Họ mang cả ba bộ xương lên và ngay hôm đó họ đặt giữa miếu hoang một mâm nhang đèn trịnh trọng. Lễ cúng chỉ với những nải chuối rừng và cả ba chàng trai đều ngồi ở các góc phòng trên tay ôm ba bộ xương, người thừ ra, mắt nhìn về phía trời xa...
Ngày hôm sau và cả tuần sau nữa, họ vẫn như những người hóa đá ngồi lặng yên trong miếu...
Rồi đến một hôm bỗng dưng họ biến mất chẳng để lại chút tăm hơi nào...
Có tin đồn rằng cả ba do quá đau khổ và chán chường đã mang theo xương cốt người yêu đi sâu vào vùng rừng núi để chôn chặt cuộc đời còn lại...
Cũng có tin nói rằng trong một đêm tăm tối, mưa gió bão bùng, vì quá tuyệt vọng cả ba đã lao mình xuống vực...
Chẳng ai biết điều nào là đúng. Chỉ có điều là kể từ khi ấy những người chạy xe qua đèo Bảo Lộc đều kháo nhau rằng đêm đêm họ thấy có ánh đèn trên ngôi miếu hoang. Thỉnh thoảng còn có tiếng khóc trên đó vọng xuống...
Có người còn quả quyết rằng chính họ đã từng nhìn thấy ở đoạn đèo gần ngôi miếu thỉnh thoảng xuất hiện ba bóng con gái mặc toàn đồ trắng. Họ đứng ủ rũ bên đường gần bờ vực. Có khi lại thấy họ đứng giữa ngã ba như chờ đón xe lên xuống.
Nhiều tài xế nói rằng nếu lái xe qua đó mà không thành tâm khấn vái thì rất dễ hoa mắt, xe rất dễ bị rơi xuống vực.
Có người còn quả quyết rằng dù gia đình ông Nguyễn Đình và Phát Đạt không biết cụ thể về cái chết của các con họ, nhưng tự dưng họ rất sợ đi qua đường đèo Bảo Lộc.
Rồi chẳng biết do ai mà ngôi miếu hoang trên núi đã được trùng tu, có bệ thờ, có bàn hương và có người thường xuyên đến lễ cúng, và ngay cạnh miếu mọc lên ngôi mộ bia, nhưng ai cũng biết để chôn tượng trưng ba cô gái chết oan. Cũng từ đó người ta gọi ngôi miếu ấy là Miếu Ba Cô và mộ ba oan hồn...
Gọi riết thành danh. Sự linh ứng cũng ngày càng tăng. Dân đi buôn rất tin tưởng và thường dừng xe lại cúng.
Không nghe có sự phá phách nào từ những oan hồn trong miếu…