Tôtem Sói

Chương 26

Thần Quang nói rằng:… Vũ Đế (Hán Vũ Đế) thích thu phục tứ di, nên kẻ sĩ dũng cảm không sợ chết đầy triều, mở rộng đất dai, tất thảy như ý…

 

Thần Quang nói rằng: Hiểu Vũ (Hán Vũ Đế)… không khác Tần Thuỷ Hoàng là mấy.

- Tư Mã Quang “Tư trị thông giám. Hán Thế Tổn Hiếu Vũ Hoàng Đế hạ chi hạ”

 

Cơm tối xong, Bao Thuận Quý đi từ nhà ông Pilich đến căn lều Trần Trận. Ông ta hào phóng cho Trần Trận chiếc đèn pin lớn, lắp sáu viên pin, vũ khí và công cụ của người đủ tư cách mã quan mới được dùng. Bao Thuận Quý đặc cách giao nhiệm vụ: Nếu đàn sói xông tới bên đàn cừu thì chiếu đèn pin lớn, không được đốt pháo, mà xua chó nhà các cậu vây chặt sói. Tôi đã thông báo cho mấy nhà gần đây, hễ thấy các cậu bật đèn pin, mọi người dẫn chó tới bao vây sói.

Bao Thuận Quý vừa cười vừa nói: Không ngờ các cậu nuôi con sói mà lại tác dụng tốt đến thế. Nếu như lần này dụ được sói mẹ và đàn sói, giết được bảy tám con, thì coi như thắng lớn. Chỉ giết được vài con sói mẹ cũng coi như thắng. Mục dân đều bảo đêm nay nhất định sói sẽ về, họ yêu cầu tôi bắn chết sói con, lột da treo lên, còn xác thì quẳng ra sườn dốc, để sói mẹ không còn vấn vương gì nữa. Tôi không đồng ý, bảo họ, tôi không sợ sói đến đây, dùng sói con để dụ sói mẹ, ai lại làm như thế? Lần này thì sói mắc lừa rôi, các cậu phải hết sức chú ý, loại đèn đại này chiếu vào mắt người chỉ vài phút là mù, sói lại càng mù. Tuy vậy các cậu cũng phải chuẩn bị gậy gộc, lỡ ra…

Trần  Trận, Dương Khắc nhất nhất nghe theo. Bao Thuận Quý vội đến nhà khác bố trí nhiệm vụ, nghiêm cấm nổ súng kinh động đàn sói, không để sung cướp cò bị thương người, gia súc, rồi lại vội vã ra đi.

Cuộc chiến lấy sói dụ sói chưa từng có trên thảo nguyên tuy hậu quả chưa thể đoán trước, nhưng nó đã kích thích cuộc sống du mục khô khan. Vài người đặc biệt căm thù sói. Các mã quan dương quan ngưu quan đã lâu không đến nhà, nay chạy tới hỏi han tình hình và làm quen địa hình. Họ vô cùng thích thú trước cách săn xưa này chưa hề chơi. Một dương quan nói: Sói mẹ bảo vệ sói con vào loại nhất. Chúng biết sói con ở đây, dứt khoát đến cướp. Tốt nhất mỗi đêm đến vài sói mẹ, như vậy đêm nào cũng được bắt sói. Một mã quan nói: Bị lần này, lần sau sói không dám đến nữa. Một dương quan khác nói: Nếu chúng đến cả đàn thì nên thế nào? Mã quan nói: Sói nhiều nhưng không nhiều bằng chó. Nếu quả không ổn thì cả người cả chó cùng xông lên, đèn nến hò hét, nổ súng đốt pháo.

Sau khi mọi người đi cả, Trần Trận và Dương Khắc trong lòng nặng nề, ngồi xuống tấm thảm cách sói con không xa. Hai người rất băn khoăn. Dương Khắc nói, nếu lần dụ này thành công, thì sói tổn thất lớn quá. Bắt toàn bộ sói con nhà người ta chưa đủ, lại còn lợi dụng tình mẫu tử, giết cả sói mẹ. Rồi chúng mình sẽ hối hận suốt đời.

Trần Trận cúi mặt nói: Bây giờ mình bắt đầu hoài nghi chính mình. Mình nuôi sói con đúng hay sai? Để nuôi một con, phải đập vào đẩy sinh mạng của sáu đứa con! Từ nay không biết phải chết bao nhiêu con nữa. Nhưng mình đã không còn đường rút. Thực nghiệm khoa học có khi chẳng khác anh đồ tể. Bố Pilich chủ trì thảo nguyên này không dễ, ông già bị nhiều sức ép quá. Một mặt phải chịu nỗi đau vì gia súc bị tàn sát; mặt khác hứng chịu nỗi khổ vì phải giết nhiều sói, hai cảnh chịu đựng đều đẫm máu. Nhưng vì thảo nguyên và người thảo nguyên, ông đành bấm bụng mà cân bằng các mối quan hệ. Mình rất mong Tăngcơli báo cho sói mẹ đêm nay đừng đến, đêm mai cũng đừng đến, đừng có tự chui đầu vào lưới, cho mình thêm ít thời gian nuôi con sói lớn lên, nhất định chúng mình sẽ đem trả cho mẹ nó…

Gần nửa đêm, ông Pilich lại đến lần nữa, kiểm tra tình hình chuẩn bị chiến đấu của Trần Trận và Dương Khắc. Ông già ngồi bên hai người lặng lẽ hút thuốc. Hút hết hai tẩu thuốc, ông gia an ủi hai cậu học sinh và cũng là an ủi chính mình, nói nhỏ: Những ngày này muỗi đã về rồi mà đàn ngựa còn mắc cạn, không giết một ít sói, đàn ngựa sẽ chẳng còn được mấy con, Tăngcơli cũng không bằng lòng.

Dương Khắc hỏi: Bố, theo bố thì đêm nay sói mẹ có về không?

Ông già nói: Khó nói lắm, dùng sói nuôi để nhử sói mẹ, tồi ngần này tuổi đầu chưa thấy ai sử dụng, ngay cả nghe nói cũng không. Chủ nhiệm Qúy bảo mọi người lợi dụng sói con để đánh vây, ngựa con chết nhiều quá, không để ông ấy và mấy mã quan giết ít sói đâu có được?

Ông già đi, bãi chăn im ắng, chỉ còn nghe tiếng cừu nhai lại rào rạo, đôi khi nghe tiếng cừu lắc tai đuổi muỗi. Thảo nguyên đã xuất hiện đợt muỗi đầu tiên, nhưng đó chỉ là đám muỗi trinh sát, chưa phải những tập đoàn muỗi khủng khiếp như máy bay ném bom.

Hai người trò chuyện một lúc rồi ngủ luân phiên. Trần Trận ngủ trước. Dương Khắc nhìn đồng hồ dạ quang trên cổ tay, cầm chắc đèn pin, cảnh giác nghe ngóng tứ phía, đeo lên cổ chiếc túi đựng nửa bó phái nhị thanh để đề phòng bất trắc.

°

°

Sói con sau khi ăn no thịt ngựa, trời chưa tối đã kéo căng xích ra ngồi tận mép chuồng góc tây bắc, vươn dài cổ, dỏng hai tai, không động cựa, để hết tâm trí vào tiếng động mà nó mong đợi. Mắt nảy lửa, cái nhìn như mũi khoan, sói con như đứa trẻ mồ côi trong cô nhi viện mong ngóng người thân.

Quá nửa đêm, đúng giờ tiếng tru nổi lên, đàn sói lại phát động cuộc chiến tiêu hao sức khỏe. Tiếng sói tru vang rền từ ba phía núi, khí thế hung hãn. Đàn chó của đại đội lập tức phản kích, sủa râm ran. Đàn sói lập tức im bặt, nhưng tiếng chó sủa vừa dừng, tiếng tru lại nổi lên, khí thế càng dữ dội hơn. Vài hiệp như vậy qua đi, đàn chó đã sủa một đêm hiểu rằng sói chỉ hư trương thanh thế nên chúng tiết kiệm đạn dược, hạ thấp âm lượng, giảm bớt số lần phản kích bằng âm thanh.

Trần  Trận vội cùng Dương Khắc tới gần sói con, quan sát nó dưới ánh sao mờ tỏ. Trong chuồng, tiếng xích sắt reng reng, con sói sốt ruột đi quanh chuồng. Nó định bắt chước tiếng sói tru thì bị đàn chó phá đám, còn thường xuyên bị tiếng sủa rất gần của Nhị Lang, Vàng và Ilưa át mất. Sói con bấn quá lại bật ra những tiếng “âu âu” quái gở khiến nó tức lộn ruột, lắc đầu. Mấy tháng nay sớm hôm ở chung với lũ chó, nó không chống nổi sức ngấm của tiếng sủa, không cho nó trở về với tiếng tru của sói.

Nhị Lang dẫn đầu lũ chó tuần tra mạn tây bắc đàn cừu, vừa đi và sủa không dứt, hình như đã đánh hơi được kẻ địch. Lát sau, phía tây bắc lại có tiếng tru, nhưng lần này hình như gần Trần Trận hơn. Các nhóm chó khác đã sủa thưa thớt, còn đàn sói hình như chậm rãi tập trung vào sườn dốc phía tây bắc, nơi có lều của Trần Trận. Trần Trận môi run run, nói khẽ: Bộ phận chủ lực của sói tập trung về phía sói con, sức nhớ của sói thì khỏi bàn.

Dương Khắc cầm chắc chiếc đèn pin đại. Cậu cũng hơi sợ. Sờ bó pháo nhị thanh, cậu nói: Nếu bọn sói xông vào, mình không làm được tất mọi việc, cậu sẽ phát lệnh báo động bằng đèn pin, còn mình ném “lựu đạn” vào đàn sói.

Chó ngừng sủa, Trần Trận nói khẽ: Mau ngồi xuống mà nghe sói tru.

Không có tiếng sủa gây nhiễu, sói con có thể lắng nghe tiếng tru của sói hoang. Nó ngồi thẳng lên, dỏng tai, ngậm miệng để nghe cho rõ. Sói con thông mình, nó không há miệng tru bừa, mà trước tiên luyện sức nghe để tiếp nhận một số âm thanh vọng lại từ đêm tối rồi mới bắt chước tiếng tru.

Tiếng tru của bầy sói vẫn nhằm vào sói con. Nó hối hả phân biệt, tiếng tru phía bắc, nó quay về bắc; tiếng tru phía tây, nó quay về tây; tru cả ba phía, nó lồng lộn tại chỗ.

Trần Trận lắng nghe, cậu nhận thấy tiếng sói tru đêm nay có khác với đêm trước. Đêm trước tiếng tru đơn điệu, chỉ có tính uy hiếp, còn tiếng tru đêm nay biến hoá nhiều vẻ, tiếng cao tiếng thấp, trong đó hình như có ý hỏi han, thăm dò, thậm chí có tiếng gọi con của sói mẹ. Trần Trận nghe mà rợn người.

Những chuyện về sói mẹ bảo vệ con trên thảo nguyên lưu truyền rất rộng. Để dạy con bắt mồi, sói mẹ mạo hiểm bắt sống cừu non đem về; để bảo vệ an toàn, sói mẹ đêm đêm chuyển sói con từ hang này sang hang khác; để nuôi con, sói mẹ ăn no đến mức tưởng như vỡ bụng, khi về nôn hết ra cho con ăn; vì lợi ích của cộng đồng dòng họ, những con sói mẹ mất con, chấp thuận con của chị em cô dì bú sữa. Ông gia Pilich thường kể: Một ông lão thợ săn vùng Ơlôn có lần đã gặp ba con sói cái cùng nuôi một ổ sói con. Đó là vào mùa xuân, ông lão đi đào bắt sói con, phát hiện trên sườn núi ấm áp, ba con sói mẹ nằm thành hình cánh cung, mỗi con sói mẹ ba con bú tí. Thế là ông lão không còn bụng dạ nào đi đào bắt sói nữa. Người già từng nói, mã quan Mông Cổ là thợ săn không bao giờ giết sách cả ổ sói con, những con sói con sống sót có rất nhiều mẹ nuôi mẹ đẻ, thừa sữa ăn không hết, cơ địa tốt, bộ khung tốt, vì vậy sói Mông Cổ to lớn nhất, thông minh nhất thế giới. Trần Trận còn định nói, tình mẫu tử của sói cái còn vượt cả phạm vi dòng tộc, dùng sữa nuôi trẻ mồ côi của loài người- kẻ thù đáng sợ nhất của sói. Đằng sau sự tàn bạo, còn có lòng bác ái rất cảm động của sói.

Vậy mà giờ đây, những con sói mẹ mất con xót xa rầu rĩ, hi vọng dù rất mỏng manh, đến tìm con. Chúng thừa biết đây là Ơlôn vùng đất lều trại tập trung nhất, người chó súng ống nhiều nhất, nhưng chúng vẫn mạo hiểm áp sát. Trong khoảnh khắc, Trần Trận những muốn cởi xích cho sói con, cho nó về với các mẹ sói của nó để mẹ con được đoàn tụ. Nhưng cậu không dám, cậu e sói con khi ra khỏi phạm vi lều trại của cậu thì chó của các gia đình lập tức xé xác nó vì tưởng là sói hoang. Cậu cũng không dám đêm nó đi thật xa rồi phóng sinh, nếu vậy, cậu sẽ rơi vào giữa đàn sói cái nguy hiểm…

Sói con cực kỳ nhạy bén với tiếng tru khác lạ đêm nay. Nó không biết ứng xử ra sao với tiếng tru từ ba phương sáu hướng. Rõ rang nó không hiểu những tiếng tru kỳ quặc, biến hoá phức tạp ý nghĩa như thế nào, càng không biết hồi âm ra sao. Đàn sói không nhận được hồi âm, tiếng tru thưa dần. Có lẽ chúng không hiểu vì sao đêm qua nghe rõ ràng là tiếng sói mà đêm nay thì không thấy gì cả.

Chính là lúc này sói con sửa lại tư thế, chuẩn bị cất tiếng. Nó cúi xuống phát ra “u…u…u…” là âm chủ lực của tiếng tru, rồi vận hơi, từ từ ngẩng đầu lên, âm “u” chuyển sang âm “âu”, “u…u…u…âu…âu…!”, cuối cùng sói con đã phát ra được tiếng sói tru mặc dù chưa thật đúng tiêu chuẩn. Tiếng tru từ ba phía im bặt, hình như đàn sói ngớ ra, cái tiếng “u…âu…” kia nghĩa là gì, đàn sói không hiểu, đành nán đợi. Lát sau, trong đàn sói có tiếng tru hình như của một con sói choai, bắt chước hoàn toàn tiếng tru của sói con bên cạnh lều. Trần Trận thấy sói con của cậu cũng ngớ ra, không hiểu tiếng tru đó có ý hỏi gì? Nó như bị câm điếc vừa chữa khỏi, không hiểu người khác nói gì, cũng không nói ra được mình định nói gì. Trời tối quá, giơ tay làm hiệu cũng không nhìn thấy.

Sói con đợi một lúc không thấy có tiếng trả lời bèn tự mình phát huy, nó cúi xuống vận hơi, ngửng lên nhả ra một tiếng dài, lần này thì nó đã khôi phục được âm lượng cao nhất của đêm qua: “u…âu…!”, tiếng “âu” dài mênh mông như tiếng trẻ con còn hơi sữa, như tiếng kêu, tiếng chuông nhỏ, tiếng tù và ngắn, tiếng ngân chưa dứt, dư âm kéo dài. Sói con rất bằng lòng tiếng tru của nó, không đợi có tiếng tru trả lời, nó tru tiếp cho đã nghiện, do hồi hộp, vĩ âm biến thành âm cụt. Đầu nó ngẩng càng cao, mũi chĩa thẳng lên trời, hoan hỉ và phấn chấn, nó tru hết lượt này đến lượt khác, càng tru càng thành thạo, càng tiêu chuẩn, tư thế hoàn toàn giống con sói trưởng thành. Khi tru, nó vo miệng hình chữ O tròn như chiếc lò xo, vận hơi bụng, từ từ bình ổn kéo dài tiếng ngân, dài mãi dài mãi cho tới lúc cạn bầu tâm sự. Sau đó, nó hít một hơi thật dài rồi tiếp tục tru. Sói con vui mừng hớn hở kéo dài tiếng tru “quỉ khóc sói gào”, say sưa khoe mẽ giọng ca với chất giọng thật đáng nể: trẻ trung, mượt mà, thuần khiết, uyển chuyển mà tròn vành rõ chữ, trong khi du dương nó tự biến điệu một cách ngẫu hứng, thêm vào đó nhiều luyến láy.

Hai người như mê đi, Dương Khắc bất giác khẽ mô phỏng tiếng tru của sói con.

Trần Trận nói nhỏ với Dương Khắc: Nghe sói tru mình phát hiện ra dân ca Mông Cổ vì sao ngân dài và run rẩy như thế. Dân ca Mông Cổ hoàn toàn khác dân ca Hán về phong cách. Mình cho rằng, phong cách này được truyền lại từ thời Hung Nô sùng bái tôtem sói. Sử có ghi: “Hung Nô truyện trong Nguỵ thư chép rằng, thời thượng cổ Thuyền Vu có hai con gái xinh đẹp, cô em lấy chồng là sói, sinh rất nhiều con trai con gái. Nguyên văn còn chép: Người em là vợ sói, sinh con. Sau sinh sôi thành một nước. Do vậy người nước đó thích kéo dài tiếng ca như sói tru…”.

Dương Khắc vội hỏi: Trong “Hung Nô truyện” có chép như vậy à? Cậu đọc kỹ hơn mình. Đã ghi chép như thế thì đúng là nguồn gốc dân ca Mông Cổ rồi!

Trần Trận nói: Không sai. “Hung Nô truyện” mình đọc không biết bao nhiêu lần, những đoạn hay mình đều học thuộc. Người theo nghiệp sách vở đến Mông Cổ không đọc “Hung Nô truyện” sao được? Trên thảo nguyên, tôtem sói có mặt khắp nơi, tôtem của một dân tộc, là đối tượng sùng bái và mô phỏng của dân tộc ấy. Dân tộc sùng bái tôtem sói đem hết tâm sức ra học tập mô phỏng tất cả những gì của sói, thí dụ kỹ xảo săn đuổi, thông tin bằng âm thanh, nghệ thuật quân sự, chiến lược chiến thuật, tính cách chiến đấu, tinh thần đồng đội, tính tổ chức, tính kỷ luật, tính bền bỉ, tính cạnh tranh “giỏi làm vua”, phục tùng quyền lực, yêu gia tộc và tộc quần, thờ Tăngcơli (Trời) vân vân. Cho nên mình cho rằng, âm nhạc và dân ca Mông Cổ ảnh hưởng tiếng tru của sói là tất nhiên, thậm chí còn cố ý bắt chước là khác. Tất cả những con vật khác trên thảo nguyên như bò cừu ngựa chó dê vàng chuột cáo v.v… tiếng kêu không kéo dài như sói, chỉ bài ca của sói và dân ca Mông Cổ mới thế. Cậu thử nghe lại lần nữa xem có giống không?

Dương Khắc gật đầu lia lịa, nói: Rất giống, càng nghe càng giống, cậu không nói ra thì mình không suy ngẫm theo hướng này. Hồ Tùng Hoa hát “Ngợi ca” Mông Cổ, nhất là đoạn mở đầu có bao nhiêu âm luyến bao nhiêu âm đổ, và tiếng ngân dài, hẳn hoi là mô phỏng tiếng trú của sói. Hai năm nay nghe rất nhiều dân ca Mông Cổ, bài nào cũng có âm rung, có đổ hồi luyến láy, tiếc rằng không có máy ghi âm ghi lại để so với tiếng tru của sói, chắc chắn sẽ tìm ra mối quan hệ giữa chúng với nhau.

Trần Trận nói: Người Hán chúng mình cũng thích nghe dân ca Mông Cổ, du dương, bao la như thảo nguyên, vậy mà ít người biết dân ca Mông Cổ bắt nguồn từ sói. Có điều, người Mông ở Nội Mông không chịu thừa nhận dân ca của họ diễn biến từ sói sang. Mình có hỏi vài mục dân, người bảo không phải, người ậm ự. Cũng chẳng nên trách, giờ đây “chiếc đèn đỏ” có câu hát “lệnh từ nhà giam truyền ra như tiếng sói gào” thì ai còn dám nhận dân ca Mông Cổ bắt nguồn từ sói. Nếu không, bài “Ngợi ca” kính chúc lãnh tụ vĩ đại sống lâu muôn tuổi đáng cho vào tù, còn ca sĩ thể hiện bài hát đó phải quy là phản cách mạng. Nhưng sự thực là sự thực, đây không phải một xảo thuật.

Trần Trận thở dài, nói: Thật sự truyền đi tinh thần đại thảo nguyên Mông Cổ, chỉ có tiếng tru của sói và dân ca Mông Cổ.

°

°

Nhị Lang dẫn chó lớn chó bé của hai nhà chõ mõm về phía tây bắc sủa một hồi. Đợi tiếng sủa dừng, sói con lại tru, dần dà sói con không bị nhiễu tiếng sủa của chó, nó phát ra tiếng sói tiêu chuẩn. Sói con tru năm sáu bận bỗng dừng lại, chạy tới bên thùng nước uống mấy ngụm cho trơn giọng rồi hướng về phía tây bắc tru tiếp mấy lần rồi dừng lại dỏng tai đợi hồi âm. Rất lâu, sau một hồi lao xao tiếng sói, đột nhiên từ đỉnh dốc phía tây vọng lại tiếng tru mạnh mẽ trầm đục, oai nghiêm, chỉ có thể là của sói chúa hay sói đầu đàn, khẩu khí như ra lệnh, vĩ thanh rất dài, khi dừng dứt khoát. Qua tiếng tru, Trần Trận cảm nhận được đó là một con sói chúa cường tráng, ngực nở vai rộng, âm vực rất sâu. Hai người sợ đến nỗi không thốt lên lời.

Sói con cũng ngớ ra, nhưng lập tức vui mừng nhảy cẫng. Nó chuẩn bị tư thế cúi xuống vận hơi nhưng không biết trả lời thế nào, đành bắt chước cái tiếng tru ấy. Tiếng tru của sói con tuy non trẻ, nhưng nó bắt chước y chang âm đuôi và khẩu khí. Sói con tru liền mấy bận, nhưng tiếng tru oai nghiêm kia không xuất hiện nữa.

Trần Trận ra sức phán đoàn ý nghĩa và hiệu quả của cuộc đối thoại này. Cậu nghĩ, có thể sói chúa hỏi sói con: Cháu là con nhà ai, trả lời mau! Nhưng câu trả lời của sói con lặp lại câu hỏi của sói chúa: Là con nhà ai, trả lời mau! Lại còn cái khẩu khí của bậc bề trên hỏi kẻ dưới! Con sói chúa chắc hẳn nổi trận lôi đình, hơn nữa lại càng nghi ngờ sói con. Hỏi và trả lời như thế, hiệu quả tất nhiên tồi tệ.

Rõ ràng là sói con không hiểu đẳng cấp địa vị, càng không hiểu lễ tiết giữa các thế hệ trong đàn sói. Sói con dám nhại câu hỏi của sói chúa trước mặt đám sói, chắc chắn bị lũ sói cho là xúc phạm đến cái oai của sói chúa, một hành vi vô lễ đối với bậc tiền bối. Lũ sói lao xao có vẻ phẫn nộ lại có vẻ bàn ra tán vào. Lát sau, đàn sói không lên tiếng nữa, nhưng sói con thì lại hào hứng. Nó không hiểu câu hỏi của sói chúa và sự phẫn nộ của đàn sói, nhưng nó cảm thấy những bóng đen trong đêm đã chú ý tới sự có mặt của nó, muốn liên hệ với nó. Sói con rất muốn tiếp tục giao lưu nhưng không biết bày tỏ ý kiến, nó cuống lên, ra sức lặp lại câu hỏi ban nãy: Là con nhà ai, trả lời mau, trả lời mau!

Tất cả những con sói lớn chắc chắn vò đầu bứt tai, không hiểu ra sao. Sói thảo nguyên Mông Cổ sinh sống trên thảo nguyên hàng vạn năm nay, chưa bao giờ gặp một sói con như thế nay. Nó rõ rang trong khu lều trại của người, ở bên chó và cừu, hì hì hà hà, dám lên mặt ta đây, nói năng càn rỡ. Vậy rốt cuộc nó có phải là sói không? Nếu là sói thì quan hệ giữa nó với người, chó- thiên dịch của loài sói, như thế nào? Nghe giọng sói con, biết nó rất muốn đối thoại với bầy sói, nhưng hình như nó sống no đủ, người và chó không khinh rẻ nó, tiếng nó trầm, có vẻ no nê. Được người và chó đối tốt như thế, nó còn muốn gì nữa?

Trần Trận nhìn những cặp mắt lấp lánh lân tinh trong đêm tối mênh mông, cố sức dịch địa vị của cậu vào bầy sói để suy xét phán đoán. Lúc này chắc đàn sói xanh mắt nhìn mắt xanh, càng cảm thấy sói con đáng ngờ.

Sói con ngừng tru, rất muốn có tiếng trả lời từ bóng đêm. Nó đứng ngồi không yên, chốc chốc lại cào đất, sốt ruột chờ đợi.

Trần Trận thấy hiệu quả như thế vừa thất vọng vừa lo, con sói chúa cường tráng oai vệ có thể là cha đẻ của sói con, nhưng sói con từ nhỏ đã mất cha không biết cách làm nũng và giao lưu với bố. Trần Trận e rằng sói con một lần này nữa có thể là mất vĩnh viễn tình yêu của bố nó. Vậy con sói cô độc từ nay thuộc về loài người, thuộc về cậu và Dương Khắc?

Bỗng có tiếng tru dài vẳng tới, hinh như của một con sói mẹ. Tiếng tru thân thiết êm tai, dịu dàng bi ai, mang nỗi đau của tình mẹ, tiếng ngân run rẩy và dài lê thê, có lẽ đây là ngôn ngữ của sói, đầy ý tứ và tình cảm sâu nặng. Trần Trận đoán câu này có nghĩa là: Con ơi, con còn nhớ mẹ không? Mẹ là mẹ của con đây. Mẹ nhớ con lắm, mẹ tìm con khổ quá, cuối cùng thì mẹ đã nghe thấy tiếng nói của con… Cục cưng của mẹ, mau về với mẹ…Mọi người đều nhớ con âu…âu…!

Tiếng âu…âu…thốt ra tự đáy long, lời ca đau thương nhất trên đời của người mẹ xuyên qua năm tháng, rung chuyển thảo nguyên ngàn đời hoang vu. Trần Trận không cầm được nước mắt. Dương Khắc cũng nước mắt vòng quanh.

Sói con xúc động sâu sắc trước những câu ngập ngừng dứt nối, theo bản năng, nó cảm thấy đây là “người thân” của nó. Sói con phát cuồng, nó giằng cái xích mạnh hơn khi cướp thức ăn. Cái xích xiết chặt cổ khiến nó thè lưỡi thở phì phò. Con sói mẹ lại tru thê thảm, lát sau, có nhiều sói mẹ tham gia đội ngũ gọi con. Thảo nguyên vang lên những tiếng ca bi thương. Tiếng ca bi thương của sói mẹ, nguyên bản có hình thức khóc trong tiếng tru, biểu hiện trong ngoài là một, lâm li vô cùng. Đêm nay, tiếng tru thê lương của sói trên thảo nguyên Ơlôn suốt đêm không dứt, rung động trời đất, quỉ khóc thần sầu, hớp hồn phách con người. Lũ sói mẹ hàng vạn năm nay mất con trai con gái trút hết nỗi oán hờn chứa chất vào đêm đen trên thảo nguyên đau thương.

Trần Trận đứng im như trời trồng, cảm thấy nổi gia khắp người. Dương Khắc mắt ướt nhoè bước tới gần sói con nắm lấy đai cổ, vỗ nhẹ lên đầu lên lưng con vật, an ủi nó.

Tiếng tru thê thảm của lũ sói mẹ dần lắng, sói con né tránh Dương Khắc, nó sợ lần nữa mất tiếng tru. Chĩa về hướng tây bắc, miễn cưỡng ngửa mặt lên trời, bất chấp tất cả, nó dựa theo ký ức phát đi những lời của sói. Trần Trận chột dạ, nói nhỏ: Hỏng rồi! Cậu và Dương Khắc đều cảm thấy rõ rệt tiếng tru của sói con khác xa tiếng tru của sói mẹ. Sói con đặt trọng tâm vào nỗi ai oán, hơn nữa, nó chưa biết vận đủ hơi, không tru dài được như sói mẹ. Kết quả, sau những câu đầu Ngô minh Sở, tiếng tru của đàn sói lập tức tắt ngấm, thảo nguyên im lặng như tờ.

Trần Trận thất vọng hoàn toàn. Cậu đoán rằng, sói con biến những lời bi thương của sói mẹ thành châm biếm, mô phỏng thành chọc quê, đau thương thành kể khổ, thậm chí còn cài những tiếng vừa học từ sói chúa vào. Câu mô phỏng lời sói mẹ có thể biến thành: Con trai ơi… trả lại nỗi nhớ cho con, con là ai…? Mẹ về bên con, trả lời mau! Âu…âu…!

Cũng có thể sói con không nói được những câu như Trần Trận đã tưởng tượng ra. Dù sao thì bắt một con sói vừa sinh ra đã phải xa thế giới loài sói, lớn lên bên người và chó, trả lời những câu phức tạp như thế thì khó cho nó quá.

Trần Trận nhìn về phía con dốc giờ đây đã im ắng. Cậu đoán lũ sói mẹ chắc  tức điên, cái thằng lưu manh dám biến nỗi đau của sói mẹ thành trò cười! Có thể cả đàn sói đang phẫn nộ. Thằng khốn chắc không phải đồng loạ mà đàn sói đang tìm càng không phải người anh em mà chúng quyết chết giành lại. Vốn đa nghi, đàn sói nhất định nghi ngờ tư cách của sói con. Rất nổi tiếng về dụ mồi sa bẫy, các sói chúa sói đầu đàn có thể phán đoán sói con là con mồi do người xếp đặt, có sức dẫn dụ và sát thương, nhưng đã bị lộ tẩy là cái ”bẫy sói”.

Đàn sói cũng có thể nghi ngờ sói con là thằng con hoang lý lịch bất minh. Thảo nguyên chưa có tiền lệ người nuôi sói. Mùa xuân hàng năm, những thằng cha hai chân biết cưỡi ngựa, thường đem chó sục sạo các hang, hun khói các ổ sói. Sói mẹ tinh mắt có thể ở chỗ nấp nhìn thấy họ giết sói con bằng cách tung chúng lên trời. Sói mẹ trở về, có thể ngửi thấy đây đó toàn mùi máu tươi. Một số sói mẹ còn tìm thấy thi thể sói con chôn dưới đất trong khu lều trại cũ, da bị lột. Ghét sói đến như thế thì người không nuôi sói con!

Đàn sói có thể phán đoán, con vật tru tiếng sói nayd không phải sói, mà là cho. Trên thảo nguyên Ơlôn, đàn sói thường thấy nhưng người đeo súng mặc quần áo màu xanh lá cây đi trên đường cát gần biên giới, họ bao giờ cũng đem theo bốn năm con chó lớn tai dựng như tai sói, có mấy con biết tru tiếng sói. Những con chó này nguy hiểm hơn chó bản địa nhiều, hàng năm một số sói bị chúng cắn chết. Thằng oắt biết tru tiếng sói này ắt hẳn là con của chó tai sói.

Trần Trận đoán tiếp: Có lẽ đàn sói cho rằng sói con trăm phần trăm là sói. Vì hàng ngày đi ra ngoài tới một chỗ tương đối xa, sói con ỉa trên sườn dốc. Có thể sói mẹ đã ngửi thấy mùi đích thực của sói con. Nhưng, dù sói thông minh tuyệt đỉnh vẫn không thể vượt qua một khúc ngoặt, đó là sự trở ngại về ngôn ngữ. Đàn sói cho rằng, đã là sói thì phải như những con sói khác trong đàn, không những phải biết tru, biết nói lời sói, mà còn biết đối thoại với sói mẹ. Vậy thì con sói không biết nói tiếng sói này chắc là một tên phản bội đã triệt để thay lòng đổi dạ, hoàn toàn đầu hàng con người. Vì sao hắn không chạy đến với bầy sói, mà lại cứ muốn bày sói đến chỗ hắn?

Trên thảo nguyên hàng vạn năm nay, mỗi con sói đều là một chiến sĩ kiên cường, thà chết trong chiến đấu chứ không đầu hàng, vậy vì sao lại nảy nòi ra cái thằng khốn khiếp này? Vậy gia đình nào đã thuần phục con sói, bắt nó ngoan ngoãn vâng lời, ắt hẳn có ma thuật. Hoặc giả, sói thảo nguyên có thể phân biệt người Hán với người Mông, vì vậy đàn sói cho rằng có một con sói chưa hề tiếp xúc với ai,  đã lẳng lặng tiến vào thảo nguyên. Khu lều trại này nguy hiểm quá.

Trần Trận chìm trong suy nghĩ.

Thảo nguyên im lặng chỉ mỗi con sói mang xích là đang tru, đến nỗi rát cổ bỏng họng, gần như bắn máu tươi. Nhưng những câu tru của nó càng dài càng hỗn loạn càng lủng củng. Đàn sói không có bất cứ sự thăm dò hoặc cố gắng nào, không thèm nhìn nhận nỗi đau và lời kêu cứu của sói con. Khổ thân sói con, nó không còn dịp nào khác học tiếng sói tru, học ngôn ngữ sói. Cuộc đối thoại giữa nó và đán sói thất bại thảm hại.

Trần Trận cảm thấy đàn sói giải vây nhanh như chạy trốn trận đại dịch, rời khỏi địa điểm xuất phát trận công kích.

Con dốc tồi mò, im ắn như bãi thiên tang Xacanôla phía núi bắc.

 

°

°

Trần Trận và Dương Khắc không hề buồn ngủ, thảo luận suốt đêm, không ai thuyết phục được ai, kết quả vừa rồi là sự giải thích có sức thuyết phục.

Cho tới lúc rạng sang, sói con mới ngừng tru, tuyệt vọng đến mức như đã chết, nó nằm dài trên mặt đất, mắt đăm đăm nhìn về phía con dốc tây bắc. Nó nhướng mắt nhìn hình dáng thật sự của những “bóng đen”. Mù tan dần, con dốc vẫn là con dốc ngày nào nó cũng nhìn thấy, chẳng có “bóng đen” nào hết, chẳng còn âm thanh nào hết, chẳng còn đồng loại mà nó mong  gặp. Nó mệt bã, như một đứa con côi bị bỏ rơi hoàn toàn, chìm trong tuyệt vọng. Trần Trận vuốt nhẹ đầu nó, thông cảm nỗi đau sâu sắc của nó, nỗi đau, vuột mất cơ hội trở lại đàn, lấy lại tự do.

Toàn thể tổ sản xuất và đại đội một đêm kinh khủng nhưng không gặp nguy, lều trại không bị đánh lén hoặc tấn công, đàn cừu đàn bò yên ổn không suy suyển, một kết cục không ngờ. Mục dân bàn tán sôi nổi. Mọi người không hiểu vì sao sói mẹ thường lăn xả cứu con, nay không đánh mà rút? Tất cả các ông già đều lắc đầu. Đây là sự việc Trần Trận chưa hề gặp trong suốt mười năm sống trên thảo nguyên.

Bao Thuận Quý và các mã quan chủ trương dụ đàn sói bị mựng hụt. Nhưng trời vừa rạng, Bao Thuận Quý đã chạy đến lều Trần Trận khen ngợi hết lời, rằng học sinh Bắc Kinh dám nghĩ dám làm, đánh một trận rất đẹp “không đánh mà thắng”, và tặng luôn cái đèn pin đại cho các cậu, còn bảo sẽ phổ biến kinh nghiệm của các cậu cho toàn thể mục trường. Trần Trận và Dương Khắc thở ra nhẹ nhõm, chí ít các cậu có thể tiếp tục nuôi sói con.

Lúc uống trà sang, Ulichi và ông già Pilich bước vào lều Trần Trận.

Ông Ulich suốt đêm không chợp mắt, nhưng sắc mặt vẫn tốt. Thật là một đêm đáng sợ. Lúc đầu nghe tiếng tru tôi rất căng thẳng, khoảng ba chục con sói bao vây lều cậu từ ba phía, khoảng cách gần nhất là hơn trăm mét. Mọi người cứ tưởng chúng sẽ phá tan lều các cậu, nguy hiểm quá.

Ông Pilich nói: Nếu không biết các cậu có pháo nhị thanh thì tôi đã huy động toàn bộ chó của tổ đến chỗ các cậu rồi.

Trần Trận hỏi: Bố, vì sao sói không tấn công đàn cừu? Cũng không cướp lại sói con?

Ông già uống một hớp trà, rít một hơi thuốc, nói: Tôi nghĩ rằng sói con chưa nói đúng hoàn toàn tiếng nói của sói, cứ cách năm ba tiếng lại xen một tiếng chó, nhất định làm cho đàn sói rối tinh.

Trần Trận, Dương Khắc cười ồ. Dương Khắc nói: Tăngcơli thật thông minh!

Trần Trận lại hỏi Ulichi: Ông U, vì sao đàn sói không ra tay hả ông?

Ông Ulichi nghĩ một lúc, nói: Tôi chưa từng nghe, chưa từng thấy chuyện như thế này bao giờ. Tôi nghĩ, có đến tám phần mười là đàn sói coi sói con là dân ngụ cư. Sói thảo nguyên mỗi đàn đều có bản địa riêng, không có địa bàn thì sớm muộn bật bãi, không trụ lại được. Đàn sói coi địa bàn quan trọng hơn sinh mạng. Có thể sói con nói thứ tiếng mà sói bản địa không hiểu. Sói bản địa không vì một con sói con từ nơi khác đến mà liều mạng. Đêm qua sói chúa cũng về. Sói chúa rất khó lừa. Chắc chắn là nó rõ mọi chuyện, vì nó rất hiểu “dùng binh được phép gian trá”, thấy sói con và người gần nhau như thế, nó đã sinh nghi. Sói chúa thấy chắc đến bảy phần mười mới mạo hiểm. Xưa nay nó chưa hề làm việc gì mà nó chưa hiểu. Sói chúa thương nhất sói cái, sợ sói cái mắc bẫy nên đến trực tiếp giám sát, thấy vô lý, nó dẫn đàn sói cái bỏ đi.

Trần Trận gật đầu lia lịa.

Trần Trận và Dương Khắc tiễn hai ông già ra về. Sói con bị khủng hoảng tinh thần, ủ rũ nằm dài, mõm kê trên hai chân trước, hai mắt đờ đẫn như qua một đêm toàn ác mộng, đến giờ vẫn chưa tỉnh hẳn.

Ông Pilich trông thấy sói con liền dừng lại, nói: Khổ thân sói con! Đàn sói không nhận nó, bố mẹ cũng không nhận ra, cứ xiếng xích như thế này sống sao nổi? Người Hán các cậu lên thảo nguyên làm đảo lộn hết mọi quy củ. Con sói thông minh hoạt bát là thế mà xích như thằng tù, như nô lệ, tôi thương quá! Sói rất kiên trì, cậu cứ đấy mà xem, sớm muộn nó sẽ bỏ chạy. Cậu ngày ngày cho ăn cừu non cũng không giữ nổi trai tim nó.

Đêm thứ ba và thứ tư không nghe tiếng sói tru, chỉ có tiếng tru non nớt thảm thương của sói con vang vang trên thảo nguyên, hồi âm vọng lại từ trong khe núi, dưới thung lũng, nhưng không hề có tiếng tru đáp lại của đàn sói. Một tuần sau, sói con vật vờ như kẻ mộng du, tiếng tru thưa dần.

Sau đó một thời gian, đàn cừu của Trần Trận và Dương Khắc và cả bò cừu của tổ Hai và hai tổ sản xuất gần đấy không còn bị đàn sói tập kích trong đêm. Phụ nữ của các gia đình gác đêm vui vẻ bảo Trần Trận, Dương Khắc, là đêm nào họ cũng ngủ đẫy giấc, giờ vắt sữa mới dậy.

Những ngày này mục dân nói chuyên nuôi sói với Trần Trận, giọng đã dịu đi nhiều, nhưng vẫn không một ai chủ trương sang năm sẽ nuôi một con sói con để doạ đàn sói. Mấy ông già tổ Bốn bảo nhau, cứ để các cậu ấy nuôi, đợi khi sói lớn, tính hoang dã mạnh lên, xem các cậu đối phó cách nào?