Tội Công Thành

Giả tưởng văn phạm

Docsach24.com
rong khi chỉ cho chúng tôi mục đích, hãy chỉ đường cho chúng tôi,

Vì sự làm rối loạn các thủ đoạn và mục đích

Muốn rằng trong lúc thay đổi những thủ đoạn, các ông sẽ biển đổi những mục đích;

Mỗi con đường mới phát giác một mục đích mới.

Feddinand Lassalle

(Franz von Sickingen).

1.

“Khi được hỏi ông có nhận tội không, bị cáo Roubachof trả lời: ‘Nhận’ với một giọng rõ ràng. Ông biện lý hỏi thêm có phải ông hoạt động cho phe phản cách mạng không, bị cáo cũng trả lời ‘Phải’ với giọng nhỏ hơn...”

Con gái của người gác cổng Vassillii đọc chậm chậm từng vần một. Cô đã mở tờ báo lên bàn và theo từng hàng bằng ngón tay; thỉnh thoảng cô đưa tay vuốt chiếc khăn choàng cổ in hoa.

“... Được hỏi bị cáo muốn có luật sư biện hộ không, ông tuyên bố ông không mong được quyền đó. Kế đó, tòa bước sang việc đọc cáo trạng...”

Người gác cổng Vassilii nằm trên giường, quay mặt vào tường. Vera Vassiliovna không bao giờ biết chắc cụ già có nghe cô đọc không hay đã ngủ. Có khi ông lảm nhảm những gì một mình. Cô đã tập tánh không để ý đến điều đó, và có thói quen đọc báo to tiếng mỗi tối, “vì những lý do học hỏi” - dầu sau giờ làm việc ở xưởng, cô phải đi họp tiểu tổ và về nhà rất trễ.

“... Cáo trạng cho biết tội trạng của bị cáo Roubachof được chứng minh cho tất cả các tội danh đã ghi trong đó, bằng những bằng chứng có tính cách tài liệu cũng như bằng những lời thú nhận của bị cáo lúc thẩm vấn. Ông chánh án hỏi bị cáo có than phiền gì về thủ tục thẩm vấn không; bị cáo bảo không, thêm rằng ông tự ý thú nhận với sự hối quá thành thật về những tội ác phản cách mạng...”

Người gác cổng Vassillii không nhúc nhích. Phía trên đầu giường, ngay chỗ đầu ông, có treo bức ảnh của Người số I. Kế đó, hãy còn một cây đinh đã sét: cách đây không lâu, cây đinh đó mang bức ảnh của Roubachof chụp lúc làm chỉ huy trưởng Du kích quân. Tay Vassilii tự động mò trong nệm tìm cái lỗ nơi ông giấu quyền Thánh kinh dơ cũ cho con gái ông khỏi thấy; nhưng sau khi Roubachof bị bắt, người con gái đã tìm gặp và liệng đi, vì những lý do học hỏi.

“... Đáp lời ông biện lý, bị cáo Roubachof bắt đầu tả lại tiến trình của ông từ khi ông đối lập với chánh sách của Đảng cho đến lúc ông trở thành một người phản cách mạng và phản quốc. Trước một cử tọa đán mắt vào môi ông, bị cáo khởi sự cung khai: Thưa các công dân thẩm phán, tôi sẽ giải thích vì sao tôi đầu hàng trước ông dự thẩm và trước quý ông, những người đại diện pháp luật của nước ta. Lịch sử của tôi chứng minh với quý ông rằng vì sao sự lệch lạc đường lối do Đảng đề ra đưa thẳng tới họa thổ phì phản cách mạng. Kết quả tất nhiên của cuộc đấu tranh phản cách mạng của chúng tôi là đưa đẩy chúng tôi lần lần vào bùn nhơ. Tôi xin diễn tả sự sụp đổ của tôi để cảnh cáo những ai, trong giờ phút quyết liệt này, hãy còn do dự và âm thầm nuôi nấng hoài nghi về đường lối của Đảng và nền tảng vững chắc của chánh sách Đảng. Đầy hổ thẹn, bị vùi xuống cát bụi, và sắp chết, tôi xin tả sự nghiệp hèn hạ của một kẻ phản quốc, để làm bài học và nêu gương khủng khiếp cho bao nhiêu triệu công dân...”

Người gác cổng Vassilii quay trở về giường và vùi mặt xuống ổ rơm. Ông có trước mắt hình ảnh vị chỉ huy trưởng râu rậm Roubachof, lãnh đạo du kích quân, trong những cơn nguy biến nhứt, vẫn tìm được những tiếng chửi thề ngộ nghĩnh làm vui cả trời lẫn người. “Bị vùi xuống cát bụi, sắp chết...” Vassilii rên rỉ. Quyền Thánh kinh không còn ở đó nữa, nhưng ông thuộc lòng nhiều đoạn.

“... Ông biện lý ngắt câu chuyện của bị cáo đang thuật để đặt vài câu hỏi liên quan đến cựu nữ thơ ký của Roubachof, nữ công dân Arlova, bị hành quyết vì tội phản quốc. Theo những câu trả lời của bị cáo Roubachof, hình như lúc đó ông ấy bị dồn vào ngõ bí do sự thận trọng của Đảng, nên đã đổ trút lên Arlova trách nhiệm về những tội ác của ông để cứu mạng ông và có thể tiếp tục những âm mưu bẩn thỉu. N.S. Roubachof thú nhận tội ác này với một sự thành thật bất kể sĩ nhục và trắng trợn. Công dân biện lý đã nhận xét: ‘Ông có vẻ mất hết đạo lý’. Bị cáo đáp lại với một nụ cười chua chát: ‘Có vẻ thôi sao?’ Thái độ đó gây sự phẫn nộ và khinh miệt trong cử tọa, nhưng công dân chánh án ngăn chận kịp thời. Lắm lúc, những sự diễn tả quan niệm công lý cách mạng nhường chỗ cho một làn sóng vui vẻ - thí dụ, khi bị cáo ngưng tả các tội ác của ông ta để yêu cầu ngưng phiên xử mấy phút, lấy cớ ông ta bị ‘đau răng đến không chịu nỗi’. Mặc dầu thể thức xử án của công lý cách mạng rất nghiêm chỉnh, ông chánh án cũng đưa ra một đặc lệ, chấp nhận sự thỉnh cầu ấy và ra lịnh, với một cái nhún vai khinh bỉ, đình phiên xử năm phút”.

Người gác cổng Vassilii nằm ngửa và nghĩ đến những ngày Roubachof được công kênh từ phiên họp này đến phiên họp khác, sau khi ông thoát khỏi tay những kẻ ngoại quốc và ông thấy Roubachof đứng với cặp nạng, trên diễn đàn, dưới những lá cờ đỏ và những trang trí khác, mỉm cười, chùi kiếng vào tay áo, giữa những tiếng hò hét hoan hô không ngớt.

“Bọn lính đưa Đức chúa Jesus vào giữa sân, nghĩa là trong pháp đình, rồi họ tập họp cả đội binh. Chúng mặc áo đỏ cho Chúa. Và chúng đánh lên đầu Chúa bằng một cọng sậy, phun nước miếng vào Chúa, rồi quỳ gối lạy trước Chúa”.

- Ba nói lảm nhảm gì đó? - Cô con gái hỏi.

- Không có gì cả. - Lão Vassilii vừa nói vừa quay mặt vào tường. Ông đưa tay vào cái lỗ trong nệm, nhưng không có gì trong đó. Trên đầu ông, cũng không có gì ở cây đinh. Cô gái đã gỡ chân dung của Roubachof khỏi tường vả liệng vào thùng rác, ông đã không phản đối - ông đã quá già để chịu đựng sự sĩ nhục phải vào tù.

Cô gái ngưng đọc và đặt chiếc lò dầu hôi lên bàn để pha trà. Một mùi dầu hôi nồng nặc lan trong căn phòng.

- Ba có nghe con đọc không? - Cô gái hỏi.

Vassilii quay đầu về phía con gái một cách ngoan ngoãn:

- Ba nghe đủ hết.

- Đó, ba thấy không - Vừa nói cô vừa bôm dầu hôi vào cây đèn kêu xì xì - Chính ông khai rằng ông là thằng phản quốc. Nếu không đúng sự thật, thì chính ông đã không tự miệng nói ra. Trong buổi họp của xưởng, chúng con đã biểu quyết một quyết nghị mà tất cả mọi người sẽ ký vào.

- Con biết gì nhiều trong vụ này mà nói! - Vassilii nói trong một tiếng thở dài.

Vera Vassiliovna nhìn nhanh ông một cái làm ông phải quay vào tường ngay. Mỗi lần cô nhìn ông như vậy, Vassilii nhớ lại rằng ông là một sự ngăn trở đối với Vera Vassiliovna, vì cô muốn chiếm gian phòng này. Cách đây ba tuần, cô và một thanh niên thợ máy trong nhà máy đã ghi tên vào sổ hôn thú, nhưng cả hai chưa có chỗ ở; thanh niên ở chung một phòng với hai đồng nghiệp, và trong thời này, phải mấy năm mới được Cuộc Gia cư cấp cho một phòng.

Lò dầu bôm đã cháy. Vera Vassiliovna đặt chiếc ấm nước lên đó.

- Người thơ ký của tiểu tổ đã đọc quyết nghị cho chúng con nghe. Trong đó, chúng con yêu cầu tiêu diệt không chút thương xót bọn phản quốc. Kẻ nào tỏ ra tội nghiệp họ thì kẻ đó cũng là một tên phản quốc và phải bị tố cáo - Cô giải thích với một giọng ung dung cả quyết - Dân cần lao phải tỏ ra thận trọng. Mỗi người chúng con đều nhận được một bản quyết nghị để đi gom chữ ký.

Vera Vassiliovna móc từ chiếc áo choàng thợ thuyền ra một tờ giấy hơi nhầu và trải ra trên bàn. Vassilii đang nằm ngửa; chiếc đinh sét ló ra khỏi tường ngay trên đầu ông. Ông liếc về phía tờ giấy mở ra bên cạnh lò dầu. Rồi bỗng nhiên ông quay đầu đi. “Và Chúa Jesus nói: Pierre, ta đã nói với ngươi, hôm nay gà chưa gáy thì ngươi đã chối ba lần rằng không biết ta...”

Nước reo trong chiếc ấm. Lão Vassilii uể oải:

- Những người có tham dự Nội chiến có phải ký không?

Chiec khăn quàng in hoa đội trên đầu, cô gái cúi xuống cái ấm.

- Không ai bị bắt buộc - Cô nói vừa nhìn ông với cái nhìn kỳ quái lúc nãy - Ở nhà máy, họ biết ông ở đây. Người thơ ký tiểu tổ hỏi con sau buổi họp có phải ba với ông vẫn là bạn tới cùng phải không, và hai người có thường nói chuyện với nhau không.

Lão Vassilii bật ngồi lên ngay. Sự cố gắng làm ông ho, và những đường gân ở chiếc cổ gầy và có vẻ lao hạch nổi vòng lên.

Cô gái để trên bìa bàn hai cái ly, bỏ vào đó một ít bụi trà lấy từ một bao giấy ra.

- Ba còn lẩm bẩm gì nữa vậy?

- Đưa ba cái tờ giấy quý đó đi.

Cô gái trao giấy cho ông.

- Ba có muốn con đọc báo nữa, để ba biết thiệt rõ ông nói cái gì không?

- Không - Lão vừa nói vừa ghi tên lão vào giấy - Ba không muốn biết. Thôi, cho ba ly trà.

Cô gái đưa ly. Môi Vassilii động đậy; ông lẩm bẩm những gì với mình, vừa uống từng hớp nhỏ chất nước vàng nhạt.

Khi hai cha con uống trà xong, cô gái tiếp tục đọc báo. Vụ án các bị cáo Roubachof và Kieffer đến đoạn kết thúc. Những cuộc tranh luận về dự án ám sát Đảng trưởng đã gây trong cử tọa những cơn bão phẫn nộ; nhiều tiếng hét: “Bắn bỏ những con chó điên!” nổi lên nhiều lần. Câu hỏi chót của ông biện lý về động cơ thúc đẩy những hành động của Roubachof. Với một giọng nhỏ và kéo dài, Roubachof với dáng mệt lữ, trả lời:

- Tất cả những gì tôi có thể nói, là một khi phe đối lập chúng tôi nghĩ ra mục tiêu tàn ác là đẩy chánh phủ khỏi Tổ quốc Cách mạng, chúng tôi đã dùng những phương pháp có vẻ hợp với mục đích chúng tôi; những phương pháp đó cũng hèn hạ và đê tiện như mục tiêu đó.

Vera Vassiliovna đứng lên xô mạnh ghế:

- Thật là gớm ghiếc. Cái lối ông trườn sát bụng làm mình muốn mửa.

Cô đặt tờ báo xuống và dẹp lò, ly một cách ồn ào. Vassilii nhìn cô. Trà nóng làm ông can đảm hơn. Ông ngồi dậy:

- Con đừng tưởng tượng rằng con hiểu điều gì trong những chuyện đó. Chỉ trời mới biết ổng nghĩ gì khi ổng nói như vậy. Đảng dạy tất cả mọi người đều phải quỷ quyệt, mà kẻ nào quá quỷ quyệt thì mất tất cả nhân phẩm. Con nhún vai vô ích - Ông nói thêm một cách giận dữ - Xã hội đã đi đến chỗ đó rồi; ngày nay, sự khôn khéo và nhân phẩm lẫn lộn nhau, mà kẻ nào chọn cái này thì phải bỏ cái kia. Tính toán quá thì cũng chẳng ra cái gì. Vì vậy có câu: “Dầu lời của ngươi là ừ ừ, không không; những gì thêm vào đó xuất xứ từ kẻ tinh quái”.

Ông nằm vật xuống ổ rơm và quay mặt sang nơi khác để khỏi thấy cái nhăn mặt của con gái. Đã từ lâu ông không nói nghịch ý con gái một cách can đảm như vậy. Chỉ trời mới biết câu chuyện sẽ đi tới đâu, một khi con gái ông nghĩ rằng cô cần gian phòng để ở với chồng. Dầu sao, cũng cần phải quỷ quyệt trong đời này - hoặc trong lúc tuổi già có thể đi ở tù hay bị bắt buộc phải ngủ dưới gầm cầu trong rét buốt. Đúng như vậy; hoặc là tinh quái, hoặc là lương thiện: hai cái ấy không thể đi đôi nhau.

- Bây giờ, con đọc đoạn chót. - Cô gái báo trước.

Ông Biện lý đã hỏi xong Roubachof. Kế đó, bị cáo Kieffer bị hỏi cung một lần nữa; ông lặp lại tất cả chi tiết của cuộc cung khai kỳ trước về ý đồ ám sát.

“... Ông chánh án hỏi bị cáo Roubachof xem ông này có muốn đặt câu hỏi với Kieffer không, vì đó là quyền của ông. Bị cáo trả lời ông không xứng đáng sử dụng quyền đó. Cuộc hỏi cung các nhân chứng chấm dứt, và Tòa đình xử. Khi xử lại, công dân biện lý bắt đầu buộc tội...”

Lão Vassilii không nghe lời buộc tội của ông biện lý. Ông quay vào tường và ngủ. Ông không biết ông đã ngủ bao lâu, cô gái đã châm thêm dầu vào đèn bao lâu, và bao lần ngón tay trỏ của cô dò đến hàng tận cùng của trang báo rồi trở lên phía trên của cột báo kế tiếp. Ông chỉ thức dậy khi ông biện lý, tóm tắt bản buộc tội, xin tòa xử tử hình bị cáo. Có lẽ con gái ông đã đổi giọng lúc đến đoạn cuối, có lẽ cô đã nghỉ một chút; nhưng khi Vassilii thức giấc, cô đến câu chót của bản buộc tội, in bằng chữ đậm:

“Tôi yêu cầu tất cả các con chó điên này phải bị xử bắn”.

Các bị cáo được phép nói những lời cuối cùng.

“... Bị cáo Kieffer quay sang các vị thẩm phán và khẩn cầu được tha chết vì ông ta còn quá trẻ. Ông nhìn nhận lần nữa sự hèn hạ của tội ác và cố gắng trút hết trách nhiệm cho người xúi dục là Roubachof. Ông cà-lăm dữ dội, gây ra một sự vui nhộn trong các khán giả nhưng công dân chánh án ngăn chận mau lẹ. Kế đó Roubachof được phép nói...”

Nơi đây, phóng viên rất linh động: bị cáo Roubachof đã “nhìn cử tọa với đôi mắt đầy khát vọng, nhưng không tìm gặp một gương mặt nào sẵn sàng với ông, ông đành cúi đầu với vẻ tuyệt vọng”.

Những lời cuối cùng của Roubachof rất ngắn. Ông làm tăng thêm cảm giác khó chịu do thái độ của ông gây ra trước tòa án trước đây.

“Thưa công dân chánh án, - Roubachof nói - tôi nói nơi đây lần cuối cùng của đời tôi. Nếu hôm nay tôi tự hỏi: ‘Tại sao anh chết?’, tôi thấy trước mặt tôi sự hư vô tuyệt đối. Không có gì cần phải chết, nếu người ta chết mà không hối hận, không hòa giải được với Đảng và Phong trào. Vì vậy, bên lề giờ cuối cùng của tôi, tôi quỳ gối trước đất nước, trước quần chúng và cả dân tộc. Mặt nạ chánh trị, trò hề tranh luận và những cuộc âm mưu đã chấm dứt. Về phương diên chánh trị, chúng tôi đã chết trước khi công dân biện lý xin cái đầu của chúng tôi. Khốn nạn cho kẻ bại trận, bị lịch sử vùi xuống cát bụi! Trước quý vị công dân thẩm phán, tôi chỉ có một minh chứng: là đã không chọn cho tôi con đường dịu dàng hơn. Sự tự cao và những chứng tích kiêu hãnh cuối cùng nói thì thầm vào tai tôi: Chết một cách yên lặng, đừng nói gì cả; hoặc chết với một cử chỉ đẹp, với một lời ca xúc động của con thiên nga sắp lìa đời; để cho lòng dâng trào và thách đố những kẻ tố cáo anh. Việc đó có thể giản dị hơn cho một tên phiến loạn già nua, nhưng tôi đã vượt khỏi sức cám dỗ đó. Như vậy là bổn phận tôi đã dứt. Tôi đã trả; món nợ của tôi đối với lịch sử đã thanh toán xong. Xin quý vị thương hại là chuyện lố bịch. Tôi không còn gì đề nói nữa”.

“... Sau cuộc thảo luận ngắn, ông chánh án đọc bản án. Tòa án tối cao của nền công lý cách mạng kết án tối đa mỗi bị cáo trong mỗi trường hợp: Tử hình (bằng vũ khí) và tịch thâu gia sản. Họ sẽ bị bắn”. Lão Vassilii nhìn trân trối cây đinh sét phía trên đầu ông. Ông thì thầm:

- Mong anh được mãn nguyện. A-men.

Và ông quay mặt vào tường.

2.

Giờ đây, tất cả đều chấm dứt. Roubachof biết rằng từ đây tới khuya ông sẽ không còn nữa.

Ông đi tới đi lui trong xà-lim, nơi ông trở về sau vụ xử án tưng bừng; sáu bước rưởi về phía cửa sổ, sáu bước rưởi về hướng đối nghịch. Khi ông dừng lại, chú ý nghe, ở miếng gạch đen thứ ba khởi từ cửa sổ, sự yên lặng giữa bốn bức tường vôi trùm phủ ông, như nó dâng lên từ một đáy giếng. Ông vẫn không hiểu tại sao đâu đó lại lặng lẽ như vậy, phía trong cũng như phía ngoài. Nhưng ông biết rằng hiện thời, không có việc gì có thể phá tan sự bình yên này.

Quay trở lại dĩ vãng, ông nhớ một cách chính xác thời gian mà sự bình yên mầu nhiệm ấy đã xâm chiếm ông. Đó là lúc cuộc xử án diễn tiến, trước khi ông nói những lời cuối cùng. Ông tưởng mình đã loại khỏi bản ngã những dấu vết ích kỷ và tự cao cuối cùng, nhưng ngay lúc đó, khi mắt ông dò xét các gương mặt của cử tọa, và chỉ thấy sự dửng dưng và chế nhạo, ông cảm thấy lần cuối cùng dâng trào ý muốn khó ngăn chận là muốn được thương hại như con chó muốn cục xương; lạnh buốt trong lòng, ông muốn tự sưởi ấm với ngọn lửa của các lời lẽ của mình. Ông bị sức cám dỗ dữ dội nói về dĩ vãng của mình, và chồm lên, dầu chỉ một lúc thôi, xé tan màn lưới do Ivanof và Gletkin bao phủ ông; ông muốn hét lên như Danton trước những kẻ buộc tội ông ta: “Các người đã đặt những bàn tay của các người lên sự sống trọn vẹn của tôi. Sự sống đó có đứng lên trước các người như một thách đố được không...” Ông biết rõ bài diễn văn của Danton trước tòa án cách mạng! Ông có thể lặp nó lại từng chữ. Hồi còn trẻ, ông đã học thuộc lòng nó: “Các người muốn dập tắt nên Cộng hòa trong máu. Phải cần bao nhiêu thì giờ nữa cho những bước của tự do trở thành những tấm mộ bia? Sự bạo tàn đang đi tới; nó đã xé mặt nạ của nó, nó ngẩng đầu cao lên và tiến trên thây của chúng tôi.”

Lời lẽ như đang đốt lưỡi ông. Nhưng sự cám dỗ chỉ một lúc thôi; và khi ông khởi nói những lời cuối cùng, ông cảm thấy yên lặng như một quả chuông trùm xuống ông. Ông nhận thấy đã quá trễ.

Quá trễ để đi ngược con đường, để dò theo những tấm mộ bia đánh dấu những bước đi trước kia của ông. Những lời lẽ không ban bố được gì nữa.

Quá trễ cho tất cả bọn ông. Khi đến giờ ra trước công chúng lần cuối cùng, không một ai trong bọn ông có thể biến chiếc băng bị cáo thành diễn đàn, lột trần sự thật trước mặt công chúng, và như Danton trước các kẻ xử mình, bác bỏ cáo trạng.

Có những kẻ phải im lặng vì sự khủng bố thể xác như Người Sứt Môi; những kẻ khác mong được còn mạng sống? Những kẻ khác nữa định cứu vợ con khỏi móng vuốt của Gletkin. Những kẻ lỗi lạc giữ yên lặng để phục vụ Đảng lần cuối cùng, bằng cách để cho bị hy sinh như những con vật tế thần - và hơn nữa, mỗi kẻ lỗi lạc đều có một cô Arlova trên lương tâm. Họ bị vướng quá sâu trong dĩ vãng của chính họ, rơi vào màn lưới do chính họ dệt ra, đúng với những quy luật của nền luân lý cong quẹo của họ và lối luận lý cong quẹo của chính họ; tất cả bọn họ đều phạm tội, nhưng không phải những tội mà họ tự tố cáo. Họ không thể đi ngược đường. Họ ra khỏi sân khấu đúng theo những quy lệ về trò chơi của họ. Công chúng không chờ đợi ở họ tiếng hát của con thiên nga. Họ phải ghép mình theo sách vở, và vai trò của họ là sủa như những con chó sói trong đêm tối...

Như vậy là hết. Ông không còn gì phải làm với tất cả những cái ấy. Ông khỏi phải sủa như chó sói nữa. Ông đã trả, món nợ đã thanh toán. Ông là một người đã mất đi cái bóng của mình, không còn vướng víu gì nữa. Ông đã theo dõi mỗi tư tưởng mình cho đến kết quả tối hậu và hành động hợp với kết quả đó cho đến cùng; những giờ khắc còn lại thuộc về đối tượng lặng lẽ mà vương quốc khởi sự đúng vào điểm mà tư tưởng đúng với luận lý chấm dứt. Ông đã đặt cho đối tượng lặng lẽ ấy cái tên là “giả tưởng văn phạm” với sự e thẹn trước ngôi thứ nhứt của số ít mà Đảng đã chôn sâu vào tâm não của đám đồ đệ.

Roubachof ngừng trước bức tường ngăn ông với phòng số 406. Xà-lim đã trống từ khi Rip Van Winkle đi. Ông gỡ kiếng mắt, nhìn nhanh quanh mình rồi gõ:

2-5; 1-5...

Ông lắng nghe với một cảm giác hổ thẹn rất trẻ con, rồi gõ nữa:

2-51; 1-5;

Ông lắng nghe nữa, rồi lặp lại những tín hiệu đó. Vách tường vẫn câm lặng. Ông chưa bao giờ có ý thức gõ chữ “Tôi”. Có lẽ chưa bao giờ ông gõ chữ đó. Ông lắng nghe. Âm thanh chìm mất không vang đội.

Ông tiếp tục đi trong xà-lim. Từ khi quả chuông im lặng trùm phủ ông, ông bươi óc về một mớ câu hỏi mà ông muốn tìm lời giải đáp trước khi quá trễ. Đó là những câu hỏi ngây ngô thuộc về ý nghĩa của sự đau khổ, hoặc đúng hơn, về sự khác biệt giữa sự đau khổ có ý nghĩa và sự đau khổ có nghĩa. Lẽ tất nhiên, chỉ có sự đau khổ có ý nghĩa là không thể tránh được thôi; nghĩa là sự đau khổ đã mọc sâu gốc rễ trong định mạng sinh lý. Phần khác, mọi đau khổ thuộc nguồn gốc xã hội đều bất thường, nghĩa là vô nghĩa lý. Mục tiêu duy nhứt của cuộc cách mạng là hủy bỏ mọi đau khổ vô nghĩa. Nhưng ông nhận thấy sự hủy diệt của loại đau khổ thứ hai này chỉ có thể được với cái giá của một sự tăng gia rộng rãi và tạm thời của tổng số những khổ đau loại thứ nhứt. Lại nữa, câu hỏi hiện nay có được đặt ra dưới hình thưc này không: một dịch vụ như vậy có biện chính được không? Lẽ dĩ nhiên là được, nếu người ta nói trong sự trừu tượng của “nhân loại”; nhưng áp dụng cho “con người” số ít, dưới biểu tượng 2 - 5; 1 - 5 tức là “Je” (tôi), con người thật sự bằng xương, bằng thịt, bằng da và bằng máu, thì nguyên tắc đó đưa tới sự vô lý. Hồi còn trẻ, ông đã tưởng rằng làm việc cho Đảng, ông sẽ tìm thấy lời giải đáp cho tất cả các câu hỏi loại đó. Sự làm việc của ông kéo đài bốn mươi năm, và ngay hồi khởi sự, ông đã quên câu hôi đã thúc đẩy ông đảm nhận công tác đó. Hiện thời, bốn mươi năm đã trôi qua, và ông trở về với sự phân vân của thuở thiếu thời. Đảng đã lấy tất cả những gì ông cho và không hề giúp được ông câu giải đáp. Và đối tượng câm nín mà ông đã gõ cái tên thần bí lên tường của cái xà-lim trống, cũng chẳng trả lời cho ông. Hắn điếc trước mọi câu hỏi trực tiếp, dẫu khẩn cấp và tuyệt vọng đến đâu cũng vậy.

Tuy nhiên, có nhiều con đường đưa đến hắn. Có khi hắn phản ứng một cách bất ngờ trước một sự điều hợp hay chỉ cần nhớ tới một sự điều hợp, nhớ tới hai bàn tay chấp vào nhau của bức tranh Pietà, hoặc một vài cảnh tượng lúc ấu thơ. Những sự điều hòa của hắn đáp lại một vài kêu gọi như đối với một âm-xích, và một khi những hình bóng hay âm vang ấy thức dậy, thì nẩy sanh những trạng thái mà người ta gọi là “phút xuất thần”, và những cuộc “trầm mặc” thiêng liêng; những nhà tâm lý học vĩ đại nhứt, trang nghiêm nhứt của thời đại mới nhìn nhận như một sự kiện, sự hiện diện của trạng thái đó, và họ gọi nó là “xúc cảm đại dương”. Trên thật tế, tính cách cá nhân tan trong trạng thái đó như một hột muối trong biển cả; nhưng cũng cùng lúc đó, sự minh mông vô định của biển cả hình như chứa đựng trong một hột cát. Hột cát ấy không còn đặt mình trong thời gian hay trong không gian nữa. Đó là một trạng thái trong đó tư tưởng mất hết định hướng và quay mòng mòng, như cây kim chỉ nam rung động ở từ cực; và chót hết, tư tưởng tách rời khỏi trục để ngao du tự do xuyên qua không gian, như một chùm ánh sáng trong đêm tối; bấy giờ, hình như tất cả các tư tưởng, tất cả những cảm xúc, cho đến sự đau khổ, sự vui sướng chỉ còn là những đường rạch kỳ ảo của một tia sáng, bị phân giải ở giáp trụ của ý thức.

Roubachof đi trong xà-lim. Ngày xưa, ông đã hổ thẹn trốn tránh loại mơ mộng ngây ngô này. Giờ đây, ông không còn mắc cở nữa. Trong cõi chết, sự siêu thần trở thành thật tế. Ông ngừng trước cửa sổ và úp trán vào kiếng. Phía trên pháo đài có một vết xanh. Một màu xanh nhạt làm ông nhớ lại một màu xanh nào đó mà ông đã thấy phía trên đầu mình một lần nọ hồi còn nhỏ, lúc ông nằm dài trên cỏ trong vườn của cha ông, nhìn những cành bạch dương đong đưa trên nền trời. Hình như chỉ cần một khoảng trời xanh cũng đủ gây ra “trạng thái đại dương”. Ông đọc thấy rằng, theo những khám phá mới nhứt về vật lý không gian, thể tích của vũ trụ có giới hạn - mặc dầu không gian vô giới hạn. Nó họp thành một hệ thống đóng kín, giống như diện tích của một quả cầu. Chưa bao giờ ông hiểu nổi việc đó; nhưng bây giờ, ông cảm thấy một mong muốn khẩn thiết hiểu được sự kiện ấy. Ông nhớ lại nơi mà ông đọc chuyện ấy: trong lúc bị bắt lần thứ nhứt tại Đức, các đồng chí đã lén gởi vào xà-lim một tờ báo bí mật của Đảng: ở trên cao, có một bài ba cột về cuộc về cuộc đình công trong một xưởng dệt; phía dưới có bài một cột, loại lấp lỗ trống, in bằng chữ nhỏ, sự khám phá về vũ trụ có giới hạn, và ngay chính giữa bài đó lại bị rách mất. Ông không hiểu người ta viết gì trên phần giấy thiếu đó.

Roubachof đứng bên cửa sổ, dùng kiếng mắt gõ vào tường của xà-lim vắng người? Thuở ấu thơ, ông có ý định học khoa thiên văn, thế mà từ bốn mươi năm nay ông lại làm chuyện khác. Tại sao viên biện lý không hỏi ông: “Bị cáo Roubachof, ông nghĩ gì về vô cực?” Ông chẳng biết trả lời ra sao - và đó mới chính là nguồn gốc thật sự của sự phạm tội của ông... Trên đời, còn gì nặng hơn nữa?

Khi ông đọc bài báo đó, lúc ấy cũng như hiện nay ông chỉ có một mình trong xà-lim, những khớp xương hãy còn đau đớn sau một buổi bị tra tấn, ông đã chuồi vào một trạng thái xuất thần lạ lùng - sự “xúc cảm đại dương” đã mang ông lên chỗ chơi vơi. Sau đó, ông hổ thẹn vì việc ấy. Đảng không tán thành những trạng thái như vậy. Đảng gọi những sự kiện đó là sự thần bí tiểu tư sản, sự trốn lánh vào tháp ngà, “từ bỏ bổn phận”, “đào ngủ trong lúc đang đấu tranh giai cấp”. Sự “xúc cảm đại dương” là phản cách mạng.

Vì trong mọi cuộc tranh đấu, con người phải đứng vững hai chân trên mặt đất. Đảng dạy ta rằng vô cực là một số lượng đáng hoài nghi trên bình diện chánh trị, tiếng “Tôi” là một phẩm lượng đáng hoài nghi. Đảng không nhìn nhận sự hiện diện của cái “Tôi”. Định nghĩa về tiếng cá nhân là: thương số của một triệu chia cho một triệu.

Đảng không chấp nhận một cá nhân tự định đoạt vận mạng mình - và đồng thời bắt buộc cá nhân chối bỏ quyền ấy. Đảng không chấp nhận cá nhân có quyền chọn lựa một trong hai giải pháp - và đồng thời buộc phải chọn ngay giải pháp hay. Đảng không chấp nhận cá nhân có được khả năng phân biệt cái hay và cái dở - và đồng thời nó nói bằng một giọng xúc động về sự phạm tội và sự phản bội. Cá nhân - một bánh xe trong guồng máy của một cái đồng hồ được vặn cho chạy trong một thời gian vô hạn và không cái gì có thể làm nó ngừng lại hay ảnh hưởng được nó - cá nhân bị đặt dưới oai lực của định mạng kinh tế, và Đảng bắt buộc guồng máy phải nổi lên chống chiếc đồng hồ để thay đổi sự vận chuyển của nó. Có một sai lầm nào đó trong bài toán, và phương trình không đứng vững.

Trong bốn mươi năm, ông đã tranh đấu với định mạng kinh tế. Đó là chứng bịnh chánh yếu của nhân loại, ung thư nuốt lần ruột gan loài người. Chính đó là nơi phải mổ; phần còn lại trong tiến trình của cuộc điều trị tự nó đi tới. Tất cả những chuyện khác đều thuộc những chủ nghĩa hưởng lạc, lãng mạn, lang băm. Không thể trị một con bịnh sắp chết bằng những lời khuyến khích thành kính. Giải pháp duy nhứt là con dao của nhà giải phẫu và sự tính toán lạnh lùng của hắn. Nhưng bất cứ nơi nào con dao ấy đi qua, thì một vết thương khác hiện ra ở chỗ của vết thương cũ. Và một lần nữa, phương trình không đứng vững.

Trong suốt bốn mươi năm, ông đã sống đúng với sự mong muốn của đoàn thể, tức của Đảng. Ông đã theo đúng các quy luật của sự tính toán hợp luận lý. Ông đã đốt trong lương tâm ông tất cả những gì còn lại của cái luân lý cũ kỹ, không hợp lý, bằng chất ắc-xít lý luận. Rồi sự kiện đó đưa ông đến đâu? Những tiền đề của một sự thật hiển nhiên đã đưa tới một kết quả hoàn toàn vô lý; những suy luận chính xác của Ivanof và Gletkin đã đưa ông thẳng tới một ván bài kỳ dị, huyễn hoặc là vụ án công khai. Phải chăng con người không nên theo đuổi tư tưởng mình đến một kết luận tối hậu?

Roubachof nhìn xuyên qua những chấn song cửa sổ về vết xanh phía trên cây đại liên của pháo tháp. Khi ông nhìn lại dĩ vãng, ông thấy hình như suốt bốn mươi năm, ông chỉ làm chuyện điên rồ - một loại bịnh điên sát nhân ở Mã Lai trong địa hạt lý luận thuần túy. Phải chăng con người không nên tự giải thoát hoàn toàn khỏi những ngăn trở cũ kỹ, những cái thắng quân bình như “Anh chớ nên làm điều này”, và “Anh không có quyền làm chuyện nọ”. Như vậy có lẽ hay hơn là lủi thẳng vào mục đích.

Màu xanh bắt đầu biến sang màu hồng, trời đã về chiều; chung quanh chòi canh, một đàn chim đen bay quanh với những cái vỗ cánh chậm và chừng mực. Không, phương trình không đứng vững. Bắt con người quay mắt về mục đích và đặt vào tay hắn một con dao mổ không đủ; những kinh nghiệm với con dao mổ không hợp với nó. Sau này, một ngày tới đây không chừng. Hiện trong lúc này, con người hãy còn quá trẻ, quá vụng về. Nó điên lên trên mảnh đất thí nghiệm minh mông đó, tức là Tổ quốc của Cách mạng, Pháo đài của tự do! Gletkin minh chứng tất cả những gì xảy tới nhân danh nguyên tắc ấy, rằng phải cứu Pháo đài. Nhưng ở trong đó giống như cái gì? Không, người ta không thể xây dựng Thiên đàng bằng bê-tông cốt sắt. Pháo đài sẽ được cứu, nhưng không có thông điệp nào gởi cho thế giới, cũng chẳng nêu gương được gì cả. Chế độ của Người số I đã làm bẩn lý tưởng của Quốc gia Xã hội, như một vài vị Giáo hoàng của thời Trung cổ làm bẩn lý tưởng của Đế quốc Thiên Chúa. Ngọn cờ Cách mạng đang bị treo rũ, đầy màu tang tóc.

Roubachof đi trong xà-lim. Đâu đó im lìm và gần như tối đen. Có lẽ họ sắp đến tìm ông. Có một sai lầm đâu đó trong phương trình - không trong toàn bộ hệ thống của tư tưởng toán học. Ông đã đánh hơi được điều đó từ lâu, từ câu chuyện của Richard và bức tranh Pietà, nhưng ông chưa bao giờ dám thú nhận cảm giác ấy. Có lẽ Cách mạng tới quá sớm, một đứa con xảo thai với tứ chi dị dạng. Có lẽ tất cả đều do một sai lầm nặng nề về giờ khắc nào đó. Nền văn minh La Mã hình như cũng bị kết án ngay ở thế kỷ thứ nhứt trước Thiên Chúa; nó cũng có vẻ mục nát sâu đậm như của chúng ta. Cũng trong thời đó, những kẻ lỗi lạc tưởng rằng thời gian đã chín mùi cho một cuộc thay đổi vĩ đại; ấy vậy mà xã hội cũ hư mòn vẫn còn kéo dài năm trăm năm. Lịch sử có bộ mạch máu chảy chậm; con người được đếm bằng số năm, lịch sử được đếm bằng số thế hệ. Có lẽ hiện nay mới là ngày thứ hai sau khi thành lập vũ trụ. Ông thích sống và xây dựng thuyết trưởng thành tương đối của quần chúng!

Đâu đó đều im lặng trong xà-lim. Roubachof chỉ nghe tiếng rít của giày mình trên nền gạch. Sáu bước rưỡi về phía cửa cái, đó là hướng mà họ sẽ đến tìm ông, sáu bước rưởi về phía cửa sổ, đó là hướng đêm xuống. Rồi đây tất cả đều chấm dứt. Nhưng khi ông tự hỏi: Đúng ra, tại sao anh chết? Ông không tìm được lời giải đáp.

Có một sự sai lầm trong hệ thống; phải chăng sai lầm ấy nằm trong quy tắc mà cho đến nay ông xem như bất di bất địch, và ông nhân danh quy tắc đó để hy sinh kẻ khác, rồi tự thấy mình bị hy sinh: đó là nguyên tắc mục đích chứng minh thủ đoạn. Chính câu đó đã giết chết tình huynh đệ vĩ đại trong Cách mạng và liệng tất cả những kẻ ấy vào sự thác loạn. Ông há chẳng đã viết trong hồi ký rồi sao? “Chúng ta đã liệng qua khỏi mạn thuyền tất cả những ước lệ, nguyên tắc chỉ đạo duy nhứt của chúng ta là nguyên tắc về kết quả hợp lý; chúng ta chèo một chiếc thuyền không có những vật dằn thuyền về mặt tinh thần”.

Có lẽ trung tâm của chứng bịnh ở nơi đó. Có lẽ việc nhân loại lưu thông không vật nặng dằn thuyền là không hợp với họ. Và có lẽ lý lẽ là một cái kim chỉ nam hư, dẫn dắt ta qua những khúc sông quanh co, và mục đích bị mất hút trong sương mù.

Cũng có lẽ cái thời tối tăm sắp đến rồi sao?

Có lẽ sau này, một phong trào mới sắp nảy sanh - với những lá cờ mới, một tinh thần mới biết rõ định mạng kinh tế cũng như “xúc cảm đại dương”. Có lẽ những đảng viên của cái đảng mới ấy sẽ đội mũ thầy tu và giảng rằng chỉ có sự trong sạch của các thủ đoạn mới chứng minh được những mục đích. Có lẽ họ dạy rằng nguyên tắc con người là thương số của một triệu chia cho một triệu là trật, và họ sẽ đưa ra một thứ số học mới căn cứ trên bài toán nhân: trên sự phối hợp của một triệu con người để họp thành một thực thể mới và thực thể ấy, vốn không phải là một khối vô định hình, sẽ có một ý thức và một tính cách cá nhân riêng, một “xúc cảm đại dương” nhân cho một triệu, trong một hệ thống không gian vô giới hạn nhưng đóng kín.

Roubachof ngừng bước để nghe. Tiếng trống đổ hồi bị chận nghẹt chạy dài theo hành lang đến tai ông.

3.

Hồi trống như được gió đưa từ xa đến; nó hãy còn xa và đang tới gần. Roubachof không nhúc nhích. Chân ông trên nền gạch không còn tuân theo ý muốn nữa; ông cảm thấy trọng lực của quả đất dâng lên hai chân ông lần lần. Ông lùi lại ba bước về phía cửa sổ, mắt không rời lỗ dòm. Ông thở thật sâu và đốt một điếu thuốc. Ông nghe một tiếng nhỏ gần giường:

Họ đến tìm Người Sứt Môi. Hắn gởi lời chào ông.

Sự nặng nề ở hai chân biến mất. Ông đến cửa và đập tay vào cánh sắt với những cái vỗ mau và nhịp nhàng. Hiện thời không cần truyền tin qua phòng số 406 nữa. Xà-lim ấy trống trơn; sợi dây đứt đoạn ở đó. Ông vừa vỗ vừa dán mắt vào lỗ dòm.

Trong hành lang, ánh đèn điện vàng ẻo như mọi khi. Ông vẫn thấy những cánh cửa từ số 401 đến 407. Tiếng trống to dần. Nhiều tiếng bước chân đến gần, chậm và kéo lê. Ông nghe rất rõ trên nền gạch. Bỗng Người Sứt Môi đứng sừng sững trong tầm mắt ông qua lỗ dòm. Hắn đứng đó, môi run run, như trong ánh sáng của ngọn đèn rọi tại văn phòng Gletkin; hai tay bị còng buông thỏng sau lưng trong một tư thế uốn cong lạ lùng. Hắn không thấy mắt của Roubachof sau lỗ dòm và hắn nhìn cánh cửa của ông với hai con ngươi đờ đẫn nhưng tìm tòi, như hy vọng sống sót của hắn ở sau cánh cửa đó. Rồi ông nghe một khẩu lịnh, và Người Sứt Môi ngoan ngoãn quay lại để đi. Sau hắn là người khổng lồ với hai cây súng sáu ở dây nịt. Cả hai lần lượt biến khỏi tầm mắt ông.

Hồi trống mất hút đằng xa; đâu đó im lìm trở lại. Một âm thanh nhỏ nổi lên ở tường, gần giường:

Thái độ hắn đứng đắn lắm...

Từ ngày Roubachof cho số 402 hay sự đầu hàng của ông, họ không nói chuyện với nhau nữa. Số 402 tiếp:

Ông còn mười phút nữa. Ông cảm thấy ra sao?

Roubachof hiểu rằng số 402 bắt chuyện để giúp ông dễ chờ đợi. Ông thầm cám ơn hắn. Ông ngồi lên giường và trả lời:

Tôi mong chuyện nay mau chấm dứt...

Đừng sợ - Số 402 gõ - Chúng tôi đều biết rằng ông là một ngươi quỷ quái... - Hắn ngần ngừ, rồi lặp mau mấy tiếng chót: Một người quỷ quái... - Chắc hẳn hắn không muốn cuộc đàm thoại đứt đi - Ông nhớ không: “Những cái vú vàng hực như những quả bôm”? Ha Ha! Quỷ quái thiệt...

Roubachof lắng nghe những tiếng động ngoài hành lang. Không nghe gì cả. Số 402 hình như đoán được ý nghĩ của ông, vì hắn tiếp ngay:

Đừng lắng nghe. Tôi sẽ cho hay lúc cần, khi họ tới... Ông sẽ làm gì nếu được ân xá?

Roubachof suy nghĩ, rồi gõ:

Tôi sẽ học thiên văn.

Ha ha! Có lẽ tôi cũng vậy. Ngươi ta bảo những hành tinh khác cũng có người ở không chừng. Tôi xin phép cho ông một lời khuyên.

Lẽ tất nhiên - Roubachof ngạc nhiên trả lời.

Đừng để bị kẹt. Đây là đề nghị kỹ thuật của một chiến binh. Trút sạch bong bóng đi. Trong trường hợp như vầy, chuyện đó rất hay. Đầu óc chấp nhận, nhưng xác thịt lại yếu. Ha ha!

Roubachof mỉm cười và tuân lời đi đến bồn vệ sinh. Kế đó ông ngồi lại giường và gõ:

Cám ơn. Ý hay lắm. Tương lai ông ra sao?

Số 402 nín lặng vài giây. Rồi ông gõ, hơi chậm hơn trước:

Còn mười tám năm nữa. Không hẳn vậy, chỉ 6.530 ngày....

Hắn ngừng, rồi thêm:

Trong thâm tâm, tôi muốn được như ông...

Kế đó, sau một lúc nghỉ:

Nghĩ thử xem. Còn 6.530 đêm không phụ nữ.

Roubachof không nói gì. Rồi ông gõ:

Nhưng ông có thể đọc sách, học hỏi...

Tôi không có đầu óc như vậy. - Số 402 gõ.

Bỗng hắn gõ mạnh và gấp:

Họ tới...

Hắn ngưng. Vài giây sau, hắn thêm:

Tiếc thật, đúng vào lúc câu chuyện thích thú...

Roubachof bước xuống khỏi giường, ông suy nghĩ một lúc rồi gõ:

Ông tử tế với tôi quá. Cám ơn.

Chìa khóa xoay trong ổ. Cánh cửa mở rộng. Ở ngoài, tên khổng lồ mặc đồng phục đứng với một người thường phục. Người thường phục gọi tên Roubachof rồi đọc một bản văn rút từ một tài liệu. Trong khi ông bị chúng bẻ tay ra sau lưng và còng lại, thì số 402 gõ thật gấp:

Tôi muốn được như ông. Tôi muốn được như ông. Vĩnh biệt.

Bên ngoài, trong hành lang, tiếng trống đổ hồi nổi lên trở lại. Ông đi với họ đến trước chỗ người thợ hớt tóc. Roubachof biết rằng sau mỗi cánh cửa sắt có một con mắt nhìn ông xuyên qua lỗ dòm, nhưng ông không quay đầu sang trái hay sang phải. Cái còng tay làm trầy cổ tay ông; tên khổng lồ đã bóp quá chặt và quật tay ông ra sau lưng, hai cánh tay cũng đau.

Họ thấy chiếc cầu thang xuống hầm rượu. Roubachof chậm bước lại. Người thường phục ngừng ở đầu cầu thang. Hắn nhỏ thó và có cặp mắt hơi lộ. Hắn hỏi:

- Ông có muốn điều gì khác không?

- Không. - Roubachof đáp; và ông bắt đầu xuống cầu thang. Người thường phục đứng ở đầu cầu thang nhìn theo ông với đôi mắt lộ.

Cầu thang chật chội và thiếu ánh sáng. Roubachof phải giữ gìn cho khỏi té vì ông không thể vịn tay được. Hồi trống đã dứt. Ông nghe người mặc đồng phục đi sau ông ba bước.

Cầu thang quanh theo khu ốc. Roubachof phải cúi xuống để dễ thấy; cái kiếng kẹp mũi sút rơi xuống chừng hai bước dưới chỗ ông đang đi; nó dội lên rơi xuống thêm hai nấc thang nữa rồi bể tan từng mảnh và dừng lại dưới chân cầu thang. Roubachof dừng lại một giây, do dự; rồi ông tiếp tục mò mẫm đi tới cho đến cuối thang, ông nghe người đi sau cúi xuống lượm cái kiếng mắt bỏ túi, nhưng ông không quay đầu lại.

Hiện nay ông gần như đui, nhưng dưới chân ông là đất bằng phẳng. Ông đến một hành lang dài; vách tường không rõ ràng và ông không thấy đầu tường ở đâu. Người mặc đồng phục vẫn ở sau ông ba bước. Roubachof cảm thấy mặt hắn nhìn vào ót ông, nhưng ông không quay lại. Ông bước từng bước thật cẩn thận.

Ông nhận thấy hình như mình đã đi trong hành lang này được nhiều phút rồi. Chưa có gì xảy đến. Nếu tên mặc đồng phục móc súng, có lẽ ông đã nghe. Như vậy cho tới bây giờ, ông hãy còn được an ninh. Hay là người ấy làm như nha sĩ, giấu đồ nghề trong tay áo trong khi cúi xuống người bịnh? Roubachof cố nghĩ đến việc khác, nhưng phải tập trung tinh thần để giữ cho khỏi quay đầu lại.

Lạ lùng là cơn đau răng của ông cũng ngưng đúng vào phút mà sự yên lặng trùm phủ ông, trong lúc vụ án đang diễn tiến. Có lẽ bọc mủ đã bể đúng vào phút ấy. Ông đã nói gì với họ? “Tôi quỳ gối trước tổ quốc, trước quần chúng, trước cả dân tộc”. Rồi sao nữa? Quần chúng này, dân tộc này sẽ ra sao? Trong bốn mươi năm, dân tộc đã bị đưa qua sa mạc, bằng những lời hăm dọa và hứa hẹn, bằng khủng bố tưởng tượng và tưởng thưởng tưởng tượng. Nhưng đâu là Đất hứa?

Quả thật có một mục đích như vậy cho cái nhân loại lang bạt này chăng? Đó là một câu hỏi mà ông muốn được câu giải đáp trước khi quá trễ. Moïse cũng không được phép bước vào Đất hứa. Nhưng Moïse đã nhìn thấy từ đầu núi, Đất hứa nằm phía dưới chân ông. Như vậy, chết cũng dễ vì đã thấy trước mắt mục đích của ông ta một cách chắc chắn. Còn ông, Nicolas Salmanovitch Roubachof, không được đưa lên chót núi; và nhìn bất cứ nơi nào, ông cũng chỉ thấy sa mạc và bóng đen của đêm tối.

Một phát lặng lẽ trúng sau đầu ông. Ông chờ đợi từ lâu nhưng vẫn gặp cảnh không kịp chuẩn bị. Ông ngạc nhiên cảm thấy hai gối sụm xuống và thân hình ông đánh nửa vòng trôn ốc. “Giống như trên sân khấu, - Ông nói thăm khi té xuống - vậy mà tôi không cảm thấy gì hết”. Ông nằm dưới đất, co quắp lại, gò má đụng nền gạch mát lạnh. Quanh ông tối đen, biển cả mang ông đi vừa ru ông trên mặt nước đêm. Những kỷ niệm xuyên qua đầu ông như những vệt sương trên mặt nước.

Bên ngoài, có người gõ cửa, ông mơ thấy người ta đến bắt ông; nhưng ông đang ở xứ nào đây?

Ông cố gắng thọc tay vào tay áo ngủ. Nhưng bức ảnh màu máng phía trên đầu giường nhìn ông, ảnh đó của ai vậy?

Của Người số I hay của người kia - người có nụ cười mỉa mai hay người có cái nhìn lờ đờ?

Một bóng dị hình cúi xuống sát ông, ông nghe thấy mùi da mới của chiếc dây nịt; nhưng phù hiệu gì mà cái bóng dị hình ấy mang trên tay áo và trên hai vai của bộ đồng phục - và nhân danh ai nó đưa chiếc nòng đen của cây súng ngắn lên?

Một nhát chùy thứ hai giáng sau tai ông. Đâu đó đều lặng lẽ. Lại biển cả với tiếng sóng ầm ì. Một lượn sóng nâng ông lên chầm chậm. Nó đến từ xa và tiếp tục con đường của nó một cách oai nghi, như một cái nhún vai của Cõi Bất diệt.

HẾT