Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 22

Montreal

Những quan điểm về sao sinh (Kloning) Có được sao người không?

Giáo phái Raelinan đã làm gì? Cách đây vài năm ở Montreal (Canada), giáo phái hỗ lốn vừa mang chất tư bản giết người, khoa học giả tưởng, mơ mộng Hippi vừa là một giáo hội khủng khiếp này tuyên bố đã sao sinh đứa trẻ đầu tiên và qua đó sẽ mở ra tương lai trường sinh cho loài người. Bé Eve, nếu quả thật đã được sinh ra, thì nay đã bốn tuổi, và hai trẻ thứ 2 và 3 đã được thông báo tiếp cũng có thể đã sinh vào tháng giêng năm 2003. Người sáng lập và là chủ của giáo phái, ông nhà báo thể thao người Pháp Claude Vorilhon, cũng cho hay, sẽ cho ra đời một loại đậu phụng đã được cải tạo di tử dành cho người bị dị ứng đậu phụng, nhưng tin này chẳng làm dư luận quan tâm. Nếu như nhà văn người Pháp Michel Houellebecq không ồn ào nhắc tới giáo phái kia, thì ngày nay chẳng còn ai biết đến sự tồn tại của nó. Raelinan chỉ là một trong nhiều kẻ lạ đời với những thế giới quan thay đổi như chong chóng.

Một kẻ lạ đời thứ hai là bác sĩ phụ khoa người Í Severino Antinori. Ông này trong tháng tư năm 2002 khẳng định, đã sao sinh và cấy phôi vào dạ con của ba phụ nữ. Cuối tháng mười một năm đó, ông xác nhận trẻ sao sinh đầu tiên sẽ ra đời trong tuần đầu tháng giêng năm 2003. Nhưng chuyện trẻ sao sinh của Antinori đã bị cơn bão Raelinan che khuất, và sau đó chẳng còn nghe nói tới gì nữa. Dấu chỉ sống sót cuối cùng của Antonori trên báo chí là việc ông tuyên bố sẽ tuyệt thực vào cuối tháng giêng 2003 để chống lại bộ trưởng i tế nước Í. 

Và nhà khoa học người Mĩ Panayiotis Zavos thuộc Viện trị liệu bệnh đàn ông ở Lexington bang Kentucky đã làm gì? Hè năm 2004, ông này đã sao sinh một phôi người, nhưng sau bốn ngày đã giết chết phôi đó. Theo Zavos, đó chỉ là thử nghiệm ban đầu cho một dự án cấy phôi sao sinh vào dạ con của người mẹ nó. Câu chuyện sau đó thế nào, chẳng biết; có lẽ đã không thành, vì chẳng có thông báo nào nữa của Zavos.

Mười năm sau Dolly, con cừu sao sinh đầu tiên trong một trang trại ở Scotland, ra đời, vẫn chưa có một đứa trẻ sao sinh kín đáo hay công khai nào xuất hiện ở đâu cả. Cái viễn kiến vốn làm say mê một số người nhưng lại khiến đa số hốt hoảng, cho đến nay xem ra không thực tế. Nhưng tại sao việc sao người lại làm ta bực mình? đâu là điểm đáng suy nghĩ hay đáng lên án về mặt đạo đức nơi việc sao người? Và chính xác hơn: Bắt đầu từ điểm nào thì việc sao người trở thành vô đạo đức?

Sao người cách nhân tạo, theo lí luận của những nhà chống đối, là làm thương tổn đến nhân phẩm. Con người, như triết gia Kant nói, có „mục đích tự tại“, và vì thế không được làm mất đi cái mục đích đó. Và theo lập luận này, sao sinh có nghĩa là biến con người thành đồ vật và hạ thấp phẩm giá của nó. để xác định lập luận này, ta cần tìm hiểu vào chi tiết. Những nhà di tử học ngày nay phân biệt hai khái niệm khác nhau: „sao truyền sinh“ (reproduktives Klonen) và „sao chữa trị“ (therapeutisches Klonen). 

Sao truyền sinh là tạo ra một cơ thể sinh vật tương đồng tối đa về mặt di tử với người mẫu của nó. để làm điều này, người ta lấy một tế bào cơ thể của con người, tách nhân của nó ra khỏi tế bào - trong mỗi nhân tế bào chứa đựng toàn bộ chất liệu di truyền -, rồi đưa nhân này vào trong một tế bào trứng cũng đã tách nhân của người nữ. Sau đó cấy tế bào trứng có nhân mới này vào lại tử cung của người đàn bà chấp nhận mang thai. Nếu thành công, đứa trẻ sinh ra sau chín tháng mang thai sẽ có những chất liệu di truyền gần giống hệt như chất liệu của người chủ của tế bào cơ thể trên đây. Cho tới nay, công đoạn đó đã thành công nơi chuột nhắt, chuột cống, bò, dê, heo, mèo xám, nai đuôi trắng, bò rừng, ngựa, chó và cừu – mà kết quả là nàng cừu Dolly nổi tiếng. Chưa thấy thành công nơi người.

Và số người muốn có con qua con đường sao truyền sinh cũng rất ít. Hầu hết các quốc gia đều đặt việc sao người ra ngoài vòng pháp luật, dù rằng Liên Hiệp Quốc cho tới nay vẫn chưa thống nhất được một luật cấm chung cho chuyện này. Việc sao cây cỏ hoặc thú vật thường chẳng có chi đáng ngại. Từ thập niên 1990’ trở đi, việc sao những thực vật và thú vật có ích được coi là hoàn toàn bình thường. Nhưng tại sao sao người lại đặt ra những ưu tư đạo đức, những ưu tư cả vừa hữu lí lẫn trực giác và đã không được đặt ra nơi sao thú vật?

Việc sao chụp chất liệu di truyền của một người để tạo nên một người khác làm cho nhiều người có cảm giác kinh dị. Thế giới phim ảnh và sách vở đầy dẫy những chuyện giả tưởng như thế, và thường thì bao giờ cũng là những chuyện gây sợ hãi và kinh hoàng. Ai ai trong chúng ta cũng đều cảm nhận rằng, mỗi người là một đặc thù, không ai giống ai cả. Và cái đặc thù của mỗi cá nhân này là một giá trị. Thế nên, việc cố í vi phạm „quy luật“ này là một tội ác. Nơi thú vật, trái lại, ta ít nhạy cảm hơn. Con chó của ta, con mèo của ta, con ngựa của ta xem ra cũng là những đặc thù. Nhưng mấy chú cá vàng bơi lội trong chậu cảnh chẳng đặc thù gì. Miếng thịt heo trên dĩa ăn có đặc thù hay không, chẳng mấy ai quan tâm. Như vậy, cảm giác đặc thù chỉ được đặt ra đối với một số sinh vật rất đặc biệt mà thôi.

Tại sao ta lại có cảm giác kinh dị trước việc sao người? Có nhiều lí do giải thích. Nhưng chỉ khi ta chấp nhận giá trị của sự đặc thù kia, thì những lí do này mới sáng tỏ. để sao truyền sinh một sinh vật, phải cần rất nhiều tế bào trứng, vì chỉ có rất ít trong hàng ngàn trứng đã thay nhân có thể kết thai và phát triển thành sinh vật khoẻ mạnh được. Tỉ số thành công sao sinh nơi thú vật – và cả nơi con người – như thế rất nhỏ. Mà nếu có thành công, thì đời sống của con người cũng có thể bị rút ngắn. Nàng cừu Dolly sống được sáu năm, bằng nửa thời gian trung bình nơi loài cừu. Trước khi Dolly chết vì viêm phổi vào tháng hai năm 2003, thân xác của nó đã không còn lành mạnh, nó bị chứng sưng khớp và chất liệu di truyền đã bị hư hại nặng. 

Lí do dễ bệnh hoạn và chết sớm của Dolly quá rõ, nhưng đây không phải là lập luận vững chống lại việc sao người. Bởi vì, nếu mai đây chúng ta thành công loại được cái lỗi „kĩ thuật“ này thì sao? Và lí do bảo rằng không nên sao sinh, vì cần quá nhiều tế bào trứng, cũng chỉ có tác dụng nơi những ai chủ trương sự sống đã bắt đầu từ khi thụ tinh và sự sống này phải được triệt để bảo vệ ngay từ giây phút đó mà thôi. Tới đây, ta nên tạm dừng việc lập luận, và sẽ bàn tiếp sau. Bởi vì, câu hỏi về giá trị của một tế bào trứng con người dẫn chúng ta trực tiếp tới câu hỏi thứ hai liên quan tới sao sinh, đó là vấn đề lợi hay hại của việc „sao chữa trị“.

Điều đầu tiên cần nói ở đây là phải đổi ngay cái khái niệm này. Ngay khái niệm „sao truyền sinh“ cũng đã không chỉnh. đã là sao hay sao sinh thì đương nhiên là có yếu tố truyền sinh rồi, vì thế khái niệm này mang tính cách „trùng lặp“. Khái niệm „sao chữa trị“ khởi đi từ một giấc mơ của i khoa: mơ một ngày nào đó, nhờ các thai phôi, người ta sẽ có thể cấy được những mô tế bào hoặc toàn cơ phận để thay thế cho tế bào hay cơ phận bị hư hại nơi các người bệnh. để làm chuyện này, các phôi sẽ bị phá hủy sau khi chúng đã trải qua một vài giai đoạn tự phân. Những tế bào riêng rẽ lấy ra từ các phôi đó sẽ được nuôi tiếp tục để tạo thành các mô tương ứng. Người ta còn hi vọng rồi đây sẽ có được các „tế bào gốc“, cấy chúng vào thẳng con bệnh, để chúng tiếp tục phát triển thành một cơ phận mới thay thế. 

Đó là giấc mơ chữa bệnh bằng sao sinh. Nhưng dù mai đây tư tưởng này có thể thành tựu, điều thật ra không dễ tí nào, thì việc sao sinh này cũng chẳng phải „chữa trị“, mà đúng là „truyền sinh“, giống như „sao truyền sinh“. Sự khác biệt không nằm nơi cách thức sao sinh, nhưng ở nơi mục đích theo đuổi: Tôi muốn sao sinh để tạo ra một con người mới tương tự hay sao sinh vì mục đích i khoa. Như vậy, sao sinh chẳng bao giờ mang tính chữa trị cả. Vì thế, cần phải thay đổi ngay khái niệm „sao chữa trị“ thành Sao sinh cho mục đích nghiên cứu. 

Một số nhà khoa học phấn chấn trước vô số khả năng - về mặt lí thuyết - của các tế bào gốc ẩn chứa nơi phôi. Tế bào gốc ở phôi được ví như tuyết mới, chúng có thể mang mọi thứ hình thù và màu sắc. Các nhà di tử học gọi chúng là „toàn năng“ (totipotent), nghĩa là chúng có thể phát triển thành bất kì loại mô hay cơ phận nào, nhưng đó chỉ là lí thuyết, vì cho tới nay chưa có thành công gì nhiều. Một lực cản lớn nữa là phản ứng của hệ miễn nhiễm, chống lại tế bào gốc mới được cấy vào. Các thí nghiệm nơi thú vật cho thấy tỉ lệ khước từ vô cùng lớn và cũng có khả năng gây ra bệnh ung thư.

Như vậy, phải đánh giá sao sinh như thế nào? Hãy bắt đầu với lập luận Nhân phẩm. Tại sao một con người mới do sao sinh tạo ra lại bị đánh mất „mục đích tự tại“? Trường hợp này tương đối dễ hiểu nơi sao truyền sinh. Rõ ràng (dù có sự nghi ngờ của Ernst Mach) con người có nhu cầu tự nhiên coi mình là một nhân cách đặc thù, mỗi người có một cái „Tôi“ riêng, khác hẳn với người khác. Chúng ta coi đặc thù là tính chất đương nhiên của con người, và văn hoá của ta cũng đặt nền trên tính đặc thù này. Ai gặp khó khăn trong việc nhận diện cái Tôi của mình, người đó có vấn đề lớn về mặt tâm thần. Nhưng một người hình thành từ sao sinh có lẽ sẽ không cảm nhận được mình là một cá thể đặc thù, vì họ được hình thành từ một người khác. Thay vì là một đặc thù, họ bị coi là một bản sao. Trừ ra - và đây có lẽ là điều kiện tối thiểu nhất – người đó không bao giờ biết mình là một sản phẩm sao sinh và chẳng bao giờ biết đến người mẫu của mình. 

Nhưng tại sao người ta lại muốn sao người để rồi đặt con người đó trước một hoàn cảnh tâm lí và xã hội dã man như thế? Ở đây, sự tò mò của một nhà khoa học, muốn biết thân xác và nhân cách của một sản phẩm sao sinh ra sao, có xứng với cơ nguy gặp phải bất hạnh về thể xác và tâm lí của người được sao sinh không? Hoàn toàn không. Trường hợp này, rõ ràng có sự đánh mất mục đích tự tại. Vì thế không lạ gì đa số người dân và đa số quốc gia chống lại việc sao người và đưa ra luật cấm. Hiện vẫn không có lí do thuận lợi quan trọng nào khác biện minh cho việc sao người.

Trường hợp sao sinh cho mục đích nghiên cứu thì lại khác. Các lí do chống lại sao người trên đây không thích hợp cho trường hợp này. Nói vắn gọn: Sao nghiên cứu không làm thương tổn tinh thần của ai cả; ở đây chỉ có việc huỷ hoại - hay giết chết – các phôi trong giai đoạn ban đầu lúc chúng chưa có í thức. 

Như ta đã thấy trong bài về phá thai, xét về mặt sinh lí, phôi rõ ràng là một sự sống con người. Nó là thành viên của giống Homo sapiens. Vì thế luật pháp ở đức cấm dùng phôi để thí nghiệm. Nhưng chính luật cũng không coi phôi như một con người. Huỷ hoại phôi một cách trái phép hoàn toàn khác với việc giết chết một mạng người được sinh ra. Hình phạt hủy phôi nhẹ hơn nhiều so với giết người. Sự khác nhau giữa hai hành vi này lại càng rõ rệt, khi luật pháp ở đức cho phép một số nhà khoa học được dùng phôi để nghiên cứu. Ngược lại, luật pháp chẳng cho phép nhà nghiên cứu nào giết người cả. Như vậy, lập luận của các nhà lập pháp, coi phôi phải được tuyệt đối bảo vệ, xét ra không hoàn toàn thuyết phục. Mâu thuẫn này cũng như nơi trường hợp phá thai, một mặt luật pháp coi phôi là một con người về mặt sinh lí và đạo đức, mặt khác đồng thời lại cho phép giết phôi trong giai đoạn ban đầu.

Đó là chuyện nhân phẩm của phôi. Nếu cứ đi theo lập luận của bài trước, thì giá trị và phẩm giá của một sự sống không hệ tại nơi sự sống này thuộc vào chủng loại nào, nhưng chúng tuỳ thuộc vào câu hỏi, sinh vật đó có í thức, có một cái Tôi sơ đẳng và có sở thích hay không. Một tế bào trứng con người ở giai đoạn tự phân thành sáu hay tám tế bào nhỏ chắc chắn không có những yếu tố đó. Nhìn như thế, thì phôi chưa có nhân phẩm. Việc nghiên cứu tế bào gốc của phôi chỉ làm sai lạc mục đích tự tại của nó về mặt sinh học, chứ không về mặt đạo đức. Một khi không có phẩm giá, thì phôi chỉ là một tài sản hay hàng hoá, và người ta có thể dùng nó để chổi chác với một tài sản hay hàng hoá khác. Dù giấc mơ dùng sao sinh để chữa những căn bệnh hiểm nghèo như bệnh đường, bệnh run (Parkinson) hay bệnh mất trí nhớ (Alzheimer) còn rất xa thực tế, ta vẫn có thể an tâm với sự tính toán theo lối duy lợi: có thể lấy hạnh phúc vô bờ của hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu người lành bệnh để đổi lấy việc giết chết những cái phôi vô cảm. 

Lập luận này rất nặng kí. Muốn cự lại được nó, phải có những phản biện hay. Phản biện mạnh nhất chống lại việc sao sinh cho mục đích nghiên cứu, lạ thay, lại là một phản biện mang tính duy lợi, chứ không mang tính cơ bản. Trong tám năm qua, người ta rầm rộ phản đối việc sao sinh phục vụ i học. Thành công chữa trị bằng sao sinh, trái lại, cho tới nay chẳng có bao nhiêu. Ở đây, í nghĩ dùng các tế bào đã bị cải biến để ghép thay thế cho các mô bệnh hoạn là một í nghĩ tốt. Nhưng câu hỏi đặt ra: Liệu việc dùng tế bào gốc của phôi để chữa trị có phải là phương pháp hay nhất trong lãnh vực này không?

Tế bào gốc không chỉ có nơi phôi. Mọi người chúng ta đều có tế bào gốc trong tuỷ, gan, óc, trong các hạch tụy tạng và da v.v. Các nhà khoa học gọi đây là tế bào gốc „trưởng thành“. Các tế bào gốc trưởng thành cũng đa dạng và đa năng (pluripotent), nghĩa là có khả năng phát triển lên thành nhiều loại mô hoặc cơ phận. Trong suốt cuộc sống của chúng ta, chúng luôn tạo ra cho cơ thể chúng ta những tế bào chuyên biệt mới. Yếu tố đa năng này các nhà nghiên cứu đã thấy được trong các phòng thí nghiệm. Nhưng các tế bào gốc trưởng thành không có được đặc tính toàn năng như các tế bào gốc của phôi. Một tế bào gốc của não có thể phát triển lên thành mọi loại mô thần kinh não, nhưng gần như chắc chắn không thể phát triển thành một tế bào gan. Nhưng có thể có những luật trừ: các tế bào gốc của nước ối, của máu nhau và của các răng sữa có thể mang tính toàn năng. Các nhà khoa học đang tìm hiểu thêm về điểm này.

Khác với tế bào gốc của phôi, việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành không gặp trở ngại về mặt đạo đức. Nếu khoa học thành công dùng kích thích sinh hoá để tạo được tế bào gốc từ não của tôi, thì khi dùng chúng để cấy lại thay thế cho những phần não bị hư, chúng sẽ dễ được hệ miễn nhiễm của tôi chấp nhận, không bị phản ứng loại trừ. Cho tới nay, cũng chưa thấy có sự gia tăng khả năng bị ung thư. Từ thập niên 1960’ i khoa vẫn dùng tế bào gốc của tuỷ để chữa chứng ung thư máu và chứng sưng hạch bạch huyết. Ngoài ra cũng có nhiều nghiên cứu i học liên quan tới việc chữa bệnh tim mạch bằng tế bào gốc trưởng thành. Cũng có những kết quả khả quan trong tiến trình hồi sinh những ca bị nhồi máu cơ tim và trong việc trị chứng bại liệt cũng như bệnh Parkinson. Nơi chuột, tế bào gốc trưởng thành chữa lành chứng ung thư não. 

Hiện nay, việc nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành đang mang lại nhiều triển vọng. Nếu i khoa thành công trong việc chữa trị chứng Parkinson trong vòng hai chục năm tới, thì tế bào gốc trưởng thành sẽ có được độ tin tưởng vượt xa tế bào gốc phôi. Nhưng trong thực tế, chúng ta cũng thường thấy có sự cạnh tranh ráo riết giữa hai lãnh vực nghiên cứu để thu hút tài trợ công và tư. Hỗ trợ việc nghiên cứu tế bào gốc phôi cũng đồng thời có nghĩa là ít quan tâm đầu tư vào lãnh vực tế bào gốc trưởng thành, một lãnh vực đang có nhiều triển vọng thực tế và việc sử dụng không tạo ra rắc rối về mặt xã hội. Tế bào gốc trưởng thành có thể an tâm tạo lập. Trái lại, việc tạo lập tế bào gốc phôi phải cần đến tế bào trứng của phụ nữ, và thường phải trải qua những thử nghiệm thụ tinh nhân tạo. Nhưng lượng tế bào trứng có giới hạn. Sợ rằng nhu cầu cần trứng có thể dẫn tới nạn thương mại hoá, trong đó phụ nữ ở các nước nghèo sẵn sàng bán trứng của mình để kiếm sống - và như vậy sẽ kéo theo vấn nạn đạo đức.

Nếu so sánh mức hứa hẹn thành công giữa tế bào gốc trưởng thành với tế bào gốc phôi và đưa chúng lên bàn cân theo kiểu duy lợi, thì xem ra tế bào gốc trưởng thành nặng kí hơn. Nhưng như vậy không có nghĩa là vì đạo đức ta không được phép thí nghiệm với tế bào gốc phôi; sở dĩ như thế, là vì sự tính toán duy lợi luôn chỉ đặt nền trên những thành quả có thể có mà thôi. Tuy nhiên điểm lợi trên đây đã tương đối hóa yêu sách, lí đương nhiên và í nghĩa xã hội của việc nghiên cứu tế bào gốc phôi, một lãnh vực đã tạo ra quá nhiều chống đối trong những năm gần đây. 

Kĩ thuật cải biến di tử, như vậy, không chỉ là một vấn đề đạo đức cơ bản, nó còn mang một chiều kích quan trọng về mặt xã hội - đạo đức. đây cũng là chiều kích chúng ta sẽ gặp trong bài tới, khi đề cập đến I sinh học (Biomedizin): vấn đề chẩn phôi trước khi cấy vào lòng mẹ. (Präimplantationsdiagnostik).

•Trẻ ống nghiệm. I học truyền sinh sẽ đi về đâu?