Naxos là hòn lớn nhất trong quần đảo Kykladen nơi vùng biển Ägais thuộc Hi-lạp. Giữa đảo vươn lên dãy núi Zas, cao tới ngàn mét cách mặt biển; xa xa dê và cừu đang gặm cỏ non thơm; đó đây trải dài những vườn nho và những luống rau. Trong thập niên 1980, Naxos nổi tiếng với đoạn bờ biển dài mấy cây số tuyệt vời ở Agia Ana. Nơi đây thoảng hoặc một vài du khách tới cắm lều tránh nắng và nằm dài lim dim dưới những bụi tre. Mùa hè 1985 có hai thanh niên vừa 20 tuổi cũng tới đây. Một anh tên là Jürgen đến từ Düsseldorf và anh kia là tôi. Chúng tôi mới quen nhau cách đây mấy ngày khi vừa tới đây. Chúng tôi nằm dưới một mỏm đá bàn cãi nhau về một cuốn sách của tôi mang theo, lấy từ thư viện của cha tôi. Cuốn sách loại bỏ túi đã bạc màu vì nắng, ngoài bìa có in hình một đền thờ hi-lạp và hai người đàn ông ăn bận theo kiểu hi-lạp ngày xưa. Cuốn sách của Platon viết về những lời đối thoại của Socrates.
Không khí bàn cãi say sưa giữa hai chúng tôi dịp đó đã để lại trong tôi một dấu ấn không thể nào phai. Chiều tối, ngồi uống rượu, ăn phô-ma và dưa hấu, hai đứa ngồi tách xa khỏi đám đông, tiếp tục trao đổi những suy nghĩ non nớt của mình. Chúng tôi thảo luận đặc biệt về bài phát biểu của Socrates, những lời mà theo Platon, Socrates đã nói ra, khi người ta kết án ông tội đầu độc tuổi trẻ.
Những lời lẽ của Socrates này đã khiến tôi một thời gian dài chẳng còn sợ cái chết, một đề tài vốn làm tôi rất bất an. Còn Jürgen xem ra chẳng động tâm gì lắm về những lời của vị triết gia.
Tôi thích khuôn mặt của Jürgen. Từ đó tới nay, chúng tôi chẳng còn gặp lại nhau. Nếu giờ đây gặp lại trên đường, hẳn tôi sẽ chẳng còn nhận ra anh. Tôi từ đó cũng chẳng còn quay trở lại bãi biển Agia Ana, nhưng theo nhiều nguồn tin đáng cậy, bờ biển đó giờ đây đã trở thành một thiên đường du lịch với đầy khách sạn, hàng rào chắn, dù che nắng và hàng hàng lớp lới những ghế nằm tắm nằng phải trả tiền. Nhưng những đoạn văn dài trong bài biện hộ của Socrates thì vẫn nằm như in trong trí nhớ của tôi; chúng có lẽ sẽ theo tôi vào viện dưỡng lão luôn. để xem những lời đó có còn tiếp tục trấn an tôi lúc về già không.
Thú say mê triết học từ ngày ở Agia Ana không còn rời tôi nữa. Sau khi rời Naxos, thoạt tiên tôi phải miễn cưỡng đi dân dịch một thời gian. Lúc đó đúng là thời gian có nhiều chuyện liên quan tới đạo đức, là thời điểm Liên Phòng Minh Ước đại Tây Dương (Nato) quyết định dựng hoả tiễn nguyên tử trên đất đức, phong trào hoà bình nổi lên rầm rộ, thêm vào đó là những dự phóng phiêu lưu của Hoa-kì về một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể xẩy ra tại Âu châu, chuyện mà ngày nay nghĩ lại ai cũng phải lắc đầu. Thời gian dân dịch giúp việc cho một giáo xứ hẳn chẳng phải là cơ hội giúp tôi có được những suy tư táo bạo; từ ngày nhìn được Tin lành từ bên trong, tôi đâm ra thích Công giáo hơn. Bên cạnh những chuyện đó, tôi cứ băn khoăn làm sao có được một cuộc sống đúng đắn và làm sao tìm ra được lời giải thuyết phục cho những câu hỏi lớn của cuộc đời. Và tôi quyết định học Triết.
Nhưng việc học ở Köln khởi đầu là một thất vọng. Cho tới lúc đó, tôi cứ nghĩ các triết gia là những bậc vị vọng với cuộc sống lôi cuốn, hành động của họ luôn đi đôi với những suy tư triệt để của họ. Tôi nghĩ đến những nhân vật mê hoặc như Theodor W. Adorno, Ernst Bloch hay Jean Paul Sartre. Nhưng viễn ảnh về một sự nhất thống giữa tư tưởng táo bạo và cuộc sống liều lĩnh đã sớm tiêu tan, khi tôi nhìn thấy các ông thầy của tôi: những cụ già buồn chán trong những bộ âu phục màu xanh hoặc xám vốn thường thấy nơi các ông tài xế xe bút. Tôi nghĩ tới thi sĩ Robert Musil, người đã tỏ ra kinh ngạc, khi nhìn thấy các ông kĩ sư tân thời và tiến bộ trong thời quân chủ: một mặt họ là những người phát minh ra những phương tiện làm chủ bầu trời, biển cả và trên bộ, trong khi đó họ lại mang những bộ ria mép quăn tít, bận những bộ tây phục với đồng hồ quả quýt thật lạc hậu. Và xem ra nơi các thầy triết ở Köln cũng không có sự đi đôi giữa tự do suy tư và cuộc sống của họ. Dù vậy, cuối cùng tôi đã học được lối tư duy triết học từ một vị trong số đó. Ông đã dạy tôi phải luôn biết đặt câu hỏi „tại sao“ và đừng bao giờ hài lòng với một câu trả lời quá sớm. Và ông nhắc nhở tôi, phải làm sao cho các công đoạn suy tư và những lí luận của mình luôn ăn khớp với nhau, để sao cho các bước suy tư phải thật chặt chẽ, lập luận này dựa trên lập luận kia tiến tới.
Tôi đã trải qua những năm tháng đại học tuyệt vời. Trong đầu tôi chỉ còn đọng lại một chuỗi nào là những trang sách lôi cuốn, những buổi nấu ăn bất chợt, những cuộc bàn luận khi ăn mì sợi, những cuộc đấu khẩu trong giờ lớp và những luận bàn không dứt trong phòng ăn đại học về những trang sách triết học: chúng tôi bàn về khả năng nhận thức và lầm lẫn, về cuộc sống đúng đắn, về những trận túc cầu và dĩ nhiên cả về chuyện - như Loriot đã nói – trai gái khắc nhau. Triết học không phải là môn ta có thể học hết được, đó là nét đẹp của Triết. Nói đúng hơn, nó chưa bao giờ là một môn học. Lẽ ra cần phải tiếp tục ngồi lại nơi đại học. Nhưng, như đã nói, tôi thấy lối sống của mấy ông thầy của tôi chẳng có chút lôi cuốn nào. Lại nữa, tôi thấy lối dạy Triết ở đại học chẳng có hiệu quả. Các luận văn và sách triết chỉ có đồng nghiệp đọc, và họ đọc thường là để cự nự nhau mà thôi. Cả các buổi hội luận và nghị hội cho các sinh viên tiến sĩ, mà tôi tham dự, cũng làm tôi hoàn toàn thất vọng về thiện chí trao đổi của các tham dự viên.
Chỉ có các câu hỏi và những cuốn sách là tiếp tục theo tôi suốt cuộc đời. Cách đây một năm, tôi chợt nhận ra có rất ít sách nhập môn tương đối xem được về triết học. Dĩ nhiên có nhiều cuốn sắc sảo chỉ ra những ngõ ngách lắt léo của tư duy, nhưng tôi không muốn nói tới loại này. Tôi cũng không muốn nói tới những cuốn sách hay và hữu ích viết về một số triết gia và ảnh hưởng của họ hoặc của triết thuyết của họ. Tôi thấy vắng bóng những cuốn bàn cách có hệ thống về những câu hỏi lớn và bao quát. Những cuốn được xem là loại nhập môn có hệ thống, thì thường mang nội dung kê ra một chuỗi những dòng suy tư – hay những triết thuyết – tiếp nối nhau. Theo tôi, lối trình bày của những cuốn này thường quá nặng tính cách lịch sử, quá cồng kềnh và khô khan.
Sở dĩ phải viết khó nuốt như thế là vì đại học thiếu yểm trợ cho những thể cách riêng tư. Lối giáo dục đại học vẫn còn đặt nặng việc trả bài chính xác hơn là khuyến khích sự sáng tạo đầu óc nơi sinh viên. điều khó chịu nhất là coi Triết như một „môn học“ với những biên giới giả tạo của nó. Trong lúc các giáo sư của tôi đang dùng lí thuyết của Kant và của Hegel để giảng giải về Í thức con người, thì các đồng nghiệp của họ ở phân khoa I, cách đó tám trăm mét, lại đang tìm câu trả lời qua các thí nghiệm phong phú trên các bệnh nhân bị tổn thương sọ não. Tám trăm mét ở đại học là một khoảng cách xa lắm. Là vì các vị giáo sư sống trên hai hành tinh hoàn toàn khác nhau, họ không biết ngay cả tên nhau.
Các kiến thức tâm lí, triết học và sinh học thần kinh về Í thức có chống nhau không hay lại bổ túc cho nhau? Có cái „Tôi“ không? Cảm giác là gì? Kí ức là gì? Những câu hỏi hấp dẫn này – cho tới nay – hầu như vẫn chẳng thấy xuất hiện ở đâu trong học trình lớp triết cả.
Triết học không phải là Sử học. Dĩ nhiên chúng ta có bổn phận phải bảo tồn gia sản quá khứ; chúng ta phải luôn nhìn ngắm lại những kiến trúc cũ trong lãnh vực đời sống tinh thần và, nếu cần, phải chỉnh trang lại chúng. Nhưng Triết học đang quay lại đàng sau quá nhiều mà chẳng màng gì lắm tới hiện tại. Cần phải nhớ rằng, Triết học không đứng hẳn trên cái nền vững đã được quá khứ xây nên, như nhiều người vốn nghĩ. Lịch sử Triết học một phần lớn cũng là lịch sử của những phong trào thời thượng (mốt) hay của những trào lưu tinh thần đương đại, của những kiến thức bị bỏ quên hay bị gạt ra lề, cũng như của khá nhiều cuộc khởi đầu mới, chúng sở dĩ được xem ra mới, là vì có nhiều thứ đã được nghĩ ra trước đây nhưng đã bị bỏ quên. Cuộc sống thường hay dùng những vật liệu sẵn có của mình để xây dựng tiếp. Cũng vậy, đa phần các triết gia lập nên thuyết mình cũng dựa trên những đổ nát của những người đi trước, chứ không dựa trên đống tro tàn của toàn bộ lịch sử Triết học, như người ta vẫn thường nghĩ. Không phải chỉ có những cái nhìn và nhận định tinh anh thường bị quên lãng, mà trái lại, cũng có nhiều điều lạ đời luôn được tái khám phá một cách mới và được làm sống lại. Và nỗi xâu xé giữa trí tuệ và thành kiến cũng hiện rõ nơi chính các triết gia. Chẳng hạn triết gia người Anh David Hume trong thế kỉ 18 là một đầu óc vô cùng tân thời trên nhiều phương diện. Nhưng cái nhìn của ông về nhiều dân tộc khác, đặc biệt dân Phi châu, lại đầy kì thị và tự tôn quá đáng. Friedrich Nietzsche trong thế kỉ 19 là một nhà phê bình triết học bén nhạy, nhưng hình ảnh mong muốn của ông về con người thì lại nhuốm màu thị hiếu, cao ngạo và ngây ngô.
Và ảnh hưởng của một triết gia cũng không nhất thiết phải đi đôi với nhận thức đúng đắn thật sự của họ. Ảnh hưởng của Nietzsche đối với triết học vô cùng lớn, nhưng đa số những điều ông nói ra đều chẳng mới mẻ gì và đó không hẳn là những tư tưởng độc đáo của riêng ông, như ta vốn nghĩ. Sigmund Freud rõ ràng là một nhân vật lớn, có thể nói là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất, nhưng nhiều chi tiết về phân tâm học của ông lại sai. Ảnh hưởng về mặt triết học và chính trị của G.W.F. Hegel hiếm ai sánh nổi, trong khi các phỏng đoán của ông lại chứa khá nhiều điều vô lí.
Khi nhìn thoáng qua lịch sử triết học phương Tây, ta thấy đa số những cuộc đụng độ đều diễn ra trong một vài chiến tuyến bạn - thù rất rõ nét: những kình chống nhau giữa những người chủ trương Duy vật và những người Duy tâm (hay nói theo lối tiếng Anh: giữa hai phe duy nghiệm và duy lí). Trên thực tế, những lối nhìn này xuất hiện dưới đủ mọi dạng phối hợp và luôn trong những bộ áo mới. Và chúng cứ lặp đi lặp lại. Chủ nghĩa Duy vật - một chủ trương tin rằng chẳng có gì cả ngoài thiên nhiên có thể kinh nghiệm được bằng giác quan, chẳng có Thiên Chúa mà cũng chẳng có lí tưởng - lần đầu tiên trở thành mốt trong thời Khai sáng tại Pháp vào thế kỉ 18. Nó tái diễn rầm rộ lần thứ hai như một phản ứng trước những thành tựu của khoa Sinh học và của thuyết Tiến hoá Darwin trong hạ bán thế kỉ 19. Ngày nay, trước những kiến thức của khoa nghiên cứu não tân tiến, nó lại đang đi vào cao điểm lần thứ ba. đan xen giữa những thời điểm đó là sự ngự trị của chủ nghĩa Duy tâm với đủ mọi hình thái xuất hiện của nó. Ngược lại với chủ trương Duy vật, Duy tâm ít tin vào sự nhận thức thế giới bằng giác quan, nhưng đề cao sức mạnh độc lập của lí trí và những tư tưởng của lí trí. Dĩ nhiên ẩn đàng sau hai bảng hiệu này của lịch sử triết học, mỗi triết gia mang trong mình một động lực suy tư và một khuôn thước í nghĩa riêng. Nhà duy tâm Platon suy nghĩ không giống như nhà duy tâm Immanuel Kant. Và vì thế, ta cũng không thể viết được một lịch sử „thành thật“ cho Triết học: không thể xếp các triết gia lớn theo một trình tự thời gian nhất định nào đó, và cũng không thể có một lịch sử của những dòng chảy khuynh hướng triết học. Nếu làm như thế, thì ta buộc phải bỏ đi nhiều thứ, mà thiếu những thứ này thì thực tại trở nên méo mó, không thật.
Cuốn sách dẫn nhập vào những câu hỏi triết học về thân phận con người và của nhân loại này vì vậy không đặt nặng mặt lịch sử. đây không phải là cuốn sách về Lịch sử triết học. Immanuel Kant đã có lần tóm những câu hỏi lớn của nhân loại thành bốn câu hỏi nhỏ như sau: „Tôi có thể biết được gì? Tôi nên làm gì? Tôi có quyền hi vọng gì? Con người là gì?“ Dàn bài cuốn sách này dựa theo những câu hỏi đó. Có điều là câu hỏi cuối, theo tôi thiển nghĩ, đã được giải đáp bởi ba câu hỏi đầu rồi, nên có thể an tâm bỏ đi.
Câu hỏi đầu tiên, liên quan tới những gì tự mình tôi có thể biết được, là một vấn nạn cổ điển của nhận thức luận, ngày nay không còn liên can gì nhiều tới Triết học. Nó đang là một đề tài lớn của khoa nghiên cứu não. Khoa này giúp ta tìm hiểu các nền tảng bộ máy nhận thức của con người và các khả năng nhận biết của bộ máy đó. Ở đây, triết học chỉ còn giữ vai trò như một nhà cố vấn giúp cho việc nghiên cứu não hiểu rõ hơn về chính nó trong một số trường hợp. Về những đóng góp gợi í của Triết học trong phần này, tôi chọn và nêu ra – một cách rất chủ quan riêng tư – một số nhân vật cùng thế hệ đã trải qua những kinh nghiệm chuyển biến lớn của thời đại và đã cùng có những đóng góp quyết định trong việc đưa thế giới bước vào giai đoạn tân thời. Nhà vật lí Ernst Mach sinh năm 1838, triết gia Friedrich Nietzsche năm 1844, nhà nghiên cứu não Santiago Cajal năm 1852 và nhà phân tâm Sigmund Freud năm 1856. Bốn nhân vật kiệt xuất mở đường cho lối tư duy tân tiến này sinh cách nhau có 16 năm.
Phần hai cuốn sách bàn về câu hỏi „Tôi nên làm gì“, nghĩa là bàn tới khía cạnh luân lí và đạo đức. Trong phần này, cũng như nơi phần một, trước hết tìm hiểu về những nền tảng. Tại sao con người lại có thể hành động hợp luân lí đạo đức? Bản chất con người là xấu hay tốt? Cả ở đây cũng vậy, triết học không còn đóng vai trò độc quyền nữa. Khoa nghiên cứu não, nghiên cứu động thái và tâm lí học giờ đây cũng có quyền đóng góp tiếng nói của họ. Một khi con người được mô tả như là một con vật có khả năng hành động đạo đức, thì như vậy những yếu tố kích thích trong não bộ xui khiến anh ta làm chuyện đạo đức cũng đẩy các khoa học tự nhiên vào hậu trường. Là vì có rất nhiều câu hỏi thực hành, mà xã hội chúng ta hiện nay đang quan tâm, quả thật đang chờ câu trả lời của triết học. Phá thai, trợ tử, biến đổi di tử (Gentechnik), i học truyền sinh (Reproduktionsmedizin), luân lí về môi sinh và đối với thú vật: đâu đâu quyết định cũng là do những quy chuẩn (Normen) và những cân nhắc với những luận chứng ít nhiều rõ ràng – đấy là những sân chơi lí tưởng cho các bàn luận và cân nhắc triết học.
Phần ba „Tôi có quyền hi vọng gì“ bàn về một vài câu hỏi nền tảng, mà hầu hết con người ta vẫn luôn quan tâm trong cuộc sống. Chẳng hạn như về hạnh phúc, tự do, tình yêu, Thiên Chúa và í nghĩa cuộc sống. Những câu hỏi khó đơn giản trả lời, nhưng chúng quá ư quan trọng, khiến chúng ta phải tập trung suy nghĩ.
Các lí thuyết và quan điểm, thường được nối kết với nhau một dễ dãi trong sách này, có thể tìm thấy nơi phương pháp thực hành của nhiều khoa học có khi rất khác biệt nhau. Dù vậy, theo thiển í, việc nối kết áp dụng chúng là điều hợp lí, cho dù vẫn không thể tránh khỏi những thắc mắc bàn cãi. Tôi cũng muốn đưa người đọc vào một cuộc du sơn du thuỷ thế giới qua việc nối sự kiện với những địa danh nơi xẩy ra biến cố. Tới thành phố Ulm, nơi Descartes lập nền triết học mới trong một quán trọ nông dân. Tới Königsberg, nơi sinh thời của Immanuel Kant. Tới đảo quốc Vanuatu, thiên đàng của những người hạnh phúc nhất trần gian… Tôi đã được hân hạnh trực tiếp làm quen với một vài nhân vật nêu tên trong sách, như các nhà nghiên cứu não Eric Kandel, Robert White và Benjamin Libet, cũng như các triết gia John Rawls và Peter Singer. Có vị, tôi chăm chú lắng nghe; có vị, tôi đã tranh cãi, nhưng nói chung đã học được nhiều nơi họ. Tôi tin mình đã nhận ra được rằng, cái hơn kém của thuyết này hay thuyết kia không nhất thiết nằm nơi việc so sánh trừu tượng giữa các lí thuyết, nhưng hệ tại nơi hoa trái mà chúng ta hưởng được từ các thuyết đó.
Chúng ta đừng bao giờ để mất đi khả năng đặt câu hỏi. Bởi vì học tập và hưởng thụ là bí quyết của một cuộc sống tròn đầy. Học mà không hưởng thì thành ra hốc hác, hưởng mà không học lại thành ra ngớ ngẩn. Nếu cuốn sách này đánh thức dậy nơi độc giả sở thích và thói quen suy nghĩ, thì nó đã đạt được đích. Có thành công nào đẹp hơn việc có được một cuộc sống càng ngày càng thêm í thức, nhờ càng ngày mình càng hiểu biết mình nhiều hơn, nghĩa là trở thành đạo diễn cho những xung lực cuộc sống của mình. Hay như Friedrich Nietzsche vốn hi vọng (mà chính ông thì lại không đạt được), là trở thành „Thi sĩ“ cho chính cuộc sống mình: „đấy là một khả năng tốt, khi có thể ngắm nhìn tình trạng của mình bằng con mắt nghệ sĩ, cả trong lúc mình gặp đau thương, lúc trong những tình huống khó chịu hay đại loại như thế.“
Nhân chuyện thi sĩ. Phần dẫn nhập này sẽ không đầy đủ, nếu không thêm vài lời về đề tựa cuốn sách. Tựa sách nguyên là câu nói của một đại triết gia, rõ hơn, của bạn tôi, nhà văn Guy Helminger. Chúng tôi thỉnh thoảng vẫn thích lai rai mãi tới khuya nơi nhà nhau. Một tối, sau khi đã cụng với nhau nhiều li, tôi hơi lo cho tình trạng của bạn, dù tửu lượng anh ấy khá hơn tôi nhiều. Khi anh đang đứng giữa đường, loạng quạng, miệng bi bô lớn tiếng, tôi cất tiếng hỏi anh có sao không. Thay vì trả lời, anh thét lên: „Tôi là ai? Và nếu đúng là Tôi – thì có mấy Tôi?“, miệng vừa hét đầu Guy vừa lắc lư, mắt mở lớn, cổ họng phun không ra tiếng. Nghe thế, tôi yên chí anh còn đủ tỉnh táo để diễn kịch và như vậy có thể tự mình về nhà. Nhưng câu hỏi đó của Guy cứ đọng lại trong đầu tôi; tôi xem nó như một châm ngôn chỉ đạo về khoa triết học tân thời và khoa nghiên cứu não trong thời đại hôm nay, một thời đại hoàn toàn ngờ vực về cái „Tôi“ và về sự liên tục của cảm nghiệm. Dĩ nhiên, tôi không chỉ cám ơn Guy về câu phát biểu đó mà thôi, mà còn đặc biệt cám ơn anh, vì qua anh mà tôi đã gặp được nhà tôi, và nhờ vậy mà tôi có được cuộc sống hạnh phúc như hôm nay.
Thành phố Lục-xâm-bảo
Richard David Precht, tháng 3 năm 2007