Tổng tập truyện ma của Người Khăn Trắng

Phần 2

Ăn xong bữa tối chỉ với gói mì kèm theo cái trứng gà đập vào tô. Hương Lan ngả người trên chiếc giường cá nhân duy nhất kê trong phòng trọ chẳng lấy gì làm rộng rãi, vắt một cánh tay trên trán thả dòng suy tư vào nỗi buồn nhớ quê nhà da diết. Vậy là đã hơn ba tháng, cô tự ý xa người thân vì sợ bất bình cuộc hôn nhân đặt để. Không biết khi cô bỏ đi rồi, cha mẹ cô có suy nghĩ lại hay chăng? Ở thời này, đâu còn chuyện cưới vợ, gả chồng theo kiểu cổ xưa mãi đến lúc động phòng mới nhìn thấy mặt nhau. Hương Lan nhớ mình đã phản đối rất nhiều lần, vậy mà vẫn không làm thay đổi được ý định. Trước tình thế ngày cưới chẳng còn bao xa nữa, cô đành phải dùng tới phương sách bỏ đi dù biết rằng thân gái một mình bôn ba nơi xứ lạ là sẽ tự chuốc lấy bao điều khổ nhục. Còn gã chồng hụt của cô nữa. Không biết anh thuộc vào hạng người nào mà lại dễ dàng chấp nhận cưới một cô vợ chưa hề quen? Sự phá bĩnh của cô có gây ra thiệt hại nào không? Có làm cho anh ta phải buồn lòng? Tự nhiên Hương Lan cảm thấy day dứt vì hành động của mình, người chồng hụt chắc sẽ oán hận cô lắm bởi cô đã làm dở dang duyên phận của anh ta. Hương Lan không biết mình có nên hối tiếc không? Biết đâu anh ta lại là một chàng trai tuyệt vời hơn cô nghĩ. Thấy mình sắp sửa rơi vào sự ân hận, cô lại gạt phăng đi. Chẳng có gì đáng để cho cô phải bận tâm. Đã bước đi thì không bao giờ quay mặt lại. Mãi nghĩ vẩn vơ cô chợt giật thót cả người khi sực nhớ tới gã thanh niên đang bị mình nhốt trong cửa hiệu. Bây giờ thì cô chỉ có thể cầu mong gã đừng gây nên điều gì để cô bị mất việc. Nghĩ lại, Hương Lan thấy mình thật là dại, bỗng dưng lại tin vào một kẻ chỉ mới gặp lần đầu ở ngoài đường. May mà ông Hoàng Huy đi lâu, chứ nếu ông ta về sớm thì cô ăn nói thế nào được. Đang nằm lo sợ, Hương Lan ngồi bật dậy chắp tay khấn vái mong đừng có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng suốt cả đêm cô đã thấp thỏm không yên chỉ chờ mong trời mau sáng. 

 

Khi cánh cửa bên ngoài sập xuống, Tuấn Khanh có cảm giác mình bị biến thành tên tù nhân mà lại là tù nhân của một cô gái chẳng dễ thương chút nào.

Nhưng thôi mặc kệ, cô ta nhốt mình trong cửa hiệu đã là may mắn lắm rồi. Tuấn Khanh thừa biết nếu mình xuất đầu lộ diện ngoài phố, chắc chắn anh sẽ bị bọn côn đồ dữ tợn chém nát thành nhiều mảnh.

Đặt chân đến thành phố này. Tuấn Khanh cũng phải sống trong hoàn cảnh rất khó khăn dù trước kia ở nhà anh thuộc loại con cưng, cậu ấm. Vì trình độ học vấn không cao, Tuấn Khanh chẳng thể nào tìm được cho mình một việc nhàn hạ. Khi những đồng tiền đem theo cạn kiệt, anh đành lao vào nhận một chân phụ hồ để có thể tự mưu sinh. Thoạt đầu phải làm công việc nặng nhọc, Tuấn Khanh tưởng mình không kham nổi đến ngày hôm sau. Nhưng nghị lực đã giúp anh, bởi anh không thể quay về nơi mà anh vừa chạy trốn.

Cảm thấy khát, Tuấn Khanh chổm dậy định tìm cho mình một ly nước nhưng đảo khắp căn phòng trưng bày cũng không có. Chà, gan thật đấy! Thế này thì anh đến phải một phen khốn đốn rồi. Không cam chịu, Tuấn Khanh bắt đầu lùng sục nhưng trong cửa hiệu này chẳng có gì ngoài mấy chục pho tượng mỹ nữ to lớn bằng thạch cao. Anh đến lay mạnh cánh cửa cách ly cửa hiệu với nhà trong nhưng bất lực vì cái ổ khóa to đùng ở đó. Điệu này thì phải vừa nhịn đói, nhịn khát cho đến khi cô ta quay lại đây mở cửa. Ý nghĩ ấy làm Tuấn Khanh tiu nghỉu, anh lững thững di động bước chân tới trước mặt từng pho tượng nheo mắt ngắm nghía rồi lẩm bẩm với chúng:

- Giá như các cô là người thật bằng xương bằng thịt thì nhất định tôi sẽ được hưởng một đêm “nhất dạ, đế vương” tại cửa hiệu này rồi. Nhưng tiếc thay các cô chỉ là những “con búp bê” bằng thạch cao đặt đâu đứng đó, chẳng thể nào quyến rũ được người khác.

Nói xong, Tuấn Khanh còn đưa tay nựng má pho tượng thứ mười lăm, hất hàm như người đang trò chuyện:

- Phải không cô nương này. Cô nương trơ trẽn quá chỉ tổ hạ giá trị mình xuống thấp thôi. Đàn ông chúng tôi tuy dễ bị nhục dục lôi cuốn song khi sự vui thú qua đi rồi thì chẳng còn gì hấp dẫn được nữa đâu.

Rồi anh nhếch môi cười với pho tượng thứ hai mươi sáu sau vài bước chân:

- Cô ả này có vẻ đứng đắn hơn, nhưng điệu bộ hơi ngông, may mà cô chỉ là pho tượng thạch cao chứ là người thật ai yêu nổi. Còn các cô ả này nữa. Tuy không thể phủ nhận các cô là tuyệt tác nghệ thuật, tôi cũng chẳng thấy vừa mắt chút nào.

Tuấn Khanh diễu qua mặt các pho tượng bình phẩm khen chê đủ điều thoải mái như một khách hàng khó tính. Chừng cảm thấy mệt, anh nằm lăn kềnh ra nền gạch cố dỗ giấc ngủ để quên đi cơn đói khát đang hành hạ. Nhưng chiếc bao tử trống rỗng và cổ họng khô khốc khiến Tuấn Khanh khó lòng mà lịm vào giấc ngủ được. Anh nhắm mắt rồi mở mắt rất nhiều lần mới có thể thiếp dần đi.

Trong giấc ngủ mơ màng, bỗng nhiên anh nghe thấy tiếng chuyện trò của nhiều người, mà dường như toàn là phụ nữ. Âm thanh đầu tiên nghe khàn khàn tựa lời kể lể ai oán:

- Tại sao tôi lại khổ đến thế? Bẩm sinh tôi đâu có là người đàn bà kệch cỡm, lố lăng. Vậy mà giờ đây đã biến thành một ả phụ nữ tầm thường trong đôi mắt mọi người, tôi bị lột trần như nhộng cho người ta nhìn ngó, khen chê ngày này qua tháng khác. Hu hu hu, có ai cứu giúp tôi không?

Tiếng khóc nức nở nghe thật cảm động và tiếp đó là câu nói đầy hậm hực:

- Cần chi phải khóc than khi số phận của chúng ta đã bị định đoạt. Hãy hợp sức lại với nhau trả thù mới là thượng sách!

Âm thanh kế tiếp lọt vào tai Tuấn Khanh nhão nhoẹt:

- Làm gì được kẻ thù của chúng ta bây giờ chứ? Các chị không biết đấy thôi, em cứ phải khóc thầm hằng đêm.

- Ôi, còn đâu thưở huy hoàng trước mắt hàng vạn khán giả vừa chiêm ngưỡng, vừa ca ngợi. Phải giam mình trong cái cửa hiệu này thật là buồn bã quá, biết chừng nào mới thoát ra được khỏi nơi đây.

- Hu hu hu, tên khốn ấy thật là ác ôn. Hắn đã khiến cho cuộc đời của chúng ta có đoạn kết bi thương này. Phải giết hắn, giết hắn mới hả dạ!

Tiếng gào thét, căm phẫn đồng loạt vang lên khiến Tuấn Khanh phải giật mình bổ choàng dậy vì ngỡ sắp có án mạng xảy ra. Nhưng trước mắt anh, dưới ánh đèn huỳnh quang sáng rực một cảnh tượng còn kinh khủng hơn cả việc thấy người chết nữa. Đó là những pho tượng chung quanh anh đang cử động. Tuấn Khanh biết mình chẳng hề nằm mơ. Nếu là kẻ nhát gan, chắc chắn anh phải sợ chết khiếp. Nhưng Tuấn Khanh đã lao tới chộp lấy một pho tượng gần nhất để kiểm chứng. Hành động đó đã làm chiếc trán của Tuấn Khanh phải sưng lên vì chạm mạnh vào phần lưng của pho tượng:

- Ái dà! Sao cứng ngắc, cứng ngơ vậy? Chẳng phải cô đã cử động đó hay sao?

Tuấn Khanh vừa xoa đầu vừa kêu lên, rồi dùng tay nắn bóp nhiều chỗ trên pho tượng làm nó rơi ra một mảnh thạch cao. Hoảng hốt, anh liền cởi chiếc áo choàng của pho tượng cạnh bên mặc vào pho tượng mà anh đã vô tình làm sứt mẻ. Tuấn Khanh nghiêng đầu nói một mình:

- Tạm ổn rồi. Chắc chắn không sợ phát hiện đâu.

Chưa vội trở lại chỗ nằm hồi nãy. Tuấn Khanh còn đảo qua một lượt gian phòng trưng bày quan sát kỹ từng pho tượng. Chẳng có cô ả nào là thật cả và tư thế vẫn y nguyên hồi chiều. Vậy là chính anh đã mơ màng rồi lẫn lộn, chứ làm gì có chuyện những pho tượng bằng thạch cao chuyển động đi tới, đi lui. Họa chăng chúng là ma? Nhưng trên đời này làm gì có ma. Vòng lại một lượt nữa để đến chỗ đã nằm, Tuấn Khanh không còn lẩn thẩn với những suy diễn kỳ quặc mà yên tâm tiếp tục ngủ. Dù mệt mỏi đến mấy anh cũng không thể chợp mắt vì cơn đói khát dày vò cùng cảm giác ngờ ngợ về một điều rất khó mà giải thích được.

 

Nhìn đồng hồ biết rằng trời sắp sáng, nhưng lúc này Tuấn Khanh không thèm nôn nóng chuyện thoát khỏi cửa hiệu trưng bày, anh chỉ muốn ăn. Có lẽ cô gái ấy cũng đã thức để chuẩn bị đi làm. Mong rằng cô ta sẽ mang phần điểm tâm tới cửa hiệu và mời anh cùng ăn chung vui vẻ. Ý nghĩ ấy làm tăng thêm sự cồn cào trong bao tử, anh nuốt vội chất nước bọt khô đắng nơi đầu lưỡi. Sáu giờ rồi đến bảy giờ kém mười lăm, Tuấn Khanh thấy thời gian sao quá chậm chạp. Dường như anh đang rất nóng để được gặp cô gái ấy. Rồi giây phút chờ đợi cũng phải tới khi anh nghe tiếng của cánh cửa bị nâng lên. Tuấn Khanh định chạy đến bên cánh cửa đón cô gái nhưng anh lại nằm im như người đang say ngủ. Lan Hương nói to:

- Nào, dậy ra khỏi đây đi chứ! Trải qua một đêm vui vẻ với các nàng mỹ nữ, tới giờ vẫn chưa chịu tỉnh hay sao?

Mặc cho tiếng kêu vọng vào tai, Tuấn Khanh vẫn không hề nhúc nhích. Có lẽ anh đang muốn làm cho cô gái phải một phen hoảng vía.Tiếng kêu lần này có vẻ ấn tượng hơn:

- Anh kia, anh đừng có chết đó nhe! Tôi nhốt anh ở đây là do chính anh yêu cầu, chứ không phải tôi muốn.

Nghe tiếng bước chân đến gần mình. Tuấn Khanh bắt đầu chuẩn bị nhỏm đầu lên. Và anh thật sự làm cho cô gái khiếp sợ đến xanh lè cả mặt:

- Á!

Tuấn Khanh nói như rên:

- Đây tôi chưa có chết đâu!!!

Cô gái dùng hai tay ôm chặt vùng ngực mình, giọng líu lại:

- Chưa chết sao lại nằm im?

Nhìn sắc diện của cô ta, Tuấn Khanh hả hê thầm trong bụng: “Đáng ghét thế mà cũng còn biết sợ. Nếu như không nể tình cô đã cứu tôi thoát nạn thì tôi sẽ cho cô một phen thất kinh hồn vía”. Nghĩ xong, anh đưa một cánh tay lên làm bộ thở hắt ra:

- Tôi không tự mình ngồi dậy nổi đâu. Cô làm ơn kéo giùm.

Tuy vẫn chưa hết sợ, cô gái vẫn không ngăn được câu mắng:

- Anh đừng có quá đáng nhé! Mau ngồi lên rồi ra khỏi đây cho tôi nhờ.

- Nhưng tôi không thể thực hiện yêu cầu của cô được.

- Tại sao? Anh đừng viện cớ rằng còn kẻ nào truy sát anh bên ngoài nghe.

- Lời cô nói chẳng sai. Những tên côn đồ tính làm hại tôi hôm qua chắc gì đã chịu buông tha.

Tuấn Khanh lại gật đầu. Cô gái đưa mắt nhìn ra hướng cửa chính:

- Lúc nãy trên đường đi tới đây tôi chẳng thấy ai khả nghi cả.

Tuấn Khanh cười cười nói:

- Không lẽ chúng lại ra giữa phố vỗ ngực giới thiệu rằng mình là sát thủ sao?

- Tôi nghĩ anh bày chuyện gây khó dễ cho tôi.

- Bụng của cô thật là xấu, bộ cô tưởng tôi thích nán lại cái cửa hiệu này lắm ư? Ôi, cô lầm to rồi. Nói thật, nếu không sợ nguy hiểm đến tính mạng thì dù có cho vàng tôi cũng chẳng dám ở qua đêm thêm lần nữa.

Nghe qua, cô gái chột dạ ngó dáo dác lung tung:

- Điều gì làm cho anh phải trở thành kẻ nhút nhát như vậy?

Tuấn Khanh nhỏm đầu lên rồi rụt cổ vào đôi vai:

- Suốt đêm qua bị nhốt trong cửa hiệu này chỉ có mình tôi và những pho tượng mỹ nữ, theo cô thì tôi đang sợ cái gì?

- Là sợ ma.

Cô gái buột miệng trước.

Tuấn Khanh ngồi dậy thật nhanh rồi vỗ mạnh hai tay vào nhau tạo thành tiếng kêu bồm bộp:

- Phải rồi, cô nói thật chính xác. Ui chao, nghĩ lại thấy ghê thật. Không ngờ một chỗ lịch sự như thế này mà lại có quá nhiều ma.

Trong lúc cô gái co rút người lại vì sợ hãi thì Tuấn Khanh càng làm cho câu chuyện của anh ly kỳ thêm:

- Này, cô có thể tưởng tượng được điều gì đã xảy ra với tôi đêm qua không? Kinh khủng lắm, bạo gan như tôi mà còn chết giấc tới sáng mới tỉnh lại, huống gì phụ nữ yếu bóng vía chắc sẽ từ giã cõi đời luôn.

- Anh không nhát tôi đó chứ?

- Trời ơi, tôi đâu có hơi sức mà dọa cô chuyện này. Thế cô làm việc ở đây bao lâu rồi mà chưa bị…?

Cô gái như người đang trong cơn sốt:

- Bị gì?

- Thì bị ma nhát chứ còn bị gì nữa.

Quên cả ngượng, cô gái nhảy ào vào lòng Tuấn Khanh cầu cứu sự che chở của anh:

- Làm ơn đừng nói nữa mà!

- Nhưng tôi phải thuật lại đầu đuôi mới thành câu chuyện được.

Cô gái sắp khóc:

- Tôi không muốn nghe nữa.

Tuấn Khanh vẫn điềm nhiên:

- Dẫu sao thì cô cũng đã để nó lọt vào tai một phần rồi, bây giờ nghe tiếp cho đủ đầu đủ đuôi.

Rồi không chờ cô gái kịp phản đối, anh thấp giọng:

- Đúng là lần đầu tiên trong đời tôi thấy ma và nghe được tiếng nói của ma, nó trầm trầm, u u, cứ như từ cõi diêm la, địa phủ vọng về vậy. Cô biết tôi sởn gáy tới độ nào không? À, mà cô đã bị nó nhát lần nào đâu sao hiểu nổi cảm giác sợ hãi của kẻ gặp ma chứ. Khiếp đảm lắm! Ôi! Những chiếc bóng di động như vây chặt lấy tôi, những tiếng khóc than ai oán đầy vẻ căm hờn. Chúng nâng tôi lên rồi hạ tôi xuống. Chúng còn dám vuốt má, bẹo cằm khen tôi là một gã đẹp trai.

Nếu như bình tĩnh cô gái sẽ nhận ra cái giọng giễu cợt của Tuấn Khanh. Nhưng lúc này ruột gan cô tiêu tan hết theo từng giọng điệu của anh nên chẳng còn chút sinh khí nào để lật tẩy. Cô cảm giác đôi chân mình không vững nổi khi Tuấn Khanh thêm câu cuối:

- Tôi sẽ rời khỏi đây khi quan sát bên ngoài thấy yên ổn. Chỉ e rằng khi tôi đi rồi, còn lại mình cô tội nghiệp.

Quả nhiên, lời Tuấn Khanh vừa dứt cô gái đã té ngã vào lòng anh vì đôi chân khuỵu xuống. Cô nói như cầu khẩn:

- Đừng bỏ tôi một mình, tôi sợ lắm!

Tuấn Khanh một tay đỡ, một tay cố giữ khoảng cách để thân thể cô gái đừng áp sát vào mình. Anh cũng giả vờ lên giọng:

- Nhưng cô vừa mới đuổi tôi đi mà!

Cô gái níu lấy anh:

- Tôi thay đổi ý định rồi.

- Bây giờ là ban ngày ma không dám chường mặt ra để nhát con người đâu. Cô bình tĩnh lại đi!

- Làm sao tôi có thể bình tĩnh trước những gì anh vừa nói.

- Thì tôi thấy gì thì kể vậy, đâu có đặt điều để hù dọa.

- Nhưng anh đã làm tôi sợ.

Ánh mắt Tuấn Khanh lóe lên tia tinh nghịch:

- Vậy mà trước đây một ngày tôi cứ ngỡ cô cầm tinh con hổ.

Cô gái nhượng bộ anh:

- Hổ hay thỏ lúc này cũng đều như nhau thôi. Hôm qua tôi đã làm ơn cho anh, giờ tôi buộc anh phải trả.

Tuấn Khanh đưa tay lên gãi đầu:

- A, ghê nhỉ! Trả thì trả tôi sẽ ở lại đây “canh ma” cho cô tới chiều nhưng với điều kiện là cô phải cho tôi ăn thứ gì, kẻo bao tử của tôi đang rên siết dữ quá. Suốt cả đêm chỉ vì nó mà tôi phải thao thức để rồi bị ma nhát.

Đôi mắt cô gái mở to ra:

- Anh thật sự chưa ăn gì từ hôm qua tới giờ sao?

- Ai nói dối cô làm chi. Tôi nhớ mình đã nhắc khéo cô chuyện cần phải ăn bữa chiều, vậy mà cô không thèm quay trở lại.

- Thì tôi đâu có rảnh để mà quan tâm tới cái bao tử đói meo của người khác.

- Đúng là kẻ vô tình. Lỡ đêm qua tôi chết ở đây vì đói thì cô sẽ phải ân hận cả đời. Tôi nhất định làm hồn ma theo ám cô.

- Bởi thế nên ông trời không cho anh được toại nguyện mà xưa nay đâu có ai chết vì nhịn đói một ngày.

Cô gái cố thu hết can đảm để giữ một khoảng cách tối thiểu với Tuấn Khanh, cô không màng đến công việc lau chùi thường ngày mà tỏ ra sốt sắng:

- Để tôi mua cho anh một tô phở nóng. Ở gần đây có quán phở bò rất ngon.

Nghe nói đến phở, nước miếng trong miệng Tuấn Khanh muốn trào ra. Anh vội giục:

- Cô hãy đi ngay cho. Chậm trễ một chút có án mạng bây giờ.

Nụ cười đầu tiên trong ngày của cô gái nở ra:

- Anh chết tôi không sợ. Chỉ sợ hồn ma kẻ khác giả danh thôi.

Anh đang nghe một câu nói đầy tình ý rồi đây. Nhưng tiếc thay, lúc này Tuấn Khanh chỉ tập trung vào mùi nước lèo béo ngậy của món phở và những miếng thịt bò tái ngọt mềm đầy hương vị sắp được ăn.

 

Ăn xong tô phở, Tuấn Khanh có cảm tưởng mình vừa uống xong liều thần dược. Anh thấy mình nhanh nhẹn hơn và tâm trạng cũng vui hơn:

- Hỏi thật nhé! Cô tên là gì vậy?

Đang ngồi nhìn gã thanh niên xì xụp ăn, nghe hỏi Hương Lan vội liếc mắt sang chỗ khác:

- Anh cần biết làm chi? Nhớ dạo trước tôi có hỏi tên anh nhưng anh đâu thèm nói.

- Hồi đó khác, vì chúng ta chỉ gặp gỡ ở ngoài đường rồi mạnh ai nấy đi.

- Thì bây giờ cũng vậy. Giữa chúng ta đã có điều gì đâu mà phải biết tên nhau.

- Sao lại không? Tình hình hiện nay khác với ngày đầu gặp gỡ rất nhiều chứ. Chẳng phải chúng ta đã thân mật hơn rồi ư.

Hương Lan nguýt dài:

- Xí! Thân mật cái gì chứ. Đừng tưởng tôi mua phở cho anh ăn là tôi thích anh.

Gã thanh niên nhún mạnh vai trước mắt cô:

- Chuyện thầm kín trong bụng của mỗi người ai mà nhìn thấy được. Thái độ đỏng đảnh của cô tự để lộ ra đó thôi.

Hương Lan ngúng nguẩy rời khỏi chỗ ngồi, mặt đỏ vì ngượng:

- Anh đúng là một tên lẻo mép. Cô nàng nào mà vớ phải anh thì bất hạnh cả đời.

Tuấn Khanh khẽ cười:

- Biết vậy nên tôi mới phải chạy trốn phụ nữ các cô đây. Nếu không tôi đâu lâm vào tình cảnh thất nghiệp chứ. Biết khổ, nhưng không dám quay về.

Đôi môi của Hương Lan mím mím:

- Thì ra tôi đang hội ngộ với một anh chàng vừa mới tập tành làm lãng tử.

- Cô không hiểu hết chuyện về tôi đâu đừng châm biếm. Trên đời này mọi việc xảy ra đều phải có nguyên do. Tên của tôi là Tuấn Khanh, có lẽ cô cũng cần biết để xưng hô cho tiện.

Thấy gã thanh niên đã tự giới thiệu mình, Hương Lan cũng xuống nước:

- Còn tôi là Hương Lan, anh nghe có ấn tượng chút nào không?

Tuấn Khanh gật nhẹ đầu:

- Tên cô vừa đẹp, lại vừa như quyến rũ. Có điều cái tên này tôi cảm thấy quen quen…

Hương Lan cười thật tươi:

- Trong thiên hạ đâu có thiếu gì người có tên giống tôi anh nghe quen là phải? À, mà hiện giờ anh đang ở đâu?

- Cũng nhà trọ bình dân, chứ không có tiền ở khách sạn cao tầng.

- Có chung đụng với ai không?

- Có, với chiếc bóng của tôi mỗi khi màn đêm ập đến.

- Anh cũng khéo nói đùa.

Tuấn Khanh ngẩng mặt lên:

- Thế còn cô? Chắc phải hơn hẳn tôi rồi?

Hương Lan khúc khích như gặp phải chuyện vui:

- Tệ hơn là đàng khác. Dù sao thì đàn ông các anh cũng không cảm thấy lo sợ phập phồng như phụ nữ khi phải đối diện với sự cô đơn giữa chợ đời.

Tuấn Khanh dán chặt tia nhìn vào cô:

- Điển hình trong lúc này có phải không?

Hương Lan bĩu môi hứ thật lớn:

- Ai cho phép anh nói năng chính xác vậy? Đúng vậy, giờ tôi đang rất sợ hãi nhưng suy cho cùng thì cũng tại anh đã nhát tôi.

- Cô ăn nói thật ngược ngạo. Tôi có phải là hồn ma oan khuất lẩn quẩn trong cái cửa hiệu này đâu. Chính mắt tôi thấy, tai tôi nghe rõ ràng mà. Cô có tin rằng những pho tượng này đã múa máy, cử động không?

- Cái gì?

Tựa như người bị quăng vào đống lửa, Hương Lan nhảy chồm lên làm đổ cả ly nước để trên bàn. Sự kinh hãi lan nhanh tạo cho cô một bộ mặt rất khó nhìn:

- Anh vừa nói pho tượng này sao hả?

- Phải! Những pho tượng này đã phá rối tôi suốt đêm hôm qua.

Trông Hương Lan thật xanh xao:

- Anh đừng dọa tôi thêm lần nữa Tuấn Khanh ơi!

Tuấn Khanh cố giải thích:

- Tôi không hề dọa cô mà là tôi nói thật. Duy có điều không hiểu mình tỉnh hay mơ lúc đó thôi.

Hương Lan dùng hai tay vuốt ngực:

- Chao ôi! Một điều chưa khẳng định chính xác được mà anh đã dùng nó để khiến tôi phải đau tim thế này ư!

Mặt Tuấn Khanh xịu xuống:

- Tôi xin lỗi cô vậy!

- Tôi không yêu cầu anh điều ấy, bởi tôi cũng từng bị một lần giống như anh.

- Nghĩa là sao?

- Thì thấy những hiện tượng kỳ dị giữa lúc không phân biệt được mình đang mơ hay tỉnh.

- Lẽ nào lại có sự trùng hợp?

- Tôi cũng cho đó là chuyện lạ và đã cố không muốn nhớ.

Tự dưng Tuấn Khanh bật cười lên:

- Ha ha ha, cô cũng thuộc vào hàng thông minh nên mới cố tình lãng quên một điều cần phải nhớ.

- Anh nhạo báng tôi đó hả?

Quên mất mình và gã thanh niên đang ở mức độ cần phải giữ kẽ, Hương Lan nắm tay lại đấm thình thịch vào lưng anh khiến Tuấn Khanh bỏ chạy luồn lách giữa các pho tượng mỹ nữ. Thời gian vui vẻ ấy diễn ra được một lúc thì Hương Lan dừng lại kêu:

- Chấm dứt thôi. Tôi còn phải làm việc!

Mất hứng, Tuấn Khanh đứng ngay trước mặt pho tượng thứ mười lăm nói vọng tới:

- Nếu cô bận làm việc thì tôi sẽ đóng vai khách hàng vậy.

- Nhưng sao anh cứ ngắm hoài pho tượng vậy?

Nhìn vẻ mặt không hài lòng của cô gái, Tuấn Khanh phải cười thầm:

- Cô đừng hiểu lầm. Thú thật, tác giả làm nên pho tượng này là một người có óc sáng tạo ghê gớm lắm. Tôi rất muốn gặp ông ta để khen ngợi vài câu.

Thái độ Hương Lan không hưởng ứng:

- Anh sẽ được toại nguyện, sau vài ngày nữa ông chủ của tôi về.

- Ông chủ của cô là một nghệ nhân à?

- Tất cả những sản phẩm trong cửa hiệu này đều do một tay ông ta làm ra.

- Cô có phản đối không, nếu như tôi có ý định xin làm học trò của ông ấy?

Hương Lan phủi bụi trên các pho tượng một cách chậm chạp:

- Chuyện của anh không can gì tới tôi, đừng hỏi ý kiến.

- Cô khó chịu như một bà già vậy.

Bỗng dưng bị chọc tức. Hương Lan sửng cồ lên:

- Tôi vậy đó, anh không thích thì thôi.

Chạm tự ái, Tuấn Khanh rời chỗ đứng bước lại gần Hương Lan:

- Nói vậy là cô đang muốn đuổi tôi đi chứ gì?

Bất giác Hương Lan òa khóc. Tiếng khóc tức tưởi như đang bị ức hiếp làm cho Tuấn Khanh chạnh lòng và trong một phút không kiềm lòng được anh đã kéo cô gục đầu vào ngực mình rồi ra sức vỗ về. Hành động này không bị Hương Lan phản đối mà cô còn để yên rất lâu cho đến khi chẳng còn nghe tiếng khóc. Có lẽ lúc này cô đang cảm thấy rất bình yên, dẫu là bên cạnh người thanh niên chỉ mới vừa quen biết.

 

Thêm một ngày nữa bị cầm chân ở cửa hiệu trưng bày nhưng Tuấn Khanh không tỏ ra khó chịu lại hăng hái phụ giúp Hương Lan công việc thường ngày của cô. Có lúc anh bắt gặp những tia nhìn trộm của cô hướng về mình. “Ôi chao, chắc là đồng cảnh ngộ tha hương nên dễ dàng thông cảm với nhau thôi”. Tuấn Khanh tự nhủ như thế rồi lại gạt đi: “Không đâu, sự thông cảm khác với tình cảm dành cho nhau, cứ nhìn đôi mắt vời vợi của cô ấy thì rõ cả”.

Có tiếng Hương Lan gọi từ chỗ cửa chính:

- Anh Khanh, có báo mới cho anh đọc nè.

Tuấn Khanh nhìn ra nói:

- Tôi nhớ mình đâu có nhờ vả cô chuyện này.

Hương Lan khẽ lúng liếng đôi mắt:

- Thì tiện thể tôi mua cho anh đọc không được sao.

- Tất nhiên phải được rồi. Không tốn tiền mà có báo để đọc tôi làm sao từ chối.

- Anh đúng là hạng người khéo nói, khéo làm dịu cơn giận của người khác.

- Cô lại khen tôi. Tôi không có biệt tài ấy đâu.

Đón tờ báo mới Hương Lan đưa cùng một chiếc bánh cam cô vừa đi mua về. Tuấn Khanh cắn ngập răng vào chiếc bánh nhai một miếng rồi tấm tắc:

- Ngon quá xá. Thứ gì phụ nữ mua cũng không thể chê vào đâu.

Hương Lan hỉnh mũi cười:

- Anh chỉ giỏi nịnh.

- Vậy ư? Biết rồi tôi đâu có dại gì mà phí sức. Bây giờ tôi trả việc cho cô để đọc báo, cô đừng làm rộn tôi nghe.

Nói xong, Tuấn Khanh tự động tìm chỗ đọc báo. Anh trải rộng tờ báo rồi liếc mắt vào mục đăng ở trang đầu. “Một người mẫu đột ngột bị mất tích và hiện tượng một số phụ nữ bị mất tích vào các thời điểm khác nhau”. Ồ, một tin giật gân đây. Nhưng người mẫu mất tích thì có gì là ghê gớm lắm đâu. Biết đâu cô ta lại chẳng đi theo một gã trọc phú béo bở nào du hí để kiếm tiền. Các cô gái bây giờ, nhất là những người mẫu, người đẹp họ biết tận dụng cái nhan sắc trời cho để làm giàu. Họ không phải là kẻ dại khờ và ít tìm ra người đoan chính. Chỉ tội cho những cô gái quê, chân ướt chân ráo lên tỉnh dễ bị lợi dụng lẫn lừa lọc. Nhưng các phụ nữ mất tích được nêu đây thì dường như ai cũng là người có tiếng tăm cả. Dù đọc kỹ những dẫn chứng trong bài báo nhưng Tuấn Khanh vẫn không tin các phụ nữ bị biến mất đột ngột vào nhiều thời điểm như vậy. Cô người mẫu Diễm Hà mà gặp nguy hiểm gì chẳng qua họ đã rủ nhau lần lượt đi làm giàu ở xứ người hết cả rồi. Thôi, hơi sức đâu mà quan tâm cho mệt xác. Chuyển qua mục báo khác, Tuấn Khanh tỏ ra say sưa hơn nên quên mất vấn đề nghiêm trọng đầu tiên hay có thể gọi là một vụ án. Khi xem gần hết tờ báo thì cơn buồn ngủ ập đến với anh. Trong cơn mơ chập chờn, anh bỗng thấy mình bị một phụ nữ tát tai. Cái đánh rõ đau kèm theo lời thóa mạ: “Tên khốn, mi dám lợi dụng để làm tổn thương thân thể ta như vậy hả? Chưa hết, mi lại còn nghĩ xấu, lại làm ngơ trước số phận của người khác. Rõ là đồ tồi. Ta phải đánh mi thêm vài chục cái bạt tai nữa, nào đón lấy!”. Tuấn Khanh trông thấy rõ bàn tay xòe ra chuẩn bị giáng vào mặt mình liền hốt hoảng bật người né tránh cùng với lời thanh minh:

- Tôi có làm gì đâu. Đừng đánh mà!

Giây phút hoàn hồn vụt qua nhanh, Tuấn Khanh tỉnh dậy ngơ ngác hỏi Hương Lan:

- Có phải cô vừa mới đánh tôi?

- Nãy giờ tôi ngồi chỗ chiếc bàn này, đâu có lại gần anh.

Hương Lan tròn mắt.

- Thế ai đã đánh tôi một cái tát ê ẩm cả mặt vậy?

- Làm sao tôi biết được. Chẳng phải anh đang nằm đọc báo ở chỗ đó ư?

Tuấn Khanh thú nhận trong sự ngạc nhiên:

- Hình như tôi đã ngủ thiếp đi một chút.

Hương Lan che tay lên miệng cười:

- Vậy là anh đã nằm mơ rồi ông thần ơi! Chắc bị ám ảnh về sự truy sát ngày hôm qua chứ gì.

Tuấn Khanh nhăn mặt cãi:

- Không phải hình ảnh của cuộc rượt đuổi, mà là tôi bị một người phụ nữ đánh, vẫn còn cảm giác đau đây này.

- Thế chẳng lẽ anh nghi ngờ tôi sao?

Thái độ Tuấn Khanh đầy hoang mang:

- Nếu không phải nằm mơ thì tôi biết nghi cho ai ngoài cô ra.

- Nhưng tôi không đụng đến người anh. Tôi cũng cam đoan rằng trong cửa hiệu không có người thứ ba.

Sự khẳng định của Hương Lan khiến cho Tuấn Khanh phải thừ ra. Không có người thứ ba có nghĩa là... bất chợt ánh mắt anh dán chặt vào những pho tượng chung quanh nhưng chẳng phát hiện được điều gì ngoài sự cứng nhắc, vô tri của chúng. Đúng là anh đã nằm mơ thật. Tuấn Khanh xoay người nhìn Hương Lan:

- Xin lỗi cô!

Hương Lan lém lỉnh nói:

- Không biết từ giờ đến hết ngày hôm nay tôi sẽ nghe anh xin lỗi thêm mấy lần.

Sắc mặt Tuấn Khanh chợt nghiêm lại:

- Nhưng không hiểu cô có thích thú chuyện này không?

Hương Lan hếch nhẹ mũi:

- Nếu như là đề tài khác thì tôi sẽ hưởng ứng hết mình nhưng chuyện này ghê thấy mồ, tôi không dám mạo hiểm.

- Rõ ràng là tôi đã nghe thấy tiếng mắng của phụ nữ trước khi bị tát.

- Không lẽ thủ phạm làm cho anh phát hoảng là những pho tượng này?

- Hương Lan, đến lượt cô dọa tôi rồi.

Thần sắc Hương Lan bắt đầu nhợt nhạt:

- Anh công nhận là tôi nói đúng ư?

Trong tình thế không thể phân biệt được, Tuấn Khanh đành tạm gác vấn đề lại. Anh phẩy tay:

- Nói chuyện chiếc bao tử sẽ được ăn gì trưa nay đi. Nhất định cô phải khao tôi một bữa nữa.

Cũng không dám gợi lên câu chuyện từng làm cho mình rởn óc, Hương Lan hùa theo đề nghị của Tuấn Khanh:

- Khao thì khao, tôi không hà tiện đâu. Anh muốn được chiêu đãi thứ gì, cứ việc nói miễn là vừa túi tiền của tôi.

Tuấn Khanh cười khà:

- Không được nuốt lời nhé. Cô mau rời chỗ đi mua thức ăn là vừa.

Nhìn đồng hồ, Hương Lan gật đầu:

- Được anh lên thực đơn theo ý thích của mình đi.

Không khách sáo, Tuấn Khanh chớp mắt nói:

- Cơm gà rán và một ly nước mát.

Nụ cười của Hương Lan khá tươi:

- Sẽ có ngay! Nhưng anh phải trông coi cửa hiệu giùm tôi đàng hoàng đó? Tôi còn phải sống ở thành phố này lâu dài nên không thể để bị mất việc được.

- Cô yên tâm. Hai chúng ta đồng cảnh ngộ, tha phương cầu thực mà.

Nhận được sự cảm thông từ nơi Tuấn Khanh. Hương Lan nghe ấm lòng nên đáp trả lại anh tia nhìn đầy thiện cảm trước khi quay người đi.

 

Chiều nay, thấy đã hết giờ làm việc Tuấn Khanh tự ý chia tay với Hương Lan mà không chờ cô phải nhắc:

- Tôi không biết mình có thật sự an toàn chưa nhưng cũng phải giải thoát nỗi lo âu của cô. Tôi xin kiếu từ để về nơi ở trọ của mình.

Vừa chợt nghe, Hương Lan đã bày tỏ sự quyến luyến:

- Ngày mai anh có rảnh hay không?

- Có việc gì vậy? Chẳng lẽ cô mướn tôi đến đây làm bảo vệ.

- Nếu anh thật sự bị thất nghiệp. Nhưng nói trước chỉ trả công hai bữa ăn no bụng thôi.

- Không thành vấn đề đâu. Chỉ có điều rất tiếc là tôi không hề thất nghiệp.

Gương mặt Hương Lan vụt buồn so:

- Thế thì nguy cho tôi, phải đương đầu với nỗi sợ một mình.

Tuấn Khanh động viên:

- Cứ tỏ ra thật tỉnh táo thì chẳng có điều gì xảy đến cả, bởi những sự kiện mà chúng ta gặp phải đều diễn ra ở trong mơ.

- Dứt khoát tôi không ngủ gục đâu.

- Tốt hơn cô nên dùng một ly cà phê đá...

- Tôi sẽ nghe lời anh.

- Nếu rảnh tôi hứa sẽ ghé thăm.

- Anh phải cho tôi biết địa chỉ chỗ ở chứ.

- Cô cũng thế. Chúng ta trao đổi nghe.

Nói rồi cả hai vui vẻ xé giấy ghi nơi ở trọ của mình chuyền cho nhau. Trước giờ chia tay mỗi người về một nơi trong lòng họ trào dâng một nỗi niềm rất khó tả. Nhưng nào có phải đi xa đâu, tất cả chỉ loanh quanh trong thành phố. Vậy mà trong suy nghĩ của họ, cứ như sẽ mãi mãi không gặp lại.

- Rồi cô sẽ quen với cảm giác của mình ngay thôi, đừng quá lo Hương Lan ạ. Công việc của cô ở đây tuy hơi buồn nhưng rất hợp với phụ nữ chân yếu tay mềm.

Hương Lan khẽ mím môi:

- Tôi cũng nghĩ như anh. Lúc trước, khi chưa tìm được việc làm tôi cũng khổ sở lắm! Nhiều ngày phải gặm bánh mì lạt thay cơm.

Tuấn Khanh kể hoàn cảnh của mình:

- Tôi thì hơn gì cô. Từ nhỏ tới lớn chưa hề biết đói mà vừa rời khỏi gia đình không lâu đã giống tên ăn mày đầu đường, xó chợ. Uống nước lạnh để làm dịu êm bao tử. Bởi vậy cho nên, đêm hôm qua bị nhịn đói nằm trong cửa hiệu này tôi không sút thêm ký nào.

Bất giác Hương Lan đặt tay lên vai Tuấn Khanh giọng sụt sùi:

- Nghe chuyện của anh tôi thấy bớt tủi thân hơn. Mình sẽ là bạn bè nghe.

Tuấn Khanh cười bạnh miệng:

- Hoan hô ý kiến hay của cô.

Hương Lan liền sửa lại:

- Gọi tên đi cho thân mật.

Tuấn Khanh đáp ứng ngay:

- Tôi về nghe Hương Lan.

- Vâng.

Khi Tuấn Khanh ra khỏi cửa hiệu, Hương Lan vẫn đứng trông theo bóng anh xa dần. Đóng cửa hiệu ra về, cô bước thật chậm như một kẻ nhàn du. Cô hình dung đến cảnh ngày mai chỉ có một mình thui thủi trong cửa hiệu trưng bày mà lòng ngao ngán. Ôi, giá mà anh ta sẽ lại đến với cô. 

 

Trải qua một đêm mất ngủ, tâm thần Hương Lan mệt mỏi tới mức vừa đến nơi làm việc đã phải ngáp dài, ngáp ngắn. Cô không ngờ là hình ảnh người thanh niên ấy quẩn quanh trong đầu mình lâu như vậy. Anh ta có gì thu hút đâu ngoài một dáng vẻ rất đàn ông và bộ mặt dễ nhìn chứ. Vậy mà cô đã cảm thấy nhớ mong, hy vọng anh ta sẽ đến cửa hiệu ngày hôm sau. Lúc ở quê, khi nghe tin mình bị gả chồng Hương Lan đã khóc ròng rất nhiều ngày dù được cha mẹ cho biết cô sẽ về làm dâu một gia đình khá giả và nề nếp. Còn anh chồng tương lai thì cũng thuộc loại nhiều cô gái phải ao ước. Thế nhưng cô đâu có cảm giác mong gặp mặt anh ta và nôn nóng chờ đợi ngày xuất giá như bao nhiêu người con gái khác. Phải chăng tại vì hai trái tim chưa có phút giây đồng cảm? Lý do đó thật đúng đắn bởi cô đâu thể tự nhiên về làm vợ người ta khi chẳng hề biết chút gì tốt, xấu của họ. Là một cô gái đã đến tuổi cập kê nhưng Hương Lan chưa hiểu chữ yêu là gì cả. Cô phản đối cuộc hôn nhân đặt để của cha mẹ vì cho rằng nó mang tính chất phong kiến, hủ lậu, cổ xưa. Tuy sống ở vùng quê, Hương Lan cũng được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng nên cô sớm biết nhận thức sự thay đổi của xã hội và tầm nhìn của tư duy. Chính vì thế cô mới liều bỏ nhà để ra đi.

Hôm nay, Hương Lan tự mình khám phá được sự khang khác của tâm hồn. Một tâm hồn đang hé mở cánh cửa lòng để đón nhận điều mới mẻ. Dù chưa thể khẳng định rõ nhưng tất cả những gì đang từ từ đến đã khiến trái tim trống vắng của cô rộn ràng lên. Tuấn Khanh… tên của anh ta dường như là trùng hợp với tên người chồng sắp cưới ở ngoài quê. Giá như họ là một người thôi, Hương Lan sẽ vui lòng trở về mặc chiếc áo cô dâu cho mẹ cha nở mặt. Bởi theo nhận xét của cô từ hôm qua tới giờ thì Tuấn Khanh thuộc mẫu người cô đang tìm.

Bước ra khỏi cửa hiệu để gọi một ly cà phê đá từ một quán giải khát gần đó, Hương Lan trở về ngồi vào chiếc bàn dành cho mình, nhâm nhi chất nước có vị đắng. Chẳng biết cà phê có làm cho cô tỉnh táo hơn lên hay lại vào nỗi nhớ mênh mông của tình cảm? Thấy mí mắt mình cứ nặng trịch, Hương Lan bèn đứng dậy đi đi. Bỗng cô chợt phát hiện ra pho tượng thứ hai mươi sáu đã mặc áo khoác pho tượng thứ hai mươi. Cô dừng lại đăm đăm, miệng nói nhẩm một mình:

- Ủa, sao kỳ vậy? Có sự thay đổi áo giữa các pho tượng ư?

Thắc mắc của cô chìm vào sự tĩnh lặng bởi cửa hiệu chưa có ai đến viếng thăm. Sau một chút ngỡ ngàng. Hương Lan đã đưa tay cởi chiếc áo khoác ở pho tượng thứ hai mươi sáu ra để trả lại chỗ cũ. Nhưng kìa, điều gì đã xảy ra vậy chứ? Ánh mắt cô sững sờ khi quét ngang qua phần lưng của pho tượng vừa bị cởi áo khoác. Ồ, sao lại có một khoảng tróc vỡ như thế này? Nỗi sợ hãi làm Hương Lan nghe lạnh toát cả người, cô chớp mắt cố trấn tĩnh rồi khẽ đặt ngón tay vào chỗ đó! Thêm vài mảnh vụn của thạch cao lại rơi ra khiến Hương Lan hết cả hồn. Ôi phen này cô đến phải bị mất việc thật sự rồi. Pho tượng thứ hai mươi sáu là tác phẩm nghệ thuật mà ông chủ cô thích nhất và cho là hoàn chỉnh nhất, bỗng dưng lại hư hỏng thế này. Có phải là Tuấn Khanh đã gây ra hay không? Mà còn ai vào đây ngoài một mình anh ta. Hương Lan vừa sợ vừa giận run, gã con trai này thật không biết điều, chắc muốn hại cô đây. Nếu như lúc này Tuấn Khanh tới, chắc chắn anh ta sẽ lãnh cơn thịnh nộ của Hương Lan trút ra. Tuấn Khanh, anh hại tôi! Không biết sự giận dữ của Hương Lan có trút ra thành lời chăng nhưng đúng lúc đó Tuấn Khanh lại lù lù dẫn xác tới với nụ cười tươi tỉnh:

- Chào, đang nhắc tôi có phải không?

Ngọn lửa trong Hương Lan bộc phát thành đám cháy. Cô túm lấy cổ áo Tuấn Khanh lôi xềnh xệch:

- Anh phải mau trả lời cho tôi biết tại sao anh tính hại chết tôi?

Tuấn Khanh cố ghì người, miệng kêu lên bai bải:

- Tai họa ở đâu đổ xuống đầu tôi bất tử vậy?

Hương Lan vẫn nắm chặt Tuấn Khanh, mắt cô trợn trừng lên:

- Anh đừng có già mồm kêu oan. Chính anh mới là kẻ trút tai họa vào người tôi.

- Bằng chứng đâu? Sao bỗng dưng cô hồ đồ thế?

Tức thì Tuấn Khanh bị kéo tới trước pho tượng thứ hai mươi sáu, anh bị Hương Lan dúi đầu xuống tận chỗ đã xảy ra sự cố:

- Đừng làm bộ ngây ngô nữa. Anh hãy xem đi rồi cho tôi biết nguyên do.

Bây giờ thì Tuấn Khanh đã hiểu vì sao mình bị đối xử tệ. Anh nhận lỗi một cách thành khẩn:

- Tôi không có ý phá phách mà là do tình huống. Hương Lan cướp lời mắng:

- Tình huống nào làm cho pho tượng hỏng thế này chứ? Tuấn Khanh nói hết sức khó khăn:

- Cô không hình dung nổi tâm trạng của tôi lúc bấy giờ đâu. May mà chỉ gây thương tích cho một mình “cô ả” này, chứ xui nặng thì đã đổ vỡ hết.

Hương Lan thở hổn hển vì bực tức:

- Chuyện như vậy mà anh còn có thể đùa được hả.

Tuấn Khanh vội cải chính:

- Tôi đang rất nghiêm túc nhận lỗi chứ không đùa giỡn. Thật tình thì tôi chỉ đâm sầm vào pho tượng này.

- Nhưng vì sao anh lại đụng vào nó?

- Tất nhiên là phải có nguyên do chính đáng.

- Không có nguyên do nào ngoài việc anh cố ý làm hại tôi.

- Ôi, chẳng lẽ tôi phải thề thốt cô mới chịu tin ư.

- Không cần đâu. Tôi thật hối hận vì đã tin anh, đã để anh ở lại trong cửa hiệu.

- Hương Lan...

- Đừng gọi tên tôi bằng giọng nhẹ nhàng như vậy trong khi tôi đang muốn nghiền nát anh ra.

Nhìn vẻ mặt trong lúc tức giận của Hương Lan, Tuấn Khanh không ngăn được cơn buồn cười và thế là anh lại tiếp tục nghe cô chửi:

- Tôi không ngờ anh lại có thâm địa xấu xa đến thế. Tôi không hình dung nổi cơn giận của ông chủ sẽ ra sao khi biết được chuyện này.

- Hương Lan, tôi đã nói rằng không có ý phá hoại đâu mà. Thật sự vào lúc ấy tôi đang lâm vào tình trạng hoảng sợ vì nhìn thấy các pho tượng cử động.

Mặc Tuấn Khanh thanh minh, Hương Lan không chịu nghe bất cứ lời nói nào của anh cả:

- Bây giờ thì tôi đã hiểu anh bày đặt chuyện để dọa tôi.

Tuấn Khanh dùng cả hai tay gãi đầu vì bị đẩy vào thế oan tình khó giải:

- Hương Lan, cô có thể mắng tôi nhưng cô phải tin tôi.

Gương mặt cô gái như khói quyện vòng quanh:

- Không bao giờ tôi dại dột tin anh, nên nhớ kỹ điều đó!

Không biện bạch được cho mình, Tuấn Khanh bèn quay phắt người dợm bước đi nhưng liền bị Hương Lan giữ lại:

- Khoan đã, anh phải có trách nhiệm trong việc làm hỏng pho tượng này.

Vầng trán rộng của Tuấn Khanh vội chau lại:

- Thế có nghĩa là cô đang bắt tôi bồi thường?

Hương Lan gật mạnh đầu:

- Anh đã hiểu rồi đấy.

- Vậy giá tiền của nó là bao nhiêu.

- Anh có thể đền nổi không?

- Nếu biết tôi đền không nổi thì cô gây khó dễ làm gì.

- Nhưng anh đã làm hỏng nó.

- Việc ấy tôi không phủ nhận. Tôi sẽ nói với ông chủ cô vấn đề này.

- Anh tưởng rằng chỉ bấy nhiêu là xong xuôi mọi việc à. Ông Hoàng Huy là loại người không dễ bỏ qua sự sai trái của kẻ khác đâu. Hơn nữa, pho tượng này là tác phẩm nghệ thuật mới nhất của ông ấy! Anh hãy liệu hồn mình trước đi.

Tuấn Khanh cười nhếch mép:

- Cùng lắm thì tôi xin ông ấy giúp việc tại cửa hiệu này vài năm để trừ vào cái khoản bồi thường. Và như thế, tôi sẽ là đồng nghiệp của cô, sẽ có cơ hội chọc giận cô cả ngày.

Đang bực tức lại bị gã thanh niên châm chọc, sắc diện Hương Lan sa sầm xuống. Chờ lúc Tuấn Khanh không để ý cô đã dùng chân chận bước đi của anh và gây nên một sự kiện nghiêm trọng hơn.