Bố mẹ cũng biết chuyện tôi tìm chồng trên mạng. Mặc dù rất lo lắng nhưng bố mẹ cũng chả dám cản. Vì bố mẹ chắc cũng nghĩ ân hận vì ngày 18, 20 trẻ trung rực rỡ lại cứ bắt tôi học toán giải tích với thống kê, học nói tiếng Anh và tiếng Pháp, bây giờ lại cứ nằng nặc giục phải lấy chồng, sao mà muốn nhiều thứ thế. Nếu muốn vậy, giá mà ngày xưa bớt chút thời gian học những thứ như "Nghệ thuật trang điểm" "Nghệ thuật lấy chồng" thì với đầu óc sáng láng, học một biết mười, biết đâu bây giờ tôi đã là vợ tổng thống hay tỉ phú chứ đâu có phải ngồi hì hục viết email thế này.
Vì không thể đọc hết được những email hàng ngày tràn ngập cái hộp thư, tôi thể theo nguyện vọng của bố mẹ,ưu tiên những ứng cử viên người Việt.
Người đầu tiên mà tôi lựa ra là một chàng dược sĩ người Nam. Anh sang đây từ năm hai tuổi, hiện giờ thì cũng khoảng 30, làm ở bệnh viện gần chỗ tôi ở nhưng nhà thì lại cách xa những hai tiếng, gia đình có 12 anh chị em, bố là bác sĩ, mẹ là giáo viên đã về hưu, là con út, các anh chị đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Sau một khoảng thời gian email qua lại, tôi gửi anh số điện thoại riêng và chúng tôi nói chuyện qua điện thoại. Giọng của anh rất nhẹ nhàng khiến tôi có cảm tình. Chúng tôi hẹn gặp ở một nhà hàng Tàu sau giờ làm việc.
Nhà hàng Tàu này cao, rất rộng như một phòng tiệc lớn, có thể chứa tới hàng trăm người, nằm ngay ở con phố chính, phía bên kia đường là một siêu thị lớn bậc nhất thành phố, ngay ở trung tâm của khu các công ty, nên phần lớn khách hàng là công chức, ăn mặc chỉn chu. Khung cảnh bên trong khá đẹp và lịch sự, hai mặt là cửa kính nên có thể ngồi trong nhìn ra suốt đường phố, mặt trước dựng tượng hai con ngựa trắng khổng lồ gợi nhớ tới những chiến trận Trung Hoa xưa.
Chính giữa cửa hàng có một dãy bar tròn, những chai rượu cũng được xếp theo hình vòng cung tròn, dành cho những người đến ăn một mình hoặc ngồi chờ bàn trống, hoăc chỉ để uống và gặp gỡ bạn bè. Xung quanh là các bàn ăn. Nói là đồ ăn Tàu nhưng cả người phục vụ, người nấu bếp và người ăn chẳng có ai là người Tàu cả, thậm chí người Á Đông cũng thấy rất ít, phần lớn là người Mỹ trắng.
Người phục vụ có tới hai phần ba là nữ, tuổi khoảng trên dưới hai mươi, phần lớn là người Mỹ trắng, tóc vàng mắt xanh, mặc quần âu đen với áo sơ mi, và trang điểm rất cẩn thận, dáng người rất thon thả gọn gàng, xinh xắn.
Nhà hàng này có điểm đặc biệt là bếp lớn đặt ngay ở một phía, nhìn ra phòng ăn lớn, nên khách hàng có thể quan sát xem đồ ăn được nấu thế nào. Đầu bếp toàn là đàn ông cao lớn khoẻ mạnh, người Mỹ trắng và người Mexico. Ở đây có những món nhiều người thích như khai vị xà lách cuộn với thịt gà băm nhỏ, ăn vừa mát ruột lại vừa lạ miệng, hay món tôm tẩm mật ong xào với lạc, thịt bò xào mềm kiểu Mông Cổ, món cơm rang thập cẩm, cơm cũng có hai loại, cơm nấu bằng gạo trắng và gạo nâu.
Đồ ăn ở đây được chuộng vì ngon và ít chất béo, khung cảnh lại thích hợp cho cả ăn trưa và ăn tối. Tôi cũng chẳng biết nó có thực là món Tàu chính cống không hay cũng bị thay đổi nhiều rồi cho hợp với khẩu vị người Mỹ nhưng cũng thấy dù không phải cao cấp nhưng nơi này đủ mức sạch sẽ và lịch sự, giá cả phải chăng và cái chính là lúc nào cũng đông nghìn nghịt. Như vậy rất tốt cho công cuộc hẹn hò từ trên mạng, vì khi gặp người lạ thì tốt nhất là gặp ở chỗ đông người.
Khi thoáng nhìn thấy chàng Việt Kiều lần đầu tiên, tôi thấy hình dáng cũng giống như hình dung từ lời tả trên điện thoại. Người thấp đậm, cao khoảng 1.68m, da trắng, mặc áo sơ mi, quần Âu, trông có vẻ bồn chồn chờ đợi. Anh nói bản thân cũng chưa hò hẹn thế này bao giờ.
Khi chúng tôi ngồi xuống bàn ăn, có dịp nhìn kỹ, tôi mới giật mình. Anh ta thật là béo. Khuôn mặt béo ngang, thịt đầy cổ, cả khuôn mặt, mũi, miệng đều rất mờ nhạt, không rõ nét, rất khó nhớ và khó tả. Tôi thấy chỉ có đôi mắt to, rất sáng, rất nhanh nhẹn, lông mi dài và cong, và nghĩ bụng: "Thôi thì cứ chịu khó nhìn vào mắt của chàng vậy". Cuộc chuyện trò diễn ra khá trôi chảy, có lẽ do chúng tôi đã nói chuyện điện thoại trước đó, vả lại cả hai cùng là người Việt nên dễ hiểu nhau hơn. Lúc quay về, xe của cả hai đều bị tắc nghẽn trên đường ra khỏi nhà đậu xe lớn, nhiều tầng. xuống xe, điều khiển giao thông. Tôi ngồi trong ô tô nhìn ra, thấy chàng dược sĩ đứng giữa mấy làn xe, đeo kính đen, người thâm thấp, tròn tròn, trông rất "Việt kiều", hay là trông cũng giống mấy tay trong phim chưởng Tàu. Tôi thấy buồn cười. Anh ta không hấp dẫn tôi về hình thức nhưng xem chừng là người khá thông minh, tháo vát.
Chàng Việt kiều gọi điện lại cho tôi ngay sau buổi hẹn và chúng tôi tiếp tục gặp gỡ. Tôi phát hiện ra rằng chơi với người béo rất có lợi. Do khoái ăn nên họ biết rất biết cách ăn. Chàng chẳng du lịch, chẳng phim ảnh, chẳng thể thao, chẳng âm nhạc, chỉ khoái tìm những tiệm ăn ngon. Tôi cũng hơi ngạc nhiên về trình độ thưởng thức văn hoá khiêm tốn của chàng nhưng rồi tặc lưỡi. Con người ta có ai là hoàn hảo, mà gì chứ ăn thì tôi cũng khoái lắm.
Tôi đang ở thời kỳ rất ham ăn ( chỉ tội không béo lên được). Chàng cũng kinh ngạc về cái tài ăn uống của tôi. Thế là chúng tôi cứ gặp nhau là đi ăn. Cả hai đều thích đồ Việt Nam. Ăn phở chán, anh dẫn tôi đi ăn cá nướng ở khu Việt Nam. Ở đây có một khu trung tâm toàn là cộng đồng người Việt, khi bạn đến, bạn tưởng lạc vào một góc phố nào đó ở Sài Gòn. Người sống ở khu này không cần biết tiếng Anh, vì người bán, người mua, hàng hoá, tên tiệm đều bằng tiếng Việt. Các cô gái Việt ở khu này thì xem chừng chia làm hai loại, một thì tóc dài đen cặp sắt áo sơ mi, trang điểm và phong cách khá quê mùa, loại thứ hai nhuộm tóc xanh đỏ tím vàng, lông mày cạo nhẵn rồi vẽ lên, đi guốc rất cao mặc hở bụng hay hở ngực, trông thì có vẻ đua đòi hơn là thanh lịch gợi cảm. Ngoài ra, cảm giác chung của tôi về khu phố này là rất đông, rất bẩn, rất lộn xộn, đầy sức sống, rất ngon, và rất rẻ.
Tiệm cá nướng mà chàng dẫn tôi tới nằm hơi xa trung tâm một chút, khá rộng, nhưng thiết kế theo kiểu nào đó mà tôi thấy hơi tối, trang trí khá sơ sài. Nhìn quanh, tôi cứ thán phục mãi là những bác phục vụ già len lỏi được giữa lối đi hẹp tí giữa các dãy bàn sin sit lẫn nhau ấy. Các tiệm ăn Việt Nam có đặc điểm là người phục vụ phần lớn đàn ông đã khá lớn tuổi, vì có lẽ chị em phụ nữ đi làm móng tay hết cả.
Tiệm có một cái thực đơn dày như một quyển từ điển và đặc chữ là chữ ( với cơ man lỗi chính tả), thôi thì không chỉ có cá nưóng mà còn có đủ các loại hải sản trên đời, kể cả nghêu, sò, ốc, hến, lươn, trạch. Tôi ngồi lẩm nhẩm mãi vẫn không đọc hết, nên mãi vẫn không quyết định được là nên ăn món nào. Anh bảo:
- Ở đây có món cá nướng cuốn gỏi là ngon nhất. Anh trai của anh lấy vợ Campuchia, mà mỗi lần đến sang đây thăm gia đình, chị ấy đều đòi đi ăn món cá nướng này. Để anh gọi em thử nhé.
Cá nướng đúng là ngon thật. Họ nướng thế nào mà da cá thơm và giòn mầu nâu vàng. Tôi đoán họ quết một chất gì lên làm da cứng hơn, sau đó cuộn vào giấy nướng rồi cho vào lò. Nhưng tôi vẫn nghĩ mãi chưa đoán ra là làm thế nào để khử hết mùi tanh. Còn chàng dược sĩ thì chả đoán già đoán non gì cứ ngồi tì tì chén và đẩy đĩa về phía tôi:
- Em ăn đi, cái phần này ngon lắm, ăn đi kẻo nguội.
Cá nướng cuộn với bánh tráng thêm các loại rau thơm, giá, dứa, cà rốt làm chua, chấm với mắm nêm pha tỏi và chanh, ngon tuyệt trần. Tôi thấy tinh thần sảng khoái hẳn lên, thấy cái sự vụ tìm chồng này cũng không đến nỗi nào.
Tấn công món cá nướng xong, chúng tôi ngồi nhìn nhau cười hỉ hả. Chàng lại dụ:
- Mình đi ăn chè đi. Ở gần đây có một tiệm chuyên bán chè ngon lắm.
Đó là một tiệm bán đủ các loại chè trên đời, chè cốm, chè ngô, chè xôi, chè đậu xanh, chè đậu đen, chè bí..., tôi chỉ nghe thôi đã thấy nước dãi chảy đầy miệng vì thèm, $1/ 1 cốc, tha hồ mua. Tiệm này nhỏ thôi và chỉ bán chè cho người tới đem đi chứ không ngồi lại ăn, vậy mà lúc nào cũng đông khách xếp hàng vì chè rất ngon. Tôi chọn chè đậu xanh( nên sau này mỗi lần tới thăm tôi anh ta lại mang cho tôi chè đậu xanh với nước cốt dừa)
Dù vào tiệm Việt nhưng cả hai chúng tôi đều nói tiếng Anh. Chàng không nói được tiếng Việt. Tôi mặc dù nói được nhưng cũng chả dám thò ra từ nào vì giọng Bắc, người phục vụ chủ yếu người Nam, nghe giọng Bắc không được rõ lắm và đặc biệt là không ưa người Bắc. Giọng của tôi thì rõ ràng là giọng Hà Nội ngọt ngào như ca sĩ Thuý Vân (theo lời bình luận của một người bạn), thế mà đã không được cảm tình thì chớ, nhẹ thì bị người ta lườm, nặng hơn nữa thì chả hiểu người ta cho cái gì vào đồ ăn của mình. Nhưng nếu dùng tiếng Anh thì nhiều khi người phục vụ cũng không hiểu vì họ chỉ biết tiếng Việt. Nên nhiều khi, tôi chỉ cười thật tươi và chỉ số đồ ăn, kể ra cũng không được tiện lợi lắm. Có điều đồ ăn thường là ngon và rẻ nên tôi cũng chả nề hà gì mấy cái chuyện cỏn con.
Tôi nhắc lại với các bạn là chàng rất thích các loại ẩm thực, vì thế mà đồ ăn là cách biểu lộ tình cảm của chàng chăng. Mỗi lần tới thăm, chàng cũng đem đủ các món ăn vặt từ chè đậu xanh tới vải thiều. Có một lần, chàng lái xe hai tiếng xuống thăm chỉ để đưa cho tôi một túi thịt lợn quay. Tôi đã từng được tặng nhiều thứ từ đồ trang sức, đồ trang điểm, nước hoa, quần áo, vé máy bay, đến sách, truyện, thơ, khung ảnh, búp bê, gấu bông, hoa hồng, thậm chí cả sỏi, thế nhưng chàng dược sĩ là người đầu tiên bê thịt lợn quay đến nhà tôi.
Mối tình ăn uống của chúng tôi xem ra cũng phát triển khá bình yên. Tôi không hẳn là rất thích chàng nhưng cũng có một chút cảm tình vì xem ra chàng thực sự nhiệt tình với tôi, bởi đi làm 6 ngày một tuần nhưng chủ nhật được nghỉ lại lái xe hai tiếng tới thăm tôi. Điều này làm tôi thực sự cảm kích vì tôi biết một ngày nghỉ cuối tuần quí giá đến mức nào với những người đi làm.
Vả lại, những lời chàng tâm sự lúc đầu nghe thật cảm động khiến tôi cũng thấy xuôi xuôi. Chàng bảo chàng hay dọn dẹp nhà cửa, sau này nhất định rửa bát cho vợ, lại ưa đọc sách nâng cao trình độ trên đường đi tàu tới nơi làm việc. Chàng tô vẽ trước mắt tôi hình ảnh một anh rất chăm chỉ, ngoan hiền. Cho đến một lần nói chuyện khiến tôi bắt đầu ngờ ngợ về bản chất của chàng.
Buổi đầu nói chuyện, chàng tâm sự:
- Nhà anh ở bên bờ biển, hai tầng, ở một mình cũng buồn.
Sau đó, một lần, tôi chợt hỏi thế bữa trước em gọi điện không gặp anh. Chàng bảo:
- Anh đưa mẹ đi chợ.
- Ủa, sao anh nói anh ở một mình?
- Không, anh ở với mẹ. Em biết không, anh chuyển từ xứ lạnh sang đây vì bố mẹ anh ta già rồi, phải ở nơi nào ấm áp.
-Vậy à.
Tôi thầm thắc mắc, sao chuyện ở với mẹ cũng phải nói dối, nhưng thấy cũng chưa có gì lớn, nên bỏ qua.
Rồi một lần khác, tôi hỏi:
- À, thế ngày mai anh xuống chỗ em được không?
- Không, anh phải đón cô em họ ở chỗ làm về
-Em họ anh? Sao em chưa nghe kể bao giờ?
- À, ừ, em họ anh ở cùng anh.
- Em họ sao không ở với bố mẹ cô ấy mà ở cùng anh?
- Ồ, bố mẹ cô ấy ở VN.
- A, vậy là em sang đây đi học à?
- Ừ, vừa học vừa làm.
- Sao mấy bữa trước anh không phải đi đón em họ?
- À, anh trai anh đi đón.
- Anh trai anh cũng ở gần nhà anh à?
- Không, anh trai và chị dâu ở cùng anh.
- Ồ, sao em chưa nghe anh nói bao giờ. Vậy nhà anh chắc rộng, có mấy phòng?
- Nhà có năm phòng, vợ chồng ông anh một phòng, còn lại bốn phòng cho bố, mẹ, anh, và em họ.
- Ủa, sao bố mẹ anh không ở cùng phòng?
- A… Ờ.. mẹ anh bị bệnh nên phải ở riêng.
- Sao anh ở cùng bố mà em không nghe nhắc bao giờ vậy?
- Bố anh đang ở Việt Nam.
- Bố anh về chơi lâu chưa?
- A, cũng gần 6 tháng rồi.
- Sao ở lâu vậy?
- À, bố anh ở Việt Nam là chủ yếu, sáu tháng mới qua lại một lần rồi lại về Việt Nam
- Vì vậy mà bố mẹ anh không ở cùng nhau à?
- Ừ, bố anh có tính trăng hoa, xưa là bác sĩ toàn dính líu tới y tá, gia đình một tay mẹ anh lo hết. Giờ về VN ở với ai đó.
- Vì vậy mà bố mẹ anh ở riêng phòng?
- Ừ..
- Nghĩa là không phải vì mẹ anh bị bệnh.
- Không.
Nỗi nghi ngờ lớn dần trong tôi về tư cách của chàng dược sĩ, nói câu trước mâu thuẫn câu sau. Vì vậy, tôi càng động viên chàng đưa tôi tới thăm nhà vì tôi muốn xác minh lại những gì chàng kể cho tôi nghe. Sau nhiều lần hẹn hò, cuối cùng chúng tôi cũng tới nhà chàng khi không có ai ở nhà.. Đó là một căn nhà khá rộng rãi, nằm ở một thành phố biển, tôi thấy cũng không có gì đặc biệt ngoài việc khu xung quanh có vẻ là một khu thuộc tầng lớp cao.
Khi chúng tôi vừa bước ra khỏi nhà, chuẩn bị đi thì một chiếc ô tô đỗ xịch trước cửa. Tôi thấy một thanh niên rất gầy, một cô gái nhỏ, và một người đàn bà gầy, nhỏ mà tôi đoán là mẹ của anh dược sĩ. Người đàn bà có vẻ khắc khổ, xách mấy túi đồ đi chợ từ trên xe xuống. Cả ba người đều nhìn tôi lạ lùng và không thân thiện, và nhìn anh có vẻ như không bằng lòng. Tôi định tới chào nhưng anh béo lập tức kéo tôi đi.
Trên đường về, tôi hỏi:
- Đó là mẹ, anh trai, và em họ anh à?
- Ừ, mẹ anh mới đi chợ về.
Thấy anh có vẻ không muốn nói tiếp về đề tài đó, tôi chuyển hướng:
- Khu nhà của anh bên bờ biển chắc là đắt tiền. Với giá cả hiện nay, có lẽ cũng gần triệu đô.
- Ừ, ở biển bao giờ cũng đắt.
- Anh mua nhà lâu chưa?
- Cũng được vài năm thôi.
- Vậy anh mua nhà khi chưa ra trường?
- Ừ, chỉ số vay nợ của anh rất tốt, nên được vay tiền mua nhà
- Em tưởng chưa có thu nhập thì khó vay được một món tiền lớn như vậy?
- Ồ, đúng vậy, anh trai của anh đứng tên vay với anh nữa
- Anh trai mà em vừa nhìn thấy ấy à?
- Không, người anh khác đang là bác sĩ phẫu thuật ở Texas.
- Vậy anh trai cũng sở hữu căn nhà cùng anh?
- À, ờ, các anh chị khác cũng góp tiền đặt cọc nữa.
- Vậy nhà của cả nhà chung chứ không phải của anh, nhưng anh trai anh và anh đứng tên trả nợ.
- A, đúng vậy, em thật thông minh.
A ha, tôi thầm nghĩ: “ Vậy là từ xưa tới nay, anh độc nói dối. Nói dối là một việc bất đắc dĩ, sao anh chàng này lại nói dối trơn miệng những việc không đáng nói dối như là ở với ai, nhà của ai? Mà xem chừng thái độ của anh và của gia đình anh đều có vẻ không bình thường. Chắc chắn có một điều gì lớn anh đang giấu diếm.” Tôi quyết định thử, nên nói:
- Anh ở xa vậy, mỗi ngày đi làm bốn tiếng cả đi cả về, sao không chuyển xuống gần chỗ làm và gần em hơn?
- A, anh khó mà chuyển được, vì anh sẽ phải trả tiền nhà ở trên kia và trả tiền thuê nhà dưới này.
- Vậy thì anh nói với anh trai là không muốn đứng tên nhà nữa, tự mua nhà riêng mình có phải tốt hơn không?
- Anh cũng nói rồi nhưng gia đình anh không đồng ý cho anh tách ra.
- Ồ, vậy thì anh cứ chuyển ra đâu ai cản anh được?
- Anh trai dọa sẽ tố cáo anh nếu anh làm vậy.
- Tố cáo? Trời, anh làm chuyện gì mà sợ bị tố cáo?
- À.. Ờ.. Hiện giờ anh chưa thể nói được.
- Chuyện liên quan đến gia đình à?
- Ồ, chả có chuyện gì đâu. Tối nay mình đi xem phim đi.
Tôi cảm thấy toàn thân như run lên vì khinh ghét. Tôi ghét nhất là thói nói dối quanh co. Tôi còn nhiều việc phải làm hơn là ngồi đoán xem câu nào anh ta nói thật, câu nào nói dối, nên tôi thấy bao nhiêu cảm tình của tôi dành cho chàng Việt kiều đều dần dần cạn hết. Tôi chỉ mong rũ khỏi mối quan hệ này thật nhanh vì thấy con người này dứt khoát không thể tin đươc, càng không thể cùng tôi đi tiếp quãng đường đời.
Sau khi về tới nhà, tôi gọi điện nói với rằng không muốn tiếp tục gặp gỡ vì anh không thành thực với tôi. Anh ta cũng không gọi điện lại vì biết rằng không thể đáp ứng điều kiện nói ra sự thật mà tôi đưa ra. Thật ra, tôi đưa ra điều kiện đó vì tôi nghĩ anh không thể đáp ứng được.
Tôi tưởng thế đã là xong nhưng hai tháng sau, vào một hôm trời tối, tôi ra khỏi công ty muộn, đi tới chỗ để xe, chợt nghe tiếng ai gọi, hoá ra là chàng dược sĩ.
Anh ta khóc ròng trong xe ô tô khi ngoài trời mưa như trút nước.
- Anh gọi điện cho em nhưng em đã đổi số điện thoại nên tới công ty tìm em.
- Em đã nói hết từ lần cuối chúng ta nói chuyện rồi. Anh còn tìm em làm gì nữa.
Tôi bực mình.
- Anh đang giải quyết dần những việc rắc rối mà anh dính vào. Chuyện bí mật ngày xưa anh không thể nói cho em, đó là..
- Anh không cần phải nói cho em đâu.
- Không, anh muốn cho em biết. Người em họ mà em gặp đó… trên giấy tờ, là … vợ anh.
- Ối!
- Ử, anh làm thủ tục cưới giả để đưa cô ấy từ Việt Nam qua đây. Cho nên anh còn nhiều ràng buộc. Anh trai anh lại dùng việc này để dọa anh, buộc anh phải tiếp tục đóng góp trả căn nhà.
Tôi lặng người đi vì kinh hoàng, choáng váng. Vậy là tôi về danh nghĩa, từng đi lại với một người đàn ông có vợ mà không hề biết.
Và tôi muốn nói to lên rằng: " Anh kể cho tôi làm gì cơ chứ. Tôi đâu còn quan tâm ".
Nhưng có lẽ đó là cố gắng cuối cùng của anh Việt kiều để lấy lòng tôi. Anh ta thật là ngốc. Anh ta không biết rằng lòng tôi đã rất chán ghét con người hời hợt và ghê tởm sự dối trá của anh ta.
Tôi dứt khoát ra khỏi xe, đóng cửa lại. Anh ta vẫn khóc ròng. Trời vẫn mưa như trút nước. Tôi sang xe mình,ngồi xuống, giũ nước mưa ra khỏi tóc và nổ máy xe. Tiếng máy nổ giòn át tiếng mưa. Tôi biết rằng con người ấy đã bị xóa khỏi thời hiện tại của tôi.
Tôi chỉ còn nghĩ tới những việc phải làm xong nhanh để có dành thời gian đọc tiếp những email mà tôi chưa mở.... Tất nhiên, câu chuyện này vẫn còn để lại những cảm giác khó chịu trong lòng. Và có những lúc tôi thầm ước, giá như mà ta có thể bấm nút Xóa một bộ phận nào đấy của trí nhớ khi có những điều xảy ra trong cuộc đời mà ta thực sự muốn quên..