Tổng tập truyện ma của Người Khăn Trắng

ĐI KIỆN OAN HỒN - Phần 1

Tiệc chưa tàn, nhưng Tấn đã hai lần suýt ngã vì chóng mặt. Lần đầu thì mẹ anh đi bên cạnh tưởng con trai mình do nhậu quá nhiều, nên bà nhắc khẽ:

- Đứng uống nữa, cứ “dô dô” hoài, chịu gì nổi!

Nhưng đến lần sau thì chính Hồng Hạnh, vợ Tấn đã lo lắng:

- Anh không đi nổi nữa thì vào nằm một chút đi.

Tấn định không nghe lời vợ, nhưng tới lúc mắt hoa lên, người lả đi thì Tấn mặc cho vợ dìu đi đâu đi theo đó.

Hồng Hạnh đưa Tấn vào phòng tân hôn. Cô tự lo cho chồng và chưa định báo cho cha mẹ biết, bởi nghĩ Tân chỉ bị choáng một lúc rồi sẽ qua. Tuy nhiên, sau một lúc xoa dầu và làm vài động tác sơ cứu, Hồng Hạnh phát lo, bởi Tấn càng lúc càng như chìm sâu vào hôn mê. Hốt hoảng, Hạnh chạy ra ngoài báo cho mẹ chồng. Bà Hiệp Phát cuống lên, cùng con dâu chạy vào phòng, cùng với vài người khác.

- Tấn ơi!

Đó là tiếng gào lên của bà Hiệp Phát khi vừa chạm vào trán con trai. Linh tính nhạy bén của người mẹ đã không sai, bởi bà cảm nhận rằng Tấn đã không còn chút sinh khí nào nữa!

Hồng Hạnh tiếp sau mẹ chồng, cô đưa tay đặt lên mũi Tấn và cô gào lên còn to hơn bà Hiệp Phát:

- Trời ơi!

Tấn đã ngừng thở! Toàn thân anh chàng đã bắt đầu lạnh. Những tiếng khóc cùng vỡ òa, biến tiệc tân hôn thành một khung cảnh hỗn loạn. Tin chú rể chết ngay đêm động phòng truyền loan ra thật nhanh. Phút chốc, cả những người hàng xóm cũng tò mò kéo tới xem.

Hồng Hạnh tức tốc chở Tấn vào bệnh viện. Nhưng nơi tiếp nhận sau khi khám kỹ, người ta đã lắc đầu bảo:

- Tim ngừng đập khá lâu rồi, không cách nào cứu được.

Bà Hiệp Phát và Hồng Hạnh chết ngất ngay tại phòng cấp cứu của bệnh viện. Khi họ tỉnh lại thì hay tin Tấn đã được đưa xuống nhà xác. Cả hai chạy bay đi tìm. Nhưng khi bước vào nhà xác thì họ lại một phen kinh hoàng. Xác của Tấn không còn ở đó!

Hồng Hạnh hỏi thêm thì người ta chỉ nói:

- Có một người nào đó xưng là người nhà, họ làm thủ tục rồi nhận xác chở đi ngay bằng xe riêng.

Bà Hiệp Phát quá đỗi ngạc nhiên:

- Nhà tôi đâu có ai mà vào đây đem xác về?

- Một người phụ nữ xưng tên mình là Tuyết Thu, đưa ra đủ giấy tờ chứng minh là thân nhân của người quá cố để nhận xác.

Vừa nghe tới tên Tuyết Thu là bà Hiệp Phát giật bắn người:

- Ai... ai là Tuyết Thu? Sao lại là nó?

Hồng Hạnh đang suy sụp, nhưng cũng phải ngạc nhiên:

- Tuyết Thu là ai mà từ nào đến giờ con chưa nghe nói tới?

Bà Hiệp Phát không đáp. Bà lảo đảo bước ra sân như kẻ mất hồn.

- Kìa, mẹ! Mẹ để con kêu xe...

Nhưng bà mẹ chồng của cô như không còn nghe lời nói của cô nữa. Bà cứ bước đi, cho đến khi vấp chân ngã sóng soài trên đường. Hồng Hạnh hốt hoảng tới đỡ bà dậy thì phát hiện bà bị trào máu ở hai khóe miệng.

- Mẹ!

Tội nghiệp Hạnh, chỉ trong vòng một thời gian ngắn mà bao nhiêu chuyện xảy ra vượt quá khả năng chịu đựng của cô. Cô quỵ xuống trên thân thể bất động của bà mẹ chồng, và không còn chút sức lực nào để gượng dậy. Ở một góc khuất gần đó, có một bóng người đứng nhìn vào cảnh ấy hình như chăm chú lắm. Mãi đến khi có người tới vực hai người dậy, đưa vào khu cấp cứu.

 

Sau cái chết của Tấn được hai ngày thì bà Hiệp Phát cũng trút hơi thở cuối cùng. Bà chết bởi nguyên nhân nào thì ngay cả ở bệnh viện người ta cũng rất mơ hồ. Họ chỉ ghi vắn tắt trong bệnh án: Trụy tim.

Nhưng Hồng Hạnh không tin thế, bởi cô đã chứng kiến cảnh bà bị thổ huyết sau khi nghe đến tên Tuyết Thu nào đó. Nhưng bây giờ thì mọi việc coi như kết thúc, tìm ra nguyên nhân thật sự cái chết của bà mẹ chồng để làm gì nữa. Hạnh bỏ về nhà mình ngay hôm sau đám tang và kiệt sức nên ngủ vùi ngay từ rất sớm. Cho đến nửa đêm..

Hạnh choàng dậy khi nghe tiếng gõ cửa. Chạy ra mở cửa ngay, nhưng cô đã sững sờ bước lui lại trong sự kinh hãi. Bởi đứng trước mặt cô lúc ấy là một người con gái cỡ tuổi mình, có khuôn mặt rất đẹp, nhưng nét u buồn khó che giấu.

- Cô là...

- Tuyết Thu.

Hồng Hạnh dù chưa biết Tuyết Thu là người thế nào nhưng tự dưng cô cũng bị giật mình. Có lẽ cô nhớ tới thái độ sợ hãi của bà mẹ chồng hôm trước với người tên Tuyết Thu này.

- Cô cần gì ở tôi?

- Cô không muốn biết tin chồng mình ở đâu sao?

Bấy giờ Hồng Hạnh mới chợt nhớ.

- Cô đưa xác chồng tôi đi đâu? Tại sao cô làm vậy?

- Ai là chồng cô?

- Tấn! Cô cướp xác Tấn trong nhà xác và chính vì chuyện đó nên mẹ chồng tôi mới chết!

Tuyết Thu phá lên cười, trong âm thanh như có gì đó khiến người nghe ớn lạnh!

- Chồng cô! Nghe nói tôi phát rùng mình, ha ha!

Hồng Hạnh vừa bực, nhưng chẳng hiểu sao lại hơi sợ. Nhìn gương mặt người phụ nữ trước mặt mình lúc này, cô chợt hiểu phần nào lý do bà Hiệp Phát đã sợ. Hình như cô ta có điều gì đó bất thường...

- Cô yêu Tấn từ bao giờ?

Câu hỏi khiến Hạnh dù có nhịn hết cỡ cũng phải nổi cáu:

- Cô làm gì có đủ tư cách hỏi điều đó! Tôi yêu cầu...

Tuyết Thu hạ thấp giọng, mà trong âm thanh như đang rít lên:

- Chẳng những đủ tư cách, mà còn được quyền bắt cô phải trả lời nữa kìa!

- Chẳng những không, mà còn yêu cầu cô...

Hồng Hạnh lặp lại gần giống như câu nói trịch thượng của cô ta, nhưng mới vừa nói được bấy nhiêu thì bất thần cảm giác như một bên má mình vừa bị ai đó tát một cái đau điếng! Nhìn thì thấy Tuyết Thu vẫn đang đứng cách mình hơn hai thước, Hồng Hạnh chưa biết chuyện gì đang xảy ra cho mình thì giọng đáng ghét kia lại vang lên:

- Đây là sự cảnh cáo để cô nhớ là phải ăn nói lễ độ trước đàn chị của mình!

- Tôi yêu cầu cô ra khỏi nhà tôi ngay.

Lại một cái tát nữa ở má bên kia. Mà rõ ràng không phải do Tuyết Thu hành động, bởi cô ta vẫn không di chuyển đến gần. Lúc này Hạnh hơi nao núng, cô nghĩ chắc chắn là có một ai đó nữa đang đứng sau lưng mình. Nhưng khi quay lại thì hoàn toàn không có ai khác. Hồng Hạnh quay trở lại, thì không còn thấy Tuyết Thu đâu!

Toàn thân Hồng Hạnh ướt đẫm mồ hôi, mặc dù lúc đó trời đang se lạnh. Cô bắt đầu hiểu. Vừa lúc ấy thì mẹ Hạnh từ nhà sau chạy lên, bà ngạc nhiên hỏi:

- Con vừa nói chuyện vói ai vậy?

Hạnh không muốn mẹ mình lo lắng, nên lắc đầu:

- Dạ, đâu có ai. Con chỉ... tỉnh giấc và lẩm bẩm một mình thôi.

Bà Oanh nhẹ lắc đầu:

- Con không bình thường rồi...

Bà nhắc Hạnh trước khi quay trở xuống phòng ngủ:

- Ngủ nhớ đắp mền, nếu cần thì uống viên thuốc an thần vào.

Bà cảm thông nỗi buồn của con gái, bởi theo bà thì với một cú sốc nặng như thế, không khéo Hạnh sẽ bị tâm thần. Vừa bước về tới phòng, chưa kịp vào thì bà Oanh giật mình khi nghe cửa phòng của con gái đóng sầm lại một cách bất thường, bà hoảng hốt vừa chạy lại vừa hỏi lớn:

- Chuyện gì vậy Hạnh?

Không có tiếng trả lời mà cửa phòng thì đóng kín. Nghĩ con không khóa cửa nên bà Oanh vặn tay nắm, nhưng cửa phòng đã khóa chặt. Gõ và gọi thật to vào, giọng bà Oanh gấp gáp:

- Chuyện gì vậy Hạnh, mở cửa cho má coi!

Vẫn im lìm. Nghĩ tới điều chẳng lành, bà Oanh đập cửa mạnh thêm. Người anh trai của Hạnh đang ngủ trên lầu phải chạy xuống:

- Gì vậy má?

- Tông cửa vào coi con Hạnh nó làm sao rồi! Mau lên!

Thạnh lưỡng lự, nhưng nhìn nét lo lắng quá sức của mẹ, anh đành phải dùng hết sức mạnh tung cửa phòng. Bên trong không có ai. Bà Oanh điếng hồn:

- Nó mới đây mà!

Lục lạo khắp nơi trong phòng vẫn không hề thấy bóng dáng của Hồng Hạnh đâu, bà Oanh khóc òa lên, sợ hãi:

- Không xong rồi Thạnh ơi, em con nó... nó không xong rồi!

Bà không còn đủ bình tĩnh nữa, người như sắp ngã nếu không vịn vào vai con trai. Thạnh phải trấn an:

- Chuyện gì má cũng bình tĩnh đã. Giờ này con Hạnh làm sao đi đâu được, trong khi cửa cổng vẫn còn đóng kín thế kia. Mà má thừa biết, nó xưa nay nhát, có dám ra khỏi nhà một mình vào ban đêm đâu. Để con...

Thạnh soi đèn tìm khắp chung quanh sân vườn. Đến khi tới chỗ rào gần cổng, anh phát hiện một vạt áo phụ nữ mà nếu nhớ không lầm thì đó chính là vạt áo của Hồng Hạnh!

Sợ mẹ lo, nên lát sau trở vào nhà Thạnh chỉ nói:

- Chắc là do quẫn trí nó đi đâu đó, để con tìm.

Nhìn đồng hồ thấy mới bốn giờ sáng, Thạnh cũng bắt đầu lo. Tuy nhiên, anh vẫn phải trấn an bà mẹ:

- Mẹ đi ngủ đi, để con gọi điện thoại hỏi thăm. Con sẽ nhờ cả cảnh sát nữa.

Nhưng bà Oanh đã hoàn toàn suy sụp, bà ngã xuống ghế sa lông, mặt mày tái xanh, hơi thở yếu dần... Thạnh hốt hoảng lo cứu chữa cho mẹ mình, nên anh không để ý vừa có một bóng người thoát ra từ cửa sổ phòng của Hạnh.

 

Bàng hoàng khi tỉnh lại, thấy mình nằm trong căn phòng tân hôn nhà chồng, Hồng Hạnh lạnh toát mồ hôi, cô kêu lên:

- Sao tôi lại...

Biết trong nhà không có ai. Kể từ khi Tân chết, rồi bà Hiệp Phát qua đời và cô bỏ về nhà cha mẹ ruột, thì ngôi nhà này tạm đóng cửa, không người ở. Nhưng Hồng Hạnh vẫn cố lên tiếng lần nữa:

- Có ai trong nhà không?

Tất nhiên là chẳng có một ai. Mọi vật trong phòng vẫn cứ giữ nguyên. Những món quà cưới vẫn còn chất chồng ở trên bàn phấn và cả chiếc áo cưới Hạnh cởi ra để trên giường ngủ vẫn còn y chỗ cũ, chứng tỏ từ sau cái đêm kinh hoàng đó chẳng có một ai bước vào phòng này.

Bật ra khỏi giường, Hạnh nhớ lại chuyện mới xảy ra, việc xuất hiện kỳ lạ của người tên Tuyết Thu, rồi những câu nói khó hiểu từ cô ta và nhất là việc tự nhiên biến mất của cô ả, rồi sau đó mấy giây là Hạnh đã hoa mắt, gian phòng tối sầm và cô chẳng còn biết gì nữa, cho đến lúc này...

- Ai đã đưa mình tới đây? Chắc chắn là mình không thể tự đi. Hay là...

Hồng Hạnh không dám suy nghĩ thêm, cô ngồi thừ người trên ghế, nhìn khắp gian phòng một lượt, rồi bỗng chợt nhớ tới bà mẹ chồng, Hạnh kêu lên khẽ:

- Bà ấy...

Tự dưng Hạnh muốn bước sang phòng bà Hiệp Phát.

Cũng chẳng biết do sự thúc đẩy nào, chớ làm sao một ngườt nhút nhát như Hạnh lại dám có ý nghĩ táo bạo như vậy. Gian nhà rộng, trống vắng đến rợn người, vậy mà Hồng Hạnh vẫn bình thản một mình tiến về phía phòng riêng của bà mẹ chồng. Cửa phòng không khóa, bên trong đèn vẫn còn sáng. Có lẽ hôm xảy ra sự cố đến nay vẫn còn y nguyên vậy...

Đẩy nhẹ cửa phòng, vừa bước vào Hồng Hạnh đã chú ý ngay tới một bức ảnh treo trên tường, trong ảnh có ba người, người ngồi là bà Hiệp Phát, còn một trong hai người đứng sau lưng bà là Tấn. Cạnh Tấn Ià một phụ nữ trẻ, rất đẹp, mà chỉ cần nửa giây là Hạnh nhớ ra ngay, cô kêu lên thảng thốt:

- Cô ta!

Người trong ảnh chính là... Tuyết Thu!

- Như thế này là sao? Tuyết Thu là gì trong nhà này? Phải chăng...

Trong đầu Hạnh vừa lóe lên một thắc mắc mà từ khi yêu Tấn, nhận lời làm đám cưới với anh, cô chưa hề nghĩ đến. Cô hoàn toàn không tin rằng Tấn đã có người con gái nào khác trước khi yêu và cưới mình. Bởi vậy giờ đây đứng trước bức ảnh lạ lùng này, Hạnh như người từ trên trời rơi xuống, cô ngẩn người khá lâu rồi mới tiến sát đến chỗ treo khung ảnh. Trong ảnh thì cả ba người rất tươi và hớn hở. Có lẽ ảnh chụp gần đây thôi, bởi gương mặt Tấn trong ảnh vẫn không có gì khác so với bây giờ. Và Tuyết Thu cũng thế, vẫn đôi mắt sắc như dao, nụ cười nhẹ đầy sức quyến rũ đó...

- Phải chăng họ là...

Đó là câu hỏi mà chỉ trong vòng vài mươi giây đã hiện lên trong đầu của Hạnh. Cô đi từ trạng thái ưu tư, lo lắng, thắc mắc, rồi cuối cùng quyết tâm khám phá cho bằng được!

Từ ngày yêu Tấn rồi đám cưới, chưa bao giờ Hồng Hạnh bước vào phòng mẹ chồng, và nghe nói cuộc sống trong nhà này khép kín đến đỗi những người ăn kẻ làm ít người chịu nổi và làm lâu. Bà Hiệp Phát cực kỳ độc đoán, kỳ thị giàu nghèo, nên hầu hết người giúp việc đều bị cấm không bao giờ được bước vào khu vực riêng tư của chủ. Hạnh tưởng tượng, nếu không có biến cố vừa rồi thì chẳng biết cô chịu đựng bao lâu với bà mẹ chồng như vậy.

Do không còn ngại ai khác dòm ngó, nên Hạnh yên tâm bắt đầu khám phá từng phần những gì cô thấy trước mặt. Đầu tiên là tủ quần áo, cô không hề chủ tâm tìm tiền bạc, nữ trang hay bất cứ vật gì quý giá, mà mục tiêu duy nhất của Hạnh là những gì có thể nói lên sự liên hệ của người phụ nữ tên Tuyết Thu kia!

Và không khó lắm để Hạnh tìm ra một chiếc hộp gỗ bằng sơn mài khá đẹp. Thường các người có của hay dùng những chiếc hộp như thế để dựng những đồ vật riêng tư, quý giá. Mà ở đây ngay khi mở nắp ra Hồng Hạnh đã gặp ngay vật mình cần tìm: Một xấp ảnh khác chụp giữa Tấn và Tuyết Thu. Đây hẳn là những ngày hạnh phúc nhất của họ, bởi hầu hết mấy chục tấm ảnh đều chụp ở những thắng cảnh nổi tiếng, có cả vài bức chụp chân dung họ theo kiểu... vợ chồng.

Máu nóng trong người Hồng Hạnh bắt đầu sục sôi, cô cố nén lắm mới có thể tiếp tục xem tiếp những ảnh và giấy tờ khác còn lại. Trong số này có một lá thư đề ngày cách đó khá lâu, chữ viết của phụ nữ. Thư của Tuyết Thu! Chẳng thể dừng được, Hồng Hạnh bóc lá thư ra xem. Một sự thật khiến tim cô đau nhói! Trong thư, Tuyết Thu gửi cho bà Hiệp Phát với lời lẽ khá nặng nề, mà qua đó Hạnh hiểu được rằng Tuyết Thu từng là vợ của Tấn. Họ yêu nhau nhiều năm và đã về sống chung với nhau khá lâu như vợ chồng, cho đến một ngày chính bà mẹ chồng đã can thiệp vào để chia rẽ, dẫn tới chuyện Tấn bỏ về nhà mẹ, trong khi Tuyết Thu bơ vơ nơi một xứ lạ nào đó...

Một đoạn trong lá thư có nội dung: “Rồi bà sẽ nhận ra hậu quả của ngày hôm nay nó là thế nào! Tôi nguyền rủa bà, rồi dòng máu trực hệ của bà nó sẽ hận bà và... chuyện gì đó ắt bà biết rồi!”.

Đặt lá thư xuống, Hạnh suy nghĩ mãi vẫn chưa hiểu hết. Tại sao qua những tấm ảnh thì họ vô cùng hạnh phúc, nhưng với lá thư thì lại hoàn toàn trái ngược! Phải chăng...

Có một bưu thiếp đóng dấu từ nước ngoài gửi cho Tấn. Nhìn mặt sau Hạnh hiểu là của Tuyết Thu gửi. Nội dung ngắn gọn: “Nếu anh không qua thì chúng ta không bao giờ gặp nhau nữa!”

- Thế này là thế nào? Tại sao bưu thiếp gửi cho Tấn mà lại nằm trong hộp riêng của bà Hiệp Phát?

Chỉ cần động não một chút là Hồng Hạnh hiểu ngay. Như vậy có nghĩa là khi bưu thiếp gửi về đây, thay vì đưa cho Tấn, bà Hiệp Phát đã giữ lại. Cũng có nghĩa là bà ta muốn chia cắt tình yêu giữa Tấn và Tuyết Thu!

- Thảo nào...

Hạnh lẩm bẩm:

- Cô ta cũng là nạn nhân...

Ở một bưu thiếp khác, Hạnh đọc được: “Em đi đây, hẹn gặp lại nơi mà chúng ta từng hẹn! Tuyết Thu”.

- Thì ra là như vậy. Tuyết Thu bị bức phải rời xa người mình yêu để rồi...

Chợt Hồng Hạnh kêu Iên.

- Cô ta chết chăng? Có thể lắm. Và cũng có thể...

Bỗng dưng Hạnh run lên, tay đang cầm lá thư phải để rơi xuống đất. Xâu chuỗi lại những việc đã xảy ra, Hạnh lẩm bẩm:

- Cô ta là ma!

Vừa lúc đó, bỗng có những tiếng động rất lạ trên lầu. Giống như ai đó đóng cửa! Chỉ kịp cho vội chiếc hộp trở về chỗ cũ Hạnh hấp tấp rời khỏi phòng. Nhưng khi ra đến bên ngoài thì cô bối rối. Bởi cổng khóa chặt, mà cô thì không có chìa khóa!

Cũng chẳng còn thì giờ để thắc mắc lúc tới đây mình vào bằng cách nào Hồng Hạnh chỉ còn biết vừa lo sợ vừa muốn kêu to lên, nhưng có lẽ do quá căng thẳng nên nhất thời không thể thốt được tiếng nào. Bỗng Hạnh giật mình, bởi cánh cổng tự dưng như có người mở ra. Mà tuyệt nhiên không thấy ai ở đó. Hạnh nhắm mắt lao đại ra khỏi cổng, rồi cứ thế cô chạy và chạy... trước sự ngạc nhiên của mọi người bên đường. Cũng chẳng biết về tới nhà lúc nào, cho đến khi người trong nhà phát hiện Hạnh nằm ngất ở ngay cửa nhà mình.

Thấy con trở về, bà Oanh mừng khôn xiết, bà giục người gọi bác sĩ tới. Sau khi khám, vị bác sĩ thân quen của gia đình đã lắc đầu:

- Sao bà để cháu nó suy nhược quá, người chẳng còn chút sinh lực nào mà hình như là không ăn uống gì từ mấy hôm rồi.

Bà Oanh không muốn tiết lộ chuyện kỳ lạ đã xảy ra trong nhà cho nên nhanh chóng đưa bác sĩ về. Rồi suốt đêm đó, bà hầu như túc trực bên con gái và Hạnh thì vẫn mê man không tỉnh.

Mãi đến khi mặt trời bên ngoài ló dạng thì Hạnh mới mở mắt ra. Nhìn thấy mẹ, cô khóc òa không nói được gì. Bà Oanh ôm con vào lòng hỏi nhỏ:

- Sao con đến nông nỗi này? Đêm qua...

Hồng Hạnh ôm mặt, như không muốn nghe câu hỏi đó. Rồi cô bật dậy chạy về phòng mình và đóng cửa lại. Bà Oanh phải năn nỉ mãi cô mới nói vọng ra:

- Má để cho con yên, con muốn ngủ một giấc.

Tuy lo lắng nhưng bà Oanh cũng chiều con, bà chỉ biết kéo chiếc ghế và ngồi ngay cửa ra vào, ý muốn canh cho con ngủ. Tội nghiệp cho bà mẹ già đã đau khổ, khóc lóc suốt đêm sau khi Hạnh đột ngột biến mất, giờ lại phải ngồi trong tâm trạng âu lo và mỏi mệt. Cho đến khi Thạnh từ ngoài bước vào, anh nhìn thấy mẹ ngủ gà ngủ gật như vậy và không biết chuyện em gái mình đã trở về, anh càu nhàu:

- Con nhỏ này, không biết còn làm khổ bà già đến khi nào mới chịu thôi đây!

Lời anh vừa dứt thì bỗng nghe từ trong phòng Hạnh có một tiếng thét giống như người bị bóp cổ. Hốt hoảng, Thạnh tung mạnh cửa phòng và càng kinh hãi hơn khi nhìn thấy em gái mình đang treo lơ lửng trên trần nhà!

- Hạnh!

Nhờ có sức và phản xạ nhanh, nên chỉ trong nháy mắt Thạnh đã nhảy được lên giường, đỡ hai chân Hạnh lên và gỡ được cổ cô nàng ra khỏi sợi dây thòng lọng. Hạnh còn thở, chứng tỏ việc chỉ mới xảy ra.

- Sao vậy em?

Nhận ra anh trai mình, Hồng Hạnh bám chặt lấy sợ hãi:

- Đừng để họ bắt em đi!

Thạnh ngạc nhiên:

- Ai bắt em?

- Đừng hỏi, em sợ lắm.

Thạnh nhìn lên sợi dây treo cổ lúc nãy và anh kêu lên:

- Nó đâu rồi?

Sợi dây mới đó đã biến mất. Thạnh nghĩ có thể nó rơi trên sàn sau khi Hồng Hạnh được đưa xuống, nhưng nhìn thật kỹ hầu như khắp phòng, không hề có sợi dây nào!

- Ai đã treo cổ em, hay tự em.

Hạnh lại ngăn không cho anh mình hỏi:

- Đừng hỏi, nếu anh còn muốn em sống...

Nhìn thái độ quá sợ hãi của em gái, Thạnh không dám hỏi thêm, nhưng sau khi nhìn cổ Hạnh, Thạnh phải hỏi to:

- Em bị ai cắn cổ phải không?

Ở cổ Hạnh có hai dấu răng còn rướm máu, và vết hằn sâu của cái vòng thắt cổ. Thạnh chợt hiểu, anh lặng người đi và nghe mồ hôi tuôn chảy khắp thân thể...