Người khách thứ hai đáp: “Anh cũng có lý đấy, nhưng anh đừng quên rằng khi anh ở chính giữa thì anh ở gần trên tuyệt đỉnh mà anh cũng ở gần kề hố sấu đó”.
Thật là chí lý vậy. Ở mực trung tốt lắm đấy, nhưng có thể nào chúng ta ở mãi mực trung chăng?
Lái chiếc ô tô từ Sài Gòn ra Cap anh định giữ tốc lực trung bình là 50 cây số một giờ. Gấp rút quá thì nguy hiểm, anh lý luận đúng lắm. Nhưng trên con đường Sài Gòn – Cap có hàng trăm chiếc xe khác chạy, những chiếc xe ấy lại không giữ mực trung như anh. Chúng nó xả máy chạy cỡ tám chín mươi cây số một giờ. Một chập sau, chiếc xe anh đã tuột xuống hạng bét, lớp thì bị ngút bụi, lớp thì bị bánh xe sau của những chiếc xe chạy trước làm tạt văng những sỏi, đá nhỏ làm vỡ kính che gió, lớp thì bị chận nghẹt ở những chiếc cầu hẹp. Rốt cuộc, với tốc lực trung bình anh cũng đến Cap thật, nhưng không phải anh đến hạng trung bình đâu mà là hạng chót, sau một cuộc hành trình mệt nhọc lại không kém phần nguy hiểm.
Giữ mực trung thì bác thợ may xưa nay ở tỉnh tôi vẫn giữ mực trung đấy. Lúc tôi còn cấp sách đến trường tôi đã thấy bác làm chủ một hiệu may nho nhỏ ở tỉnh. Với cái cửa hiệu gồm có một cái kệ tủ kính, vài chiếc máy khâu có thể nói là một cửa hiệu thuộc bậc trung trong tỉnh. Hai chục năm sau có dịp trở về quê nhà, tôi gặp lại bác thợ may ấy. Cửa hiệu của bác vẫn là cái cửa hiệu ngày xưa, cũng đôi ba chiếc máy khâu, cũng một cái kệ tủ kính trong đó vài ba chục khúc hàng treo lủng lẳng, nhưng hiện giờ địa vị của bác không còn ở mực trung nữa. Có gì đâu. Trong lúc bác chỉ làm vừa phải, sống vừa phải thì có những bạn đồng nghiệp của bác lại hoạt động lo khuếch trương cửa hiệu của họ. Họ để thêm nhiều công, bỏ thêm nhiều vốn, bổ thêm nhiều hàng, lẽ dĩ nhiên cửa hàng của họ ngày càng to thêm và họ cướp mất nhiều khách hàng của bác. Riêng đối với bác thì bác không tiến mà cũng không lùi nhưng sánh với người đồng nghề thì hiện nay bác đã tụt xuống nhiều hạng.
Không, tôi có thể nói thẳng với anh rằng: giữ mực trung không phải là thượng sách đâu. Trong cái thế giới này mà luật tranh đấu là lẽ sống còn. Tạo vật không thừa nhận mực trung. Nơi nào không có sự tiến bộ bị sự suy đồi hoặc bị đào thải ngay chứ không thủ đặng mãi mực trung. Đối với một người, một công cuộc làm ăn, một xã hội, một quốc gia, đinh luật này vẫn đúng. Và cho đến lý tưởng cũng thế. Đức Giêsu đã chẳng nói đại để về lòng một đạo của các tín đồ: “Đức tin của các người phải như nước, hoặc nóng thì thật nóng, hoặc nguội thì thật nguội, bằng nó hẩm hẩm thì nó sẽ bị ta nôn ra”.
Tiến tới hay thụt lùi. Ngồi trên cao hay ngồi dưới thấp. Sống hay chết. Lề luật của sự sống bắt buộc chúng ta phải chọn một. Anh là người “đắc lực”, tôi đã biết anh chọn phần nào.