Bấy giờ vào quá giờ Tý. Dẫy nhà thấp lụp xụp mái lơp ngói kiểu tàu nằm ngủ dưới ánh sáng yên lặng của trăng tà. Gần đấy, về phía tây bắc, mấy quả núi đá Kỳ Lừa lù mù lấp lánh trong sương. Đứng bên bờ sông Kỳ Cùng trông sang, cảnh ấy hiện thành một bức tranh thủy mạc Tàu chấm phá trên nền lụa màu vàng ám khói.
Cách xa hẳn dẫy phố, bên con đường nhỏ rẽ vào động Tam Thanh, một toà nhà cao rộng hơn, nhưng cùng làm theo một kiểu kiến trúc. Một bức tường xây bằng đá ong, trên ngọn có cắm mảnh sành vỡ, bao bọc nơi dinh cơ ấy, trông như một cái thành quách nhỏ vậy, tuy xung quanh không có hào. Trong vườn nhô lên những đám lá cây thưa nhặt, thấp thoáng trong trăng, khiến cảnh thâm u lặng lẽ kia bớt vẻ buồn tẻ, lạnh lùng.
Đêm đã khuya, thế mà một nhà sư trẻ tuổi còn lần mò đến gõ cổng nơi biệt thự. Sau một hồi chó sủa inh ỏi, có tiếng hỏi ở phía trong:
- Ai! Ai đến khuya thế?
- Tôi.
- Tôi là ai mới được chứ?
- Tôi đây mà! Bần tăng đây mà!
Tiếng mắng đuổi chó, tiếng lách cách mở then rồi cánh cổng từ từ hé. Người bên trong cất tiếng run run, se sẽ hỏi:
- Có phải Phổ Bác thiền sư đấy không?
Người đứng ngoài cũng se sẽ trả lời:
- Phải.
- Trời ơi! Sao đêm hôm khuya khoắc mà lệnh bà lặn lội...
Hoàng phi sợ hãi vừa quay đầu nhìn phía sau lưng vừa thì thầm:
- Im!
- Sao thế, tâu... bạch sư ông?
Hoàng phi bước vội vào:
- Đóng cổng lại đã. Hình như có bóng người theo sau.
Rồi hai người cùng đi vào trong nhà.
Độc giả hẳn đoán biết người vừa ra đón tiếp Hoàng Phi là Nhị nương. Nhưng sao Nhị Nương lại đến ở đây?
Nguyên biệt thự này, quan trấn thủ Thanh Xuyên hầu dựng lên đã dăm năm nay, dùng làm nơi nghỉ mát để thỉnh thoảng đến đọc sách, ngâm thơ, di dưỡng tinh thần những khi nhàn hạ, rảnh việc quan. Nhất từ ngày ngài ham khảo cứu đạo Phật, thì ngài càng năng lui tới nơi đó để được cùng sư cụ Tam Thanh thuyết minh nghĩa mầu nhiệm của kinh Phật.
Kỳ thực, lập ra lớp riêng, Trương Đăng Thụ chỉ có một mục đích hưng Lê, hội họp anh em đồng chí để bàn việc lớn chống chọi với Tây Sơn.
Hai tháng trước Hầu có ngỏ lời nhờ Phổ Mịch thiền sư tìm cho một người tin cẩn thông chữ nghĩa để vừa trông nom nhà, vừa biên chép kinh Phật, cùng văn thơ.
Nhân gặp giữa lúc Phạm Thái và Nhị nương phò giá Hoàng phi lên Lạng, sư cụ liền đem Nhị nương ra giới thiệu là một người cháu họ tên gọi Nguyễn Đức Minh.
Thế là đương đóng vai phong lưu công tữ, Nhị nương đã đổi ra đóng vai quản gia tại biệt thự quan trấn thủ. Trong khi ấy Phạm Thái ở lại tạm trụ trì một ngôi chùa gần Tam Thanh và Hoàng phi đến trú ở chùa Tiên, có đầy tớ tinh cẩn chủa Thanh Xuyên ăn mặc giả làm tiểu ở trông nam hầu hạ luôn bên mình.
Ham nay chừng có điều khẩn thiết hay nguy kịch muốn ngỏ cùng Nhị nương, Hoàng phi bỏ chùa lần tới đây chăng? Chính Nhị nương cũng đoán thế nên vừa vào trong phòng, nàng đã lo sợ thì thầm hỏi:
- Tâu lệnh bà, có việc gì quan trọng thế?
- Không, chả có việc gì quan trọng cả, nhưng hôm nay không biết sao, chị nóng ruột quá.
Nhị nương thở dài:
- Lệnh bà làm tôi giật mình kinh hoảng, tưởng đã xảy biến. Mà tôi cũng vậy, tâu lệnh bà, lòng tôi cứ xót như bào, đêm nay không sao nhắm mắt ngủ yên được.
Tôi đương một mình tản bộ ngoài vười thì nghe có tiếng lệnh bà gọi cổng.
Hoàng phi buồn rầu nói:
- Em ạ, từ hôm nghe tin hoàng đế thăng hà, hoàng tử qua đời đến nay, chị sinh ra mê sảng luôn. Động nhắm mắt là lại thấy haòng thượng về đứng bên giường.
Có khi muốn tránh những giấc mơ đau lòng, chị đã thức suốt đêm tụng kinh niệm Phật, cầu cho vong linh thánh thượng cùng hoàng tử.
Nhị nương nghe Hoàng phi nói, chỉ ngậm ngùi thở dài. Rồi nàng hỏi:
- Mấy chén thuốc tôi lấy hầu lệnh bà, lệnh bà đã xơi chưa?
- Cám ơn em, chị uống cũng thấy dễ chịu, nhưng sốt ruột thì vẫn còn sốt ruột.
Hôm nay vì chị đứng ngồi không yên về nỗi sốt ruột, nên chị phải vội đến thăm em để nói chuyện cho khuây khỏa.
Nhị nương chợt nghĩ đến con sông Kỳ Cùng:
- Nhưng ai chở thuyền hầu lệnh bà sang ngang?
- Vẫn có anh lái đò của sư Phổ Mịch đỗ thuyền ở bến. Chị nói sư cụ cho tìm, nên người ấy vội vàng chở ngay. Nhưng còn em, vì cớ gì mà em cũng băn khoăn không ngũ?
- Tâu lệnh bà, tôi cũng không hiểu vì cớ gì mà đêm nay tôi lại nóng ruột quá thế Tôi lo đã xảy ra sự gì bất trắc ở Tiêu sơn, nên có tâm linh báo cho biết như vậy Tôi muốn một hai hôm nữa về thăm đảng trưởng cùng anh em đồng chí, nhưng lại e lệnh bà ở đây một mình...
Hoàng phi vội đỡ lời:
- Nếu em về thì chị cũng về. Chị ở đây gần Trung quốc là nơi hoàng đế thăng hà, lòng chị đau thương không rứt. Vì thế chị cũng muốn về Bắc để được nhất tâm niệm Phật mà quên đau khổ.
Ngừng một lát không thấy Nhị nương đáp lại. Hoàng phi nói tiếp:
- Nhưng chị thấy em cũng khổ sở thì chị lại muốn quên nỗi thống thiết của chị đe để an ủi em. Hình như em có điều gì dấu chị?
Nhị nương vẫn ngồi im. Bỗng Hoàng phi nghe thấy nàng nức lên một tiếng.
Bà vội cầm lấy tay nàng, ôn tồn khuyên bảo:
- Chị em ta cùng gặp một cảnh ngỗ, tưởng em chẳng nên giấu chị một điều gì.
Đấy em coi, xưa nay có một ý nghĩ gì mà chị không ngõ cho em biết?
Nhị nương lặng lẽ để bàn tay trong tay Hoàng phi rồi thong thả nói:
- Thưa chị - vì lệnh bà đã cho phép tôi được kêu lệnh bà là chị...
Hoàng phi vui vẻ ngắt lời:
- Phải, chị muốn em gọi chị là chị, như thế vừa thân vừa kín đáo.
- Thưa chị, tâm sự của em, em chưa ngỏ cùng ai. Nhiều khi đêm khuya thanh vắng, gồi một mình em lấy làm tự thẹn về những ý nghĩ bất chính của em. Vì, thưa chị những ý nghĩ ấy thật là bất chính. Em xin cứ thực tình dể hầu chị nghe:
"Từ ngày em rời bỏ tỉnh Nghệ, mang tấm thân phiêu bạt đi khắp đó đây, em đã tự thề với em rằng em còn sống một ngày nào, thì đời em, em hoàn toàn hiến cho sự báo thù cha, cho sự trả ơn chúa. Cũng vì thế mà em dấn mình vào nơi nguy hiểm, đi tìm thầy học võ, tìm bạn đồng chí để gây thế lực.
"Thế rồi một đêm em gặp Trần Quang Ngọc, cùng nhau lập đảng Tiêu Sơn".
Hoàng phi kinh ngạc:
- Vậy ra chính em đã cùng Quang Ngọc, sáng lập đảng Tiêu Sơn?
- Vâng, sau khi em cùng chàng giết được tên ác tăng tu hành ở chùa Tiêu Sơn.
Rồi một ngày, đảng một thêm đông, một ngày em một thêm mến phục Quang Ngọc, mến vì nết, phục vì tài. Nhưng xin thú thực với chị rằng ngoài sự mến phục ra, không có gì nữa. Quang Ngọc coi em như một đảng viên khác bên nam giới mà thôi, còn em thì mải mê man trong cuộc hành động... em không bao giờ để lòng em...
Nhị nương im bặt như lấy làm hổ thẹn về lời thú tội của mình. Hoàng phi thở dài đáp:
- Thế thì em đáng thương lắm. Chị hiểu em rồi. Em ạ, chị em mình muốn khảng khái, muốn hiến thân cho việc lớn đến bực nào mặc lòng, cũng chẳng bao giờ thoát khỏi được ra ngoài vòng thường tình nhi nữ. Nhưng em ơi, nặng chữ tình thì có phạm tội gì đâu. Mà theo đuổi việc lớn thì sao lại không được có tình?
Nhị nương ngập ngừng:
- Nhưng... thưa chị, Quang Ngọc đã mặc áo cà sa.
- Không em ạ, Quang Ngọc tuy mình mặc áo cà sa, mà vẫn giữ một linh hồn một trang hiệp sĩ. Sống tạm trong tấm áo kẻ tu hành để làm việc lớn không phải hoàn toàn là kẻ tu hành. Đã không phải là kẻ tu hành, thì em có thể mong được mai sau...
Nhị nương bỗng ngồi ngay lại, nói dắn dỏi:
- Tạ ơn chị. Không, thưa chị, không bao giờ ta được nhu nhược. Em xin tự xử làm sao cho xứng đáng lòng tin cậy, lòng quý mến của Quang Ngọc, của đảng trưởng. Thưa chị, em nhất định không bao giờ chịu để ngữ "nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản" lại không đúng nghĩa đối với cả những hạng người theo đuổi việc lớn như Quang Ngọc?
Hoàng phi cảm động khen một câu:
- Em nghĩ rất phải.