CON VƯỢN TRONG GƯƠNG
Tại sao dâm tính của chúng ta lại là hành trang của một quá khứ vượn người và lòng tốt của chúng ta lại chỉ có ở loài người? Tại sao chúng ta lại không tìm kiếm tính liên tục của những đặc điểm “cao quý” của mình trong những loài động vật khác?
• STEPHEN JAY GOULD
Chính nhờ vẻ giống nhau giữa các hành động bên ngoài của động vật với những hành động của chính mình mà chúng ta phán đoán được hành động nội tại của chúng cũng giống với chúng ta; và nguyên tắc lập luận tương tự, tiến thêm một bước nữa, sẽ giúp chúng ta kết luận được rằng vì hoạt động nội tại của chúng ta giống nhau nên căn nguyên của chúng cũng phải giống nhau. Vì vậy, khi bất cứ giả thuyết nào được đưa ra nhằm giải thích một hoạt động trí óc, vốn thường thấy ở con người và động vật, chúng ta phải áp dụng chính giả thuyết đó cho cả hai.
• DAVID HUME, A Treatise of Human Nature (tạm dịch: Luận về bản chất con người) (1739)
Xét về mặt di truyền, tinh tinh và tinh tinh lùn trong vườn thú gần gũi với bạn và các khách thăm vườn thú khác hơn hẳn so với khỉ đột, đười ươi, khỉ, hay bất cứ thứ gì khác trong chuồng. ADN của chúng ta khác với ADN của tinh tinh và tinh tinh lùn khoảng 1,6%, nghĩa là chúng ta gần với chúng hơn chó gần với cáo, vượn tay trắng gần với vượn mào bạc má, voi Ấn Độ gần với voi châu Phi, hoặc với bất cứ nhà quan sát chim muông nào quan tâm, chim vireo mắt đỏ với chim vireo mắt trắng. Tổ tiên của loài tinh tinh và tinh tinh lùn tách khỏi tổ tiên của con người chỉ cách đây 5 đến 6 triệu năm (mặc dù sau khi tách rời, hiện tượng lai tạp có thể tiếp tục diễn ra thêm khoảng 1 triệu năm nữa), trong đó tinh tinh và tinh tinh lùn trở thành các loài khác nhau cách đây 1,3 triệu năm*. Ngoài hai người bà con gần gũi này, khoảng cách di truyền của các loài linh trưởng khác lớn hơn nhiều: khỉ đột tách khỏi dòng dõi chung khoảng 9 triệu năm trước, đười ươi cách đây 16 triệu năm, còn vượn, loài khỉ duy nhất sống một vợ một chồng, tách rất sớm, khoảng 20 triệu năm trước. Bằng chứng ADN cho thấy rằng tổ tiên chung gần nhất giữa khỉ hình người và khỉ đã sống cách đây khoảng 30 triệu năm. Nếu bạn biểu thị khoảng cách quan hệ di truyền này với con người bằng khoảng cách địa lý, trong đó một dặm [1,609 km] tượng trưng cho khoảng 100.000 năm, có thể hình ảnh sẽ như sau:
Người khôn ngoan muộn (Homo sapiens sapiens): thành phố New York, tiểu bang New York;
Tinh tinh và tinh tinh lùn thực chất là hàng xóm, sống cách nhau 20 km tương ứng ở Bridgeport và Fairfield, tiểu bang Connecticut. Cả hai thành phố này chỉ cách New York có 80 km, chúng ở ngay trong khoảng di chuyển của loài người;
Khỉ đột đang ăn bít tết phết bơ ở thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania;
Đười ươi ở thành phố Baltimore, tiểu bang Marryland, làm bất cứ điều gì mọi người làm ở Baltimore;
Vượn đang bận bịu với việc lập pháp hôn nhân một vợ một chồng ở thủ đô Washington DC;
Và các loài khỉ của cựu thế giới (khỉ đầu chó, khỉ đuôi ngắn) ở ngay phía nam Richmond, tiểu bang Virginia.
Carl Linnaeus, người đầu tiên nêu ra điểm khác biệt mang tính phân loại giữa con người và tinh tinh (giữa thế kỷ XVIII), đã ước thà mình đừng nêu ra điều đó. Sự phân chia này (giữa tinh tinh và người thông minh) ngày nay được xem là không mang tính khoa học và nhiều nhà sinh học tán thành việc phân định mới giữa con người, tinh tinh và tinh tinh lùn để phản ánh sự giống nhau đáng kinh ngạc giữa chúng. Nicolaes Tulp, một nhà giải phẫu nổi tiếng người Hà Lan, trở nên bất tử trong bức họa Bài học giải phẫu của Rembrandt, đã đưa ra bản mô tả chính xác sớm nhất về giải phẫu loài vượn không-phải-người năm 1641. Cơ thể mà Tulp xẻ ra giống với con người đến mức Tulp phải nói rằng “thật khó mà tìm được hai quả trứng nào giống nhau hơn thế”. Mặc dù Tulp gọi tiêu bản của mình là Thần rừng Ấn Độ (Indian Satyr), và ghi chú rằng dân địa phương gọi nó là đười ươi, các nhà linh trưởng học đương đại từng nghiên cứu các ghi chép của Tulp đều tin rằng đây là một con tinh tinh lùn*.
Cũng như chúng ta, tinh tinh và tinh tinh lùn đều là giống vượn lớn châu Phi. Như tất cả các loài vượn, chúng không có đuôi. Chúng dành phần lớn cuộc đời sống trên mặt đất và cả hai đều là những sinh vật khá thông minh, giao tiếp nhiều. Đối với tinh tinh lùn, hoạt động tính dục kiểu tấn công dữ dội và nhanh chóng là tách biệt hoàn toàn với sinh sản vốn là đặc điểm trung tâm của tương tác xã hội và kết dính nhóm. Nhà nhân học Marvin Harris lập luận rằng tinh tinh lùn “nhận được phần thưởng là sự sinh sản như một sự bù đắp cho việc chúng đã lãng phí công sức tấn công mục tiêu rụng trứng”. Phần thưởng “cho những con đực và con cái quyến rũ hơn là chúng sẽ có được một dạng hợp tác xã hội mạnh mẽ hơn giữa con đực và con cái” dẫn đến “một nhóm xã hội hợp tác sâu hơn, một môi trường đảm bảo hơn cho việc nuôi con nhỏ, và nhờ đó có mức sinh sản thành công cao hơn”. Nói cách khác, sự bừa bãi của tinh tinh lùn mang lại những lợi ích lớn về mặt tiến hóa cho họ nhà vượn.
Ngược lại, lũ vượn, loài khỉ duy nhất một vợ một chồng sống ở Đông Nam Á tổ chức theo đơn vị gia đình theo từng cặp đực/cái và con non - sống biệt lập trong vùng lãnh thổ 30 đến 50 km2. Chúng gần như không giao tiếp với các cá thể khỉ khác trong bầy, trí thông minh không có gì vượt trội đáng nói, không sinh sản thường xuyên, chỉ giao phối và không bao giờ rời khỏi cây.
Một vợ một chồng không có ở bất cứ loài linh trưởng nào sống theo bầy, có giao tiếp, ngoại trừ - nếu mô tả chuẩn mực đáng tin cậy - Homo sapiens.
Nhà nhân học Donald Symons cũng ngạc nhiên giống hệt chúng ta khi thường xuyên thấy lập luận cho rằng mô hình một vợ một chồng của lũ vượn có thể là hình mẫu tốt cho hoạt động tính dục loài người. “Nói chuyện tại sao (hay phải chăng) con người kết đôi giống như vượn khiến tôi có cảm giác như đang thuyết trình về chuyện tại sao biển lại nóng sôi lên hay liệu loài lợn có cánh hay không”, ông viết.
Đôi khi tôi cố hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta biết đến tinh tinh lùn trước, rồi sau đó mới biết đến, hoặc là không biết đến tinh tinh. Cuộc tranh luận về sự tiến hóa của loài người có thể không xoay quanh bạo lực, chiến tranh và ưu thế của đàn ông quá nhiều, mà ngược lại, xoay quanh tình dục, cảm thông, quan tâm và hợp tác. Hẳn là chúng ta đã đi theo con đường tri thức khác hẳn!
• FRANS DE WAAL, Our Inner Ape (tạm dịch: Con vượn trong chúng ta)
Nếu Thomas Hobbes có cơ hội phác thảo một con vật tiêu biểu cho những lời kết tội tối tăm nhất của mình về bản chất con người, có lẽ ông sẽ vẽ con tinh tinh. Có vẻ con vật này sẽ xác nhận từng giả định đáng sợ của Hobbes về dâm tính cố hữu của đời sống con người. Tinh tinh được xem là điên cuồng vì quyền lực, ghen tuông, dễ sử dụng bạo lực, ranh ma và hung hãn. Giết chóc, gây chiến có tổ chức giữa các đàn với nhau, cưỡng hiếp và giết con non là những điểm nổi bật khi nói đến hành vi của chúng.
Khi các dữ liệu này được công bố vào những năm 1960, các nhà lý luận nhanh chóng đề xuất thuyết “khỉ sát nhân” cho nguồn gốc loài người. Hai nhà linh trưởng học Richard Wrangham và Dale Peterson tóm tắt lý thuyết ma quỷ này bằng những thuật ngữ mạnh mẽ khi tìm thấy trong hành vi của tinh tinh những bằng chứng về sự khát máu của người cổ đại. Ông viết: “Bạo lực kiểu tinh tinh xuất hiện trước và mở đường cho chiến tranh của loài người, biến con người hiện đại thành những kẻ sống sót choáng váng trước thói gây hấn chết người liên tục suốt 5 triệu năm.”
Trước khi tinh tinh được xem là kiểu mẫu sống chuẩn nhất về hành vi của người cổ đại, vị trí này thuộc về một người bà con xa hơn nhiều, loài khỉ đầu chó ở thảo nguyên. Loài linh trưởng sống trên mặt đất này thích nghi với kiểu môi trường sinh thái mà tổ tiên chúng ta chắc chắn đã chiếm lấy khi từ trên cây trèo xuống. Kiểu mẫu khỉ đầu chó bị loại bỏ khi người ta thấy rằng chúng thiếu một số đặc tính cơ bản của con người: hợp tác săn bắt, sử dụng công cụ, chiến tranh có tổ chức, tranh giành quyền lực bao gồm cả tổ hợp liên minh-xây dựng. Trong khi đó, Jane Goodal và nhiều người khác lại đang quan sát các phẩm chất này qua hành vi của tinh tinh. Nhà khoa học thần kinh Robert Sapolsky - một chuyên gia về hành vi của khỉ đầu chó - nhận thấy rằng “nếu khỉ đầu chó có chút kỷ luật nào đó, thì chúng sẽ trở thành tinh tinh”.
Có lẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi vào lúc đó có quá nhiều nhà khoa học cho rằng tinh tinh là những gì con người trở thành nếu như ít kỷ luật hơn một chút. Không thể phóng đại tầm quan trọng của tinh tinh trong các hình mẫu cuối thế kỷ XX về bản chất con người. Những tấm bản đồ mà chúng ta để lại (hoặc thừa hưởng từ các nhà thám hiểm trước đó) quyết định chúng ta sẽ thám hiểm nơi nào và sẽ tìm thấy gì ở đó. Sự tàn bạo và xảo trá mà lũ tinh tinh thể hiện, cùng với sự độc ác đáng xấu hổ đặc trưng cho phần lớn lịch sử loài người, dường như khẳng định những tiên đoán của Hobbes về những gì bản chất tàn phá của con người sẽ gây ra nếu như không có một thế lực nào đó mạnh hơn kiểm soát.
Bảng 1: Tổ chức xã hội của loài khỉ*
Tinh tinh lùn | Bình đẳng và chung sống hòa bình, các cộng đồng tinh tinh lùn chủ yếu được duy trì thông qua mối quan hệ xã hội (giữa các cá thể cái), mặc dù con cái vẫn giao tiếp với con đực. Vị trí của con đực có được từ mẹ. Mối quan hệ giữa con trai và mẹ kéo dài suốt đời. Giao phối theo mô hình nhiều đực - nhiều cái. |
Tinh tinh | Mối quan hệ giữa các con đực với nhau là mạnh nhất và dẫn tới việc lập tức thay đổi các liên minh con đực. Con cái di chuyển trong các phạm vi giao nhau theo lãnh thổ do các con đực tuần tra, nhưng không xây dựng mối quan hệ mạnh với các con cái khác hoặc với bất cứ con đực nào. Giao phối theo mô hình nhiều đực - nhiều cái. |
Con người | Cho đến nay vẫn là loài sống thành những tập thể phong phú nhất trong số các loài linh trưởng, có rất nhiều bằng chứng về đủ loại hình quan hệ xã hội-tình dục, hợp tác và cạnh tranh giữa con người đương đại với nhau. Giao phối theo mô hình nhiều đực - nhiều cái (nếu bạn tin theo mô hình chuẩn mực ở loài người thì đó là theo hình thức một vợ - một chồng). |
Khỉ đột | Nhìn chung, một cá thể đực nổi bật (gọi là “Lưng bạc”) chiếm cứ một phạm vi cho đơn vị gia đình của mình, bao gồm vài con cái và con non. Con đực trẻ tuổi bị buộc phải rời đàn khi trưởng thành về mặt tính dục. Quan hệ xã hội mạnh nhất là giữa Lưng bạc với các con cái trưởng thành. Giao phối theo mô hình đa thê. |
Đười ươi | Đười ươi sống cô độc và có rất ít mối quan hệ dưới bất cứ hình thức nào. Đười ươi đực không chấp nhận sự hiện diện của nhau. Một con đực trưởng thành thiết lập một lãnh thổ rộng lớn trong đó có vài con cái sinh sống. Mỗi con cái có phạm vi riêng. Giao phối theo mô hình phân chia thời gian giữa các con cái, không thường xuyên và thường là bạo lực. |
Vượn | Vượn tổ chức thành các đơn vị gia đình hạt nhân; mỗi cặp duy trì một lãnh thổ, không cho phép cặp khác xuất hiện. Giao phối theo mô hình một vợ - một chồng. |
Tuy nhiên, có một số vấn đề nghiêm trọng khi dùng hành vi của tinh tinh để tìm hiểu xã hội loài người thời tiền sử. Trong khi tinh tinh phân chia cấp bậc cực kỳ rõ ràng, thì các nhóm hái lượm ở người về cơ bản lại theo chủ nghĩa bình quân. Chia thịt chính là trường hợp mà sự phân chia cấp bậc ở tinh tinh thể hiện rõ nhất, nhưng với các xã hội hái lượm thì những trường hợp này lại tạo ra các cơ chế cào bằng quan trọng nhất. Đại đa số các nhà linh trưởng học đều đồng ý về sự rõ ràng trong ý thức quyền lực ở tinh tinh. Nhưng có lẽ là hơi sớm khi khái quát từ những quan sát ở Gombe*, trong điều kiện các quan sát được thực hiện ở nhiều địa điểm khác nhau - chẳng hạn Taï, ở Bờ Biển Ngà thuộc Tây Phi - lại cho thấy tinh tinh hoang dã xử lý việc chia thịt theo những cách khiến người ta liên tưởng đến người hái lượm nhiều hơn. Nhà linh trưởng học Craig Stanford thấy trong khi tinh tinh ở Gombe “cực kỳ gia trưởng và xảo quyệt” trong việc chia thịt thì tinh tinh ở Taï chia thịt cho từng cá thể trong nhóm đi săn, dù là bạn bè hay kẻ thù, họ hàng hay kẻ lạ không cùng huyết thống*.
Như vậy, trong khi dữ liệu về tinh tinh do Goodall và những người khác ở Gombe nghiên cứu ủng hộ quan điểm cho rằng hành vi điển hình của tinh tinh là tàn nhẫn và ích kỷ có tính toán thì thông tin từ những địa điểm nghiên cứu khác lại trái ngược hoặc làm suy yếu kết luận này. Với những khó khăn cố hữu khi quan sát hành vi của loài tinh tinh hoang dã, chúng ta cần thận trọng về việc khái quát từ những tư liệu hạn chế có được từ lũ tinh tinh di chuyển tự do. Và với trí thông minh không thể bàn cãi cũng như bản chất giao tiếp của mình, chúng ta cũng nên hoài nghi không kém đối với những tư liệu thu thập được từ tinh tinh nuôi nhốt, vì việc đó cũng chẳng hơn gì đem hành vi của tù nhân ra khái quát hóa loài người.
* * *
Còn có cả những câu hỏi liên quan đến mức độ bạo lực của tinh tinh nếu không bị ai quấy rầy trong môi trường sống tự nhiên của mình. Như chúng tôi sẽ thảo luận trong Chương 12, một vài nhân tố hẳn đã làm biến đổi mạnh mẽ hành vi quan sát được của tinh tinh. Nhà sử học văn hóa Morris Berman giải thích rằng nếu chúng ta “thay đổi những thứ như nguồn thực phẩm, mật độ dân số và khả năng thành lập cũng như giải tán bầy đàn một cách tự phát thì sẽ loạn hết cả - khỉ cũng loạn lên như người thôi”.
Ngay cả khi chúng ta tự giới hạn bản thân ở hình mẫu tinh tinh, có thể sự tự tin mờ mịt của những kẻ bi quan thuộc trường phái Hobbes mới ngày nay là không có cơ sở. Chẳng hạn, nhà sinh học tiến hóa Richard Dawkins có lẽ đã hơi thiếu chắc chắn trong nhận xét ảm đạm của mình về bản chất con người: “Hãy lưu ý là nếu bạn mơ ước, giống như tôi, xây dựng một xã hội trong đó các cá thể hợp tác với nhau hào phóng và vô tư hướng tới lợi ích chung, bạn chẳng thể trông chờ vào bản chất sinh học. Hãy cố gắng rao giảng về sự hào phóng và đức tính vô tư, bởi chúng ta sinh ra đã ích kỷ rồi.” Có thể, nhưng tinh thần hợp tác cũng chảy sâu trong giống loài chúng ta. Các phát hiện gần đây về trí thông minh tương đối của linh trưởng đã khiến hai nhà nghiên cứu Vanessa Woods và Brian Hare phải tự hỏi phải chăng động lực hợp tác là chìa khóa mở ra trí thông minh của giống loài chúng ta. Họ viết: “Thay vì khởi đầu với những con người thông minh nhất sống sót và sản sinh thế hệ tiếp theo, như người ta vẫn thường nói, có lẽ con người đã từng bước biết hợp tác hơn - vì họ giỏi cùng nhau giải quyết vấn đề hơn - và đạt một mức độ thích nghi cao hơn cho phép việc chọn lọc hỗ trợ giải quyết những vấn đề phức tạp hơn.”* Họ giả định rằng, con người trở nên thông minh bởi tổ tiên của chúng ta đã học được cách thích nghi.
Dù bẩm sinh có ích kỷ hay không thì tác động của việc cung cấp thức ăn và môi trường sống bị cạn kiệt đối với cả tinh tinh hoang dã lẫn người hái lượm đều cho thấy Dawkins và những người đã lập luận rằng con người là những quái vật bẩm sinh hung hãn, ích kỷ nên thận trọng trong việc trích dẫn các tư liệu này về tinh tinh nhằm ủng hộ cho kết luận của họ. Các nhóm người có xu hướng phản ứng trước hiện tượng dư thừa và lưu trữ thực phẩm bằng hành vi như được thấy ở tinh tinh: tổ chức xã hội theo cấp bậc, bạo lực giữa các nhóm, bảo vệ chu vi lãnh thổ và liên minh kiểu Machiavelly*. Hay nói cách khác, con người - giống như tinh tinh - có xu hướng đánh nhau khi có thứ gì đó đáng để đánh nhau. Nhưng trong phần lớn thời tiền sử, làm gì có thực phẩm dư thừa để cướp hay bị giành mất và cũng không có nhà ở để phải bảo vệ.
Hai yếu tố mà phụ nữ giống với tinh tinh lùn là thời điểm rụng trứng được giấu kín và có thể giao phối trong suốt chu kỳ. Nhưng đến đây thì không còn điểm tương đồng nào nữa. Cơ quan sinh dục phồng lên đâu rồi, và cuộc làm tình chớp nhoáng đâu rồi?
• FRANS DE WAAL*
Tình dục là một biểu hiện của tình hữu hảo: ở châu Phi nó giống như việc bắt tay vậy… Rất thân thiện và vui vẻ. Không ép buộc. Được trao tặng một cách tự nguyện.
• PAUL THEROUX*
Bất kể người ta kết luận như thế nào về tính bạo lực của tinh tinh và điều đó liên quan đến bản chất con người ra sao, họ hàng linh trưởng gần gũi nhất của chúng ta, tinh tinh lùn là một kiểu mẫu trái ngược rất thú vị. Nếu như tinh tinh là hiện thân cho quan điểm của Hobbes về nguồn gốc loài người, tinh tinh lùn lại phản ánh quan điểm của Rousseau. Mặc dù được biết đến chủ yếu là người đưa ra khái niệm Kẻ mọi rợ quý phái (Noble Savage), tự truyện của Rousseau mô tả chi tiết về niềm đam mê tình dục cho thấy nếu biết đến tinh tinh lùn, hẳn ông đã xem chúng là những bà con cùng giống loài. De Waal tóm tắt sự khác biệt trong hành vi của hai loài khỉ này bằng câu: “Tinh tinh giải quyết các vấn đề tình dục bằng quyền lực, còn tinh tinh lùn giải quyết các vấn đề quyền lực bằng tình dục.”
Mặc dù tinh tinh lùn vượt trội tinh tinh cả về tần suất hoạt động tình dục, con cái ở cả hai loài đều thực hiện kỳ giao phối nhiều lần, nhanh chóng thay đổi các anh chàng khác nhau, ở loài tinh tinh, các con cái đang rụng trứng giao phối bình quân từ sáu đến tám lần mỗi ngày, mặc dù chúng thường háo hức đáp lại lời mời giao phối của bất cứ con đực nào trong bầy. Nhà linh trưởng học Anne Pusey đã mô tả hành vi của tinh tinh cái mà mình quan sát được: “Sau khi giao phối trong cộng đồng mà nó sinh ra, mỗi con lại viếng thăm cộng đồng khác khi vẫn còn khả năng giao cấu… Chúng háo hức tiếp cận và giao phối với các con đực ở cộng đồng mới.”
Hành vi tình dục ngoài bầy đàn này phổ biến ở tinh tinh, cho thấy rằng quan hệ xuyên bầy đàn không đến nỗi bạo lực như một số người tuyên bố. Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây về mẫu ADN lấy từ nang lông thu thập được trong tổ tinh tinh thuộc khu vực nghiên cứu Taï ở Bờ Biển Ngà cho thấy hơn một nửa số con non (7/13) có bố là những con đực ở bên ngoài bầy chính của con cái. Nếu lũ tinh tinh này sống trong một khu vực chiến tranh liên miên, các con cái sẽ khó mà thoải mái chuồn đi và lý giải cho hơn một nửa số ca mang thai được. Tinh tinh cái đang rụng trứng (bất chấp sự giám sát nhiều hơn của con đực, theo mô hình chuẩn dự đoán) né tránh sự bảo vệ/giam giữ của các con đực đủ lâu để lượn lờ tới các bầy khác, giao phối với những con đực không quen, rồi thong dong trở về bầy chính. Loại hành vi này chắc không giống với hành vi khi luôn ở trong tình trạng cảnh giác cao.
Bất kể sự thật liên quan đến mối quan hệ giữa các bầy tinh tinh hoang dã không có nguồn thức ăn ổn định là gì đi nữa thì thành kiến vô thức vẫn biểu hiện qua nhận xét như thế này: “Trong chiến tranh cũng như trong tình cảm, tinh tinh lùn và tinh tinh bộc lộ những sự khác nhau đáng ngạc nhiên. Khi hai cộng đồng tinh tinh lùn gặp nhau tại biên giới khu vực ở Wamba… chẳng những không có xung đột gây tử vong như đôi khi vẫn xảy ra ở tinh tinh, mà có thể còn có giao tiếp và thậm chí giao phối giữa con cái và con đực của cộng đồng kẻ thù.”*
Kẻ thù ư? Khi hai bầy linh trưởng thông minh gặp nhau để giao tiếp và giao phối với nhau, ai lại nghĩ rằng các nhóm này là kẻ thù hay cuộc gặp đó là chiến tranh? Hãy lưu ý đến những giả định tương tự trong trường hợp này: “Tinh tinh phát ra tiếng kêu đặc biệt để báo động cho những con khác ở cách xa biết là có thức ăn. Như vậy, đây là hình thức chia thức ăn, nhưng không nhất thiết phải cho rằng đó là làm từ thiện. Con phát ra tiếng kêu thông báo đã gặp nhiều thức ăn hơn mức nó cần thiết nên sẽ chẳng mất gì nếu chia sẻ và có thể sau đó sẽ được hưởng lợi khi một con tinh tinh khác đền đáp.”*
Hành vi có vẻ hợp tác này “không nhất thiết phải được hiểu là từ thiện”, nhưng với cách hiểu như vậy thì vấn đề không nói ra ở đây là gì? Tại sao chúng ta lại phải tìm cách lý giải cho thứ trông giống như sự hào phóng ở loài linh trưởng không phải con người, hay ở các loài động vật khác nói chung? Phải chăng hào phóng là phẩm chất chỉ có ở loài người? Những đoạn như thế này khiến người ta thắc mắc, cũng giống như Gould, rằng tại sao các nhà khoa học lại ghét phải chứng kiến sự giống nhau giữa linh trưởng và chúng ta, mặc dù nhiều người rõ ràng là mong muốn chứng minh được nguồn gốc thói hiếu chiến của chúng ta có xuất phát từ quá khứ linh trưởng.
Hãy tưởng tượng rằng chúng ta chưa bao giờ nghe nói đến tinh tinh hay khỉ đầu chó nhưng lại biết đến tinh tinh lùn trước. Hiện tại, chúng ta có vẻ tin rằng con người sơ khai sống trong xã hội lấy người nữ làm trung tâm, trong đó tình dục đóng vai trò là cách thức giao tiếp quan trọng còn chiến tranh hiếm khi xảy ra.
• FRANS DE WAAL
Do chỉ sinh sống ở vùng rừng rậm xa xôi thuộc một đất nước thiếu ổn định chính trị (Cộng hòa Dân chủ Congo, trước đây là Zaire), tinh tinh lùn là một trong những loài có vú cuối cùng được nghiên cứu trong môi trường tự nhiên của chúng. Mặc dù những điểm khác biệt giữa cơ thể của chúng với loài tinh tinh bình thường đã được phát hiện từ năm 1929, mãi đến khi hành vi hoàn toàn khác của tinh tinh lùn trở nên rõ ràng thì chúng mới được xem là một nhánh phụ của tinh tinh.
Đối với tinh tinh lùn, vị trí của con cái quan trọng hơn con đực, nhưng ngay cả vị trí của con cái cũng hay thay đổi và không vững chắc. Tinh tinh lùn không có nghi lễ chính thức nào cho việc thống trị và phục tùng, giống như thứ phân cấp địa vị, thường thấy ở tinh tinh, khỉ đột và các loài linh trưởng khác. Mặc dù không phải là không có phân cấp địa vị, nhưng nhà linh trưởng học Takayoshi Kano, khi thu thập được những thông tin chi tiết nhất về hành vi của tinh tinh lùn hoang dã, cho rằng nên sử dụng từ “có ảnh hưởng” hơn là “có cấp bậc cao” khi mô tả tinh tinh lùn cái. Ông cho rằng con cái được tôn trọng nhờ được yêu mến hơn là nhờ địa vị. Trên thực tế, Frans de Waal tự hỏi không biết có thích hợp hay không khi thảo luận về cấp bậc trong loài tinh tinh lùn. Ông viết: “Nếu có thứ tự cấp bậc ở con cái thì điều đó chủ yếu dựa trên tuổi tác hơn là sự đe dọa về mặt thể chất: nhìn chung con cái cao tuổi có địa vị cao hơn các con trẻ.”
Những ai tìm kiếm bằng chứng về chế độ mẫu quyền trong xã hội loài người có thể sẽ suy nghĩ đến thực tế là ở tinh tinh lùn, “sự thống trị” của con cái không dẫn tới việc con đực phục tùng, theo cách người ta vẫn nghĩ về sự đảo ngược cấu trúc quyền lực của con đực, như ở tinh tinh và khỉ đầu chó. Tinh tinh lùn cái sử dụng quyền lực của chúng khác với linh trưởng đực. Bất chấp vị thế phục tùng trong bầy, tinh tinh lùn đực vẫn sống thoải mái hơn so với tinh tinh đực hay khỉ đầu chó đực. Như chúng ta sẽ thấy trong các thảo luận sau này về xã hội do nữ thống trị như người Mosuo*, Trung Quốc hay người Minangkabau, Sumatra*, đàn ông cũng có xu hướng sống thoải mái trong điều kiện phụ nữ nắm quyền. Trong khi Sapolsky chọn nghiên cứu khỉ đầu chó do mức căng thẳng cao mà các con đực phải chịu thường xuyên do phải liên tục chiến đấu giành quyền lực, de Waal nhận thấy rằng tinh tinh lùn tồn tại kiểu khác, ông nói, “nhìn chúng thường xuyên hoạt động tình dục và ít gây gổ, tôi thấy thật khó mà cho rằng con đực của loài này lại chịu đựng căng thẳng”.
Về mặt giải phẫu học, con người và tinh tinh lùn, chứ không phải tinh tinh, giống nhau ở chỗ đặc biệt thích chung sống hòa bình. Cả hai loài đều sở hữu vi vệ tinh lặp (repetitive micro-satellite) (ở gene AVPR1A) rất quan trọng cho sự giải phóng oxytocin. Thỉnh thoảng vẫn được gọi bằng “ma túy của tự nhiên”, oxytocin đóng vai trò quan trọng trong những cảm giác có lợi cho giao tiếp như tình thương, niềm tin, hào phóng, yêu thương, và vâng, cả lãng mạn nữa. Như nhà nhân học kiêm tác gia Eric Michael Johnson giải thích: “Việc tinh tinh bị thiếu đi vi vệ tinh lặp này chẳng là gì so với sự thật là đột biến này chỉ phát triển ở người và tinh tinh lùn.”
Nhưng có sự phản đối mạnh mẽ quan niệm cho rằng mức căng thẳng tương đối thấp và tự do tình dục có thể là đặc trưng của loài người trước đây. Helen Fisher thừa nhận những khía cạnh này trong đời sống tinh tinh lùn cũng như nhiều tương đồng khác đối với hành vi loài người, và thậm chí khôn khéo viện dẫn đến phân tích về bầy đàn nguyên thủy của Morgan:
Những sinh vật này di chuyển trong các bầy có đủ cả con đực, con cái và con non… Các cá thể đến và đi giữa các bầy, phụ thuộc vào nguồn cung thực phẩm, kết nối thành một cộng đồng gắn bó gồm vài chục thành viên. Đây là một bầy đàn nguyên thủy… Tình dục gần như là trò tiêu khiển hằng ngày… Con cái giao phối gần như trong suốt chu kỳ kinh - kiểu giao phối giống với phụ nữ hơn bất cứ loài nào khác. Tinh tinh lùn giao phối để giảm bớt áp lực, kích thích việc chia sẻ trong các bữa ăn, giảm bớt căng thẳng khi di chuyển và khẳng định lại tình bạn trong những cuộc tụ họp lo âu. “Làm tình, không gây chiến” rõ ràng là chiến lược của tinh tinh lùn.
Fisher đặt một câu hỏi rõ ràng: “Tổ tiên chúng ta có giống vậy hay không?” Có vẻ như bà đang giúp chúng ta chuẩn bị sẵn sàng trước một câu trả lời chắc chắn khi viết rằng tinh tinh lùn “thể hiện nhiều thói quen tình dục mà mọi người bộc lộ trên đường phố, trong quán bar, nhà hàng, và đằng sau cánh cửa căn hộ ở New York, Paris, Moscow và Hồng Kông.” “Trước khi giao cấu”, bà viết: “Tinh tinh lùn nhìn sâu vào mắt nhau.” Fisher còn quả quyết với độc giả rằng giống như loài người, tinh tinh lùn “bước đi tay trong tay, hôn tay và chân nhau, rồi ôm nhau cùng những nụ hôn dài, sâu, đẩy lưỡi kiểu Pháp”.
Cũng không tán đồng nhiều khía cạnh của mô tả chuẩn mực như chúng ta, dường như Fisher muốn sắp xếp lại lập luận của mình về sự xuất hiện của mối quan hệ kết đôi lâu dài và các khía cạnh khác của loài người trong thời tiền sử để phản ánh rõ hơn những hành vi bất thường này của cả tinh tinh lùn lẫn loài người. Nếu xét đến vai trò nổi bật trong hành vi của tinh tinh đối với mô tả chuẩn mực, thì làm sao chúng ta lại không tính cả tư liệu quan trọng không kém của tinh tinh lùn trong những ước đoán của mình về loài người thời tiền sử? Nên nhớ rằng, xét về mặt di truyền thì khoảng cách giữa chúng ta với tinh tinh và tinh tinh lùn là bằng nhau. Như Fisher nhận thấy, hành vi tình dục của tinh tinh lùn giống với con người hơn bất cứ sinh vật nào khác trên Trái đất.
Nhưng Fisher đứng trước kết luận rõ ràng: lịch sử tình dục loài người có thể giống như hiện tại của tinh tinh lùn, và buộc phải giải thích hành động quay ngoắt 180 độ của mình vào phút cuối bằng câu: “Tinh tinh lùn có đời sống tình dục khá khác biệt so với các loài linh trưởng khác.” Không hẳn vậy, bởi con người - vốn có hành vi tình dục giống như tinh tinh lùn, theo chính Fisher - là một loài linh trưởng. Bà nói tiếp: “Hoạt động tình dục khác giới của tinh tinh lùn cũng xảy ra trong gần như cả kỳ kinh. Tinh tinh lùn cái trở lại với hành vi tình dục trong vòng một năm sau sinh nở.” Những đặc tính độc đáo trong hoạt động tính dục của tinh tinh lùn đều giống với duy nhất một loài linh trưởng khác: Homo sapiens. Sau đó Fisher kết luận: “Do tinh tinh lùn thể hiện những thái cực tính dục linh trưởng này và theo dữ liệu sinh hóa cho thấy (chúng) mới xuất hiện khoảng hai triệu năm về trước, tôi thấy chúng không thích hợp làm kiểu mẫu cho cuộc sống vì điều này đã tồn tại ở loài người cách đây 20 triệu năm.” (Chúng tôi nhấn mạnh).
Đoạn này kỳ lạ ở một vài cấp độ. Sau khi viết chi tiết về việc hành vi tình dục của tinh tinh lùn giống với loài người một cách đáng ngạc nhiên ra sao, Fisher thực hiện một cú lộn ngược hai vòng để kết luận rằng chúng không phù hợp làm kiểu mẫu cho tổ tiên chúng ta. Để biến vấn đề này thành khó hiểu hơn, bà dịch chuyển toàn bộ cuộc thảo luận này về 20 triệu năm trước cứ như đang nói về tổ tiên chung cuối cùng của tất cả các loài khỉ (nhưng đâu phải); khác với điểm chung của tinh tinh, tinh tinh lùn và con người, tất cả đều tách từ một tổ tiên chung cách đây chỉ năm triệu năm mà thôi. Trên thực tế, Fisher không nói đến những tổ tiên xa xôi như vậy. Trong The Anatomy of Love (tạm dịch: Giải phẫu tình yêu), cuốn sách của bà mà chúng ta đang trích dẫn, là một cuốn sách được viết rất hay, đưa ra công chúng công trình học thuật có tính đột phá của bà về “tiến hóa trong các chuỗi quan hệ kết đôi” ở người (không phải ở mọi loài linh trưởng) trong vòng vài triệu năm qua. Hơn nữa, hãy lưu ý đến việc Fisher nói rằng những đặc tính mà tinh tinh lùn giống với con người là “các thái cực của hoạt động tính dục linh trưởng”.
Sự đắn đo quá mức của Fisher về tính bừa bãi tiềm năng ở người một lần nữa xuất hiện trong mô tả của bà về việc tổ tiên chúng ta chuyển nơi sinh sống từ trên cây xuống đất: “Có lẽ các bà tổ nguyên thủy sống trên cây của chúng ta đã luôn dùng quan hệ tình dục với nhiều đàn ông để giữ gìn bạn bè. Sau đó, khi tổ tiên chúng ta phải đi tới những đồng cỏ châu Phi cách đây khoảng bốn triệu năm và phát triển hành vi kết đôi để nuôi con, phụ nữ đã chuyển từ giao phối bừa bãi sang giao phối giấu giếm, gặt hái lợi ích từ các nguồn tài nguyên và cả nguồn gene tốt hơn hoặc đa dạng hơn.” Hãy để ý đến cách Fisher phỏng đoán sự xuất hiện của việc kết đôi bốn triệu năm trước như thế nào, mặc dù không có bất cứ bằng chứng khảo cổ học nào ủng hộ. Tiếp tục việc giải thích lòng vòng này, bà viết:
Vì tinh tinh lùn có vẻ thông minh nhất trong các loài khỉ, cũng như có nhiều đặc điểm thể chất khá giống với con người, và còn vì loài tinh tinh này giao cấu rất giỏi và thường xuyên, một số nhà nhân học phỏng đoán rằng tinh tinh lùn rất giống với người châu Phi, tổ tiên chung cuối cùng ở trên cây của chúng ta. Có lẽ tinh tinh lùn là những di tích sống về quá khứ của chúng ta. Nhưng chắc chắn là chúng biểu lộ một số khác biệt cơ bản trong hành vi tình dục. Đơn cử, tinh tinh lùn không xây dựng mối quan hệ kết đôi lâu dài như con người. Trong trường hợp khác thì cũng không phải một cặp đôi mang tính vợ chồng cùng chăm sóc con cái. Con đực có quan tâm đến trẻ sơ sinh, nhưng chúng không sống cuộc đời một vợ một chồng. Việc của chúng là sinh hoạt bừa bãi.
Đến đây chúng ta có cách diễn đạt rõ ràng về quá trình Flintstone hóa, rằng nó bóp méo suy nghĩ của ngay cả những nhà lý luận nhiều thông tin nhất về nguồn gốc hành vi tình dục loài người. Chúng ta chắc chắn là tiến sĩ Fisher sẽ thấy điều mà bà gọi là “khác biệt cơ bản” trong hành vi tình dục lại không hề khác biệt khi bà xem đầy đủ những thông tin mà chúng tôi đề cập trong các chương sau. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng hôn nhân vợ/chồng và chế độ tình dục một đực một cái rất xa cách với những hành vi thông thường của con người, nghĩa là không như bà và nhiều người khác vẫn khẳng định. Chỉ vì tinh tinh lùn làm dấy lên những nghi ngờ về tính tự nhiên trong mối quan hệ kết đôi lâu dài ở người mà Fisher và hầu hết các chuyên gia khác kết luận rằng chúng không thể làm kiểu mẫu cho quá trình tiến hóa của loài người. Họ bắt đầu cho rằng chế độ tình dục một vợ một chồng lâu dài tạo nên hạt nhân của cấu trúc gia đình là duy nhất, tự nhiên và vĩnh cửu của loài người, từ đó truy lại để tìm nguyên nhân. Ôi Yucatán!
Nhược điểm của “thuyết loài khỉ sát nhân” trong nguồn gốc loài người trở nên rõ ràng khi đối chiếu với điều mà bây giờ được gọi là hành vi tinh tinh lùn. Mặc dù vậy, de Waal vẫn xây dựng được một trường hợp thú vị, ngay cả khi không có những dữ liệu mà phải đến những năm 1970 mới sẵn có, và nhiều sai sót trong quan điểm về tinh tinh của Hobbes hẳn cuối cùng vẫn bị chỉ ra. Ông kêu gọi mọi người chú ý đến thực tế là thuyết này nhầm lẫn việc ăn thịt với tính hung hăng, cho rằng công cụ bắt nguồn từ vũ khí, và mô tả con cái là “những mục tiêu thụ động trong hành vi cạnh tranh của con đực”. Ông kêu gọi một kịch bản mới “thừa nhận và giải thích về thực tế rằng giữa các nhóm người hái lượm ngày nay không có những cuộc chiến được tổ chức, hay về xu hướng theo chủ nghĩa bình quân, và sự hào phóng thông tin cũng như nguồn tài nguyên giữa các bầy với nhau”*.
Bằng cách phản ánh những mối lo lắng hậu nông nghiệp gần đây vào quan điểm của mình về thời tiền sử, nhiều nhà lý luận đã Flintstone hóa phương pháp của mình thành ngõ cụt. Sự thôi thúc như một bản năng của người hiện đại nhằm kiểm soát hoạt động tính dục của phụ nữ có lẽ không thuộc về bản chất loài người. Nó giống một phản ứng trước những điều kiện kinh tế xã hội mang tính lịch sử cụ thể nhiều hơn - vốn là những điều kiện rất khác với những cơ sở mà giống loài chúng ta đã tiến hóa. Đây là chìa khóa để hiểu hoạt động tính dục trong thế giới hiện đại. De Waal đã đúng khi cho rằng hành vi mang tính thứ bậc, hiếu chiến và bảo vệ lãnh thổ này có nguồn gốc gần đây đối với giống loài chúng ta. Như chúng ta sẽ thấy, đó là sự thích nghi với thế giới cộng đồng sinh ra từ nông nghiệp.
Theo góc nhìn từ xa của chúng tôi, dường như Helen Fisher, Frans de Waal và một số người khác đã mạo hiểm bước lên cây cầu bắc qua dòng chảy cuồn cuộn những giả định vô căn cứ về hoạt động tính dục loài người - nhưng họ không dám bước qua. Đối với chúng tôi, có vẻ như họ đứng tại những thỏa hiệp căng thẳng với giải thích chi li nhất về dữ liệu mà họ cũng chỉ biết như mọi người. Đối mặt với một thực tế không thể bỏ qua là chắc chắn loài người tiền sử không sống theo mô hình một vợ một chồng, họ biện bạch cho hành vi “khác thường” - nhưng lại nhất quán một cách khó hiểu. Fisher giải thích thứ hiện tượng tan vỡ hôn nhân khắp nơi trên thế giới tiền sử bằng cách lập luận rằng quan hệ kết đôi mới tiến đến mức chỉ duy trì đến khi đứa trẻ sơ sinh lớn lên và có khả năng theo kịp nhóm hái lượm mà không cần sự hỗ trợ của bố. Về phần mình, de Waal lập luận rằng gia đình hạt nhân “về bản chất là rất con người” và mối quan hệ kết đôi là “chìa khóa dẫn đến mức hợp tác phi thường, đánh dấu giống loài chúng ta”. Rồi de Waal lại kết luận với giọng gợi ý là, “thành công của chúng ta trên phương diện giống loài gắn bó mật thiết với hành động từ bỏ lối sống của tinh tinh lùn và với việc kiểm soát chặt chẽ hơn những biểu lộ tình dục”. “Từ bỏ ư?” Vì không thể từ bỏ những gì người ta vốn có, de Waal có vẻ đồng ý rằng tại một số thời điểm, hoạt động tính dục của loài người cực kỳ giống với hoạt động của lũ tinh tinh lùn bừa bãi, thoải mái - mặc dù chưa bao giờ ông nói rõ điều đó.
Bảng 2: So sánh hành vi tình dục-xã hội và sự phát triển ở con sơ sinh của tinh tinh lùn, tinh tinh và con người.*
Phụ nữ và tinh tinh lùn cái giao cấu trong suốt kỳ kinh, cũng như trong suốt thời kỳ cho con bú và mang thai. Tinh tinh cái chỉ hoạt động tình dục khoảng 25-40% theo chu kỳ. |
Trẻ sơ sinh ở người và tinh tinh lùn phát triển chậm hơn nhiều so với con non của tinh tinh, bắt đầu chơi với nhau từ khoảng một tuổi rưỡi. |
Giống con người, tinh tinh lùn cái lập tức trở về bầy sau khi sinh con và chỉ sau vài tháng là lại giao phối. Chúng rất ít sợ chuyện giết con non, điều chưa bao giờ thấy ở tinh tinh lùn - dù sống tự do hay nuôi nhốt. |
Tinh tinh lùn và con người thích nhiều tư thế giao cấu khác nhau, trong đó tinh tinh lùn cái thích tư thế bụng áp bụng (tư thế truyền giáo) hơn còn con đực thích quan hệ từ đằng sau hơn, trong khi tinh tinh gần như chỉ thích một tư thế từ đằng sau |
Tinh tinh lùn và con người thường nhìn vào mắt nhau khi giao phối và hôn nhau say đắm. Tinh tinh thì không hề |
Ở con người và tinh tinh lùn, âm vật nằm giữa hai chân và hướng về phía trước cơ thể, chứ không hướng về sau như tinh tinh và các loài linh trưởng khác. |
Chia sẻ thức ăn gắn chặt với hoạt động tình dục ở người và tinh tinh lùn, nhưng ở tinh tinh thì không chặt chẽ. |
Tính đa dạng lớn trong khả năng kết hợp tình dục ở người và tinh tinh lùn; hoạt động đồng tính phổ biến ở cả hai loài, nhưng hiếm gặp ở tinh tinh. |
Hành động cọ xát âm vật-âm vật (G-G) giữa các cá thể tinh tinh lùn cái có vẻ để khẳng định quan hệ “chị em”, xuất hiện ở tất cả các cộng đồng tinh tinh lùn được nghiên cứu (hoang dã và nuôi nhốt), nhưng hoàn toàn không có ở tinh tinh. Dữ liệu về hành động cọ xát G-G ở người đến nay vẫn chưa có. (Hãy chú ý: các nghiên cứu sinh tham vọng!) |
Trong khi hoạt động tính dục ở tinh tinh và các loài linh trưởng khác chủ yếu là để sinh sản, tinh tinh lùn và con người lại sử dụng tình dục cho mục đích giao tiếp (giảm căng thẳng, tạo quan hệ, giải quyết xung đột, giải trí, v.v…) |