CẢM XÚC LÀM CHỦ CUỘC SỐNG
Đến lúc này, bạn đã biết được nhiều phương pháp, kỹ thuật để học hiệu quả hơn và đạt điểm cao. Bạn cũng đã biết được cách xác định những mục tiêu lớn lao cũng như cách lên kế hoạch hành động. Liệu điều này có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bắt tay vào hành động không?
Bạn có thể tự nhủ: “Vâng, tôi biết rằng tôi phải bắt đầu lên kế hoạch học tập, tận dụng phương pháp đọc sách hiệu quả, lập Sơ Đồ Tư Duy, v.v… Nhưng không hiểu sao tôi vẫn không cảm thấy có động lực để hành động? Tôi cảm thấy chán nản, mệt mỏi, lười biếng và bất lực”.
Là con người, chúng ta thường hành động theo lý trí hay cảm xúc? Câu trả lời là cảm xúc. Cảm xúc luôn vượt lên trên lý trí chúng ta. Có rất nhiều việc chúng ta biết là nên làm, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy không muốn làm và rồi không làm. Nhiều lần chúng ta biết là nên ngưng xem tivi để bắt đầu làm bài tập, nhưng chỉ đơn giản là chúng ta không muốn làm bài tập. Mặc dù nhiều người biết là việc hút thuốc có hại và sẽ giết chết họ, họ vẫn tiếp tục hút thuốc. Tại sao thế? Tại vì họ cảm thấy thoải mái khi hút thuốc.
Khi bạn cảm thấy chán nản, lười biếng hay bất lực, có nhiều khả năng là bạn không muốn làm gì cả. Bạn có thể sẽ vứt sách sang một bên và nằm lăn ra giường. Tuy nhiên, khi bạn cảm thấy có động lực hoặc phấn chấn, bạn sẽ hoàn tất công việc ngay lập tức.
Bạn đã nhận ra được cảm xúc chế ngự hành động của chúng ta như thế nào chưa. Nếu bạn có thể học cách làm chủ cảm xúc, bạn sẽ có thể làm chủ hành động cũng như kết quả đạt được.
CẢM XÚC CHẾ NGỰ HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA |
CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM CHỦ CẢM XÚC
Đáng tiếc, nhiều học sinh cảm thấy bất lực vì họ nghĩ rằng họ không thể làm chủ cảm xúc. Họ chấp nhận những cảm xúc đang có, để chúng chế ngự hành động và cuộc sống của họ.
Ví dụ, nếu thầy cô la mắng họ hoặc họ xung đột với bạn bè, họ sẽ lâm vào tình trạng thất vọng não nề và không thể học được. Nếu họ được thầy cô khen ngợi hoặc làm bài kiểm tra tốt, họ sẽ cảm thấy phấn chấn, vui vẻ để học. Tệ hơn nữa, vào một số ngày khi thức dậy, họ tự nhiên cảm thấy chán nản lười biếng. Vào một số ngày khác, họ lại thức dậy cảm thấy rất hăng hái phấn khởi.
Sự thật là chúng ta bị cảm xúc chế ngự mọi lúc mọi nơi. May mắn thay, cảm xúc không giống như vi khuẩn lây lan từ người này sang người khác, mà tự chúng ta tạo ra cảm xúc cho mình. Nếu bạn cảm thấy chán nản lười biếng, đó là vì bạn tạo ra cảm xúc ấy. Nếu bạn cảm thấy hăng hái phấn chấn, đó cũng là vì bạn tạo ra cảm xúc ấy. Và nếu chúng ta tạo ra cảm xúc, chúng ta có thể thay đổi chúng.
Cho nên, thậm chí nếu cha mẹ la rầy bạn hoặc bạn làm bài thi một cách tệ hại, bạn luôn có thể tự đặt mình vào trạng thái sung mãn phấn khởi để hành động một cách tích cực. Trước khi chúng ta có thể học cách kềm chế và thay đổi cảm xúc, hãy cùng tìm hiểu làm thế nào mà chúng ta tạo ra cảm xúc từ lúc đầu.
CẢM XÚC ĐƯỢC TẠO RA NHƯ THẾ NÀO?
Yếu tố nào quyết định cảm xúc của chúng ta? Cảm xúc được quyết định bởi suy nghĩ và cách chúng ta điều chỉnh cơ thể. Xin nhắc lại, cảm xúc ảnh hưởng đến hành động và do đó ảnh hưởng kết quả chúng ta đạt được. Khi chúng ta có những cảm xúc tích cực như hưng phấn, vui vẻ, chúng ta sẽ hành động tích cực và đạt kết quả tích cực. Khi chúng ta có những cảm xúc tiêu cực như thất vọng, chán nản, lười biếng, chúng ta sẽ hành động tiêu cực và nhận lãnh hậu quả tiêu cực. Vậy để thay đổi hành động cũng như kết quả, chúng ta phải học cách làm chủ cảm xúc thông qua việc làm chủ suy nghĩ và điều chỉnh cơ thể hợp lý.
CÁCH BẠN ĐIỀU CHỈNH CƠ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CẢM XÚC CỦA BẠN
Việc đầu tiên ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn là cách bạn điều chỉnh cơ thể. Cảm xúc của bạn hiện giờ bị ảnh hưởng bởi:
|
Thật sự, vẻ mặt của bạn hiện giờ cùng với cách bạn thở và tư thế bạn ngồi đang ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Tôi muốn bạn hãy cùng tham gia với tôi vào một số thực nghiệm sau đây. Những thực nghiệm này nhằm giúp bạn nhận ra được làm thế nào mà vẻ mặt, tư thế, giọng điệu và nhịp thở có thể ảnh hưởng cảm xúc của bạn.
THỰC NGHIỆM 1
Bạn hãy ngồi theo tư thế ngồi, thở theo cách thở, và làm vẻ mặt của một người đang cực kỳ chán nản mệt mỏi. Bây giờ, giữ nguyên tình trạng đó, tôi muốn bạn hãy để ý tư thế vai của bạn như thế nào? Bạn đang thở sâu hay cạn? Các điệu bộ khác của bạn như thế nào? Cơ mặt của bạn căng hay lỏng.
Hãy ngừng đọc và thực hiện thực nghiệm trên ngay bây giờ |
Đa số các bạn sẽ đồng ý với tôi rằng vai của bạn thõng xuống, bạn cúi người về phía trước, thở cạn và chậm. Đồng thời, cơ mặt của bạn lỏng, mắt nhìn xuống. Một phát hiện thú vị đúng không? Trước khi chúng ta có thể thật sự chán nản mệt mỏi, chúng ta phải điều chỉnh cơ thể theo một cách nhất định. Nếu chúng ta không thay đổi cơ thể theo cách đó, chúng ta không thể nào cảm thấy chán nản mệt mỏi được.
THỰC NGHIỆM 2
Hãy thử thêm một thí nghiệm khác. Tôi muốn bạn hãy đặt quyển sách xuống rồi đứng lên theo cách đứng, thở theo cách thở và làm vẻ mặt của một người cực kỳ sung mãn phấn chấn.
Bây giờ, trong lúc cơ thể bạn đang ở trong trạng thái tuyệt vời ấy, tôi muốn bạn hãy cố gắng cảm thấy chán nản buồn phiền. Đừng buông thõng vai và hãy tiếp tục cười vui vẻ. Đừng gian lận nhé. Vẫn thở sâu, vẫn giữ nụ cười tươi trên mặt, đứng thẳng vai và mở to mắt. Trong tư thế này, bạn có thể cảm thấy chán nản buồn phiền được không?
Hãy ngừng đọc và thực hiện thực nghiệm trên ngay bây giờ |
Xin lưu ý rằng, trong thực nghiệm trên, nếu bạn không hề thay đổi vẻ mặt, tư thế của bạn, thì không có cách nào bạn cảm thấy chán nản được cả. Rõ ràng, để có một cảm xúc nào đó, bạn phải điều chỉnh cơ thể theo những cách nhất định phù hợp với cảm xúc ấy.
Vậy thì, bất cứ lúc nào bạn cảm thấy lười biếng mệt mỏi, không muốn bắt tay vào học, bạn chỉ cần đứng thẳng dậy, chuyển nhanh vào trạng thái dồi dào năng lực bằng cách thở sâu, hướng thẳng vai ra phía sau, rồi cười thật tươi. Bạn cũng có thể hét lớn đầy quyết tâm “Tôi cảm thấy thật sung sức!”. Bạn sẽ thay đổi được cảm xúc và hành động ngay lập tức. Nếu bạn bè, gia đình bạn thấy bạn làm việc này, họ sẽ nghĩ rằng bạn điên. Đừng bận tâm về họ. Những người thành công làm những việc mà kẻ thất bại không bao giờ làm.
Đây là một phương pháp đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Hãy thực tập việc chuyển đổi bản thân vào một trạng thái đầy năng lượng bằng cách thay đổi cơ thể của bạn bất cứ lúc nào bạn cảm thấy chán nản lười biếng. Càng thực tập nhiều, bạn sẽ càng thành thạo và có thể tự động thay đổi. Chẳng bao lâu, mỗi khi bạn cảm thấy chán nản mệt mỏi, tâm trí bạn sẽ tự động chuyển đổi vào trạng thái quyết tâm mạnh mẽ.
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG
Một nghiên cứu được tiến hành tại trường Đại Học California vào đầu những năm 1980 liên quan đến một nhóm người bị trầm uất. Không một liệu pháp điều trị nào có thể giúp họ thoát khỏi tình trạng này. Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu buộc những người này phải mĩm cười và thở sâu hơn, nhiều người trong số họ sau bao nhiêu năm sống trong u uất đã bắt đầu cảm thấy trạng thái tinh thần được cải thiện.
SUY NGHĨ ẢNH HƯỞNG CẢM XÚC CỦA BẠN
Bạn đã biết được cách bạn điều chỉnh cơ thể ảnh hưởng đến cảm xúc như thế nào. Nhân tố thứ hai ảnh hưởng đến cảm xúc chính là suy nghĩ của chúng ta. Nếu học được cách điều khiển suy nghĩ, chúng ta có thể làm chủ được cảm xúc.
CÓ BAO GIỜ BẠN THẮC MẮC LÀ BẠN SUY NGHĨ NHƯ THẾ NÀO KHÔNG?
Trước khi bạn có thể học cách làm chủ suy nghĩ, bạn phải hiểu được bạn suy nghĩ như thế nào. Hãy suy nghĩ về việc này. Bạn suy nghĩ như thế nào?
Ví dụ, hãy nghĩ về một thầy cô bạn yêu quí ở trường.
Hãy ngừng đọc và nghĩ về một thầy cô bạn yêu quí ngay bây giờ |
Khi nghĩ về thầy cô bạn yêu quí, trong tâm trí bạn tồn tại những gì? Bạn có mường tượng được hình ảnh của thầy cô đó? Bạn có đang tự nói với mình rằng “để xem nào”, “không biết mình yêu quí thầy cô nào”? Nếu bạn giống như đa số mọi người, bạn sẽ bắt đầu mường tượng hình ảnh trong tâm trí và tự đối thoại với bản thân.
Bạn thấy đó, chúng ta suy nghĩ bằng:
Cảm xúc của bạn lúc nào cũng dựa trên những hình ảnh bạn tạo ra trong tâm trí và cách bạn tự nói với bản thân. Nếu bạn ở trong trạng thái tồi tệ như buồn phiền, thì chỉ đơn giản là do bạn đang tạo ra những hình ảnh u ám trong tâm trí như cảnh cha mẹ la rầy bạn hoặc cảnh bạn bè lừa dối bạn. Đó cũng là do bạn đang tự nói với bản thân một cách tiêu cực “Cuộc sống thật tệ hại”, “Mình không biết tại sao mình lại ngu đến thế?”, “Mình cảm thấy quá đau đớn”.
Ngược lại, khi bạn nhận thấy bản thân trong trạng thái đầy động lực mạnh mẽ, đó là khi bạn tạo ra những hình ảnh phấn khởi trong tâm trí về thành công và những lợi ích đạt được. Đó cũng là lúc bạn tự nói với bản thân “Mình có thể làm được việc này!”, “Việc này thật dễ như trở bàn tay”, “Mình cảm thấy thật sung sức”.
Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu chính xác làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát được những hình ảnh chúng ta tạo ra và cách chúng ta tự đối thoại với bản thân.
ĐIỀU KHIỂN SUY NGHĨ THÔNG QUA TỪ NGỮ
Việc đầu tiên bạn phải học để điều khiển suy nghĩ là kiểm soát những từ ngữ bạn dùng để đối thoại với bản thân. Trung bình chúng ta nói chuyện với bản thân hơn 60.000 lần một ngày. Thật đáng tiếc, 80% những lời nói ấy có tính chất tiêu cực.
Có những từ ngữ tích cực mà khi tự nói với bản thân sẽ giúp chúng ta có được trạng thái dồi dào năng lực, thúc đẩy hành động chúng ta và mang lại kết quả tốt đẹp. Đồng thời, cũng có những từ ngữ tiêu cực khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ và không muốn hành động.
Những từ ngữ tích cực thúc đẩy chúng ta Tôi có thể làm được việc này Tôi sẽ làm hết sức mình Tôi yêu toán học (yêu là một từ có động lực mạnh mẽ) Tôi giỏi ngoại ngữ |
Những từ ngữ tiêu cực cần tránh Tôi không thể làm được việc này Tôi sẽ cố hết sức (cố là một từ thiếu quyết tâm) Tôi ghét toán học (từ ghét làm chúng ta suy yếu) Tôi dở ngoại ngữ |
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG: TỪ NGỮ BẠN DÙNG CÓ THỂ BẬT / TẮT NÃO CỦA BẠN
Những từ ngữ mà chúng ta tự nói với bản thân có tác động mạnh đến nỗi chúng có thể bật / tắt não bộ theo đúng nghĩa đen của việc bật / tắt. Chắc chắn bạn đã gặp trường hợp khi mẹ bạn nhờ bạn lấy giùm một món đồ gì đó trong nhà bếp, và bạn trả lời rằng “Con không biết nó ở đâu”. Sau khi mẹ bạn giục bạn đi tìm nó, bạn đi vào bếp trong đầu liên tục tự nói với bản thân “Mình đâu biết nó ở đâu”. Thế là, bạn tìm kiếm khắp bếp mà vẫn không tìm thấy nó. Sau đó, bạn gọi mẹ bạn “Con không thấy nó đâu cả”. Mẹ bạn trả lời “Tìm kỹ đi. Nó nằm ở ngay đó”. Bạn lại tiếp tục tự nhủ “Mình không biết làm sao tìm được”. Cuối cùng, mẹ bạn buộc phải bước vào nhà bếp lấy món ấy ngay trước mũi bạn và quát lên rằng “Đây nè. Mắt mũi con để đâu thế?”
Mặc dù món đồ ở ngay đó, mắt của bạn không thấy nó vì bạn đã liên tục nói với bản thân là bạn không thể tìm thấy nó. Việc này cũng áp dụng tương tự trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn liên tục tự nhủ rằng bạn không thể nào thi đậu môn toán, bạn sẽ không bao giờ thi đậu được, bởi vì bạn đang ra lệnh cho não bộ của bạn ngừng việc hiểu môn toán. Tuy nhiên, khi bạn tự nói rằng môn toán rất dễ học, não bộ của bạn sẽ huy động tất cả khả năng để giúp bạn học và hiểu toán dễ dàng hơn.
TỰ ĐẶT CÂU HỎI HỢP LÝ
Chúng ta rất thường tự nói với bản thân bằng cách đặt câu hỏi. Nếu bạn vừa nghĩ “mình có tự đặt câu hỏi cho mình không nhỉ?”, bạn chẳng phải vừa tự đặt câu hỏi cho bản thân là gì?
Những loại câu hỏi mà bạn tự hỏi cũng rất quan trọng với việc bạn cảm thấy quyết tâm hay mất tinh thần. Ví dụ, khi thi rớt dù đã học hành chăm chỉ, chúng ta có thể tự hỏi “Tại sao mình lại thi rớt?”, hoặc “Tại sao mình lại bất cẩn đến thế?”, hoặc “Tại sao mình luôn luôn thất bại?”. Nếu chúng ta gặp chuyện rắc rối, chúng ta có thể tự hỏi “Tại sao những chuyện này luôn xảy ra với mình?”. Bằng việc đặt ra những câu hỏi như thế, chúng ta sẽ cảm thấy tồi tệ hơn và mắc kẹt ở trạng thái tệ hại ấy.
Thay vào đó, bạn nên tự đặt ra những câu hỏi tạo động lực thúc đẩy bạn. Nếu bạn thi rớt hoặc nhận điểm bài tập kém, hãy hỏi “Mình rút ra được bài học gì giúp mình thành công ở lần sau?”. Bằng việc đặt ra những câu hỏi tích cực mới, bạn giữ được trạng thái tinh thần mạnh mẽ để cải thiện bản thân. Bạn cũng cảm thấy quyết tâm tìm ra phương pháp hiệu quả hơn và học chăm chỉ hơn. Tương tự, nếu bạn gặp phải chuyện không vui, hãy phản ứng bằng cách tự hỏi “Không kể đến những mặt xấu, chuyện này có thể giúp mình ở điểm nào?”. Bằng cách thay đổi câu hỏi tự đặt ra trong tâm trí, bạn sẽ trở thành một người sống tích cực và có động lực hơn.
“Tại sao mình luôn luôn thất bại?” –> “Mình rút ra được bài học gì giúp mình thành công ở lần sau?” |
VẤN ĐỀ KHÔNG PHẢI LÀ VIỆC GÌ XẢY RA VỚI BẠN MÀ LÀ CÁCH BẠN PHẢN ỨNG NHƯ THẾ NÀO
Tôi đã đề cập phía trước là cho dù chuyện gì xảy ra với bạn đi chăng nữa, bạn vẫn có thể làm chủ được cảm xúc và trạng thái tinh thần của bạn. Bạn làm được việc đó bằng cách kiểm soát phản ứng của bạn với những việc xảy ra. Ví dụ, nếu ai đó đến trước mặt bạn và nói “Bạn rất ngu ngốc, không làm được việc gì và không bao giờ thành công trong cuộc sống”, bạn nghĩ bạn sẽ cảm thấy thế nào? Đa số mọi người sẽ nói rằng họ cảm thấy kinh khủng, bị xỉ nhục hoặc suy sụp tinh thần.
Như đã biết, cảm xúc lệ thuộc vào cách chúng ta tự nói với bản thân. Nếu bạn phản ứng bằng cách tự nói rằng “Có thể anh ta nói đúng. Mình rất ngu ngốc và không làm được việc gì.” Sau đó, bạn sẽ cảm thấy tồi tệ, không muốn làm gì nữa cả. Tuy nhiên, bạn có thể phản ứng bằng cách tự nhủ “Thật buồn cười. Tôi có đầy đủ khả năng để thành công. Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy điều đó.” Bằng cách này, bạn sẽ cảm thấy quyết tâm mạnh mẽ để hành động và chứng tỏ khả năng bản thân.
Luôn chọn cách đối thoại với bản thân theo hướng thúc đẩy bạn hành động tích cực. |
ĐIỀU KHIỂN SUY NGHĨ THÔNG QUA NHỮNG HÌNH ẢNH TRONG TÂM TRÍ
Bạn đã biết từ ngữ bạn dùng ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần và cảm xúc của bạn như thế nào. Việc tiếp theo bạn cần biết để làm chủ cảm xúc chính là kiểm soát những hình ảnh trong tâm trí bạn.
Chúng ta thường cảm thấy lười biếng, không có động lực vì chúng ta tạo ra những hình ảnh trong tâm trí về sự khó khăn, tẻ nhạt, tốn thời gian của việc học. Kết quả là chúng ta không thích học. Hoặc chúng ta luôn cảm thấy chán nản vì cứ liên tục quay đi quay lại trong tâm trí những hình ảnh bị la rầy hay thất bại.
Bạn cần phải hiểu rằng bạn có thể điều khiển những hình ảnh, những đoạn phim diễn ra trong đầu bạn giống như một nhà đạo diễn phim vậy. Bạn có thể cho ngừng quay những hình ảnh chán nản, thất vọng, và chỉ tập trung vào những hình ảnh vui vẻ, phấn khởi trong tâm trí bạn.
ĐIỀU KHIỂN CƯỜNG ĐỘ CẢM XÚC CỦA BẠN
Bạn có bao giờ để ý rằng chúng ta cảm được những mức độ khác nhau của hạnh phúc, động lực, của lười biếng hoặc thất vọng? Đôi khi chúng ta cảm thấy một chút quyết tâm, trong những lúc khác, chúng ta lại cảm thấy rất quyết tâm, và thậm chí thỉnh thoảng là cực kỳ quyết tâm. Có những lúc chúng ta cảm thấy chỉ hơi buồn, nhưng một vài lúc khác lại cực kỳ buồn thảm.
Thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể kiểm soát được cường độ cảm xúc của chúng ta đúng không? Chúng ta sẽ luôn tăng cường những cảm xúc tích cực như vui vẻ, phấn chấn. Đồng thời, chúng ta sẽ giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực. Đúng thế, bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó bằng cách thay đổi những hình ảnh trong tâm trí bạn. Điều này có nghĩa gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông qua một thực nghiệm nhỏ.
THỰC NGHIỆM
Tôi muốn bạn hãy nhắm mắt lại và nghĩ đến một thời điểm trong quá khứ mà bạn cảm thấy rất vui vẻ, hạnh phúc. Đó có thể là lúc bạn đạt điểm 10 trong kỳ thi, hoặc lúc bạn thắng một giải thi đấu, hoặc bất cứ thời điểm nào khiến bạn cảm thấy tuyệt vời nhất.
Khi bạn nghĩ về giây phút đó, bạn có cảm thấy tự tin và vui vẻ không? Tốt lắm. Bây giờ tôi muốn bạn để ý về hình ảnh trong tâm trí bạn. Hình ảnh đó:Đen trắng hay đầy màu sắc? _____________Gần hay xa? _____________ Sáng hay mờ? _____________ Lớn hay nhỏ? _____________ Bất động hay là một đoạn phim? _____________ Nhập tâm hay không nhập tâm? _____________ Ở bên trái, bên phải, trên hay dưới màn ảnh tâm trí của bạn? _____________ |
*Hình ảnh nhập tâm là hình ảnh bạn dùng để mường tượng về sự việc theo góc nhìn của bản thân (giống như cách bạn luôn nhìn thế giới xung quanh). Hình ảnh không nhập tâm là hình ảnh bạn dùng để mường tượng về sự việc theo cách nhìn của một người khác (giống như bạn xem một đoạn phim trong đó có bạn).
Bây giờ tôi muốn bạn hãy đạo diễn những hình ảnh trong tâm trí bạn. Trong lúc đạo diễn, hãy để ý liệu cảm xúc của bạn đang mạnh hơn hay yếu đi. Nếu hình ảnh của bạn màu đen trắng, hãy thêm màu sắc cho nó. Nếu hình ảnh nằm ở phía xa, hãy kéo nó lại gần. Tương tự, nếu hình ảnh mờ mịt nhỏ bé, hãy phóng to ra và thêm ánh sáng. Thay đổi vị trí hình ảnh trên màn ảnh tâm trí của bạn cho đến khi cảm xúc của bạn tăng mạnh hơn. Nếu đó vẫn còn là một hình ảnh tĩnh, hãy biến nó thành một đoạn phim. Cuối cùng, nếu bạn đang hình dung sự việc theo con mắt của người khác quan sát bạn, hãy nhập tâm để hình dung sự việc theo cách nhìn của chính bạn.
Hãy ngừng đọc và làm thực nghiệm trên ngay bây giờ |
Nếu bạn đã đạo diễn thành công, bạn chắc hẳn cũng nhận thấy cảm xúc của bạn thay đổi một cách mạnh mẽ. Đối với hầu hết mọi người, cảm xúc tăng vọt mạnh mẽ khi họ:
|
Tương tự, khi bạn làm ngược lại, cảm xúc của bạn sẽ yếu đi và giảm cường độ.
BIẾT ĐƯỢC LÚC NÀO NÊN TĂNG CƯỜNG, LÚC NÀO NÊN GIẢM THIỂU CẢM XÚC
Vậy thì, bạn nên tận dụng những kiến thức này như thế nào trong cuộc sống? Bất cứ khi nào bạn rơi vào trạng thái tồi tệ, bạn có thể làm giảm cảm giác tệ hại đó bằng cách thay đổi hình ảnh trong tâm trí bạn, nghĩa là điều chỉnh hình ảnh nhỏ đi, mờ dần, không nhập tâm và đẩy nó ra xa.
Khi bạn cảm thấy vui vẻ tự tin, hãy tăng cường cảm xúc bằng cách điều chỉnh hình ảnh trong tâm trí của bạn to hơn, sáng ra, với nhiều màu sắc rực rỡ. Nhập tâm hoàn toàn vào hình ảnh đó, biến nó thành một đoạn phim và kéo nó lại gần phía bạn.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THAY ĐỔI HOÀN TOÀN CẢM GIÁC TỒI TỆ?
Giả sử có ai đó hoặc một việc gì đó làm bạn bực bội. Ví dụ, một bạn cùng lớp xúc phạm bạn khiến bạn cảm thấy rất chán nản, thất vọng, thậm chí giận dữ. Nếu bạn giống như hầu hết mọi người, bạn sẽ nghĩ mãi về chuyện này cả ngày và cứ quay đi quay lại những hình ảnh tồi tệ đó trong tâm trí bạn. Thế là cả ngày của bạn (và có thể những ngày tiếp theo) sẽ bị phá hủy vì bạn không có tâm trạng để làm gì cả.
Thay vào đó, bạn có thể chọn cách thay đổi hình ảnh trong tâm trí để giúp bạn chuyển từ cảm giác tồi tệ sang cảm giác bình tâm hoặc thậm chí vui vẻ ngay lập tức.
Đây là những việc bạn có thể làm. Trước hết, tách rời bản thân bạn ra khỏi hình ảnh nếu hiện tại bạn đang nhìn sự việc theo cách nhập tâm. Tưởng tượng cảnh bạn bước ra khỏi bức tranh đó, đi xa mười bước và đẩy bức tranh ra xa cho đến khi nó nhỏ lại chỉ còn khoảng một phần tư kích cỡ ban đầu. Bây giờ, hãy tưởng tượng có hai tai chuột mọc ra từ tai của người bạn đó và mũi của hắn thì sưng tấy lên như một quả cà chua to đùng. Cuối cùng, tóm lấy hình ảnh đó trong tay bạn, vò nát, rồi quăng mạnh nó ra xa về phía mặt trời và thưởng thức cảnh nó vỡ tung ra thành hàng triệu mảnh. Bạn cảm thấy thế nào? Tuyệt!
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐỘNG LỰC NGAY TỨC THÌ?
Bạn đã bao giờ ở trong tình huống là phải hoàn tất một công việc nhưng lại cảm thấy quá lười và mệt chưa? Xin nhớ rằng điều bạn cảm thấy chỉ đơn thuần là một trạng thái tinh thần có thể được thay đổi ngay lập tức. Chúng ta hãy áp dụng những gì vừa học theo các bước sau đây.
1. TẠO HÌNH ẢNH
Nghĩ về một khoảnh khắc trong quá khứ mà bạn cảm thấy quyết tâm mạnh mẽ và hết sức hưng phấn. Đó có thể là bất cứ sự kiện nào khiến bạn cảm thấy thật tuyệt vời. Hãy tạo ra một hình ảnh thật rõ ràng trong tâm trí bạn.
2. TĂNG CƯỜNG ĐỘ CẢM XÚC
Bây giờ, tăng cường cảm xúc bằng cách nhập tâm hoàn toàn vào hình ảnh như thể bạn thật sự đang hiện diện ở đó. Kế tiếp, chuyển những hình ảnh đó thành một đoạn phim. Phóng to, kéo gần và thêm đủ màu sắc vào hình ảnh. Tăng âm lượng của những âm thanh, tiếng nói mà bạn nghe được xung quanh. Cảm nhận giây phút tuyệt vời đó lan tỏa trong cơ thể bạn.
3. THAY ĐỔI TƯ THẾ CỦA BẠN
Cùng lúc đó, tôi muốn bạn thay đổi hoàn toàn tư thế để phù hợp với cảm xúc khi bạn quyết tâm mạnh mẽ với một tinh thần phấn chấn. Đứng thẳng dậy và nhảy nhót xung quanh nếu bạn muốn. Đẩy vai ra phía sau, hít thở sâu với vẻ mặt cực kỳ phấn kích.
4. THAY ĐỔI TỪ NGỮ CỦA BẠN
Bây giờ, thay đổi từ ngữ bạn dùng để đối thoại với bản thân. Tự nói với bản thân bằng giọng điệu phấn khởi nhất bạn có thể nghĩ tới: “Đúng thế! Mình sẽ hành động ngay bây giờ! Mình cảm thấy rất phấn khởi!”
Hãy ngừng đọc và làm thực nghiệm trên ngay bây giờ |
SỨC MẠNH CỦA NEO
Một phương pháp hiệu quả khác mà tôi dùng để chuyển đổi trạng thái tinh thần ngay lập tức là sử dụng neo. Trước hết, định nghĩa neo là gì? Theo nghĩa đen, neo là một dụng cụ hàng hải để giữ tàu thuyền không bị nước cuốn đi. Còn theo nghĩa trừu tượng mà chúng ta dùng ở đây? Hãy tưởng tượng mỗi trạng thái tinh thần của bạn là một con tàu. Nếu bạn không neo chúng lại một chỗ cố định mà để chúng trôi tự do, bạn sẽ mất nhiều thời gian tìm lại chúng khi cần. Ngược lại, nếu bạn neo chúng vào một vị trí cố định, bạn sẽ tìm được chúng ngay. Cũng như mỗi con tàu, mỗi cảm xúc có một cái neo riêng của nó. Neo của cảm xúc chính là những gì bạn thấy, bạn nghe, bạn làm hoặc cảm nhận khiến bạn có được cảm xúc đó ngay lập tức.
Bạn đã có rất nhiều cái neo xung quanh mà không hề biết. Thật đáng tiếc, đa số chúng lại đi cùng với những cảm xúc tiêu cực khiến bạn cảm thấy tồi tệ. Ví dụ: những cái neo có thể là chiếc giường của bạn, giọng nói của thầy, sách giáo khoa và phòng thi.
Đối với nhiều học sinh, chỉ cần nhìn thấy chiếc giường đã khiến họ cảm thấy uể oải, nhìn thấy sách giáo khoa khiến họ cảm thấy lười biếng, nghe giọng nói của thầy khiến họ cảm thấy tẻ nhạt, vào phòng thi khiến họ cảm thấy lúng túng lo sợ. Tất cả những cái neo tồi tệ này cần được tháo bỏ để những cảm xúc tồi tệ trôi đi tự do vì bạn không cần tìm lại chúng.
Đồng thời, chúng ta cần tạo ra những cái neo tích cực để có được cảm xúc tích cực ngay khi cần. Những cái neo tích cực chính là những việc chúng ta làm, nhìn thấy, nghe thấy hoặc cảm thấy có tác dụng mang lại động lực mạnh mẽ cho chúng ta.
LÀM THẾ NÀO CHÚNG TA TẠO RA NHỮNG CÁI NEO?
Bất cứ khi nào chúng ta ở trong một trạng thái tinh thần mạnh mẽ và có một tác nhân kích thích (một cái gì đó chúng ta làm, nhìn thấy, nghe thấy hoặc cảm thấy) được liên tục lặp đi lặp lại, tác nhân kích thích ấy sẽ gắn liền vào trạng thái tinh thần cụ thể đó. Bởi thế, ở lần tiếp theo khi chúng ta làm, nhìn thấy, nghe thấy hoặc cảm thấy tác nhân kích thích trước đó, chúng ta sẽ có lại được cùng trạng thái tinh thần ấy ngay tức khắc. Tác nhân kích thích lúc này đã trở thành một cái neo.
Ví dụ, giả sử bạn đang rất vui vẻ phấn khởi. Bây giờ, trong lúc cảm thấy hết sức vui vẻ phấn khởi này, bạn vỗ tay lặp đi lặp lại thật nhiều lần theo một cách nhất định. Sau một lúc, việc vỗ tay (tác nhân kích thích) sẽ gắn liền với cảm giác vui vẻ. Lần tới nếu bạn cảm thấy tệ hại, chỉ cần vỗ tay chính xác theo cách trước đây và nó sẽ lập tức mang lại cho bạn trạng thái vui vẻ phấn khởi. Đây là một kỹ năng hết sức hiệu quả mà tôi đã sử dụng nhiều lần.
TẠO RA NHỮNG CÁI NEO TÍCH CỰC CỦA RIÊNG BẠN
Vậy thì những gì tôi muốn bạn làm bây giờ là tạo ra những cái neo tích cực của riêng bạn. Sau đây là các bước cụ thể.
1. ĐẶT BẢN THÂN VÀO MỘT TRẠNG THÁI TINH THẦN TÍCH CỰC
Đầu tiên, áp dụng những gì bạn đã học về việc thay đổi hình ảnh trong tâm trí bạn, thay đổi tư thế của bạn để đặt bản thân vào một trạng thái cảm xúc tích cực càng mạnh mẽ càng tốt.
2. ÁP DỤNG TÁC NHÂN KÍCH THÍCH
Kế tiếp, khi bạn đang ở trong trạng thái cảm xúc mãnh liệt nhất, hãy áp dụng một tác nhân kích thích độc nhất mà bạn muốn dùng như một cái neo. Đó có thể là một hành động nhỏ, một vật bạn nhìn thấy, một âm thanh bạn nghe hoặc một điều gì đó bạn cảm thấy. Ví dụ, cái neo đó có thể là việc bạn vỗ tay (hành động, âm thanh, cảm giác) hoặc đấm tay vào không khí (hành động) như Tiger Woods. Bạn cũng có thể sử dụng âm nhạc vì khi được dùng làm neo, âm nhạc tỏ ra rất hữu hiệu.
3. LẶP ĐI LẶP LẠI NHIỀU LẦN
Bây giờ, hãy lặp đi lặp lại cái neo này ít nhất 10 lần trong khi bạn vẫn giữ nguyên cảm xúc tích cực mãnh liệt.
4. KIỂM TRA VÀ ÁP DỤNG
Cuối cùng, bạn có thể kiểm tra cái neo này bằng cách trở về trạng thái bình thường và sau đó bắt đầu dùng neo (đấm tay vào không khí hoặc bật nhạc). Việc này nên mang lại cho bạn cảm xúc tích cực vừa rồi ngay tức thì.
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG: NHỮNG VẬN ĐỘNG VIÊN HÀNG ĐẦU SỬ DỤNG NEO
Kỹ thuật dùng neo thật ra không có gì mới. Nó thường được các vận động viên hàng đầu sử dụng để đặt họ vào trạng thái tinh thần tích cực trước khi họ có thể thi đấu một cách tốt nhất. Lần tới nếu bạn xem các trận thi đấu bóng rổ, bóng đá, bóng chày, quần vợt hoặc đánh gôn, bạn hãy theo dõi cách những vận động viên này tạo ra những cử chỉ độc nhất trước khi họ thi đấu. Ví dụ, Michael Jordan thường hay lè lưỡi trước khi ném bóng vào rổ, một số vận động viên bóng chày lại thường lầm bầm tự nói với mình trước khi họ đánh vào một mục tiêu.