Đoàn tàu điện ngầm màu trắng, lấp lánh như phalê, thuộc tuyến đường Bắc -
Đoàn tàu dừng lại trong khoảnh khắc. Nhà ga tràn ngập ánh sáng ngầm dưới đất. Những biển quảng cáo sặc sỡ hình chữ nhật: "Xà phòng kỳ diệu", "Dây đeo quần cực bền", "Xi đánh giầy đầu sư tử", "Xăm ô tô", "Quỷ đỏ", lớp lót cao su cho đế giày, bán phá giá trong các hiệu bách hóa "Luvrơ", "Cô gái bán hoa xinh đẹp", "Phòng tranh Laphayét"...
Một đám đông ồn ào, cười nói - nào những phụ nữ xinh xắn làm nghề bán hàng trong các cửa hiệu bách hóa, nào là những chú bé chạy giấy, nào những người nước ngoài, nào những thanh niên mặc áo vét tông bó khít, nào những công nhân mặc áo sơ mi đẫm mồ hôi, nhét vào trong chiếc thắt lưng đỏ rực - cả cái đám đông nhộn nhạo ấy chen chúc nhau đổ về phía đoàn tàu. Những cánh cửa kính mở ra trong thoáng lát... "Ô ô ô" - tiếng thở dài loang đi và cả một cơn lốc những mũ, những cặp mắt mở to, những cái miệng há hốc, những khuôn mặt đỏ bừng, vui vẻ, tức giận, tràn vào trong. Những nhân viên kiểm soát vé mặc áo vét màu gạch, nắm chắc tay vịn, dùng bụng đẩy hành khách vào toa. Cửa đóng lại ken két, một tiếng còi ngắn vang lên. Đoàn tàu như một dải lửa lao vào đường hầm tối đen.
Xêmiônốp và Tưclinxki ngồi ở dãy ghế phía bên trong toa, lưng quay về phía cửa. Tưclinxki nổi nóng:
- Đề nghị ông nhớ cho là chỉ phép lịch sự mới giữ được tôi khỏi làm ầm ĩ lên... Tôi có thể nổi giận một trăm lần đấy... Tôi đâu có thèm bữa ăn của bọn tỷ phú! Tôi nhổ vào những bữa ăn ấy... Dám gọi tôi là đồ vô lại!
- Để ý làm quái gì, anh Tưclinxki. Họ cho chúng ta khá nhiều tiền mà suy cho cùng thì chẳng đòi hỏi chúng ta một cái gì hết. Công việc chẳng có gì nguy hiểm, thậm chí còn thú vị nữa; tha hồ lang thang các quán rượu và tiệm cà phê...
- Tôi đòi hỏi họ phải tôn trọng tôi!
- Thôi đi, anh Tưclinxki. Tôn trọng có được trả tiền đâu cơ chứ.
Cạnh cửa toa tàu, đằng sau chiếc ghế dài mà Tưclinxki và Xêmiônốp đang ngồi nói chuyện, một người đàn ông đứng tì khuỷu tay vào thanh ngang bằng đồng. Đó chính là người đã có lần, trên đại lộ Công Đoàn, trong cuộc chuyện trò với Senga, tự xưng tên là Pitkêvích. Cổ áo măng tô y dựng lên, che kín phần dưới khuôn mặt, mũ đội sụp xuống mắt. Vừa đứng với vẻ uể oải và tì miệng vào đầu chiếc can bằng xương, y vừa lắng nghe toàn bộ câu chuyện giữa Xêmiônốp và Tưclinxki, lịch thiệp tránh sang bên khi hai gã vụt đứng dậy và y đi hai ga nữa mới ra khỏi toa, lên đại lộ Môngmác. Tại trạm bưu điện gần đấy, y đánh đi bức điện.
"Gửi Senga, Ban điều tra hình sự. Lêningrát. Người bốn ngón tay ở đây. Nhiều biến cố nguy hiểm".
Sau khi ra khỏi bưu điện, y rẽ vào một ngõ hẻm dẫn lên thị trấn Môngmác theo những hàng bậc mòn nhẵn, chăm chú nhìn khắp lượt xung quanh rồi tạt vào một quán rượu nhỏ tối tăm. Y hỏi mượn tờ báo, mua một ly rượu poóc- tô và bắt đầu đọc.
Vài phút sau, từ ngoài phố bước vào một người gầy gò, mặc áo khoác bằng vải thô, tóc màu hạt dẻ, không đội mũ.
- Chào Garin - gã nói với người đang đọc báo - Anh có thể chúc mừng tôi được đấy... Thành công rồi...
Garin siết chặt tay gã:
- Lơnoa...
- Đúng thế. Tôi vô cùng hài lòng... Tôi sẽ đòi bằng được để chúng ta nhận được bằng sáng chế.
- Không đời nào... ta đi đi.
Họ bước ra khỏi quán, đi ngược lên theo ngõ hẻm bậc thang, rẽ sang phải rồi đi hồi lâu qua những ngôi nhà bẩn thỉu ở ngoại ô, qua những bãi hoang rào dây thép gai, nơi những bộ quần áo rách nát bay phần phật trên các đoạn dây thừng, qua những xưởng thủ công và xưởng thợ.
Ngày sắp tàn. Phía trước là những toán công nhân mệt mỏi đi ngược chiều lại. Ở đây, trên núi này, dường như là nơi sinh sống của một loại người có những bộ mặt khác - rắn rỏi, gày gò, cương nghị. Dường như dân tộc Pháp, để tránh phát phì và thoái hóa, đã chuyển lên những điểm cao bên trên Pari và tại đây, bình thản và nghiêm nghị, chờ đợi giây phút có thể gột rửa thành phố dưới thấp kia khỏi xấu xa tội lỗi và lại đưa con tàu Luytexơ[1] ra đại dương rực nắng.
- Ta vào đây, - Lơnoa vừa nói vừa dùng chiếc chìa khóa Mỹ mở cửa một ngôi nhà kho thấp lè tè bằng đá.
Garin và Lơnoa bước lại gần một lò nhỏ xây bằng gạch có chụp che. Trên chiếc bàn gần đấy là những khối chóp nhỏ xếp thành hàng. Trên sườn lò là một vòng đồng dày với mười hai chén sứ nhỏ xếp theo chu vi của nó. Lơnoa thắp nến lên và mỉm cười bí ẩn, nhìn Garin.
- Anh Garin ạ, chúng ta quen nhau đã mười lăm năm rồi, có đúng thế không? Chúng ta đã nhiều phen sướng khổ bên nhau. Anh có thể tin chắc rằng tôi là người trung thực. Khi tôi chạy khỏi Nga Xô, anh đã giúp đỡ tôi... Do đó, tôi kết luận rằng, anh đối xử với tôi không đến nỗi nào. Vậy anh hãy nói xem, tại sao anh lại giấu tôi, không cho tôi biết gì về bộ máy? Tôi biết rằng nếu không có tôi, không có những khối tháp nhỏ này thì anh sẽ hoàn toàn bất lực. Vậy ta hãy thành thật với nhau đi...
Garin chăm chú xem xét chiếc vòng đồng với những chén sứ nhỏ, vừa hỏi:
- Anh muốn tôi tiết lộ bí mật phải không?
- Đúng.
- Anh muốn tham gia vào công việc chứ gì?
- Đúng thế.
- Nếu cần - mà tôi dự đoán rằng sau này thế nào cũng có lúc cần - anh sẽ phải liều mình để công việc thành công đấy...
Không rời mắt khỏi Garin, Lơnoa ngồi lên mép lò, khóe miệng gã run run.
- Được, - gã rắn rỏi đáp, - tôi đồng ý.
Garin im lặng, lấy móng tay dứt dứt bộ râu.
- Tôi sẽ lấy anh làm người tham gia công việc... Nhưng có một điều kiện... Và phải làm ngay...
- Được, tôi đồng ý bất kỳ điều kiện gì.
- Lơnoa ạ, anh biết tôi đến Pari với hộ chiếu giả. Mỗi đêm tôi lại thay đổi khách sạn. Hôm qua, tôi nhận thấy tôi đang bị theo dõi. Việc theo dõi được giao cho mấy gã bạch vệ Nga. Có lẽ chúng tưởng tôi là điệp viên của Bônsêvích. Tôi cần đánh lạc hướng bọn theo dõi tôi.
- Vậy tôi phải làm gì?
- Anh phải hóa trang thành người giống hệt tôi. Nếu anh bị bắt, anh hãy xuất trình giấy tờ của anh. Tôi muốn tự nhân đôi lên. Tôi với anh cùng khổ người. Anh hãy nhuộm tóc, gắn râu giả vào và chúng ta sẽ mặc quần áo giống nhau. Sau đó, ngay tối nay, anh hãy dọn từ khách sạn của anh đến khu khác trong thành phố, nơi không ai biết anh hết, chẳng hạn như khu Latinh. Ta thỏa thuận chứ?
Lơnoa nhảy từ mép lò xuống, siết chặt tay Garin. Rồi gã bắt đầu giải thích là gã đã làm thế nào để chế tạo được những khối chóp kia từ hỗn hợp nhôm và ôxýt sắt (técmít) với dầu ở thể rắn và phốtpho vàng.
Sau khi đặt các khối chóp vào những chiếc chén sứ trên vòng đồng, gã đốt chúng bằng một sợi dây mảnh. Một cột lửa sáng lóe bốc lên bên trên lò. Ánh sáng và áp lực của sóng không khí mãnh liệt đến nỗi cả hai phải lùi sâu vào cuối nhà kho.
- Tuyệt lắm, - Garin nói, - Tôi hy vọng không hề có muội than gì chứ?
- Cháy hoàn toàn ở nhiệt độ khủng khiếp này. Vật liệu đã được tinh chế bằng phương pháp hóa học.
- Tốt lắm. Vài ngày nữa anh sẽ được chứng kiến phép lạ, - Garin nói. - Ta đi ăn trưa đi, rồi sẽ cử người về khách sạn lấy đồ đạc. Ta sẽ ngủ ở bờ bên trái. Còn ngày mai tại Pari sẽ có hai Garin... Anh có chìa khóa nữa để mở nhà kho này chứ?
Ở đây không có những dòng ô tô bóng lộn, không có những con người nhàn rỗi cứ ngoái cổ hết bên này sang bên kia đến phát đau lên để nhìn các cửa hàng, không có những phụ nữ đẹp mê hồn, cũng không có những ông vua công nghiệp.
Ở đây chỉ có những chồng gỗ tấm tươi, những đống sỏi cao như núi, và ở giữa phố là những bãi đất sét xanh sẫm cùng những khúc ống dẫn nước xếp bên cạnh hè phố, trông như một con sâu khổng lồ bị chặt khúc.
Taraskin, hội viên câu lạc bộ Xpáctác, ung dung đi đến câu lạc bộ ở ngoài đảo. Anh đang trong tâm trạng thanh thản nhất. Người ngoài thoạt nhìn thì có cảm giác anh đang sầu muộn, nhưng đó là vì Taraskin tính khí thâm trầm, điềm đạm, và tâm trạng vui vẻ của anh không hề bộc lộ ra ngoài, trừ tiếng huýt sáo nhè nhẹ và dáng đi thong thả.
Còn cách tàu điện khoảng trăm bước, anh bỗng nghe thấy tiếng ồn ào và la hét giữa các chồng gỗ. Đương nhiên, mọi chuyện xảy ra trong thành phố đều liên quan trực tiếp đến anh.
Anh ngó nhìn vào phía sau các chồng gỗ và thấy ba đứa trẻ mặc quần loe rộng và áo bludông dày; chúng vừa giận dữ thở phì phì vừa tới tấp nện một đứa trẻ thứ tư, thấp bé hơn chúng, chân không giày, đầu không mũ, và mặc chiếc áo bông rách tơi tả đến nỗi khiến ai cũng phải ngạc nhiên. Chú bé lặng lẽ chống cự. Khuôn mặt gày gò của chú sây sát hết, cái miệng nhỏ của chú mím chặt, đôi mắt nâu sẫm của chú như mắt sói con.
Taraskin lập tức tóm lấy hai đứa bé, xách cổ nâng bổng lên, còn đứa thứ ba thì anh cho một cú đá khiến nó kêu rống lên, nấp vào sau đống gỗ.
Hai đứa kia chới với trong không khí, chửi rủa thậm tệ, nhưng Taraskin lắc mạnh chúng hơn nữa làm chúng phải dịu đi.
- Cái kiểu bắt nạt trẻ con này tao đã trông thấy nhiều lần ngoài phố rối, - Taraskin vừa nói vừa nhìn thẳng vào hai cái miệng thở hổn hển. - Đừng để tao gặp thêm một lần nữa. Hiểu chứ?
Bị đẩy vào tình thế buộc phải đồng ý, hai đứa trẻ cau có đáp:
- Hiểu ạ.
Anh liền buông chúng ra, chúng vừa càu nhàu dọa sẽ cho biết tay vừa lảng đi, hai tay đút túi.
Chú bé vừa bị đánh tơi bời cũng định lẩn luôn nhưng rồi chú chỉ quanh quẩn một chỗ, khe khẽ rên rỉ và ngồi xuống, rúc đầu vào chiếc áo bông rách nát.
Taraskin cúi xuống chú. Chú khóc nức nở.
- Này cháu, - Taraskin gọi. - Nhà cháu ở đâu?
- Chẳng ở đâu cả, - chú bé đáp, vẫn rúc mặt vào áo.
- Chẳng ở đâu nghĩa là thế nào? Cháu có mẹ không?
- Không.
- Thế còn bố? Cũng không à? Vậy cháu là trẻ bơ vơ rồi.
Taraskin đứng một lát, nếp nhăn trên mũi giãn ra. Chú bé vẫn khóc.
- Cháu có đói không? - Taraskin bực tức hỏi.
- Có.
- Được, đến câu lạc bộ với chú đi.
Chú bé định đứng dậy, nhưng không đứng nổi. Taraskin liền bế chú lên - người chú nhẹ bỗng - và đưa đến tàu điện. Tàu chạy rất lâu. Trong lúc chuyển tàu, Taraskin mua một chiếc bánh mì và chú bé run rẩy ngoạm lấy ngoạm để. Sau đó, hai người đi bộ đến Trường huấn luyện chèo thuyền. Khi đẩy chú bé qua cửa hàng, Taraskin bảo.
- Cấm ăn cắp đấy.
- Không, cháu chỉ ăn cắp bánh mì thôi.
Chú đờ đẫn nhìn làn nước đang phản chiếu những vệt nắng nhấp nháy trên những con thuyền sơn bóng, nhìn cây liễu xanh ánh bạc rũ vẻ đẹp của mình xuống dòng sông, nhìn những tay đua rám nắng, cuồn cuộn bắp thịt; khuôn mặt hốc hác của chú lộ vẻ thản nhiên và mệt mỏi. Khi Taraskin quay đi, chú leo lên chiếc sàn gỗ nối liền chiếc cổng rộng của câu lạc bộ với dãy phao chắn và cuộn tròn lại, ngủ thiếp đi ngay lập tức.
Đến tối, Taraskin lôi chú bé ra từ dưới cầu tay vịn, ra lệnh cho chú rửa mặt và rửa tay chân dưới sông rồi dẫn chú đi ăn. Chú được xếp ngồi cùng bàn với các vận động viên bơi thuyền. Taraskin bảo các bạn:
- Có thể giữ lại chú bé này ở câu lạc bộ, chú ta không ăn báo cô đâu, rồi chúng ta sẽ luyện cho chú quen với sông nước. Chúng ta đang cần một chú bé nhanh nhẹn đấy.
Các bạn anh đồng ý để chú ở lại câu lạc bộ. Chú thản nhiên nghe họ trao đổi với nhau, khoan thai ăn uống. Ăn xong, chú lặng lẽ đứng dậy. Chẳng có gì làm chú ngạc nhiên nữa - chú đã trải qua quá nhiều cảnh đời rồi.
Taraskin dẫn chú lên dãy phao chắn, bảo chú ngồi rồi bắt đầu hỏi chuyện.
- Tên cháu là gì?
- Ivan.
- Cháu từ đâu đến?
- Từ Xibia. Từ thượng nguồn sông Amua.
- Cháu đến đây lâu chưa?
- Cháu đến hôm qua.
- Vậy cháu đi bằng cách nào?
- Lúc thì cháu cuốc bộ, lúc thì nằm trong hòm dưới toa tàu.
- Cháu đến Lêningrát làm gì?
- Đây là việc của cháu, - chú bé đáp rồi quay mặt đi. - Nếu đã đến thì tức là có việc cần phải đến.
- Cháu cứ kể đi, chú không làm gì cháu đâu.
Chú bé không trả lời và lại rúc đầu vào áo. Tối hôm đó, Taraskin không được chú bé cho biết gì hết
Chiếc thuyền đua hai chỗ ngồi đóng bằng gỗ hồng sắc trông mỹ lệ như chiếc vĩ cầm lướt nhẹ theo một dải hẹp trên mặt nước phẳng như gương. Cả hai cặp chèo lướt nằm trên dòng nước. Senga và Taraskin cởi trần, mặc quần đùi trắng, lưng và vai rộp lên vì nắng, ngồi bất động, hai đầu gối nhô lên.
Người thanh niên cầm lái, một chàng trai nghiêm trang, đội mũ thủy thủ và quấn kín khăn quanh cổ, nhìn đồng hồ bấm giây.
- Sắp có cơn dông đấy, - Senga nói.
Không khí trên sông nóng nực, không một chiếc lá nào lay động trên bờ sông cây cối xanh um quá mức. Bầu trời chói chang ánh nắng đến nỗi cái thế giới xanh biếc của nó dường như chất đầy những đống tinh thể. Mắt nhức nhối, thái dương đau nhói.
- Hạ mái chèo xuống nước! - anh thanh niên cầm lái ra lệnh.
Senga và Taraskin lập tức khom người xuống, đôi đầu gối dãn ra, nâng mái chèo lên rồi hạ chìm trong nước, ngửa người gần như nằm, hai chân duỗi thẳng, trượt đi trên ghế ngồi. - Hai - ba này!...
Mái chèo cong lên, chiếc thuyền lướt trên mặt sông như một mũi tên.
- Hai - ba này, hai - ba này, hai - ba này! - anh thanh niên cầm lái ra lệnh.
Đều đặn và gấp rút theo nhịp đập của trái tim, theo nhịp thở ra hít vào, thân thể của Senga và Taraskin hết co vào, lơ lửng phía trên đầu gối, lại giãn ra như sợi lò so. Đều đặn, theo nhịp chảy của máu trong huyết quản, các bắp thịt làm việc khẩn trương, ráo riết.
Con thuyền đua lướt như bay ngang qua đám thuyền dạo chơi, nơi những người nai nịt cẩn thận khua lung tung mái chèo một cách bất lực. Senga và Taraskin vừa chèo vừa nhìn thẳng trước mặt, nhìn vào sống mũi của anh thanh niên cầm lái, đồng thời dùng mắt để giữ cho thuyền thăng bằng. Từ đám thuyền đang dạo chơi, người ta chỉ kịp hét theo:
- Chà, đồ quỷ!... Làm đắm thuyền người ta bây giờ!...
Họ đã ra đến khoảng ven biển. Họ lại nằm một phút bất động trên mặt nước và lau mồ hôi trên mặt. Hai - ba! Họ lại cho thuyền chạy ngược lại, ngang qua câu lạc bộ thuyền buồm, nơi những cánh buồm to rộng trên các du thuyền của Công đoàn Lêningrát lơ lửng trong bầu không khí nóng nực, trong suốt, tựa như những tấm vải đã mất hết sinh khí. Tiếng nhạc rộn ràng trên hàng hiên của câu lạc bộ thuyền buồm. Những tấm huy hiệu và những lá cờ sặc sỡ, nhẹ nhàng, chăng dọc theo bờ, không hề lay động. Từ mấy chiếc xuồng, một toán người lạ da bánh mật nhảy xuống giữa sông, làm nước bắn tung tóe.
Sau khi lướt qua những người đang tắm, chiếc thuyền đua tiến lên theo sông Népca, lướt như bay dưới cây cầu, chạy song song vài giây bên một chiếc thuyền đua bốn chỗ ngồi thuộc câu lạc bộ "Mũi tên", rồi vượt nó (anh thanh niên cầm lái quay lại hỏi qua vai: "Có muốn bọn này kéo rơmoóc không?"), tiến vào con sông Crextốpca chật hẹp, hai bờ rậm rạp cây cối, nơi thấp thoáng dưới bóng râm xanh mát của đám liễu lấp lánh như bạc là những chiếc khăn đỏ và những cặp đầu gối để trần của nữ học viên chèo thuyền. Sau đó, chiếc thuyền của Senga và Taraskin dừng lại cạnh dãy phao chắn của Trường huấn luyện chèo thuyền.
Họ nhảy lên dãy phao chắn, thận trọng đặt những mái chèo dài xuống sàn gỗ, cúi xuống chiếc thuyền, và theo nhịp hô của anh thanh niên cầm lái, nâng bổng nó lên và đưa vào nhà kho qua chiếc cổng rộng, Rồi họ đi tắm vòi hương sen, chà xát người đến đỏ lên, và theo đúng thông lệ, uống mỗi người cốc nước trà pha chanh. Họ cảm thấy mình như vừa sinh ra trong thế giới tuyệt vời này, một thế giới đáng để họ bỏ công sức ra xây dựng cho nó tốt đẹp hơn.
Chú thích:
[1] Biểu tượng của Pari - tên cũ là Luytexơ - là con tàu nhỏ bằng vàng