- Anh có dặn mấy đứa như con Xuân Đào, thằng Tân tài xế là không được chỉ nhà riêng của em cho ai lạ không?
- Dặn rồi, nhưng xem ra đám con Xuân Đào đã bắt đầu xầm xì nhiều chuyện lắm. Nhất là con nhỏ tên Oanh Hồng, nó biến đi đâu mất kể từ khi xảy ra vụ nó treo cổ trong phòng con Ánh Hồng.
- Tại anh hoa mắt hay sao đó, chớ nếu con Ánh Hồng hiện hồn về thì nó đâu để anh yên ổn tới giờ này!
Lão Đỗ có vẻ dao động:
- Tao thấy không xong rồi. Cũng tại mày hết, phải chi hồi đó sau khi ép nó bán trinh cho thằng “xì thẩu” xong, mày lấy số tiền lớn rồi thủ tiêu nó lúc ấy cho xong chuyện. Mày bày đặt dụ nó làm nghề, hứa sẽ giữ tiền làm được của nó rồi đưa về cho ba nó xây nhà chi cho rối rắm, phiền phức!
Mụ Liễu gắt lên:
- Tôi không trách thì thôi, anh còn nói nữa. Hồi đó ai đã mê nó, bảo sau khi bán trinh nó rồi để nó lại cho anh hưởng xái nhì. Tôi mới để! Rồi cũng chính anh, khi thấy số tiền nó để dành quá nhiều thì động lòng tham ra tay thủ tiêu nó, khiến cho rắc rối càng ngày càng lớn, thấy không?
Lão Đỗ chùn xuống:
- Ai mà ngờ...
Rồi lão tự tin trở lại:
- Lúc chôn xác nó, tao đã có nhờ ông thầy Tu yểm bùa tránh cho nó không thành ma thành quỷ. Ông thầy hay lắm. Tao tin rằng…
Mụ Liễu không dằn được bực dọc:
- Hay cái con khỉ! Hay mà nó hiện hồn về tùm lum.
Lão Đỗ xìu lại:
- Chuyện đó chẳng hiểu sao… mà tao không tin.
- Không tin sao anh quýnh lên khi thấy nó thắt cổ trong phòng Theo tôi thì bây giờ ta phải coi lại vụ yếm bùa này. Phải chăng thằng cha thầy đó làm không linh.
- Không lý nào…
Mụ Liễu quyết liệt:
- Ta phải ra tận nơi chôn xác nó để làm lại. Tôi có quen một ông làm vụ đó tài lắm, tôi sẽ đích thân tới đó mời. Bây giờ anh đi với tôi.
Lão Đỗ có vẻ do dự:
- Hay là… mày đi với lão ta đi. Tao...
Mụ Liễu gắt lên:
- Nhát cáy như vậy thì còn làm ăn gì nữa! Anh nhớ là số tiền trên một trăm lượng vàng anh hưởng của con Ánh Hồng, coi chừng phải nhả ra đó!
Nghe nhắc tới điều đó, lão ta lại xìu hẳn:
- Ừ thì đi...
Đích thân mụ Liễu lái xe đi. Trước nhất mụ ghé nhà ông thầy yểm, nhờ ông ta giúp. Ông ta đưa cho một mảnh vải màu vàng và bảo:
- Cô cứ một mình tới đó, đào mộ lên rồi đặt lá bùa này xuống quan tài nó, như vậy muôn đời nó sẽ không trở lên được. Chịu khó một chút, phải đích thân đào không được thuê mướn người khác sẽ lộ chuyện.
Từ hôm về quê lên tới nay, đây là lần đầu tiên mụ ta đi ra ngoài, lại đi làm cái việc đụng chạm trực tiếp tới Ánh Hồng nữa, nên mụ ta có phần hơi run. Vừa lái xe, mụ ta cứ đảo mắt chung quanh, chốc chốc lại ngoái nhìn phía sau, như sợ có người theo dõi.
Tới một nghĩa địa hoang vắng, toàn mồ mả cỏ cây mọc um tùm, hầu hết là không còn mộ bia. Mụ hỏi:
- Phải ở đây không? Anh nhớ chỗ chôn nó không?
Lão Đỗ gật đầu:
- Sao không nhớ. Tao có làm dấu bằng cây thập tự có ghi hai chữ tắt AH tên đó nữa.
Họ tới đúng ngôi mộ đất còn mới, cỏ chỉ mọc lưa thưa. Mụ Liễu bảo:
- Tôi đứng canh, anh tự đào lên đi.
Lão Đỗ lần đầu tiên phải làm việc này nên lúng túng thấy rõ. Lão lại vừa sợ nữa, nên việc diễn ra rất khó khăn... Phải mất hơn nửa giờ thì nhát cuốc mới chạm vào quan tài bên dưới. Mụ Liễu giục:
- Nạy nắp quan tài ra mau, bỏ đạo bùa xuống rồi lấp lại liền. Tôi sẽ giúp anh lấp đất cho nhanh!
Lão Đỗ tay chân run rẩy nên việc nạy nắp quan tài cũng phải mất khá lâu. Khi nắp bật ra thì...
- Trời đất ơi, xác nó đâu?
Trong quan tài trống không! Mụ Liễu run rẩy nói không còn rõ câu:
- Anh Hai... Sao… sao thế này? Nó... nó đâu?
Lão Đỗ buông rơi cây cuốc xuống, thất thần:
- Không lẽ... nó... đội mồ sao?
- Đội mồ!
Mụ Liễu không còn bình tĩnh được nữa, mụ bước lùi mấy bước suýt ngã:
- Không xong rồi! Không xong rồi...
Mụ vừa bỏ chạy vừa run lẩy bẩy, vấp ngã mấy lượt mà vẫn cố chạy cho thật xa ngôi mộ. Trong khi lão Đỗ thì chôn chân ở đó, bởi có muốn rút chân ra để chạy theo cô em gái thì cũng không làm được, chừng như có ai đó ghì lão lại, kéo xuống càng lúc càng mạnh!
- Liễu!
Lão cố gọi theo, nhưng mụ kia nào có nghe thấy gì, mà cho dù có nghe thì mụ ta đâu còn đủ can đảm để mà dừng lại.
Khi mụ ra tới ngoài xe, rồ máy chạy đi thì trong nghĩa địa, lão Đỗ cũng vừa lún sâu tới ngang ngực. Lão cảm nhận rõ ràng có bàn tay của ai đó kéo ghì lão thật mạnh, quyết liệt, lão ta hoàn toàn bất lực trong việc tự thoát nên chỉ biết nhắm nghiền mắt lại, khóc thét lên trong nỗi tuyệt vọng!
Nghĩa địa vắng lặng. Dù là giữa ban ngày, nhưng hầu như không một bóng người. Một cơn gió lạnh thổi thốc qua như muốn cuốn phăng người đang ngập gần hết thân mình dưới mộ huyệt.
Lão Đỗ, con người mà cả một đời chỉ biết ngập chìm trong những âm mưu, lòng dạ tính toán hiểm ác, nay tự dưng dẫn xác tới bên nấm mồ chỉ có hai chữ AH trên thập tự giá và... bỏ mạng ở đó.
Lão ta làm cái việc mà đúng ra phải là của mụ em gái đáo để của mình...
Hầu như không một ai hay biết chuyện con người tên Hăng-Ry Đỗ chôn xác trong huyệt mộ mà trước đó chính lão đào, để chôn mộ nạn nhân là chính lão.
Chuyện mụ Liễu dẫn xác về lại ngôi làng mà chỉ cách đó chưa đầy một tuần, chính mụ đã bỏ chạy trối chết khỏi đó là một điều khó ai ngờ được. Mụ lại về lúc nửa đêm mới lạ hơn.
Hình như ma đưa lối quỷ đưa đường sao đó, nên tuy không đèn đóm, vậy mà mụ ta đi một cách không mấy khó khăn vào đúng khu vườn nhà của Xuân Lai! Lần tới đúng bên ngôi mộ chôn xác của Xuân Hằng, mụ dừng lại hồi lâu rồi từ từ ngồi xuống ngay trước đầu mộ. Đã có chuẩn bị trước, nên mụ lấy ra bó nhang, bật diêm đốt luôn cả nắm và bắt đầu vái rất thành kính. Trong lúc vái mụ nhắm nghiền mắt lại, nên không thấy có một bóng người từ trong bóng tối như mực bước tới gần, đứng lặng sau lưng một hồi lâu...
- Cái huyệt lạnh đó bà có biết dành cho ai không?
Mở choàng mắt ra, mụ Liễu ngơ ngác:
- Ai? Ai như là...
- Bà vẫn còn nhận ra tôi sao? Bà về đây là bởi chính tôi phải không?
- Xuân Hằng.
- Xuân Hằng chỉ đúng có một nửa. Bởi từ trước khi tôi được chôn xuống đây thì cái tên đó đúng, còn từ lúc tôi đón vong hồn của người mà bà đã gây ra cái chết cho cô ấy thì tôi không còn mang tên đó nữa! Tôi là Ánh Hồng.
Mụ Liễu còn đang ngơ ngác thì lại có giọng một người đàn ông nghe quen quen cất lên phía sau:
- Nếu không có chuyện hồn nhập xác này thì làm sao tôi biết con gái mình đã chết dưới bàn tay của anh em nhà bà!
Mụ quay lại và kêu lên, dù người đàn ông ấy đứng trong bóng tối:
- Năm Lực!
Đúng là Năm Lực, ông không hề ngại khi bước tới đứng cạnh cái bóng trắng mờ ảo mang giọng nói của Xuân Hằng:
- Anh em bà giết chết con Ánh Hồng để chiếm đoạt tiền mồ hôi nước mắt của nó, rồi giấu xác, ém nhẹm. Con nhỏ chạy về đây mộng cho tôi và đúng lúc gặp đứa bạn cũ là con Xuân Hằng đây vừa yểu mạng lìa đời. Hồn nó nhập vào xác Xuân Hằng trở lên Sài Gòn tìm và để tính sổ, nhưng bản chất hiền lương của nó đã không cho phép nó làm được chuyện đó, nên lại trở về đây. Tuy nhiên, khi anh em bà lại lấn sâu vào tội ác, vu oan hãm hại Tư Đại, là người đã giúp con Ánh Hồng nhiều trong thời gian nó làm công cho bà. Số tiền hơn trăm lượng vàng nó có được và gửi bà giữ, trong đó có đến hơn hai phần ba là của con người háo sắc nhưng tốt bụng đó. Nó bất nhẫn trước việc bà và ông ta gần tiêu tan sự nghiệp nên lần này lại phải ra tay. Bà còn gì để nói nữa không?
Mụ Liễu hầu như không còn nói được lời gì để biện bạch, nên chỉ biết co người lại, vừa bò lui trong thế muốn thoát thân. Nhưng mụ ta chỉ lùi được mấy nhịp thì bỗng hụt tay, rơi xuống một khoảng trống, một hố sâu ai đó đã đào sẵn. Một huyệt mộ thì đúng hơn!
Giọng của Xuân Hằng lạnh hơn là khí trời đêm lúc ấy:
- Người chết rồi đâu muốn sống lại làm gì. Nhưng nơi này cũng còn đủ chỗ cho những người cần phải chết hơn, vậy thì xin nhường!
Vừa dứt lời thì cái bóng màu trắng như sương khói ấy vụt bay đi. Còn lại Năm Lực, ông ngửa mặt lên trời nói mà không cần biết có ai bên cạnh:
- Từ nay dẫu con đã chết, nhưng cha con mình thật sự được gần bên nhau, Ánh Hồng ơi, con hãy về nhà với cha!
Rồi ông lầm lũi bước trong màn đêm...
Cái quán bar của mụ Liễu tái khai trương lần thứ ba mà không có mặt mụ chủ lẫn ông anh họ Đỗ của mụ ta. Chẳng ai để ý sự biến mất của họ, mà chỉ quan tâm đến người chủ mới của quán, đó là... lão Tư Đại! Ông này đã thoát khỏi những rắc rối trước đây và trở lại tiếp quản cái quán bar này, mặc dù không còn tài sản lớn như trước đây, nhưng lão ta lại vui mừng và háo hức hơn bao giờ hết trong vai trò mới: Chủ quán bar!
Tư Đại giữ lại hầu hết nhân viên cũ, trong đó có Xuân Đào. Nhưng cô này bây giờ ngoài nhiệm vụ quản lý các tiếp viên còn kiêm thêm một công việc quan trọng khác: giữ liên lạc hàng tháng với ông Năm Lực cha của Ánh Hồng ở quê, bằng cách đưa tiền về nuôi ông và các đứa em còn lại của cô ấy.
Ông Năm Lực được xây cho một ngôi nhà khang trang bằng số tiền hơn một trăm lượng vàng vốn là tài sản của Ánh Hồng bị chiếm đoạt bằng mưu đồ xấu xa của anh em nhà mụ Liễu.
Từ đó, tuy quán bar đó không còn những bông hoa hương sắc nổi trội cỡ Ánh Hồng hay Xuân Hằng, nhưng khách chơi tới vẫn đông và lão Tư Đại phất lên không mấy hồi. Lão này dần lấy lại vị thế trong thương trường, nhưng không như lần trước, lão biết dùng đồng tiền kiếm được của mình vào một mục đích ý nghĩa hơn nhiều: làm từ thiện. Tư Đại nổi tiếng với danh nghĩa bảo trợ cho bốn viện mồ côi và nhiều việc làm tốt đẹp khác.
Đặc biệt hơn, khi Tư Đại có ý muốn tìm xác của hai người con gái chết thảm kia để lập mộ thì không làm sao tìm được. Một đêm, vong hồn cả hai về báo rằng họ bấy giờ không còn thân xác nữa, muốn chôn họ thì nên lập một cái miếu nhỏ nơi phần đất trong nhà ông Năm Lực, họ sẽ lưu ở đó và sẽ độ trì cho những ai có lòng tin nơi họ.
Đó bắt đầu một câu chuyện khác về một ngôi miếu, gọi là Miếu Hai Cô linh hiển về sau...