Bạn đồng ý hay không đồng ý với quan điểm sau đây: Luôn luôn nói thật là cốt lõi của các mối quan hệ bền chặt. Sử dụng những lý do cũng như ví dụ cụ thể để làm rõ quan điểm của bạn.
Giá trị truyền thống của việc nói thật, nói thẳng thắn trong mọi hoàn cảnh đang ngày càng bị nhiều người nghi ngờ trong xã hội ngày nay. Nhiều người tin rằng nói thật chưa chắc đã phải là cách khôn ngoan trong giao tiếp xã hội. Hơn thế nữa, định nghĩa của cụm từ “nói thật” đang ngày càng mơ hồ và khó hiểu. Về mặt tổng thể, tôi đồng ý với quan điểm trên tuy nói dối cũng có một số ích lợi. Ở bài luận này, tôi sẽ phân tích sự ảnh hưởng của việc nói thật đến quan hệ giữa người và người.
Chúng ta đều hiểu rằng nhiều lúc sự thật quá phũ phàng và không dễ chịu cho cả người nói và người nghe. Những lời nói dối vô hại đôi khi cũng có những ích lợi riêng, đặc biệt trong một thế giới đang trên đà phát triển. Những lời nói dối được thấy rõ nhất trong nền kinh tế thị trường và thương mại thông qua hình thức quảng cáo. Chúng ta đã được nghe bao nhiêu lần rằng một sản phẩm nào đó là “hảo hạng nhất” hay “rẻ nhất”? Chúng ta đã được nghe bao nhiều lần rằng một sản phẩm gì đó có “công hiệu thần kì”? Quảng cáo tức là thuyết phục, và nhiều người sẽ đồng ý rằng nếu một công ty sẵn sàng nói sự thật hoàn toàn về sản phẩm của mình, không ai sẽ còn quan tâm đến nó nữa.
Quy luật này có thể áp dụng đối với quan hệ giữa con người với nhau. Một sự thật phũ phàng có thể sẽ làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng của người nghe. Chẳng hạn, khi bạn đến sinh nhật của một người bạn, người bạn đó hỏi rằng chiếc váy của cô ấy có đẹp không. Bạn chỉ vào chiếc váy của cô ấy và bảo rằng: “Đây là chiếc váy xấu nhất mà tớ từng được nhìn thấy?” Nếu bạn nói như vậy, bạn trở nên thô lỗ trong mắt bạn bè và sẽ làm hỏng cả buổi sinh nhật của cô bạn. Đôi lúc, một lời nói dối vô hại có thể làm người khác vui vẻ về chính mình và về mối quan hệ của các bạn. Những xung đột cũng như sự đối đầu có thể được phòng tránh.
Tuy nhiên, luôn luôn có nguy cơ rằng sự thật sẽ được phơi bày sớm hay muộn sau khi bạn nói dối. Sự tin tưởng trong bất kì mối quan hệ nào (giữa doanh nghiệp với khách hàng, giữa bạn bè với nhau, giữa cha mẹ với con cái) do đó có thể đổ vỡ và sẽ có ảnh hưởng rất xấu đến các mối quan hệ. Sẽ không ai tin bạn nữa kể cả khi bạn nói sự thật sau khi đã nói dối. Lời nói của bạn không còn giá trị và không ai còn nghe bạn nữa.
Tác hại tiếp theo của việc nói dối là bạn sẽ không kiểm soát được tình hình khi sự thật vỡ lở. Mọi người sẽ đều ghét bạn và lần sau, khi bạn nói thật, không ai còn tin bạn. Chẳng hạn, khi bạn đạt điểm F trong bài thi Toán nhưng bạn lại bảo với mẹ rằng mình đạt điểm A. Sau một thời gian dài, khi sự thật vỡ lở, mẹ bạn sẽ hoàn toàn mất lòng tin vào bạn. Việc không nói thật còn gây ra rất nhiều đau đớn: Những giọt nước mắt khi sự thật bị phát hiện, nỗi sợ hãi và gánh nặng của việc chia sẻ một “bí mật”. Về lâu dài, có vẻ như che giấu sự thật không mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Tất cả mọi người đều ghét sự phản bội. Kể cả khi có một trào lưu giấu giếm sự thật trong quan hệ, bạn cũng đừng đi theo trào lưu đó để quên đi những tác hại mà nói dối mang lại. Cuối cùng, mọi mối quan hệ bền chặt đều dựa trên sự tin cậy, cũng đồng nghĩa với việc nói thật. Vì vậy, nói thật rất quan trọng để chúng ta có được tình hữu nghị lâu dài và mối quan hệ tốt đẹp.