Có một bức tranh như thế này: Một cô gái béo phì đứng trước gương, nhưng cô ta nhìn thấy mình trong gương là một cô gái thân hình mảnh mai, duyên dáng. Đừng tưởng rằng đây là một bức tranh siêu thực, bức tranh này đang phác họa rất chân thực tình trạng cuộc sống của rất nhiều người.
Nhất định bạn sẽ cảm thấy hứng thú với chiếc gương trong tranh. Chiếc gương ấy có ma lực gì mà có thể biến một người béo như thế trở nên hoàn mĩ, mảnh mai như vậy? Thực ra đây không phải là ma lực của chiếc gương mà là ma lực tư tưởng mà ai trong chúng ta cũng có. Sở dĩ chiếc gương sản sinh ma lực là bởi vì cán cân vui vẻ trong lòng chúng ta đang phát huy tác dụng.
Sự thực cơ thể to béo của cô gái chính là vật cần đo lường mà cô ta đặt trong đĩa cân hiện thực của cán cân vui vẻ. Nếu lúc này cô ta đặt quả cân vui vẻ vào trong đĩa cân cái tôi, vậy thì hình ảnh trong gương chính là dáng vẻ chân thực của cô ta chứ không phải hình ảnh đã được tô vẽ, chỉnh sửa. Quả cân vui vẻ có thể thúc đẩy cô ta khách quan đối diện với sự thật to béo của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy cô ta áp dụng phương pháp hành động tích cực, hữu hiệu với hiện trạng béo phì này. Cuối cùng, nó sẽ rút ngắn khoảng cách giữa cô ta với hình mẫu lí tưởng của mình, khiến cô ta vừa trưởng thành, đồng thời có được niềm vui thật sự.
Nhưng khi cô ta đối diện với sự “phì nhiêu” của mình, cô ta không thể khống chế cái miệng tham ăn của mình, nhấc cao đôi chân nặng nề của mình, thực hiện biện pháp ứng phó tích cực để cải thiện hiện trạng. Sở dĩ cô ta không thể thông qua hành động để thay đổi diện mạo của mình là bởi vì hành động tích cực, chủ động không thể thấy hiệu quả ngay lập tức. Nước xa không cứu được lửa gần, cô ta không thể trong nháy mắt xua đi xung đột tâm lí tạo thành do sự cách biệt giữa bản thân trong lý tưởng và bản thân trong hiện thực, bởi thay đổi nào cũng cần một quá trình.
Ngoài ra, còn có ba kẻ nữa đang trói buộc tay chân của cô ta, khiến cô ta không thể hành động, một là con quỷ nhát gan – nỗi sợ hãi, một là con sâu lười – tính lười biếng, và một người tàng hình – sự vô thức. Trong chương sau, tôi sẽ giới thiệu chi tiết diện mạo đặc trưng của ba kẻ này, để chúng ta có thể nhận ra chúng bất cứ lúc nào.
Tác hại của việc buồn phiền trong thời gian dài còn vượt xa ảnh hưởng của bệnh béo phì đối với sức khỏe của chúng ta. Không thể thông qua hành động tích cực để cải thiện hiện trạng, nhưng cũng không thể ở trong trạng thái xung đột tâm lí quá lâu, vậy thì chúng ta nên làm thế nào?
Để con người nhanh chóng quay trở về trạng thái vui vẻ, yên bình, bộ não thông minh đã tìm cho chúng ta đường tắt để giải quyết xung đột trong lòng – niềm vui giả tạo. Cán cân vui vẻ của chúng ta lấy việc theo đuổi niềm vui làm nguyên tắc. Nếu chúng ta đặt quả cân mất cân bằng trong đĩa cân cái tôi của cán cân vui vẻ, vậy thì chúng ta có thể nhanh chóng có được niềm vui, nhưng niềm vui này chỉ là niềm vui giả tạo.
Vậy thế nào là niềm vui giả tạo?
Niềm vui giả tạo chính là cảm giác vui vẻ khi - trong trò chơi tư tưởng của bản thân - chúng ta có được cảm giác vượt trội và tất cả đều nằm gọn trong mình.
Khi trong nội tâm chúng ta nảy sinh xung đột, cho dù rốt cuộc sự thật như thế nào, thì thông qua giải thích hợp lí hóa về hiện thực, khiến bản thân vờ như không nhìn thấy sự khác biệt giữa cái tôi trong lí tưởng và cái tôi trong hiện thực, từ đó nhanh chóng xua đi xung đột trong lòng, đưa bản thân quay trở về trạng thái vui vẻ, đó chính là con đường chúng ta theo đuổi niềm vui giả tạo.
Giải thích hợp lý hóa là việc giải thích hành vi bản thân không được người khác hưởng ứng, hoặc giải thích sự khác biệt giữa cái tôi trong lí tưởng và cái tôi trong hiện thực sao cho đó là sự phát sinh của sự việc có nguyên nhân đặc biệt, hoặc bản thân bất đắc dĩ, hoặc những hành vi này có mặt tốt của nó... Chúng ta bỏ qua sự khác biệt về hình tượng bản thân trong lí tưởng và bản thân trong hiện thực, để qua đó, bảo vệ hình tượng tốt đẹp của bản thân, đạt được hiệu quả mĩ hóa bản thân.
Hình tượng hoàn mĩ của cô gái hiện lên trong gương chính là sự mô tả một cách chính xác niềm vui giả tạo. Vẫn là vóc dáng ấy, nhưng cô ta giải mã sự béo phì của mình thành bản thân vẫn chưa phải là quá béo hoặc mình là một cô gái vốn mảnh mai, bất cứ lúc nào cũng có thể biến thành hình dáng trong gương. Giải thích như vậy có thể khiến xung đột trong lòng mà cơ thể béo phì gây ra cho cô ta tạm thời biến mất, khiến bản thân coi như không thấy thực tế bản thân béo phì. Trong tình huống này, hình ảnh nhìn thấy trong gương chính là dáng vẻ mảnh mai, khí chất nho nhã trong lí tưởng của cô ta.
Mặc dù xung đột trong lòng cô ta tạm thời biến mất nhưng sự khác biệt giữa bản thân trong lí tưởng và trong hiện thực vẫn tồn tại. Niềm vui giả tạo có thể khiến cô ta yên tâm tiếp tục ăn uống, tiếp tục ngủ nghỉ. Nhưng đối với cô ta mà nói, sự khác biệt giữa bản thân trong lí tưởng và trong hiện thực sẽ càng ngày càng lớn, cuối cùng trở thành một vách ngăn không thể vượt qua được.
Khi chìm đắm trong niềm vui giả tạo, chúng ta đang ở trong thế giới tư tưởng của bản thân, chơi trò chơi tự hưởng lạc, tự tạo cho mình cảm giác tươi đẹp, tất cả đều nằm gọn trong tay mình. Niềm vui giả tạo kéo dài khoảng cách giữa cái tôi với hiện thực, khiến lí tưởng cuộc đời chúng ta trở nên xa vời.
Một ngày, chúng ta bước vào toa tàu điện ngầm, bỗng nhiên nhận ra cánh quạt trong toa tàu đã được thay thế bằng điều hòa, trong khi đó mình của hôm nay với mình của năm năm về trước không có gì thay đổi; khi chúng ta nhìn thấy mùa xuân hoa lại nở, nhưng cuộc sống của mình thì không có gì khởi sắc; khi chúng ta nhìn thấy mình trong gương không còn là một người hồn nhiên nữa, ngoài ánh mắt mơ hồ và tuổi xuân đã đi qua, không thể tìm thấy sự thay đổi tươi mới nào; chúng ta sẽ không khỏi kinh ngạc tự hỏi là cái gì đã đưa chúng ta tới mức độ như ngày hôm nay. Tiếp theo, cùng tìm hiểu xem, chúng ta đã từng chút từng chút tiêu hao cuộc đời của mình trong niềm vui giả tạo như thế nào.