Chẳng được mấy dịp như ngày hôm ấy – Thiếu Thương và Viên Thận không cãi nhau mà còn khách sáo tạm biệt hẹn gặp lại. Về sau Thiếu Thương nghĩ, có vẻ như hôm đó chính là ngày khởi mở đầu, vì từ lúc ấy trở đi nàng và Viên Thận có gặp nhau cũng không còn chí chóe.
Cung điện triều đình lần nữa trở về với sự lặng lẽ khoan thai, Hoàng đế mắng mỏ rồi giáng chức những vị quan trung đẳng đã chèn ép Thái tử hôm ấy; hơn nữa trong đại điển tiết Thượng Tị vào nửa tháng sau, Hoàng đế còn để Thái tử chủ trì.
Nhưng theo lời Thái tử, nếu phải nghe triều thần hoặc âm thầm hoặc ồn ào dâng tấu, y thà nhốt mình ở Đông cung đọc sách viết chữ, khi thảnh thơi nhấp một bầu rượu ngọt, họa bức tranh hoa đào yên ả, thả cần câu bên bờ rồi ngắm cảnh núi non. Và như để tăng thêm độ đáng tin cho những lời này, Thái tử lập tức giao ấn tín tiết phù của Đông cung cho Lăng Bất Nghi giữ.
Hoàng hậu nói, Thái tử ngày càng giống phụ thân bà, tức Tuyên thái công đã qua đời sớm.
Cuối cùng Thiếu Thương cũng được gặp Nghiêm thần tiên nổi tiếng bấy lâu. Ông lớn hơn Hoàng đế hai đến ba mươi tuổi, râu tóc bạc phơ, nhưng nước da vẫn hồng hào nom còn khỏe chán, lời nói cử chỉ hiền từ gần gũi. Tuổi thọ ở thời đại này thường không kéo dài, thế nên người đời rất kính trọng với người sống thọ là cụ Nghiêm thoạt nhìn như tiên phong đạo cốt.
Nghe nói năm ấy Hoàng lão bá cày cấy được bội thu, bán lương thực làm học phí, đến đô thành tiền triều để học tập thì quen biết với cụ Nghiêm. Ông và Hoàng đế được xưng lão hữu đồng môn, nhưng thực chất lại có nửa tình nghĩa thầy trò.
Chẳng mấy khi được gặp nhau, Hoàng lão bá sờ vào cái bụng tròn lẳn của Nghiêm thần tiên, nài nỉ ông vào triều làm quan, nhưng Nghiêm thần tiên chỉ mới nghe đã muốn đi rửa tai, Hoàng lão bá túm lấy ông mắng ‘đừng có học động tác của tiên hiền được không, người ta uống nước sông ăn trái dại, còn ông có bao giờ thiếu rượu thịt đàn sáo đâu’, Nghiêm thần tiên hài hước đùa ‘thật ra lão phu đang tâng bốc bệ hạ có đôi mắt sáng của đế Nghiêu’.
Khẩn cầu không thành, Hoàng lão bá bèn mời cụ Nghiêm ở lại thêm vài hôm, tiện bề hàn huyên thâu đêm, ai dè khi ngủ cụ Nghiêm lại gác chân đè lên bụng của Hoàng lão bá. Thái sử giận dữ dâng tấu, nói khách quý xúc phạm đế tọa, Hoàng lão bá phải khổ sở xoa bụng nói đỡ cho cụ Nghiêm, Nghiêm thần tiên nhân cơ hội ấy để mà cáo từ.
Hoàng đế kéo tay cụ thở dài: “Ông đã gặp Tử Thịnh chưa, là cốt nhục còn lại duy nhất của Hoắc Xung huynh trưởng, ông đợi tới tháng sau nó thành thân rồi hẵng đi. Ông có nhớ năm ấy chúng ta gặp sơn tặc, không nhờ cữu phụ của Tử Thịnh kịp thời cứu giúp thì ông còn làm thần tiên gì nữa, khéo thành ma từ lâu!”
Nghiêm thần tiên thở dài: “Rõ ràng ta đã nói không thể đi con đường đó, đèo thấp áp, trùng điệp như mây mù, là tướng đại hung trong phong thủy, nhưng bệ hạ khăng khăng muốn đi đường gần… Ôi ôi ôi, được rồi, chờ đến tháng sau vậy.”
Mọi thứ cần chuẩn bị cho hôn lễ của Lăng Bất Nghi đã được Hoàng lão bá chuẩn bị từ N năm trước, nào kim ngọc châu thúy, nào vật dụng mộc hương, nào gấm dệt thêu thùa, nhất nhất có đủ; và từ khi con nuôi đính hôn từ hơn nửa năm trước, ông đã lập tức hạ lệnh phường thêu trong cung gấp rút làm hỉ bào, còn để Đại Hồng lư tiến hành lễ cưới theo quy chế của hoàng tử.
Không phải không có công thần trong triều bóng gió phê bình, chẳng qua ai có ý kiến Hoàng lão bá sẽ gây khó dễ với người đó. Không chỉ trích tác phong cuộc sống thì cũng bắt bẻ vấn đề nam nữ của người đó, còn không sẽ nói người đó kén cá chọn cơm là phung phí xa xỉ, thế là sau đó mọi người đành im lặng – dù sao cũng không phải chuyện lớn, mắt nhắm mắt mở vậy.
Càng đến gần ngày thành hôn thì Lăng Bất Nghi lại càng trở nên kiệm lời, lúc bận đến nỗi không thấy bóng dáng, lúc lại lặng thinh ngồi một bên, im lặng cả nửa buổi. Có nhiều lần Thiếu Thương đang ngủ trưa trong cung thất, vừa tỉnh lại đã thấy Lăng Bất Nghi ngồi bên cạnh, ánh mắt tăm tối như chất chứa niềm đau buồn, lại vừa như bận lòng vít vương.
Thiếu Thương hỏi chàng có chuyện gì, Lăng Bất Nghi chỉ nặng nề đáp: “Thuộc hạ đi tìm bộ khúc của cữu phụ đến nay vẫn chưa về, có vẻ lại lần nữa phí công.”
Thiếu Thương hiểu suy nghĩ của chàng, bèn khuyên: “Nếu thật sự không còn ở nhân thế thì hồn thiêng hẳn đã ra đi, có khi đã đầu thai vào nhà giàu sống tốt rồi, chúng ta chỉ cần tuân theo ý trời.”
Lăng Bất Nghi lắc đầu, im lặng một lúc rất lâu rồi sau đó nói: “Mẫu thân vẫn chưa khỏe…”
Thiếu Thương thở dài, đây mới thật sự là chuyện khiến người ta lo lắng. Thời điểm Hoắc Quân Hoa hôn mê ngày càng nhiều, Thôi Hầu khóc suốt, còn nàng vì hầu hạ thuốc thang nên bây giờ ở trong cung một ngày là sẽ ở biệt viện Hạnh Hoa hai hôm. Là ‘nương tử của cháu trai đến ăn chùa’, Hoắc Quân Hoa khen không ngớt về ân cần chu đáo của Thiếu Thương.
Nàng nói: “Trời đã sang xuân mà vẫn còn lạnh thật, tới tháng sau tiết trời ấm áp, có lẽ phu nhân sẽ khỏe lên thôi.”
Lăng Bất Nghi gật đầu. Nhưng nét u sầu trong mắt chàng lại như sương mù trong sơn cốc đầu xuân, dày đặc khó xua tan.
Ở bên này hai người Lăng Trình đang lo cho cơ thể của Hoắc Quân Hoa, thì ở bên kia Nhữ Dương vương phủ đến bẩm báo lão vương phi có vẻ không ổn.
Nhưng lão vương phi đương nhiên không chịu im hơi lặng tiếng ra đi, dù bệnh nặng vẫn khổ khoản Hoàng đế ban ân điển. Lão vương phi nói, “… Ta không còn ràng buộc con cái, chỉ có Nữ Oánh thật đáng thương, mất cha mẹ từ nhỏ, về sau vương phủ được thúc phụ thúc mẫu nó lo liệu, lại xa cách một tầng. Kính mong bệ hạ nể tình phụ thân Nữ Oánh mất sớm mà rủ lòng thương.”
Hoàng đế nghĩ đến người em họ đã hy sinh vì mình, thế là thở dài, sau đó ban cho Dụ Xương quận chúa hai huyện thành, còn gia phong cho lang tế tương lai của nàng ta – cũng tức là em trai cùng cha khác mẹ với Lăng Bất Nghi – chức quan cao quý là Tán Kỵ đại phu.
Thái tử đau lòng: “Nữ Oánh muội muội hiền lương thục đức, cầu mong cuộc sống mai sau của muội ấy có thể thuận toại vô lo, như mầm non bị gió thổi bay, dù dầm mưa dãi gió vẫn có thể mọc rễ nảy mầm, thành gia lập nghiệp.”
Một câu cảm thán đầy thâm tình lại có ý cảnh, Hoàng đế đang cảm động thì Tam hoàng tử đã lạnh lùng lên tiếng: “Phụ hoàng cứ đợi lão vương phi qua đời rồi hẵng gia phong, bây giờ chỉ mới bệnh nặng, vẫn chưa qua đời.”
Sự xúc động của Hoàng đế bị cắt ngang, ông lườm đứa con trai thứ ba, Nghiêm thần tiên lại cười nắc nẻ, chỉ vào Tam hoàng tử nói: “Nó giống bệ hạ đấy.”
Hoàng đế nghe mà tái mặt, đuổi người đi rồi mới mắng: “Ăn nói lung tung, mắt ông mờ rồi! Thuở trẻ trẫm đại lượng bực nào, trẫm có so đo với kẻ từng bắt nạt anh em ta bơ vơ mất cha không!”
Nghiêm thần tiên vỗ vào cái bụng béo của mình, cười ha hả: “Bệ hạ vui là được rồi.”
Không biết có phải miệng quạ của Tam hoàng tử quá linh không, quả nhiên Nhĩ Dương lão vương phi ‘đe dọa’ được bảy tám ngày thì khỏe lên, lần này chẳng những Hoàng đế không vui mà Nhữ Dương vương phủ cũng rất khó xử – không phải bọn họ hy vọng lão vương phi chết nhanh, mà ngộ nhỡ bà kiên cường chống chọi, sống thêm ba năm năm năm hay tám năm mười năm nữa thì những ‘mối quan tâm lúc lâm chung’ của Hoàng đế tính vào đâu, lần sau ‘lâm chung’ nữa có cần ‘quan tâm’ tiếp không.
Còn biệt viện Hạnh Hoa lại truyền đến cấp báo của Thôi Hầu, Hoắc Quân Hoa thật sự đang rất nguy kịch.
Tin tức đưa tới là lúc Hoàng đế nổi hứng thơ văn, ngồi trong Trường Thu cung cùng Hoàng hậu nàng một câu ta một câu viết bài phú chúc tiết Thượng Tị, nhưng khi nghe được chuyện này, ngón tay ông run lên, trên lụa trắng điểm một giọt mức lớn đen nhánh. Sau tiếng thở dài buồn bã, ông lập tức lệnh Lăng Bất Nghi ngừng tất cả mọi chuyện nhanh chóng đến biệt viện Hạnh Hoa, Thiếu Thương cũng vội vàng thu vén đến hầu hạ.
Khi bọn họ đến nơi, biệt viện Hạnh Hoa đã đứng giữa lằn ranh âm dương, ngoài nhà là vu sĩ ngày đêm nhảy múa, bên trong nồng nặc mùi thuốc, ngoài bảy tám thái y, còn có rất nhiều dược liệu quý hiếm và đồ cầu phúc được đô thành đưa tới nườm nượp.
Bọng mắt Thôi Hầu thâm sì, đau đớn ngồi bên giường Hoắc Quân Hoa nhỏ lệ, A ảo khóc cạn nước mắt, nức nở rấm rứt, còn Lăng Bất Nghi vẫn như dãy núi chót vót tuyệt đọng vạn năm không đổi, nghiêm túc quỳ bên cạnh, vừa trầm lặng lại lạnh lẽo.
“Tiểu Quân Hoa, Tiểu Quân Hoa à nàng tỉnh lại đi…” Thôi Hầu nắm tay Hoắc phu nhân liên tục gọi tên, nhưng người trên giường vẫn hôn mê không tỉnh.
Mọi người túc trực trong phòng, khi màn đêm bao trùm biệt viện, Thiếu Thương nghe thấy tiếng mưa tí tách bên ngoài.
Mãi đến nửa đêm, Thôi Hầu cảm nhận được lực nắm trên tay, ông lập tức bật ngồi thẳng dậy hét to, quả nhiên, Hoắc Quân Hoa đã bất ngờ tỉnh lại, hơn nữa còn nắm chặt tay ông.
Những tháng qua, số lần Thiếu Thương bầu bạn với Hoắc Quân Hoa không hề ít, nhưng nàng chưa bao giờ thấy Hoắc Quân Hoa có vẻ mặt như lúc này: Hoắc Quân Hoa không còn là thiếu nữ õng ẹo đanh đá của ngày xưa nữa, mà là một người phụ nữ trưởng thành chịu biết bao đau khổ của tháng năm.
Bà bình tĩnh nhìn Thôi Hầu, lẩm bẩm như mê sảng, “A Viên, A Viên… Huynh hái dâu về rồi à…”
“Muội… muội…” Thôi Hầu ngơ ngác, không rõ có phải Hoắc Quân Hoa lại nhớ đến chuyện cũ hay không.
“… Muội muốn chùm dâu trên cao kia, đen tím mọng nước, chắc chắn là ngọt lắm… Huynh trưởng đừng mắng muội, không phải muội bảo A Viên trèo cao đâu, không tin huynh hỏi huynh ấy đi…” Hoắc Quân Hoa nằm trên giường, những dòng nước mắt chảy dọc theo gò má.
“Muội muốn ăn dâu hả, để huynh đi hái, huynh đi hái, muội yên tâm…” Thôi Hầu nói luôn miệng.
“A Viên, A Viên, nếu muội cưới huynh thì tốt quá!” Bất thình lình, Hoắc Quân Hoa hét lên đầy thê lương, bên ngoài mưa to như trút, bỗng vang lên tiếng sấm đầu xuân đầy đáng sợ.
“Quân Hoa!” Trong khoảnh khắc ấy, Thôi Hầu chồm đến ôm siết Hoắc Quân Hoa.
Hoắc Quân Hoa vươn đôi tay yếu đuối gầy gò, vòng lấy cổ Thôi Hầu.
“Nếu muội cưới huynh thì hay quá, muội là đứa mù quáng, lại còn ngu ngốc, đáng lẽ muội nên cưới huynh từ đầu… A Viên, nếu muội cưới huynh thì tốt quá, nếu muội cưới huynh… A Viên, muội có lỗi với huynh, tình cảm huynh dành cho muội, muội đành trả tại kiếp sau…” Trên mặt bà giàn giụa nước mắt, tiếng khóc xé ruột xé gan như muốn trút hết mọi nuối tiếc và đau khổ trong đời.
Khóc đến khi khàn giọng, Hoắc Quân Hoa chầm chậm buông tay, cố chống mình ngồi dậy, đôi mắt vô hồn nhìn quanh bốn phía.
Thôi Hầu sực hiểu, gọi lớn: “Tử Thịnh lại đây, nhanh lại đây!”
Lăng Bất Nghi quỳ xuống trước giương, run run đưa hai tay ra.
Hoắc Quân Hoa nắm lấy, nhìn thẳng vào chàng, trong mắt chẳng còn sự thâm tình và ân hận như với Thôi Hầu, thay vào đó là cảm xúc bốc lửa, mạnh mẽ và kích động: “A Ly… A Ly con ta, mẫu thân vẫn luôn nhớ con… Con, con cũng không thể quên…”
Và đấy là câu nói cuối cùng của Hoắc Quân Hoa, chợt bà mềm oặt ngã xuống giường, hơi thở đã tận.
Thôi Hầu không dám tin, kiểm tra lui tới mấy bận, cuối cùng ôm lấy cơ thể ngày một lạnh dần của người thương từ nhỏ, gào khóc nức nở, các nô tỳ trong ngoài phòng cũng bật khóc.
Đêm hôm ấy mưa to như thác đổ, hoa hạnh vừa chớm nở đã bị nước mưa đánh dập, khi mặt trời dâng cao, cơn gió trên núi thổi ngang, cánh hoa nhỏ li ti màu phấn trắng lượn bay như những bông lau, phủ toàn ngọn núi một màu trắng xóa.