Tôtem Sói

Chương 12

Trong giáo lệnh, Thành Cát Tư Hãn dặn dò các con phải thường xuyên đi săn, qua săn bắn mà rèn luyện tài thao lược. Người Mông Cổ khi không đánh nhau với người, nên đánh nhau với thú. Đầu đông, Mông Cổ điều động quân lính bủa vây bãi săn, Khan là người đầu tiên dẫn thê thiếp và tùy tùng tham gia, vui vì săn bắt được cầm thú không biết bao nhiêu mà kể. Thời gian sau cầm thú còn rất ít, các bô lão đến trước Khan xin tha cho chúng, để chúng sinh sôi nảy nở, dành cho những lần săn bắt sau.

(Phùng Thừa Quân dịch Đa tang Mông Cổ sử)

 

Đại đội nhân mã và đàn chó săn theo sau ông già Pilich tiến gấp lên phía bắc trong đêm. Gần như mỗi người dắt theo một con chó, thậm chí có người hai con. Gió từ hướng tây bắc thổi tới, không mạnh không yếu, những tảng mây dày đặc sà xuống đè lên thảo nguyên. Bầu trời bị che khuất, không một ánh trăng sao. Bốn bề im ắng, tuyết dưới chân ngựa cũng màu đen. Trần Trận cố mở to mắt mà vẫn không nhìn thấy gì, y như đã bị mù. Đã hơn hai năm, Trần Trận nhiều lần đi đêm, nhưng như đêm nay thì chưa. Cậu rất muốn bật que diêm để kiểm tra mắt nhưng không dám.

Dựa vào thính giác, cậu tiến sát ông già Pilich hỏi khẽ: Soi đèn pin trong tay áo có được không, bố? Mắt con hình như bị mù. Ông già khẽ gắt: Đừng, giọng căng thẳng lo lắng. Trần Trận lập tức bặt im, mò mẫm đi theo.

Đàn ngựa và chó lặng lẽ đi trong đêm tối. Sói thảo nguyên giỏi đánh đêm. Người thảo nguyên sở trường tập kích vào ban đêm. Trần Trận cảm thấy đàn sói này không bình thường, đã đói mà còn chọn đêm tối như thế này mới xuất kích. Ông Pilich phán đoán cuộc chiến cũng khác người. Và cuộc chiến đang tiến triển theo ý ông. Trần Trận trong lòng rộn lên, được tham gia cuộc đấu sức giữa hai sói chúa trên thảo nguyên, làm sao không xúc động?

Đoàn ngựa xuống một đoạn, bắt đầu leo lên con dốc lớn hơn. Lúc này, ông Pilich mới lại gần Trần Trận, dùng ống tay áo che miệng, nói với cậu, giọng đã dịu xuống: Muốn làm một thợ săn giỏi, cái tai phải tinh. Tai sói tinh hơn mắt sói. Trần Trận cũng lấy tay áo che miệng, hỏi: Nói chuyện lúc này có sợ sói nghe thấy không hả bố?. Ông già nói khẽ: Ta đang leo dốc, có núi che chắn, lại ngược gió, nói nhỏ không sao. Trần Trận lại hỏi: Chỉ dựa vào thính giác mà đến được địa điểm mai phục, hở bố?. Ông già nói: Chỉ dựa vào tai cũng chưa ổn, mà phải nhớ giỏi, nghe tiếng chân ngựa biết là đang đi trên vùng đất nào, phía dưới tuyết là cỏ, cát hay đá sỏi thì biết đó là những nơi nào; lại còn ngửi nữa, ngửi mùi mà tiến thoái. Trong gió có mùi tuyết, mùi cỏ, mùi cát, mùi đất phèn, mùi sói, mùi cáo, mùi phân ngựa và mùi lều trại. Đôi khi không mùi vị, phải dựa vào tai và trí nhớ, tối đến mấy ta cũng nhận ra đường đi. Trần Trận vô cùng cảm phục, nói: Biết đến khi nào con mới làm được như bố?....

Trần Trận cảm thấy ngựa vẫn đang leo dốc, liền tranh thủ hỏi tiếp: Ở ta có bao nhiêu người giỏi như bố? Ông già trả lời: Các mã quan và những con sói già. Vậy con người đáng gờm hay sói đang gờm? Ông già nói: Con người làm sao bì được với sói. Trước đây có một con sói đầu đàn giết hại gia súc nhiều vô kể, cắn chết cả con ngựa quý của Vương gia. Điều động toàn bộ thợ săn giỏi nhất vùng, kiên trì lùng sục suốt nửa năm mới tóm được, té ra nó là một con sói mù dở: một mắt đui, một mắt chột!....

Lưng ngựa phía dưới mông người cưỡi đã phẳng ngang, ông già lập tức ngừng câu chuyện. Đoàn người ngựa vượt đỉnh dốc, đi xuống một bãi cỏ bằng phẳng. Ông Pilich thúc ngựa chạy nhanh hơn, đại đội nhân mã lặng lẽ bám sát ông. Không còn nghe tiếng cười rúc rích của trẻ em và phụ nữ, đoàn người ngựa như những kỵ sĩ được huấn luyện chính quy đang chấp hành nhiệm vụ tác chiến. Vậy mà trên thực tế, đây là những người mới được tổ chức, có rất nhiều người già, trẻ em và phụ nữ chân yếu tay mềm. Vậy thì đội quân chính quy gồm những chiến sĩ thiện chiến sẽ như thế nào? Trần Trận cảm nhận được ngay tính phổ cập tố chất tuyệt vời về quân sự ở dân tộc này. Tại trung nguyên Hoa Hạ, toàn dân là lính chỉ là khẩu hiệu suông hoặc mơ ước của người cầm quyền, nhưng trên thảo nguyên Mông Cổ, hàng ngàn năm nay câu đó đã là hiện thực.

Càng tới gần địa điểm chỉ định, đội ngũ càng khẩn trương. Cách đây không lâu, lũ sói tiêu diệt toàn bộ đàn ngựa chiến. Chúng thắng đậm. Hôm nay, người Ơlôn huy động toàn bộ sức mạnh đến đây, chưa rõ thắng bại ra sao? Trần Trận bắt đầu lo. Vận dụng cách đánh sở trường của sói là đánh đêm, tập kích và bao vây tiêu diệt để đối phó với lũ sói mà khứu giác, thính giác đều tinh hơn con người, thì khác nào múa rìu qua mắt thợ! Những năm trước, năm nào mục trường cũng tổ chức vây bắt nhưng kết quả rất thường, mười lần xuất kích thì năm lần về tay không. Chả thế có câu giễu: Bủa vây ôi bủa vây, cứ như diều không dây!

Do ảnh hưởng cực xấu về chuyện đàn ngựa chiến bị diệt, lần bủa vây này nếu không đem lại thắng lợi cho cấp trên vui lòng, thì rất có thể bộ sậu lãnh đạo mục trường bị cách chức. Nghe đồn cấp trên đã nhắm một dũng sĩ diệt sói về lãnh đạo mục trường Baolicơ vùng Ơlôn. Vì vậy mà ông Ulichi, ông Pilich và các mã quan chuẩn bị chơi một trận hết mình, hạ gục khí thế của đàn sói thảo nguyên. Phải kiếm được vài chục bộ da sói thượng hạng nộp thượng cấp, nếu không sẽ có người khác về cai quản Ơlôn.

Đêm càng tối càng lạnh. Cái giá buốt lúc rạng sáng và bóng đêm nhập nhoạng đè chặt tim mọi người, ai cũng khó thở. Dương Khắc lặng lẽ lại gần Trần Trận, ghé tai nói thầm: Đội ngũ tản ra thì khoảng cách càng rộng, sói luồn dưới chân ngựa cũng không nhìn thấy, chẳng hiểu ông Pilich có cao kiến gì không? – Cậu ta ghé sát ống tay áo nhìn đồng hồ dạ quang – Chúng mình đi được hơn hai tiếng rồi, đã đến lúc tán khai chưa nhỉ? Trần Trận níu tay áo Dương Khắc, rúc đầu vào trong để nhìn giờ trên chiếc đồng hồ Thụy Sĩ. Cậu dụi mắt, càng lo.

Đột nhiên một mùi thơm từ trên không sà xuống, mùi thơm nồng của cây thanh hao làm thuốc. Ông già Pilich gò cương dừng ngựa trên đám đất trồng thanh hao. Cả đội dừng lại theo. Ông già ngoảnh lại nói nhỏ mấy câu với các Tổ trưởng sản xuất và đám thợ săn. Họ liền tản khai đội hình theo hai hướng, hơn một trăm con người từ hàng dọc chuyển thành hàng ngang, hình thành rất nhanh tuyến tản binh. Tiếng vó ngựa xa dần cho đến khi mất hẳn. Trần Trận bám sát ông già.

Trần Trận chợt nhìn thấy luồng ánh sáng chói lòa phát ra từ chiếc đèn pin đại trên tay ông già. Liền đó, từ những nơi rất xa của hai phía, có những ánh đèn trả lời. Ông già nháy đèn ba lần, các nơi cũng đáp lại ba lần.

Ông già cất tiếng hú. Tiếng hú lan xa trong không khí lạnh giá. Thảo nguyên đang im lìm bỗng rộ lên những tiếng hú của đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ. Gần nhất là tiếng hú của mấy cô gái trong tổ sản xuất của Caxưmai, trong như pha lê, tiếng vọng mãi không dứt. Tiếng hú của Caxưmai càng lanh lảnh. Cả đại đội hò la như khi trực đêm đuổi sói, dồn dập như sóng biển dồn lên phía tây bắc. Cùng lúc, hơn trăm con chó săn to khỏe, kéo căng dây thừng, sủa như điên. Mở màn là cuộc chiến bằng âm thanh, tiếp theo là cuộc chiến bằng ánh đèn pin, những cột ánh sáng mạnh có, yếu có, to có, nhỏ có, trắng có, vàng có, tất cả đều chĩa về hướng tây bắc, thảo nguyên đen như mực bỗng sáng lòa ánh hào quang do tuyết trắng phản chiếu ánh đèn, những cột sáng dựng tua tủa như biển giáo rừng gươm.

Tiếng hú và những cột ánh sáng lấp đầy khoảng trống giữa người và người, giữa chó và người. Trong khoảnh khắc, tấm lưới do người, chó và tiếng hú dệt nên trải dài mênh mông, tuy thưa mà không gì chui lọt, bao vây gọn đàn sói.

Trần Trận, Dương Khắc và đám thanh niên trí thức choáng ngợp trước cảnh tượng kỳ vĩ trên thảo nguyên. Mọi người hò reo phấn khởi. Trần Trận nhận ra nơi cậu đang đứng là bờ đông đầm lầy, nơi đàn sói tiêu diệt đàn ngựa chiến. Ông Pilich dặn mọi người trước tiên đến địa điểm tập kết, sau đó mới giăng lưới. Lúc này, người và chó đã vòng qua đầm lầy, nhanh chóng triển khai vòng vây trên phần đất dài và hẹp phía bắc đầm lầy.

Ông Pilich gò cương, cúi soi dấu chân sói trên tuyết, tiện thể kiểm tra độ dày mỏng của vòng vây để điều người bổ sung, Trần Trận theo sát ông già, không rời nửa bước. Ông già thở phào: Đàn sói vừa qua đây, khá đông. Cậu xem này, dấu chân mới tinh. Lần này thì đúng rồi, không uổng công thức trắng đêm. Trần Trận hỏi: "Sao không vây chúng trong đầm lầy? Ông già nói: Không được. Đàn sói về ăn thịt ngựa vào lúc nửa đêm, bỏ đi khi trời sắp sáng. Nếu bao vây khi chúng còn trong đầm lầy thì trời quá tối không thể bắt chúng bằng thòng lọng, chó cũng không nhìn rõ chúng. Đàn sói sẽ tản ra bốn phía, thế là công toi. Vây bắt thì phải triển khai vào nửa đêm về sáng, trời rạng bắt đầu dồn đuổi, sáng bạch thì chúng co cụm lại một chỗ.

Bên trái bên phải đều có tín hiệu đèn pin. Ông Pilich nhổm người trên yên, liên tục phát đi mệnh lệnh cho các tổ trưởng. Tín hiệu của ông lúc dài lúc ngắn, khi ngang khi dọc, lúc chữ thập lúc khoanh tròn, ngôn ngữ đèn pin khá phức tạp. Vòng vây hình cánh cung triển khai chậm nhưng chắc, người la ngựa hí, chó sủa từng đợt dậy như sóng cồn, ánh đèn pin xòe nan quạt trên bầu trời. Nhìn dấu chân sói, người và chó phấn khởi kêu lạc cả giọng, hồi hộp trước một trận đánh lớn.

Trần Trận hỏi: Bố ra lệnh gì thế? Ông Pilich vừa đánh tín hiệu vừa trả lời: Bảo phía tây tiến chậm một chút, phía đông nhanh hơn chút nữa, nhanh chóng khớp với đoàn người phía núi. Còn phải lệnh cho những người ở đoạn giữa tà tà thôi, nhanh quá chậm quá đều hỏng việc. Trần Trận ngẩng đầu nhìn trời: màu sắt gỉ đã biến mất, đã có thể nhìn thấy những cụm mây trôi về phương nam, kẽ mây màu xám nhạt.

Đàn chó đánh hơi thấy mùi sói, sủa càng dữ. Con Nhị Lang bắt đầu giằng dây thừng ở cổ để xông lên. Trần Trận kìm chặt, dùng cán thòng lọng gõ nhẹ lên đầu Nhị Lang, ra hiệu cho nó phải nghe lệnh.

Phần lớn dấu chân sói đi lên hướng tây bắc, cũng có một số theo hướng khác. Ông Pilich lần theo dấu chân, ra lệnh tiếp. Trần Trận hỏi: Xưa kia chưa có đèn pin thì bao vây như thế nào? Ông già nói: Dùng đuốc. Đuốc là cây gậy một đầu quấn giẻ tẩm mỡ bò. Thấy đuốc, sói càng sợ. Phải biết sử dụng đuốc, nếu không bị xém hết lông.

Rạng sáng, Trần Trận nhận ra bãi cỏ trước mặt, nơi cậu đã chăn cừu mấy tháng. Cậu nhớ phía tây bắc có một thung lũng lòng chảo, ba mặt là núi, một mặt là con dốc thoai thoải. Có lẽ đây là bãi vây mà ông già Pilich đã nói. Các mã quan mai phục phía sau núi, chỉ cần đàn sói lọt vào bãi vây là người ngựa và chó phía sau xông lên, lập tức bịt chặt cửa vào, trận tiêu diệt chiến bắt đầu. Trần Trận vẫn không rõ có bao nhiêu con sói bị vây trong thung lũng, nếu chúng quá đông, một trận đánh xáp lá cà sẽ xảy ra. Cậu gỡ cây gậy cài bên yên, lồng dây vào cổ tay. Cậu bắt chước cách đánh của Batu, run lên vì hồi hộp.

Gió tây bắc mạnh dần lên, mây bay ngày càng nhanh, ánh sáng lọt qua kẽ mây, đồng cỏ khi mờ khi tỏ. Tới gần cửa khẩu, mọi người giật mình la lớn: Chừng hai chục con sói lớn đang dáo dác nghiêng ngó, lúc đi lúc dừng, không chịu vào hẳn trong thung lũng. Gần đó, một đàn sói nữa cũng đang lưỡng lự, hình như chúng cảm thấy có chuyện. Có thể chúng đánh hơi thấy sự nguy hiểm từ hướng tây bắc.

Trần Trận ngày càng thán phục cách căn thời gian và sự điều chỉnh chính xác của ông già Pilich – Khi đàn sói nhìn rõ tất cả thì vòng vây đã khép chặt, ánh đèn pin yếu đi là lúc các cây thòng lọng dựng lên tua tủa. Đàn sói đã bị bao vây gọn, hai đầu cánh cung đã tiến sát thung lũng. Có thể thời viễn cổ, khi đất đai rộng lớn ở trung nguyên chưa bị khai khẩn thành đồng ruộng, những người thợ săn lão luyện đã thuộc lòng cách đánh này. Đàn sói thiện chiến trên thảo nguyên đã đào tạo ra một dân tộc tài năng hơn hẳn cha ông.

Vài con sói đầu đàn khi thấy rõ tình thế liền nhào trở lại. Lũ sói vừa chén no thịt ngựa, thể lực sung mãn, sát khí đằng đằng, chúng liều chết xông tới. Đám mã quan xông lên ứng chiến, người từ hai phía vội dồn lên lấp đầy chỗ trống của vòng vây.

Đàn sói không chùn bước, nhưng đã đổi hướng tấn công. Chúng xông thẳng vào đám phụ nữ quần áo lòe loẹt, trong tay không có cây thòng lọng. Đám Caxưmai cũng không vừa. Họ đứng thẳng trên bàn đạp, vung cả hai tay mà hét, thiếu nước dùng tay không để cản đàn sói. Đàn sói đã nhận ra chỗ yếu của vòng vây, liều chết xông vào. Trần Trận cũng thấy rõ mối nguy hiểm, sợ đứng tim.

Đúng khi đó, ông già Pilich nhổm người trên yên, tay chém không khí quát lớn: Thả chó ra! Vòng vây dày đặc đây đó nổi lên tiếng suỵt chó. Tất cả dây da được thả ra. Hơn một trăm con chó săn mắt đỏ ngầu vì bị ức chế, từ ba phía đông, nam, tây bứt xích xông vào đàn sói. Balưa, Nhị Lang và mấy con chó sát thủ của đội nhắm thẳng con sói đầu đàn. Bám sát phía sau, lũ chó săn cậy có chủ bên cạnh, tranh nhau xông lên, sủa râm ran.

Mọi người điều chỉnh thế trận, vung thòng lọng thúc ngựa chạy theo đàn chó. Bụi tuyết mù trời, các dũng sĩ Mông Cổ với tiếng hô "sát!", "sát!" ngắn gọn từng tiếng khiến cả thế giới kinh hoàng, hòa cùng tiếng vó ngựa dồn dập như trống trận, xông vào giữa đàn sói.

Đàn sói kinh hoảng trước sức tấn công như vũ bão, con sói đầu đàn quay đầu chạy về phía núi, nhanh chóng họp đàn, chạy thêm một quãng rồi chia làm mấy ngả chạy theo mấy con dốc nhằm chiếm lĩnh cao điểm, từ đó chúng chạy dạt về phía bên kia, hoặc tổ chức phản công, từ trên cao đánh xuống.

Vòng vây cánh cung kéo thẳng như sợi chỉ, bịt chặt cửa khe, đàn sói đã bị dồn vào bãi săn do ông già Pilich đã tính trước.

Từ mỏm núi phía sau bãi vây, bãi trưởng Pilich cùng đại biểu quân đội Bao Thuận Quý đang theo dõi trận chiến với một tâm trạng sốt ruột. Toàn cảnh bãi săn đều trong tầm mắt. Bao Thuận Quý phấn khởi đấm xuống tuyết, nói: Ai bảo ông Pilich chuyên nương tay với sói? Thánh thật, trong một thời gian quy định mà dồn được cả bầy sói lớn như thế vào bẫy. Tôi chưa từng thấy đàn sói đông như thế này bao giờ. Thật đáng khâm phục, mình phải đề nghị khen thưởng cho ông già mới được!

Ulichi cũng cảm thấy khoan khoái, nói: "Đếm dấu chân, đàn sói có bốn mươi con, năm xưa vây được đàn sói một hai chục con đã sướng rơn. Ông Pilich đúng là đàn sói đầu đàn của người Mông thảo nguyên. Năm nào mục trường tổ chức săn sói mà không có ông là cánh thợ săn không tham gia. Lần này, lũ sói hủy diệt đàn ngựa, ông Pilich tức điên. Ulichi quay lại bảo Batu: Bảo mọi người không được nổ súng, dù chỉ bắn chỉ thiên. Hôm nay người đông, lỡ cướp có là rách việc. Batu nói: Cháu đã nhắc nhiều lần rồi.

Phía sau núi, các mã quan và cánh thợ săn đã sẵn sàng trên yên, có lệnh là xuất kích. Họ đều là cao thủ của mục trường, tài nghệ hơn hẳn mọi người từ tài cưỡi ngựa, tung thòng lọng cho đến cách sử dụng gậy, người nào cũng lập kỷ lục bắt và diệt sói. Lại nữa, họ cưỡi những con ngựa nhanh nhất, linh hoạt nhất, biết ngoạm con mồi săn được, những con ngựa mà ngày thường để dành không nỡ cưỡi. Họ căm vì đàn ngựa bị diệt, đang chuẩn bị hôm nay trả thù. Ngựa của họ đã nghe thấy tiếng chó sủa ở bãi săn, đã ngửi thấy bầu không khí nóng bỏng của cuộc vây bắt, chúng cúi đầu giằng dây cương, giơ chân cào tuyết, cơ bắp hằn trên ức trên đùi, hai chân sau căng thẳng như lò so bẫy thú, chỉ cần chủ nhân lỏng cương là lao đi như mũi tên. Những con chó của đám thợ săn đều tinh tuyển từ chó nhà, con nào cũng được huấn luyện đến nơi đến chốn, rất thiện chiến. Tuy đã nghe thấy tiếng hò la từ lâu dưới bãi săn, nhưng chúng vẫn im lặng, chỉ nghiêng đầu nhìn chủ, tỏ ra rất thông thạo trận mạc.

Ulichi và Batu nhổm người lên, chuẩn bị ra lệnh.

Chủ lực của bầy sói tập trung phá vây ở cao điểm phía tây bắc. Trên thảo nguyên, người không phải là đối thủ của sói trong việc chiếm lĩnh độ cao. Sức bền và sức bật mạnh, sói thảo nguyên thường dùng tốc độ cao vọt lên đỉnh núi để cắt đuôi kẻ thù phía sau. Cho dù chạy rất nhanh trên đất bằng, nhưng chó và ngựa không bao giờ đuổi kịp sói khi leo dốc. Lên tới đỉnh, những con sói dừng lại lấy hơi, rồi trong một thoáng ngoài tầm nhìn của kẻ rượt đuổi, chúng nhào xuống chỗ dốc dựng đứng, mau chóng mất hút. Khi người ngựa lên tới nơi thì lũ sói đã biệt tăm, mà dù còn nhìn thấy thì cũng đã ngoài tầm súng.

Đàn sói không giảm tốc độ, băng lên đỉnh dốc. Đàn chó và đoàn người ngựa bị bỏ lại một quãng xa. Dần dần bầy sói là mấy con chạy nhanh nhất, con đầu đàn và mấy con sói gộc chạy chếch phía sau. Ulichi chỉ con sói cổ và ức màu xám tro, bảo Batu: Con đầu đàn đấy, chính nó hạ sát đàn ngựa. Tôi giao nó cho cậu, bắt đầu đi!

Đàn sói đã vọt lên được khoảng hai trăm mét. Batu chống sào nhảy lên lưng ngựa. Ông Ulichi cũng lên yên, quát to: Xuất kích! Batu giơ cao cây thòng lọng như một ngọn cờ. Các mã quan đều suỵt chó xông lên. Ba chục con chó và ba chục con ngựa như những quả ngư lôi, phóng thẳng về phía đàn sói. Hai phần ba mã quan tách ra chiếm những vị trí thuận lợi nhất ngang sườn núi, hình thành một cánh cung khớp với tuyến của ông Pilich. Một phần ba những người cầm thòng lọng xông về phía đàn sói.

Đàn sói vốn đã nơm nớp, giờ thấy có quân mai phục, liền rối như canh hẹ. Cuối cùng, chúng rơi vào cái bẫy mà chúng quen sử dụng. Chúng bối rối hơn những con dê vàng khi sa bẫy, nhưng cũng tỏ ra quyết liệt hơn, quay ngoắt lại lao thẳng xuống, quyết một mất một còn với đoàn người ngựa và chó dưới dốc. Đàn sói đã nổi hung, bất kể sống chết nhào vô đánh dạt đàn chó sang hai bên. Một cuộc hỗn chiến diễn ra, răng bập vào răng, tuyết bay tung tóe, lông lá tơi tả, máu tuôn xối xả, chó khóc sói gào. Đám thanh niên trí thức chưa từng chứng kiến một trận huyết chiến dữ dội đến như thế, cứ ngây ra mà nhìn không chớp.

Trên đỉnh dốc, Batu mắt không rời khỏi con sói chúa. Vừa xuống dốc, anh đã tung thòng lọng về phía nó, nhưng nó không chạy xuống dốc theo đàn, mà thoắt cái, tạt ngang sang hướng tây, bốn năm con sói vệ sĩ chạy xúm xít xung quanh. Batu cùng hai xạ thủ và bốn năm con chó săn quyết truy kích đến cùng. Nhưng con sói chúa đã thực thi phương án hai, chọn đoạn đường hiểm trở nhất, mặt đất đầy đá sỏi trơn tuột, kêu lạo xạo dưới chân khi trượt xuống, nhưng con sói không ngã vì bàn chân có lớp đệm dày giúp nó trụ vững, không bị lăn xuống vực cùng sỏi đá. Bàn chân chó nhỏ hơn bàn chân sói, nhưng chó cũng không dám liều mạng, loạng choạng lao xuống đuổi theo, còn ngựa thì móng guốc không thể chạy trên đá sỏi. Một mã quan thúc ngựa chạy được một đoạn liền bị ngã chổng bốn vó, cây thòng lọng gãy làm ba. Hai mã quan kia vội gò cương, tìm cách cứu người bị ngã.

Batu quyết chí phục thù. Anh xuống ngựa dựng đứng cây thòng, biến nó thành cây gậy chống, cắm mặt vát của cán thòng vào kẽ đá làm điểm tựa, một tay dắt ngựa tiếp tục truy kích, miệng hô lớn "tiến lên!", "tiến lên!". Vượt sang bên kia một con đèo, nghe thấy tiếng chó kêu thảm thiết, Batu vội vàng lên yên đuổi theo. Chỉ lát sau, anh đã thấy một con chó gộc bị sói cắn trọng thương đang quằn quại, còn một con bị cắn đứt một bên tai, máu me đầy mặt. Ba con khác sợ thất thần, lông gáy dựng đứng chỉ chực tháo chạy. Con sói trông thấy cây thòng liền bỏ chạy về phía bãi sậy. Batu dẫn một thợ săn và ba con chó đuổi theo.

Ulichi thấy Batu đã sang bên kia đèo, liền dẫn Bao Thuận Quý chạy tới địa điểm quan sát tốt nhất để tùy tình hình mà điều phối nhân lực xiết chặt vòng vây, không cho con nào trong đàn sói chạy thoát. Thợ săn Mông Cổ đều là những chiến binh lão luyện, biết nhìn toàn cục, hiểu nhiệm vụ, không tranh công, không cướp công. Những thợ săn ở vòng ngoài thấy người và chó ở vòng trong tung hoành ngang dọc, hâm mộ đấy nhưng không một ai rời vị trí. Một con sói phá vây chạy ra vòng ngoài, liền bị một hai thợ săn đón đánh tức thì, hoặc bị đuổi trở lại hoặc bị tròng cổ bằng thòng lọng. Chỗ trống phía sau anh ta liền bị các thợ săn khác trám đầy, đảm bảo vòng vây không có kẽ hở.

Chính giữa thung lũng, người chó và sói quần nhau kịch liệt. Những con sói và chó ngã xuống đều đã nằm im, miệng vết thương bốc hơi. Hơn bốn chục con sói bị một trăm sau mươi bảy con chó vây chặt. Lũ sói quây thành một vòng tròn, vai chen vai, đuôi nối đuôi, các hàm răng chĩa hết ra ngoài, chiến đấu tập thể, quyết sống mái với bầy chó. Cả sói lẫn chó đều có những con bị cắn rách vai, rách ngực, máu chảy dầm dề. Vòng ngoài của đàn chó là mấy chục thợ săn thiện nghệ, dùng cây thòng vụt tới tấp những con sói ở vòng trong. Sói và chó quần nhau kịch liệt, không thể phân biệt con nào là sói, con nào là chó. Thợ săn tuy đông, nhưng không dám tung thòng lọng vì sợ bắt lầm. Những thợ săn có ngựa cao lớn cũng không dám xung trận vì số sói trong vòng vây khá đông mà cũng chưa hao tổn là mấy, vạn nhất chúng liều chết xông ra tứ phía, hai lớp vòng vây có thể bị đứt đoạn, vòng ngoài cùng thì quá mảnh không cứu ứng được nhau.

Những thợ săn có kinh nghiệm, điều khiển thòng lọng như thật như đùa trên đầu lũ sói, con nào nhảy lên đớp liền bị tròng vào cổ, hoặc vào thân hoặc eo, múi thòng lập tức xiết chặt, con sói bị lôi ra ngoài để lũ chó cắn đứt họng.

Cánh thanh niên trí thức và đám phụ nữ được bố trí ở mạn nam bên ngoài vòng vây. Ông già Pilich chỉ định Trần Trận và Dương Khắc án ngữ ở đoạn dốc giữa dốc núi, địa thế tương đối cao, nhìn thấy toàn cảnh cuộc tàn sát khủng khiếp như trên đấu trường La Mã. Hai cậu vừa mong một con sói nào đấy phá vòng vây chạy tới để có dịp sử dụng thòng lọng, nhưng lại ngại đó là một con sói gộc vì sói gộc chạy rất nhanh, không còn cơ hội tung thòng lần thứ hai nếu lần đầu bị trượt. Cũng may vòng trong người và chó chiếm ưu thế, sói không thể đột phá vòng vây chạy ra ngoài.

Những đàn sói lớn lần lượt bị thòng lọng lôi ra ngoài và bị chó dữ cắn chết. Đàn sói tru dài, giọng khản đặc. Chúng thay đổi chiến thuật, không nhảy lên đớp thòng lọng mà cúi gằm ăn miếng trả miếng với lũ chó, làm mất công dụng của cây thòng.

Trần Trận dùng ống nhòm quan sát tình hình. Cậu nhận thấy lũ sói tuy đã rơi vào tử địa, nhưng chúng chưa mất lý trí. Chúng không đơn thuần mạng đổi mạng, mà ra sức sát thương chó chủ lực. Tốp năm tốp ba, chúng phối hợp nhanh như chớp đả thương lũ chó, cắn miệng nào chí mạng miếng đó, máu tuôn như suối. Những con sói gộc còn triển khai thủ đoạn vô cùng tàn nhẫn của sói Mông Cổ, giả vờ hớ hênh cho chó ngoạm vào những chỗ phạm để có dịp cắn rách cổ hoặc bụng con chó. Vì vậy lũ sói gộc máu me đầy mình, nhưng rất ít con bị hạ gục. Trái lại lũ chó thì bị thương la liệt như ngả rạ, sủa ăng ẳng khiến những con khác sợ khiếp vía. Sau khi giao phong vài chục hiệp, lũ sói dần thắng thế. Một khi chó săn bắt đầu sợ thì lũ sói chớp thời cơ đột phá cả bốn phía.

Đúng lúc này, ông già Pilich đột nhiên gọi to: Balưa! Balưa! Xông lên! Và giơ tay ra hiệu lùi lại. Trần Trận và Dương Khắc hiểu ngay ý đồ ông già, gọi toáng lên: Nhị Lang! Nhị Lang! Tiến lên! Hai con chó dữ mắt đỏ ngầu hiểu ý chủ, đột nhiên lùi lại mấy chục bước, hộc lên một tiếng, điên cuồng xông tới con sói đầu đàn ở giữa đàn sói. Con Nhị Lang chạy nhanh hơn, tông một phát khiến con sói bắn xa đến mấy thước chứ không ngã. Lúc này con Balưa lừng lững như cây vồ phá cổng thành lao thẳng vào con sói khiến nó ngã lộn mấy vòng, chưa kịp nhổm dậy đã bị con Nhị Lang bập một phát giữa họng, máu tươi phọt ra nhuốm đỏ đầu Nhị Lang và bãi tuyết xung quanh. Đàn sói sợ run. Con sói đầu đàn cào như điên lên đầu, ngực và bụng con Nhị Lang, nhưng Nhị Lang còn dữ hơn, kiên quyết không nhả vết cắn cho đến khi con sói chết hẳn. Đàn sói thấy Nhị Lang là chó dữ đều sợ hãi lùi lại. Balưa thấy con mồi của nó đã bị Nhị Lang giành mất, tức lắm nhưng giờ không phải lúc nổi cáu, đành quay sang tấn công con sói khác.

Đàn chó như được tiếp thêm sức mạnh, đồng loạt tấn công kẻ thù. Nhị Lang và Balưa ra sức sát giới, cuối cùng trận địa sói vỡ tung từng mảng, các thợ săn thừa thắng xông lên, dùng thòng lọng chia cắt bầy sói. Bầy sói phơi mình trước những cây thòng lọng và răng chó.

Đàn sói thấy tình thế bất lợi bèn tản ra bốn phía, từng con phá vây. Vòng trong loạn tùng phèo, lũ sói định thừa cơ thoát hiểm, nhưng chẳng được mấy chốc, mỗi con sói đều bị hai ba con chó và thợ săn quây chặt. Phụ nữ, trẻ em vòng ngoài cùng hò hét trợ oai, các thợ săn vung cây thòng uy hiếp vòng trong.

Vòng trong, Lanmutrăc tự ví mình như sói, thấy đàn chó đã quây được một con sói gộc, liền cúi rạp lia cái thòng lọng trên mặt đất, bỏ qua phần đầu và hai chân trước, đến phần eo thì anh xiết thòng lọng rồi xiết chặt eo con sói, vỗ đầu ngựa chạy trở lui, kéo ngược con sói như kéo chiếc bao tải. Con sói không thể vùng dậy, hai chân cào đất thành rãnh, Lanmutrăc vừa kéo ngược con sói vừa quát lũ chó xông vào.

Trên thảo nguyên, tròng cổ một con sói đã khó, giết chết con sói càng khó hơn. Cổ sói ngắn, con sói lắc đầu là tuột ra, mà dù thòng lọng không tuột, xiết chặt thòng cũng không dễ. Lỡ gặp phải một con cổ thô như khúc gỗ thì dù thòng trúng cũng bật ra. Vì vậy, thợ săn có kinh nghiệm thích tròng vào eo là chỗ thắt cổ chai trên mình con sói, chỉ cần thòng trúng, xiết chặt, con sói chạy không thoát. Nhưng đến đoạn hạ sát thì mới gay. Thòng vào cổ thì kéo ngược kiểu nào, con sói cũng không chết. Nếu chỉ một mình thì khó đối phó, chỉ cần xuống ngựa là con sói chạy lộn lại phía chót thòng lọng, bẻ gãy chỗ mảnh nhất của cây thòng, rồi hoặc tháo chạy, hoặc đả thương người rồi mới thoát thân. Chỉ có những thợ săn thuộc loại cao thủ, mới có thể vừa nhảy xuống đất đã xiết chặt thòng lọng, lôi sói đến trước mặt rồi dùng gậy hoặc dao giết chết con sói. Rất nhiều thợ săn không dám hi sinh bộ da sói, cứ thế mà kéo đến nơi có chó sát thủ, để người hoặc chó giết hộ con mồi.

Lanmutrăc chuyên chọn nơi có tuyết dày để kéo sói, vừa kéo vừa tìm chó sát thủ. Vài con chó chạy quanh, sủa ầm ĩ, đớp bừa một miếng rồi nhảy ra, không con nào dám cắn vào chỗ chí mạng. Lanmutrăc bất chợt trông thấy con Nhị Lang vừa cắn đứt yết hầu một con sói gộc. Anh biết con chó dữ này, nên kéo con sói về phía nó, miệng thét: Giết, giết, giết! Con Nhị Lang nghe hô giết liền nhả con sói chưa chết hẳn, xông tới. Nhị Lang làm một động tác thuần thục. Vòng ra phía sau gáy con sói, một chân giữ đầu, một chân giữ vai con mồi rồi cắn một phát đứt động mạch cảnh. Con sói chống lại quyết liệt, nhưng không sao cào trúng Nhị Lang. Lanmutrăc xuống ngựa, gọi to: Lôi hết sói về phía này mau! Con chó này còn dữ hơn sói! Ở một chỗ cách đó không xa, con Balưa cũng vừa cắn đứt cổ một con sói. Thế là mọi người đua nhau kéo sói về phía hai con chó. Trên bãi săn, ngoài hai con Nhị Lang và Balưa, còn có nhiều chó dữ to lớn như chó của người Exkimô cũng được mọi người chú ý. Đó là tám con chó nhà Đanchi, con nào cũng thuộc loại sát thủ chuyên nghiệp. Chúng phối hợp chặt chẽ, trên dưới đồng lòng, phân công rành rẽ, binh lực tập trung, từng con đột phá. Lần này là tám chọi một, giết hết con nọ đến con kia, chỉ một loáng đã thanh toán gọn ba con sói.

Trên bãi săn, các thợ săn cũng tổ chức từng nhóm từ ba đến năm người. Hễ có người tròng được sói, những người khác liền xuống ngựa xông tới nhè đầu con sói mà đập. Góc tây bắc bãi săn vang lên những tiếng thét man rợ. Bốn năm thợ săn cưỡi ngựa đuổi theo hai con sói. Một mã quan cầm cây thòng nhổm người trên yên mà vụt. Con sói chạy sùi bọt mép. Đợi con sói chạy với tốc độ cao nhất, một mã quan khác lại xông lên. Cuối cùng, Saxưleng đón đường từ phía bên tung thòng lọng xiết chặt cổ sói rồi bất thình lình nhả dây thòng. Con sói ngã lộn bảy tám vòng. Đợi nó gượng dậy, ba bốn mã quan khác lại dùng sào mà vụt, buộc con sói phải chạy tiếp, bị tròng cổ rồi nhả bất chợt, lại ngã lăn năm sáu vòng. Mỗi lần sói ngã, đám thợ săn lại vỗ tay hoan hô cho hả cái giận bầy sói giết đàn ngựa của họ.

Hai con sói bị rượt đuổi đến nỗi không còn biết phương hướng mà chạy. Một con mệt đứt hơi, không chạy nổi nữa. Saxưleng bỏ cây thòng lọng, rút chân khỏi bàn đạp, ngồi xổm trên yên, rồi như một con báo bay xuống cưỡi trên mình sói, hai tay nắm hai tai con sói mà dúi mõm nó xuống đất khiến mặt mũi con sói đầy máu. Ba bốn mã quan cùng xuống ngựa, cưỡi lên mình sói để Saxưleng kết thúc bằng một nhát dao. Con sói kia cũng bị ba bốn mã quan cưỡi trên mình như chơi trò ngựa gỗ một hồi mới hạ thủ.

Trần Trận, Dương Khắc và đám thanh niên trí thức cầm chúc cây thòng lọng. Các cậu chỉ đứng nhìn từ đầu đến cuối cuộc vây bắt hi hữu, mấy năm mới có một lần. Các cậu chỉ tiếc mã quan Trương Kế Nguyên không tròng được con sói nào. Một con sói gộc đã dùng kế áp sát mà vuột mất khiến cậu trở tay không kịp, suýt nữa gãy đầu thòng. Hai mã quan khác cũng đã trở thành khán giả xem người khác hành động, lại còn để xổng một con chạy mất.

Ông già Pilich thấy công việc đã hòm hòm, liền tới bên Trần Trận và Dương Khắc. Ông nói: Các cậu cũng đã lập công. Nếu không có các cậu án ngữ, tôi không thể điều một số thợ săn đi bắt sói. Thấy Trần Trận và Dương Khắc vẫn tỏ ra tiếc rẻ, ông già cười: Con chó của các cậu cũng lập công lớn. Một mình nó cắn chết hai sói, giúp thợ săn cắn chết hai sói nữa. Các cậu sẽ được chia hai bộ da, còn hai bộ nữa, theo lệ, chia cho hai thợ săn. Ông vừa nói, vừa dẫn hai thanh niên xuống dốc.

Trận bủa vây này, trừ vài con dùng tốc độ cực nhanh và kỹ thuật đâm sầm vào đối phương chạy thoát, tất cả những con còn lại đều bị giết sạch.

Người ngựa ở vòng ngoài vừa hò reo vừa chạy tới xem chiến lợi phẩm ở vòng trong. Ông già Pilich đã sai người kéo hai con sói phần của Trần Trận và Dương Khắc vào một chỗ. Ông xắn tay áo cùng Trần Trận và Dương Khắc lột da hai con sói. Caxưmai cũng kêu người kéo xác hai con sói do con Balưa cắn chết và một con do chó nhà Tang Kiệt cắn, xếp vào một chỗ. Tang Kiệt và Quanbu chủ động bước tới lột da.

Trần Trận đã học được cách lột da sói từ ông già, giờ cậu dạy lại cho Dương Khắc. Trước tiên dùng dao Mông Cổ khoanh đứt da đầu rồi lột bỏ đi. Dương Khắc luồn dây da qua kẽ răng sói neo chặt con sói lại để Trần Trận lột ngược da từ đầu đến đuôi như người ta cởi áo thun. Loại bỏ thịt và mỡ dính trên da, cắt rời đuôi và bốn chân, lúc này bộ da sói da phía ngoài, lông phía trong, lộn trở lại là được một bộ da sói hoàn chỉnh hình ống.

Ông già ngó qua, bảo: Được đấy, không dính mỡ. Về nhà, các cậu nhét đầy cỏ khô vào rồi treo lên đầu sào. Từ nay, người thảo nguyên Ơlôn công nhận các cậu là thợ săn.

Nhị Lang và con Vàng nằm bên xem lột da. Nhị Lang liên tục liếm máu sói và máu của chính nó trên ngực và hai chân trước, có vẻ ngon lành. Con Vàng giúp Nhị Lang liếm máu sói trên đầu. Con Vàng sạch bong, không hề bị thương cũng không dính một giọt máu sói, y hệt một công tử ăn chơi. Vài thợ săn khen con Vàng, nói nó cắn chân sau của sói, không có con Vàng, Lanmutrăc chưa chắc đã thòng được con sói. Dương Khắc nghe vậy mừng rơn, vậy là cậu cũng như Lanmutrăc, hưởng phần của chó.

Trần Trận thò tay vào bọc lấy mấy cái kẹo sữa thưởng cho hai chiến tướng. Nhị Lang ba cái, con Vàng hai cái. Cậu có dự cảm hai con sẽ biểu hiện rất tốt trong lần bủa vây này. Hai chân giữ cái kẹo, dùng miệng xé giấy bọc, sau đó dùng lưỡi lấy kẹo đưa vào miệng, ngửa đầu nhai côm cốp, khiến những con khác thèm dỏ rãi, tranh nhau liếm miếng giấy bọc. Từ khi đám thanh niên trí thức về đây, lũ chó thảo nguyên mới biết trên đời lại có những thứ quý hiếm và ngon đến thế. Được ăn kẹo sữa Bắc Kinh là niềm vinh dự của chó thảo nguyên. Caxưmai cười, bảo Trần Trận: Cậu dọn đi rồi, quên cả chó nhà này. Nói rồi, chị thò tay vào túi áo Trần Trận lấy hai cái kẹo sữa cho con Balưa. Trần Trận vội lấy tất mấy cái còn lại đưa cho Caxưmai. Chị cười, bóc một cái bỏ vào miệng.

Bãi săn nhộn nhịp, xác sói, thân ngựa, mõm chó, thái dương người bốc hơi. Từng nhóm người tuần tụ theo gia tộc đang lột da sói. Chiến lợi phẩm được phân phối theo truyền thống trên thảo nguyên, không hề có mâu thuẫn. Trí nhớ người đi săn cực tốt, chó của nhà nào cắn chết con sói nào, thợ săn nào tròng được con sói nào, không hề lầm lẫn. Chỉ trong trường hợp hai người cùng tròng trúng con sói thì có tranh chấp đôi chút. Một câu phân xử của ông Pilich là xong: Bán bộ da mua rượu, mỗi người uống một nửa. Những thợ săn và mục dân không được chia phần cũng háo hức xem người khác lột da, cũng bàn luận sôi nổi về giá trị của từng bộ. Chó tốt thì bộ da sói miễn chê, chó dở thì bộ da sói toàn lỗ thủng. Những người có thu nhập cao lớn tiếng mời mọi người về nhà họ uống rượu. Trên thảo nguyên, tham gia vây bắt ai cũng có phần.

Bãi săn trở lại yên lặng, mọi người nghỉ ngơi tại chỗ.

Buồn nhất là đám phụ nữ, hầu hết đang băng bó cho những con chó bị thương. Chỉ khi đi săn, đàn ông mới sử dụng chó, còn phụ nữ thì đêm nào cũng phải nhờ cậy chó. Chó cũng được phụ nữ các gia đình chăm bẵm như nuôi trẻ từ nhỏ đến lớn. Chó chết hoặc bị thương, phụ nữ xót xa nhất. Mấy con chó chết trận nằm nguyên tại chỗ, trên thảo nguyên, chó chiến chết ở chỗ nào thì đó là nơi linh hồn chó lên trời, và thực hiện công việc thiên táng ấy lại chính là sói – kẻ thù không đợi trời chung của loài chó. Ông già Pilich nói: Như vậy mới công bằng, chó nên cảm ơn sói, nếu thảo nguyên không có sói thì mục dân cũng không cần nhiều thịt đến thế để nuôi chó, những con chó sau khi sinh đều phải ném lên trời.

Những con chó chết trận nằm trên đồng cỏ, không một người Mông – Cổ - thảo – nguyên nào tính chuyện lột lấy da. Chó thảo nguyên là bạn chiến đấu của người, bạn chiến đấu thân thiết, tình nghĩa. Người thảo nguyên sống bằng hai nghề chính: Săn bắn và chăn thả. Người thảo nguyên săn bắn dựa vào chó, bảo vệ đàn cừu dựa vào chó. So với con trâu của nông dân trung nguyên, chó quan trọng hơn, còn là công cụ sản xuất và vệ sĩ của người thảo nguyên. Chó hiểu người hơn trâu, là chỗ dựa không thể thiếu về tình cảm và là người bạn tinh thần của người dân trên thảo nguyên hoang vắng.

Thảo nguyên Mông Cổ đất rộng người thưa, hoàn cảnh khắc nghiệt. Chó thảo nguyên còn lập những kỳ tích về báo động cứu người. Caxưmai không bao giờ quên ơn con Balưa đã cứu chị. Cuối thu năm ấy chị đổ tro bếp lò, không nghĩ tới có một cục phân cừu chưa cháy hết. Gió tây bắc rất mạnh, thổi tàn lửa ra đống cỏ khô trước lều. Khi ấy ở nhà có chị, lão Ơchi và con trai. Chị khâu vá ở trong lều, không biết bên ngoài xảy ra chuyện gì. Đột nhiên chị nghe thấy Balưa vừa sủa vừa cào cửa. Chạy ra xem, chị đã thấy vệt lửa dài hơn hai trăm bước, rộng hơn chục bước. Xa hơn nữa là bãi chăn mùa đông của một đại đội, cỏ cao và rậm, đã bắt lửa thì không có cách nào dập tắt, quá nửa đàn gia súc nếu không bị thui bị bỏng thì cũng không còn cỏ mà ăn trong mùa đông, chị cầm chắc sẽ bị bỏ tù. Con Balưa báo động kịp thời đã cho chị chút thời gian quý hơn cả mạng sống. Chị thấm ướt một tấm thảm lớn, cuộn mình trong thảm lăn đi dập lửa kiểu cuốn chiếu, cuối cùng dập tắt được ngọn lửa trước khi cháy lan sang bãi cỏ dày. Không có Balưa chị cũng hết đời.

Caxưmai có lần kể với Trần Trận và Dương Khắc, đàn ông trên thảo nguyên rất ham rượu, thường say rượu ngủ gục trên yên, ngã xuống tuyết chết cong. Những người không chết là nhờ chó. Con chó chạy về nhà, lôi vạt áo bà chủ gọi người đi bới tuyết cứu ông chủ về. Trên thảo nguyên Ơlôn, nhà nào cũng có chó cứu chủ, lều nào cũng có đàn ông hay đàn bà được chó cứu.

Vì vậy trên thảo nguyên, hành vi giết chó, ăn thịt chó, lột da chó, đi tất da chó, đều bị coi là vong ơn bội nghĩa, là tội ác không thể tha thứ. Cũng vì vậy mà người thảo nguyên Mông Cổ có ác cảm với những nông dân làm thuê hoặc người Hán từ nơi khác đến.

Ông già Pilich từng nói: Xưa kia, quân Hán vào thảo nguyên Mông Cổ là giết chó hàng loạt để ăn thịt khiến mục dân nổi giận đứng lên chống lại. Hiện nay, một số lưu manh đến từ nội địa cũng thịt trộm chó, chuyển bộ da đi Đông Bắc hoặc bên kia quan ải. Chó Mông Cổ có bộ da lớn, tuyết dày, rất ấm, người Hán phía Bắc coi là nguyên liệu cao cấp may mũ, may tất chống lạnh. Ông già Pilich tỏ vẻ cáu: Vậy mà không thấy nói gì đến chuyện ấy trong sách của người Hán?

Cả nhà ông già Pilich thường hỏi một câu khiến Trần Trận rất khó trả lời: Vì sao người Hán ghét chó, chửi chó và giết chó để ăn thịt? Trần Trận suy nghĩ một thời gian dài mới giải thích.

Một tối, bên bếp lò, Trần Trận nói với cả nhà: Người Hán không có nghề chăn thả, thợ săn cũng không nhiều, những gì ăn được là người Hán ăn sạch, vậy nên người Hán không biết chó có ích như thế nào. Người Hán đông, không cô quạnh, không cần chó bầu bạn cho vui. Người Hán có hàng chục câu chửi về chó: Lòng lang dạ chó, không bằng con chó, chó cũng không lọt tai, đồ chó đẻ, chó cậy gần nhà, chó cùng giứt giậu, chó nhảy bản độc, đồ chó má xem người chả vỡ, đồ tay sai, đánh chó phải đánh cho chết, miệng chó không ló ngà voi, xui chó bắt chuột – chỉ vẽ chuyện, bánh bao ném chó – có đi không về … Bây giờ lại có cả những khẩu hiệu chính trị, cả nước đang "đập nát cái đầu chó Lưu Thiếu Kỳ", "đả đảo Lưu Thiếu Cẩu"… người phương Tây cũng không hiểu vì sao người Trung Quốc lại dùng chó để nói những chuyện trên.

Vì sao người Hán ghét chó ư? Cái chính là chó không hợp với quy củ của người Hán. Mọi người có biết ngày xưa Trung Quốc có một ông thánh tên là Khổng Tử? Hoàng đế các triều đại Trung Quốc đều lạy trước tượng ông ta. Ông ta đặt ra rất nhiều quy củ làm người, ngàn vạn năm nay người Trung Quốc làm theo những quy củ đó. Những người biết chữ luôn trong tay có quyển "Ngữ lục" giống như quyển bìa đỏ bây giờ, ai không làm theo, người ấy là kẻ mọi rợ, đặc biệt nghiêm trọng thì bị chặt đầu. Nhưng con chó có cái tật là không theo những quy định của Khổng Tử: Một là Khổng Tử dạy người ta phải lễ phép, hiếu khách và tôn trọng khách. Nhưng chó trông thấy người lạ là bất kể giàu nghèo, già trẻ, bạn bè thân thiết hoặc quý khách tiện dân, xông tới đớp liền, khiến người Hán vốn coi trọng lễ nghi cảm thấy thất lễ, ngượng mặt, nổi cáu. Hai là Khổng Tử dạy trai gái không được loạn luân, quan hệ bừa bãi, phạm vào những chuyện này là phải nghiêm trị. Nhưng chó thì bất kể anh chị em hoặc bố với con gái, mẹ với con trai, không kiêng kị gì hết, khiến người Hán vừa sợ vừa căm, chỉ sợ người bắt chước chó. Ba là Khổng Tử dạy người ta phải ăn sạch ở sạch, nhưng chó lại thích ăn phân người, khiến người Hán cực kỳ ngán ngẩm. Còn một điểm nữa, người Hán nghèo ít nuôi chó, người còn không đủ ăn, lấy gì nuôi chó? Còn người giàu thì nuôi chó để giữ nhà, lại thường thả chó cho cắn người nghèo, nên người nghèo ghét chó. Vậy nên người Hán chửi chó, giết chó, ăn thịt chó cũng không lấy làm lạ, hơn nữa, người nào đã ăn đều bảo thịt chó rất thơm. Người Hán bảo, lợn có thể giết thịt, cừu có thể giết thịt, vậy sao chó không thể giết thịt? Chúng đều là gia súc đấy thôi. Người Hán ghét chó, giết chó, ăn thịt chó vì người Hán thuộc tộc nông canh, không phải dân du mục, luôn muốn cải tạo thói quen của người khác theo thói quen của mình.

Ông già Pilich và Batu nghe xong hồi lâu không nói gì, cũng không phản cảm về những lời giải thích của Trần Trận. Lát sau ông già mới nói: Con ơi, giá như giữa người Hán và người Mông Cổ có nhiều nhiều một chút những người thông tỏ như con thì hay biết mấy. Caxưmai tỏ vẻ bất bình, nói: Chó ở với người Hán thiệt thòi quá, bao nhiêu cái hay không được dùng. Thói hư tật xấu của chó đều bị người Hán nắm hết. Tôi mà là chó thì tôi không thèm đến ở với người Hán, dù có bị sói ăn thịt, tôi vẫn cứ ở lại thảo nguyên.

Trần Trận lại nói: Lên thảo nguyên em mới biết chó hiểu tính người đến thế, đúng là bạn tốt của người. Chỉ những tộc làm ruộng nghèo khó mới ăn sạch những thứ không nên ăn, thịt chó cũng không tha. Khi nào người Trung Quốc giàu lên, lương thực thừa mứa, khi ấy mới kết bạn với chó, không ghét, không ăn thịt chó nữa. Từ khi lên thảo nguyên, em rất thích chó, một ngày mà không trông thấy con chó của em là em thấy chống chếnh thế nào ấy. Giờ mà kẻ nào thịt trộm chó, em và Dương Khắc quyết sống mái với hắn, nên chó hắn ói ra những thứ đã ăn… Trần Trận không kìm được lời lẽ, xưa nay cậu vẫn theo phương châm "người quân tử nói năng hòa nhã", vậy mà hôm nay lại văng tục!

Caxưmai hỏi dồn: Vậy khi về Bắc Kinh, cậu còn nuôi chó nữa không? Trần Trận cười: Em sẽ yêu chó suốt đời, như nhà ta ấy. Chẳng giấu gì chị, gia đình em gửi cho ít kẹo sữa, em cất dành không dám ăn, ngay cả cho chị và Bayan cũng tiếc, chỉ là để dành cho chó. Cả nhà cụ Pilich cười chảy nước mắt. Batu thụi Trần Trận một quả vào lưng: Cậu Mông Cổ quá nửa rồi đấy!...

Lần nói chuyện ấy cách đây đã hơn nửa năm, nhưng Trần Trận không quên lời hứa.

Bãi săn trở lại im ắng. Những con chó quá mệt hoặc bị thương buồn bã. Vài con quẩn quanh thi thể đồng bọn, khịt mũi đánh hơi, coi như nghi thức chia tay. Một em nhỏ ôm khư khư con chó nhà em đã chết, khi người lớn khuyên can, em òa khóc, những giọt nước mắt rớt trên mình chó bắn xuống đất bột, biến mất. Tiếng khóc của thằng nhỏ vang xa trên thảo nguyên, Trần Trận thấy hai mắt cay xè.