên hai tiếng, đợi một lát rồi chậm rãi bước vào đám ngải.  Trần Trận như gặp cỏ tiên, xông vào những bụi rậm nhất mà cắt, nhựa bám xanh cả lưỡi liềm.  Không khí sặc mùi ngải cứu.  Cậu há miệng ra thở, mong lục phủ ngũ tạng được hương ngải bao bọc.

Trần Trận cắt đầy một sọt những cây ngải cả cành lẫn lá, rảo bước về nhà.  Cậu bứt một nắm lá ngải non chà lên mu bàn tay, quả nhiên chỗ duy nhất lộ ra mà không bị muỗi đốt.

Về đến nhà, Trần Trận khơi to lửa trong lò bỏ vào rất nhiều phân khô, lôi trong sọt đan bằng cành liễu bảy tám cái chậu vỡ, chọn lấy cái to nhất bỏ vào mấy cục phân khô cháy đỏ rồi bỏ một nắm lá ngải lên trên.  Một làn khói trắng sặc mùi ngải cứu bay lên.

Gió thổi nhẹ, khói trắng trùm lên chuồng sói con.  Trên thảo nguyên, ngải là khắc tinh của muỗi vàng, khói ngải bay đến đâu muỗi bỏ chạy đến đó, đang hút máu dở cũng rút vòi bỏ chạy.  Trong nháy mắt, quá nửa đàn muỗi trong chuồng đã mất dạng.

Khói ngải đã giải vây cho sói con, nhưng sói con tá hỏa tam tinh khi thấy lửa và khói trắng.  Nó run lẩy bẩy, ánh mắt sợ sệt, nhảy như choi choi, lùi ra tận mép chuồng phía sau cho đến khi căng xích mới dừng lại nhưng vẫn nháo nhác.  Sói con cũng như sói đàn sợ lửa sợ khói, sợ đến nỗi quên cả muỗi đốt, chạy bán chết tránh xa khói.  Trần Trận đoán thảo nguyên ngàn năm thường xuyên bị lửa và khói tập kích.  Trong cơ thể sói con có dòng máu di truyền sợ khói sợ lửa của tổ tiên.  Trần Trận lại thêm một nắm lá ngải, dịch cái chậu cho khói trùm lên sói con.  Cậu phải luyện cho sói con quen với khói lửa, đó là biện pháp duy nhất giúp nó chống được muỗi.  Trên đồng hoang, sói mẹ dẫn con lên núi hoặc rúc vào bụi ngải tránh muỗi, còn ở khu lều trại, Trần Trận đảm nhiệm vai trò của sói mẹ, dùng khói ngải đuổi muỗi cho sói con.

Khói trắng cuồn cuộn, sói con giằng giật gần như bị nghẹt thở nhưng Trần Trận không vì thế mà mềm lòng, tiếp tục thêm lửa, thêm ngải, cuối cùng sói con mệt quá bất động, đành run rẩy trong khói trắng.  Sói con tuy sợ khói trắng, nhưng hình như nó nhận thấy dễ chịu dần, tiếng vo vo của đàn muỗi bao vây nó mấy ngày đêm đã biến mất, những con trùng biết bay đáng ghét không thấy nữa.  Nó cảm thấy kỳ quặc quay đầu nhìn tứ phía, lại cúi xuống nhìn bụng, lũ côn trùng nhỏ đốt nó giãy nảy cũng không biết đi đâu.  Sói con ngạc nhiên mừng rỡ, tinh thần phấn chấn hẳn lên.

Khói trắng tiếp tục tuôn ra, sói con chỉ cần nằm co là đủ.  Nhưng trong chậu đột nhiên loé lửa, sói con sợ chạy ra phía sau, chỗ không đúng luồng khói, đàn muỗi lập tức tấn cong khiến nó lại nhảy dựng lên cuống quýt che mặt, gần như không chịu đựng nổi, vùng chạy quan chuồng mười mấy vòng thì tốc độ chậm dần, hình như nó nhận ra có chỗ muỗi nhiều, chỗ muỗi ít, chỉ cần chạy vào làn khói, muỗi bám trên người lập tức bay hết; chỉ cần ra khỏi làn khói, đảm bảo mũi bị luôn mấy phát.  Sói con tròn mắt ngạc nhiên nhìn khói trắng, đồng thời ngày càng dừng lại lâu hơn ở chỗ có khói trắng, nó chuyển hướng nhanh như chớp thăm dò sự vật mới, nhưng nó vẫn còn sợ khói, vẫn còn chần chừ khi từ vùng không khói chạy vào vùng khói.

Mấy con chó lớn trước sau nấp dưới cỗ xe bò phát hiện khói trắng rất nhanh.  Chó lớn ở thảo nguyên đều biết công dụng của ngải.  Mắt rực sáng, chúng dẫn đàn chó nhỏ chạy tới hong khói.  Vừa vào trong luồng khói, những con muỗi trên người lập tức biến mất.  Chó lớn bắt đầu chọn chỗ khói không đậm không nhạt nằm dài ra, coi như được ngủ bù.  Lũ chó cún chưa được hưởng khói lá ngải bao giờ, ngây thơ tranh nhau nhảy vào giữa làn khói, vui mừng, hớn hở và cũng tranh nhau chỗ nằm.  Lát sau trên cái chuồng chật hẹp có sáu con chó nằm đấy, khiến sói con cứ trố mắt nhìn.

Sói con rất phấn khởi, mắt nhắm tít, miệng trễ ra, đuôi dựng lên.  Ngày thường nó năm lần bảy lượt thật lòng mời lũ chó đến chỗ nó chơi nhưng bọn chó không nhận lời.  Hôm nay bỗng tất cả không mời mà đến, ngay cả Ilua vốn ghét nó cũng đến, khiến sói con vô cùng hả hê, coi như được năm, sau rái cá cạn cũng không vui bằng.  Sói con nhất thời quên sợ.  Nó xông vào giữa làn khói trèo lên lưng Ilua mà nhảy múa, lúc thì ôm con cún cái lăn lộn đùa rỡn.  Sói con cô đơn bỗng có cả một gia đình lớn.  Nó như được tất cả thành viên trong gia đình đến thăm, mừng quá, muốn ôm hôn cho đã, ngửi và liếm cho đã. Trần Trận chưa bao giờ thấy sói con vui vẻ đến như thế, mắt cậu nhoè đi...

Chó nhiều khói ít, khói ngải xem ra không đủ.  Sói con vốn là chủ nhân, nay tự dưng biến thành khách, bị lũ chó chen bật ra.  Lũ cún đang tranh nhau chỗ nằm, hai con cún đực không khách khí gì cả, dùng mũi hất luôn sói con ra vòng ngoài.  Sói con hơi bực, nó chịu để muỗi đốt, ngồi đó chăm chú nhìn lũ chó.  Chỉ lát sau, nó chợt hiểu ra, câu hỏi trong mắt không còn nữa: lũ chó vì làn khói chứ không phải vì nó mà đến.  Làn khói mà nó sợ ấy không phải là mảnh đất cho lũ muỗi đáng ghét mặc sức hoành hành, mà là tạo nên cho riêng nó.  Từ chỗ không biết gì, sói con cảm thấy thiệt thòi quá, nó nổi điên nhảy xổ vào giữa chuồng như khi tranh nhau thịt, đuổi hai con chó đực.  Một con cún lì lợm không chịu đi.  Sói con thô bạo cắn tai lôi ra ngoài, con cún đực bị đau kêu ăng ẳng.  Cuối cùng, sói con giành được một chỗ khói ngải không đặc không loãng, khoan khoái nằm xuống thụ hưởng niềm vui không muỗi.  Sói con có tính tò mò, ham hiểu biết, thích nghiên cứu, đứng im như phỗng mà nhìn cái chậu khói ngải đầy thích thú.

Lát sau, sói con đứng vụt dậy, chậm rãi đi về phía cái chậu.  Nhưng chỉ được mấy bước, nó hắt hơi ầm ĩ.  Nó lùi lại, lát sau, không nhịn được tính tò mò, mõm áp sáp đất, ì ạch bò lên. Vừa ngẩng lên, một tàn lửa do gió thổi bắn trúng mũi.  Nó sững người, như một quả bộc phá đã châm ngòi, lại rơi đánh uỵch trước mặt, nó sợ, lông gáy dựng đứng, cụp đuôi chạy trở lại rúc vào lòng Nhị Lang.  Nhị Lang cười khặc khặc, cười sói ngố không biết hay dở.  Nó thè lưỡi liếm mũi sói con.  Sói con nằm dài trên đất, ngơ ngẩn nhìn cái chậu, không dám tiếp cận nữa.  Lát sau, sói con ngủ thiếp như đứa trẻ mắc bệnh buồn ngủ, sau mấy ngày liền bị muỗi giày vò, coi như được ngủ bù.  Nhưng Trần Trận thấy sói con khi ngủ đôi tai vẫn ngọ ngoạy khẽ.  Tai sói vẫn đang canh gác.

Nghe tiếng vó ngựa lộp bộp, con ngựa bạch cũng đến hơ khói.  Trần Trận tiến đến cởi dây cột chân ngựa, dắt nó tới chỗ cuối luồng gió, sau đó lại cột chân nó.  Muỗi vàng bám như trấu trên mình ngựa thoắt cái bay đi hết.  Con ngựa bạch phì một hơi khoan khoái, cúi xuống ngủ gật.

Chậu khói ngải đã cứu thoát một con sói, một con ngựa và sáu con chó khỏi họa muỗi vàng.  Tám sinh mạng đều như người thân và bạn bè Trần Trận.  Cậu đã kịp thời giúp đỡ chúng nên cảm thấy thoả lòng.  Sói con và ba con cún còn trẻ con chưa biết cảm ơn, ngủ ngon lành.  Còn ngựa bạch và ba con chó lớn chốc chốc lại nhìn cậu bằng ánh mắt cảm kích, đuôi khẽ vẫy.  Lòng biết ơn của động vật chân thực như thảo nguyên.  Chúng không biết nói những lời tán tụng nghe mà rợn người, nhưng cậu rất cảm động và muốn làm nhiều hơn cho chúng.  Cậu nghĩ, đợi khi sói con thông minh lớn lên, nhất định sẽ biết giao lưu với cậu hơn lũ chó. Khi gặp nạn, cậu cảm thấy cậu ngày càng quan trọng đối với chúng.  Cậu thêm phân khô, thêm ngải vào chậu rồi vội vàng đi phơi và vận chuyển phân bánh.

0O0

Nạn muỗi mới bắt đầu, ngải cứu trong khe cắt không hết, phân khô đủ hay không mới là khâu quan trọng trong công việc chống muỗi.  Không cần giục, phụ nữ và trẻ con trong đại đội đều đi phơi và vận chuyển phân khô.

Trên thảo nguyên Ơlon, phân bò phân cừu khô là chất đốt chủ yếu của mục dân.  Mùa đông, phân bò dùng để nhen lửa.  Nhiên liệu khi đó là phân cừu hong gió cho khô.  Bởi vì nhà nào cũng trông coi một địa bàn, hàng ngày cừu ra khỏi chuồng liền gom phân cừu thành đống, hong gió phơi nắng vài hôm là được một loại nhiên liệu tốt hơn phân bò.  Nhưng về mùa hè, phân cừu nhão vì thuỷ phần cao, mục dân không dùng phân cừu mà dùng phân bò.  Nhưng mùa hạ cỏ non nhiều nhựa, bò lại uống nước nhiều, phân bò mềm và loãng, không rắn như các mùa khác, vì vậy phải thêm công đoạn phơi.

Mùa hạ, phơi phân là công việc phiền toái và khổ sai nhất.  Phụ nữ và trẻ con Mông Cổ rỗi rãi một tí là ra bãi cỏ quanh lều dùng chàng nạng lật từng bãi phân bò phơi khô mặt thứ hai còn ướt, rồi cứ ba bánh một chồng lên nhau tiếp tục phơi.  Sau đó, nhặt những bánh phân đã khô vào sọt, địu về chỗ đống phân trước cửa lều.  Nhưng khi này phân chưa khô hẳn, bẻ ra bên trong còn ướt, chất đống loại phân này lên chính là để tránh mưa.  Mùa hạ mưa nhiều, phải lấy thảm đậy lên đống phân, nếu không, phân gặp mưa rào chảy hết ra nước.  Tạnh mưa lại mở ra phơi.

Mùa hè, muốn biết bà chủ gia đình có đảm đang không, chỉ cần nhìn đống phân trước cửa to hay nhỏ là biết.  Hồi đám thanh niên trí thức mới ở lều, vì không biết trù liệu trước, nên mùa mưa đến là không nhen được lửa, hoặc có khói nhưng không có lửa, mục dân thường phải tiếp tế phân khô mới qua được mùa mưa.  Sau hai năm, mùa hè năm nay, Trần Trận, Dương Khắc và Cao Kiện Trung đều đã biết tầm quan trọng của trở phân phơi phân và đánh đống phân, "đống củi" trước lều họ không thua kém bất cứ gia đình nào.

Trần Trận và Dương Khắc vốn ghét những việc vặt trong nhà.  Chuyện dưa cà mắm muối chiếm hết thời gian đọc sách, thật bực mình.  Nhưng từ khi nuôi sói con, những việc vặt không bao giờ hết này lại là khâu quan trọng trong công việc nuôi sói, việc vặt trong nhà trở thành nhiệm vụ chiến lược, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch thắng lợi.  Vậy là hai cậu bắt đầu tranh nhau lo liệu bảy việc lớn: củi gạo dầu muối thịt phân trà.

Căn cứ vào lượng dùng hàng năm, "đống củi" trước lều Trần Trận có thể dùng hết mùa hạ.  Nhưng đột nhiên xảy ra nạn muỗi, lượng phân tăng gấp bội, đống phân trước cửa lùn đi rất nhanh.  Trần Trận quyết tâm chịu đựng mọi khó khăn gian khổ như sói, tăng "đống củi" lên gấp mấy lần.

Nắng trên thảo nguyên ngày càng gay gắt, bộ quần áo phòng độc dày và nặng khiến Trần Trận gàn như tắt thở, chỉ cõng hai ba sọt phân, cậu suýt ngất vì thiếu oxy, ngột ngạt khó chịu, đi đứng khó khăn, mồ hôi đã cạn, áo chống muỗi hết ướt lại khô để lại những vết trắng trên áo.  Lúc này cậu đã trở thành công nhân làm muối vùng diêm điền.  Nhưng khi nhìn thấy sói con, những con cún, chó lớn và con ngựa bạch ngủ ngon lành trong làn khói mỏng, cậu lại cắn răng chịu đựng.

Ngoài ra, Trần Trận còn chịu đựng một áp lực lớn hơn việc trữ phân.  Cậu cắn răng mà làm không chỉ vì sói con và lũ chó, mà còn vì đàn cừu.  Đàn cừu gần hai ngàn con là thành quả lao động của cậu và Dương  Khắc.  Hơn hai năm hai lần hộ sinh, các cậu đã đỡ đẻ gần hai nghìn con cừu, chia thành hai đàn.  Hai cậu đội gió gội mưa, chường mặt trước muỗi, ngày đêm chiến đấu với sói, một ngày 24 giờ luân phiên chăn thả, gác đêm, hai mùa xuân hạ làm cật lực.  Đàn cừu là tài sản tập thể, không được xảy ra sai sót.  Trước mắt lại gặp "song nạn" (hai tai họa cùng lúc), nếu sơ suất, cả hai sẽ gặp rắc rối về chính trị.  Đàn cừu lớn bằng này, mỗi đêm phải đốt năm sáu chậu mới đủ.  Nếu khói ngải trùm không kín, cừu bị đốt đau sẽ bỏ chạy, chỉ một người gác đêm chặn không nổi.  Một khi đàn cừu chạy vào trong núi chắc chắn sẽ bị sói phục kich thây chất đầy khe, người ta lại liên hệ với chuyện "thằng  chó' nuôi sói là đi đứt.  Áp lực cùng với mối nguy hiểm to lớn khiến Trần Trận phải gồng mình lên, vận dụng tinh thần dũng cảm, trí tuệ, ngoan cường, nhẫn nại, cẩn thận và mạo hiểm của sói, tiếp tục sở thích nuôi dưỡng và nghiên cứu sói, đồng thời rèn luyện cá tính ngang tàng của sói.  Trần Trận bỗng cảm thấy sức mạnh tràn trề và một ý chí như sói: không chịu khuất phục.

Một khi đã vượt được trở ngại mệt mỏi về tâm lý, Trần Trận thấy lòng thanh thản.  Cậu không ngừng thay đổi loại hình công việc, điều tiết cường độ lao động, lúc điệu phân, lúc trở phân, ngày càng cảm thấy niềm vui của lao động có mục đích.  Đồng thời dần dà cậu nhận thấy mình nuôi con sói rất vất vả và hình như xuất phát từ một sự thích thú nghiên cứu về sói chuyển sang một tình cảm thân thiết với sói,  và còn vì trách nhiệm như bố, mẹ và anh em mà cậu đảm nhận đối với sói.  Sói con là đứa trẻ cậu đút từng miếng sữa, từng hớp cháo, từng miếng thịt mà lớn lên, một đứa trẻ dị tộc hoang dã, thú tính và ương bướng, tiềm ẩn trong tim những bí mật khôn lường, tình cảm nồng cháy và nguyên thuỷ nửa người nửa thú, khiến Trần Trận ngày càng tẩu hỏa nhập ma, gần như trở thành một con người khó hiểu. Nhưng Trần Trận lại cảm thấy trong nửa năm trở lại đây khoẻ mạnh cả tâm hồn lẫn thể xác, một dòng máu hoang dã đầy sức sông đang chảy trong huyết quản.  Cao Kiện Trung nói với các thanh niên trí thức, nuôi một con sói mà có thể biến Trần Trận từ một phần tử "con em hắc bang đi theo con đường tư bản chủ nghĩa" lười lao động, không phân biệt nổi môn với khoai, thành một con người cần mẫn linh hoạt, thiết tưởng cũng không phải chuyện xấu.

Trần Trận làm việc hăng say trên bãi phân bò dơ dáy, địu từng sọt phân đầy ắp về nhà, đống phân lớn nhanh như nấm sau mưa, bà chủ gia đình bên hàng xóm thấy vậy đứng ngồi không yên, không hiểu vì sao cậu làm quên chết như thế.  Một thanh niên trí thức trêu: Đúng là gần cứt thì thối, gần sói thì hăng."

0O0

Chiều tối, đàn cừu đông đúc trở về chuồng.  Dương Khắc giọng khè đặc, ngật ngưỡng ngồi trên yên, mệt đến nỗi không giơ nổi roi ngựa.  Đàn cừu trở về đem theo hàng triệu con muỗi, khu chuồng trại nóng lên như bị hoả hoạn, "khói vàng" dày đặc.  Gần hai nghìn con cừu, gần bốn nghìn cái tai ra sức đuổi muỗi, thi nhau đập phành phạch.  Đàn muỗi dày đặc chờ đợi trên không, bỗng nhào xuống như máy bay oanh tạc.  Những con cừu trụi lông trong đợt cắt lông cuối cùng, sau một ngày bị nhục hình trên bãi chăn, giờ đây khắp người mẩn ngứa trông thật tội nghiệp.  Đợt oanh tạc mới của bầy muỗi khiến lũ cừu phát điên.  Cả đàn be inh ỏi, nhảy như choi choi.  Vài con đầu đàn bất chấp cây roi của Dương Khắc, vùng chạy về phía tây bắc.  Trần Trận vớ cây gậy vụt không thương tiêc mới đuổi được chúng quay trở lại.  Nhưng toàn bộ đàn cừu đã quay đầu về hướng gió, nín hơi, sẵn sàng mượn gió bứt khỏi đàn muỗi.

Với tốc độ xung phong, Trần Trận nhanh nhẹn đốt sáu chậu lá ngải, bê ra chỗ đầu gió.  Sáu làn khói đặc như sáu con bạch long bay về phía đàn cừu đông đúc.  Thoáng cái, đàn muỗi độc gặp đàn thiên long độc hơn, bỏ chạy tán loạn.  Khói ngải cứu mạng  trùm lên cừu lớn cừu bé phủ phục dưới đất vì quá mỏi mệt.  Một ngày cực hình quá đủ, đàn cừu im lặng trong khói trắng, mệt đến nỗi không còn sức nhai lại.

Dương Khắc nặng nề nhảy xuống, dắt vội con ngựa mình bám đầy muỗi đi vào đám khói ngải.  Cậu lột bỏ mũ, cởi bộ quần áo dầy cộp, phấn khởi reo to: Mát quá!  Mình suýt chết ngốt.  Ngày mai đến lượt cậu chịu nhục hình.

Trần Trận nói; Mình chịu cả ngày hôm nay rồi.  Ngày mai cậu nhớ chuẩn bị cho cừu sáu chậu khói và một chậu cho sói con.

Dương Khắc nói: Được rồi.

Trần Trận nói: Cậu chưa ngó sói con, thằng ranh con khôn ra phết, chui vào ngủ giữa luồng khói.

Dương Khắc ngờ vực, hỏi: Sói sợ khói sợ lửa lắm kia mà?

Trần Trận cười: Nhưng nó sợ muỗi hơn.  Thấy lũ chó cướp chỗ có khói, nó hiểu ngay khói là tốt.  Mình khoái quá, cười đau cả bụng, tiếc là cậu không được chứng kiến.

Dương Khắc chạy ngay đến chuồng sói. Sói con nằm nghiêng, thoải mái duỗi cả bốn chân, ngủ ngon lành.  Nghe tiếng chân của chủ, nó động đậy mi mắt liếc một cái.

Để đàn cừu không bị phá đám, Trần Trận đành phải đốt thêm một chậu ngải đặt chỗ đầu gió, sao cho bò cừu và sói con cùng hưởng.  Trần Trận suốt đêm không chợp mắt.  Ba con chó lớn luôn nhớ nhiệm vụ.  Chúng chốt nơi đầu gió, lẩn trong khói ngải, chia nhau canh gác.

Bên ngoài luồng khói, bầy muỗi đói dày đặc tức điên rít vo vo nhưng không dám xông vào đám khói.  Chiến đấu quá nửa đêm, Trần Trận nhìn kẻ thua trận mà vui như mở cờ trong bụng.

Đêm hôm ấy, các khu lều trại của đại đội đều triển khai cuộc chiến bằng khói.  Hơn trăm chậu ngải đồng thời nhả khói.  Hơn trăm làm khói tỏa ra ngày càng rộng như hàng trăm con bạch long khổng lồ vờn múa, lại giống như hàng trăm cột khói nhà máy thời hiện đại, khói trắng cuồn cuộn tỏa ra, thanh thế lừng lẫy, cảnh tượng đẹp mắt, không những cản được bầy muỗi đó, mà còn là một đòn choáng váng đối với bầy sói đói vì muỗi.

Trần Trận nhìn thảo nguyên mênh mông dưới ánh trăng, cảnh tượng trước mắt như một trận thủy chiến trên đại dương: Hàng trăm nghìn hàng không mẫu hạm, tuần dương hạm, khu trục hạm và các loại hạm tàu tổ chức thành một hạm đội khổng lồ, hình thành trận thế bao vây uy hiếp, khói đen cuồn cuộn, hàng nghìn nòng pháo cất cao, rẽ sóng tiến vào biển Nhật Bản.  Đó là trận bao vây cấp hiện đại của sói biển phương Tây đối với sói biển lùn phương Đông.  Lịch sử thế giới cho đến nay, vượt lên tuyến đầu phần lớn là các dân tộ vũ trang bằng tinh thần sói.  Trong cuộc cạnh tranh tàn khốc trên thế giới, cừu muốn lặng nhưng sói chẳng dừng.  Sói mạnh còn có sói mạnh hơn thôn tính.  Dân tộc Hoa Hạ muốn tự cường trong thế giới cá lớn nuốt cá bé, phải thanh toán triệt để tính cừu, tính gia súc trong tính cách dân tộc nông canh, trở nên mạnh mẽ như sói, chí ít phải có tinh thần sói, tôtem sói...

Thảo nguyên rộng lớn có khả năng nhạt hóa khói đậm.  Làn khói trắng của toàn đội bay lên trên thung lũng liền biến thành một biển mây.  Biển mây trùm lên mặt hồ do đàn muỗi tác oai tác quái, san bằng quần sơn lạnh lẽo cùng vầng trăng.  Cột khói biến mất, thảo nguyên trở lại yên tĩnh và vẻ đẹp nguyên thủy của nó.

Trần Trận bất giác ngâm câu thơ nổi tiếng của Lý Bạch: Minh nguyệt xuất thiên sơn, Thương mang vân hải gian, Trường phong kỷ vạn lý, Súy độ Ngọc Môn quan.  Trần  Trận thích Lý Bạch từ nhỏ.  Nhà thơ sinh ra ở Tây Thành, chịu ảnh hưởng sâu sắc phong tục dân gian Đột Quyết, từng kích động dòng máu sói khao khát tự do trong người ông.  Ngâm thơ Lý Bạch trong đêm trăng thảo nguyên, hoàn toàn khác với ngâm trong giảng đường Bắc Kinh.  Trần Trận như lây cái hào phóng của Lý Bạch, nhớ lại một vấn đề cậu trăn trở lâu nay: Các nhà thơ Trung Quốc đều ngưỡng mộ Lý Bạch nhưng không chủ trương học tập Lý Bạch, nói Lý Bạch cao ngạo, không ai học được.  Giờ đây cậu ngộ ra rằng, thơ của Lý Bạch khó học ở chỗ do Lý Bạch chịu ảnh hưởng sâu sắc tính cách sói mà người Đột Quyết sùng bái và tấm lòng rộng mở như thảo nguyên mênh mông.  Thơ Lý Bạch hào khí ngất trời, mà đã đụng là đụng tới đỉnh cao của thơ ca cổ điển Trung Quốc.  Đã có Hán nho nào một câu bay vạn dặm, một chữ chín tầng trời, "đại bàng sải cánh bay cùng gió, thênh thênh lên thẳng chín vạn dặm", "Quân biết không, nước sông Hoàng tự trời cao đổ xuống, mải miết trôi đi không về nữa", "Ta vốn kẻ khùng nước Sở, phượng ca cười  Khổng Khâu".  Có nhà nho người Hán nào dám cười nhạo đức thánh Khổng?  Có nhà nho người Hán nào dám nhận bát canh nhà vua đưa/  Có nhà nho nào trước mặt nhà vua dám sai Dương Quý Phi bưng nghiên mực, sai Cao Lực Sĩ cởi giầy? Chao ôi, cao ngạo thay!  Cái khó của Lý Bạch là khó lên trời xanh, ngẫm lại bốn vạn tám nghìn năm "thi tiên" chỉ mỗi mình ông.

Trần Trận thở dài: Tính cách sói thảo nguyên cộng với  tinh túy của Hoa Hạ có thể vươn tới tầm cao chóng mặt.

0O0

Nửa đêm về sáng, Trần Trận trông thấy thấp thoáng mấy căn lều  bạt không còn khói, tiếp đó nghe thấy tiếng hò hét của phụ nữ và thanh niên trí thức, tiếng lao xao ở chỗ đàn cừu.  Hẳn là ngải đã hết hoặc chủ nhà tiếc của không muốn tốn thêm.

Đàn muỗi ngày một đông, ngày càng cáu kỉnh, tiếng vo vo trên không trung ngày càng lớn.  Nửa non số lều bạt mất ổn định, người kêu chó cắn rộ lên từng chặp, ánh sáng đèn pin nhiều lên.  Bỗng Trần Trận nghe thấy mạn cực bắc khu lều bạt tiếng chó sủa kịch liệt và tiếng người ồn ào vọng lại, không biết cừu nhà ai phá chuồng chạy ngược gió.  Chỉ có nhà nào trữ đủ phân khô và lá ngải, người và chó gác đêm luôn cảnh giác thì mới yên tĩnh.  Trần Trận ngó về phía lều bạt ông già Pilich: Không tiếng người, không tiếng chó sủa, không ánh đèn pin, thấp thoáng ánh lửa khi ẩn khi hiện, có lẽ Caxumai đang trông đống lửa.  Cô ứng dụng phương pháp "cố định điểm lửa, cơ động điểm khói".  Ba mặt đàn cừu đều đốt lửa, gió chiều nào đốt lửa chiều ấy.  Đống lửa thông gió nhanh hơn trong chậu vỡ, hiệu quả cũng khá hơn, có đièu hơi tốn phân khô, nhưng Caxumai vốn chăm chỉ, cô không tiếc sức vì an toàn của đàn cừu.

Đột nhiên, hai tiếng súng nổ vang từ khu lều bạt mạn cực bắc.  Trần Trận không vui, vậy là đàn sói đã chớp được thời cơ sau khi khốn khổ vì muỗi.  Cậu thở dài, không biết lần rủi ro này rơi vào nhà nào.  Cậu nhủ thầm hãy còn may.  Mê sói có cái hay của nó. Tìm hiểu càng sâu sói thảo nguyên, càng ít xảy ra sơ suất.

Lát sau, thảo nguyên trở lại yên tĩnh.  Gần sáng có sương mù, muỗi bị ướt cánh không bay được.  Khói lửa lụi dần, nhưng lũ chó lớn vẫn cảnh giác, bắt đầu đi tuần tra mạn tây bắc.  Trần Trận đoán sắp đến giờ phụ nữ vắt sữa, chắc chắn đàn sói rút quân, cậu trùm áo lông kín đầu, yên tâm ngủ một giấc.  Đây là thời gian duy nhất trong ngày ngủ một mạch, khoảng bốn tiếng.

0O0

Hôm sau Trần Trận chịu đựng một ngày khổ sai trên núi, buổi chiều khi về nhà, thấy nhà cậu như đang đón khách quý.  Trên nóc lều phơi hai tấm da cừu lớn, sói con và tất cả lũ chó đang phấn khởi ăn thịt gặm xương.  Bước vào trong lều, các thẻo thịt hong treo đầy chạn bát, trên tường.  Nồi thịt luộc to tướng trên bếp sôi sùng sục.

Dương Khắc bảo Trần Trận: Đêm qua nhà Ơdon mạn cực bắc đàn cừu có chuyện.  Nhà Ơdon cũng như nhà Đanchi là dân tọc Mông Đông Bắc, mới dọn đến vài năm nay.  Nhà này vừa cưới cô dâu vùng bán canh bán mục, vẫn giữ thói quen ngủ một mạch tới sáng.  Tối đốt vài đống lửa, canh chừng đến nửa đêm rồi ngủ say bên cạnh đàn cừu. Lửa tắt, đàn cừu phá chuồng chạy ngược gió, bị mấy con sói đói cắn chết một lúc 180 con cừu, bị thương gục xuông thì không nhiều.  May mà chó nhà ấy khôn, đập cửa gọi chủ nhà dậy, đàn ông phóng ngựa đuổi theo nổ súng đuổi sói, muộn chút nữa là đàn sói đánh hơi mò đến, chắc chẳng còn mấy con.

Cao Kiện Trung nói: Hôm nay Bao Thuận Quý và ông Pilich bận suốt ngày, hai người huy động nhân lực của cả tổ lột da moi ruột 180 con cừu, một nửa chở bằng xe tải đến trụ sở mục trường bán giảm giá cho các bộ nhân viên, một nửa để lại đại đội, chia không cho mỗi nhà mấy con, chỉ lấy lại bộ da.  Nhà mình đem về hai con cừu lớn, một chết một bị thương.  Trời nóng này, một lúc nhiều thịt như thế ăn sao hết?

Trần Trận vui vẻ ra mặt, nói: Nuôi sói đâu có ngại nhiều thịt.  Lại hỏi: Bao Thuận Quý có bắt phạt gia đình ngụ cư kia không?

Cao Kiện Trung nói: Bồi thường.  Tháng nào cũng trừ nửa tháng công điểm của cả nhà cho đến đủ thì thôi.  Caxumai và đám phụ nữ trong đội đều chửi tay chồng và mẹ chồng lưu manh, muỗi khủng khiếp như thế mà bắt cô dâu mới cưới gác đêm... Khi chúng mình mới lên thảo nguyên, Caxumai còn cùng một số thanh niên trí thức gác đêm hai tháng, sau đó mới để chúng mình độc lập tác chiến.  Bao Thuận Quý mắng vợ chồng cậu kia một trận, nói họ làm xấu mặt dân Mông Đông Bắc.  Nhưng ông ta lại ưu ái đám dân công đến tự quê ông ta, chia cho lão Vương một phần ba số cừu xử lý, họ mừng hú.

Trần Trận nói: Nhờ sói mà đám ấy vớ bở!

Cao Kiện Trung mở chai rượu trắng thảo nguyên, nói: Ăn thịt không mất tiền, uống cái này mới khoái.  Nào, ba chúng mình hãy ăn thả giàn một bữa.

Dương Khắc cũng nổi hứng, nói: Mình cũng phải uống một trận cho đã.  Nuôi một con sói, người ta cứ rình cười vào mũi chúng mình, kết quả thì sao?  Chúng mình cười vào mũi họ.  Họ không biết, sói có thể dạy người bắt trộm gà, lại còn lừa được một nắm gạo.

Ba người cả cười.

Trong làn khói, sói con chẳng khác sói hoang, no kềnh bụng vẫn nằm ôm lấy chậu thịt không nỡ bỏ lại chỗ ăn thừa.  Nó không biết đây là thịt cứu tế sói bố mẹ tặng nó.