Tổng tập truyện ma của Người Khăn Trắng

MỐI TÌNH TRUYỀN KIẾP (2)

Phải đến bốn giờ mới tới ca trực, nhưng vừa ba giờ thì Hạnh đã tới bệnh viện. Y tá Cúc ngạc nhiên khi trông thấy cô bác sĩ trẻ, chị ta hỏi liền:

- Tối qua bác sĩ có ác mộng gì không?

Hạnh hơi giật mình, tròn mắt nhìn chị ta:

- Chị Cúc nói...

Cúc mau miệng:

- Tối qua ca trực trong này ai cũng điếng hồn, khi nửa đêm bỗng nghe có ai đó đứng trước phòng cấp cứu kêu tên bác sĩ Hồng Hạnh mấy tiếng luôn! Chính tôi chạy ra coi là ai thì không thấy người nào. Lúc ấy đã gần ba giờ sáng, không có ca cấp cứu nào, nên hành lang trống trơn, con gián chạy còn thấy nữa là…

Chị ta nói xong cứ giương mắt nhìn Hạnh, khiến Hạnh khó chịu:

- Chị nói thế là sao? Ai đó kêu tôi trong khi tôi không có trong này thì việc gì đến tôi?

Tuy nói vậy, nhưng Hạnh lại sợ cô y tá lắm mồm này hỏi lôi thôi thêm, Hạnh bỏ đi thẳng vào phòng thay đồ.

Trong lòng Hạnh hoang mang cực độ, cô tự hỏi: Không lẽ chuyện giấc mơ của mình mà cả bệnh viện đều hay biết?

Gặp Thúy Lan trước cửa phòng riêng của các nữ bác sĩ, cô nàng làm như có chuyện quan trọng lắm:

- Cậu nghe gì chưa? Chuyện ai đó gọi cậu lúc nửa đêm!

Lan là bạn thân, nhưng trong lúc này Hạnh không muốn chia sẻ chuyện nhạy cảm này, nên cô chỉ nói qua loa vài tiếng rồi vào ngay phòng thay đồ. Thúy Lan ở ngoài nói vọng vào:

- Thay đồ xong ra, đi xuống nhà ăn uống ly cà phê, chưa tới giờ làm đâu.

Hạnh vào phòng thay đồ, vừa đóng cửa lại đã thở phào một hơi, như vừa trút được gánh nặng! Nhưng khi vừa chạm tay vào bộ blouse, Hạnh đã giật mình nhìn mảnh giấy nhỏ rơi ra. Một dòng chữ viết tháo:

- Lên lầu năm gặp anh ngay bây giờ!

Dù dòng chữ viết vội, nhưng làm sao Hạnh không nhận ra đó là chữ của Phong! Cô lập cập tự hỏi:

- Phong... Phong… sao lại...?

Chỉ kịp khoác chiếc blouse vào, Hạnh chạy vụt ra, không để ý đến Thúy Lan đang đứng đợi.

- Hạnh! Cậu đi đâu vậy, chưa tới giờ mà?

Đang giờ thăm nuôi bệnh nhân nên người ra vào rất đông. Hạnh phải lách hết tốp này đến tốp khác, chạy theo thang bộ chứ không đợi thang máy lên tới lầu 5.

Vừa bước tới phòng số 50 thì cảnh huyên náo đập vào mắt Hạnh, cô hơi khựng lại, nhưng rồi vì tò mò nên đã vạch đám đông bước vào. Thấy cô là bác sĩ nên mấy người kia nhường đường, Hạnh nghe một người nói:

- Cái cha bệnh nhân chấn thương sọ não này phát điên la lối om sòm suốt từ đêm đến giờ, bỗng mới rồi đã vừa la hét vừa tự tháo bông băng quấn quanh mình, rồi kêu tên ai đó là Hồng Hạnh, vừa kêu vừa khóc như gọi hồn ma vậy!

Hạnh kín đáo đưa tay che bảng tên của mình lại, bước tới gần giường bệnh. Anh chàng đang tháo đến thước băng cuối cùng. Khuôn mặt để lộ ra, tuy da mới kéo lớp bì non, nhưng cũng đã định hình được gương mặt. Bất chợt Hạnh kêu khẽ:

- Đâu phải là Phong!

Người trước mắt chắc chắn không phải là Phong rồi. Hạnh thở phào. Tuy nhiên, khi vừa nhìn thấy Hạnh người đó reo lên:

- Hồng Hạnh!

Các y tá đứng quanh anh ta đều sửng sốt quay lại nhìn Hạnh. Tay cô vẫn che bảng tên mình rất kín. Trong lúc họ chưa kịp hỏi gì, thì anh chàng kia đã lên tiếng lần nữa:

- Anh tìm em suốt đêm qua! Hồi nửa đêm người ta đã hoàn hồn cho anh. Anh đã về với em rồi đây, Hạnh!

Lạ lùng là giọng nói ấy đúng là giọng của Phong! Chỉ có điều… Hạnh khựng lại, trong tư thế nửa muốn bước tới, nửa sắp sửa lùi...

- Đừng bỏ anh, Hạnh!

Anh chàng đưa tay như sắp chụp vào Hạnh, khiến cô phải thụt lùi và chới với bỏ tay che bảng tên ra. Một y tá kêu lên:

- Bác sĩ Hồng Hạnh!

Những người tò mò đứng xem cũng ngơ ngác, có người lên tiếng:

- Thì ra từ hôm đến giờ anh chàng kiếm cô này!

Thấy anh ta muốn bước xuống, còn Hạnh thì cứ thụt lùi, hai cô y tá chụp hai tay giữ anh ta lại:

- Anh hãy ngồi yên, chờ bác sĩ tới đã!

Vừa lúc ấy, hai bác sĩ trưởng, phó ca trực chạy vào. Lợi dụng cơ hội ấy, Hồng Hạnh vọt nhanh ra ngoài rồi chạy như bị ma đuổi.

Đằng sau cô lồng lộng tiếng thét gào của anh chàng:

- Đừng bỏ anh, Hồng Hạnh ơi!

Chạy ra tới sân, thay vì ghé vào phòng trực cấp cứu Hạnh lại chạy bộ thẳng ra đường. Chỉ kịp leo lên chiếc taxi. Hạnh giục:

- Chạy nhanh!

Cô trở về nhà mình một cách ngẫu nhiên, bởi cô không hề chỉ đường cho người tài xế. Chạy nhanh lên phòng riêng, không kịp thay chiếc blouse ra, Hạnh ngã vật xuống giường, nhắm nghiền mắt lại. Bao nhiêu chuyện vừa xảy ra như đoạn phim quay chậm lại, hiển hiện từng chi tiết...

- Hồng Hạnh!

Hạnh mở cửa ra, sắc mặt tươi hẳn lên khiến Lan ngạc nhiên:

- Sao vậy Hạnh?

Hạnh nói làm Thúy Lan giật mình:

- Mình đưa anh ta đi thật!

Chìa chiếc nhẫn bạch kim ra trước mặt Lan:

- Cậu có nhớ Phong không?

- Phong, người yêu của cậu? Sao không nhớ, anh ta bị cậu đá văng tám ngàn dặm rồi còn gì?

- Vậy mà bây giờ bay ngược trở lại!

Lan cầm chiếc nhẫn xem kỹ và reo lên:

- Nhẫn của Phong! Cậu và anh ta nối lại?

Hạnh cười:

- Vào bệnh viện hỏi anh chàng bệnh nhân chấn thương sọ não sẽ biết.

Lan chợt móc ra một mảnh giấy nhỏ:

- Mình nhặt được trong tủ quần áo của cậu.

Hạnh đọc nhanh mấy chữ trong đó: Gấu trúc phải tới ngay chỗ này!

- Gấu trúc là ai vậy?

- Là mình đó. Cái này là của Phong gửi cho mình.

- Phong vào tận bệnh viện?

Hạnh thấy chưa cần phải giải thích cặn kẽ, nên chỉ cười và nói bâng quơ:

- Mình cám ơn ca trực cấp cứu đầu tiên đó!

- Hạnh, cậu sao thế? Có bệnh gì không?

Hạnh vẫn cười thật tươi:

- Có bệnh... hạnh phúc!

Nói xong, Hạnh bước ra ngay khỏi phòng trước sự ngạc nhiên của Lan:

- Cậu đi đâu vậy? Bệnh viện đang đi tìm cậu vào gấp đó!

- Mình sẽ giải thích sau. Còn bây giờ mình phải đi có việc gấp lắm. Lan chịu khó vào bệnh viện một mình nhé!

Chơi với nhau từ lâu, chưa bao giờ Thúy Lan thấy bạn mình như vậy, cô hỏi lại lần nữa:

- Cậu có sao không vậy?

- Yên chí đi, mình vẫn khỏe! Thôi, khóa cửa giùm mình rồi giữ chìa khóa, lát nữa mình sẽ ghé lại bệnh viện lấy.

Thúy Lan không kịp nói thêm câu nào thì Hạnh đã phóng xe ra đường. Cô đi theo địa chỉ đã ghi trong mảnh giấy Lan đưa lúc nãy. Một địa chỉ rất lạ, ở vùng ngoại ô giáp với con đường dẫn về các tỉnh miền đông, nơi hầu như Hạnh chỉ ngồi xe đò chạy ngang qua chứ chưa đi xe gắn máy tới bao giờ.

Gần một giờ sau, Hạnh mới tìm được địa chỉ, lúc ấy trời đã bắt đầu tối. Cô có hơi lo, nhưng nghĩ tới lời dặn của Phong thì tự dưng Hạnh mạnh mẽ hẳn lên. Vừa bước vào ngôi nhà ngói xưa, có khoảng sân rộng với nhiều cây cảnh, Hạnh đã nghe tiếng người từ trong hỏi vọng ra:

- Hạnh đó phải không?

Hết sức ngạc nhiên, Hạnh chưa kịp lên tiếng thì một cụ bà từ trong bước ra, làm như đã quen với Hạnh lâu lắm rồi:

- Vào nhà đi con, trời tối, ngoài này nhiều muỗi và gió lắm.

Bà nhìn Hạnh chỉ một thoáng thôi, như để xác định mặt mày người mà bà đang chờ, rồi lại lên tiếng:

- Tụi nó nói trước với bà về con, nhưng bà không ngờ con gái lại xinh xắn, dễ thương đến như vậy. Con tên Hạnh phải không?

- Dạ phải. Nhưng ai nói về cháu với bà? Đây là lần đầu tiên cháu tới đây, và hiển nhiên là cháu chưa biết có ai quen nơi này hay không nữa. Cháu muốn hỏi anh Lộc?

- Chính thằng Lộc đã nói về con với bà. Nó bảo hôm nay con sẽ tới đây và dặn bà phải làm cơm đãi con cho chu đáo. Bà ở đây có một mình, nên cũng không có điều kiện để chợ búa gì, chỉ đơn giản vài món mà Lộc nói là cháu thích.

Bà chỉ mâm cơm đã dọn sẵn trên bàn, còn bốc khói:

- Bà mới vừa làm xong, bây giờ bà cháu mình ăn rồi từ từ nói chuyện. Ngồi ăn đi con.

Hạnh quả thật lúng túng:

- Dạ... cháu không ăn. Cháu mới...

Bà cụ cười hiền hòa:

- Con đừng nói là mới ăn cơm nghe chưa. Bà biết hồi ba giờ con còn ở trong bệnh viện, rồi chạy về nhà và lập tức lên đây ngay, làm sao ăn cơm? Đừng ngại, bà nấu bữa nay là dành riêng cho con đó, ăn đi.

Chưa bao giờ Hạnh lâm vào hoàn cảnh như vậy, cho nên cô rất khó xử, cứ đứng lóng ngóng hoài, chưa dám ngồi. Trong khi bà cụ thì đã ngồi xuống, đích thân xới cơm bà gắp thức ăn cho Hạnh.

- Ngồi xuống ăn đi con, đừng để bà phải đợi. Vừa ăn bà vừa nói chuyện này cho con nghe.

Hạnh không còn cách nào hơn, cô đang kéo ghế ngồi xuống, lúc này cô mới vô cùng kinh ngạc khi thấy trên mâm cơm có ba món, đúng là những món thường ngày cô rất thích. Phải nói là ghiền ăn mới đúng: Thịt kho tiêu, canh mướp hương nấu với tôm và hẹ xào thịt bò! Ba món ăn chẳng khác nào lúc mẹ còn sống bà thường làm cho Hạnh ăn.

- Những món này...

- Thằng Lộc nói con thích ăn, nên bà nấu cho bằng được. Mùa này trời nắng nóng nên mướp không được ngon, bún tàu cũng không được dai, bởi con thích bún tàu cũng nhỏ, dai, làm bằng bột báng...

Hạnh chặn lời:

- Sao bà biết rành về sở thích của cháu vậy?

Bà cụ lại cười:

- Bà nói rồi, chính thằng Lộc kể cho bà nghe.

- Nhưng... cháu nào biết Lộc là ai, mà Lộc cũng đâu biết cháu?

Bà cụ gần như không quan tâm:

- Ăn thử đi con, xem bà già này nấu còn được không?

Rồi bà còn nói thêm:

- Lộc nó còn dặn, con không thích nêm đường, mà để cho ngọt tự nhiên của mướp và tôm. Mà phải là tôm đất đó nghen!

Mọi thứ bà kể đều đúng y như những gì lâu nay Hạnh thích. Mà chuyện này thì chỉ có mẹ biết và một người nữa... đó là Phong. Vậy tại sao...

Đột nhiên Hạnh nghĩ ra, cô hỏi nhanh:

- Anh Lộc đâu?

- Con mới gặp nó trong bệnh viện, sao lại còn hỏi?

Hạnh hốt hoảng:

- Anh... anh ta... anh Lộc...

Ngạc nhiên đến tột cùng, Hạnh không kịp phản ứng gì chỉ lắp bắp:

- Sao... sao lại...

Bà cụ vẫn thản nhiên:

- Nó về đây báo tin con sẽ tới, rồi có chuyện gì đó lại đi. Trước khi đi nó còn căn dặn kỹ là phải làm cơm bảo con ăn cho bằng được, nó nói con đói lắm rồi. Và dặn là không để con về trước khi nó trở lại.

Hạnh đứng dậy ngay:

- Trời tối rồi, cháu phải về ngay thôi.

- Nhưng, bà chưa nói chuyện này... Cũng như con chưa làm điều gì đó mà trước khi con tới đây đã muốn làm.

Hạnh khựng lại. Quả đúng như bà cụ nói, mục đích Hạnh tới đây là để gặp anh chàng Lộc như trong thư Phong đã viết. Mà chưa gặp mà về thì khác nào công cốc cho chuyến đi này.

Thấy Hạnh lưỡng lự, bà cụ lại nhắc:

- Con cứ ngồi xuống ăn cơm đi. Thằng Lộc sẽ về thôi.

Thật ra khi đã biết người mà Phong yêu cầu gặp Hạnh là anh chàng trong bệnh viện thì trong lòng Hạnh hơi băn khoăn... Cô gặp anh ta để làm gì? Lúc đầu do bị ép, nên Hạnh ráng ăn, nhưng khi đã ăn được nửa chén rồi thì tự dưng thấy ngon miệng, cô ăn luôn một hơi hết hai chén và khen thật lòng:

- Bà làm thức ăn ngon không thua gì má con ngày xưa.

- Nói thật với con, bà biết được những món này không phải từ thằng Lộc, mà trước đây từ lâu, bà đã được một đứa cháu khác nó chỉ cho. Nó nói nó cũng học được từ… mẹ con!

Hạnh tròn mắt kinh ngạc:

- Sao lại là má con?

- Bởi thằng đó nó từng được má con nấu cho ăn nhiều lần!

- Phong?

Hạnh hỏi đại, không ngờ bà cụ gật đầu:

- Chính là nó!

Những nghi vấn đã dần dần hé mở, Hạnh bất thần gọi to lên:

- Anh ở đâu, ra với em đi Phong!

- Đã là bác sĩ rồi mà vẫn y như ngày nào!

Giọng nói thật ấm và quen thuộc của Phong từ phía trong nhà vang ra. Hạnh vừa nhìn vào đã phát ngỡ ngàng, bởi người vừa bước ra là... anh chàng bị chấn thương sọ não trong bệnh viện chớ không phải là Phong.

Nhưng mà...

Anh ta giữ nụ cười thân thiện, cất tiếng nói tiếp:

- Anh đã nói rồi, giờ anh chỉ có thể hiện hữu với em qua hình hài người khác mà thôi. Thân xác của Phong đã nằm dưới lòng đất rồi...

Lúc này giọng bà cụ mới trở nên trầm buồn:

- Lộc là đứa cháu nội duy nhất của bà, ba má nó mất từ hồi nó mới lên ba, bà nuôi nó đến bây giờ. Là đứa có hiếu, lại hiền lành, biết lo cho gia đình, bà đang tính cưới vợ cho nó vào cuối năm nay, thì vừa rồi trong lúc đi ngoài đường đã bị hai chiếc xe chở hàng ép ngã và chấn thương khắp thân thể. Người ta chở nó vào bệnh viện mà bà đâu có hay, mãi cho đến sáng nay khi nó đột ngột trở về và nói giọng của người khác thì bà mới tá hỏa! Nhưng thật ra chuyện này bà đã luôn bị ám ảnh bởi những giấc mơ kỳ lạ từ lâu nay. Trong những giấc ngủ chập chờn, bà thấy một đứa tên Phong hiện về và cứ kêu khóc, xin bà cứu nó, giúp nó đoàn tụ với người nó yêu tên là Hồng Hạnh! Bà đâu có biết Hồng Hạnh là ai, cũng không biết Phong là đứa nào... nhưng vừa rồi, khi Lộc kể hết cho bà nghe thì bà mới hiểu. Thì ra số kiếp của hai đứa này, Lộc và Phong có ràng buộc gì nhau từ tiền kiếp hay sao đó, nên nay phải kết hợp lại.

Hạnh hỏi chen vào:

- Phải chăng... anh Lộc cũng đã chết?

Bà cụ gật đầu:

- Theo bà biết thì đúng là vậy. Phong thì chết từ lâu, hồn phách không siêu thoát được bởi còn căn nợ với con, còn thằng Lộc thì vừa rồi khi vào nằm trong bệnh viện, ngẫu nhiên gặp được con cùng lúc với hồn phách thằng Phong cũng theo con tới đó. Hai đứa nó gặp nhau, một đứa vừa thoát hồn ra thì thằng kia nhập vào xác thằng này. Bởi vậy Lộc mới có thể sống lại mà về đây.

Bà kể tới đó thì quay sang Lộc, hỏi:

- Có phải như vậy không, con hãy nói cho nó biết đi.

Anh chàng gật đầu:

- Những điều bà nội nói đều đúng. Bây giờ tuy hồn phách là của con, nhưng thân xác là của Lộc, nên con chỉ xin bà và Hạnh, tùy ý muốn xem con là ai cũng được...

Anh nói dứt thì gục đầu khóc nức nở.

Hạnh đưa mắt nhìn bà cụ rồi cũng khóc. Một lúc sau, bà cụ từ từ cầm tay Lộc đặt vào tay Hạnh, giọng bà đầy trìu mến:

- Bà già rồi, sự mất mát vừa rồi là quá lớn, quá sức chịu đựng của một người tuổi như bà. Tuy nhiên, dẫu sao thì bà vẫn còn được một đứa cháu khác. Bà nghĩ Phong hay Lộc cũng là cháu. Bà thương các con... Bà cũng mong cháu Hạnh cũng như bà.

Hạnh không rút tay về. Từ lòng bàn tay của anh chàng xa lạ, Hạnh cảm nhận được hơi ấm quen thuộc của người yêu xưa. Hạnh nhìn vào đôi mắt của Lộc, bất chợt cô nhận ra ánh mắt trìu mến, đúng là của Phong ngày nào.

Hai bàn tay họ siết chặt vào nhau và cứ nhìn nhau đắm đuối như vậy, cho đến lúc nhìn lên thì chẳng còn thấy bà cụ đâu nữa.

 

Vừa xách giỏ đi chợ về tới cổng, Hoa quá đỗi ngạc nhiên khi thấy một thanh niên lạ đi thẳng vào sân nhà mình. Chị gọi lớn vào nhà:

- Má ơi má! Có ai tìm nè!

Anh chàng kia quay lại, thì ra đó là... Lộc!

- Chị Hai!

Hoa ngơ ngác:

- Cậu là…?

- Em là Phong đây mà!

Bà Lựu từ trong nhà nghe con gái gọi cũng vừa bước ra tới. Bà còn hốt hoảng hơn Hoa:

- Phong? Cậu vừa nói cái gì?

Lộc quay sang bà:

- Má! Con là Phong...

Anh ta vừa nói tới đó đã bị Hoa nạt ngang:

- Có bị điên không vậy? Ở đâu vào đây nói nhảm nhí, bộ tưởng đàn bà rồi muốn giở trò hả?

Lộc cố nói:

- Em thật là em chị đây mà chị Hai. Em là Nguyễn Thế Phong, em bị chết nay nhập được hồn vào người khác sống lại, nên về đây thăm má và chị! Chị không tin thì cứ hỏi thử đi, điều gì em cũng biết trong nhà này cả. Em cũng mới vừa gặp Hạnh. Hạnh cũng cùng về với em nữa.

Bà Lựu run lẩy bẩy:

- Đừng... đừng làm tôi sợ. Trời ơi, sao con tôi chết rồi không để cho nó yên, không để cho tôi nguôi ngoai nỗi đau, lại bày ra chuyện làm gì nữa?

Hoa vẫn gay gắt:

- Đừng giả vờ nữa! Thời buổi này làm trò ma quỷ, ai tin mà bày đặt!

Chị chống nạnh hai tay, la lớn:

- Có đi ra không, tôi kêu lên bây giờ!

- Đừng kêu, chị Hai!

Người lên tiếng phía sau chính là Hồng Hạnh. Vừa nhìn thấy Hạnh, Hoa đã phân trần:

- Thằng cha này vào nhà bày trò ma quỷ, nói nó là thằng Phong, em có tin nổi không?

Hạnh chào bà Lựu rồi nắm lấy tay Hoa, cười bảo:

- Anh Phong đó chị Hai!

Lộc không chút ngượng nghịu, bước tới nắm lấy tay bà Lựu:

- Má cũng không nhận ra tiếng nói của con sao? Con là Phong thật đây mà!

Hạnh phải nói rõ hơn:

- Vào nhà đi rồi con sẽ kể hết cho má và chị Hai nghe.

Cô nắm tay Lộc dẫn vào nhà trước sự khó chịu của Hoa. Chị vẫn chưa tin, nhưng cũng phải công nhận tiếng nói của cậu trai này rất giống với giọng của Phong.

Hạnh bắt đầu kể lại từng chi tiết. Sau đó Lộc lại chứng minh nhiều thứ mà cả bà Lựu và Hoa đều sững sờ. Cuối cùng, bà phát ôm chầm lấy chàng trai lạ mà kêu lên:

- Phong! Con của má!

Hoa cũng nắm lấy tay cậu em:

- Chuyện này là thật sao?

Hạnh siết chặt tay chị:

- Nếu không chứng kiến từ đầu thì em không thể nào tin được. Hôm nay đưa anh ấy trở về đây, tùy... bác và chị Hai định đoạt, rồi con mới dám...

Chị Hoa bây giờ đã tin, chị bảo Hạnh:

- Sao em vẫn gọi là bác? Phải gọi như vừa rồi, là má chứ! Chị tin em, tin... cậu này.

Tới phiên bà Lựu bắt bẻ:

- Sao vẫn kêu nó là cậu này cậu nọ. Thật sự nó là thằng Phong thì từ nay phải gọi đúng tên của nó chớ!

Hạnh nói:

- Con đã thỏa thuận với bà nội của… Lộc rồi khi nào ở bên đó thì bà vẫn gọi là Lộc, còn với con và nhà mình thì đó là... Phong! Má và chị Hai có đồng ý không?

Phong với thân xác của Lộc cười rạng rỡ:

- Má và chị Hai cho con ăn cơm đi, con đói bụng, nhớ là phải có món thịt kho tiêu giống như sở thích của Hạnh!

Bà Lựu thêm:

- Có cả canh mướp hương nấu tôm nữa chớ!

Hoa không kém cạnh:

- Còn thiếu hẹ xào thịt bò sao được! Hai đứa bay quả là một khuôn!

Bữa cơm hôm đó vui chưa từng có. Đôi mắt già nua của người mẹ luôn ướt đẫm nước mắt. Tuy nhiên, nước mắt bây giờ là khóc cho sự đoàn tụ ngoài sức tưởng tượng...