Tóc Ngắn

Ba

Hôm nay đến phiên làm trực nhật, tôi đến sớm. Trường vắng tanh, một vài lớp học còn khép hờ cánh cửa. Nắng sớm chạy loang lổ trên những bức tường quét vôi vàng rực, đôi chỗ phủ một lớp rêu mỏng nhạt.

 

Tôi lau bảng sạch sẽ rồi ra đứng ở cửa sổ, trông xuống khu vườn nhỏ mọc đầy cây dại. Một lớp lá màu nâu xỉn phủ dày trên mặt đất còn ủ hơi nước ẩm mốc. Sát bờ tường vài dây tigon ra bông li ti hồng rực dưới nắng.

 

Đợi mãi mà không thấy Lam vô, đã thế tôi chỉ quét nửa lớp, còn nửa lớp phần lại nó, cho đáng.

 

Xuyến vào, hỏi: “Sao không quét hết lớp?” Tôi nhấm nhẳng: “Còn chừa lại cho thằng Lam” – “Thôi để mình làm giúp” – Xuyến cười. Tôi lắc đầu: “Đừng. Phải để thằng Lam tự giác cho quen chớ!”

 

Chuông reng. Tôi hốt hoảng vớ lấy cây chổi nhưng không kịp nữa, mặc dù còn tới mười lăm phút dò bài. Bởi vì cô giám thị đã lù lù đột nhập vào lớp. cô đứng chống thước lên bàn nhìn ngó quanh quẩn, mày cau lại. Tôi biết chắc sẽ có chuyện xảy ra. Cô nghiêm mặt: “Hôm nay bàn nào trực lớp?” Đấy đã bảo mà. Không có sai sót nào lọt qua được mắt lưới của cô ấy! Tôi nặng nề đứng dậy. Cả lớp nhìn tôi chằm chặp, có đứa le lưỡi, có đứa lắc đầu tội nghiệp. Cô nghiêm mặt: “Em nghĩ thế nào về chuyện này?” Không, tôi  chẳng nghĩ gì cả. Xuyến đứng dậy thưa: “Cả bạn Lam trực nữa nhưng bạn ấy nghỉ, bạn Ly không làm kịp ạ”. Tôi nhìn Xuyến biết ơn. Cô giận dữ: “Cô nghĩ đó không phải là lý do chính đáng”. Tôi cúi đầu nhận lỗi: “Em xin lỗi, lần sau em sẽ không thế nữa ạ!” Tôi xấu hổ đến chín người khi nhật quay ra sau, cặp kính vênh lên lắc lư theo hai cái sừng: “Lần sau bồ nhớ chừa ít thôi còn kịp chữa cháy”. Cái mặt trong thật khó chịu.

 

Hôm sau Lam đến lớp, mặt mày phơi phới không có vẻ gì là đau ốm như theo giấy xin phép của mẹ nó. Tôi nhăn nhó: “Sao hôm qua ông không đi học?” - “Bị ốm – Nó cười rồi thì thầm bí mật – Tối thức khuya coi phim, sáng dậy muộn quá không kịp đến trường. Đành phải ở nhà nằm vểnh râu lên mép thôi”. Tôi nghe tức muốn khóc: “Bào hại người ta bị cô la” – “La sao?” – “Thì tui làm không kịp dể lớp dơ chớ sao”. Lam ồ lên một tiếng hốt hoảng: “Chết cha, Lam quên”. Xuyến thò vô: “Lam phải đền cái gì cho Ly đi. Hôm qua ngó Ly thiệt tội.” Lam túng túng liếc vội qua cuốn vở toán: “Vậy đi uống nước nha”. Tôi lơ sang chỗ khác: “Tui bận rồi. Thôi để khi khác”.

 

Suốt buổi học Lam cứ lúng túng như gà mắc tóc. Nó quay lại e dè: “Còn giận Lam à?” Ngó mặt nó dài thượt, tôi phì cười: “Không. Có đáng gì đâu mà giận”. – “Vậy đi uống nước được không?” – “Ừm…Để lát nghỉ giải lao rủ con Xuyến xuống cantine uống luôn há”. Tôi chọc cây bút vô người Xuyến: “Chịu hôn?” – Xuyến lầm bầm: “Sao lại kéo tôi vô?” – “Thì đi cho vui mà”.

 

Cantine đông nghẹt người, nhạc ầm ĩ. Tôi bảo: “Bớt nhạc chẳng phải hay hơn”. Lam phản bác: “Nhạc là phải bật to lên mới có không khí. Vầy vẫn hơi bị buồn”. Tôi nhái lại: “Hơi bị ồn thì có”. Xuyến dàn hòa: “Thế nào cũng xong. Miễn có ăn có uống là tốt”. Rồi không biết nói gì, chỉ im lặng nhìn mọi người nhộn nhạo qua lại, tay cầm bánh, tay cầm bịch nước đong đưa. Lại nhớ hồi cấp hai ngồi với Thục, Hiền, Trúc có bao nhiêu chuyện để nói. Xong tự cười thầm, mới quen vài tuần lấy đâu ra quen thân như những người bạn cũ.

 

Lam quay sang dò dẫm: “Ly nghĩ gì vậy? Chiều nay rảnh ghé nhà Lam chơi. Nhà Lam ở Trần Quốc Thảo, có giàn bông giấy màu hông”. Lam khuấy ly nước lanh canh: “Mới cả Xuyến, cả Nhật nữa” – “Để coi đã – Tôi lẩm nhẩm trong đầu – Thôi không được rồi. Tối nay mình có hẹn”. Mặt Lam ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước. Xuyến liếc Lam, vội vàng bảo: “Vậy tụi này cứ tới, hén”.

 

Thật ra tôi chẳng hẹn hò gì với ai cả. Tôi chỉ muốn từ chối lời mời của Lam. Chỉ cần nghĩ tới bà to béo, sang trọng và kiểu cách, mặt tô vẽ cẩn thận là tôi ngại. Cách của bà ta lúc nào cũng có vẻ bề trên như ở tư thế sắp sửa ban phát cho người khác chút ân huệ. Mà tôi chúa ghét sự thương hại.

 

Cơm chưa xong ba mẹ tôi đã cãi nhau. Mẹ mệt mỏi thốt lên: “Tôi không thể chịu đựng mãi cảnh thế này”. Ba nhìn tôi và chị Lương: “Em đừng làm ồn. Con nó lại hiểu lầm. Thôi hai đứa ăn nhanh lên”. Tôi không thể nào ăn hết chỗ cơm còn lại, nước mắt cứ ầng ậng lên mắt. Tôi bỏ đũa, uể oải đứng dậy: “Con lên nhà bạn”. Mẹ dặn với theo: “Nhớ về sớm con nhé”. Tôi đi ra cửa còn nghe tiếng mẹ loáng thoáng: “Con bé ấy cũng chỉ bằng con Lương…” và tiếng khóc thút thít.

 

Tôi muốn quay trở lại nhưng cảm thấy mình sẽ không chịu được, sẽ òa khóc mất. Tôi đâm bổ ra đường. Không hiểu sao tôi mò đến được nhà Trúc. Căn nhà vắng và yên tĩnh. Trúc đi làm chưa về. Bà nội ngồi ở chõng ngoáy trầu lia lịa. Bà cầm tay tôi rờ rẫm: “dạo này con ít lên chơi vậy? Thằng Trúc nhắc con hoài” – “dạ, con học bận lắm. Hiền, Thục có hay ghé lại không nội?” – “ Có, nhưng thi thoảng”. Nội nhướng đôi mát lèm nhèm, nhắc đi nhắc lại: “Thằng Trúc nhắc tụi con mãi”. Giọng bà ướt mẹp: “Tội nghiệp cái thằng vừa đi học về đã phải đi làm đễn khuya. Không biết nó học bài được lúc nào”. Tôi an ủi bà: “Chắc nó biết sắp xếp thời giờ. Bà đừng lo bà ạ”.

 

Tôi lại đạp xe lang thang qua các phố. Hiền, Thục đều đi học thêm cả. Tôi cảm thấy chán nản và cô đơn. Con đường cứ loằng ngoằng dài mãi ra. Tôi tấp vào một quán chè lưa thưa khách. Một thằng bé gí sát tập vé số vào mặt tôi, giọng nhèo nhẹo: “Chị ơi mua cho em vài tờ” – “Không. Chị không mua”. Mặt nó buồn hiu. Nó tiếp tục kèo nèo, rằng ba mẹ li dị nó phải nuôi bà già yếu và hai đứa em nhỏ. Rằng chiều nay nhà nó hết gạo. Bà và hai em nó đang nhịn đói đến giờ. Tôi mủi lòng, dốc đến đồng cuối cùng mua cho nó mấy tờ vé số. Lòng nhẹ bớt vì được an ủi mình vẫn còn sung sướng hơn chán vạn người.

 

Nhật rỉ tau tôi: “Nhà Lam giàu lắm, có tới hai người làm, chắc không hết việc, tòa nhà đồ sộ như thế!” Xuyến đế thêm: “Thì nhà giám đốc mà lại. Cứ như khu nghỉ mát. Ăn quận Năm, nằm quận Ba, mấy bồ chưa nghe thế à?” Tôi tò mò: “Thế bố mẹ cậu ta thế nào?” Không hiểu sao đến giờ tôi vẫn có ác cảm với bà to mập là mẹ Lam. “Cũng vui vẻ” – Xuyến rủ rê- Tối nay đi coi hát không? Có vé mời đàng hoàng à nghen”. Nhật hùa theo: “Đi há. Chắc là hay lắm đây”.

 

Giờ ra chơi mọi người xuống hết sân. Còn một mình ở lại, tôi ngồi ủ rũ nhìn xuống sân trường. Lam hùng hục chạy vô lớp, nhìn tôi ngạc nhiên: “Ủa, sao còn đây?” – “ Ly nhức đầu”. Lam tiến lại gần hơn: “Ly buồn chuyện gì à?” tôi lắc đầu quầy quậy, nước mắt lại chực trào ra. Lam ngồi xuống bàn đối diện, im lặng dò xét. Một lát nó hỏi: “Cái người hôm trước đón Ly là ai thế?” – “Lúc nào” – “ Hồi khai giảng” – “À, trúc. Là bạn thân của Ly. Có chuyện chi không?” – “Ừm, không. Chỉ hỏi thế”. Nó vụt đứng dậy chạy biến ra ngoài.

 

Tôi không để ý, tiếp tục nhìn ngang qua ô cửa. Lá diệp rụng tơi bời xuống sân như rắc một tấm voan vàng vắt ngang trời. Tôi nhủ thầm, giá làm thơ được chắc tôi sẽ nhẹ nhõm bớt đi.

 

Nhật mon men đi vòng qua hai dãy bàn, hai cái sừng tóc nhún nhảy. Nó đưa tay gãi gãi mũi: “Ủa, sao Lam buồn vậy Ly?” – “Sao Ly biết. Nhật không đi hỏi nó đó”. Nhật nhíu mày: “Nhật tưởng hai người chơi thân với nhau”. Tôi bĩu môi: “Còn lâu. Tụi này ngồi chung bàn chớ có chơi với nhau hồi nào đâu mà thân”. Nhật thở phào: “Vậy mà Nhật tưởng. À, tối nay hẹn 8 giờ thiếu 15 ở Hòa Bình nghen.” Xuyến và lũ bạn ồ ồ kéo vào. Xuyến bá vai tôi: “Xuyến tới rủ Ly há?” Tôi cạu cọ: “Thôi để tự mình đi khỏi phiền mấy bồ”. Xuyến gục đầu vào vai Nhật cười rúc rích: “Ừ, ừ. Để tự Ly đi”.

 

Tôi tới nơi đã thấy Xuyến, Nhật, Lam đứng đợi ở cửa. Xuyến, Nhật đều diện đầm rất điệu. Trên hai cái sừng muôn thuở của Nhật cài hai cục nơ to tướng đồng màu với bộ đầm hồng sọc ca rô. Tôi nhìn lại mình, áo sơmi quần Jean lùi xùi, lại quá khổ so với thân hình loắt choắt của tôi. Tôi ngượng nghịu: “Mấy bồ mặc đẹp quá. Tui chắc hóa thành con cú” – “Thành anh giai chứ - Lam dài giọng – Đang thiếu một anh cho đủ bộ. Có thêm anh Ly vào, tuyệt cú mèo há”. Tôi “hứ” một tiếng. Nhật thành thực: “Xuyến mặc mới đẹp kìa”, hai mắt sau cặp kiếng lại chớp chớp.

 

Nhật đi sau tôi, ghé vào tai nói nhỏ: “Là nói thế chớ con Xuyến mặc bộ này thấy tròn vo hén?” Tôi khó chịu. Tưởng tượng một lúc nào đó Nhật sẽ quay sang người thứ ba chê bai tôi điều mà vừa trước đó nó dã khen tôi rối rít.

 

Mười giờ chương trình kết thúc. Lam hỏi: “Được không” Xuyến và Nhật gật gù: “Cũng hay”. Tôi e hèm: “Ở chỗ đèn chớp nháy. Còn ca sĩ – tôi nhún vai – Chả tôn trọng khán giả gì cả. Anh Lam có thấy vậy không?” – “Ừ, có laex thế”. Xuyến kéo áo tôi: “Ai lại nói vậy. Hôm nay Lam mời” – “Thì sao?”

 

Lam hỏi: “Có đói bụng không?” Hai đứa kia e dè lắc đầu. Tôi bảo: “Mời thì mời chớ ai lại hỏi thế. Con gái chẳng ai dám trả lời”. Lam có vẻ thích chí: “Vậy thì mời mấy cô nương đi ăn héng”.

 

Lam chở Nhật, Xuyến và tôi đi xe riêng vòng vèo qua các ngõ hẻm ghé vào quán ăn Ba Tàu mì hoành thánh. Căn phòng sáng choang dán đầy bùa ngải vàng đỏ, góc nhà thắp nhang nghi ngút. Mấy bộ bàn ghế bằng nhựa trắng xếp dọc hai lối đi vẻ rất sang trọng. Chúng tôi kêu bốn tô mì. Lam đập nhẹ vào chân tôi: “Hình như bạn Ly, trông quen quen”. Tôi ngoảnh mặt lại. Trúc đang bưng khay thức ăn tới trông ốm và xanh mướt. Vừa trông thấy tôi, Trúc hơi khựng lại rồi như không quen biết nó rẽ phải, đăth thức ăn xuống trước mặt hai người khách bệ vệ. Người đàn ông gõ gõ bàn tay chuối mắn xuống bàn: “Ê nhỏ, cho tao bao ba số”. Trúc chạy đi. Trúc quay lại. Người đàn bà giọng trịch thượng: “Nhóc, lấy cho khăn lau mặt. Loại nóng đó nghen”. Trúc nhẫ nại bước đi. Tôi cố đón ánh mắt Trúc nhưng nó vẫn giả kơ không để ý, bươn bải chạy từ bàn này sang bàn khác. Lam dò hỏi: “Phải bạn Ly không?” Tôi cúi gằm mặt, sống mũi cay xè: “Chắc là nó đó” – “Để Lam gọi lại chơi nghe” – “Thôi khỏi”. Tôi đứng dậy tiến về phía Trúc đang đứng đếm tiền ở quầy. Tôi ráng hồ hởi: “Chào”. Trúc hơi nảy mình nhưng nét mặt không thay đổi vẫn cắm cúi đếm như đồng tiền đa dính chặt vô tay nó. Tôi giận dỗi: “Quên bạn bè rồi à?” – “Không”. Nhìn Trúc xanh và ốm tôi lại muốn rớt nước mắt. “Tại Trúc thấy Ly đang vui…” Một cái gì vở ra trong lòng. Tôi thất vọng: “Trúc không hiểu Ly gì cả”. Tôi vùng vằng bỏ chạy, mặc tiếng gọi hoảng hốt của Lam và hai đứa con gái. Duy chỉ có tiếng kêu của Trúc tôi không hề nghe thấy. Cũng không nghe tiếng chân Trúc chạy theo. Tiếng bàn chân hay giằn mạnh về phía trái.

 

Chị Lương trở mình cót két trên giường. “Mày với thằng Trúc vẫn giận nhau à?” – “Nó không phôn cho em. Chắc là giận.” Chị Lương cười thông cảm: “Rõ đồ trẻ con”. Tôi cáu: “Có nó mới trẻ con. Chị coi nó làm như em có lỗi vậy. Không dưng giận lãng xẹt” – “Cũng tội – Chị độ lượng - ở trường hợp nó dễ mặc cảm. Rồi đâm lúng túng hổng biết xử lý sao cho phải. Em là bạn thân, em phải giúp nó nghĩ khác. Là vừa học vừa làm… chẳng phải ai cũng làm được vậy” – “Chị đi mà nói với nó’. Chị ghẹo: “Tự ái của Út bằng cục nào rồi cho chị coi, chị chữa cho”. Tôi phụng phịu: “To bằng cái đình ai chữa nổi!”

 

Tôi bắc ghế ngồi chóc ngóc ngoài sân. Thử hình dung nếu tôi đang phục vụ bàn, một đám bạn kéo vô, tôi sẽ thế nào: Làm lơ, vui mừng hay niềm nở? Tôi không thể hình dung nổi, đành chuyển hệ, tưởng tượng mình và Trúc làm lành với nhau. Tay bắt lên bắt xuống, ôm hôn nhau thắm thiết như các vị nguyên thủ quốc gia sau khi ký kết hiệp ước hữu nghị hòa bình, chắc là thù vị lắm. Xong cuối cùng hốt hoảng vì mình là con gái, lại cũng chẳng phải là vị nguyên thủ nào hết. Nên hiệp ước hòa bình khó bề thực hiện được.