Tinh Hán Xán Lạn, May Mắn Quá Thay

Chương 139

Ấm đồng ngoài điện tí tách tiếng nhỏ nước, nhẹ nhàng rơi xuống chậu nước có hình thú vàng bạc, mỗi người trong điện ôm một mối tâm tư, trong thoáng chốc không ai mở lời nào.


Tâm trạng của Hoàng đế hết lên lại xuống, lúc nhớ tới tiếng cười dáng điệu của Hoắc Xung, khi lại nghĩ phải xử lý Hoắc Bất Nghi như thế nào. Ông là quân vương đứng đầu một nước, dẫu đau buồn tới đâu cũng không thể như phụ nữ, phải có lời nói rõ với triều thần, đồng thời cũng phải thu xếp để tiền đồ của Hoắc Bất Nghi vẫn rộng mở, mới không phụ anh linh của nghĩa huynh.


Khi Hoàng đế đang âm thầm sắp xếp thì Tam hoàng tử cuống quít góp lời: “Nhi thần biết phụ hoàng nhân từ, nhưng anh em Lăng thị thực sự quá ác, nhi thần cho rằng không tru di toàn tộc không đủ an ủi hồn thiêng! Giết sạch không chừa, xem về sau ai còn dám cấu kết với địch phản quốc nữa không!” Hắn không nói còn đỡ, vừa mở miệng đã nhắc nhở Hoàng đế chuyện khác.


Hoàng đế bật thẳng người dậy, trợn mắt nói: “Đương nhiên không tha cho họ Lăng, nhưng con cũng không thoát! Đêm trước Tử Thịnh tự ý điều động quân đội không phải vì bản thân nó đúng không. Hai đứa trời đánh các ngươi, bao năm qua đóng kịch đạt lắm, không thường xuyên qua lại, có gặp nhau cũng không nói lời tử tế, mà hóa ra đã thông đồng với nhau từ lâu! Nói, có phải con xúi giục Tử Thịnh không!” Nói đoạn, ông khẽ liếc vào trong tấm rèm.


Như có ai đó nhét trái đào thối vào miệng, Tam hoàng tử lắp bắp đáp: “Chuyện đó, phụ hoàng, thực ra nhi thần và Tử Thịnh cũng từng cãi tới cãi lui, không hề đóng kịch…”


Hoắc Bất Nghi cười khổ: “Bệ hạ, đúng là thần và Tam hoàng tử đã qua lại với nhau từ lâu, nhưng thần dám chỉ trời thề rằng Tam hoàng tử thực sự không biết chuyện đêm trước. Vì thần đã dùng ấn tín của Đông cung điệu hổ ly sơn, khiến điện hạ tới Hồng Liễu doanh thẩm tra vụ án dùng xe quân. Các vị đại nhân tố thần giả chiếu chỉ thực không hề sai.”


Hoàng đế cố không nhìn vào trong rèm, giận dữ thốt lên: “Khanh, khanh lại làm ra chuyện có lỗi Hoàng hậu và Thái tử?!”


Hoắc Bất Nghi cụp mắt thấp giọng: “Tất nhiên là rất có lỗi.” Chàng không chỉ có lỗi với Hoàng hậu và Thái tử, mà còn có lỗi một người nữa, người mà giờ đây chàng không dám nghĩ đến.


Tam hoàng tử ưỡn thẳng cổ: “Mong phụ hoàng đừng trách Tử Thịnh, sáng nay lúc kéo hắn lên vách núi, chẳng những vết thương chằng chịt mà cơ thể còn nóng hầm hập, bây giờ có thể ngồi dậy là may mắn lắm rồi, phụ hoàng muốn mắng cứ mắng nhi thần đi!”


“Đương nhiên trẫm sẽ mắng cả con! Thái tử có lỗi gì với con mà con lại bất mãn hả! Ngày trước con và lão Nhị đánh nhau, vì bảo vệ con mà Thái tử suýt bị lão Nhị đập vỡ đầu! Cả Hoàng hậu nữa, ngày bé con được Hoàng hậu nuôi nấng, đồ nghiệt chướng vong ân bội nghĩa bị ma xui quỷ khiến nhà con, con quên cả rồi sao!” Hoàng đế gầm lên rất lớn, quả nhiên mắng con trai mình vẫn sảng khoái hơn.


“Đương nhiên nhi thần chưa bao giờ quên.” Tam hoàng tử không hề thay đổi sắc mặt, “Nhưng nhi thần dám dùng tính mạng để thề, những năm qua chưa từng làm chuyện có lỗi với Thái tử dù chỉ là một! Thật ra có vài bận Thái tử đi xa chinh chiến, Đông cung gặp chuyện, chính nhi thần đứng ra âm thầm giải quyết, nếu không tin phụ hoàng có thể kiểm tra!”


“Đừng nói Lâu Kinh và Vương Thuần gặp chuyện thì con không lấy làm mừng!”


“Một là ngụy quân tử, một là hạng tiểu nhân, vì ngày trước không có lý do nên chỉ có thể trơ mắt nhìn Thái tử tin tưởng bọn họ, vất vả lắm mới đuổi đi được, phụ hoàng còn muốn bọn họ ở lại Đông cung hết tiết Thượng Tị!”
“Thượng Ti qua lâu rồi!” Hoàng đế gầm lên.


Đến Thiếu Thương đang có vướng mắc trong lòng cũng muốn cười thành tiếng. Nàng nhìn qua kẽ hở trên tấm rèm, thấy cặp cha con hoàng gia đang hét vào mặt nhau, vị trí gân xanh trên trán cũng không khác nhau là bao.


Ngoại trừ người con đã chết yểu, tổng cộng Hoàng hậu và Việt Phi đã sinh cho Hoàng lão bá mười người con, dù Hoàng lão bá đằm tính nhưng xét cho cùng cũng là cửu ngũ chí tôn, chấp chưởng đại quyền sinh sát, hễ sầm mặt là hoàng tử công chúa nào cũng khϊế͙p͙ hồn khϊế͙p͙ vía, rụt rè ngoan ngoãn. Nhị hoàng tử có vô tư tới mấy cũng không dám mạnh miệng trước mặt Hoàng đế. Nên khung cảnh này thật sự là cảnh lần đầu Thiếu Thương chứng kiến.


Hoàng đế đã hạ hỏa phần nào, trầm giọng nói: “Đừng có thoái thác! Cho dù con không biết chuyện đêm hôm trước Tử Thịnh tự ý điều binh, nhưng những năm qua con đang ngấm ngầm mưu đồ những gì, trong lòng chất chứa tâm tư gì, giờ không cần che giấu nữa. Con có gan làm thì phải có gan nhận, nói!”


Đúng là gừng càng già càng cay, chỉ một câu đã đâm trúng tim đen. Tam hoàng tử biến sắc mấy lần, đoạn cắn răng thưa: “Vâng, nhi thần cho rằng Thái tử không thích hợp làm trữ quân, hoàng huynh không thể gánh được giang sơn này!”
Quá thẳng thắn rồi, Hoắc Bất Nghi ở bên khẽ thở dài.


Hoàng đế nổi trận lôi đình, đứng bật dậy gỡ bảo kiếm treo trên tường, cầm luôn cả vỏ đập mạnh xuống người Tam hoàng tử, mắng: “Nghịch tử cuồng ngôn! Hắn không gánh nổi giang sơn thì con gánh nổi hả! Dù Thái tử không tốt đến đâu, chí ít cũng nhân hậu hơn con!”


Nhưng đánh chưa được mấy cái thì Hoắc Bất Nghi đã vội đứng dậy ngăn Hoàng đế lại.


Tam hoàng tử bị đánh hai cái, cắn chặt siết căng gò má, hít một hơi thật sâu, nói: “Làm quân vương không thể xét nhân từ hay tàn nhẫn, phải cần hành động theo tình lý. Ban thưởng và trừng phạt là hai thanh gươm sắc bén trong tay quân vương, vừa điểu khiển được quần thần, lại thống trị được bách tính. Còn sự nhân từ của Thái tử đã bỏ qua hai thanh gươm sắc ấy. Từ Thái tử phi cho đến chư thần Đông cung, người cần thưởng hoàng huynh không thưởng, người cần phạt hoàng huynh không phạt, khiến người bên cạnh vô cùng lo lắng. Phụ hoàng cho rằng, nhân từ là chuyện tốt ạ?”


“Bản thân con hẹp hòi xoi mói lại chỉ trích huynh trưởng nhân từ, hay lắm, rất hay, mọi khi ta không nhìn ra con đấy! Trẫm thích nhân từ, cũng tán thưởng sự nhân từ của Thái tử, con muốn làm gì?!” Tay phải Hoàng đế siết chặt chuôi kiếm, vờ như muốn rút ra.


Tam hoàng tử lại chẳng màng quan tâm, dứt khoát nói thẳng: “Nguyên đế cũng rất nhân từ, vì thế dù Tuyên đế không thích y yếu đuối vô năng song cuối cùng vẫn không phế y! Nhưng tiền triều bắt đầu loạn chính kể từ khi Nguyên đế đăng cơ! Tuyên đế còn có hai người con trai, Hoài Dương vương thấu đáo giỏi pháp, Sở vương thông thính tài năng, hai người bọn họ cai quản phong quốc của mình mấy chục năm, chưa từng xảy ra mệnh hệ nào. Nếu lúc ấy Tuyên đế lập một trong hai người họ thì triều chính đã không bại tới mức ngoài tầm kiểm soát!”


“Nghiệt chướng nhà ngươi!” Hoàng đế giận đến nỗi run lên, *soạt* một tiếng rút lưỡi kiếm ra.
Hoắc Bất Nghi cố nén đau, dùng sức đẩy Tam hoàng tử: “Đòn nhẹ thì chịu đòn nặng thì chạy*, điện hạ còn không đi nhanh!”


(*Đây là một câu nói của Khổng Tử, Nho giáo tin rằng đây là thái độ hiếu tử cần có khi bị cha mẹ trừng phạt.)
Tam hoàng tử nói rất sảng khoái giờ mới hoàn hồn, thấy phụ hoàng bị mình chọc giận nổi cơn tam bành, vội vã vén áo lên cắm đầu chạy biến khỏi nội điện như một làn khói.


Hoàng đế không sai người đuổi bắt, chỉ hậm hực đặt thanh kiếm xuống, sau đó trừng mắt với con nuôi: “Chuyện tốt hai ngươi làm đây!… Còn không mau ngồi xuống, ngồi dựa vào đó!”
Hoắc Bất Nghi cười cười, đè vết thương trên tay, chậm rãi ngồi xuống tựa vào tay vịn.


Hoàng đế cố lấy lại nhịp thở đều đặn, ngoái đầu nói: “Khanh cũng giống Tử Đoan, cho rằng cần phải phế Thái tử?”
Hoắc Bất Nghi im lặng cúi đầu.


Hoàng đế thương con nuôi đã chịu lận đận mười mấy năm qua, vì vậy không nỡ trách mắng, đành tận tình khuyên nhủ: “Khanh có ngốc không hả, Thái tử hiền lành nhân hậu, lại rất tin tưởng khanh, chỉ cần Thái tử kế vị thì khanh cần lo gì nữa! Nếu là lão Tam, hừ, có ngày nào đó hai đứa tranh chấp, hắn nổi giận biếm khanh vào rừng sâu núi thẳm, trẫm xem khanh chạy đến nơi nào khóc! Thái tử đăng quang tốt cho cả các hoàng tử công chúa còn lại, cũng tốt cho Hoàng hậu và Việt Phi!”


Hoắc Bất Nghi chợt nói: “Vì sao lại phải tốt với hoàng tử công chúa, tốt với Hoàng hậu Việt Phi? Vì sao không phải tốt với bách tính thiên hạ, tốt với giang sơn xã tắc!”
Hoàng đế cứng người, mắng: “Cả khanh cũng bất mãn với trẫm ư?!”


“Thần không dám.” Hoắc Bất Nghi ảo não, “Thần và Tam điện hạ qua lại mười mấy năm, nhưng chỉ mới bốn năm năm trước mới có ý định thay đổi trữ quân. Từ đó trở đi, thần biết tương lai bản thân khó thoát khỏi tội bất trung bất nghĩa vong ân phụ chủ. Nhưng bẩm bệ hạ…”


Chàng từ từ ngẩng đầu lên, đưa mắt nhìn cha nuôi: “Thần chỉ mới ở bên cạnh Thái tử vài năm ngắn ngủi mà đã có thể thống lĩnh toàn quân cùng quan lại, thu thuế, mật báo mà Đông cung cai quản, mọi lệnh phù ấn tín đều nằm trong tay thần. Đợi mai sau khi Thái tử lên ngôi, thần sẽ tức khắc nắm quyền quốc gia, nắm cả quyền hành! Bệ hạ muốn thấy viễn cảnh đấy sao?”


Dưới tay Hoàng đế vang lên cái *cách*, tay vịn gỗ sơn mài kiên cố đã bị ông siết vỡ. Ông sầm mặt nói: “Vậy vì sao khanh không nắm quyền quốc gia, nắm cả quyền hành?”


Hoắc Bất Nghi nói: “Ngày thần còn bé từng nghe phụ thân nói với mẫu thân rằng, năm xưa quần hùng nổi dậy hòng tranh giành thiên hạ, ông ấy lớn tuổi hơn bệ hạ, cũng có gia tài phong phú hơn bệ hạ, danh vọng tài cán cũng không hề thua kém, nhưng ông ấy vẫn bằng lòng phò tá bệ hạ. Vì ông ấy thấy ở bệ hạ ánh hào quang, bình lặng vững vàng như cương vực bờ cõi vô biên, hào hùng trào dâng như con sông vun vút, mạnh mẽ không lừa dối, trong mềm vẫn có cứng – phụ thân nhận định bệ hạ chính là chân mệnh thiên tử có thể dẹp yên thiên hạ, tử tế với xã tắc.”


Hoàng đế nở nụ cười đầu tiên trong tối nay, nhưng vẫn nghiêm mặt nói: “Năm ấy khanh mới bao tuổi hả, vì sao lại nhớ rõ như vậy, có phải bịa đặt không.”
Hoắc Bất Nghi mỉm cười thưa: “Từ nhỏ thần đã có trí nhớ tốt.”


Hoàng đế gật đầu: “Điểm này giống mẫu thân khanh. Nhớ khi bọn họ vừa thành thân, phụ thân khanh còn thường khoe nương tử thông thái học rộng, trí nhớ siêu việt.”


Ngực Hoắc Bất Nghi quặn lại, hốc mắt ngấn lệ, nhưng chàng vẫn cười nói: “Đúng là trí nhớ của mẫu thân rất xuất sắc, dù các anh chị có phạm lỗi nhỏ đến đâu và lâu tới mức nào, bà vẫn có thể liệt kê vanh vách.”


Hoàng đế biết đã chạm tới nỗi đau của con nuôi, đành đổi đề tài: “Nhưng khanh không thể tự ý điều binh được, khanh có từng nghĩ sẽ qua ải này như thế nào không!”


Hoắc Bất Nghi đáp: “Thần thật sự hết cách rồi, không phải chỉ một người từng nói với bệ hạ chuyện này. Ngu Hầu từng ám chỉ với bệ hạ trong bữa tiệc, bệ hạ lại giả như không hiểu; Ngô đại tướng quân từng nói Thái tử không hiểu quân sự, đến doanh trại cũng vô dụng, bệ hạ lại sai thần tới Đông cung hỗ trợ; rồi cả Nghiêm thần tiên, trong ngày thành hôn của Thái tử năm xưa, ông ấy cũng đã nói Thái tử khó có thể làm trữ… Đến lời của Nghiêm thần tiên bệ hạ cũng không nghe thì thần còn cách gì nữa, phải để bệ hạ tận mắt chứng kiến kết quả của việc quyền hành Đông cung rơi vào tay kẻ khác! Dù không phải là thần, chỉ cần người có mưu tính giỏi luồn cúi, lấy được lòng tin của Thái tử cũng không phải việc khó.”


“Nói hay!” Chợt một bàn tay ngọc vươn ra từ tấm rèm bên cạnh, Hoàng hậu vén rèm bước ra.
Hoàng đế thở dài, Hoắc Bất Nghi xấu hổ.


Hoàng hậu đứng bên cạnh Lăng Bất Nghi, nói: “Tử Thịnh nói câu nào cũng có lý, nhưng khanh biết đấy, những Thái tử từng bị phế truất không mấy ai được kết quả tốt.”


Hoắc Bất Nghi khó khăn nhắm hai mắt, đoạn nhìn thẳng Hoàng hậu: “Năm xưa có tiến sĩ vào Trường Thu cung giảng sử, khi kể tới chuyện của Cao Hoàng đế, nương nương nói, tuy Cao Hoàng đế chưa đủ nhân nghĩa, có ý phanh thây ăn thịt cha, vứt bỏ con cái*, nhưng xét cho cùng ông ta là một Hoàng đế tốt. Dù ông ta có sủng ái Thích Cơ và chiều Như Ý tới đâu, song vì triều đình ông ta vẫn không dám cưỡng ép đổi trữ, mặc dầu ông ta biết Lã hậu sẽ không bỏ qua cho họ**.”


(*Cao Hoàng đế là thụy hiệu của Hán Cao Tổ Lưu Bang, nổi danh là Hoàng đế “bất nghĩa”, “bất hiếu” khét tiếng Trung Hoa. Ông từng có những hành vi coi khinh cha đẻ và nhẫn tâm vứt bỏ con cái, chi tiết đọc cuối chương.)


(**Thích Cơ là sủng phi của Lưu Bang, sinh được con là Lưu Như Ý. Ông ta từng muốn phế Thái tử Lưu Doanh để lập Như Ý, về sau chính Lã hậu giúp con giữ được ngôi Thái tử nhờ kế “vì xã tắc”.)
Ngón tay Hoàng hậu run lên, nhìn thẳng vào Hoắc Bất Nghi.


Hoắc Bất Nghi lại nói: “Trong lòng Cao Hoàng đế, giang sơn xã tắc nặng hơn ái thϊế͙p͙ và ấu tử rất nhiều, còn Tuyên Hoàng đế biết rõ Thái tử bất ổn mà vẫn buông tay từ bỏ. Trong lòng ông ta, tình cảm với Hoàng hậu nguyên phối nặng hơn tất thảy. Nên từ đời của Cao Hoàng đế, tiền triều có liền sáu vị minh quân, khí nuốt non sông, hùng bá vũ nội, nhưng từ sau triều đại của Tuyên Hoàng đế, triều cục dần hỗn loạn…”


“Hay cho lý lẽ hùng hồn tuyệt tình bỏ ái!” Hoàng hậu sầm mặt, “Cao Hoàng đế biết con cưng khó tránh khỏi cái chết, nhưng vì giang sơn xã tắc vẫn phải nhẫn nhịn, nên khanh cũng muốn vứt bỏ hết tình nghĩa?”


Hoắc Bất Nghi quỳ gối trước mặt Hoàng hậu, thốt lên từng chữ một: “Thần biết bản thân có lỗi với nương nương và Thái tử, nguyện chết tạ ơn nghĩa.” Dừng tại đây, chàng lại nói, “Vốn dĩ, thần cũng không hy vọng có thể còn sống quay về.”


Hoàng đế chống thành ghế đứng dậy, muốn nói giúp con nuôi nhưng lại cố kỵ Hoàng hậu.


“Khanh nghĩ sai rồi, bổn cung không nói bản thân mình và Thái tử.” Hoàng hậu nói, “Khanh vào cung từ năm tám tuổi, thông minh hiểu chuyện, hiếu học khiêm nhường, cường tráng ít bệnh, bổn cung cũng không quá bận tâm về khanh. Nếu thật sự muốn xét ơn nuôi dưỡng và dạy dỗ, người khanh nên cảm tạ là bệ hạ. Dù về sau khanh đã thu xếp ổn thỏa cho Thái tử, xông xáo giải quyết mọi chuyện, công lao rất lớn. Nếu không có khanh, danh tiếng của Thái tử đã hỏng từ lâu. Mặc dầu bổn cung biết thực chất khanh là vì bệ hạ, không muốn bệ hạ lo lắng bận lòng.”


Tuy Hoàng hậu nói vậy, nhưng là vợ chồng chung sống nhiều năm, Hoàng đế biết bà đang rất giận, nên càng không dám chen lời.


“Bổn cung đang nói đến Thiếu Thương.” Hoàng hậu lạnh lùng, “Xuyên suốt sự kiện, bệ hạ lập trữ không thỏa đáng, Thái tử bất tài bất lực, lão Tam nuôi chí lớn, khanh mang trong mình huyết hải thâm cừu, còn ta là từ mẫu không có con giỏi… Chỉ có Thiếu Thương. Việc này liên quan gì đến nàng, nhưng nàng vẫn bị khanh kéo vào!”


Chút sắc máu cuối cùng trên mặt Hoắc Bất Nghi lập tức rút cạn, cánh môi run run, không cách nào thốt nên lời.


“Vừa rồi khanh nói rất hay rất rõ, bỏ tình cảm nhỏ chọn tấm lòng lớn, ban ơn thiên hạ. Được, bây giờ bổn cung hỏi khanh, từ khi khanh đến biệt viện Lăng gia rồi tự ý điều binh, có phải khanh đã quyết bỏ cả Thiếu Thương không?!” Hoàng hậu nặng nề hỏi.


Hoắc Bất Nghi đau đớn ấn vào vết thương, một lúc sau mới khó nhọc cất tiếng: “… Đúng thế.”


Hoàng hậu cười lạnh: “Nói rất hay!” Vừa nói bà vừa đi đến cạnh bàn của Hoàng đế, trên bàn có một giá gỗ tinh xảo cao một thước rưỡi, phía trên treo một tấm đồng vuông phẳng hình trăng khuyết. Hoàng hậu rút chùy đồng trên giá rồi gõ vào tấm đồng.


Khi Hoàng đế bàn chuyện cơ mật không cho phép cung nữ hoạn quan ở cạnh, bọn họ chỉ có thể đứng hầu cách xa ngoài điện, muốn gọi người thì phải gõ vào tấm đồng này.
Hoắc Bất Nghi vẫn chưa hiểu chuyện gì, còn Hoàng đế đã che trán thở dài.


Hoàng hậu lại đi đến bên rèm, kéo mạnh sợi dây sau cột trụ.


Tấm rèm lộng lẫy dày nặng được kéo ra hai bên như thác nước, ở căn phòng bên trong có một cô gái mảnh khảnh đang ngồi bó gối, mái tóc dài phủ xuống lưng, lộ vành tai trắng tuyết. Nàng ngồi yên không cử động, xoay lưng về phía Hoắc Bất Nghi.
_______
Chú thích thêm:


Lưu Bang vứt bỏ con cái; có ý phanh thây:
Trong thời gian Hán – Sở tranh hùng, Hán Cao Tổ Lưu Bang từng thua trận ở Bành Thành, bị quân địch đuổi tới mức chạy trối chết.


Trên đường tháo chạy, Lưu Bang thấy xe ngựa chạy chậm, liền thẳng tay đẩy con trai, con gái của mình xuống xe. Người phu xe là Hạ Hầu Anh thấy vậy, không kìm lòng được, liền ôm tiểu thư và công tử lên xe.


Lưu Bang “ném” con 3 lần, Hạ Hầu Anh ôm chúng lên 3 lần. Lưu Bang liền quát: “Ta đang gặp nguy hiểm thế này, chẳng lẽ còn phải đèo bòng hai đứa nó? Vậy an nguy của ta thì sao?”


Hạ Hầu Anh nhịn không nổi, liền cả gan “cãi” lại chủ tử: “Đó là cốt nhục của Đại vương, sao có thể bỏ lại?”


Lưu Bang thẹn quá hóa giận, liền rút kiếm định chém Hạ Hầu Anh. Thấy vậy, Hạ Hầu Anh không dám bế 2 đứa trẻ lên xe mà đành…”cắp nách” chạy trốn.


Tục ngữ có câu “hổ dữ không ăn thịt con”. Nhưng Lưu Bang tự nhận mình là “rồng”, chẳng phải hổ, nên sẵn sàng chà đạp đạo lý ngàn đời này.
Cũng trong khoảng thời gian Hán Sở tranh hùng, Hạng Võ từng có lần đem phụ thân của Lưu Bang ra uy hiếp ông.


Khi ấy, Hạng Võ đẩy cha Lưu Bang lên trước đoàn quân và nói: “Nếu ngươi không rút binh, ta liền đem cha ngươi phanh thây!”


Tướng lĩnh quân Hán vô cùng khó xử, ai cũng cho rằng Lưu Bang sẽ vì bảo toàn tính mạng cho phụ thân mà hạ lệnh rút binh. Không ngờ họ Lưu này chẳng do dự mà đáp:


“Hai chúng ta từng kết nghĩa huynh đệ, cha ta cũng chính là cha ngươi, nếu ngươi nhất định muốn nấu thịt cha ngươi, thì nhớ để phần ta một bát canh thịt để ăn!”


Trước những lời lẽ tiểu nhân, vô tình của đối thủ, Hạng Võ không còn cách nào khác, đành phải hạ lệnh thả phụ thân của Lưu Bang.
Giúp con giữ ngôi Thái tử:


Ngoài Lã hậu, Lưu Bang còn nhiều phi tần khác, trong đó có Thích phu nhân xinh đẹp nên rất được sủng ái, sinh được Lưu Như Ý. Lưu Doanh làm Thái tử, có Thúc Tôn Thông làm Thái phó, Trương Lương làm Thiếu phó giúp. Nhưng Lưu Bang sau thấy Lưu Như Ý thông minh, nói rằng “Như Ý giống ta”, lại thêm Thích phu nhân luôn ve vãng lời ra tiếng vào, điều này khiến Cao Tổ muốn bỏ Doanh để lập Như Ý.


Năm thứ 12 (195 TCN), Cao Tổ bình định phản loạn Anh Bố, lúc này ông đã bị thương rất nghiêm trọng, Thích phu nhân theo hầu, càng khiến cho ông có ý định phế Lưu Doanh mà lập Như Ý lên thay. Trương Lương can gián không thành, bèn cáo bệnh không vào triều, còn Thúc Tôn Thông lấy chết can gián, Cao Tổ vờ chịu theo, nhưng ý chí đã quyết.


Lã hậu lo sợ, không biết làm thế nào, có người bẩm tấu Lã hậu nên hỏi Trương Lương, và Lã hậu bèn sai anh trai là Lã Trạch đến nhờ. Ban đầu Trương Lương định từ chối, nhưng Lã Trạch cố nài nên Lương đành nhận lời. Nhờ Trương Lương giúp, Lưu Doanh mời được 4 hiền sĩ Thương Sơn tứ hạo; là Đông Viên công, Lộc Lý, Ỷ Lý Quý và Hạ Hoàng công mà trước đó chính Cao Tổ không sao mời nổi. Một hôm khi dự yến tiệc, Thái tử Lưu Doanh rót rượu đứng chầu. Bốn người theo Thái tử tuổi đều ngoài tám mươi, mày râu bạc phơ, áo mũ rất đẹp. Cao Tổ lấy làm lạ hỏi, bốn người tiến đến thưa, kể họ tên. Cao Tổ hoàng đế kinh ngạc, hỏi ra mới biết là các hiền sĩ mà bấy lâu mình mời không được. Bốn người nói với Cao Tổ: “Bệ hạ khinh kẻ sĩ, hay mắng người, bọn thần nghĩa khí không chịu nhục, cho nên sợ mà trốn tránh. Nay trộm nghe thái tử là người nhân đức hiếu thảo, cung kính, thương yêu kẻ sĩ, trong thiên hạ không ai không vươn cổ muốn vì Thái tử mà chết, vì vậy chúng tôi đến đây. Cao Tổ nói: “Phiền các ông nhờ giúp đỡ Thái tử cho trót”.


Bốn người chúc thọ xong, đứng dậy đi ra. Cao Tổ cho gọi Thích phu nhân vào, chỉ bốn người kia bảo rằng: “Ta muốn đổi nó, nhưng bốn người kia đã giúp nó. Lông cánh nó đã thành, khó mà lay chuyển được. Lã hậu là chủ của ngươi rồi đấy!”. Thích phu nhân thống khổ không thôi, bèn múa hát ca thán. Do đó, Lưu Doanh giữ được ngôi Thái tử không bị truất. Về sau, Cao Tổ phong Lưu Như Ý làm Triệu vương.