Sự tích hợp của ba dòng sản phẩm mang tính đột phá trong một thiết bị
Một chiếc iPod có thể đàm thoại
Trước năm 2005 mức tiêu thụ iPod tăng vọt. Hai triệu chiếc iPod, một con số đáng kinh ngạc, được bán ra thị trường trong năm đó, gấp 4 lần so với năm trước. Sự ra đời của iPod đóng một vai trò quan trọng đối với mục tiêu của công ty, doanh số bán ra chiếm khoảng 45% lợi nhuận của năm, và một lần nữa, sự ra đời của nó cũng giúp đánh bóng thêm hình ảnh công ty và khẳng định vị thế của Apple trên thị trường giống như dòng máy Mac.
Nhưng điều đó lại khiến Jobs lo lắng. “Ông luôn bị ám ảnh về những điều khiến chúng tôi phân tâm” Art Levison, một thành viên trong ban quản trị nhớ lại. Steve kết luận rằng: “Thiết bị mà chúng ta phải tập trung cao độ chính là điện thoại di động”. Khi ông giải trình với ban quản trị, thị trường máy quay kỹ thuật số lúc bấy giờ đang bị cạnh tranh bởi những chiếc điện thoại có trang bị máy quay. iPod cũng vậy, nếu các nhà sản xuất điện thoại bắt đầu cài đặt phần mềm nghe nhạc, mọi người “có thể mang điện thoại theo, và đổi lại iPod sẽ không cần thiết nữa.”
Chiến dịch đầu tiên của ông là thực hiện điều ông đã công nhận trước mặt Bill Gates rằng có một thứ không nằm trong ADN của mình: đó chính là liên minh với một công ty khác. Ông bắt đầu nói với Ed Zander, CEO mới của Motorola, về việc cộng tác với dòng Razr nổi tiếng của Motorola, chiếc điện thoại di dộng với máy quay kỹ thuật số, mà iPod nên học tập. Vì thế ROKR ra đời. Nó gây ra sự “diệt vong” đối với tính gọn nhẹ của iPod cũng như sự thanh mảnh thuận tiện của Razr. Xấu xí, khó tải nhạc và hạn chế số lượng bài hát lưu trữ chỉ khoảng 100 bài, ROKR có tất cả những đặc tính của một sản phẩm “ngoại giao”, nó trái ngược hoàn toàn với phong cách làm việc của Jobs. Thay vì cả phần cứng, phần mềm và nội dung đã được kiểm soát bởi một công ty, thì ROKR là “món lẩu thập cẩm” của cả Motorola lẫn Apple và nhà mạng không dây Cingular. “Đây là chiếc điện thoại của tương lai ư?” Wired đã chế giễu về ROKR trên trang bìa của tạp chí này số ra tháng 11 năm 2005.
Jobs vô cùng tức giận. “Tôi phát ốm khi phải cộng tác với những công ty ‘ngớ ngẩn’ như Motorola”. Ông nói với Tony Fadell và những thành viên khác tại một buổi họp đánh giá sản phẩm iPod. “Hãy tự làm lấy.” Ông đã chú ý đến vài chi tiết thừa của những chiếc điện thoại di động tràn lan trên thị trường: Chúng đều nhàm chán, giống như những chiếc máy nghe nhạc cầm tay trước đây. “Chúng ta sẽ phải ngồi lại và nói xem chúng ta ghét những chiếc điện thoại của chúng ta đến mức nào,” ông nhớ lại. “Chúng quá phức tạp. Chúng có những đặc điểm mà không ai hiểu nổi, kể cả danh bạ. Nó rườm rà như nghệ thuật Byzantine vậy.” George Riley, một luật sư được Apple thuê ngoài, nhớ lại những lần họp thông qua các vấn đề liên quan đến luật pháp của công ty, lúc đó Jobs thấy chán nản, chộp lấy điện thoại của Riley, và bắt đầu ra sức chứng minh nó chỉ là “ đồ bỏ đi”. Jobs và các cộng sự của mình bắt đầu thích thú với viễn cảnh tạo ra một chiếc điện thoại mà họ muốn sử dụng. “Đó là động lực thúc đẩy tuyệt vời”, sau này Jobs đã chia sẻ.
Một động lực nữa đó chính là thị trường tiềm năng. Hơn 825 triệu điện thoại di động đã được bán ra thị trường trong năm 2005, cho tất cả mọi người, từ những học sinh còn cắp sách tới trường đến các cụ già. Bởi vì hầu hết các dòng điện thoại này là sản phẩm “bình dân”, nên vẫn có chỗ cho những dòng sản phẩm cao cấp và sang trọng, giống hệt như thị trường giành cho dòng máy nghe nhạc cầm tay. Đầu tiên ông đề xuất dự án này cho nhóm nghiên cứu của Apple nhằm tạo ra thiết bị ngoại vi nguồn không dây (AirPort) dựa trên lý thuyết rằng nó là một sản phẩm không dây. Nhưng ông sớm nhận ra rằng nó cơ bản là một thiết bị giành cho người dùng, giống như iPod, vì thế ông truyền lại ý tưởng đó cho Fadell và các cộng sự của mình.
Mục tiêu đầu tiên của họ đó là nâng cấp chiếc iPod. Họ đã cố gắng sử dụng bánh xe cuốn như một cách giúp người sử dụng cuộn lên xuống để chọn những chức năng trong điện thoại mà không cần bàn phím. Nó không phải là sự điều chỉnh tự nhiên.
“Chúng tôi đang gặp rất nhiều rắc rối với việc sử dụng bánh xe cuốn, đặc biệt trong việc thực hiện cuộc gọi,” Fadell nhớ lại. “Thực sự bế tắc”. Việc cuộn qua danh bạ thì không vấn đề gì, nhưng nhập thông tin thì quả thực khủng khiếp. Cả nhóm vẫn cố tự thuyết phục rằng người dùng chủ yếu chỉ gọi những người đã lưu sẵn trong danh bạ, nhưng tự họ biết rằng điều đó thực sự không đúng .
Cũng vào lúc đó có một dự án thứ hai đang được tiến hành ở Apple: một nỗ lực bí mật nhằm tạo ra dòng máy tính bảng. Vào năm 2005 những dự án này bắt đầu được tách riêng, và những ý tưởng cho chiếc máy tính bảng cũng thúc đẩy kế hoạch tạo ra dòng điện thoại như ý. Hay nói cách khác, ý tưởng cho iPad thực sự đã xuất hiện từ trước đó, giúp định hình và thai nghén cho sự ra đời của chiếc iPhone.
Công nghệ cảm ứng đa điểm
Một trong những kỹ sư phát triển máy tính bảng cầm tay tại Microsoft đã cưới một người bạn của Laurene và Steve Jobs. Lần sinh nhật thứ năm mươi, ông muốn tổ chức một bữa tiệc nhỏ có mời vợ chồng Jobs cùng vợ chồng Bill và Melinda Gates. Jobs có chút khiên cưỡng nhưng vẫn tham dự. “Steve khá thân thiện với tôi trong bữa tiệc đó.” Gates nhớ lại, nhưng ông “không đặc biệt thân thiện” với người tổ chức sinh nhật.
Gates khó chịu khi gã kỹ sư không ngừng tiết lộ thông tin về chiếc máy tính bảng cầm tay mà ông đang phát triển cho Microsoft. “Hắn là nhân viên của chúng tôi, và hắn lại đang rêu rao về tài sản trí tuệ của chúng tôi,” Gates thuật lại. Jobs cũng đã rất bực mình và hậu quả sau này giống y như những gì mà Gates lo sợ trước đây. Jobs nhớ lại:
Gã kỹ sư này cứ bám lấy tôi và không ngớt lời về việc làm thế nào Microsoft thay đổi cả thế giới bằng phần mềm máy tính bảng cầm tay và đánh bật tất cả những máy tính sổ tay; và Apple nên cấp phép cho phần mềm Microsoft của hắn. Nhưng hắn đang sa vào vũng lầy. Chiếc máy tính bảng này có một cái bút, mà khi đi kèm cây bút đó, nó chỉ là đồ bỏ đi. Tính đến buổi tiệc hôm nay thì hắn đã nói chuyện đó với tôi đến lần thứ mười rồi, và tôi thực sự chán ngấy đến nỗi về đến nhà tôi vẫn bực mình: “Chết tiệt, rồi hắn sẽ biết một chiếc máy tính bảng thực sự là như thế nào.”
Jobs đến văn phòng ngày hôm sau, tập hợp nhóm nghiên cứu và nói: “Tôi muốn tạo ra một chiếc máy tính bảng mà không cần bàn phím hay là một cây bút nào.” Người dùng có thể gõ bằng cách sử dụng các đầu ngón tay chạm vào màn hình. Điều đó có nghĩa rằng màn hình cần có đặc tính được biết đến như công nghệ cảm ứng đa điểm, khả năng xử lý nhiều đầu vào cùng một lúc. “Các anh có thể tạo ra một màn hình cảm ứng đa điểm cho tôi hay không?” Ông hỏi. Họ đã mất khoảng sáu tháng để đưa ra một sản phẩm thô nhưng hoàn toàn khả thi.
Jony Ive có một cách nghĩ khác về việc phát triển công nghệ cảm ứng đa điểm. Ông ta nói rằng nhóm thiết kế đã từng làm việc dựa trên đầu vào cảm ứng đa điểm, công nghệ phát triển con chuột xúc giác cho dòng máy MacBook Pro của Apple. Và họ đang thử nghiệm theo hướng chuyển giao công nghệ này sang màn hình máy tính. Họ đã sử dụng một máy chiếu để xem nó sẽ như thế nào. “Điều này sẽ thay đổi mọi thứ,” Ive nói với nhóm nghiên cứu. Nhưng ông vẫn cẩn trọng chưa vội nói Jobs ngay, đặc biệt khi những nhân viên của ông đang làm việc cật lực kể cả thời gian nghỉ ngơi và ông không muốn dập tắt nhiệt huyết của họ. “Bởi Steve quá nóng vội khi đưa ra ý kiến, tôi không muốn cho ông xem chúng trước mặt những người khác. Ive nhớ lại. “Ông có thể sẽ nói, ‘Chết tiệt’ và đập tan mọi nhiệt huyết. Tôi thấy những ý tưởng này rất mong manh, bạn phải nâng niu phát triển chúng. Tôi nhận ra rằng nếu ông bác bỏ ý tưởng này, thực sự sẽ rất buồn vì tôi biết nó rất quan trọng.”
Ive đã trình chiếu kín đáo những ý tưởng này trong phòng họp với riêng Jobs, vì biết rằng ông sẽ bớt phàn nàn đôi chút nếu không có ai xung quanh. Thật may là ông thích nó. “Tương lai là đây,” ông háo hức.
Đó thực sự là một ý tưởng tuyệt vời mà Jobs đã nhận ra rằng nó có thể giải quyết được những vấn đề mà họ đang gặp phải trong việc sáng tạo giao diện cho chiếc điện thoại tương lai. Dự án này vô cùng quan trọng, do đó ông tạm dừng việc phát triển máy tính bảng trong khi giao diện cảm ứng đa điểm được dùng cho màn hình điện thoại. “Nếu nó chạy tốt trên một chiếc điện thoại,” ông nhớ lại, “tôi biết chúng tôi có thể quay trở lại và sử dụng giao diện này cho chiếc máy tính bảng.”
Jobs đã gọi Fadell, Rubinstein và Schiller tới một cuộc họp bí mật trong phòng họp thiết kế, nơi Ive đã trình chiếu ý tưởng về công nghệ cảm ứng đa điểm. “Ôi!” Fadell thốt lên. Mọi người đều thích nó, nhưng họ không chắc rằng có thể khiến nó hoạt động trên điện thoại. Họ quyết định tiến hành trên hai phần: Phần một là tên mã cho điện thoại được phát triển dựa trên bánh xe cuốn của iPod, và phần hai là một lựa chọn mới sử dụng màn hình cảm ứng đa điểm.
Một công ty nhỏ ở Delaware có tên là FingerWorks đang tạo ra hàng loạt những bàn xúc giác cảm ứng đa điểm. Được thành lập bởi hai giáo sư ở trường đại học Delaware, John Elias và Wayne Westerman, FingerWorks đã phát triển một số máy tính bảng với khả năng cảm ứng đa điểm và đưa ra những sáng chế để đọc được các cử động khác nhau của ngón tay, ví dụ như gạt và nhấn vào các chức năng hữu ích. Đầu năm 2005, Apple lặng lẽ mua lại công ty này, tất cả những sáng chế, và những dịch vụ của hai thành viên sáng lập. FingerWorks lập tức ngừng việc bán sản phẩm của nó cho những hãng khác, và bắt đầu đóng mác những sản phẩm mới mang tên Apple.
Sau sáu tháng làm việc với bánh xe cuốn trong phần một và công nghệ cảm ứng đa điểm trong phần hai, Jobs gọi nhóm cộng sự thân cận tới phòng họp để đưa ra quyết định. Fadell vẫn đang cố gắng hết sức để phát triển mô hình bánh xe cuốn, nhưng ông thừa nhận rằng họ không thể giải quyết vấn đề: tìm ra cách đơn giản để thực hiện cuộc gọi. Trong khi đó việc tiếp cận cảm ứng đa điểm mang nhiều rủi ro hơn, họ không dám chắc rằng có thể thực hiện được thiết kế này hay không, nhưng nó rất thú vị và hứa hẹn. “Chúng ta đều biết đó là điều duy nhất chúng ta muốn làm,” Jobs nói, chỉ vào màn hình cảm ứng. “Hãy khiến nó có hiệu quả.” Đó là giây phút mà ông đã đặt cược, càng mạo hiểm thì giải thưởng càng cao nếu thành công.
Một cặp thành viên trong nhóm nghiên cứu tranh luận về việc liệu thiết bị mới có nên có bàn phím, một bộ phận đã tạo ra sự nổi tiếng cho dòng BlackBerry, hay không, nhưng Jobs đã bác bỏ ý tưởng đó. Một bàn phím cơ học sẽ chiếm mất không gian màn hình, nó sẽ không linh hoạt và phù hợp như bàn phím cảm ứng. “Một thiết bị bàn phím có vẻ là một giải pháp đơn giản, nhưng nó khiên cưỡng quá.” Ông nói. “Hãy cố nghĩ tất cả những sáng kiến phù hợp, nếu chúng ta nghĩ về bàn phím hiện trên màn hình kèm phần mềm. Chúng ta hãy đặt cược vào nó, sau đó tìm cách biến nó thành sự thật.” Kết quả là một thiết bị hiện thị bảng số mỗi khi bạn muốn thực hiện cuộc gọi, bảng chữ khi bạn muốn viết, và bất cứ phím nào bạn cần cho mỗi một hoạt động cụ thể. Rồi sau đó tất cả có thể biến mất khi bạn xem video. Bằng việc sử dụng phần mềm thay cho phần cứng, giao diện trở nên linh hoạt và nhanh nhạy hơn.
Jobs đã dành một chút thời gian mỗi ngày trong sáu tháng để tinh chỉnh màn hình hiển thị. “Đó là niềm vui thích phức tạp nhất mà tôi đã từng có,” Ông nhớ lại, “Nó khác lạ giống như album ‘Sgt. Pepper .’” Rất nhiều đặc điểm tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là kết quả của những ý tưởng sáng tạo. Ví dụ, nhóm nghiên cứu đã lo lắng làm sao có thể khiến chiếc điện thoại không tự động chơi nhạc, thực hiện cuộc gọi hoặc tự động gọi lại khi nằm trong túi bạn. Jobs bẩm sinh đã ghét những công tắc bật – tắt, ông thấy nó không trang nhã. Và giải pháp là “Gạt tay để mở”, thanh trượt trên màn hình đơn giản và thú vị kích hoạt thiết bị khi nó không còn hoạt động. Một bước đột phá khác đó là cảm biến sẽ xử lý khi bạn đưa điện thoại gần tai, dái tai của bạn không vô tình kích hoạt một số chức năng nào đó. Và dĩ nhiên những biểu tượng cũng dựa trên hình khối mà ông ưa thích: hình chữ nhật được bao quanh, đây là những biểu tượng gốc ông đã để Bill Atkinson thiết kế cho phần mềm của máy Macintosh đầu tiên. Phần nào cũng vậy, ông đều tập trung vào mỗi chi tiết, và nhóm nghiên cứu đã tìm ra rất nhiều cách đơn giản hóa những gì các điện thoại khác đã làm phức tạp. Họ bổ sung thêm một thanh lớn để hướng dẫn bạn thực hiện cuộc gọi chờ hay cuộc gọi hội nghị, tìm những cách định vị dễ dàng thông qua email, và tạo những biểu tượng mà khi gạt ngang bạn có thể lựa chọn những ứng dụng khác nhau – tất cả những điều này được thực hiện dễ dàng hơn vì chúng được sử dụng trực quan thông qua màn hình hơn là được sử dụng bàn phím dựa trên phần cứng.
Mặt kính bảo vệ Gorilla Glass
Jobs đam mê thử nghiệm những chất liệu khác nhau giống như cách mà ông chọn các loại thức ăn. Khi ông quay lại Apple vào năm 1997 và bắt đầu nghiên cứu dòng iMac, ông đã thử xem nhựa trong và có màu sắc có thể làm ra cái gì. Giai đoạn tiếp theo là kim loại. Ông và Ive thay thế chất liệu nhựa cong của PowerBook G3 với kim loại titan bóng đẹp của PowerBook G4, chiếc máy tính này được thiết kế lại với chất liệu nhôm hai năm sau, chỉ để chứng minh họ thích những kim loại khác nhau nhiều như thế nào. Sau đó họ tạo ra một chiếc iMac và một chiếc iPod Nano với chất liệu nhôm axit hóa, nghĩa là kim loại đã được tắm qua axit và điện dung để bề mặt của nó được oxi hóa. Jobs đã được thông báo rằng họ không thể tự đáp ứng được số lượng kim loại họ cần, thế nên ông đã thành lập một công ty ở Trung Quốc để giải quyết vấn đề này. Ive đã đến đó, trong suốt đại dịch Sars, để giám sát quá trình. Ông nhớ lại “Tôi ở đó trong ba tháng tại một ký túc xá để theo dõi quy trình sản xuất, Ruby và những người khác nói rằng ý tưởng đó là không thể nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục, cả Steve và tôi nhận ra rằng nhôm được ôxi hóa thực sự hoàn hảo.”
Tiếp sau đó là thủy tinh. “Sau khi chúng tôi thực hiện với kim loại, tôi đã nhìn John và nói rằng chúng ta cần tinh thông về chất liệu thủy tinh.” Jobs chia sẻ. Với những cửa hàng của Apple, họ đã thiết kế một chiếc ô kính cửa sổ lớn và những chiếc cầu thang bằng kính. Với iPhone, kế hoạch ban đầu là sử dụng một màn hình bằng nhựa giống như iPod. Tuy nhiên Jobs lại khăng khăng rằng màn hình sẽ trang nhã và trông thật hơn nếu nó được làm bằng thủy tinh. Thế nên ông bắt tay ngay vào việc tìm kiếm một loại thủy tinh vừa chắc chắn vừa có khả năng chống trầy xước.
Mảnh đất tìm kiếm đó là châu Á, thiên đường sản xuất kính dành cho các cửa hàng. Nhưng một người bạn của Jobs là John Seely Brown, một thành viên hội đồng quản trị của công ty Corning Glass ở phía Bắc New York, đã khuyên ông nên nói chuyện với Wendell Weeks – một CEO trẻ và năng động của công ty. Jobs đã gọi điện đến tổng đài chính của Corning và yêu cầu được gặp Weeks. Ông gặp nhân viên trợ lý và người đó yêu cầu ông để lại lời nhắn. “Không, tôi là Steve Jobs.” Ông đáp. “Hãy cho tôi gặp ông ấy.” Người trợ lý từ chối. Jobs gọi lại cho Brown và phàn nàn rằng ông đã bị đối xử như “một kẻ ngớ ngẩn đặc sệt vùng bờ Đông.” Sau khi Weeks biết chuyện, ông này cũng đã gọi tới tổng đài chính của Apple và yêu cầu gặp Jobs. Weeks cũng được yêu cầu ghi lại lời nhắn và gửi qua fax. Khi Jobs được nghe kể về chuyện đó, ông đã rất thích Weeks và mời ông ấy tới Cupertino.
Jobs miêu tả loại kính mà hãng Apple muốn sử dụng cho iPhone, Weeks nói với ông rằng công ty Corning đã phát triển một quá trình trao đổi hóa học từ những năm 1960 và cho cho ra đời sản phẩm mang tên “Kính bảo vệ Gorilla.” Chất liệu đó chắc chắn một cách đáng ngạc nhiên, nhưng lại không tìm được thị trường tiêu thụ, do đó Corning đã từ bỏ việc sản xuất nó. Jobs đã bảo rằng ông không chắc nó có đủ tốt hay không, và ông bắt đầu giải thích với Weeks về việc làm kính ra sao. Điều này gây hứng thú cho Weeks, người dĩ nhiên hiểu biết về vấn đề này nhiều hơn cả Jobs. “Anh có thể ngừng nói được không.” Weeks cắt ngang, “và để tôi chỉ cho anh một số công nghệ sản xuất kính?” Jobs rất bất ngờ và im lặng ngay. Weeks đi tới chiếc bảng trắng và hướng dẫn về hóa học, vấn đề liên quan đến quá trình trao đổi Ion để tạo nên một lớp nén lên bề mặt kính. Điều này khiến Jobs bối rối, rồi ông nói ông muốn số lượng kính bảo vệ nhiều nhất mà Corning có thể sản xuất trong vòng 6 tháng. “Chúng tôi không có khả năng.” Weeks trả lời. “Chúng tôi không có bất kỳ một kế hoạch sản xuất kính nào nữa”.
“Đừng lo lắng” Jobs đáp. Điều này khiến Weeks choáng váng, là một người thoải mái và tự tin nhưng ông không quen được với tính cách khác thường của Jobs. Weeks đã cố gắng giải thích rằng việc giả vờ tự tin không thể chiến thắng những thử thách kỹ thuật, và giả thuyết đó Jobs lặp lại không được chấp nhận. Jobs chằm chằm nhìn Weeks không chớp mắt. “Được mà, các anh có thể làm được”, ông nói, “Hãy suy nghĩ về nó. Anh có thể thực hiện được.”
Khi Weeks kể lại câu chuyện, ông lắc đầu kinh ngạc và nói: “Chúng tôi đã thực hiện chỉ trong có sáu tháng. Chúng tôi đã sản xuất một loại kính chưa từng có bao giờ”. Cơ sở của công ty Corning ở HarrisBurg, Kentucky, nơi sản xuất ra màn hình LCD, đã chuyển qua sản xuất vào buổi tối để dành toàn thời gian sản xuất chất liệu kính bảo vệ
.” Chúng tôi đã tập trung hết các kỹ sư và nhà khoa học giỏi nhất cho sản phẩm này, và chúng tôi đã biến nó thành hiện thực.” Giờ tại văn phòng thoáng mát của Weeks, ông chỉ trưng bày một món đồ lưu niệm được đóng khung. Đó là một tin nhắn Jobs gửi đến vào ngày iPhone ra đời: “Chúng tôi không thể làm ra nó mà không có bạn.”
Thiết kế
Trong rất nhiều dự án lớn của ông, ví dụ như Toy Story (Câu chuyện đồ chơi) đầu tiên hay cửa hàng Apple, Jobs đã tạm dừng khi họ gần hoàn thiện sản phẩm và quyết định điều chỉnh nó. Điều đó cũng xảy ra với thiết kế của iPhone. Các thiết kế ban đầu có màn hình kính được đặt trong vỏ nhôm. Một buổi sáng thứ hai, Jobs tới gặp Ive. “Tối qua tôi không ngủ được,” ông tâm sự, “tôi nhận ra rằng tôi không thích nó”. Đó là sản phẩm quan trọng nhất mà ông thực hiện từ sau chiếc Macintosh đời đầu, và ông thấy nó không ổn. Trước sự thất vọng của ông, Ive lập tức nhận ra Jobs đã đúng “Tôi nhớ cảm giác hoàn toàn xấu hổ khi ông đưa ra lời nhận xét đó.”
Vấn đề nằm ở chỗ iPhone cần hiển thị tất cả lên màn hình, nhưng thiết kế vỏ hiện tại đã trùm lên màn hình thay vì viền xung quanh. Toàn thiết bị gây cảm giác quá thô, quá nhiều thao tác điều khiển và hiệu ứng. “Các anh em đã sống chết vì thiết kế này trong chín tháng qua, nhưng chúng ta phải thay đổi nó.” Jobs nói với nhóm nghiên cứu của Ive. “Chúng ta giờ sẽ phải làm việc cả tối và cuối tuần, nếu các anh phản đối thì các anh phải bước qua xác chúng tôi.” Thay vì ngăn cản, cả nhóm nghiên cứu đã đồng ý. “Đó là giây phút đáng tự hào nhất tại Apple.” Jobs bùi ngùi nhớ lại.
Thiết kế mới đã hoàn thành với một vỏ thép không gỉ mỏng cho phép màn hình kính hiển thị đến tận các cạnh. Mỗi một phần của thiết bị dường như được thiết kế phù hợp với màn hình. Diện mạo mới mộc mạc, nhưng khá thân thiện. Bạn có thể vuốt nó. Nghĩa là họ đã phải làm lại các bảng mạch, ăng ten, và vị trí bộ xử lý bên trong, nhưng Jobs đã yêu cầu thay đổi. “Các công ty khác có thể đã cho qua,” Fadell nói, “nhưng chúng tôi thì điều chỉnh và bắt tay vào ngay.”
Một phần của thiết kế phản ánh không chỉ tính cầu toàn của Jobs mà thậm chí là khao khát kiểm soát, đó là thiết bị được hàn kín.Vỏ ngoài không thể mở được, thậm chí để đổi pin. Cũng giống với dòng Macintosh đời đầu năm 1984, Jobs đã không muốn ai mở xem bên trong. Trong thực tế, năm 2011 khi Apple phát hiện ra các cửa hàng sửa chữa không chính hãng đã mở được iPhone 4, thì hãng đã thay thế các ốc nhỏ bằng một loại ốc Pentalobe không thể làm giả và không một tuốc nơ vít nào ngoài thị trường có thể mở. Vì không có pin thay thế nên iPhone trông mỏng hơn rất nhiều. Đối với Jobs, mỏng hơn luôn luôn tốt hơn. “Ông ấy luôn cho rằng mỏng là đẹp”, Tim Cook cho biết. “Các bạn có thể thấy trong tất cả các sản phẩm. Chúng tôi có dòng máy tính xách tay mỏng nhất, dòng điện thoại thông minh mỏng nhất, rồi chúng tôi đã cho ra đời dòng iPad mỏng và sau đó thậm chí còn mỏng hơn nữa.”
Tung ra thị trường
Khi đến lúc khởi động iPhone, Jobs đã quyết định, như thường lệ, cho phép một tờ báo tới buổi thử nghiệm đặc biệt. Ông gọi cho John Huey, tổng biên tập của tạp chí Time, và bắt đầu phóng đại quá mức, đúng kiểu của Jobs: “Đây là sản phẩm tốt nhất mà chúng tôi từng thực hiện”. Jobs muốn cung cấp độc quyền cho Time về những thông tin của iPhone, nhưng “Time không có ai đủ hiểu biết để viết về nó, vì vậy tôi sẽ dành cho người khác.” Huey giới thiệu Lev Grossman, một nhà văn (và tiểu thuyết gia) hiểu biết nhiều về công nghệ ở Time. Trong tác phẩm của mình Grossman ghi chú chính xác rằng iPhone không thực sự phát minh ra nhiều tính năng mới, nó chỉ khiến những tính năng này dễ sử dụng hơn. “Nhưng điều đó rất quan trọng. Khi chúng ta không sử dụng được các công cụ, chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho mình, vì quá ngu ngốc, không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hay có ngón tay quá béo…. Khi các công cụ của chúng ta bị hỏng, chúng ta cũng thấy chán. Rồi có ai đó khắc phục được, chúng ta sẽ thấy thực sự yên tâm.”
Trong buổi ra mắt tại hội chợ công nghệ Macworld tháng Giêng năm 2007 tại San Francisco, Jobs mời Andy Hertzfeld, Bill Atkinson, Steve Wozniak, và nhóm nghiên cứu dòng Macintosh năm 1984, như ông đã mời khi ra mắt dòng iMac. Trong tất cả các bài thuyết trình tuyệt vời về sản phẩm, đây chắc chắn sẽ là bài hay nhất. “Mỗi khi có một sản phẩm mang tính cách mạng ra đời nó sẽ khiến mọi thứ thay đổi”, ông bắt đầu. Jobs đưa ra hai ví dụ trước đó: dòng Macintosh đời đầu đã “thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp máy tính”, và chiếc iPod đầu đời đã “thay đổi kỷ nguyên nhạc số”,
Sau đó, ông đã cẩn thận giới thiệu sản phẩm ông chuẩn bị cho ra mắt: “Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu ba dòng sản phẩm mang tính cách mạng. Đầu tiên đó là chiếc iPod màn hình rộng điều khiển cảm ứng. Thứ hai là một điện thoại di động mang tính cách mạng. Và thứ ba là thiết bị liên lạc kết nối Internet có tính đột phá.” Ông lặp đi lặp lại danh sách để nhấn mạnh, sau đó nói, “Các bạn có biết không, đây không phải là ba thiết bị riêng biệt, tất cả chỉ trong một thiết bị, và chúng tôi gọi nó iPhone. ”
Khi iPhone được tung ra thị trường năm tháng sau đó, vào cuối tháng Sáu năm 2007, Jobs và vợ đi bộ đến cửa hàng của Apple ở Palo Alto để cảm nhận niềm vui sướng. Vì ông thường xuyên làm như vậy vào ngày sản phẩm mới được bán ra, nên một số người hâm mộ đã tới trước, họ chào đón ông như họ thấy nhà tiên tri Moses đi dạo mua Kinh Thánh. Trong đó có tín đồ là Hertzfeld và Atkinson. “Bill đã xếp hàng cả đêm đấy,” Hertzfeld nói. Jobs phẩy tay, bắt đầu cười và nói. “Tôi đã gửi tặng ông ấy một chiếc rồi.” Hertzfeld trả lời, “Ông ta cần sáu chiếc cơ.”
iPhone đã ngay lập tức được các blogger đặt tên là “Điện thoại của Chúa Jesus.” Tuy nhiên, đối thủ cạnh tranh của Apple nhấn mạnh rằng, việc bỏ ra năm trăm đô-la để mua được nó là quá nhiều. “Đó là điện thoại đắt tiền nhất trên thế giới,” Steve Ballmer của Microsoft cho biết trong một cuộc phỏng vấn của CNBC. “Và nó không hấp dẫn với những khách hàng là doanh nhân bởi nó không có bàn phím.” Một lần nữa, Microsoft lại đánh giá thấp sản phẩm của Jobs. Đến cuối năm 2010, Apple đã bán được chín mươi triệu chiếc iPhone, và nó chiếm hơn một nửa tổng lợi nhuận của thị trường điện thoại di động toàn cầu.
Alan Kay, một trong những nhà sáng lập phòng thí nghiệm Xerox PARC và cũng là người góp một tay tạo Dynabook, phiên bản đầu của máy tính xách tay bốn mươi năm trước đó đã nhận xét “Steve hiểu được giá trị của khát vọng”. Kay rất giỏi trong việc dự báo trước tình hình, vì vậy Jobs đã hỏi ý kiến của ông về chiếc iPhone. Kay trả lời “Hãy mở rộng màn hình 5 inch thành 8 inch, và anh sẽ thống trị cả thế giới”. Ông không biết rằng thiết kế của iPhone đã nhen nhóm, và có thể một ngày nào đó sẽ dẫn tới ý tưởng cho ra đời một máy tính bảng, trên thực tế có thể vượt quá tầm nhìn của ông cho dòng Dynabook.