Như vậy gánh hát không gặp rắc rối về hình sự. Tuy nhiên có điều rất khó hiểu, bởi cả hai Cúc Hương và Mộng Huyền đều không bị chứng bệnh về tim mạch, lại là người có sức khỏe rất tốt. Như vậy là tại sao?
Câu chuyện không dừng lại ở đó. Chỉ một ngày sau thì khắp nơi đều đồn ầm lên rằng hai cô đào hát đã làm gì đắc tội với người cõi âm nên họ bẻ cổ, bắt hồn ngay trên sân khấu!
Một đồn mười, mười đồn trăm, câu chuyện lan rộng ra khắp nơi. Đến nỗi không còn ai dám đi xem hát nữa!
Gánh hát Huỳnh Bá lâm vào hoàn cảnh bi đát: Đào kép nghỉ hát, không tiền ăn, nên ai nấy phải tính tiền đào thoát các nơi tìm kế sinh nhai.
Ông bầu Huỳnh Bá như ngồi trên lửa. Ông năn nỉ hết người này đến người kia hiến kế giúp ông gỡ thế bí.
Trong số người thân cận thì đạo diễn Lê Kim là người có nhiều sáng kiến nhất. Anh suy nghĩ mãi rồi cuối cùng đưa ra ý kiến:
- Trước tiên ta phải tìm cách giữ chân đào kép rồi sau đó mới tính tới chuyện mở màn hát trở lại.
Ông bầu chán nản:
- Tiền ăn còn không có nói gì đến chuyện giữ chân đào kép. Đó là chưa nói lấy ai làm đào chính để diễn?
Lê Kim tự tin bảo:
- Vậy mà có! Ông bầu có nhớ ông chủ nhà máy xay lúa ở bên kia sông không?
- Ông Thuận Phát giàu nhất vùng này?
- Và cũng là mạnh thường quân, nhất là rất mê hát cải lương, ái mộ đào hát!
Bầu Huỳnh Bá có vẻ quan tâm:
- Ta nhờ ông ta giúp. Nhưng gánh ta đâu còn đào chính để thúc đẩy ông ấy mặn mà giúp?
Lê Kim quả quyết:
- Trong đoàn vẫn còn cô đào thứ sắc vóc ưa nhìn, từng được ông Thuận Phát cầm tiền lên sân khấu tặng hồi ta về đây diễn lần trước!
- Anh nói con Cẩm Hường.
- Đúng y chang! Ta cùng dẫn con nhỏ đó sang gặp thì ắt xong việc.
Họ kéo nhà sang sông. Quả đúng như suy đoán của Lê Kim. Vừa trông thấy Cẩm Hường, ông Thuận Phát đã phấn khởi ra mặt, mời mọi người ra phòng khách thết trà, bánh.
Lê Kim giỏi tài ăn nói, đã rào đón một hồi rồi đi thẳng vào đề:
- Chắc ông chủ đã biết đoàn chúng tôi chẳng may gặp nạn ở địa phương này và hiện nay không còn kinh phí để chuyển đoàn đi nơi khác trình diễn. Các đào kép lâm vào bế tắc, bữa đói bữa no, mà trong số đó khó khăn hơn hết là cô Cẩm Hường đây...
Đã được hướng dẫn trước, Cẩm Hường đã “vào vai” thật ngọt bằng cách ngồi khóc y như thật! Ông chủ Thuận Phát đã vuốt tóc thần tượng của mình vỗ về:
- Có qua ở đây rồi, đừng lo!
Rồi ông quay sang bầu gánh:
- Chuyện quan trọng như vậy sao ông không báo cho tôi ngay! Được rồi! tạm thời các ông chở năm bao gạo về, khô, mắm có sẵn cùng với một ít tiền lo cho anh chị em. Riêng cô Cẩm Hường ở đây tối tối đàn ca giúp vui cho nhà máy chúng tôi.
Lê Kim nháy mắt cho Cẩm Hường nhận lời. Khi họ ra về. Cẩm Hường bằng lòng ở lại, ngay tối hôm đó. Và trong mỗi buổi đàn ca giúp vui tại sân nhà máy Thuận Phát. Cẩm Hường đã chọn ngay bài vọng cổ trong vở “Lời hẹn ngày xưa”, bài hát của Cúc Hương và Mộng Hyền đã hát. Điều này phải chăng là ngẫu nhiên?
Thật ra Cẩm Hường rất thích bài này, chứ cô không nghĩ gì khác khi chọn nó để giúp vui đêm nay. Khán giả là dân trong xóm và công nhân nhà máy xay xát, họ ủng hộ nhiệt tình, vỗ tay rào rào khi Cẩm Hường vừa mới xuất hiện, chưa cất tiếng ca. Đến lúc lời ca bắt đầu cất lên từ đôi môi duyên dáng của cô đào trẻ thì không khí im phăng phắc, say mê theo dõi...
Đến đoạn... “Mãi mãi đợi anh ngày trở lại với con tim nồng cháy tình yêu...” thì không khác gì hai lần trước, Cẩm Hường cũng ngã lăn ra và trào máu, nằm bất động!
Trong lúc bầu Huỳnh Bá và đạo diễn Lê Kim hồn vía chẳng còn, lòng dạ rối như tơ vò trước những chuyện động trời cứ liên tiếp xảy ra, thì vào buổi sáng hôm sau có một cụ già trông rất lạ mặt đã ghé vào quán cà phê trước chỗ đoàn hát tạm thời trú ngụ, bước tới bàn của ông bầu và Lê Kim ngồi, ông ta nói thẳng:
- Sao các ông biết mà vẫn để cho người ta chết oan như vậy?
Lê Kim ngơ ngác:
- Ông nói gì vậy?
Ông già lạ gằn giọng:
- Ba mạng người đã chết còn quá ít với các ông sao?
- Ông nói... các cô đào hát?
- Chớ còn ai nữa hãy bỏ ngay vở tuồng đó đi, chính nó là thủ phạm giết người đó!
Ông ta nói xong bỏ đi thẳng. Sau mấy mươi giây ngẩn ngơ Lê Kim mới nói:
- Ông ta biết rõ điều gì mà nói như vậy? Tại sao lại là vở tuồng “Lỗi hẹn ngày xưa”?
Suy nghĩ một lúc nữa, chợt bầu Huỳnh Bá hốt hoảng kêu lên:
- Đúng rồi!
- Ông nói đúng cái gì?
- Vở tuồng... Bài ca vọng cổ... Này, ông có nhớ lời ca của câu một không?
Lê Kim gật đầu:
- Đoạn cuối của câu một.
Ông bầu vẻ lo lắng:
- Cả ba cô đào đều chết khi ca đến đúng đoạn đó. Ông không thấy có gì lạ sao?
- Ờ… ờ…
Lê Kim đáp và bắt đầu nổi gai khắp người. Điều rõ ràng như vậy mà ông không nghĩ ra! Ông Huỳnh Bá hỏi:
- Vở tuồng này anh mua của ai vậy, mà nay vẫn chưa thấy soạn giả tới gặp chúng ta?
Lê Kim lẩm bẩm:
- Đúng là của anh ta...
- Của ai vậy?
- Một soạn giả rất nổi tiếng nhưng lâu nay buồn chuyện nhân tình thế thái nên mai danh ẩn tích không xuất hiện. Vở “Lời hẹn ngày xưa” là ông ta viết riêng cho mình, chứ chưa từng diễn ở đâu cả.
Còn đang chưa biết phải làm gì thì từ dưới bờ sông có một cậu bé tuổi khoảng mười lăm, mười sáu bước tới lễ phép hỏi:
- Các ông cần đi Long Hựu?
Ông bầu gánh chau mày hỏi lại:
- Đi Long Hựu làm gì? Mà sao em hỏi vậy?
Chỉ tay về phía sông, cậu bé đáp:
- Dạ, ông lão kia bảo rằng cần chở các ông tới Long Hựu để gặp một ai đó tên là Trần Hạo.
Vừa nghe tới tên Trần Hạo, Lê Kim đã giật mình:
- Ông ta ở đâu?
- Ai? Ông lão hả?
- Không phải, Trần Hạo?
Thằng bé lắc đầu:
- Cháu cũng không rõ, ông lão đưa địa chỉ này ở Long Hựu và nhờ cháu đưa các ông đi.
Mở tờ giấy ghi địa chỉ ra, Lê Kim đọc được dòng chữ viết rất nắn nót: “Hãy bắt ông ta đền mạng!” Không suy nghĩ gì thêm, cả hai theo thằng nhỏ xuống chiếc xuồng nhỏ đậu ở bến. Hỏi ông lão đâu, nó bảo dặn bảo xong thì ông ta đi đâu chẳng rõ.
Thằng bé tỏ ra thành thạo sông nước, chỉ chưa đầy hai giờ sau nó đã đưa khách tới xã Long Hựu. Chuyện tìm ra địa chỉ của Trần Hạo cũng không khó, bởi ở xứ này hầu như ai cũng biết nhà soạn tuồng cải lương từng nổi tiếng một thời.
Tiếp họ trong căn nhà lá chật hẹp Trần Hạo không tỏ vẻ gì phấn khởi, mà chỉ nói trống không:
- Mất thì giờ quá đi!
Ông bầu Huỳnh Bá lên tiếng ngay:
- Tôi là bầu gánh, tôi đang diễn vở tuồng của anh.
Lê Kim chen vô:
- Tôi được bầu gánh Trăng Thanh chuyển cho vở tuồng, nói là anh chỉ muốn được diễn ở gánh chúng tôi, nên dù chưa được gặp anh chúng tôí cũng phấn khởi cho tập và diễn ngay. Nhưng...
Trần Hạo giờ mới tỏ vẻ quan tâm tới câu chuyện:
- Bộ vở tuồng không ăn khách hay sao?
- Dạ không. Trái lại là đàng khác. Chỉ có điều...
Trần Hạo nhìn lên và hỏi Lê Kim:
- Anh là đạo diễn phải không? Vậy Cúc Hương diễn thế nào? Cúc Hương...
Bầu Huỳnh Bá chen vô:
- Ông soạn giả không hay chuyện gì xảy ra sao?
Trần Hạo vẻ bất cần đời:
- Tôi chán mọi thứ nên lui về đây và thề là không đọc báo, không bàn chuyện cải lương. Vả lại ở xứ này không một ai nói chuyện với tôi nên dù trời có sập ở đâu đó thì tôi cũng không biết!
- Thảo nào… Vậy ông cũng không nghe tin Cúc Hương...
Trần Hạo giật mình:
- Cúc Hương sao rồi?
- Đúng là ông ta không hề biết.
Lê Kim đem chuyện thuật lại khá chi tiết, Nghe xong Trần Hạo thảng thốt kêu lên:
- Tôi đã giết con bé rồi!
Ông ta suy sụp hoàn toàn lúc đó. Lê Kim nói cách gì Trần Hạo cũng chỉ ôm đầu đau khổ. Thỉnh thoảng đôi vai ông ta run lên nhè nhẹ...
Bầu Huỳnh Bá nói thêm:
- Chẳng riêng gì Cúc Hương, mà cả hai cô đào trẻ sau khi ca câu vọng cổ số một cũng đều chết như vậy. Có người nói câu vọng cổ đó phạm phải lời nguyền, đúng không?
Trần Hạo ngẩng lên sau câu hỏi đó và thật bất ngờ, ông ta bật dậy như bị điện giật chạy thẳng đến kệ sách và rút ra một tập giấy.
- Trời ơi!
Ông ta vừa cầm một tờ giấy đã ngả màu thời gian, đọc lại và buông thõng hai tay:
- Oan nghiệt chi lắm hả trời!
Và một lần nữa ông ta đổ sụp hoàn toàn. Lê Kim nhặt tờ giấy ố vàng lên, ông ta ngạc nhiên đưa cho Huỳnh Bá xem: Bài vọng cổ “Bến chia ly”!
Dòng chữ “mãi mãi đợi anh ngày trở lại...” đập ngay vào mắt họ, bởi bên dưới dòng chữ đó có gạch bút màu rất đậm.
Không tiện hỏi thêm nên Huỳnh Bá và Lê Kim nhẫn nại ngồi đợi. Một lúc khá lâu, Trần Hạo ngẩng lên với nước mắt ràn rụa trong mắt.
- Tôi đâu có nhớ đó là một lời nguyền. Đúng là cô ấy đã hận tôi, đã nguyền.
Lê Kim hỏi lại:
- Ông nói ai nguyền? Một lời nguyền độc địa chăng?
Con người ta trong cơn đau khổ tột cùng thường không dấu giếm.
Trần Hạo sau một tiếng thở dài đã thổ lộ:
- Chuyện cũ, có đến 30 năm rồi... Bài vọng cổ này do chính cô ấy viết. Sau này khi soạn tuồng. Hẹn ước ngày xưa, tôi đã đem lồng vào mà không ngờ...
Ông ta dừng kể, mặt càng nhòe lệ, giọng nghẹn lại:
- Đó là Lệ Hằng người đã yêu tôi ngày xưa. Cô ấy là một đào hát thanh sắc vẹn toàn, tiếng tăm lừng lẫy đương thời. Có biết bao vương tôn công tử theo đuổi, cung phụng tiền tài, vậy mà cô ấy đều từ chối, chỉ vì cô ấy trót yêu một soạn giả nghèo như tôi. Người thời đó ca tụng mối tình của chúng tôi là chuyện tình đẹp nhất giới sân khấu. Nàng hãnh diện về điều đó, vậy mà...
Trần Hạo ngừng kể để lau vội nước mắt và phải chờ cho cơn xúc động mạnh lắng bớt ông mới tiếp:
- Một ngày kia, khi đoàn hát đi lưu diễn ở một tỉnh xa, trong một buổi tiệc sau đêm hát tôi đã uống quá chén cùng bè bạn, tôi đã vào lộn phòng của một cô đào hát khác tên là Yến Phi trong lúc cô này đang ngủ say. Tôi tưởng Yến Phi là nàng của mình nên ngồi lên giường vừa đưa tay vuốt nhẹ tóc cô ta, vừa ngân nga câu vọng cổ mà mới buổi chiều hôm đó chính Lệ Hằng đã viết và tập cho tôi hát. Bài “Bến chia ly” là tác phẩm đầu tay cũng là duy nhất mà Lệ Hằng đã viết dành tặng tôi với ý nguyện là tiếp sau đó sẽ tiếp tay tôi trong sự nghiệp sáng tác bởi cô ấy cũng không muốn làm đào hát chỉ nổi tiếng rồi nhanh chóng lụi tàn như hoa phù dung... Khi tôi đang hát đến đoạn “... mãi mãi đợi anh ngày trở lại với con tim nồng cháy tình yêu...” thì bất chợt ngoài cửa phòng có tiếng người la lớn: “Cô Lệ Hằng, cô sao vậy... khi tôi chạy ra thì thấy Lệ Hằng ngất xỉu đang được cấp cứu. Biết mình bị nhầm tai hại, tôi bế Hằng về phòng riêng thì cũng vừa lúc cô ấy tỉnh lại. Tôi nhớ mãi ánh mắt căm hờn mà cô ấy nhìn tôi và chẳng nói một lời, cô ấy vụt chạy ra ngoài. Rồi...
Trần Hạo ngừng kể, ông nấc lên như chưa bao giờ được khóc. Khi dịu lại ông tiếp giọng buồn vô cùng:
- Cô ấy phóng chạy ra ngoài như điên loạn rồi đâm thẳng vào một chiếc xe đang chạy tới và... khi tôi ra tới thì Hằng đang nằm trên vũng máu, mắt mở ra nhìn vào tôi mà cho đến giờ tôi không làm sao quên được, ánh mắt căm hờn, trách móc... Tôi cúi xuống đỡ cô ấy lên thì nghe được giọng thều thào của Lệ Hằng: “Tôi hận các người, lời các người vừa hát coi như một lời nguyền, để tôi coi các người sẽ phải trả giá! Tôi đời đời không quên...”
Trần Hạo ngừng lại lần nữa nén xúc cảm rồi mới lại tiếp:
- Sau đó hỏi ra thì tôi mới hay lúc tôi say xỉn ngồi hát ra cho Yến Phi ngủ, cũng là lúc Lệ Hằng xuất hiện tình cờ, cô nhìn thấy lại cho rằng tôi và Yến Phi có tình ý nên máu ghen nổi lên và... sự thể bi thảm đã xảy ra! Tôi đã sơ xuất chết người, bởi Lệ Hằng là người có máu ghen.
Ngừng kể rất lâu... trước khi cất tờ giấy chép bài vọng cổ “Bến chia ly” vào kệ sách, Trần Hạo mới tiếp lời:
- Một sự tình cờ tôi phát hiện trên sân khấu của các anh có cô đào Cúc Hương, vừa thoạt nhìn tôi đã suýt kêu lên vì lầm tưởng đó là Lệ Hằng! Cúc Hương giống Lệ Hằng đến tôi cũng phải lầm... Do vậy tôi nảy ra ý tưởng viết vở tuồng “Hẹn ước ngày xưa” và chỉ gửi riêng cho gánh các anh để chỉ Cúc Hương hát. Tôi muốn đời vẫn còn được nghe lời ca do chính Lệ Hằng viết, ý nguyện của tôi là vậy, nào ngờ...
Lê Kim chép miệng:
- Oan nghiệt!
Ông bầu Huỳnh Bá than thở:
- Sự thể bây giờ khiến đoàn hát chúng tôi phải điêu đứng chắc là phải cho rả gánh...
Trần Hạo thở dài:
- Tôi nghiệm ra rồi lời cuối cùng Lệ Hằng nói với tôi chính là một lời nguyền của cô ấy trong cơn ghen. Không ngờ lại ứng nghiệm tai hại như thế này. Tôi không tin đồn, nhưng chuyện như thế này thì có lẽ...
Ông đứng lên, tới kệ sách lấy ra một tập giấy khá dày, đưa cho bầu gánh Huỳnh Bá:
- Tôi đưa vở tuồng khác để đổi lại vở “Hẹn ước ngày xưa”. Ông cứ dùng vở này mà không phải trả bất cứ khoản tiền nào. Còn vở kia tôi thu hồi và vĩnh viễn tiêu hủy nó. Ông cũng nhớ dặn các cô đào khác từ nay về sau đừng bao giờ hát lại bài vọng cổ “Bến chia ly”.
Ông lặng lẽ đốt nén nhang, đứng giữa sân khấu vái một hồi... Lê Kim nghe được trong lời khấn có tên Lệ Hằng...