- Những ngôi mộ này là của ai?
Người chủ khu đất cười bảo:
- Đây là những ngôi cổ mộ, nghe nói là của ông tằng ông tổ gì đó của tôi. Lúc ông nội tôi còn sống còn rất mơ hồ về gốc tích của chúng...
Phước nói thẳng:
- Nói chung là tôi đồng ý mua khu đất và ngôi nhà này với giá cả đó. Nhưng cũng chỉ bởi những ngôi mộ này...
Người chủ nhà mau miệng:
- Tôi đã nói rồi, nếu xong giá, anh tiến hành làm thủ tục là tôi sẽ cho cải táng ngay. Mộ cổ mà, có gì đâu mà ngại.
- Tôi không ngại chuyện mồ mả trong đất nhà, tuy nhiên đáng lẽ ra ông nên cho cải táng trước khi bán, thì người mua chúng tôi dễ tính hơn.
Người chủ quả quyết:
- Tôi hứa chỉ trong vòng ba ngày thì mọi việc sẽ xong xuôi. Anh cứ yên tâm.
Việc xem đất coi như xong. Người chủ dẫn Phước vào ngôi nhà cổ. Ông ta giới thiệu:
- Nhà này có lẽ đã có tuổi ngót trăm năm, nhưng do làm bằng gỗ quý, nên anh xem nè, chưa có dấu mối mọt nào hết. Nói thiệt, nếu không cần tiền thì tôi không bao giờ bán một của quý như vầy.
Phước phải công nhận là khá hài lòng với ngôi nhà. Đã từ lâu anh vẫn ao ước có được một ngôi nhà cổ như thế này, để đưa bộ sưu tập cổ vật mà phải mất gần hai chục năm tìm kiếm anh mới có được, về trưng bày. Nhiều bạn bè cho rằng Phước gàn khi chỉ chú tâm tìm nhà cũ, nhưng anh thì lại vô cùng thích thú. Bởi vậy khi nghe giới thiệu ngôi nhà này, Phước đã tới ngay và chấp nhận liền giá cả do chủ nhà đưa ra.
Trước khi ra về Phước còn nhắc lại:
- Về việc mấy ngôi mộ mong ông giải quyết cho xong trước khi tôi trở lại vào ngày thứ bảy này.
Phước cho tờ giấy đặt cọc mua nhà vào túi, với tâm trạng phấn khởi anh ra xe định về ngay để báo tin mừng cho bà xã ở nhà. Nhưng khi tra chìa khóa công-tắc vào Phước rất đỗi ngạc nhiên vì chiếc chìa khóa vừa vặn ngang đã bị gãy đôi!
- Kỳ vậy?
Phước cố cách nào cũng chẳng làm sao khắc phục được, nên cuối cùng đành phải nói với chủ nhà:
- Phiền ông cho gởi lại chiếc xe, chiều tôi cho người đến mang về.
Anh lững thững ra ngoài đón xích lô về nhà. Vừa leo lên xe Phước đã nghe người đạp xe nói ngay:
- Ông mua ngôi nhà đó hả? Bộ ông chưa biết gì về nó hả?
Phước ngạc nhiên:
- Biết về chuyện gì bác?
- Chuyện...
Lời nói của ông lão đạp xe vừa nói tới đó thì bỗng phía trước có một chiếc xe đi cùng chiều thắng gấp, nên chiếc xích lô chở Phước suýt nữa đã đâm sầm vào, nếu không dừng lại kịp. Phước quay lại định trách ông lão không cẩn thận, nhưng anh ngơ ngác khi không còn thấy ông ta đâu. Chiếc xích lô đậu giữa đường mà không có người lái, khiến mấy xe đi sau nhấn còi inh ỏi, làm cho Phước phải bước xuống xe và khó khăn lắm mới đẩy được nó vào lề.
Đứng đợi có hơn mười phút vẫn chẳng thấy ông lão đâu Phước quá sốt ruột nên cuối cùng phải gọi xe khác đi. Về tới nhà rồi mà Phước vẫn còn áy náy chuyện vừa rồi, nên anh kể cho vợ nghe. Lệ Hoa vừa nghe Phước nói đã vụt nói ngay:
- Có phải ông già đội chiếc nón lá buông không, ông ta...
Phước bảo:
- Đúng rồi, sao em biết ông ta?
Hoa đưa ra một mảnh giấy bạc gói thuốc lá, trên đó có ghi vội mấy chữ. Cô nói:
- Ông ta bảo đưa cái này cho anh.
Phước cầm lấy đọc và hết sức ngạc nhiên khi nó đề cập đến chuyện ngôi nhà cổ: Đừng mua ngôi nhà đó!
Lệ Hoa hỏi:
- Nhà nào vậy?
Phước ngại vợ bàn tới lui lôi thôi, nên nói tránh đi:
- Mấy ngôi nhà anh đi coi sáng nay ấy mà...
Giấu tờ giấy vào túi quần, Phước đổi ý không kể cho vợ nghe chuyện thuận mua ngôi nhà cổ. Mãi khi vào phòng riêng rồi anh mới suy nghĩ và tự hỏi: Ông già này là ai mà hành tung kỳ lạ như vậy? Và tại sao ông ta khuyên mình không nên mua ngôi nhà?
Suy nghĩ mãi vẫn không có câu trả lời, Phước chán nản để nguyên quần áo, nằm lên giường, tính lát sau sẽ đi tắm. Nhưng có lẽ do mệt nên anh ngủ thiếp đi...
Khi tỉnh dậy anh vô cùng ngạc nhiên khi nghe vợ báo:
- Có người chạy xe anh về để dưới sân.
Phước chạy ngay xuống kiểm tra lại và hết sức ngạc nhiên, bởi khóa công-tắc vẫn bình thường, không có một dấu hiệu nào của một sự cạy ra hay sửa chữa gì...
- Ai đưa xe về vậy?
Hoa lắc đầu:
- Em cũng không biết. Lúc ở trong bếp bước ra em đã thấy chiếc xe nằm ở sân rồi!
Dẫu ít khi chấp nhận những điều phi thực tế, nhưng trước những sự việc này Phước cũng phải suy nghĩ nhiều. Anh dặn vợ:
- Em đừng mở cửa cho bất cứ người lạ nào vào nhà, kể cả khi họ nói là tìm anh...
Lệ Hoa ngạc nhiên hỏi lại:
- Có chuyện gì vậy anh?
Phước trấn an vợ:
- Anh chỉ nói thế, chẳng có chuyện gì đâu. Thôi, dọn cơm cho anh ăn, đói bụng lắm rồi.
Phước đi tắm. Khi thay đồ ra anh chợt nhớ mảnh giấy lúc nãy nên móc ra xem lại. Và lần này những chữ trên tờ giấy bạc đã thay đổi hẳn nội dung: Chiếc xe cũng đã đem về rồi, như vậy anh nên dứt khoát với ngôi nhà ấy!
Phước cảm giác lạnh ở lưng và anh đứng thừ người ra... Bỗng nghe vợ anh kêu:
- Sao anh nổ máy xe rồi để đó?
Phước lại chạy ra sân và anh thật sự sợ hãi, bởi chiếc xe từ lúc được trả về anh chưa hề mở máy và anh còn nhớ rõ lúc mình xem ổ khóa công tắc thì không có chìa cắm trong đó!
- Chuyện này…
Phước chưa nói hết câu thì bỗng tiếng còi xe vang lên chói cả tai. Lệ Hoa trong nhà chạy ra kêu lên:
- Anh ấn còi xe chi vậy, con nó còn ngủ mà!
Phước ngơ ngác:
- Anh đâu có...
Tìm mãi mới thấy chìa khóa công-tắc nằm ở băng ghế ngồi, Phước phải vất vả lắm mới làm cho tiếng còi im bặt. Anh nói để vợ khỏi phải lo:
- Chắc tại xe bị chạm điện hay sao đó...
Phước lấy chìa khóa công-tắc bỏ túi sau khi đã tắt máy xe, đóng và khóa cửa xe cẩn thận. Lên lầu nằm rồi mà Phước vẫn chưa hết suy nghĩ về những hiện tượng vừa rồi, anh tự hỏi: Tại sao có những chuyện kỳ cục như vậy? Không lẽ...
Phước không dám nghĩ tới điều mà trong đầu vừa chợt lóe lên. Ma? Gạt ngay ý nghĩ đó, đồng thời Phước đi trở xuống sân, anh quyết định trở lại ngôi nhà cổ.
Người chủ nhà vừa thấy Phước đã kêu lên:
- Nãy giờ tôi đang cho người đi tìm cậu đây! Chiếc xe của cậu...
Khi nhìn thấy xe Phước đang lái, ông ta ngơ ngác:
- Tôi cứ tưởng là xe bị mất! Cậu đã trở lại lấy xe sao không báo tôi biết?
Phước nhìn sững ông ta:
- Tôi đang muốn tới để hỏi ông, sao ông cho người mang xe tới mà không báo tôi tiếng nào vậy?
Cả hai đều nhìn nhau, sững sờ. Một lúc Phước mới hỏi:
- Nhà ông có người nào lớn tuổi, đạp xe xích lô?
Ông chủ nhà lắc đầu:
- Như cậu thấy đó, tôi chỉ ở một mình. Các con tôi đều đi du học xa cả, đâu có ai nữa…
Phước lẩm bẩm:
- Chẳng lẽ...
Anh nhìn thẳng vào mắt ông chủ:
- Bác hãy nói thiệt cho cháu biết, nhà này từ nào tới giờ đã có xảy ra những chuyện như… có ma không?
Trợn tròn mắt nhìn người khách trẻ, ông ta kinh ngạc thật sự: Cậu hỏi thế có ý gì? Phước định chưa nói ra, nhưng thấy thái độ thật thà của ông, anh nói ngay:
- Có người ngăn cản tôi mua ngôi nhà của bác, bằng đủ cách...
Phước kể sơ lược chuyện vừa xảy ra. Nghe xong ông chủ nhà không cần suy nghĩ, đã nói:
- Nghe cậu kể mà tôi như đang mơ! Tôi đã ở ngôi nhà này từ hồi mới sanh ra. Khi lớn lên, có đôi lần tôi định đổi chỗ ở, nhưng rồi cũng không thể rời xa nơi đây. Tôi chưa từng gặp chuyện gì bất bình thường, chớ đừng nói là ma.
Phước móc túi lấy ra tờ giấy bạc, đưa và nói:
- Bác cứ đọc nội dung viết trong đó rồi cháu kể tiếp.
Ông chủ nhà cầm tờ giấy lật qua, lật lại mấy lượt, rồi ngạc nhiên hỏi:
- Có thấy gì đâu?
Phước lấy lại tờ giấy, anh vô cùng ngạc nhiên khi đó là tờ giấy không có chữ nào! Anh nghĩ mình có thể lầm với tờ giấy bạc khác nên lại tìm lần nữa. Cuối cùng đành phải lắc đầu than:
- Chắc là cháu điên vì chuyện này mất!
Phước quay ra xe mà lòng nặng trĩu những thắc mắc. Lái xe đi một đoạn rồi mà cứ nghĩ mình còn trong ngôi nhà cổ, anh nói một mình:
- Chắc là có gì đó...
Bỗng có ai đó lên tiếng từ phía băng sau:
- Chắc chắn là như thế, còn gì nữa mà nghi ngờ!
Phước nhìn vào kiếng chiếu hậu, không thấy ai, anh vội tấp xe vô lề và quay hẳn lại. Băng ghế trống không!
Lúc này Phước mất bình tĩnh thật sự, anh nhắm mắt lại và khấn:
- Xin lỗi, nếu tôi có làm điều gì thất thố với vong linh ai đó thì hãy lượng thứ cho, tôi không cố ý.
Ngồi yên một lúc rồi Phước mới dám lái xe ra giữa đường và cẩn thận đi thẳng về nhà...
Không có điều gì bất thường xảy ra, nhưng Phước vẫn cứ ngay ngáy lo... Đến khi vào tới sân rồi mà Phước vẫn còn chưa an tâm, anh nhẹ nhàng bước xuống xe và cẩn thận khóa cửa và rón rén bước vô nhà.
Vừa bước vô phòng khách, Phước nhìn thấy một người khách ngồi đợi sẵn ở ghế. Đó là ông lão đạp xe xích lô! Phước ngã ra sau, nằm bất động...
Lúc tỉnh lại Phước lại càng ngạc nhiên hơn khi nghe vợ kể lại:
- Em cũng không biết ông ấy vào nhà mình bằng cách nào. Khi từ trên lầu bước xuống em đã thấy ông ấy ngồi ở phòng khách. Ông ta bảo là có chuyện cần kíp lắm, muốn gặp riêng anh, nên buộc lòng em phải cho ông ta ngồi đó đợi anh về.
Phước không biết lúc mình bị ngất thì đã xảy ra chuyện gì, anh hỏi thì Lệ Hoa kể:
- Em cũng không biết. Em từ nhà sau ra thì thấy anh nằm đó.
- Vậy ông ta đâu?
- Em cũng không biết. Có lẽ lúc anh ngất ông ta đã bỏ đi. Nhưng mà có chuyện gì vậy? Ông lão đó là ai?
Vẫn muốn giấu vợ, nên Phước phải nói:
- Ông ta giúp anh chuyện ở ngôi nhà dự tính mua. Có lẽ thấy anh như vậy nên ông ngại, lẳng lặng bỏ đi đó thôi.
Phước cố nhớ xem lúc mình bị ngất, ông già xích lô ấy đã làm gì? Nhưng trước sau gì anh cũng không nhớ nổi. Hình như có một áng mây mờ đang che phủ đầu óc anh…
Đúng ra sau khi gặp những điều bất thường đó. Phước đã bỏ ý định mua ngôi nhà cổ. Nhưng lần gặp ông Thành, chủ nhà để bàn chuyện lấy lại tiền đặt cọc, Phước đã bị ông ta thuyết phục:
- Cậu không mua cũng chẳng sao, tôi sẵn sàng trả ngay tiền cọc lại cho cậu. Tuy nhiên, xin báo để cậu rõ, hiện đang có một cô gái rất trẻ chờ, nếu cậu bỏ cuộc là cô ta mua ngay. Hôm nay cô ấy cũng xin hẹn tới, nhưng tôi ngại đụng cậu nên từ chối...
Phước không quan tâm lắm đến chuyện đó, nếu ông chủ nhà không đưa ra tấm danh thiếp, mà vừa nhìn thấy Phước đã kêu lên:
- Cô ta muốn mua ngôi nhà này?
Ông Thành gật đầu:
- Chẳng những muốn mà còn rất muốn nữa là khác!
- Đây, cô ấy còn cho tôi xem cả mô hình mà cô ấy sẽ biến ngôi nhà này sau khi mua, thành một nơi triển lãm đồ lớn nhất Đông Nam Á!
Ông ta lấy ra đưa cho Phước xem một bản vẽ khá chi tiết, một bản phác thảo toàn bộ diện tích khu nhà. Điều này khiến cho Phước nóng máu, anh hỏi kỹ lại:
- Cô ấy tới đây với ai?
Ông Thành nói thật:
- Cô ấy đi với một người mà theo giới thiệu thì chính là ý trung nhân của cô ta. Họ đúng là một cặp đôi lý tưởng. Họ quá đẹp đôi, mà đến tôi già rồi cũng phát ghen khi nhìn thấy họ! Cô ấy còn đoan chắc là sau này sẽ biến khu nhà này thành một nơi chốn khiến mọi người phải mơ ước! Và cô ta còn nói rằng, cô phải thực hiện ý tưởng này để chứng minh cho một người con trai nào đó thấy việc xa cô ta là một việc làm ngu ngốc của anh chàng!
Phước đã nổi nóng:
- Cô ta nói như vậy hả! Cô... cô ta...
Ông Thành chủ nhà cũng phải ngạc nhiên:
- Ủa, sao cậu lại có vẻ giận? Cô gái ấy và cậu...
Phước nói ngay:
- Thôi được rồi, tôi không lấy tiền cọc lại. Tôi sẽ chồng tiền đủ vào thứ bảy này khi ông cải táng xong ba ngôi mộ.
Ông chủ nhà chỉ ra ngoài vườn và nói:
- Việc cải táng đã hoàn tất vào chiều hôm qua rồi. Bây giờ cậu có thể đi tham quan một vòng.
Phước nói nhanh:
- Không cần nữa. Ông chuẩn bị thu dọn mọi thứ đi, thứ bảy này tôi tiếp nhận nhà và tiến hành sửa chữa ngay.
Ông Thành dẫn Phước vào một gian phòng mà lần trước do cửa bị khóa nên anh chưa kịp xem, ông ta chỉ mấy thứ bàn ghế cũ và nói:
- Riêng gian này xin cho tôi gởi lại mấy thứ hư cũ này ít hôm, sau đó tôi sẽ kêu mấy người làm công, cho họ chở đi.
Nhìn kỹ mấy chiếc bàn, ghế cũ và vài thứ linh tinh, chợt Phước đề nghị:
- Nếu bác không dùng nữa thì để lại cho cháu. Nói thật, cháu đang có ý định tìm các thứ nội thất càng cũ càng tốt, kể cả những vật hết xài được, để đưa vào cuộc triển lãm cổ vật sắp tới.
Lúc đó ông chủ nhà mới hiểu ra:
- À, thì ra cậu và cô gái tên Hồng Loan kia đều có ý tưởng trùng nhau. Thảo nào...
Ông thuận ngay đề nghị của Phước:
- Cậu được toại nguyện.
Ngay sáng hôm đó, sau khi về nhà tính toán lại, Phước đã mang tiền trở lại ngay. Anh làm cho ông Thành ngạc nhiên:
- Cậu gấp vậy sao?
Phước bảo:
- Tôi hay đổi ý sau khi tính toán này nọ, bởi vậy tôi muốn chồng tiền ngay hôm nay chớ không đợi thứ bảy nữa.
Thủ tục mua bán được thực hiện nhanh chóng. Khi giao chìa khóa cho Phước, ông chủ nhà còn nói:
- Chắc chắn cậu sẽ phải tiếp cô Hồng Loan gì đó, bởi cô ấy sẽ trở lại.
Phước dứt khoát nói:
- Tôi sẽ treo tấm bảng ngay trước cửa với mấy chữ: NHÀ ĐÃ BÁN (miễn tiếp khách).
Ngay chiều hôm đó ông chủ nhà dọn hết một ít đồ đạc còn lại ra khỏi nhà, giao hẳn ngôi nhà cổ đồ sộ cho Phước. Anh chàng hài lòng nên quên hẳn những chuyện kỳ lạ bữa trước. Điều làm Phước ưng ý nhất là chặn được ý định của Hồng Loan! Anh nói một mình mà như muốn lọt đến tai cô ta: “Để xem ai làm được điều ấy hơn ai”.
Cái tên Hồng Loan hầu như bấy lâu nay Phước đã quyết định không nhớ đến nữa. Vậy mà nay bắt buộc anh phải nhắc và phải gấp rút mua ngôi nhà này vì cô ta!
Ba năm trước, Phước từng không một bước rời xa người con gái ấy. Cho đến khi Hồng Loan cặp tay đi với người đàn ông khác và đá đít chàng, thì Phước lập tức đi cưới vợ ngay và thề là sẽ không bao giờ để cho cô ta ngoi lên được, nhất là trong lãnh vực sưu tầm và buôn cổ vật.
Lời thề đó Phước nghĩ là mình sẽ làm được bởi anh có tiềm lực tài chánh, lại có nhiều lợi thế trên thương trường...
Vậy mà nay cô ta lại xuất hiện. Lại còn muốn mua ngôi nhà mà phải tốn bao công sức Phước mới tìm ra, để thực hiện ý tưởng cạnh tranh với ý tưởng của anh nữa.
- Không đời nào!
Phước quyết tâm đến nỗi ngay đêm đó anh báo tin về cho vợ biết sẽ ở lại ngôi nhà mới mua, để giữ nhà. Vợ Phước không tán thành ý đó và nói ngay:
- Nhà cũ kỹ đó anh ngủ lại sao được!
Lệ Hoa sai chú Sáu làm vườn tới cùng ở với Phước. Tuy không thích, nhưng để yên lòng vợ Phước phải chấp nhận, nhưng bảo:
- Chú Sáu ngủ ở ngoài, để cháu trong phòng này. Tối nay cháu còn có vài việc để làm với mấy món đồ cổ này.
Anh chọn gian phòng có chứa nhiều bàn, ghế cũ, khiến chú Sáu phải lo ngại:
- Căn phòng ẩm thấp và tối tăm thế này cậu không nên ở trong đó…
Phước vẫn cương quyết:
- Chú cứ mặc cháu.
Đêm đó Phước chong đèn thức rất khuya. Anh thích thú khi nhận ra trong số những bàn ghế cũ có vài món anh đang cần tìm. Đặc biệt là chiếc rương gỗ khá to, làm bằng thứ cây quý, rất nặng. Chính Phước đang có ý định đặt thợ mộc làm một chiếc rương như vậy để trưng bày, nay gặp đúng thứ cần, anh cứ ngắm nhìn và trầm trồ mãi. Rương bị khóa bằng thứ ống khóa rất xưa và đã rỉ sét, hầu như khó mà mở được.
Vậy mà mày mò mãi, đến nửa khuya thì Phước đã mở được chiếc rương ra. Vật đầu tiên mà anh nhìn thấy là một chiếc vương miện nạm ngọc rất tinh xảo. Tuy đã qua thời gian khá lâu, nhưng nhìn chung chiếc vương miện vẫn còn sáng chói rực rỡ. Phước ngắm nghía vừa xuýt xoa:
- Tuyệt vời! Chưa từng thấy!
Bên dưới chiếc vương miện còn có nhiều tư trang nữa, tất cả đều của nữ giới. Qua kiểu dáng, Phước đoán những vật này đã có từ rất lâu đời, có thể là hàng thế kỷ. Anh đặt tất cả nằm bên trong rương, chỉ giữ mỗi chiếc vương miện và gần như suốt đêm đó Phước không ngủ.
Suy nghĩ miên man, bỗng lúc gần sáng Phước chợt nhớ ra, anh kêu lên khẽ:
- Có thể lắm!
Anh liên tưởng đến ba ngôi mộ cổ ngoài vườn. Phải chăng những vật này có liên quan tới ba ngôi mộ kia?
Tiếc rằng ông chủ nhà đã dọn đi, nếu không thì hỏi ông ta, hy vọng sẽ hiểu được phần nào...
Dòng suy nghĩ của Phước chỉ dừng lại khi anh quá mỏi mòn, đã ngủ say lúc đồng hồ điểm năm tiếng.
Gà gáy sáng đang rộ lên ở khu vườn bên cạnh, cũng là lúc Phước chìm sâu vào giấc mơ lạ thường...
Một cô gái trong trang phục cổ, xiêm y đẹp lạ thường, đang ngả vào vòng tay một nam nhân cũng trang phục lộng lẫy, uy dũng, họ đang làm cuộc chia tay đầy bịn rịn ở một khu vườn đầy kỳ hoa dị thảo. Nàng khóc nức nở, giọng khi được khi mất:
- Em sẽ đợi... đợi đến khi nào không còn… hơi thở... Hãy tin em...
Chàng trai xiết chặt người yêu trong vòng tay rắn chắc, vừa an ủi:
- Đợi không lâu đâu. Xong việc anh sẽ trở về ngay và ngày ấy cũng là ngày trọng đại của chúng ta. Anh sẽ cưới em ngay lúc về, Trúc Đào của anh!
- Chàng hứa là phải nhớ đó! Em sẽ...
Chàng đưa tay bịt miệng nàng, không cho nói. Họ dìu nhau ra tới bờ tường cao thì chàng trai đẩy nàng ra, như sợ chia tay không được. Vừa chạy, chàng vừa nói vọng lại:
- Anh sẽ trở về ngay!
Chàng ta chạy nhanh ra cổng ngoài và nhảy phóc lên chiếc xe song mã đang đợi sẵn. Trong xe có một nữ nhân cũng rất đẹp, chừng như đợi đã lâu, có vẻ sốt ruột và cau có:
- Bắt thiếp đợi hơn nửa canh giờ rồi! Giã từ mẹ chàng sao mà lâu vậy?
Chàng trai đáp không được tự nhiên:
- Bị... tại... u già không cho đi...
- Lần sau không được vậy nữa đó! Thiếp mà chờ lâu, thiếp xông vô nhà thì chàng đừng trách!
Nàng quấn lấy chàng mà không sợ người đánh xe nhìn thấy. Anh ta hỏi:
- Thưa tiểu thư, mình đi đâu?
Nàng đáp vọng ra:
- Tới tửu lầu Vạn Xuân!
- Kìa, Kiều Loan, chúng ta có việc ở nhà ngay tối nay mà!
Giọng nàng đanh đá:
- Không có chuyện gì gấp hơn chuyện... hơi hám của chàng cả. Hãy nghe thiếp đêm nay!
Vẫn cảnh hoa viên cũ, nhưng lúc này chỉ có một mình Trúc Đào. Cầm trên tay tờ thiếp hồng vừa được gởi tới, nàng xem xong rụng rời chân tay, để rơi nó xuống cỏ, kêu lên thảng thốt:
- Tại sao xảy ra chuyện này!
Trong thiếp báo tin hôn lễ của Thiện Sĩ và Kiều Loan!
Lời hẹn ước lúc chia tay cách đây chưa đầy một năm mà giờ đây là một hung tin báo về! Trúc Đào không tin vào mắt mình, nên lại nhặt tấm thiếp lên, rồi một lần nữa đau đớn ôm lấy ngực, đổ xuống thảm cỏ. Trong nhà không có ai, nên Trúc Đào gục ở đó khá lâu mà chẳng thấy người nào ra đỡ lên. Đến khi bình tâm lại, chính nàng gượng đứng lên và lần từng bước về phía cuối vườn. Khi đứng trước một miệng giếng sâu thì nàng dừng lại. Cái giếng đào đã từ lâu, chỉ dùng để tưới vườn, nhưng gần đây người chăm sóc vườn nghỉ việc, chưa có người thay, nên lâu lâu mới có người ra đây...
- Trên cõi đời này thiếp chỉ còn mình chàng, nay chàng lại bỏ thiếp mà theo người khác, thì hỏi thiếp còn có ý nghĩa gì nữa? Vĩnh biệt chàng và chàng hãy nhớ, thiếp yêu chàng nhiều bao nhiêu thì giờ đây thiếp hận chàng bấy nhiêu! Thiếp hận chàng, hận lũ đàn ông bạc tình bạc nghĩa như chàng! Thiếp thề, thiếp sẽ trả thù!
Trúc Đào nhắm nghiền mắt lại, nhoài người khỏi miệng giếng, chỉ trong nháy mắt chẳng còn thấy bóng dáng nàng đâu!
Trưa ngày hôm sau, lúc mặt trời đứng bóng thì Phước mới dậy. Nhìn đồng hồ tay, anh giật mình đứng lên, trên người anh rơi ra một vật, mà khi nhìn nó anh mới nhớ tới giấc mơ vừa trải qua. Chiếc vương miện nằm lăn lốc trên nền gạch cũ.
- Trúc Đào!
Vô tình Phước gọi tên người con gái trong mơ, không ngờ tiếng gọi khẽ đó được đáp trả bằng một tiếng thét kinh hoàng ở nhà ngoài! Hoảng hốt, Phước chạy ra thì thấy chú Sáu vừa choàng dậy vừa hoảng loạn:
- Cậu ơi, cứu tui với! Cứu!
Phước biết ông ta vừa trải qua cơn ác mộng gì đó, nên chụp lấy vai nói lớn:
- Tôi đây mà. Phước đây!
Lúc ấy chú Sáu mới bình tĩnh lại, nhưng vẫn ngơ ngác, lắp bắp nói:
- Cô... cô ta... cô ta bóp cổ... bóp cổ và đuổi...
Phước phải gắt lên:
- Có chuyện gì chú bình tĩnh nói nghe coi!
Bấy giờ chú Sáu mới nín và nhìn Phước hồi lâu. Phước phải lặp lại:
- Chú mơ thấy ác mộng phải không?
Biết chắc là mình đang ở thực tại, lúc này chú Sáu mới kể lại:
- Tui đang ngủ thì thấy có một cô gái ăn mặc giống như mấy tiểu thơ trong phim Hồng Kông. Cô ta lấy nguyên tảng đá lớn đè lên người tôi rồi vừa quát tháo inh ỏi, đuổi tui phải đi khỏi nơi đây liền! Cô ấy còn nói đây là nhà của cô ta, không ai được vào ở. Nếu không nghe lời thì…
Ông ta nói tới đó thì bỗng nhiên vùng thoát chạy ra ngoài. Phước gọi theo:
- Chú Sáu! Chú Sáu!
Nhưng ông ta không màng, cứ cắm đầu chạy.
Lúc này Phước mới tự nhủ: Không lẽ cũng là chuyện nàng Trúc Đào?
Phước đưa mắt nhìn quanh chỗ nằm của chú Sáu và phát hiện ra đầy những nước, có lẽ do ông quá sợ đã… tè ra! Tuy nhiên khi nhìn kỹ lại anh lại thấy có một bộ quần áo sũng nước đang nằm ở góc nhà.
- Bộ đồ này!
Đó chính là bộ trang phục mà nàng Trúc Đào trong giấc mơ đã mặc! Loại quần áo này ngày nay chỉ còn thấy trong phim ảnh hay ở các viện bảo tàng. Vậy mà...
Cầm bộ đồ lên, Phước không thể nào lầm được, anh đã thấy nó rất rõ trong giấc mơ vừa rồi và nàng Trúc Đào đã mặc nó trong lúc nhảy xuống giếng.
- Đúng rồi, quần áo của nàng ta!
Đem bộ quần áo đó vào phòng, đặt nó cạnh chiếc vương miện cổ, hai vật hòa hợp với nhau một cách lạ lùng, chứng tỏ chúng cùng một người chủ. Lúc này Phước mới nghiệm ra, anh lẩm bẩm:
- Nàng Trúc Đào ấy đã sắm sẵn những vật này, chờ khi chàng Thiện Sĩ trở về để làm đám cưới! Đúng rồi!
Lục tìm thêm nữa trong rương, Phước còn thấy có cả một đôi hài nhung, một bộ áo gối thêu rồng phượng rất đẹp, tuy màu chỉ, vải có phai theo thời gian, nhưng đường nét và họa tiết vẫn còn hiện rõ sự tinh xảo, khéo tay.
Đã xác định được nguồn gốc, Phước rất trân trọng những vật trước mắt, anh đem phơi bộ quần áo, còn chiếc vương miện thì đặt trở lại trong rương một cách cẩn thận.
Xong đâu đó Phước mới cảm thấy người mỏi nhừ, có lẽ do suốt đêm qua ngủ không đủ giấc, anh định ra ngoài kiếm cái gì ăn rồi sẽ về nhà ngủ một giấc để lấy lại sức.
Tuy nhiên, lúc bước ra phòng khách, Phước giật mình khi thấy có một người ngồi sẵn ở ghế trường kỷ. Người ấy nổi bật lên bởi bộ quần áo mặc trên người! Bộ trang phục của một quan nhân hay phú hộ thời xưa!
- Ông là…
Người khách quay lại trực diện với Phước, vừa cất tiếng hỏi:
- Không nhận ra tôi sao, cậu Phước?
Phước nhìn sững và ngập ngừng hỏi:
- Ông đây là... là bác đạp...
Người khách tiếp lời:
- Là người đạp xe xích lô đây mà!
Thì ra là ông ta! Nhớ lại hai lần trước Phước lùi một bước, như cảnh giác. Ông lão vội lên tiếng:
- Tôi có làm gì đâu mà cậu sợ. Nếu muốn làm gì thì hai lần trước cậu đâu còn sống đến hôm nay! Tôi chỉ...
Ông ta đưa tay chỉ một vòng khắp nhà, giọng từ tốn:
- Ngôi nhà này vốn là của tôi, cậu có tin không?
Phước bây giờ mới nhìn kỹ bộ quần áo ông ta mặc trên người, anh hơi lúng túng:
- Ông là...
- Tôi là chủ ngôi nhà này. Xưa kia tôi làm quan ở Trấn này. Người ta gọi tôi là Tri phủ Nguyên. Ngôi nhà này tôi xây lên được ba năm thì xảy ra chuyện. Năm ấy tự dưng con gái tôi rơi xuống giếng mà chết, rồi ngay sau đó tai họa lớn khác lại ập vào nhà tôi, khi quân lính thị vệ của quan Phò Tổng Trấn Thành kéo tới bao vây, lục soát nhà và tuyên bố tịch thu tài sản, lột áo mão của tôi, đuổi về làm thứ dân! Lúc ấy tôi không hiểu là chuyện gì, nhưng sau đó tôi đã rõ. Do con gái tôi là Trúc Đào yêu cùng một người đàn ông với con gái Phó Tổng Trấn, nên cha con tôi bị hại là để họ chiếm độc quyền. Con gái tôi chết oan ức, nhưng cũng may cho nó, bởi nếu không chết trước thì ngày ấy nó thế nào cũng bị bắt giam và chịu cực hình, để rồi thế nào cũng chết rục xương trong ngục tối!
Ông kể mà sự xúc động làm cho đôi lần ông phải dừng lại, đè nén. Mãi sau đó ông mới nhìn thẳng vào Phước và nói tiếp:
- Cậu đã hiểu ra chuyện rồi, thì tôi xin nói thẳng, tôi không muốn cậu chen vào cuộc sống vốn yên tĩnh từ ngót trăm năm nay rồi.
Phước hỏi lại:
- Như vậy bác đã... đã là...
- Là người đã chết, nói theo thông thường thì tôi là hồn ma! Cậu không tin sao?
Phước ấp úng:
- Không... không... cháu tin. Nhưng mà...
- Người chủ nhà vừa bán cho cậu là cháu bốn đời của tôi. Vừa rồi nó làm một việc mà tôi đau lòng lắm. Nó cải táng, đưa chúng tôi đi khỏi mảnh đất mà trăm năm trước chúng tôi thề nếu sống thì sống nơi đây, còn chết cũng nằm đây vĩnh viễn! Do vậy tôi xin cậu hãy trả lại nơi chúng tôi không thể xa.
Phước phản đối ngay mà quên rằng trước mặt mình là một hồn ma:
- Đâu được! Tôi đã mua xong rồi, giấy tờ tiền bạc cũng dứt điểm rồi, làm sao có thể thay đổi. Vả lại mồ mả cũng đã cải táng rồi...
Ông lão chỉ tay ra sau vườn:
- Cũng may là nhờ cậu mở chiếc rương ra nên con gái tôi đã sớm trở về ngôi mộ cũ. Còn hai vợ chồng tôi thì bữa nay bàn với cậu, xin cậu hãy thương tình. Chúng tôi sẽ tìm cách bù cho cậu ngôi nhà khác, cũng gần giống như vầy. Nếu cậu chịu thì ngay chiều nay…
Thấy Phước còn chưa hẳn tin, ông đứng lên ra dấu cho anh:
- Cậu theo tôi ra ngoài vườn sẽ rõ.
Ở góc vườn, nơi ba cái huyệt vừa cải táng bữa trước, nay đã có một ngôi mộ trở lại như cũ! Ông lão chỉ và nói:
- Trúc Đào đã nhờ cậu mà được nằm yên chỗ cũ. Nó nhớ ơn cậu, chớ nếu không thì ngay tối qua cậu đã bị nó rước đi rồi, lúc cậu lấy chiếc vương miện của nó ra. Nhất là khi cậu đem phơi bộ đồ ướt sũng nước của nó, hành động ấy khiến nó không xem cậu là kẻ thù, nó tha cho cậu đó.
Phước đứng tần ngần một lúc, anh rất khó xử trong vụ này, bởi ngoài việc thích ngôi nhà, anh lại sợ nếu mình bỏ, thì có thể Hồng Loan sẽ phỗng tay trên, mua lấy?
Chừng như đoán biết suy nghĩ của Phước, ông già nói ngay:
- Cậu còn bị tôi đuổi ra khỏi đây nữa. Yên chí đi, không người nào vào ở được nhà này cả.
Ông nói xong, quay bước đi lẩn vào mấy bụi cây phía hông vườn. Khi Phước đuổi theo thì không còn tìm thấy nữa. Muốn cất tiếng gọi, nhưng anh chợt nhớ ông ta là một... hồn ma, nên lặng lẽ trở vô nhà.
Bước vô phòng chứa đồ cũ, một lần nữa Phước kinh ngạc, bởi bộ quần áo ướt anh phơi lúc nãy đã biến mất! Cả chiếc vương miện nằm trong rương cũng bị lôi ra, để trên đầu tủ, như một vật trưng bày!
Không nghĩ ngợi gì nữa, Phước chấp tay lại, khấn rất thành tâm:
- Con xin lỗi nương nương. Chẳng qua vì chưa biết nên xúc phạm người, từ bây giờ xin trả lại cho người mọi thứ. Con xin…
Bỗng nhiên một cái tát nẩy lửa giáng vào một bên má của Phước khi anh chưa dứt lời. Nhìn lại không thấy ai trong phòng, Phước vội lên tiếng:
- Con xin lỗi, nếu có điều chi thất thố thì xin...
Phước lại bị một cái tát nữa, đau điếng! Anh vừa định mở miệng nói nữa thì chợt hiểu, vội đổi cách xưng hô:
- Xin lỗi cô nương, tôi...
Lần này quả nhiên Phước không bị đánh. Anh biết mình gọi cô ấy là nương nương đã chạm tự ái, bởi cho đến lúc chết cô nàng vẫn còn là gái đồng trinh. Mà từ nương nương là để gọi những người đã có chồng.
Phước nhẹ bước ra, khép cửa phòng lại. Anh tự nhủ, nếu có mất tiền mua nhà cũng đành cam chịu, chắc chắn là anh sẽ không trở lại đòi...
Chiều hôm đó, trong lúc đang ngồi nhà nghe vợ cằn nhằn về chuyện tự dưng bỏ số tiền lớn vào ngôi nhà, rồi bị mất, thì có người gọi cổng, Phước bước ra cùng với vợ, gặp một người khách lạ, anh ta đưa cho Phước chùm chìa khóa và một tờ giấy vừa nói:
- Ngôi nhà này từ bây giờ là của anh. Tôi đã làm thủ tục sang tên sở hữu, giờ anh chỉ việc đi nộp thuế trước bạ nữa là xong. Xin cám ơn anh đã mua ngôi nhà.
Ông ta bỏ đi ngay. Phước phải gọi giật lại:
- Ai mua nhà của ông?
- Một ông phú hộ ở Phú Thọ, ông ta nói mua tặng cho một người cháu. Thôi chào ông.
Phước ngẩn ngơ một lúc rồi mới nhìn vào tờ giấy chủ quyền nhà. Tên Phước là chủ sở hữu.
Lệ Hoa chưa hiểu nên hỏi dồn:
- Nhà gì vậy anh? Ai mà cho anh nhà vậy?
- Chính ông ấy đã đền bù cho mình. Thật không thể ngờ. - Phước lẩm bẩm.
Sáu tháng sau...
Tình cờ Phước gặp lại người chủ nhà lúc đầu đã bán nhà cho mình. Ông ta rất vui báo tin cho Phước:
- Chính nhờ cậu mà dòng họ tôi đã được đoàn viên.
- Bác nói gì cháu chưa hiểu? Vừa rồi suýt nữa cháu đã đắc tội với các bậc tiền bối ở đó! - Phước hỏi lại.
Ông Thành kể chuyện:
- Cả trăm năm nay ông bà cố tổ của tôi chịu mối oan ức mà không thể tự giải cứu được. Cố tổ tôi bị phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý thời Tả quân Lê văn Duyệt bức tử bằng độc dược, bị yểm bùa sau khi chôn, còn con gái ngài thì do tự vẫn chết dưới giếng sâu, bị các oan hồn uổng tử chốn đó vây lấy, nên không thể đi đầu thai được. Vừa rồi nhờ bán nhà cho cậu, tôi đã cải táng những ngôi mộ đi và vô tình giỡ bỏ được bùa yểm, nên ba vong hồn cố tổ tôi mới thoát ra được. Bây giờ họ đều có mặt trong ngôi nhà cổ ấy...
Phước ngạc nhiên:
- Họ là người chết, sao ở lại ngôi nhà ấy?
Ông Thành giải thích:
- Họ không hiện diện như chúng ta, nhưng vong hồn họ thì vẫn còn đó. Tôi không ở trong ngôi nhà ấy, nhưng ngày ngày vẫn tới lui nhang khói. Tiểu thư Trúc Đào đêm đêm thường hiện về và có nhắc tới ơn cứu mạng của cậu. Nếu tiện thì hôm nào đó cậu cũng nên tới đốt cho tiểu thư một nén nhang.
- Dạ. - Phước đáp không suy nghĩ.
Nhưng sau đó anh lại rùng mình!
Ngôi nhà cổ từ ấy có rất nhiều chuyện lạ, nhưng chỉ mình Phước biết. Mà chàng thì đã thề với lòng là sẽ không kể cho một ai khác nghe...