THÀNH CÔNG KHÔNG PHẢI DO MAY MẮN MÀ CÓ
Chào mừng bạn đến với chương yêu thích nhất của tôi. Mặc dù đây là chương 12 trong sách, xác định mục tiêu lại là bước đầu tiên quan trọng nhất mà bạn phải thực hiện trong quá trình vươn đến thành công trong học vấn và cuộc sống. Tôi cảm thấy rất phấn khởi khi được chia sẻ với bạn về sức mạnh của mục tiêu vì chính bản thân tôi đã gặt hái rất nhiều thành công từ việc xác định mục tiêu và hành động.
Tôi muốn nói với các bạn rằng tất cả mọi thứ tôi có được ngày hôm nay không phải do may mắn mà có. Thay vào đó, tôi thành công là do tôi đã mơ ước thành công và đã thiết kế con đường đi đến thành công trong các mục tiêu của tôi. Ở chương 1, tôi nói rằng việc đầu tiên thay đổi cuộc sống của tôi là do tôi xác định ba mục tiêu lớn trong khi vẫn đang bị coi là một đứa trẻ đần độn. Đó là vươn lên dẫn đầu trường cấp hai, được tuyển vào trường trung học Victoria (trường trung học hạng nhất ở Singapore thời đó), thi đậu và dẫn đầu trường Đại Học Quốc Gia Singapore. Trong vòng tám năm, tôi đã đạt được những mục tiêu tôi xác định. Tôi thành công chính xác theo đúng cách mà tôi đã hình dung.
Khi có được những thành công ban đầu, tôi càng có thêm động lực mạnh mẽ để xác định những mục tiêu to lớn hơn, vĩ đại hơn. Tôi xác định rõ ràng những mục tiêu trong cuộc sống vượt xa ngoài việc học. Tôi đã viết ra rằng tôi muốn trở thành tác giả của cuốn sách bán chạy nhất, sở hữu được nhiều công ty và đúng thế… tôi muốn trở thành triệu phú. Tôi xác định những mục tiêu đầy đam mê này khi chỉ mới 15 tuổi. Vào tuổi đó, tôi vẫn chưa biết chắc mình phải làm gì để đạt những mục tiêu trên. Tuy nhiên, cái ý nghĩ được sống một cuộc sống do chính tôi thiết kế thật sự cuốn hút và thúc đẩy tôi làm việc thật chăm chỉ.
Vào năm 21 tuổi, cuốn sách đầu tiên của tôi, chính là quyển sách bạn đang đọc đây, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Singapore. Vào tuổi 26, tôi đã biến ước mơ làm chủ bốn công ty thành hiện thực, mang lại thu nhập hơn một triệu đô la mỗi năm cho bản thân. Tôi muốn mở đầu chương này bằng việc chia sẻ những điều này với các bạn không phải để khoe khoang hay tạo ấn tượng gì. Tôi thật sự hy vọng, thông qua những điều tôi chia sẻ, các bạn sẽ hiểu được lời nhắn nhủ của tôi. Đó là bạn phải dám ước mơ. Mục tiêu chính là động lực thúc đẩy bạn đi đến thành công.
ĐẠI HỌC YALE NĂM 1952: BÀI HỌC ĐẦU TIÊN VỀ SỨC MẠNH CỦA MỤC TIÊ
Tôi đã nhận ra sức mạnh của mục tiêu thông qua một cuộc khảo sát thực hiện tại trường đại học Yale (một trong những đại học hàng đầu ở Mỹ) vào năm 1952. Lúc đó, khóa sinh viên sắp tốt nghiệp được hỏi rằng họ có những mục tiêu cụ thể nào về những gì họ muốn đạt được sau khi tốt nghiệp.
Ngạc nhiên thay, chỉ có 3% trong tổng số sinh viên viết ra được những mục tiêu của họ. Những sinh viên này biết rất rõ là họ muốn có công việc như thế nào, họ muốn kiếm bao nhiêu tiền và họ khao khát những thành công nào. Họ còn thiết kế cuộc sống mơ ước của họ trong vòng 15-20 năm tới. Ngược lại, 97% số sinh viên còn lại không hề có mục tiêu nào cả. Họ bỏ mặc mọi thứ cho số phận với thái độ “chuyện gì tới sẽ tới”.
20 năm sau, vào năm 1972, một cuộc khảo sát tiếp tục được thực hiện trên những sinh viên kể trên. Kết quả cuộc khảo sát này thật đáng kinh ngạc. Tổng thu nhập của 3% số sinh viên, những người đã xác định mục tiêu trước đó, đạt gấp 3 lần tổng thu nhập của 97% số sinh viên còn lại, những người không xác định mục tiêu. Nói cách khác, trung bình mỗi sinh viên xác định mục tiêu có thu nhập cao gấp 97 lần thu nhập của mỗi sinh viên không xác định mục tiêu.
Chuyện gì đã làm nên sự khác biệt to lớn này? Chắc chắn không phải là do mức độ thông minh hoặc khả năng của họ. Nói cho cùng thì tất cả họ đều tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng. Sự khác biệt chính là ở sức mạnh của mục tiêu.
TIGER WOODS, STEVEN SPIELBERG VÀ BILL CLINTON GIỐNG NHAU Ở ĐIỂM NÀO?
Nếu bạn để ý kỹ những người nổi tiếng, bạn sẽ nhận ra rằng họ thành công là do họ dám mơ ước về thành công đó từ rất sớm. Họ cũng hiểu rằng thành công mà họ có được là do họ đã lên kế hoạch để thành công.
Tiger Woods hiện là vận động viên đánh gôn số một thế giới. Ở tuổi 24, anh đã đạt nhiều thành tích trong môn thể thao gôn hơn bất kỳ ai khác trong lịch sử. Bạn có biết rằng Tiger đạt được những điều này là do anh đã xác định mục tiêu đánh bại những vận động viên đánh gôn hàng đầu và trở thành số một thế giới từ năm anh tám tuổi.
Năm 12 tuổi, Steven Spielberg xác định mục tiêu trở thành nhà đạo diễn phim giỏi nhất. Năm 36 tuổi, ông trở thành một trong những nhà làm phim thành công nhất trong lịch sử thế giới. Ông đã đạo diễn bốn trong mười phim đạt doanh thu cao nhất thế giới và thu về nhiều giải thưởng điện ảnh nhất. Nhờ đâu mà ông có thể đạt được những thành công phi thường đến thế khi còn rất trẻ? Một lần nữa, đó chính là nhờ ông hiểu được sức mạnh của mục tiêu.
Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, con của một góa phụ nghèo sống ở một nông trại nhỏ, xác định tham vọng trở thành tổng thống Mỹ khi vẫn còn là một đứa trẻ. Thầy cô, họ hàng, bạn bè đều nói với ông rằng “Tỉnh dậy đi, đừng mơ nữa nhóc!”. Nhưng cũng như Woods và Spielberg, ông đã dám vạch ra tương lai và biến ước mơ thành hiện thực.
TẠI SAO MỌI NGƯỜI KHÔNG XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU?
Bạn có thể tự hỏi “Nếu việc xác định mục tiêu có sức mạnh phi thường giúp bạn thành công đến vậy, tại sao mọi người lại không xác định mục tiêu?”.
Khi còn nhỏ, chúng ta luôn có những ước mơ và mục tiêu bay bổng về tương lai. Chúng ta mơ được làm bác sĩ, lính cứu hỏa, ngôi sao điện ảnh và những anh hùng. Thật đáng tiếc, khi lớn lên, nhiều người trong chúng ta lại từ bỏ mục tiêu của mình và cũng không màng tới việc đặt ra mục tiêu mới. Dưới đây là ba lý do chính tại sao người ta không xác định mục tiêu.
1. HỌ KHÔNG TỰ TIN
Lý do chính khiến người ta không xác định mục tiêu là vì họ thiếu tự tin. Sự tự tin chính là cảm giác tin tưởng vào giá trị bản thân. Tôi thường khuyên các học sinh của tôi nên hướng tới những kết quả tốt nhất và những trường tốt nhất. Một số thường trả lời tôi rằng họ không bao giờ đạt được những kết quả đó, hay vào được những trường hạng nhất đó. Những học sinh khác thì trả lời rằng những kết quả tốt đẹp đó không dành cho họ mà là dành cho những “học sinh khác”. Có thể là do trong quá khứ, thầy cô, cha mẹ hay bạn bè thường nói rằng chúng ta rất kém hoặc không có khả năng. Tất cả những lời nhận xét này khiến chúng ta mất hẳn sự tự tin.
Xin nhớ rằng tất cả những điều này đều không đúng sự thật. Như bao người khác, bạn có một tiềm năng to lớn ẩn chứa trong con người bạn. Nếu người khác làm được, bạn cũng có thể làm được. Bạn xứng đáng lãnh nhận những gì tốt nhất trong cuộc sống. Một khi bạn hiểu được điều này, bạn sẽ bắt đầu xác định mục tiêu cho bản thân.
2. HỌ KHÔNG TIN VÀO SỨC MẠNH CỦA MỤC TIÊU
Nhiều học sinh không xác định mục tiêu là vì họ không tin vào việc làm này. Họ không tin vào sức mạnh của mục tiêu. Họ đưa ra nhiều ví dụ về việc họ đã từng xác định mục tiêu trong quá khứ nhưng họ không đạt được. Chúng ta cũng được nghe nói về nhiều người xác định mục tiêu lớn lao nhưng thất bại. Lý do thất bại của tất cả những người này không phải là do việc xác định mục tiêu không có tác dụng, mà là do họ đã không cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu, hoặc do họ áp dụng sai phương pháp và bỏ cuộc giữa chừng.
Việc xác định mục tiêu tự nó sẽ không mang lại thành công cho bạn. Bạn phải hành động liên tục với một quyết tâm mãnh liệt để đạt được mục tiều đề ra.
3. HỌ SỢ THẤT BẠI. HỌ SỢ XẤU HỔ
Một lý do lớn khác khiến học sinh không dám xác định mục tiêu là vì họ sợ thất bại và sợ xấu hổ. Họ sợ rằng nếu họ xác định mục tiêu đạt tất cả điểm 10 mà không đạt được, họ sẽ cảm thấy thất bại tràn trề. Để né tránh thất bại, họ không bao giờ dám xác định mục tiêu. Nếu bạn không xác định mục tiêu, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thất bại, đúng không? Nhưng thật sự bạn đang thất bại. Thêm vào đó, nếu bạn không bao giờ xác định mục tiêu, bạn cũng chẳng bao giờ thành công cả.
Những học sinh giỏi dám xác định mục tiêu to lớn vì họ không tin vào thất bại. Khi họ không đạt được mục tiêu, họ không nghĩ đó là thất bại. Thay vào đó, họ xem đó là một kinh nghiệm cần học hỏi. Kết quả là họ không cảm thấy xấu hổ về việc này. Họ biết rằng miễn là họ học hỏi kinh nghiệm và liên tục hành động, cuối cùng họ cũng sẽ đạt được mục tiêu. Thay vì mất tinh thần khi bị người khác cười chê, tôi muốn bạn chuyển sự nhạo báng đó thành sức mạnh và động lực thúc đẩy bạn. Chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề này nhiều hơn trong chương Công Thức Để Đạt Điểm Tuyệt Đối.
Thật sự, động lực mạnh mẽ thúc đẩy tôi khi còn là một học sinh chính là việc tôi muốn chứng tỏ với tất cả thầy cô, bạn bè rằng họ đã sai. Họ càng cười nhạo tôi và nói rằng tôi không thể đạt được điều đó, tôi càng cảm thấy mạnh mẽ để học tập chăm chỉ, đạt được mục tiêu để chứng tỏ cho họ thấy. Vậy thì, đừng để nỗi sợ xấu hổ làm bạn mất tinh thần. Hãy biến nỗi sợ đó thành sức mạnh.
MỤC TIÊU LÀ ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY CHÚNG TA ĐẾN THÀNH CÔNG
Tại sao mục tiêu lại có tác động mạnh đến như vậy? Tại sao xác định mục tiêu lại thúc đẩy chúng ta đi đến thành công? Mục tiêu có ba đặc tính mạnh mẽ sau đây có thể giúp chúng ta thành công.
1. MỤC TIÊU DẪN ĐƯỜNG CHO QUYẾT ĐỊNH VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA
Mục tiêu mà bạn xác định sẽ luôn hướng dẫn cuộc sống của bạn từng giây từng phút. Mục tiêu dẫn đường cho những lựa chọn và hành động của bạn. Nếu mục tiêu của bạn là trở thành học sinh giỏi nhất trường, bạn sẽ có những lựa chọn gì? Bạn sẽ chọn việc tập trung trong lớp học, ghi chú đầy đủ, chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi. Khi bạn bè rủ bạn đi chơi sau giờ học, bạn sẽ từ chối vì bạn biết rằng việc đó không giúp bạn đạt được mục tiêu.
Mặt khác, nếu bạn xác định mục tiêu trở thành một người chơi gôn chuyên nghiệp như Tiger Woods, bạn có lựa chọn và hành động khác không? Dĩ nhiên! Bên cạnh việc tập trung đạt điểm cao ở trường, bạn sẽ chọn việc tập đánh gôn và dành hàng giờ liền để chơi gôn. Tương tự, nếu mục tiêu của bạn là trở thành vận động viên bơi lội cấp quốc gia, bạn sẽ quyết định đi tập bơi. Bạn thấy không, mục tiêu quyết định những việc bạn làm. Mục tiêu quyết định những lựa chọn trong cuộc sống của bạn.
Nguy hiểm nhất là khi bạn không có mục tiêu. Khi bạn không có mục tiêu, bạn không biết tập trung vào việc gì, và bạn sẽ có khuynh hướng làm những việc mà bạn cảm thấy quan tâm vào thời điểm đó. Bạn sẽ di chuyển khắp mọi hướng để rồi quay lại đúng chỗ cũ thay vì tiến lên theo một hướng nhất định. Nói đơn giản, bạn chỉ hành động theo đám đông như một con cừu không hơn không kém.
Một nguy hiểm nữa từ việc không xác định mục tiêu rõ ràng là trong tiềm thức của bạn sẽ tự tạo ra những mục tiêu nguy hại. Trước khi tôi được học cách xác định mục tiêu trong chương trình Thiếu Niên Siêu Đẳng, tôi đã từng có những mục tiêu nguy hại như “xem tivi càng nhiều càng tốt”, “né tránh việc học”, “gây khó khăn cho thầy cô”, “ngủ càng nhiều càng tốt” và “ráng đừng để thi rớt là được”. Không có gì bất ngờ khi tôi luôn nhận những kết quả tệ hại, những mục tiêu nguy hại này hướng tôi ra khỏi con đường thành công và tiến thẳng đến thất bại. Vậy thì xin bạn ghi nhớ rằng, nếu bạn không quyết định và lên kế hoạch về những gì bạn muốn, tiềm thức của bạn sẽ quyết định những mục tiêu nguy hại thay bạn.
BẠN PHẢI CHỦ ĐỘNG THIẾT KẾ NHỮNG MỤC TIÊUTHÚC ĐẨY VÀ HƯỚNG DẪN BẠN ĐI ĐẾN THÀNH CÔNG |
2. MỤC TIÊU THÚC ĐẨY CHÚNG TA
Trong thời gian tôi còn là một học sinh kém, tôi luôn tự hỏi rằng làm thế nào mà những bạn học giỏi cùng lớp có thể tìm thấy đủ năng lượng và động lực để hoàn thành tất cả bài tập, hoặc ôn bài kỹ lưỡng cho bài kiểm tra? Làm thế nào mà họ có thể học nhiều giờ liền, thậm chí vào cuối tuần, không xem tivi, không chơi trò chơi điện tử, không đi chơi? Bí quyết của họ là gì? Làm thế nào mà họ có nhiều động lực thúc đẩy đến thế trong khi tôi luôn cảm thấy lười biếng, mệt mỏi? Tôi đã phát hiện ra bí quyết nằm ở những mục tiêu mà chúng ta xác định. Mục tiêu tiếp thêm năng lượng và sức mạnh cho chúng ta. Không có mục tiêu, chúng ta luôn cảm thấy lười biếng, mệt mỏi.
KHÔNG CÓ HỌC SINH LƯỜI, CHỈ CÓ HỌC SINH KHÔNG CÓ MỤC TIÊU RÕ RÀNG |
Bạn có bao giờ cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi khi phải học một chương sách nào đó không? Nhưng cùng lúc đó, nếu bạn được chơi trò chơi điện tử yêu thích của bạn, bạn lại cảm thấy dồi dào năng lượng và có thể chơi hàng giờ liền không biết mệt đúng không? Vậy mà, ngay khi vừa cầm quyển sách lên đọc, bạn lại ngáp ngắn ngáp dài và cảm thấy hết sức buồn ngủ. Tại sao lại như vậy?
Khi chơi trò chơi điện tử, chúng ta có một mục tiêu rõ ràng, đó là chiến thắng. Điều này tiếp thêm năng lượng và động lực để chúng ta tiếp tục chơi. Vấn đề là khi chúng ta học bài, đa số chúng ta không có mục tiêu rõ ràng là đạt điểm 10 hay vươn lên đứng nhất, do đó não bộ chúng ta tự ngưng hoạt động và làm chúng ta mất năng lượng. Ngay khi bạn xác định những mục tiêu hào hứng trong việc học cho bản thân, bạn sẽ tìm thấy nguồn năng lượng thúc đẩy bạn vượt qua sự lười biếng.
3. MỤC TIÊU GIẢI PHÓNG TIỀM NĂNG CỦA CHÚNG TA
Một lý do khác của việc xác định mục tiêu là mục tiêu giúp chúng ta vượt xa hơn khả năng bình thường để đạt những kết quả tuyệt vời. Giả sử bạn luôn nhận điểm 2 môn toán. Đây là điểm số bình thường của bạn. Và bạn xác định mục tiêu đạt điểm 10 trong kỳ thi sắp tới. Bằng việc xác định mục tiêu đạt điểm 10, bạn sẽ bắt đầu học theo một cách khác. Bạn ghi chú bài giảng chi tiết hơn, tìm hiểu rõ hơn về những khái niệm còn mờ mịt, dành nhiều thời gian hơn để giải những bài toán khó. Kết quả là, ngay cả khi bạn không đạt điểm 10, bạn cũng có thể đạt điểm 8-9, cao hơn nhiều so với điểm số 2 trung bình của bạn.
XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU TRONG TỪNG LĨNH VỰC CUỘC SỐNG
Tất cả chúng ta đều biết rằng công nhân là người xây dựng nên những căn nhà. Nhưng trước khi họ bắt đầu công việc xây dựng, họ cần những kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà. Tại sao vậy? Bởi vì việc thiết kế này giúp họ biết được mái nhà cao bao nhiêu, có bao nhiêu cửa ra vào, có bao nhiêu cột nhà, v.v… Họ sẽ làm theo đúng thiết kế để xây nên một căn nhà hoàn chỉnh.
Các công nhân có xây được nhà mà không cần bản thiết kế không? Điều này nghe có vẻ nực cười. Nếu không có bản thiết kế cụ thể, họ chỉ có thể xây một cách vô tôi vạ đến khi không còn gạch mà vẫn không biết hình thù căn nhà ra sao. Chuyện gì sẽ xảy ra? Sản phẩm của họ sẽ chỉ là một ngôi nhà siêu vẹo, xấu xí với hình thù kỳ quái.
Bạn có thể cho rằng việc xây nhà mà không có bản thiết kế là vô lý. Vậy bạn có nhận ra việc chúng ta sống cũng giống như việc xây dựng một căn nhà? Ấy thế mà, nhiều người sống mà không hề có kế hoạch nào về cuộc sống tương lai sau này. Mỗi ngày chúng ta sống cũng giống như mỗi viên gạch chúng ta dùng để xây cuộc sống. Nếu bạn cứ liên tiếp xây từng viên gạch mà không biết bạn đang xây gì, cuối cùng bạn sẽ xây được một cuộc sống không như ý chút nào. Thật đáng tiếc, nhiều người không nhận ra được điều này cho đến khi họ phải gánh chịu một cuộc sống tồi tệ. Lúc ấy, họ mới nhận ra rằng lẽ ra họ có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều nếu họ biết thiết kế cuộc sống của họ.
Khi bạn xây nhà, bạn phải thiết kế tất cả mọi phần của căn nhà như phòng ngủ, phòng tắm, nhà bếp, v.v… Tương tự, khi bạn xác định mục tiêu trong cuộc sống, bạn phải tập trung vào tất cả những lĩnh vực đem lại cho bạn một cuộc sống mong muốn. Ví dụ, chẳng có ích gì khi bạn học rất giỏi nhưng lại không có sức khỏe. Cũng chẳng ích gì khi bạn có một nghề yêu thích, có sức khỏe tốt nhưng lại cực kỳ nghèo.
Nhìn chung, bạn phải thiết kế và xác định mục tiêu trong bốn lĩnh vực cuộc sống. Đó là:
XÁC ĐỊNH NHỮNG MỤC TIÊU TO LỚN HẤP DẪN
Nhiều người nói với tôi rằng họ vẫn không cảm thấy có động lực thậm chí sau khi họ đã xác định mục tiêu. Họ vẫn không cảm thấy muốn hành động. Lý do là vì những mục tiêu mà họ đề ra không đủ hấp dẫn đối với họ.
Muốn có được quyết tâm, động lực để hành động kiên trì, bạn phải xác định những mục tiêu to lớn. Những mục tiêu to lớn là những mục tiêu vượt xa ngoài khả năng hiện tại của bạn. Điều quan trọng nhất là ý nghĩ đạt được những mục tiêu ấy thật sự làm bạn cảm thấy hết sức hạnh phúc, phấn khởi.
Khi tôi xác định mục tiêu vươn lên dẫn đầu trường (một mục tiêu rất lớn), ý nghĩ đạt được mục tiêu này thật sự làm tôi cảm thấy rất vui sướng, nhất là khi tôi đang là học sinh đứng chót lớp lúc bấy giờ. Cảm giác vui sướng đặc biệt này thúc đẩy tôi thức đêm thức hôm học hành chăm chỉ. Một mục tiêu to lớn khác của tôi là kiếm được một triệu đôla. Mục tiêu này thúc đẩy tôi mạnh mẽ đển mức tôi đã thành lập công ty đầu tiên của mình năm 15 tuổi và làm hai công việc cùng lúc khi vẫn còn đi học.
Thay vào đó, nhiều người có khuynh hướng xác định những mục tiêu dễ dàng, nhỏ bé với ý nghĩ rằng những mục tiêu này dễ đạt được hơn nhiều so với những mục tiêu khác. Vấn đề ở đây là những mục tiêu này không thúc đẩy bạn hành động được. Nếu tôi xác định mục tiêu là một trong 50 học sinh giỏi nhất trường, tôi sẽ không cảm thấy hào hứng bằng việc tôi muốn trở thành học sinh giỏi nhất.
Chắc hẳn là bạn đã nghe bạn bè, thầy cô nói rằng “Đừng nên quá tham vọng. Hãy sống thực tế”. Đa số những người nói câu này đều lo sợ thử thách to lớn vì họ sợ thất bại. Những người như vậy sống một cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt.
Những người vĩ đại đạt được những thành công vĩ đại ít khi “có óc thực tế” theo tiêu chuẩn của đa số mọi người. Họ thiên về những ước mơ mà người khác cho là ảo tưởng. Nhưng họ lại cảm thấy thật sự hạnh phúc khi nghĩ đến lúc ước mơ đó thành hiện thực. Điều này thúc đẩy họ bằng mọi giá phải đạt được những ước mơ ấy. Anh em nhà Wright bị người đời nhạo báng là điên rồ khi họ có ý tưởng chế tạo máy bay. Khi cựu tổng thống Mỹ John F Kennedy xác định mục tiêu đưa con người lên mặt trăng và trở về trái đất, mọi người cho là ông ta đang ảo tưởng. Nhưng hiện nay, chúng ta đã đạt được tất cả những điều đó và còn nhiều hơn nữa. Tại sao? Chính là nhờ vào những ước mơ táo bạo và hầu như không tưởng của những con người dám nghĩ, dám làm này.
SÁU BƯỚC XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU HIỆU QUẢ
Bây giờ thì bạn đã hiểu sức mạnh và tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu. Bạn phải học cách tạo ra những mục tiêu thúc đẩy bạn đi đến cùng. Những quyết tâm đầu năm mới thường bị bỏ ngang chỉ vì không có khả năng thúc đẩy mạnh mẽ. Đó chỉ là những ước mơ nhỏ bé, yếu ớt. Để mục tiêu có thể làm động lực thúc đẩy chúng ta, bạn phải làm theo sáu bước sau đây:
1. VIẾT RA NHỮNG GÌ BẠN MUỐN MỘT CÁCH CỤ THỂ
Bước đầu tiên là viết ra những mục tiêu của bạn càng chi tiết càng tốt. Khi bạn xác định mục tiêu cụ thể, tâm trí bạn sẽ tập trung tốt hơn để đạt mục tiêu đó. Khi mục tiêu của bạn quá chung chung hoặc không rõ ràng, tâm trí bạn sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được những gì bạn thật sự muốn. Ví dụ, những mục tiêu như “Tôi muốn học toán khá hơn”, “Tôi muốn thi tốt”, “Tôi muốn tiết kiệm nhiều tiền hơn” và “Tôi muốn có một công việc ổn định” là những mục tiêu không rõ ràng.
Việc học môn toán khá hơn có thể có nghĩa là tăng thêm được ba điểm, bốn điểm hoặc năm điểm môn toán. Thi tốt có thể đơn thuần chỉ là thi đậu với điểm năm hoặc có thể là đạt điểm 10. Một công việc ổn định cũng có thể là làm người thu dọn rác hoặc một nhà khoa học. Cả hai nghề này đều ổn định.
Thay vào đó, mục tiêu của bạn nên cụ thể như “Tôi muốn tăng điểm toán từ bốn điểm lên chín điểm”, “Tôi muốn đạt sáu điểm 10 và một điểm chín trong kỳ thi”, “Tôi muốn tiết kiệm 20 ngàn đồng một tuần và hai triệu đồng trước khi tôi 17 tuổi” hoặc “Tôi muốn trở thành một nhà vật lý hạt nhân chuyên nghiên cứu các dạng năng lượng thay thế”.
2. LIỆT KÊ TẤT CẢ NHỮNG LỢI ÍCH VÀ NHỮNG LÝ DO CHO VIỆC ĐẠT MỤC TIÊU
Nguyên nhân tại sao nhiều người không quyết tâm để đạt mục tiêu là vì họ không có những lý do rõ ràng tại sao họ muốn đạt mục tiêu đó. Chúng ta ít khi có động lực làm một việc gì trừ khi chúng ta biết rõ nguyên nhân và lợi ích của nó. Bởi thế, sau khi bạn đã xác định mục tiêu, bạn hãy viết ra ít nhất năm lý do tại sao bạn phải đạt mục tiêu đó. Ngoài ra, bạn cũng cần viết ra những lợi ích đi kèm với mục tiêu đó. Xác định một mục tiêu sẽ không thúc đẩy được bạn trừ khi bạn có những lý do chính đáng, thuyết phục.
3. LÊN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
Vạch ra kế hoạch chi tiết và những hành động cụ thể để tiến gần đến mục tiêu đề ra. Một cuốn sổ sắp xếp thông tin và một cuốn lịch sẽ giúp bạn lên kế hoạch hiệu quả.
Ví dụ:
4. XÁC ĐỊNH THỜI HẠN
Tiếp theo, bạn phải xác định thời hạn cụ thể để đạt mục tiêu của bạn. Nếu bạn không có thời hạn cụ thể, bạn sẽ có khuynh hướng trì hoãn cho đến khi mục tiêu của bạn bị lãng quên. Xác định thời hạn cụ thể có nghĩa là viết rõ ra ngày tháng năm bạn phải đạt mục tiêu đó.
5. TIẾP THÊM CẢM XÚC CHO MỤC TIÊU CỦA BẠN
Hầu hết những hành động trong ngày của chúng ta không phải do lý trí mà là do cảm xúc chúng ta thúc đẩy. Về mặt lý thuyết, chúng ta muốn đạt một mục tiêu và biết rõ lý do tại sao chúng ta nên đạt mục tiêu đó, nhưng chính cảm xúc lại là động lực thật sự thúc đẩy chúng ta hành động. Bởi thế, đây là một trong những bước quan trọng nhất. Bạn phải nhắm mắt lại, tưởng tượng cảnh bạn đạt được mục tiêu đề ra và tận hưởng cảm giác vui sướng, thỏa mãn, cũng như những lợi ích do việc đạt được mục tiêu mang lại. Tôi muốn bạn hãy mơ mộng về việc đạt được ước mơ của bạn cho đến khi ước mơ đó trở nên rất thật trong tâm trí bạn. Làm như vậy sẽ giúp bạn có nguồn cảm hứng dồi dào để hành động kiên định tiến về mục tiêu.
6. LẤY ĐÀ BẰNG VIỆC HÀNH ĐỘNG NGAY TỨC KHẮC
Thông thường, mọi người xác định mục tiêu, lên kế hoạch hành động rồi chỉ để trì hoãn chúng đến ngày hôm sau. Chẳng bao lâu, họ sẽ chần chừ và không bao giờ bắt đầu thực hiện mục tiêu. Bạn phải tránh điều này bằng việc làm một cái gì đó ngay sau khi bạn viết xong mục tiêu để lấy đà cho các chuỗi hành động tiếp theo sau này. Cho dù lúc đó là một giờ sáng, bạn cũng nên làm một chuyện gì đó giúp bạn tiến gần đến mục tiêu hơn một chút. Ngay khi bạn vừa xác định mục tiêu là nâng cao điểm toán, bạn nên cầm quyển sách toán lên đọc ít nhất vài trang. Ngay khi bạn vừa xác định mục tiêu mua một chiếc xe hơi mới, bạn nên đi đến phòng triển lãm lấy những tờ quảng cáo. Việc lấy đà ngay lập tức này có sức mạnh phi thường giúp bạn tiếp tục hành động kiên định tiến dần về phía mục tiêu của bạn.
VÍ DỤ VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU HIỆU QUẢ
Chúng ta hãy cùng xem xét một vài ví dụ về những mục tiêu hiệu quả mà bạn cần xác định. Bạn có thể viết chúng vào nhật ký, sổ ghi chép hoặc sổ lên kế hoạch của bạn.
VÍ DỤ VỀ MỤC TIÊU TRONG HỌC TẬP
Tôi quyết tâm đạt điểm 10 môn toán trong kỳ thi cuối năm.Lợi ích và Nguyên nhân:
Kế hoạch hành động: Kế hoạch của tôi là thực tập các bài thi trong sáu năm trước cho đến khi tôi đạt 10 điểm trên từng bài thi. Tôi sẽ làm việc này hai lần một tuần (vào thứ hai và thứ năm). Hơn nữa, tôi sẽ dành hai tiếng một ngày để ôn lại từng chương sách.
Thời hạn đạt mục tiêu là ngày 26 tháng 11 năm 2007. |
VÍ DỤ VỀ MỤC TIÊU CHO SỨC KHỎE
Tôi quyết tâm đạt kết quả tốt trong kỳ kiểm tra sức khỏe hàng năm.Lợi ích và Nguyên nhân:
Kế hoạch hành động: Chạy hai cây số vào mỗi tối thứ ba và thứ năm. Tập động tác bụng 50 lần và hít đất 100 lần mỗi buổi sáng.
Thời hạn đạt mục tiêu là ngày 14 tháng 10 năm 2007. |
ÁP PHÍCH MỤC TIÊU
Mục tiêu không phải là thứ mà bạn xác định rồi bỏ qua một bên và chỉ xem lại sau một năm. Mục tiêu là những việc bạn phải thường xuyên xem xét, ghi nhớ và hành động hướng đến chúng hàng ngày. Một thói quen tốt bạn cần có là bắt đầu một ngày mới bằng việc đọc lại những mục tiêu trong cuốn sổ của bạn. Một phương pháp tốt khác nữa là bạn nên tóm tắt các mục tiêu trong học tập của bạn vào một tờ giấy lớn rồi dán lên tường. Bằng cách này, bạn sẽ luôn được nhắc nhở về mục tiêu ngay khi bạn vừa thức dậy mỗi buổi sáng. Dưới đây là một ví dụ minh họa về bảng tóm tắt mục tiêu bạn có thể tạo ra cho kỳ thi sắp tới của bạn.
Kết quả kỳ thi cuối năm 2007 Anh văn 9 điểm Toán 10 điểm Vật lý 10 điểm Hóa học 10 điểm Địa lý 9 điểm Lịch sử 9 điểm
Lý do tôi phải đạt những kết quả này là để thi đậu vào trường trung học chuyên Lê Hồng Phong. Tôi muốn chứng tỏ cho bản thân cũng như bạn bè thấy rằng tôi thật sự thông minh và có thể đạt những gì tôi muốn.
Thời hạn đạt mục tiêu là ngày 7 tháng 7 năm 2007.
|
LÊN KẾ HOẠCH CHO CUỘC SỐNG
Bên cạnh việc xác định mục tiêu trong bốn lĩnh vực trọng yếu trong cuộc sống (học tập/nghề nghiệp, sức khỏe/thể thao, tài chính/lối sống và gia đình/xã hội), bạn phải xác định những mục tiêu dài hạn cũng như những mục tiêu ngắn hạn. Những mục tiêu dài hạn là những mục tiêu bạn hướng tới từ hai đến 15 năm nữa. Những mục tiêu ngắn hạn là những mục tiêu bạn muốn đạt được trong vòng hai năm tới.
Nhiều học sinh không cảm thấy có động lực thậm chí sau khi đã xác định tất cả các mục tiêu đạt điểm 10 vì họ không biết họ muốn làm gì trong tương lai xa sau này. Tôi luôn nói với các học sinh của tôi rằng họ sẽ không bao giờ có động lực trong học tập trừ khi họ biết được họ muốn làm gì trong tương lai. Nếu bạn không có định hướng rõ ràng về cuộc sống của bạn trong vòng 10 tới 15 năm từ bây giờ, việc đạt được điểm 10 hoặc học một môn học không hề có ý nghĩa hay động lực nào thúc đẩy bạn.
Nói cách khác, nếu bạn có mục tiêu dài hạn trở thành một nhà chính trị gia hoặc thậm chí một tổng thống, bạn sẽ có động lực học lịch sử, kinh tế, chính trị. Bạn sẽ có động lực thi đậu vào trường trung học hạng nhất. Nếu bạn có mục tiêu dài hạn trở thành một diễn viên, bạn sẽ có động lực học văn học, tâm lý con người, truyền thông đại chúng, lịch sử. Bạn cũng sẽ thấy được sự cần thiết của việc thi đậu vào trường nghệ thuật.
Vậy thì, đây là lúc bạn bắt đầu mơ ước và quyết định bạn muốn làm gì trong vòng 15 năm tới. Bạn mơ ước về nghề nghiệp gì? Bạn mơ ước được làm cho công ty nào hay bạn mơ ước thành lập công ty riêng của bạn? Bạn muốn kiếm bao nhiêu tiền? Bạn muốn sống một cuộc sống như thế nào? Bạn muốn giao du với tầng lớp xã hội nào? Căn nhà mơ ước của bạn ra sao? Chiếc xe mơ ước của bạn thế nào? Bạn muốn mình làm được những gì? Được đi du lịch nghỉ mát mỗi năm hai lần? Bạn còn muốn làm được gì nữa?
Những giấc mơ tương lai tuyệt đẹp này sẽ đem lại cho bạn ý nghĩa, niềm say mê, khát khao vượt trội đạt được điểm cao và được tuyển vào những trường danh tiếng nhất. Khi bạn nghĩ về tất cả những ước mơ của bạn, hãy để trí tưởng tượng của bạn bay bổng. Xin nhớ rằng bạn phải mơ cao mơ xa, đừng để trí tưởng tượng giới hạn bạn. Bạn có thể tạo ra được những gì bạn khát khao. Để làm được điều này, bạn cần phải để cảm xúc của bạn tăng vọt. Lý do là vì con người chúng ta có khuynh hướng làm việc theo cảm xúc chứ không phải lý trí.
Một khi bạn đã ghi lại tất cả những ước mơ dài hạn của bạn, tôi muốn bạn biến chúng thành bản thiết kế trên một mảnh giấy lớn. Đây chính là bản thiết kế cuộc sống của bạn. Sau khi hoàn tất, bạn hãy dán nó lên tường nơi bạn có thể dễ dàng nhìn thấy để tiếp thêm cảm hứng mỗi ngày. Không có giới hạn về những gì bạn có thể vẽ trên bản thiết kế cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, sau đây là một số chi tiết quan trọng mà bạn cần phải thiết kế:
Dưới đây là một ví dụ minh họa.
THIẾT KẾ CUỘC SỐNG CỦA TÔI
TRƯỜNG CẤP HAI PING YI
16 Tuổi
- Đạt bảy điểm 10 trong kỳ thi cuối năm
- Đạt loại xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp cấp hai
TRƯỜNG TRUNG HỌC VICTORIA
16-18 Tuổi
- Đạt bốn điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp cấp ba
- Vật lý/Kinh tế học/Toán sơ cấp/Toán trung cấp
NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
18-21 Tuổi
- Vào trường sĩ quan Cadet
- Đạt cấp bậc trung úy
- Đạt loại tốt trong kỳ kiểm tra sức khỏe
ĐẠI HỌC QUỐC GIA SINGAPORE
21-24 Tuổi
- Đứng trong nhóm 1% sinh viên giỏi nhất trường
- Tốt nghiệp với loại xuất sắc danh dự
- Cử nhân ngành Quản trị kinh doanh
TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA ĐỘNG LỰC CUỘC SỐNG, CHUYÊN GIA TƯ VẤN KINH DOANH & TÁC GIẢ NỔI TIẾNG NHẤT
24-26 Tuổi
- Bán 100,000 quyển sách trong một năm
- Đạt được mức lương 20.000 đô/tháng
TRỞ THÀNH ÔNG CHỦ CỦA ÍT NHẤT NĂM CÔNG TY VỀ TỔ CHỨC, GIÁO DỤC VÀ TƯ VẤN
26-28 Tuổi
- Đạt được doanh thu 20 triệu đô mỗi năm
- Tổng lợi nhuận là năm triệu đô mỗi năm
ĐƯA CÔNG TY LÊN SÀN CHỨNG KHOÁN
31 Tuổi
NGHỈ HƯU VỚI 100 TRIỆU ĐÔ TÀI CHÍNH
35 Tuổi
CHƠI GÔN VÀ LÀM TỪ THIỆN
36 Tuổi Trở Đi
CÁC MỤC TIÊU KHÁC
Ø Tậu chiếc xe hơi mơ ước BMW/Mercedes vào tuổi 25
Ø Cưới một người vợ thông minh, xinh đẹp, đảm đang và có hai đứa con vào tuổi 29
Ø Mua ngôi nhà mơ ước – 30 tuổi
o Nhà biệt thự rộng 15.000 m2
o Có hồ bơi
o Có sáu phòng ngủ
o Có phòng giải trí ca nhạc, điện ảnh
Ø Đi du lịch nghỉ mát hàng năm với gia đình, 31 tuổi trở đi.
THIẾT KẾ CUỘC SỐNG CỦA BẠN
Bạn đã sẵn sàng định hướng cho những thành tựu mà bạn muốn đạt được trong cuộc sống chưa? Tốt lắm. Xin nhớ rằng bạn có đủ tiềm năng và năng lực để đạt những kết quả phi thường. Vậy thì bạn hãy thiết kế cuộc sống của bạn với niềm đam mê và niềm tin tuyệt đối. Chúc bạn vui vẻ với công việc thiết kế cuộc sống của chính mình!
XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU CÁ NHÂN CỦA BẠN
Khi hoàn tất, bạn có thể sử dụng bốn bước xác định mục tiêu để viết ra những mục tiêu cá nhân của bạn trong cuốn sổ tay hay nhật ký. Đây chính là tất cả những mục tiêu bạn cần phải đạt được để có một cuộc sống như bạn đã phác thảo trong bản thiết kế. Bạn có thể viết theo mẫu dưới đây.
THIẾT KẾ ÁP PHÍCH MỤC TIÊU
Bạn đã hoàn thành việc xác định mục tiêu chưa? Tốt lắm. Bây giờ, tôi muốn bạn hãy thiết kế một áp phích mục tiêu cho kỳ thi sắp tới của bạn. Làm theo các hướng dẫn bên dưới, vẽ lại những mục tiêu đó trên một tờ giấy lớn với nhiều màu sắc và hình ảnh. Dán tờ giấy này lên tường nơi bạn học bài ở nhà khi đã hoàn tất.
BƯỚC 1:
Viết ra tên kỳ thi sắp tới của bạn. Kế tiếp, liệt kê tên môn học và điểm số bạn muốn đạt được cho từng môn
BƯỚC 2:
Viết ra ít nhất năm nguyên nhân và năm lợi ích của việc đạt kết quả thi trên.
BƯỚC 3:
Viết ra thời hạn rõ ràng (ngày tháng năm) bạn sẽ đạt được kết quả đó.
XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU VÀ NÃO BỘ CỦA BẠN SẼ TÌM ĐƯỢC CÁCH THỰC HIỆN
Trong khi xác định mục tiêu, một trong những niềm tin quan trọng nhất mà bạn phải có đó là tin rằng bạn có thể đạt bất cứ điều gì bạn khao khát. Bạn hãy lên kế hoạch cho cuộc sống của bạn với một niềm tin tuyệt đối như thế.
Thậm chí nếu vào lúc này bạn chưa chắc chắn được phương pháp để đạt mục tiêu, không có vấn đề gì cả. Cứ xác định mục tiêu đi. Nếu bạn có thể tìm đủ lý do tại sao bạn muốn đạt những mục tiêu đó, não bộ của bạn sẽ hướng dẫn bạn xác định con đường đi đến mục tiêu. Mục tiêu thật sự khiến não bộ chúng ta luôn minh mẫn và lĩnh hội tất cả những cơ hội xung quanh. Không có mục tiêu, chúng ta có khuynh hướng bỏ lỡ những cơ hội trong cuộc sống.
Vậy việc xác định tất cả các mục tiêu này có nghĩa là bạn sẽ thành công sao? Không thể chắc chắn về điều này. Nếu mục tiêu của bạn không được hỗ trợ bằng những hành động vững chắc, mục tiêu sẽ chỉ mãi là những ước mơ. Nhưng nếu bạn hành động để đạt được mục tiêu, những mục tiêu này sẽ trở thành hiện thực. Vậy thì chúng ta phải làm gì để tự thúc đẩy bản thân mình hành động? Hãy khám phá về việc này trong chương tiếp theo.