A
Nguyên tắc thứ nhất là đi từ cái dễ đến cái khó, và phải tin ở sự thành công. Đừng đặt mục đích của mình cao quá, quá cái khả năng và phương tiện của mình. Đặt cho mình một mục đích quá cao để rồi không thể đạt được thật là một việc chẳng những vô ích lại còn nguy hiểm là khác. Là vì sự thất bại sẽ giết mất lòng tự tin và làm tê liệt sức cố gắng của mình đi. Goethe thường khuyên các nhà thơ trẻ tuổi nên làm các bài thơ ngắn trước khi viết những thiên anh hùng ca. Đối với một tác phẩm to và phiền phức, hãy bắt đầu viết những phần dễ nhất trước. Nếu con đường quá dài, không sao đi một mạch được thì tốt hơn là chia nó ra từng đoạn và thi hành cho xong từng đoạn một. Người đãng trí cho cái gì cũng dễ để rồi thất vọng; người ươn hèn cho cái gì cũng khó để rồi không chịu làm gì cả; chỉ có người thông minh mới biết rằng không có gì là dễ dàng cả, nhưng với sự cố gắng và biết phân phối tổ chức thì rồi việc gì cũng sẽ trở nên dễ dàng cả. Dĩ nhiên, đâu phải làm việc mười giờ một ngày mà ta có thể trở thành một đại thi sĩ. Phải có năng khiếu. Nhưng cố gắng mãi thì cũng có khi “thiên tài chỉ là một sự kiên nhẫn lâu ngày” mà thành.
❉❉❉
B
Nguyên tắc thứ hai để làm việc có hiệu quả là phải làm việc đều đều, không nên để gián đoạn. Nhà văn Émile Zola có cho khắc trên phòng ông câu này: Nulla dies sine linea, nghĩa là “không một ngày nào mà không viết một hàng”. Thật sự, mỗi ngày ông viết có cả nghìn hàng chữ, nhưng câu châm ngôn trên đây là một khẩu hiệu rất hay để bắt buộc mình làm việc đúng giờ và đều đều không gián đoạn. Đừng bắt chước việc làm của những kẻ làm việc suốt ngày suốt đêm, để rồi nằm không chổng cẳng ngủ cả hai ba tuần lễ sau. Đây là một nguyên tắc làm việc rất hay cho bất cứ một sự học hỏi hay việc làm nào. Cứ ngày nào cũng học mười lăm phút đồng hồ thôi, nhưng ngày nào như ngày nấy, không bao giờ sai chạy. Đó là một thói quen rất tốt cho những ai muốn làm nên việc lớn và đó cũng là một phương pháp để luyện tập ý chí.
Lương Khải Siêu, trong Ẩm Băng Thất có viết:
“... Hồ Văn Trung khi ở trong quân, mỗi ngày đều đọc Thông Giám mười tờ”.
“Tăng Văn Chính khi tại quân, mỗi ngày đều viết nhật ký vài mục, đọc thơ vài bài, đánh cờ một bàn”.
“Lý Văn Trung mỗi ngày dậy sớm viết theo Lan Đình một trăm chữ”.
“Suốt đời họ, lấy đó làm thường thường, người thường tình thấy thế, há chẳng cho rằng những sự tiểu tiết ấy không có liên lạc gì đến việc lớn sao? Nhưng các người ấy đâu hiểu đặng rằng đặt ra các phép tắc có chừng mực và làm theo đó luôn luôn một cách không sai chạy, thật là một sự to tát đệ nhất của phẩm giá con người. Kẻ khéo quan sát đều xem xét mãnh lực tinh thần con người bằng cách ấy”.
Sự làm việc, có ngày ta hăng hái, có buổi ta uể oải, bơ phờ. Nhưng kinh nghiệm cho ta biết rằng, dù có hứng hay không có hứng, phải tự mình cương quyết đặt cho mình một kỷ luật là phải ngồi lại bàn viết, cầm cây viết lên, rồi thì “cái máy” của ta bắt đầu “ấm” lại và “mở máy” chạy như thường. Đừng bao giờ tự nhủ: “Hôm nay thấy trong mình không muốn làm việc. Vậy hẹn ngày mai!” Đó là cách nuôi dưỡng cái tính lười biếng của ta mà thôi.
Bàn viết của tôi bao giờ cũng sẵn sàng giấy mực cả. Viết của tôi luôn luôn đầy mực. Thời dụng biểu cùng chương trình làm việc đã ghi rõ chiều hôm qua những gì tôi làm sáng hôm nay. Tất cả đều sẵn sàng chờ đợi tôi. Chỉ chờ có tôi đến ngồi là tất cả “guồng máy” bắt đầu làm việc theo ý muốn.
❉❉❉
C
Nguyên tắc thứ ba là bất cứ học môn nào phải khởi đầu bằng những yếu tố đầu tiên của môn học ấy, nghĩa là khởi học lại những căn bản sơ đẳng và đừng bao giờ đốt giai đoạn. Phần nhiều những thất bại về tinh thần đều do sự không biết xây đắp vững chắc cho nền tảng học thức đầu tiên của ta.
Một phần đông chúng ta ngày nay thích học nhảy giai đoạn, “học tắt”. Họ muốn nghiên cứu đến các khoa học phức tạp, về những vấn đề hết sức gay go trong khi họ không hiểu gì ráo về hình học và đại số học sơ đẳng. Có nhiều cô cậu bàn luận đến Einstein mà chưa hiểu nổi Euclide!
D
Nguyên tắc thứ tư: Biết lựa chọn
Biết lựa chọn là biết lựa chọn những công việc nào hợp với khả năng của mình. Và một khi đã lựa chọn xong thì hãy can đảm thực hiện cho kỳ được môn mình đã lựa chọn.
Ta chỉ có thể là một nhà viết tiểu thuyết, hoặc một nhà đại thương gia hay một nhà chính trị, nhưng đừng cao vọng mình sẽ kiêm luôn cả ba, trừ ra những kẻ phi thường.
Tuy nhiên, nếu ta quá chăm chú vào một việc gì thì ta cũng phải thỉnh thoảng biết giải trí bằng cách thay đổi công việc làm. Ignace de Loyola khuyên các tu sĩ dòng Da Tô đầu tiên đừng bao giờ làm quá hai tiếng đồng hồ vào một công việc. Ở nhà trường, thời dụng biểu không bao giờ cho dạy luôn một môn suốt ba tiếng đồng hồ. Đó là một nguyên tắc làm việc rất hay. Trong đời ta phải có một trung tâm hoạt động duy nhất và ít ra cũng có vài trung tâm hoạt động phụ thuộc.
E
Nguyên tắc thứ năm là phải biết quý thời giờ làm việc của ta và đặt cho nó thành một kỷ luật.
Đối với người làm việc, cần phải có bổn phận là gạt bỏ những kẻ làm mất thời giờ của mình, tức là những kẻ phá quấy ta. Lễ độ, nhẫn nhục đối với họ đều là những lỗi lầm nặng. Phải hết sức gắt gao đối với hạng người này, đón rước họ tức là mình tự phá hoại đời mình đó.
Goethe khuyên ta: “Phải tuyệt đối sửa dạy những kẻ đến quấy rầy ta cho họ mất cái thói đến làm rộn mình mà không cho hay trước. Họ chỉ đến bắt ta phải nghe chuyện của họ. Ai muốn làm việc ích lợi cho đời phải coi chừng, đừng để bị kẻ ấy đến quấy rối”. Khi gặp phải trường hợp có kẻ xông vào phòng ông làm việc một cách trâng tráo, thi sĩ giữ một thái độ hết sức lạnh lạt làm cho họ phải thất vọng ngay: Goethe chỉ chấp tay sau lưng, không nói một tiếng gì cả. Nếu khách là một người danh giá thì Goethe chỉ làm bộ ho hen và thỉnh thoảng: “Hừ! Hừ!...” cho qua, thế là câu chuyện đứt ngang. Đối với thư từ, thi sĩ chia ra làm hai loại: thư xin xỏ cầu cạnh thì ông liệng vào sọt giấy, chỉ thư nào giúp ông có được cơ hội để tiến thêm thì ông mới chịu trả lời. Ông lại thường nói: “À! Thanh niên! Các anh không biết giá trị của thời giờ”. Kể ra cách cư xử ấy có thể xem là tàn nhẫn thật, vì cũng có không biết bao bậc vĩ nhân sẵn sàng trả lời cho tất cả mọi người cần đến mình, trong đó có rất nhiều kẻ đáng thương hại và đáng nâng đỡ. Nhiều người cho rằng cách cư xử của Goethe thiếu hẳn lòng nhân, nhưng sự thiếu lòng nhân ấy đã giúp ông để lại cho hậu thế những tác phẩm như Faust và Wihelm Meister. Thực sự, kẻ nào tự mình để cho kẻ khác xâm chiếm sẽ bị xâm chiếm, và rốt cuộc rồi cũng sẽ không để lại được cho đời một công trình gì đáng kể. Kẻ nào ham mê làm việc phải biết từ khước tất cả mọi việc nhảm, làm phí thời giờ quý báu của mình, như những cuộc hội họp, trò chuyện, tán hão và không đâu. Goethe lại còn khuyên ta đừng quan tâm đến thời sự, nếu tự mình không có phận sự gì để thay đổi được cuộc diện xã hội. Nếu mỗi sáng đều phí mất một vài giờ đồng hồ để theo dõi tin tức chiến tranh ở ngoài tận xa xăm mút bên kia thế giới, để suy nghĩ vẩn vơ về những hậu quả tai hại của thời cuộc có thể sẽ xảy ra trong khi chúng ta chẳng phải là một nhà chính khách, một vị tướng lãnh hay một ký giả hoặc không phải là gì gì cả thì liệu chúng ta có làm việc gì được cho xứ sở không, lại còn làm mất thời giờ quý báu một cách rất vô ích trong một cuộc đời ngắn ngủi và chỉ sống có một lần thôi.
Kỷ luật “quý thời giờ” này bắt ta đừng để cho tình cảm không đâu làm phí tổn thời giờ khó kiếm của ta trong khi đang làm một công việc quan trọng. Cái ý nghĩa cao cả về đời sống của một bậc nam nhi không phải ở trong những mối tình cảm cỏn con, chỉ làm tổn mất thời giờ vô ích. Người quyết tâm làm nên đại nghiệp cần phải biết hy sinh. Có nhiều bạn trai đầy nhựa sống, đầy thiện chí, đầy khả năng làm việc và học hỏi lại bỏ mất thời giờ quý báu của mình để bận đến những mối tình “đầu lưỡi” của các bạn gái lãng mạn. Người đàn bà là một “cạm bẫy”, kẻ nào sa vào đều hỏng cả cuộc đời mình. Có bao kẻ học thi lại vì những tình cảm không đâu, đành phải làm hại cả một đời mình vì một vài cô nhí nhảnh! Phải dám hy sinh tình cảm mình cho những công trình quan trọng hơn.
Đọc tiểu sử các bậc vĩ nhân anh hùng, ta thấy rõ rệt điều này: họ không bao giờ để ái tình họ trên sự nghiệp. Những bậc nam nhi mà đời họ chỉ biết nuông chiều theo tình cảm, phí thời giờ để làm vui lòng người đàn bà, suốt đời sẽ không làm nên đại nghiệp gì cả và có khi vì thế mà tan nát cả tương lai mình là khác. Bởi vậy, người đàn bà làm nên sự nghiệp cho chồng, giúp cho chồng đạt thành sở nguyện bằng sự hy sinh, không đòi hỏi nơi người đàn ông phải vì mình mà làm mất những thời giờ quý báu trong khi làm việc. Bà vợ của Edison là tấm gương người đàn bà của một bậc vĩ nhân. Bà kính cẩn tôn trọng những giờ phút làm việc của chồng như một cái gì thiêng liêng bất khả xâm phạm, và suốt đời không bao giờ đòi hỏi chồng phải chiều chuộng mình mà làm mất thời giờ quý báu của chồng.
❉❉❉
F
Nguyên tắc thứ sáu là biết dùng thời giờ làm việc và tiết kiệm từng phút một.
Thời gian đối với một kẻ lười biếng thì dài lê thê bất tận, họ tìm cách giết thời giờ mà giết không sao cho hết. Trái lại, đối với những kẻ ham làm việc và học hỏi thì ngày giờ eo hẹp vô cùng. Một đời sống như của Pascal hay Spinoza tuy rất ngắn ngủi nhưng thật là phong phú lạ; trái lại, có những cuộc đời dài lê thê mà vô vị và khô khan như bãi sa mạc.
Thời gian làm việc rất ngắn. Nếu kể 60 năm là hạn, mà phải trừ lại tuổi của lúc ấu thơ, những giấc ngủ thì chỉ còn lại bao nhiêu năm? Ba mươi năm là cùng. Thế mà nếu lại trừ bớt trong 30 năm ấy những thời giờ tắm rửa, ăn uống, tiêu hóa, đau ốm, mệt mỏi, những cuộc viếng thăm, xã giao, tán nhảm, thư từ, nghỉ hè, cùng những thời giờ bị kẻ ở không đến quấy rối thì còn lại bao nhiêu năm để làm việc bằng trí? Mươi hoặc mười hai năm là nhiều nhất! Kinh khủng chưa?
Những kẻ bị nghề nghiệp ràng buộc, đầu tắt mặt tối thì dĩ nhiên không sao còn có thời giờ nhàn rỗi. Đối với họ, đời sống trôi chảy một cách lạnh lùng, tẻ nhạt và không gì gọi là có tư tưởng cả! Nhưng giả sử bạn là một sinh viên, bạn là người có phúc hơn nhiều và được nhiều ưu đãi vì bạn được có thời giờ tự do để làm việc và học hỏi, bạn thử tính lại ngày giờ làm việc thật của bạn được là bao? Nhất là trong những giờ bạn làm việc, thời giờ lo tìm từ điển, chép bài, nói chuyện khào, đọc sách nhảm hay nhật báo, thời giờ làm việc của các bạn thực sự còn có là bao? Giỏi lắm là hai mươi phút trong một giờ là cùng. Nhưng hai mươi phút ấy cần phải để mà suy nghĩ, nghiền ngẫm, đem tất cả nghị lực vào việc làm, không xao lãng.
Trong thời gian hai mươi phút làm việc của ta trong một giờ ấy, ta có để mất nó nữa không? Thiếu gì cơ hội bất thường đến làm cho ta bị xao lãng mà phải bị ngưng công việc. Một con ruồi rớt trong bình mực cũng là một cơ hội để ta bị xao lãng. Con mèo kêu trên mái nhà, cánh cửa bị gió đập mạnh, một chiếc xe hơi đậu lại trước nhà mà máy vẫn chạy... đều là cơ hội để ta bị xao lãng. Trong khi đi tìm một chữ nào ở tự điển lại cũng có khi bị quyến rũ mà liếc mắt xem mấy chữ kế bên, hoặc nếu là một quyển tự điển có hình nhiều làm sao tránh khỏi không xao lãng mà nhìn sang các hình bên cạnh. Rồi đến lượt có một tờ báo đến nhà, mình cũng ngưng đi một chút để xem qua các tít. Có gì đâu, chỉ vài phút thôi là xong! Đó là chưa nói đến những mơ mộng phiêu lưu theo sự khêu gợi của một vài danh từ quen quen! [1]
Littré [2] lúc ban mai, khi ông chờ người bồi phòng làm xong công việc dọn dẹp, ông viết bài tựa cho bộ tự điển khổng lồ của ông. Có những phút đồng hồ kể là bỏ mà người biết tiết kiệm thời giờ lại dùng nó để làm được nhiều công trình to lớn. Ông d’Aguesseau thay vì rầy rà, bất bình bà vợ có tính chậm chạp bắt ông luôn luôn chờ đợi lúc giờ ăn, ông lợi dụng những phút đợi chờ ấy mà viết một quyển sách. Ngày kia, ông đưa cho bà quyển sách ấy và nói: “Đây là những món ăn ‘đầu bữa’ của tôi đây”. [3]
❉❉❉
G
Nguyên tắc thứ bảy là hễ làm việc gì thì hãy làm cho hoàn tất, đừng phải trở lại một lần thứ hai. Đó là một thói quen rất tốt cho tất cả mọi công việc.
Chesterfield trong một bức thư gởi cho con có nói: “Không có gì dễ bằng, miễn là chỉ nên làm một việc thôi và đừng bao giờ để qua ngày mai việc gì ta có thể làm ngay bây giờ”.
Việc gì cũng vậy, hãy từ từ mà làm, đừng làm hối hả, vụt chạc, làm một cách tắc trách mà phải làm một cách đàng hoàng dứt khoát với tất cả tâm hồn. Phải tập quen cái tính này: không bao giờ chịu làm một việc gì mà làm cho có, miễn cưỡng, cẩu thả và phải làm lại một lần thứ hai.
Khổng Tử có nói: “Học cho rộng, hỏi cho kỹ, phân biện sáng rõ, làm cho hết sức. Có điều không học, nhưng đã học điều gì không hay, không thôi. Có điều không hỏi, nhưng đã hỏi điều gì mà không biết, không thôi. Có điều không phân biện, nhưng đã phân biện điều gì mà không minh bạch, không thôi. Có điều không nghĩ, nhưng đã nghĩ điều gì mà không nghĩ đến nơi, không thôi. Có điều không làm, nhưng đã làm điều gì mà chưa tận lực, không thôi. Người ta dụng công một, ta dụng công một mà không được thì phải dụng công gấp trăm, người ta dụng công mười, ta dụng công mười mà không thành thì phải dụng công gấp nghìn để đến kỳ được mới thôi. Nếu quả theo được đạo ấy thì tuy ngu rồi cũng thành sáng, yếu cũng thành ra mạnh” (Trung Dung). [4]
H
Nguyên tắc thứ tám là muốn làm việc cho có hiệu quả thì phải có một sức khỏe dồi dào.
Một thân thể tráng kiện là điều kiện cốt yếu cho một tinh thần sáng suốt. Bệnh hoạn là một trở ngại to tát cho sự làm việc bằng trí óc.
Tôi có nhiều bạn văn, ngày nay đã ra người thiên cổ vì đã làm việc không nguyên tắc, không biết giữ gìn sức khỏe. Họ làm việc ban đêm với chè tàu và cà phê, thuốc lá... Sống trong những căn phòng tồi tàn, không đủ không khí, vì vậy, bệnh tật dấy lên và cướp mạng sống họ trong lúc tuổi mới vừa ba mươi, tương lai đang đầy hứa hẹn.
Có người bảo: “Ba điều kiện để được thành công là: tài hoa, sức khỏe và may mắn!”. Lời nói ấy gẫm cũng chí lý. Épicure có nói: “Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh phúc của con người”. Thật vậy, có được một tinh thần không loạn cũng nhờ một phần nào nơi một thân thể không đau. Ảnh hưởng của sức khỏe đối với tính tình và tư tưởng của ta đâu phải là thường!
Như vậy, điều kiện đầu tiên của sự thành công là có được một thân thể tráng kiện. Và muốn được như thế, dĩ nhiên là phải có đủ những điều kiện sau đây: ăn uống đầy đủ, bổ dưỡng, nhẹ nhàng, vận động thân thể vừa vừa, đừng nặng nhọc lắm, thường sống ngoài trời có gió, có nắng và nhất là có được những giấc ngủ ngon lành. Sự vui vẻ cũng là một liều thuốc bổ nhất.
Giấc ngủ là quan trọng hơn hết. Nhưng đừng ngủ thái quá, nhất là “ngủ nướng”. Ngủ nhiều quá làm cho máu chạy chậm lại, làm cho cảm giác nhụt lần và óc thông minh thêm nặng nề uể oải. Nhưng, ngủ vừa đủ để lấy lại sức khỏe là cần nhất. Về số giờ phải ngủ thì không sao định được, nó tùy mùa, tùy công việc làm nặng nhẹ, tùy sự mệt mỏi nhiều ít. Chính mỗi người, tùy nhu cầu mà tự định đoạt lấy.
Nhưng nếu mình cảm thấy mất ngủ thì phải ngưng lập tức các công việc làm bằng trí óc, và hãy đi ra ngoài chỗ thoáng khí. Sự mất ngủ, nếu không phải do dùng chất kích thích thần kinh như rượu, trà hay cà phê cùng thuốc lá hoặc vì ăn quá no, thì đó là triệu chứng của sự làm việc quá độ. Khi nào ngủ lại được thì mới nên bắt đầu làm việc lại. Những lo âu cũng là nguồn kích động làm cho ta mất ngủ.
Ngoài trời rộng, đi bách bộ, giúp cho máu chạy mạnh, rất có lợi cho sự trầm tư mặc tưởng. Nhà nhạc sĩ đại tài Beethoven thường thích vận động ngoài đồng rộng, có khi đi suốt ngày quên cả giờ ăn. Trong khi đó, ông biên chép tất cả những ý gì hay hiện ra.
Cicéron cũng thích làm việc bằng cách đi chơi ngoài trời. Spencer cũng nói: “Tôi thường làm việc bằng cách đi rong ngoài ruộng. Trong khi tôi đi thì đầu óc tôi làm việc mãnh liệt”. Stuart Mill thuật rằng phần lớn quyển sách Logique của ông đã được nghiền ngẫm trong những lúc đi làm việc mà phải đi bách bộ đến sở.
Làm việc ban đêm là nguy hiểm nhất, đừng bao giờ thức khuya, sau 10 giờ đêm là phải ngưng làm việc ngay.
Không có gì nguy hại bằng cách tiêu pha sức khỏe mình trong các tiệm nước hay các rạp xinê. Những giờ nghỉ, cần tìm cách tiêu khiển ngoài trời tốt hơn, nhưng cũng đừng quá phung phí sức mình trong các cuộc thể thao nhọc mệt.
❉❉❉
Kết luận
Người học thức, tức là người thà biết ít mà thật biết những gì mình biết, còn những gì mình không biết thì cũng biết rõ là mình không biết. “Không có sự dốt nát nào nhục nhã bằng tin tưởng rằng mình đã biết trong khi mình chưa biết”. Văn hóa là một vấn đề thuộc phẩm chứ không phải thuộc lượng.
Tuy nhiên, càng biết rộng càng hay, càng biết sâu càng quý. Một cái học về bề rộng mà kém về bề sâu, là một cái học nông nổi phù phiếm. Một cái học về bề sâu nhưng kém về bề rộng, là một cái học câu chấp hẹp hòi. Cả hai đều là thiếu sót cả. Có được một cái học rộng rãi thì tránh được nạn thiên kiến chấp nhất; có được một cái học chuyên môn thì cái học của mình mới biến thành thực dụng. Điều hòa được cả hai lối học ấy là thực hiện được mức cao nhất của công trình văn hóa của mình.
Đọc sách và biết đọc sách rất cần, nhưng chính mắt thấy tai nghe, biết nhìn xem và quan sát, biết suy nghĩ và phê bình những sự vật chung quanh ta hằng ngày lại càng cần hơn. Cái lợi của sách là giúp cho mình suy nghĩ, chứ không phải suy nghĩ thế cho mình.
Học khoa học và triết học rất cần, nhưng đào tạo cho mình một tinh thần khoa học và triết học lại càng cần hơn.
Mỗi người, tùy khả năng, tùy phương tiện, tùy tính khí, tùy khuynh hướng... phải biết tự mình tìm thấy một phương pháp thích ứng cho riêng mình.
Thật vậy, sở dĩ “không ai giúp ai được là vì không ai giống ai cả” như Jules Payot đã nói. Và cũng vì tin tưởng như thế nên tôi chỉ nêu lên những nguyên tắc mà không dám đưa ra những thí nghiệm của bản thân. Tôi lại còn muốn nói thêm: “Không ai bắt chước ai được, vì không ai giống ai cả”. Socrate nói rất chí lý: “Tôi không dạy ai được cả, tôi chỉ khêu gợi mà thôi”.
Học cũng như ăn. Tuy là cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng không phải món ăn nào cũng hợp cho tất cả mọi người. Có kẻ ăn mau tiêu, có người ăn lâu tiêu: sức tiêu hóa của mỗi người mỗi khác. Lớn ăn khác, nhỏ ăn khác; mạnh ăn khác, đau ăn khác; ở xứ nóng ăn khác, ở xứ lạnh ăn khác. Có phương pháp học lợi cho người này, nhưng không lợi cho người kia. Ai đã từng đi dạy học đều biết rằng phương pháp dạy phải tùy từng cá nhân mà áp dụng. Nhà giáo dục phải như người trồng cây. Cho nên người Tây phương đã dùng chữ “culture” [5] để chỉ về văn hóa. Mỗi loại cây đều có những nhu cầu khác nhau, cần sự chăm nom săn sóc khác nhau.
❉❉❉
Nói thì dễ nhưng làm được bấy nhiêu thôi đâu phải là dễ. “Tri dị, hành nan” hay “tri nan, hành dị?”. Theo tôi, cả hai đều khó cả.
Học đâu phải là công việc của một thời kỳ cắp sách vào trường, “thập niên đăng hỏa” mà thực ra phải là công phu thực hiện của suốt một đời người. “Học là một vấn đề không biết lúc nào là cùng. Còn sống giờ nào, còn phải học giờ nấy”.
Nhưng học mà không hóa có hại cho tinh thần, cũng như ăn mà không tiêu, có hại cho sức khỏe. Người có học thức là người đã “thần hóa” cái học của mình. Bởi vậy, học mà đến mức gần như quên hết cả sách vở của mình đã học, cái học ấy mới gọi được là cái học “tinh nghĩa nhập thần”.
Văn hóa không là quyền sở hữu của bất cứ một dân tộc nào: những quyển Bible, Koran, Bhagavad Gitâ, Đạo Đức kinh, Dịch kinh, Hoa Nghiêm kinh không phải là của riêng của một màu da, một dân tộc, một thế hệ nào cả. Nó là kho tàng chung của nhân loại. Và người văn hóa cao cũng không phải là người riêng của một màu da, của một dân tộc hay của một thế hệ nào cả, mà là một người đã hoàn thành sứ mạng con người của mình, trong nhân loại.
-----------------
[1] Jules Payot - L’Éducation de la Volonté (F.Alean, 1925).
[2] Soạn giả bộ tự điển trứ danh: Dictionnaire de la langue française.
[3] Jules Payot - Le Travail Intellectuel et la Volonté (F. Alcan, 1925).
[4] Bản dịch của Trần Trọng Kim (Nho Giáo 1).
[5] Culture có nghĩa đen là trồng trọt.
HẾT