Tế-Thế lắc đầu rùn vai mà nghĩ thầm rằng: thằng cha nầy kỳ quá, anh Trường-Xuân có việc, còn nó thì nghèo cực, mình muốn giúp hết cho hai đàng, anh kia khỏi mang tiếng xấu, mà nó lại có tiền xây-xài, nên mình mới đem mối. Té ra nó điên quá, chịu nôm giùm mà không ăn tiền. Thôi, nó muốn như vậy thì mình cứ tùy ý nó, chớ phận mình có cần gì, hễ thành sự rồi bề nào anh Trường-Xuân cũng phải đền ơn cho mình, mà nếu ảnh khỏi tốn hao thì chắc ảnh đền ơn trọng lắm, có hại chi mà lo. Tế-Thế nghĩ thầm như vậy rồi nói với Kỳ-Tâm rằng: “Tưởng là anh đòi nhiều tiền thì còn phải xo đi xo lại, chớ nếu anh làm giùm, không chịu ăn đồng nào hết, thì họ mừng lắm, có điều chi trắc trở nữa đâu. Chuyến xe lửa khuya nầy tôi phải về mà dạy học, vậy thôi luôn dịp nầy anh đi với tôi qua Tân-An mà tính liền cho rồi. Họ căn dặn tôi phải tính giùm cho mau. Nếu anh chịu theo tôi mà đi thì chắc họ cám ơn anh lắm”.
Kỳ-Tâm nói rằng: “Tôi cô thân mà không có nhà cửa chi hết; còn làm việc thì tôi làm đặng coi đời chơi, chớ tôi không cần gì. Anh muốn tôi đi liền với anh cũng đặng”.
Hai người lên xe trở về chợ Mỹ-Tho, Tế-Thế ghé khách-sạn mướn một căn phòng, còn Kỳ-Tâm lại nhà anh em bạn làm một sở với mình cậy xin phép giùm với Trạng-sư, rồi về chỗ ở đậu mà nói cho chủ nhà hay rằng mình có việc phải đi xa ít ngày, đặng ở nhà khỏi chờ đợi. Gần 11 giờ Kỳ-Tâm trở lại khách-sạn mà ngủ với Tế-Thế rồi chuyến xe lửa khuya dắt nhau qua Tân-An.
Ngồi trên xe lửa Kỳ-Tâm biểu Tế-Thế phải thuật rõ cho anh ta coi bà Phủ nhà cửa ở đâu, cô gái có chửa oan tên gì, và người tình của cô ấy là ai, Tế-Thế dụ-dự không muốn nói. Kỳ-Tâm nói rằng: “Đã muốn khỏi xấu nên cậy tôi nôm, mà còn giấu giếm với tôi nữa thì tôi nôm sao cho đặng”. Tế-Thế bất đắc dĩ phải thuật hết đầu đuôi cho Kỳ-Tâm rõ, Kỳ-Tâm nghe rõ thì cười mà nói rằng: “Cô nọ cũng là người tử-tế, ai dám cười chê mà sợ dữ vậy?”.
Về tới Tân-An Tế-Thế dắt Kỳ-Tâm về nhà, rồi biểu ở nhà mà nghỉ đặng cho anh ta đi dạy-học. Đến trưa tan học, Tế-Thế về, anh em ăn cơm với nhau, Tế-Thế nói rằng Trường-Xuân có hứa bữa nay qua, vậy chẳng sớm thì tối, nội ngày nay sao cũng gặp mặt với Trường-Xuân được. Vì đêm trước hai người thức khuya nói chuyện, rồi lại dậy sớm đi xe lửa nữa, nên hai người đều mỏi mệt, ăn cơm rồi nằm ngủ liền.
Kỳ-Tâm ngủ được chừng nửa giờ đồng hồ, bỗng nghe tiếng người nói chuyện, giựt mình thức dậy ngóc đầu mà dòm thì thấy Tế-Thế đương ngồi nói chuyện nho nhỏ với một người khách đầu bịt khăn đen, mình mặc áo sa-ten, chơn đi giày vàng, tiếc vì người ấy ngồi day lưng nên không thấy mặt được. Tế-Thế liếc mắt thấy Kỳ-Tâm thức, vùng hỏi lớn rằng: “Anh thức sao anh?” Kỳ-Tâm lồm-cồm ngồi dậy. Người khách day mặt lại ngó Kỳ-Tâm rồi ngó chỗ khác. Tế-Thế đưa tay chỉ người khách và ngó Kỳ-Tâm mà nói rằng: “Anh tôi đây là Lê-Trường-Xuân, làm Hội-đồng địa-hạt ở Bến-Tranh”. Rồi ngó Trường-Xuân mà rằng: “Thầy đây là Lý-kỳ-Tâm, anh em bạn học của tôi, làm việc Tòa bên Mỹ-Tho”.
Kỳ-Tâm với Trường-Xuân đứng dậy bắt tay chào nhau, rồi Trường-Xuân mới mời Kỳ-Tâm ngồi. Tế-Thế kêu đứa ở nấu ăn tên là thằng Sung mà biểu đi ra chợ chơi, chừng 2 giờ chiều sẽ về. Kỳ-Tâm ngồi cứ ngó Trường-Xuân hoài, còn Trường-Xuân thì nhột-nhạt, muốn nói chuyện mà kiếm không ra chuyện. Tế-Thế muốn làm cho hai người hết bợ-ngợ nên tằng-hắng rồi nói với Trường-Xuân rằng: Chuyện anh cậy tôi đó hôm qua tôi đi chơi bên Mỹ-Tho tôi gặp thầy đây tôi nói chuyện lại thì thầy chịu giúp giùm cho anh, mà không đòi tiền bạc chi hết. Vậy anh tính coi bây giờ phải làm sao?”
Trường-Xuân mắc cở, tay cầm gói thuốc cứ trở qua trở lại, mắt thì chăm-chỉ ngó gói thuốc, không biết nói sao đặng. Kỳ-Tâm ngó ngay Trường-Xuân mà nói rằng: “Té ra thầy đây là người tính cậy tôi làm ơn bảo bọc giùm danh giá cho con bà Phủ đó há? Thưa thầy, hồi hôm tôi đã có nói cho thầy giáo hiểu rõ ý tôi rồi. Tôi chịu làm việc nầy là tôi muốn giúp hai đàng mà chơi đó thôi, chớ không phải phải tôi tính ăn tiền bạc chi đâu. Tôi không đòi ăn đồng nào hết. Thầy giáo có nói rằng ý thầy muốn giao hai điều: thứ nhứt là tôi đi cưới con bà Phủ mà không được phép ăn nằm với cô ấy, thứ nhì là hễ chừng nào thầy biểu thôi thì phải thôi; phải thầy buộc như vậy hay không?”
Trường-Xuân gật đầu nói rằng: “Phải. Nếu thầy mà sẵn lòng làm giùm việc ấy cho xong tôi cám ơn thầy lắm. Mà thầy phải lấy chút đỉnh tiền bạc, chớ thầy không nhận tiền thì tôi ái ngại quá”.
Kỳ-Tâm cười gằn mà đáp rằng: “Thầy đừng ngại chi hết. Nếu tôi lấy tiền thì còn gì danh-giá của tôi. Thầy là người giàu sang, thầy muốn giữ danh-giá của thầy cho trong sạch, tôi tuy nghèo hèn, song tôi cũng biết trọng danh-giá của tôi vậy chớ, có lẽ nào tôi vì đồng tiền rồi đem danh-giá của tôi mà chôn dưới bùn đặng thế cho thầy hay sao. Thầy đừng nói tới chuyện tiền bạc nữa. Thầy buộc tôi 2 điều, tôi xin phép thầy tôi cũng giao với thầy hai điều: thứ nhứt là ngày tôi đến coi con bà Phủ, bề nào cũng phải làm bộ đi coi rồi mới cưới chớ phải không?
- Phải.
- À, điều thứ nhứt là ngày tôi đến coi và ngày tôi đi cưới, cô ấy thấy mặt tôi không được phép khóc; điều thứ hai thầy phải nói thiệt cho tôi biết rõ tâm-sự của thầy và cô nọ mới đặng.
Trường-Xuân ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói rằng:
- Thầy buộc điều thứ nhứt không hại gì, có lẽ tôi dặn cô hai đừng khóc được. Còn điều thứ nhì thì ngặt quá, bởi vì việc riêng của tôi mà tỏ thiệt cho thầy nghe thì kỳ lắm.
- Thầy dụ-dự thì đủ cho tôi biết thầy tính việc nầy ý thầy vụng lắm. Tôi xin hỏi thầy một lời nầy: thầy có tư tình với con bà Phủ, nay cô nọ lỡ có nghén rồi, thầy cậy tôi làm bộ đi cưới chi vậy? Có phải là thầy muốn thiên hạ đừng biết việc quấy của thầy với cô nọ, thầy muốn cho họ tưởng là cô nọ còn tử-tế luôn luôn, nên tôi đi nói mà cưới, chừng đẻ thì đặt chuyện nói cô đẻ thiếu tháng, đặng giữ-gìn danh-giá của cô nọ cho tròn, phải vậy hay không?
- Phải. Tôi tính cậy thầy đi cưới là có ý muốn cho thiên-hạ đừng nghi việc chi hết.
- Á! Nếu muốn cho thiên-hạ đừng nghi thì tuy bề trong tôi giả đi cưới mặc dầu, mà bề ngoài tôi phải làm như chồng thiệt của cô, thì người ta mới tin, chớ muốn che miệng thiên-hạ, mà cử-chỉ của tôi ai dòm vô cũng đều biết giả hết thảy, thì sự xấu của cô nọ càng lộ cho người ta thấy nhiều hơn nữa, còn tôi làm ơn không ích lợi chi mà cũng bị mang xấu chung với thầy và cô nọ. Bây giờ muốn cho tôi cư xử giống như chồng thiệt của cô nọ đặng cho người ngoài khỏi nghi thì tự nhiên phải tỏ cho tôi biết rõ nguồn cơn mới được chớ; nếu thầy giấu với tôi nữa, tôi không hiểu chi hết, thì tôi biết sao mà giúp cho hết lòng đặng.
Tế-Thế nghe Kỳ-Tâm nói thì gặt đầu khen phải và nói rằng: “Thầy nói nghe phải quá, ảnh rối trí nên tính không được kỹ. Tuy đối với bà con mình thì làm giả, mà đối với thiên-hạ thì phải làm như thiệt vậy mới được chớ. Anh cứ nói thiệt hết cho thầy hiểu, đặng thầy giúp hết lòng giùm cho, thầy đã chịu giúp cho anh rồi, mà thầy còn cười anh hay sao mà anh sợ.”
- Trường-Xuân thấy vậy mới nói rằng: “Thôi, thầy muốn hỏi điều chi thầy hỏi đi”.
Kỳ-Tâm vấn thuốc hút rồi hỏi rằng:
- Tôi thiệt hết tình với thầy. Xin thầy cũng ở thiệt với tôi, thì việc mới xong đặng. Thầy có bà con với cô nọ hay không?
- Bà con.
- Bà con xa hay là gần?
- Bà Phủ đó là dì ruột của tôi.
- Ờ, tại bà con gần quá, thầy với cô nọ lân-la với nhau thường nên mới gây cuộc gió trăng được phải không? Mà hai người tư tình với nhau đây tại thầy hay tại cô nọ gây trước?
- Thầy hỏi tới việc đó thì kỳ quá. Thầy làm như tra án vậy sao đặng.
- Tôi đã giao với thầy phải nói thiệt hết cho tôi nghe. Thầy không muốn nói, thầy lại biểu tôi hỏi thì phải hỏi chớ. Thầy lấy bà con có chửa rồi thầy sợ xấu, thầy cậy tôi nôm giùm, mà thầy còn muốn giấu với tôi nữa thì thôi, thầy kiếm ai thầy kiếm, tôi không thèm giúp cho thầy đâu.
Trường-Xuân giận đỏ mặt, mà sợ chống cự thì bại sự, nên dằn lòng mà nói rằng:
- Thôi thầy đừng phiền, thầy muốn hỏi thì hỏi đi. Việc nầy tại tôi gây ra bởi vì cô nọ còn nhỏ dại, nghe lời tôi dụ-dỗ, nên mới hư như vậy.
- Phải. Dầu thầy không nói tôi cũng biết tại thầy. Mà bây giờ việc đổ bể rồi, vậy chớ tình thầy với cô nọ còn yêu mến nhau như xưa, hay là hai người biết lỗi, quyết ăn-năn chừa cải, không còn dám tính việc quấy nữa?
- Tôi với cô nọ đều là bọn đa tình. Cái khối tình của hai đứa tôi dầu xuống dạ-đài cũng chưa tan được. Chúng tôi đã nguyện đồng sanh đồng tử với nhau, dầu kiếp nầy chẳng đặng vầy duyên thì kiếp sau ắt tái sanh đặng sum-hiệp.
- Thầy nói tiếng “đa tình” đó, tôi e không đặng nhằm nghĩa cho lắm. Có lẽ là “đa tình dục” thì phải, bởi vì nếu thầy với cô nọ thiệt là khách “đa tình” thì dầu lửa lòng có lừng lẫy cho lắm đi nữa cũng không đến nỗi làm quấy như vậy; mà ví như có lầm lỡ đi rồi, thì phải vì tình mà chết với tình mới phải, chớ có đâu yêu nhau mà lại làm nhục cho nhau, mà gọi rằng “đa tình?”
- Hai đứa tôi yêu nhau, lửa lòng lừng lẫy dằn không được thì là “đa tình” chớ gì. Vậy chớ theo thầy thì thế nào mới gọi là “đa tình?”
- Không lẽ tôi đây dám dạy thầy, nhưng mà theo ý tôi thì khác “đa tình” chẳng hề làm như thầy với cô nọ đâu.
- Vậy chớ làm sao?
- Người mà nuôi cái tình cao-thượng, hễ gặp người tâm-đầu ý-hiệp, đồng khí đồng tình, thấy mặt mà bâng-khuâng, vắng tin sầu não, thì tự nhiên phải lo liệu đặng trăm năm kết tóc, cá nước phỉ nguyền. Ví như vì căn duyên trắc trở, hay là vì danh nghĩa buộc ràng, phải ôm lòng sầu, kẻ than bên bắc, người khóc bên nam, nếu phải chết thì chết cũng vui, thà chết mà tình được cao, hơn là sống mà tình thêm khổ. Chớ xưng là khách “đa tình” mà gặp ai yêu nấy, nay tương-tư người nầy, mai thề thốt với người khác, không kể gì là danh, không biết đâu là nghĩa, miễn phỉ cái tình dục của mình cho được thì thôi, những người nuôi cái tình thấp-thỏi như vậy không được phép xưng là khách “đa tình” đặng.
Trường-Xuân nghe Kỳ-Tâm luận chữ tình dông dài không hiểu chi hết, ý muốn tính phứt việc của mình cho rồi, nên tay gãi cổ, miệng nói rằng:
- Thôi, việc đời không hơi nào mà luận, để sau rảnh-rang rồi mình sẽ cãi nhau chơi. Bây giờ thầy chịu cưới con em tôi, vậy thì phải tính với nhau coi chừng nào đi nói, rồi bữa nào cưới.
- Khoan. Để cho tôi hỏi thêm ít lời nữa. Thầy nói thầy với cô nọ còn đương yêu nhau lắm phải không?
- Ừ.
- Nếu vậy thì dầu tôi cưới rồi, thì thầy cũng cứ qua lại hoài hay sao?
- Chớ sao.
- Việc ấy tại ý thầy, không can-hệ đến tôi. Nhưng mà tôi nghĩ nếu tôi xưng với thiên-hạ rằng tôi là chồng cô nọ, mà thầy còn làm như vậy hoài thì tôi bắt-buộc rầy-rà mới phải, chớ lặng thinh thì thiên-hạ cười chê tôi chịu sao đặng.
- Dầu tôi có qua lại thì cũng núp lén, chớ dám để cho ai biết mà thầy ngại.
- Quân ăn trộm rình mò ban đêm mà người ta còn hay thay, huống chi gian-dâm làm sao mà giấu người ta cho đặng.
- Việc ấy thầy để tôi lo. Nếu tôi dại tôi để dấy lậu ra thì tôi mang xấu, không can chi đến thầy mà sợ.
- Ủa! Tôi là chồng cô nọ, tôi cũng mang xấu vậy chớ. Thôi, tôi giao với thầy như vầy; thầy làm sao tự ý thầy, mà hễ thầy sơ thất để chúng hay thì tôi đi, chớ tôi không ở nữa đa.
- Được, thầy giao như vậy được lắm. Thầy còn giao điều nào nữa hay là thôi?
- Hết rồi. Xin thầy cho tôi hỏi lại cho chắc một điều nầy: tôi phải hết lòng mà gạt thiên-hạ đặng cho họ đừng nghi phải không?
- Phải.
- Vậy thì xin thầy định coi ngày nào tôi đi nói rồi ngày nào cưới. Tôi xin tỏ trước cho thầy rằng tôi không có cha mẹ bà con nào hết, bởi vậy cưới hỏi gì cũng một mình tôi mà thôi, chớ không ai đi họ.
- Không hại gì, tôi cậy người ta đi giùm cho cũng đặng.
Tế-Thế nãy giờ ngồi nghe hai đàng tính với nhau, không thèm nói chi hết, đến chừng thấy bàn tới việc cưới hỏi mới xen vô mà nói rằng “Bây giờ phải cậy người làm mai-dong đặng dắt đến nhà làm bộ coi rồi mới nói mà cưới chớ?” Trường-Xuân đáp rằng: “Bây giờ biết ai đâu mà cậy làm mai … Thôi, em chịu phiền làm mai-dong giùm chút nhé”. Tế-Thế gặt đầu nói: “Làm thì làm. Nầy, mà thầy đây không có áo quần mới, vậy anh phải đưa liền cho thầy, đặt một cái khăn đen, may một cặp áo lót, một cái quần nhiễu, mua một đôi giày mới, và ít bộ đồ mát, chớ đi nói con bà Phủ mà y-phục lang-thang thì coi sao đặng”.
Trường-Xuân gặt đầu nói rằng: “Phải. Phải lắm, việc đó để rồi qua liệu, em đừng lo”.
Đồng hồ gõ 2 giờ. Tế-Thế lật đật thay áo đặng đi dạy học, Trường-Xuân thấy Tế-Thế vô buồng liền chạy theo, rồi vỗ vai và cười mà nói rằng: “Nầy em, may quá há? Thằng cha coi bộ kỳ-cục, mà văn nói nghe thông. Qua tưởng phải tốn đến năm bảy ngàn, nên qua đã ăn cắp tiền giấu sẵn rồi, té ra nó nói như vậy thì mình khỏi tốn hao gì hết” Tế-Thế làm mặt nghiêm chỉnh mà đáp rằng: “Có nhờ tôi đánh đạo lắm, nên thầy mới chịu đó. Việc nầy hễ xong rồi anh đừng quên ơn tôi đa”. Trường-Xuân cười mà đáp rằng: “Em lo-lắng giùm cho qua, làm sao mà qua dám quên ơn”. Trường-Xuân liền mở bớp-phơi lấy ra một xấp giấy bạc đưa cho Tế-Thế và nói rằng:
- Nầy, em lấy tiền nầy rồi làm ơn mua sắm áo quần, giày vớ giùm cho thầy ấy nghé.
- Anh đưa bao nhiêu đây?
- Năm chục.
- Trời ơi! Năm chục mà mua sao cho đủ. Một cặp áo lót bây giờ hết hai mươi lăm ba chục đồng rồi.
- Vậy chớ phải đưa bao nhiêu mới đủ?
- Tại ý anh chớ ai biết đâu mà nói. Song tôi nghĩ người ta không thèm đòi tiền thì mình phải sắm áo quần coi cho được. Chớ người ta tử-tế mà mình bỏn sẻn thì kỳ quá.
Trường-Xuân nghe nói như vậy mới lấy thêm 50 nữa mà đưa cho Tế-Thế. Rồi hai người dắt nhau đi ra ngoài trước, bàn tính với Kỳ-Tâm, để Trường-Xuân ghé nhà nói trước cho bà Phủ hay, rồi bữa nào, áo quần may xong rồi, thì Tế-Thế dắt Kỳ-Tâm đến coi mắt cô hai Tuyết. Hễ đi coi xong rồi thì định ngày cưới liền, đặng trong một tháng cho rồi, Trường-Xuân lại hứa rằng anh ta sẽ qua thường thường đặng mà sắp đặt mọi việc cho an bài.
Tế-Thế đặt may áo quần và mua khăn, giày hết 60 đồng. Chừng các việc xong rồi anh ta vô nhà bà Phủ mà xin cho Kỳ-Tâm đến coi. Bởi Trường-Xuân đã có nói trước rồi, nên bà Phủ niềm-nỡ, định qua ngày sau cho Kỳ-Tâm đến nhà. Đêm ấy bà Phủ nói cho Yến-Tuyết biết trước rằng ngày mai sẽ có chồng đến coi và dặn phải ăn mặc cho gọn ghẽ, nhứt là đừng có khóc lóc, bởi vì Kỳ-Tâm giao điều ấy gắt lắm. Yến-Tuyết nghe nói chồng đi coi thì hổ-thẹn nên ngồi khóc hoài: bà Phủ dứt bẩn lắm, cô ta sợ mẹ buồn, nên cực chẳng đã phải vưng lời, bởi vậy qua ngày sau Tế-Thế dắt Kỳ-Tâm vô coi thì Yến-Tuyết bước ra chào hỏi như thường, chẳng khóc mà cũng chẳng buồn chi hết. Kỳ-Tâm ăn mặc đàng-hoàng ngồi coi nghiêm chỉnh lắm, cứ ngó bà Phủ rồi chúm-chím cười hoài; đến nỗi Yến-Tuyết ra chào anh ta cũng không thèm liếc mắt.
Bà Phủ ngồi nói chuyện với Tế-Thế một hồi rồi hỏi Kỳ-Tâm rằng:
- Tôi nghe thầy giáo nói thầy mồ-côi thì tôi thương quá, vậy bây giờ thầy làm việc ở đâu?
- Thưa, tôi làm bên Mỹ.
- Thầy làm việc mà khá hay không?
- Thưa, làm đủ ăn vậy thôi, chớ có đâu mà khá đặng.
- Ờ, đời nầy vật gì cũng mắc hết thảy, mấy thầy làm việc lãnh lương bị tiền nhà, tiền chợ rút hết. Tôi coi bây giờ buôn bán hoặc là làm ruộng có lẽ khá hơn.
- Dạ, tôi cũng biết như vậy, ngặt vì buôn bán phải có vốn, làm ruộng phải có đất, phận tôi nghèo-nàn côi-cút, vốn không có, mà ruộng cũng không, bởi vậy tôi mới ra cầm cây viết kiếm ăn, chớ có phải tôi ham làm việc đó đâu.
- Chẳng giấu thầy làm gì. Tôi có một chút con gái tôi cưng nó lắm. Tôi thấy mấy người có học thì tôi thương, ngặt mấy ổng hễ có chữ trong mình thì cứ làm thầy thông thầy ký, rồi nay xách đi xứ nầy, mai dời đi xứ khác hoài, nếu gả con cho mấy ổng thì hơi nào mà thăm con. Bởi tôi sợ như vậy nên tôi mới tính bắt rể, đặng vợ chồng nó ở hủ-hỉ với tôi cho vui.
Kỳ-Tâm nghe nói thì cười mà không trả lời. Tế-Thế mới tiếp mà nói rằng: “Thưa bà, bà tính như vậy thì phải lắm chớ, Bà có một mình cô hai, mà ruộng vườn có, còn thiếu vật gì nữa đâu. Nếu bà gả cô hai cho nhà giàu thì tự nhiên cô phải theo chồng. Chi bằng bà kiếm người côi-cúc mà gả đặng họ ở đây trước là nuôi-dưỡng bà trong cơn ấm lạnh, sau nữa họ coi vườn coi ruộng cho bà khỏi nhọc lòng”
Bà Phủ nghe Tế-Thế mở hơi bà thích lắm. Tế-Thế với Kỳ-Tâm ngồi chơi hơn một giờ rồi mới từ giã mà về. Chiều bữa ấy Trường-Xuân qua rồi dắt Tế-Thế trở vô nhà bà Phủ mà định ngày cưới, Tế-Thế chịu lãnh cậy bốn Thầy-giáo đi họ giùm, còn mâm trầu thì để cho đàng gái xây, chàng rể với họ đi tới hiệp tại nhà bà Phủ rồi chiều đãi tiệc chớ không rước dâu.
Các việc sắp đặt xong rồi, chừng về dọc đường Tế-Thế mới nói với Trường-Xuân rằng: “Nầy anh, anh phải đưa vài ba trăm đồng bạc đặng tôi lo đám cưới mới được chớ. Tuy là họ đàng trai mình khỏi đãi ăn, hễ gom lại nhà tôi rồi đi luôn vô nhà bà Phủ, nhưng mà tôi phải lo mướn xe cộ đi rước người ta, chừng về nhà cũng phải sắm rượu trà mà đãi người ta chớ, lẽ nào để họ ngồi nói chuyện dã hay sao”.
Trường-Xuân tuy biết Tế-Thế muốn kiếm chuyện mà đòi tiền, bởi vì rước họ chừng năm bảy cái xe, về đãi chừng hai ba ve rượu mà tốn hao gì tới vài ba trăm, song nghĩ lúc nầy mình đang cần anh ta giúp giùm đặng xong việc, nếu mình bỏn-sẻn sợ anh ta giận bỏ xuội rồi bại hoại việc lớn đi, nên mở bớp-phơi lấy 200 đồng bạc đưa cho Tế-Thế, chớ không dám cãi lẽ nữa.
Sáng bữa sau bà Phủ đương ngồi mà tính coi đám cưới phải mời ai, phải đặt cỗ Quảng-đông hay là nấu đồ Việt-nam mà đãi, phải may thêm cho con áo gì quần gì, có nên sắm mùng mền hay không, bỗng thấy ba cái xe kéo ngừng ngay trước nhà, rồi cô ba Hương bước vô, lại có dắt theo một người đàn-bà chừng 45 tuổi, tuy ăn mặc tầm thường, mà bộ-tịch phong lưu lắm, với một người trạc chừng 22, 23 tuổi, mặt mày trắng trẻo, đi đứng khoan-thai, y-phục đoan-trang, nón trắng, giày vàng, quần tích-so, áo nỉ xám. Bà Phủ bước ra chào hỏi rồi mời hết vô nhà.
Cô ba Hương hỏi thăm lăng-xăng, người đàn bà đi theo đó thì ngồi ăn trầu không nói chi hết, còn thầy nọ thì chăm-bẳm ngó bà Phủ, lâu lâu lại liếc ngó vào cửa buồng một cái. Bà Phủ hỏi cô ba Hương rằng:
- Cô đây cũng ở trên Sài Gòn hay là ở đâu?
- Chị Hội-đồng đây ở trên Chợ Lớn.
- Cô xuống dưới này chơi hay là đi có việc chi?
- Người đàn-bà ấy nghe bà Phủ hỏi như vậy thì đáp rằng: “Bẩm bà, thuở nay tôi không biết Tân-An. Cô ba cô rủ đi chơi, tôi nhơn lúc này rảnh-rang, lại có thằng nhỏ tôi đi học ngoài Hà-nội, có bịnh nó xin phép về một tháng, nên tôi dắt nó đi xuống dưới nầy một lần cho biết. Chợ Tân-An buồn quá! Buôn bán coi cũng lôi thôi”.
Cô ba Hương đứng dậy quào bà Phủ rồi bước vô cửa buồng. Bà Phủ hội ý đi theo. Hai người ra đứng tại cửa sau rồi cô ba Hương mới nói nhỏ với bà Phủ rằng: “Nầy chị, cô đó là vợ Hội-đồng Bạch ở trên Chợ Lớn. Còn thầy đó là con đầu lòng của cô đa. Thầy học trường Cao-đẳng Sư-phạm ngoài Hà-nội, còn có một năm nữa thì thi lấy bằng-cấp đi làm Đốc-học. Thầy Hội-đồng có bà con với tôi, nhà giàu có lớn, mà có phước nên sanh con học giỏi nữa. Tôi thấy thầy em đó nhu-mì, mà lại bộ xứng với con hai ở đây quá, nên tôi lãnh làm mai, tôi dắt xuống đây đặng coi nó đó đa. Vậy chị biểu con hai nó sửa-soạn rồi ra chào người ta đặng cho họ thấy nó một chút. Con hai đi đâu mà nãy giờ tôi không thấy nó vậy chị?”
Bà Phủ đáp rằng: “Nó ể mình nên nằm trong buồng”. Cô ba Hương biểu kêu nó dậy thay áo quần, mau đi ra chào khách đặng người ta đi về cho kịp xe. Bà Phủ đứng ngơ-ngẩn không biết sao mà nói được. Cô ba Hương thấy như vậy lại đốc thêm rằng: “Chị đừng có lo mà. Hễ cho thầy coi mắt một chút rồi về tôi đốc riết thầy thì thầy chịu, chớ không khó gì đâu.”
Bà Phủ đứng dụ-dự một hồi rồi coi bộ suy nghĩ lung lắm. Cô ba Hương thúc riết bà mới nói rằng:
- Cho coi không được đâu cô à!
- Sao vậy?
- Tôi đã hứa gả nó rồi.
- Gả cho ai ở đâu? Sao tôi không hay?
- Tôi gả nó cho một thầy thông làm việc bên Mỹ.
- Con của ai ở đâu vậy?
- Con của một ông Cả ở dưới Rạch-Giá.
- Thầy đó làm việc gì?
- Làm việc Tòa.
- Hứ, bất nhơn dữ không! Chị gả hồi nào đó vậy?
- Từ xưa đến rày; còn ít ngày nữa cưới đa.
- Sao hôm gần Tết, chi đi Sài Gòn ghé thăm tôi, tôi không nghe chị nói?
- Ờ, lúc đó chưa gả. Ăn Tết rồi tôi mới gả.
- Chị báo hại, làm tôi đi thất công!
- Cô có lòng thương cháu, thiệt tôi cám ơn quá. Ngặt tôi gả rồi, biết liệu sao được bây giờ.
Cô ba Hương đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi rằng:
- Chỗ này người ta đã giàu mà lại học giỏi. Chị không chịu, thiệt là uổng lắm. Hễ chị gả thì chừng một năm nữa con hai nó được làm bà Đốc, sang trọng biết chừng nào. Nầy chị, không biết chị kiếm thế hồi chỗ đó đặng gả chỗ nầy được hay không chị? Mình nói con nhỏ nó chê xa nên không ưng, họ đi của bao nhiêu mình trả đủ lại cho họ, có hại chi đâu mà họ rầy. Mà con mình nó không chịu, ai ép nó cho đặng. Phải đa chị. Tính coi xong lắm. Chị coi thằng nhỏ nầy tướng-mạo coi được quá phải không?
Bà Phủ đứng suy nghĩ hoài. Cách một hồi bà lắc đầu thở ra mà đáp rằng: “Không được đâu cô. Tôi hứa gả đã định ngày cưới rồi, bây giờ hồi sao được. Thiệt tôi cũng tiếc lắm. Mà trời khiến thầy nầy không có duyên nợ với con hai tôi, nên thầy mới đến trễ, vậy thì mình không nên cãi trời.
Cô ba Hương làm mặt buồn rồi bỏ đi ra nhà trước. Cô ngồi nói chuyện lơ-là với bà Phủ chừng nửa giờ đồng hồ rồi từ giã dắt cô Hội-đồng Bạch với thầy nọ lên xe mà về. Bà Phủ đưa khách ra khỏi cửa rồi trở vô nằm dàu-dàu, trong trí thầm nghĩ nếu con mình nó đừng có hư, thì mình gả chỗ nầy xứng đáng biết chừng nào.
Người ta đã giàu, mà con người ta ăn học đã gần thành thân rồi, sui đã xứng sui, mà rể lại đáng rể, nghĩ thiệt tức biết chừng nào. Đã biết bây giờ mình biểu đàng kia lui hết thì không khó gì, ngặt con mình nó như vậy mình đâu dám gả chỗ nầy. Ứ hự! Không biết tại sao mà vô phước lắm vậy!
Định ngày cưới rồi, thì Trường-Xuân cứ nói gạt vợ rằng đi viếng các làng đặng cậy Hương-chức tới ngày tuyển cử họ bỏ thăm cử mình, rồi lén qua Tân-An hoài. Lần nào qua cũng ghé nhà bà Phủ, có ý muốn giáp mặt Yến-Tuyết đặng dặn-dò ít lời, mà Yến-Tuyết hễ thấy Trường-Xuân thì rút vô buồng, không chịu cho Trường-Xuân thấy mặt.
Bà Phủ biểu Trường-Xuân phải rao trong nhựt-trình đặng cho Lục-Châu hay sự bà gả con lấy chồng, làm như vậy cho rỡ ràng, lại sau khỏi người ta dị-nghị. Trường-Xuân vưng lời ghé cậy Tế-Thế làm giùm việc đó và cậy viết luôn một bài đích-cua đặng bữa tiệc đám cưới mà đọc nữa. Tế-Thế đòi thêm 50 đồng. Trường-Xuân đưa liền, không dám cãi.
Còn chừng một tuần nữa tới ngày cưới, thì thấy ba tờ nhựt-báo ở Sài Gòn có đăng hỉ-tin như vầy:
“Bổn-quán mới tiếp được hồng-thiệp báo tin rằng thầy Lý-kỳ-Tâm, Thông-ngôn tại Mỹ-tho, là trưởng-tử của ông Lý-kỳ-Thành, nguyên Hương-cả ở Rạch-giá, sẽ kết duyên cùng cô Phan-yến-Tuyết là ái-nữ của bà Phủ Phan-hữu-Tiền ở Tân-An.
“Ngày hiệp cẩn định là ngày 31 Avril 192..
“Bổn-quán cầu chúc cho Lý-Phan hai họ hảo-hiệp trăm năm, cầm-sắt hòa hai, miêng miêng qua điệp.”
Bà Phủ mượn Trường-Xuân gởi thiệp mời bà con xa gần cùng những người quen hết thảy. Bà lại dọn-dẹp nhà cửa đàng-hoàng, mượn thêm ghế bàn đặng có chỗ hai họ ngồi cho đủ.
Kỳ-Tâm thấy nhựt-trình báo tin đám cưới thì trong bụng lo thầm, sợ chủ nợ hay mình cưới con gái bà Phủ áp lại đòi tiền thì biết lấy chi mà trả. Xưa nay mình nghèo nên họ chửi mắng mà trừ, chớ ngày nay mình cưới vợ giàu sang chi cho khỏi họ đòi, nếu mình không trả chắc họ làm nhục mình, mà hễ mình bị nhục thì mẹ con bà Phủ cũng không tốt gì đó. Kỳ-Tâm tỏ việc cho Tế-Thế nghe. Tế-Thế chạy vô nói lại với bà Phủ thì bà Phủ buồn thầm, song việc đã đến nước nầy bà không còn dụ-dự nữa được, nên bà nói rằng: “Không hại gì, nếu họ không nghĩ họ đến đây họ đòi thì tôi ra tiền mà trả cho họ, không sao đâu mà sợ. Tuy vậy xin thầy giáo làm ơn nói với thầy, nợ chừng năm bảy trăm thì tôi trả được, chớ nhiều quá tôi lo không kham”.
Tế-Thế về nói lại với Kỳ-Tâm thì Kỳ-Tâm cười mà nói rằng: “Trong ý bà Phủ tưởng tôi bày chuyện mà giựt tiền của bà hay sao? Nếu tôi có như vậy thì hôm nọ tôi đòi đôi ba ngàn, cần gì mà phải mưu sự cho nhọc trí. Xin anh nói giùm lại cho bà biết rằng tôi lo trước đó là lo giữ giùm danh-giá cho bà, chớ phận tôi thì tôi không cần gì đâu. Như họ có đòi nợ, bà không trả cũng được, còn nếu bà có trả thì bà giữ giấy tờ đặng sau bà đòi lại tôi, không thiệt hại gì bà đó mà bà lo.”