- Tư Mã Quang “Tư trị thông giám.
Hán Thế Tôn Hiếu Vũ Hoàng Đế thượng chi thượng”
Dương Khắc quay lưng về phía công trường ồn ào, nhìn ra hồ thiên nga trước mặt. Cậu không dám quay lại nhìn công trường. Từ khi Bao Thuận Quý bắn chết con thiên nga để ăn thịt, cậu đêm nào cũng mơ thấy máu loang mặt hồ, nước xanh biến thành màu đỏ…
Hơn 30 dân công đến từ khu vực nông nghiệp Nội Mông, đã cắm rể ở bãi chăn mới. Với tốc độ phi mã, họ kiến tạo những ngôi nhà đất kiên cố. Những dân công là người ở năm hoặc làm công theo thời vụ, ông tổ ba đời là mục dân khu vực chăn nuôi, đời bố là mục dân nửa chăn nuôi nửa làm ruộng, đến đời họ thì bãi chăn đã biến thành ruộng đất cằn, đất đai không còn nuôi nổi họ. Thế là họ như chim di trú bay đến thảo nguyên. Họ nói trôi chảy tiếng Mông lẫn tiếng Hán, hiểu biết công việc chăn nuôi, đồng thời là nhà nông thực thụ. Họ thông thuộc thảo nguyên hơn những người Hán tới từ khu vực thuần nông, biết khai thác tại chỗ những gì có thể khai thác, có biệt tài xây dựng cơ sở hạ tầng chăn nuôi. Trần Trận và Dương Khắc mỗi khi cho cừu ra sông uống nước về, đều ghé qua chỗ dân công thăm viếng chuyện trò dăm câu. Dương Khắc nhận thấy, do công trình quá bận, thời hạn quá gấp, Bao Thuận Quý đã khoán trắng trước mùa mưa phải hoàn thành nhà kho tạm và bể tắm thuốc. Xem ra, đám dân công chưa kịp để ý đám thiên nga trên hồ.
Những ngày này Trần Trận và Dương Khắc thường xuyên trao đổi về các chính sách “Vừa khai hoang vừa bảo vệ biên giới”, “di dân lên đường biên” của các chính phủ Hán tộc cổ đại và chính sách “khai hoang trồng trọt” của nhà Thanh giai đoạn hậu kỳ. Chính sách tằm ăn dâu, dồn nén du mục vẫn tiếp tục thực hiện cho đến bây giờ. Dương Khắc không hiểu vì sao báo chí ra sức công kích chính sách quảng canh, khai khẩn bừa bãi thảo nguyên, biến những vùng rộng lớn thành sa mạc của Khơrútxốp, nhưng những hành động như thế ở Trung Quốc thì bỏ qua. Trái lại, “bài ca người lính khẩn hoang” thì ca suốt. Dương Khắc chưa tới những binh đoàn khẩn hoang Đông Bắc, Tân Cương mà cuối cùng chọn thảo nguyên, vì cậu đọc tiểu thuyết Nga, xem phim Nga, tranh sơn dầu Nga và những điệu múa Nga mà lớn lên. Tình yêu của những nhà văn, đạo diễn, hoạ sĩ, nhạc sĩ vĩ đại Nga đối với rừng Nga và thảo nguyên, đã hun đúc Dương Khắc thành “động vật” của thảo nguyên và rừng. Cậu không ngờ đã chạy khỏi binh đoàn nông khẩn Đông Bắc Tân Cương, mà vẫn không thoát “nông khẩn” ở đây, xem ra dân tộc nông canh bản tính khó sửa, chừng nào chưa sa mạc hoá tất cả thảo nguyên thì họ chưa cam long.
Dương Khắc không thể không khâm phục tài dựng nhà của những người dân công. Lần đầu tiên đi qua còn là bãi đất trống, ngày hôm sau đã mọc lên những bức tường đất cao hơn đầu người. Dương Khắc cưỡi ngựa chạy mấy vòng quan sát kỹ, thấy họ dung hai cỗ xe lớn chở đất thịt ven hồ. Họ dung mai rộng bản xắn từng tảng đất dài và rộng gấp đôi những viên gạch xây trường thành, rất chắc vì trong đất toàn rễ cỏ ken dày. Loại tường này kiên cố hơn tường trình. Loại “gạch” này không bao giờ thiếu, vì vậy tường dày hơn nhiều so với tường thường. Dương Khắc dung ủng nện thử, cảm thấy nó rắn như bê tong cốt thép xây dựng pháo đài.
Đám dân công chỉ chở vài xe là dựng được một lớp tường, những “viên gạch cỏ” nhất loạt hướng xuống đất, đất hướng lên trên, xếp hết lớp một, dùng mai san phẳng, nện chặt, xếp tiếp lớp hai. Chỉ hai ngày là xong một bức tường. Đợi tường khô là bắc quá giang, đặt nóc, lợp mái, một ngôi nhà hình thành. Bãi đất thịt cỏ mọc xanh rờn biến mất, còn lại là một bãi bùn nhão, trông giống thuở ruộng đã cày bừa nhưng chưa cấy, người và bò cừu đều phải đi vòng mỗi khi ra sông uống nước.
Một dãy nhà đất xuất hiện trên bãi chăn mới như cái gái trong mắt Dương Khắc. Phong cảnh tuyệt đẹp ở bãi chăn mới nếu như điểm xuyết bằng những chiếc lều Mông Cổ, vẫn không mất đi vẻ đẹp. Còn như xuất hiện những dãy nhà đất thì chẳng khác vẽ thêm mấy cái chuồng lợn trên tấm phông của vở kịch Hồ Thiên nga. Cậu van nài lão Vương cầm đầu đám dân công, liệu có thể quét vôi trắng những ngôi nhà xám xịt đó, để trông xa chúng giống như những căn lều Mông Cổ. Lão Vương cười nhăn nhở, nói: Cậu bỏ tiền mua vôi, tôi quét liền. Dương Khắc tức điên, thảo nguyên không sản xuất vôi, có tiền cũng không mua được.
Việc khai thác đá ngày càng quy mô. Trên những quả đồi thông thường ở thảo nguyên Mông Cổ, chỉ cần gạt lớp cỏ hoặc đá sỏi trên mặt rồi đào xuống một hai thước là thấy đá hộc, đá phiến, đá sỏi bị phong hoá, dùng đầu đòn khiêng mà bẩy những hòn đá lên, không cần dùng choòng, cuốc chim và thuốc nổ. Bảy tám dân công khuân những hòn đá từ dưới hố lên xếp đống bên ngoài, trông xa như những nấm mồ xây bằng đá trên đồi cỏ xanh mượt.
Vài hôm sau, công trường khởi công toàn diện, trên 20 dân công ngồi xe bánh hơi đến bãi chăn, trên xe chất đầy hành lý xanh xanh đỏ đỏ, một số vợ con dân công cũng đến, đem theo mấy con ngỗng đông bắc, có vẻ như đến ở hẳn, bắt rễ cắm chốt trên thảo nguyên. Dương Khắc đau xót bảo Trần Trận: Bãi chăn đẹp thế này mà sắp biến thành một cái thôn nông nghiệp bẩn thỉu của Hoa Bắc, hồ thiên nga quý hiếm cũng sẽ trở thành ao nuôi ngỗng nhà. Trần Trận buồn rầu, nói: Dân tộc nào bị bùng nổ dân số, sốn còn là công việc hàng đầu, còn đâu dinh dưỡng mà chăm nuôi tế bào nghệ thuật. Sau này Dương Khắc nghe nói, đa số những người mới đến đều là người nhà Bao Thuận Quý, ông ta tiếc không chuyển cư được nửa số dân trong thôn đến thảo nguyên.
Lại vài ngày nữa, Trần Trận phát hiện trước cửa các nhà đều đào mương và cày xới đất. Bốn con mương sâu vây lấy một khoảnh đất trên mười mẫu. Chỉ ít hôm sau, cải bẹ, cải bắp, củ cải, rau thơm, dưa chuột, hành, tỏi… nảy mầm, khiến đám thanh niên trí thức tranh nhau đến đặt mua những loại rau của người Hán ít thấy trên thảo nguyên.
Con đường ngoằn ngoèo của xe bò trên thảo nguyên bị những chiếc máy kéo bánh lốp chở lông cừu nắn thẳng tàn bạo, rồi thì gia quyến của cán bộ nhân viên đến nhặt lông cừu, nhặt quả hạnh, đào cây thuốc, cắt rau phỉ. Một vùng tấc đất tấc vàng vừa mở ra, lưu manh các vùng nông nghiệp đã ào tới như bầy ong, ở nơi vùng sâu vùng xa của thảo nguyên chỗ nào cũng nghe thấy tiếng Hán giọng Mông vùng Đông Bắc. Trần Trận bảo Dương Khắc: Văn minh nông canh Hán tộc trong hai ba trăm năm nay đã đồng hoá tộc Mãn nhà Thanh. Vì rằng quê gốc của tộc Mãn- đông tam tỉnh có vùng đất đen rộng lớn và rất dày, lấy lý do “cùng nguồn gốc” có thể đồng văn hoá nông canh. Vấn đề đồng hoá chưa phải quá lớn, nhưng nếu văn hoá Hán đồng hoá thảo nguyên Mông Cổ mong manh, thì “họa vàng” sẽ xảy ra.
Bao Thuận Quý ngày ngày bám công trường. Ông ta đã chuẩn bị tiềm lực phát triển mục trường, dự định năm thứ hai sẽ chuyển cả bốn đại đội đến bãi chăn mới này, biến nó thành bãi chăn mùa hè cho bốn đại đội, dành ra những vùng đất đen phát triển nông nghiệp. Khi đó, cần lương thực có lương thực, cần thực phẩm có thực phẩm, ông ta có cái vốn để di chuyển họ hàng anh em bè bạn đến nơi phong thuỷ bảo địa này lập nên mục trường họ Bao. Bao Thuận Quý yêu cầu nghiêm khắc về tiến độ xây dựng, nhưng các dân công không hề oán thán.
Ông Pilich cùng mấy mục dân có tuổi suốt ngày cãi nhau với đám dân công, bắt họ phải lấp mương, vì ban đêm đã có ngựa bị vấp ngã gãy chân. Mương đã lấp, nhưng ít hôm sau xuất hiện bức tường đất cao nửa người. Ông Ulichi buồn bã ủ ê, ân hận vì ông là người phát hiện bãi chăn mới.
Dương Khắc mất khá nhiều công sức mới gạt bỏ cảnh bát nháo của công trường, tập trung vào phong cảnh trước mắt chỉ là muốn lưu lại đôi chút ấn tượng về hồ thiên nga này. Mấy ngày nay, cậu mê hồ thiên nga còn hơn Trần Trận mê thảo nguyên. Cậu e chỉ một năm nữa, các trảng cỏ bên kia song sẽ xuất hiện các đàn gia súc lớn của ba đại đội khác đồng thời với công trường lớn hơn của dân công. Giả dụ các bãi lau sậy bị chặt quang, đàn thiên nga sẽ không còn bức màn xanh che chở.
Dương Khắc cưỡi ngựa đi tới bên hồ. Cậu muốn biết thiên nga con đã nở chưa vì đang là mùa sinh sản. May mà thời gian này chỉ có vài con bò quanh quẩn, đàn gia súc lớn đều xa ven hồ. Con song nhỏ chở đi dòng nước đục ngầu do gia súc vấy bẩn, đón dòng nước trong xanh từ thượng nguồn chảy về. Hồ nước trở lại trong vắt. Cậu ước ao đàn thuỷ cầm tạm thời được yên.
Bỗng những tiếng kêu kinh hoảng bằng đủ các giọng của thuỷ câm vang lên trong bãi sậy. Vịt trời, đại nhạn bay sát mặt nước về phía đông nam. Thiên nga lập tức vọt lên nhằm đầm lầy phía bắc bay đi. Dương Khắc vội rút ống nhòm chĩa về phía bãi sậy, hẳn có kẻ định bắn thiên nga.
Mười mấy phút sau, mặt hồ phía xa xao động, một chiếc bè được nguỵ trang như bè cánh nhạn của du kích hồ Bạch Dương trong chiến tranh chống Nhật, xuất hiện trước ống kính Dương Khắc. Chiếc bè từ trong bãi sậy nhẹ nhàng bơi ra, trên có hai người đầu đội mũ nguỵ trang bằng cây sậy, khoác áo choàng cũng bằng cây sậy. Cây sậy còn chất đống trên bè, y như một khóm sậy khổng lồ đang trôi, nếu không quan sát kỹ, không thể phân biệt với đám sậy xung quanh. Dương Khắc nhìn rõ hai người ngồi trên bè đã có thu hoạch, một người bỏ mũ nguỵ trang ra, người kia dùng chiếc xẻng sắt làm mái chèo, lái chiếc phà về bờ sông bên này.
Chiếc phà cặp bờ. Thì ra nó vốn là sáu chiếc săm xe tải và mấy tấm cánh cửa kết lại. Dương Khắc nhận ra một người là lão Vương cầm đầu cánh dân công, một người cháu của lão là Hai Thuận. Hai Thuận gạt bỏ đám sậy nguỵ trang, lộ ra chiếc bồn sắt tây vẫn dùng để giặt quần áo, trong bồn chứa đầy trứng chim to nhỏ các loại, giữa bồn có hai quả rất lớn, trắng như pha lê, bóng mịn như điêu khắc ngọc Dương chỉ. Dương Khắc trong bụng đau nhói, cậu tự nhủ: Trứng Thiên nga! Càng kinh hoảng hơn, phía dưới lộ ra một nửa con thiên nga lớn, cánh trắng muốt dây đầy máu. Dương Khắc máu dồn lên đầu, cậu định lật sấp chiếc bè nhưng cố kiềm chế. Con thiên nga không thể sống lại, nhưng hai quả trứng thiên nga cậu sẽ cứu bằng được.
Chiếc bè cập bến, Dương Khắc gầm lên: Ai cho phép các người bắn thiên nga? Lấy trứng thiên nga? Đi, lên đội cùng tôi!
Lão Vương người không cao nhưng rắn chắc, bộ râu nửa Hán nửa Mông che gần hết khuôn mặt. Ông ta trợn mắt nhìn Dương Khắc: Chủ nhiệm Quý cho phép đấy, việc gì đến cậu? Đội xây dựng ăn thịt chim, càng tiết kiệm thịt cừu cho đại đội các cậu chứ sao!
Dương Khắc gầm lên: Người Trung Quốc đều biết câu: Cóc ghẻ đòi ăn thịt ngỗng trời, ông có còn là người Trung Quốc nữa không?
Lão Vương cười nhạt: Chính là người Trung Quốc mới không muốn cho thiên nga bay đến chỗ bọn khốn khiếp, cậu định dâng thiên nga cho bọn chúng hả?
Dương Khắc thấy mồm mép bọn “lưu manh” chẳng vừa, nên không nói gì nữa.
Con thiên nga được đưa lên bờ. Điều làm cho Dương Khắc kinh ngạc là nó bị một mũi tên trúng ngực. Trên bè còn có một cây cung bằng tre vầu và một nắm tên dùng chưa hết, thảo nào không nghe thấy tiếng súng. Vừa nãy cậu còn băn khoăn, hai người không đem theo súng, vậy họ bắt thiên nga bằng cách nào? Thì ra họ dùng thứ vũ khí cổ lỗ nhất. Vào cái thời dùng súng đạn này, cậu thấy bộ cung tên lại có sức sát thương mạnh nhất, hữu hiệu nhất, kín đáo nhất, không làm kinh động những con thiên nga và các loài thuỷ cầm khác để săn bắn được ngày càng nhiều hơn. Dương Khắc tự nhủ không nên coi thường loại người này, phải dùng mưu mà trị chúng.
Dương Khắc cố nén giận, khó khăn lắm mới dịu được nét mặt, cầm chiếc cung lên khen” Cung này tốt đây! Ông bắn con thiên nga bằng cái cung này phải không?
Lão Vương thấy Dương Khắc đã đấu dịu liền kheo mẽ: Đúng thế. Cung này tôi lấy trên xưởng dệt thảm, vốn là cái cần nâng con cò trên khung cửi, rất mạnh, bắn chết người như bỡn. Dương Khắc rút lấy một mũi tên, nói: Cho tôi bắn thử một phát, được không? Lão Vương ngồi trên một mô đất vừa xem Hai Thuận vặt lông thiên nga, vừa hút thuốc, nói: Công phu lắm mới vót được một mũi tên, tôi còn để dùng, cậu bắn thử một mũi thôi.
Dương Khắc nghiên cứu rất kỹ bộ cung tên. Thanh tre làm cung dày gần một đốt, rộng ba đốt ngón tay. Dây cung làm bằng mấy sợi da bò mảnh bện to bằng bút chì, tên làm bằng cành liễu vuốt thẳng, mũi tên bọc bằng sắt tây đồ hộp, có mũi bên ngoài còn rõ hai chữ “chiên vàng”. Sắt tây cắt thành hình tam giác rồi bọc quanh đầu mũi tên đã vót nhọn, bọc rất khít rồi chốt lại bằng đinh. Đầu mũi tên có hình ngòi bút lông, Dương Khắc lấy tay gại thử, nó vừa cứng vừa nhọn như mũi lao. Cậu nhấc thử, thân không nặng nhưng đầu mũi thì hơi nặng, khi bắn đi không bị lạng.
Cung rất cứng. Dương Khắc vận hết sức mới giương được năm sáu phần mười. Cậu giương cung đặt tên, nhằm bó cỏ cách mười mấy mét bắn một phát. Mũi tên cắm xuống đất bên cạnh bó cỏ. Dương Khắc chạy tới cẩn thận rút mũi tên, lau sạch đất, đầu nhọn vẫn sắc nguyên. Lúc này cậu có cảm giác như trở về thời kỳ cổ đại cưỡi ngựa bắn cung trên thảo nguyên Mông Cổ.
Dương Khắc đến bên lão Vương, hỏi: Ông bắn con thiên nga cách bao nhiêu mét?
Khoảng bảy tám bộ.
Ông đứng gần thế mà con thiên nga không trông thấy ông?
Lão Vương gõ gõ cái tẩu: Hôm kia tôi vào bãi sậy tìm cả buổi mới thấy thiên nga. Tinh mơ sáng nay, hai người chúng tôi đẩy bè nguỵ trang vào trong bãi sậy, may mà trời mù, không bị đàn thiên nga phát hiện. Tổ thiên nga cao một tầm với, bằng cây sậy, thiên nga mẹ ấp trứng, thiên nga bố bơi dưới nước canh chừng.
Ông bắn chết con bố hay con mẹ?
Hai chúng tôi nằm chỗ thấp, bắn không tới ổ, đành đợi con đực. Rất lâu con đực mới bơi ngang chiếc bè, tôi bắn một phát, nó chết liền. Con cái thấy động cất cánh bay đi, chúng tôi mới trèo lên lấy trứng trên ổ.
Dương Khắc nghĩ thầm: Khả năng sinh tồn và phá hoại của dân lưu manh này thật đáng gờm. Không súng đạn thì dùng cung tên; không thuyền thì dùng be. Lại còn biết nguỵ trang, biết trường kỳ mai phục, có thể bắn chết từ phát đầu tiên. Nếu chúng được trang bị súng đạn và máy kéo thì thảo nguyên sẽ bị chúng huỷ hoại đến như thế nào? Tổ tiên chúng vốn là mục dân, nhưng sau khi bị văn hoá nông canh của người Hán chinh phục, liền trở thành kẻ thủ của thảo nguyên Mông Cổ. Hàng ngàn năm nay người Trung Quốc tự lấy làm vui về khả năng phi phàm đồng hoá dị tộc của mình, nhưng người Trung Quốc chỉ có thể đồng hoá dân tộc nào trình độ văn hoá thấp hơn mình, hơn nữa, giấu biệt những hậu quả tai hại do sự đồng hoá đó đẻ ra. Dương Khắc mục kích hậu quả đó mà trong lòng rỉ máu.
Hai Thuận dọn dẹp xong cái bè, cũng ngồi nghỉ. Dương Khắc quan tâm nhất hai quả trứng. Thiên nga mẹ chưa chết, dứt khoát phải trả trứng về ổ. Phải cho hai con thiên nga con chào đời, cùng mẹ chúng bay cao bay xa, bay đi Sibia.
Dương Khắc cố làm ra vẻ tươi tỉnh, bảo lão Vương: Ông quả thực đáng nể. Sau này cháu phải học ông vài món.
Lão Vương cười đắc ý: Việc khác thì không biết, còn như bắt chim, bắt rái cá, bẫy sói, đào cây thuốc, nhặt nấm thì lão biết tuốt. Những trò này lão biết từ trước, sau khi người Hán vào đồng cỏ Quan Đông, đất trở nên thiếu, động vật hoang dã cũng bị người Hán chén sạch. May mà lão chưa quên nghề, đành lên đây kiếm ăn qua ngày. Chúng ta tuy cùng tộc Mông nhưng bỏ quê mà đi cũng không dễ. Thanh niên trí thức các cậu từ Bắc Kinh đến, lại có hộ khẩu ở đây, các cậu nói hộ cánh ngụ cư chúng tôi dăm câu, đừng để dân địa phương đuổi chúng tôi đi. Nếu cậu nhận lời, lão sẽ dạy cho mấy món, bảo đảm mỗi năm cậu kiếm được bạc ngàn.
Dương Khắc nói: Vậy cháu xin tôn ông làm thầy.
Lão Vương nhích lại gần, hỏi: Nghe nói ở đằng lều các cậu và các mục dân trữ nhiều mỡ cừu, liệu cho lão một ít không? Bọn tôi bốn năm chục người ngày ngày làm việc nặng, lương thực đều mua từ chợ đen với giá cao, ngày ngày ăn rau dại, không chút mỡ vào bụng, vậy mà các cậu thắp đèn bằng mỡ, phí quá! Cậu bán rẻ cho lão một ít nhá?
Dương Khắc cười: Chuyện này dễ thôi. Chúng cháu còn hai ống bơ mỡ trong lều. Hai quả trứng thiên nga này đẹp quá! Thế này nhé, cháu đổi cho ông nửa ống bơ mỡ lấy hai quả trứng, được không? Lão Vương nói: Được. Hai quả này lão cũng định rán ăn, coi như ăn bớt đi năm sáu quả trứng vịt, cậu cầm về đi. Dương Khắc liền lấy áo bọc kỹ hai quả trứng, bảo lão Vương: Mai cháu đem mỡ đến cho ông. Lão Vương nói: Người Bắc Kinh các cậu nói một là một hai là hai, lão tin.
Dương Khắc thở ra một hơi nhẹ nhõm: Trời hãy còn sớm, cháu mượn cái bè của ông đi xem ổ thiên nga… Ông vừa nói ổ thiên nga cao hơn một tầm với, cháu không tin, muốn thấy tận mắt.
Lão Vương nhìn con ngựa của Dương Khắc, nói: Được, thế này nhá, cậu mượn bè của lão, lão mượn ngựa cậu chở con thiên nga này về bếp ăn. Nặng quá, nặng gần bằng con cừu.
Dương Khắc đứng lên, nói: Cứ thế nhé… Gượm hẵng, ông cho cháu biết cái ổ ấy ở đâu?
Lão Vương cũng đứng lên, trỏ đám sậy chụm thành hình cái cổng, nói: Đến đầu đông thì rẽ sang hướng bắc, chỗ đó có bụi sậy bị bè lướt gãy, bơi theo vệt bè là tìm thấy cái ổ. Cậu biết chèo bè không?
Dương Khắc lên bè, quạt vội mấy xẻng, nói: Cháu bơi thuyền suốt ở công viên Bắc Hải- Bắc Kinh. Cháu biết bơi lội, vài cây số không thành vấn đề. Không chết đuối đâu mà lo.
Lão Vương căn dặn: Trở về cậu nhớ cột bè cho kỹ. Nói xong, lão ôm con thiên nga đặt lên yên, còn lão ngồi phía mông cho ngựa đi chầm chậm. Hai Thuận ì ạch bê bồn trứng theo sau.
Đợi hai người đi xa, Dương Khắc lại cập bờ đem hai quả trứng lên bè rồi hối hả chèo tới khóm sậy phía đông.
°
°
Mặt hồ mênh mông phản chiếu những đám mây trắng nhức mắt, một đàn đại nhạn và những con vịt cổ xanh từ những ao đầm phía bắc mạnh dạn đáp xuống hồ. Hình ảnh lộn ngược, những con chim nước như rẽ mây mà bơi, lát sau chúng đã nổi trên những bóng mây dưới nước. Vào trong hồ, Dương Khắc bất giác chèo chậm lại, cậu như tắm trong màu xanh thẫm của những cây sậy. Mùi thơm nhẹ của nước hồ và của lá sậy đưa tới, càng vào sâu bên trong càng thơm, hình như đã thực sự vào trong hồ thiên nga mộng ảo. Dương Khắc nghĩ, nếu gọi được Trần Trận và Trương Kế Nguyên cùng bơi thì hay quá. Ba người sẽ ở lì trong hồ không ra, nằm trên bè một ngày hoặc một đêm, mặc cho nó trôi đi đâu thì đi.
Chiếc bè dần dà tiếp cận đám sậy phía đông, ở đây nước chảy, là dòng chính của con sông qua hồ chảy lên phía bắc. Lông chim nổi trên mặt hồ, trắng có, xám có, màu cà phê có, màu vàng chanh có, màu cánh trà có, đủ cả. Đôi khi vài con vịt hiện ra đột ngột rồi rúc luôn vào bên trong khi thấy người. Bãi sậy sâu thăm thẳm, là phòng sản yên tĩnh, là sân chơi an toàn của thuỷ cầm. Làn gió mát thoảng qua, rũ sạch mùi mồ hôi trên người Dương Khắc.
Lại qua một khúc ngoặt, dòng sông lúc hẹp lúc rộng. Dương Khắc chèo một lúc nữa thì đến chỗ phân nhánh. Cậu dừng chèo, chợt trông thấy mấy cây sậy gãy giập trên mặt nước, bèn men theo lối đó bơi vào trong. Mặt nước ngày càng rộng ra, trước mặt cậu ẩn hiện một cái hồ, mặt hồ phía đông bắc có rất nhiều cây sậy bị phạt ngã, một đường đi trên mặt nước do con người tạo ra xuất hiện trước mắt cậu. Cậu bơi theo dòng nước, thấy phía sau một búi sậy có một cái gò nổi, cao dễ hơn hai mét, đường kính một mét. Dương Khắc tim đập như trống làng: Đúng nó! Đây là một ổ thiên nga mà cậu chưa từng trông thấy trên phim ảnh hoặc trong sách. Cậu dụi mắt không tin đây là sự thật.
Dương Khắc thở gấp, hai tay run run. Cậu loạng choạng bơi tới, dùng xẻng gạt đám sậy trên mặt nước, tiếp cận cái ổ. Cuối cùng, ghìm được bè vào khóm sậy khổng lồ, cậu thở ra một hơi, dùng cán xẻng làm điểm tựa, nhẹ nhàng nhón gót, vươn cổ ngó vào trong. Cậu muốn biết hoàng hậu thiên nga sau khi mất chồng, còn ở trong ổ không? Nhưng cái ổ cao quá, cậu không thể nhìn vào, nhưng bằng vào cảm giác, cậu thấy trong ổ không có gì.
Dương Khắc ngẩn ngơ trước ổ thiên nga. Cậu như mụ đi vì chưa bao giờ trông thấy một tổ chim lớn như thế. Cậu cứ tưởng cái tổ chỉ cao hơn mặt nước đôi chút. Thiên nga mà có thể đạp gãy một khóm sậy lớn rồi nhặt những cành sậy và lau già đan thành tổ hình cái bát. Cái tổ thiên nga khiến cậu thấy sức tưởng tượng của cậu quá tầm thường. Là bậc vương giả trong loài chim, cái tổ của con thiên nga không những mang phong cách đế vương, mà về công nghệ tạo hình cũng khác đời. Đây là một tâm hồn độc đáo, tay nghề tinh vi. Cái tổ vô cùng chắc chắn.
Sau khi xác định thiên nga mẹ không có trong tổ, Dương Khắc bèn ngó vào trong.
Vị trí cái tổ cực đẹp. Đây là nơi lau sậy mọc dày nhất trong hồ, lại là nơi nước sâu nhất. Bên cạnh tổ là một mảng của cái hồ thứ hai. Người bạn đời của thiên nga xây tổ ở đây tiện cho ẩn nấp, tiện cho ăn uống, ra vào, tiện cho thiên nga đực tuần tiễu bảo vệ. Nếu không có hai dân công xảo trá dùng bè nguỵ trang mở một lối vào trong bí mật tập kích, nói chung rất khó tiếp cận tổ của vua các loài chim này.
Dương Khắc dùng cả hai tay đẩy cái tổ, thấy không rung chuyển, y như đấy một cái cây đường kính hàng mét. Tuy lớn lên trong nước, nhưng rễ của chúng là rễ chum cắm sâu dưới đáy hồ. Kết cấu tổ, Dương Khắc chưa bao giờ trông thấy. Quan sát kỹ, cuối cùng Dương Khắc cũng nhận ra thiên nga xây tổ như thế nào? Trước tiên đôi thiên nga chọn một bụi sậy thật to thật cứng, sau đó dùng búi sậy này làm như cốt thép rồi dùng thân cây sậy mà đan ngang đan dọc hết lớp nọ đến lớp kia. Dưong Khắc đoán chừng lúc bắt đầu, đôi thiên nga đan một lớp thật dày rồi chúng trèo lên trên, dùng sức nặng cơ thể giằn cái tổ xuống dưới nước tiếp tục đan cho đến khi cái tổ ló lên mặt nước. Dương Khắc dùng cán xẻng thăm dò độ sâu, đo được một mét rưỡi tính đến mặt nước. Vậy là nếu bộ phận chủ thể tính từ mặt nước lên cao hơn hai mét, cái tổ này cao hơn bốn mét. Có lẽ đây là công trình đặc cấp trong vương quốc chim.
Những cây sậy già dẻo quánh như tre, chịu được ngam nước. Dương Khắc có lần khơi lại cái giếng trên bãi chăn bị lấp đã bảy tám năm, thấy những chọc chống lở đất bằng cây sậy vẫn chưa mục nát hết. Cậu dùng xẻng chọc vào đáy tổ, quả nhiên rất kiên cố.
Khi tổ đã ló lên mặt nước, người tình của con thiên nga cái bắt đầu kiến trúc, từng lớp phần chủ thể trên mặt nước. Dương Khắc nhận thấy thân tổ đan kết vừa dày vừa chặt y như một cái sọt đặc ruột, tới cách ngọn sậy chừng một thước thì dừng, những cây sậy làm cốt toẽ ra xung quanh như lan can lẩn trong những ngọn sậy. Dương Khắc bám một cây trụ, dùng chân đạp mạnh xem có chỗ nào bật ra không rồi thận trọng leo lên khoảng hai thước ngó vào trong, cuối cùng cậu nhìn rõ phòng sản của thiên nga hình cái đĩa, bên trong lót một lớp lá sậy, một ít lông tơ mềm mại, chứ không hình trôn bát như những loại ổ khác.
Dương Khắc bước xuống bè, ngước nhìn cái tổ thiên nga bằng ánh mắt tán thưởng. Người tình thiên nga cần cù thông minh am hiểu sâu sắc lực học và mỹ học. Thảo nguyên Mông Cổ là thiên đường của những động vật Quý hiếm và cũng là vương quốc của kẻ mạnh và khôn ngoan, ẩn giấu bao nhiêu của ngon vật lạ mà rất nhiều dân tộc nông canh không được thưởng thức. Tiếp đó, Dương Khắc lại phát hiện ra càng nhiều ưu điểm của tổ thiên nga: Cao chót vót trên ngọn đám lau sậy thoáng mát và khô ráo, tầm nhìn xa, được màu xanh như một bức màn che chở, lại cách xa đám cành khô lá mục thối rữa dưới chân. Mùa hè còn tránh được muỗi đốt và rắn nước tập kích. Nếu thiên nga con mổ trứng chui ra, mở mắt đã thấy trời xanh mây trắng. Sang thu, trước khi bay về phương nam tránh rét, chúng ẩn hiện trong hoa lau trắng như bong. Dù xa xôi ngàn dặm, đàn thiên nga con không bao giờ quên quê hương vừa xinh đẹp vừa lãng mạn của chúng.
Gió nhẹ, những cây sậy đung đưa trước gió, hàng vạn bông lau uốn cần câu, nhưng cái tổ vĩ đại của thiên nga vẫn đứng im phăng phắc, như bậc đế vương tiếp nhận triều kiến của chư hầu. Thiên nga rất kiêu, tự nhận là loài chim bay cao nhất thế giới, nhưng Dương Khắc không ngờ trên thảo nguyên không một bóng cây, thiên nga vẫn cứ kiêu ngạo hơn chim ưng. Chim ưng đực trên thảo nguyên lấy độ cao của núi để tăng độ cao của tổ. Dương Khắc đã xem hơn chục tổ chim ưng thảo nguyên trên đỉnh núi, đâu phải tổ, mà chỉ là một đống cành cây và vài miếng da rách như cái ổ của tên ăn mày, khiến lòng ngưỡng mộ của cậu đối với chim ưng tan biến.
Thiên nga cao quý, đẹp và trong sạch cả trên trời lẫn dưới đất. Nếu như trên đời không có thiên nga, làm gì có hồ thiên nga trên sân khấu? Làm gì có Ulanôva? Dương Khắc nhìn lên ngai vàng của thiên nga, mở to mắt ghi nhớ từng chi tiết cái tổ đế vương. Cậu rất muốn dựng một cái tổ thiên nga cao vút trên quảng trường nhà hát quốc gia, trở thành linh vật của những ai yêu thiên nga và hồ thiên nga, trên đỉnh trụ là đôi bạn thiên nga thanh khiết vỗ cánh bay lên trời xanh, họ sẽ là linh vật của tình yêu và cái đẹp bất tử trong lòng nhân loại.
Gió trên hồ dần chuyển lạnh, lau sậy cũng biến từ màu xanh sang sẫm. Dưong Khắc hai tay nâng hai trứng thiên nga trước ngực, truyển hơi ấm cho chúng. Thế giới này cóc ghẻ ngày càng nhiều, trên sân khấu, đại đao của nữ hồng quân đuổi sạch công chúa thiên nga. Nhưng thế giới này vẫn có những người yêu thích và sùng bái thiên nga.
Dương Khắc thận trọng trèo lên tổ, thành kính đưa quả trứng lên quá đầu, trả lại tổ, lại lấy từ trong bọc quả trứng thứ hai trả nốt. Trở lại bè, cậu thở một hơi khoan khoái. Cậu tin rằng hai quả trứng trên cột totem cao to kia sẽ là hai viên ngọc lớn, từ bãi sậy phát ra ánh sáng chói lọi vẫy gọi nữ hoàng thiên nga đang bay lượn trên trời cao.
Rồi thì bầu trời xuất hiện một chấm trắng bay rất cao. Dương Khắc vội vàng cởi dây cột, đẩy nhẹ chiếc bè trở lại lòng sông. Cậu nâng dậy những cây sậy bị đổ rạp, dùng xẻng gạt lá sậy trôi trên mặt nước, cậu hi vọng những cây lau bị chặt ngã lại nảy mầm, che khuất cái tổ thiên nga vĩ đại đã bị lộ.
Trước khi rời đi, Dương Khắc trông thấy một con thiên nga đang sà xuống và khi bè cập bến, không còn thấy nó trên trời.
°
°
Dương Khắc đến bếp ăn của công trường, Hai Thuận nói chú cậu ta đã cưỡi ngựa đi tổ chăn nuôi số 3 mua bò ốm. Bãi đất bên ngoài nhà bếp đã mọc lên một cái bếp đất, trên bếp có một nồi cực lớn. Mặt đất đầy lông thiên nga ướt mèm, chiếc nồi trên bếp sôi sùng sục, trong nồi là những miếng thịt thiên nga to bằng nắm tay. Dương Khắc trông thấy con thiên nga trong nồi đang khóc, bên bếp là một cô ăn mặc gọn gang đang cho gia vị như tiêu ót hành tỏi, gừng tươi vào nồi lại còn tưới lên đầu thiên nga loại xì dầu rẻ tiền. Dương Khắc bị choáng, ngồi bệt xuống xe. Cô gái trẻ bảo Hai Thuận dìu cậu thanh niên trí thức Bắc Kinh vào trong lều, lát nữa tặng cậu ta bát cháo thiên nga bồi dưỡng sức khoẻ. Dương Khắc gạt Hai Thuận sang bên. Cậu tức đế nỗi suýt đá bay cái nồi trên bếp. Cậu không chịu nổi cái mùi bốc lên từ cái nồi nhưng không dám đá, cũng không dám nổi giận. Người ta là bần nông và trung nông lớp dưới, còn thanh niên trí thức các cậu là lũ “chó rẻ” về đây để được giáo dục lại. Cậu dứt khoát phải tìm cách huỷ cái bè.
Đám dân công mồ hôi chua loét lục tục trở về. Ngửi thấy mùi thịt thèm rỏ giãi, họ reo ầm lên vây quanh nồi vừa hát vừa gọi:
Cóc ghẻ ăn thịt ngỗng trời nào! Cóc ghẻ ăn thịt ngỗng trời nào!
Ăn thịt thiên nga thì còn là cóc ghẻ nữa thôi?
Vậy là gì?
Vua.
Một cậu tướng ngũ đoản giương cặp mắt lồi như mắt cóc, nhân lúc láo nháo cầm que củi đang cháy đốt đít cô gái, cười đĩ thoã: Ai bảo cóc ghẻ không ăn thịt nổi ngỗng trời? Lát nữa ta sẽ ăn. Lời chưa dứt, cậu ta đã bị đập một phát bằng que củi đang cháy.
Đám dân công thấy thịt chưa chin, liền cởi trần, tay vung khăn mặt bẩn, chạy ra hồ. Vài người trèo lên bè bơi ra giữa hồ. Vài cậu không sợ nước, trần truồng nhảy xuống bơi như chó, nước đục bắn tung toé. Mặt hồ vừa yên thì một đám chim lớn giật mình bay lên, kêu loạn xạ.
Dương Khắc không hiểu, cùng là dân tộc Mông, mà sao những người ở khu vực nông nghiệp quên rất nhanh thuỷ thần mà người Mông Cổ sùng bái. Khi thanh niên trí thức Bắc Kinh chưa về đến mục trường, công xã đi qua trụ sở cơ quan huyện, một số cán bộ người Hán đến thăm, nói riêng với đám Trần Trận, là đến thảo nguyên thì phải tôn trọng phong tục tập quán và tôn giáo tín ngưỡng của mục dân. Thảo nguyên Mông Cổ thiếu nước, nên người Mông Cổ đặc biệt quý trọng nước, không dám giặt quần áo, càng không dám tắm trong hồ. Trong lịch sử dân tộc Mông Cổ thời bán khai, vì dân tộc Islam thích tắm nơi sông hồ, rất khinh nhờn thuỷ thần Mông Cổ, nên hai dân tộc này đã đánh nhau máu chảy thành sông. Họ mong sau khi lên thảo nguyên, thanh niên trí thức không nên tắm giặt ở sông ngòi. Hơn hai năm nay, đám thanh niên trí thức đã kiềm chế được ý thích tắm sông. Ai ngờ đám dân công đến từ khu vực Mông Cổ- nông nghiệp dám phá hoại quy củ của thảo nguyên.
Không còn cách nào khác, Dương Khắc đành trở về căn lều Mông Cổ cùng Trần Trận bàn cách đối phó. Đi được vài bước, cậu phát hiện năm sáu cái rễ cây rất to dưới chân tường. Cậu giật mình nghĩ đến những bông thược dược đẹp như các nàng tiên, vội chạy tới nhìn kỹ. Cậu chưa bao giờ nhìn thấy rễ cây hoa thược dược. Chúng rất giống sừng con cừu, lại giống củ khoai lang lớn đầy những mấu. Thân cây hoa bị cắt cụt, chỉ còn lại vài mầm non mới nhú. Mấy cái rễ to nhất đã được thả trong thùng sắt lớn, một thùng chỉ thả được một rễ, trong thùng có cát ướt, bảo đảm rễ không bị héo.
Dương Khắc hỏi Hai Thuận: Đây có phải rễ cây thược dược? Hai Thuận nói: Đúng, thược dược trắng, mọc trong núi, ở đâu thì không thể cho cậu biết. Cách đây mấy hôm chở đi hơn nửa xe bán cho hiệu thuốc trên thành phố. Dương Khắc không ngờ chỗ hơn nửa xe com măng ca Bao Thuận Quý chở đi chỉ là một phần nhỏ, còn lại toàn bộ thược dược thiên nga đã bị đám dân công đào sâu ba thước, lấy cả rễ. Những con người đã không yêu quê mình thì khi đến nơi khác, họ dám phá sạch.
Dương Khắc trở về nhà, kể lại cho Trần Trận và Cao Kiện Trung những điều mắt thấy tai nghe.
Trần Trận cũng tức đến nỗi không nói thành lời. Khi đã bình tâm trở lại, cậu bảo Dương Khắc: Những điều cậu thấy là hình ảnh thu nhỏ mối quan hệ mấy nghìn năm giữa hai dân tộc du mục và nông canh. Dân du mục trở thành dân làm ruộng rồi quay về giết thảo nguyên. Cả hai đều bị thương.
Dương Khắc không hiểu, hỏi: Làm sao cả hai đều bị thương? Vốn cùng cội rễ, du mục quay về du mục, nông canh trở về nông canh có phải yên ổn không?
Trần Trận trả lời lạnh nhạt: Trái đất bé tí ấy mà. Lịch sử nhân loại là lịch sử giữa tước đoạt và bảo vệ không gian sinh tồn. Hoa Hạ kinh tế tiểu nông tầm nhìn hạn hẹp, cả đời chỉ nhìn thấy mảnh đất bé tí dưới chân mình. Chúng mình nếu không lên thảo nguyên, chắc cũng chỉ như ếch ngồi đáy giếng, cứ cho mình ghê gớm lắm.
Bên ngoài có tiếng sủa của ba con chó lớn. Dương Khắc nói: Chắc lão Vương đem trả con ngựa. Nhị Lang hung hăng đến nỗi lão không dám xuống ngựa, gọi Dương Khắc ầm ĩ. Dương Khắc vội chạy ra nạt chó để lão vào trong lều rồi mới tháo yên. Con ngựa mồ hôi ướt sũng, hơi bốc ngùn ngụt, đệm lót yên cũng ướt mèm, toàn mùi mồ hôi. Dương Khắc giận dữ mở cửa bước vào. Lão Vương trên người toàn mùi tỏi, mép bóng nhẫy, luôn miệng khen thịt thiên nga ngon. Dương Khắc cố nhịn để khỏi rút dây động rừng, lấy mỡ cừu đưa cho lão. Lão Vương được nửa lon mỡ vui vẻ ra về. Dương Khắc nghĩ đến con thiên nga đực sáng nay còn bay lượn trên trời, giờ đã trong bụng lão Vương cùng với đám tỏi hôi rình thì xót xa quá chỉ chực khóc.
Ba người ngẩn ra hồi lâu không nói gi. Sao không ngăn lão lại nện cho một trận? Sao không cho lão một bài học? Nhưng các cậu thấy với loại chỉ thích lấy thịt đè người này, đánh không đánh, mà nói lý lẽ thì như đàn gẩy tai trâu. Muốn trị chúng, phải lấy độc trị độc. Trần Trận và Cao Kiện Trung tánh thành phá huỷ chiếc bè của lão Vương, mà phải phá tan thành, khiến lão hết cách phục hồi. Phải bảo đảm cho hai con thiên nga lớn lên bay đi. Dương Khắc xót xa: Mình nghĩ sang năm đàn thiên nga chắc không về đây nữa. Ba người ngồi im như phỗng.
Nhưng các cậu không biết đội thông báo tối nay học chính trị, không ai được vắng mặt, khiến các cậu lỡ cơ hội duy nhất phá huỷ chiếc bè.
Người đầu têu ăn thịt thiên nga trên thảo nguyên Ơlôn là Bao Thuận Quý, nhưng là ăn trong trướng của đội săn bắt sói. Nồi thịt thiên nga hôm đó không có gia vị, mà chỉ là thịt luộc chấm muối. Tất cả đám thợ săn và Dương Khắc không ai đụng tay. Bao Thuận Quý uống rượu một mình, lão cũng chẳng có cảm giác đó là yến tiệc cung đình, thậm chí còn bảo thịt thiên nga chẳng khác thịt ngỗng nấu với ngô ở quê lão.
Lúc này Bao Thuận Quý đã kịp mò tới bếp công trường. Đây là món ăn Hán, có đủ nguyên liệu phụ, nấu nướng cầu kỳ, lại thêm mấy chục con người tán hươu tán vượn, hót như khướu khiến lão có cảm giác và tâm trạng của bậc vương giả.
Tiếc rằng thịt thì ít mà người lại nhiều. Bao Thuận Quý và lão Vương mỗi người ăn hết một đĩa, những người khác chẳng được mấy miếng. Tiệc thiên nga vừa tan, Bao Thuận Quý mồm miệng bóng nhẫy chủ trì buổi học chính trị, khiến mọi người nhốn nháo vì them. Vậy là quyết định ngày hôm sau trời chưa sáng lại khoác áo nguỵ trang, lại đem theo cung tên, lại vào chỗ phục kích hôm trước, để cho chắc ăn, họ còn đem theo khẩu bán tự động của Bao Thuận Quý, nếu không bắn được thiên nga thì họ bắn đại nhạn, vịt trời, gì thì gì, mọi người phải ăn một bữa thoả thích.
°
°
Sáng sớm hôm sau, tiếng súng trong hồ đánh thức Dương Khắc, Trần Trận và Cao Kiện Trung. Ba người giậm chân kêu trời. Dương Khắc nổi cơn điên, phóng ngựa về phía hồ. Trần Trận nhờ Quanbu chăn cừu hộ một ngày, rồi cùng Cao Kiện Trung lên ngựa phóng theo.
Ba người thấp thỏm đợi chiếc bè cập bến. Thảm cảnh trước mắt khiến Dương Khắc và Trần Trận như chứng kiến người thân đột tử. Lại một con thiên nga, vài con nhạn biển và vịt trời nằm lăn lóc trên bè cùng với hai quả trứng thiên nga vấy máu. Đó chính là con thiên nga cái vừa chết chồng, vì hai đứa con yêu quý chưa chào đời mà nó nán lại, chưa kịp rời bỏ cái hồ đáng sợ này. Nó bị bắn nát đầu, chết thê thảm hơn người chồng quá cố, chết trên hai đứa con một gái một trai chưa nở, máu tươi trên trứng coi như cung cấp chút hơi ấm cuối cùng cho các con.
Dương Khắc nước mắt đầm đia, nếu cậu không đem trả hai quả trứng, có lẽ con thiên nga đã thoát khỏi những bàn tay độc ác.
Lão Vương lên bờ. Đám dân công, mục dân và thanh niên trí thức đã tụ tập đông đảo. Lão Vương mặt hầm hầm bảo Dương Khắc: Cậu còn định đổi mỡ cừu nữa thôi? Đừng có mà nằm mơ! Lần này thì lão sẽ đổi hai quả trừng này cho cậu Bành. Hôm qua lão đi mua bò chê cỏ gặp cậu Bành, kể chuyện cậu đổi nửa lon mỡ cừu lấy hai quả trứng thiên nga. Cậu ta bảo lão bị thiệt. Cậu ta đặt hàng, cứ mỗi quả đổi một lon mỡ cừu.
Đang nói thì tiểu Bành hối hả xuống ngựa, cầm hai quả trứng nhét luôn vào túi xách rồi lên ngựa đi luôn.
Đám dân công vui như tết, mang các các thứ săn được về nhà bếp. Đám mục dân nghi ngờ và phẫn nộ khi thấy những người Mông Cổ mặc y phục Hán này sao lại quá tàn nhẫn, dám ăn thịt cả đại điểu của Tăngcơli (Trời). Ông già Pilich lần đầu tiên gặp chuyện này. Giận run người, ông lớn tiếng chửi lão Vương là đồ vô lại, khinh nhờn chim thần Saman, đồ mất gốc! Ông có còn là người Mông Cổ nữa không hả? Lão Vương không chịu, cãi: Saman đã là cái thứ gì! Quê tôi ngay cả tượng Bồ Tát còn bị người ta đập nát bét, còn ông thì vẫn ôm lấy thần Saman! Lạc hậu, đập tuốt! Ông Pilich thấy đem giới luật của trời ra mà vẫn không ăn thua, vội rút quyển sách đỏ của Mao Chủ tịch in bằng chữ Mông Cổ ra, hỏi Trần Trận: Trừng trị bọn thổ phỉ này thì đọc đoạn nào? Trần Trận và Dương Khắc mãi không nghĩ ra trong ngữ lục có đoạn nào nói về trừng trị những kẻ giết chim quý.
Đám dân công cậy đông, lại có ô dù, nên cãi nhau tay đôi với ông Pilich. Đám mục dân gầm lên xông tới. Hai bên đều là người Mông Cổ, đều là bần nông (mục) và trung nông (mục) lớp dưới, cùng dân tộc, cùng giai cấp, vậy mà không có cách nào hoà giải cuộc xung đột giữa dân tộc Mông- nông canh với dân tộc Mông – du mục. Dương Khắc và Trần Trận và một số thanh niên trí thức đứng về phía những người Mông Cổ mặc áo dài, chửi những người Mông Cổ mặc y phục Hán. Hai bên càng chửi càng hăng. Lanmutrăc vốn dữ như sói và mấy tay mã quan sắp sửa dùng đến roi ngựa thì Bao Thuận Quý đến kịp. Lão xông vào giữa đám đông, vung roi trên đầu mấy vòng, quát: Im lặng! Kẻ nào động thủ là tôi gọi Tổ chuyên chính đến tóm cổ nhốt tuốt vào lớp học. Mọi người im ngay lập tức.
Bao Thuận Quý xuống ngựa đi đến trước mặt ông Pilich, nói: Thiên nga là cái thứ chỉ có bọn xét lại Liên Xô thích. Ở Bắc Kinh, vở diễn Hồ Thiên Nga đã bị cấm, những kẻ sắm vai chính đã bị đấu tố. Chuyện bảo vệ thiên nga ở đây mà để cho người ta biết là rắc rối đấy, thành vấn đề chính trị chứ chả chơi! Chúng ta hãy nắm khâu cách mạng đẩy mạng sản xuất. Muốn đẩy nhanh tốc độ xây dựng thì phải cho dân công ăn thịt, nhưng đại đội không cung cấp thịt cừu cho họ, buộc họ phải tự đi kiếm, vậy thì chuyện này tốt quá đi chứ!
Bao Thuận Quý quay sang bảo mọi người: Đang vào vụ, các người ở đây làm gì? Đi làm đi!
Mọi người giận dữ bỏ đi.
Dương Khắc không chịu nhún. Cậu phi ngựa chạy về lều lấy ba quả nhị thanh hướng ra mặt hồ đốt cả ba. Sáu tiếng nổ vang rền khiến tất cả các loại thuỷ cầm bay tứ tán. Bao Thuận Quý tức quá, thúc ngựa chạy trở lại, dùng roi ngựa điểm mặt Dương Khắc, quát: Mi có mấy cái đầu mà dám triệt thức nhắm của ta? Đừng quên lão già phản động bố mi đang lao động cải tạo! Mi phải chịu sự giáo dục lại của bần nông và trung nông lớp dưới. Những dân công ở công trường này, cả ta nữa, đều là bần nông và trung nông lớp dưới!
Dương Khắc cãi: Về đây, tôi chỉ chịu sự giáo dục lại của bần nông và trung nông lớp dưới.
Ông Pilich và mấy mã quan ôm vai Trần Trận đi lên dốc. Ông Pilich nói: Vừa nãy cháu đốt pháo, bác sướng quá.
Về sau Dương Khắc nghe nói Tiểu Bành là một tay sưu tầm vật lạ, đương nhiên hắn biết cách bảo tồn hai quả trứng thiên nga. Hắn là “bác sĩ chân đất” của đại đội. Hắn dùng kim tiêm rút hết lòng trắng lòng đỏ rồi lấy keo bịt lỗ thủng là không lo trứng bị thối, có thể bảo quản lâu dài. Hắn còn đến xưởng mộc của mục trường làm hai cái hộp bằng kính đáy lót gấm, mỗi hộp đựng một quả như một thứ hàng mỹ nghệ độc đáo, cất tận đáy hòm không cho ai biết. Vài năm sau hắn biếu hai quả trứng đó cho ông cán bộ tuyển sinh là con em công nông binh, mượn cánh thiên nga bay về Bắc Kinh, vào một trường đại học.
Buổi chiều ngày thứ tư, Cao Kiện Trung cho bò về chuồng, bí mật nói với Dương Khắc và Trần Trận, con bò ốm lão Vương mua về đã bị sói ăn thịt, trước cửa nhà lão không xa.
Hai người ngớ ra, Dương Khắc nói: Phải rồi, họ không có chó. Lỗ to rồi!
Cao Kiện Trung nói: Mình đã đến xem tận nơi. Con bò buộc cách nhà hơn mười bước chân chỉ còn sót lại cái sỏ, bốn móng guốc và bộ xương. Lão Vương uất quá chửi toáng lên, nói tiền mua con bò bằng nửa tháng ăn của nhà bếp, giờ thì ăn nhạt. Cao Kiện Trung cười: Thực ra con bò này có ốm đâu, chẳng qua là trong bụng có giun, lão Vương biết nghề thú y, mua về cho uống thuốc tẩy giun, rồi lợi dụng ở đây nhiều cỏ để vỗ béo rồi mới thịt. Không ngờ mới béo lên được tí chút, sói đã xơi mất.
Dương Khắc chì chiết: Đám lưu manh này làm gì biết cảnh giác, đêm ngủ như chết. Đàn sói Ơlôn cũng rất tinh. Chúng thoáng qua đã biết đây là dân ngụ cư mới dám ăn thịt con bò ngay trước cửa. Dương Khắc tỏ vẻ hỉ hả: Phải chăng đây là hành động coi thường bần nông và trung nông lớp dưới? Người không dám, chỉ có sói mới dám làm thế.
Trần Trận nói: Không phải coi thường, mầ phải coi là trả thù.
Dương Khắc thở dài: Thời buổi sung đạn, sói đựoc mấy hơi sức mà trả thù? Hồ thiên nga, mảnh đất hoang hoá cuối cùng trên thảo nguyên Mông Cổ đã thất thủ. Nếu sau này còn có dịp về Bắc Kinh, mình không dám xem vũ kịch Hồ thiên nga, hễ xem là nhớ lại nồi thịt thiên nga, cái đầu thiên nga trong bát canh tiêu ớt. Lúc sống thì quý phái cao sang là thế… Trước kia tôi cho rằng nền văn minh nông canh Trung Quốc bị các cường quốc xâm lược chà đạp, mà không ngờ văn minh nông canh lại huỷ hoại văn minh du mục cũng tàn nhẫn và tởm lợm như thế.
Cao Kiện Trung ngắt lời: Đừng nói xa xôi, sói đã hoành hành ngay trước nhà mình, cẩn thận kéo nó thấy sói con là hai đàn cừu nhà mình đi đứt.